Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



GIẤC MƠ HỒI HƯƠNG


V ừa bước xuống sân bay Nội Bài, tôi nhìn về khu thân nhân, bạn bè đến đón khách, tôi bắt gặp ngay ánh mắt Nguyễn đang tìm tôi. Tôi vội dơ tay lên cao để làm hiệu. Nguyễn chạy vội lại bắt tay tôi.

“ Bạn chờ tôi có lâu không?”

“Tôi liên lạc với quày vé và biết chuyến bay đến trễ một tiếng đồng hồ nên tôi cũng vừa mới đến vài phút thôi.”

“Phiền bạn cho tôi về khách sạn mà bạn đã chọn hộ.”

“Hôm nay bạn có muốn tôi đưa đi đâu không?”

“Cám ơn bạn. Ngày mai mới bắt đầu..., nghỉ ngơi một chút cho khỏe đã! Tôi còn ở chơi Hà-nội nhiều ngày mà...”

***

Tôi thích hát và đàn nhạc phẩm Giấc Mơ Hồi Hương của nhạc sĩ Vũ Thành và nhạc phẩm Gợi Giấc Mơ Xưa của nhạc sĩ Lê Hoàng Long. Cứ mỗi lần nghe hai bản nhạc này từ làn sóng điện đài phát thanh Saigon trước năm 1975, tôi rất xúc động và gửi lòng mình vào tâm tư của tác giả.

Nên tuy tôi sinh trưởng và lớn lên tại miền nam, nhưng bạn bè của tôi đa số là người bắc di cư.

Tôi mê các cô gái tóc xõa ngang vai nói giọng Bắc, vừa xinh đẹp vừa lịch thiệp cùng chung lớp chung trường bậc trung học đệ nhị cấp và đại học. Nhưng dần dần các nàng đổi trường, lớp....rồi lên xe hoa lúc nào mà tôi chẳng biết.

Tôi có một dạo thất tình nên đâm ra sáng tác ca khúc để gửi gắm tâm sự mình vào đấy.

“ Ngàn lời thơ cay đắng, ngao ngán duyên tơ, bẽ bàng chiều mơ,
Mộng ngày xanh tan vỡ, ta nắn cung đàn, âm vang âm thầm.
Lệ sầu hoen mắt ướt, lưu luyến trong tim, em qua lạnh lùng.
Hững hờ sao mi xanh, khép kín tâm tình, trọn kiếp đau thương.
Yêu người em trong trắng, môi ngát men nồng,
Xuân về trên mái tóc óng ánh nhung huyền,
Hương thời gian xao xuyến, tím trong tim hồng,
Ngày mai đây xa nhau, nhớ thương ngập lòng hình bóng thanh xuân.
Người em ta yêu dấu, chẳng luyến lưu sao những ngày gần nhau?
Dù nhìn em không nói mà chớm nghe lòng rung rung tơ đồng,
Nhạc chiều dâng xao xuyến, trông xác hoa rơi, vô tư em cười...
Riêng mình ta đau thương, ước mơ muôn đời hình bóng thanh xuân.!”

Rồi một ngày đẹp trời cách vài năm sau, giấc mơ Hà-Nội của tôi cũng thành sự thật. Tôi lên xe hoa với một cô gái Hà-Nội di cư vừa tuổi đôi mươi. Nàng không đẹp nhưng xinh có giọng nói dịu dàng và rất yêu tôi. Chúng tôi sống rất hạnh phúc trong vòng tay cao thủ của một con sư tử Hà Đông móng vuốt bọc nhung rất êm ái.

***

Trước ngày chia đôi đất nước theo hiệp định Genève 1954, tôi được bố tôi cho ra Hà Nội một lần vào năm 1952 để thăm người chú là sĩ quan được động viên đang phục vụ tại chiến trường ngoài đó.

Thời kỳ này, chiến sự ở ngoài bắc rất rộn ràng. Mặt trận Na San, mặt trận Điện Biên Phủ, quân đội Pháp và quân đội quốc gia đụng trận với bộ đội Việt Minh.

Hàng ngày tin tức chiến sự phát ra từ đài phát thanh Quốc gia, đài Pháp Á, đài Con Nhạn, đài VOA, đài BBC...làm thính giả chú ý theo dõi nhiều.

Tạp chí Paris Match xuất bản từ Pháp, bán chạy như tôm tươi ở các sạp báo ở các thành phố lớn ở Việt-Nam vì in nhiều hình ảnh chiến sự mới xẩy ra do các phóng viên từ chiến trường gửi về.

Hai bố con chúng tôi đi bách bộ quanh bờ hồ Hoàn Kiếm dưới những hàng liễu rũ.

Bố tôi bảo tôi:

“Lần này bố đưa con ra đây để con biết nơi con đã tượng hình và cũng là nơi bố mẹ sống những ngày hạnh phúc nhất trong đời.”

Bố tôi âu yếm nhìn tôi tưởng tôi không hiểu ý nghĩa cao đẹp của câu nói vừa rồi của bố.

Khi mới lớn tôi đã được mẹ tôi thổ lộ tâm sự này một lần:

“Đáng lẽ ra con đã được chào đời tại Hà-Nội nhưng vì bà nội con góa bụa sớm, chỉ sinh được ba người con là cô Hai, cô Ba và bố con là con út. Bố con là con trai duy nhất để nối dõi tông đường. Bà nội con muốn bố con sống bên cạnh bà, dù tuổi đã trưởng thành, để bà có thể chăm sóc bố con như thuở còn bé bỏng. Nhưng khi bố con thành hôn với mẹ năm 1932, bố con vì công việc kinh doanh thương mại nên đã xin phép bà nội con bay nhảy trong mười năm đầu rồi sẽ về lại cố hương để phụng dưỡng bà nội. Bà nội con chấp thuận với một điều kiện nhỏ bà nội con chỉ mong chóng có cháu để ẵm mà phải là cháu... trai thôi!”

Bà nội bảo mẹ phải theo ba con ra sống ở Hà-Nội là nơi ba con sáng lập xưởng làm nón cối bán toàn thể Đông Dương lúc bấy giờ. Vì bà quan niệm, con gái Hà nội thanh lịch, nói năng ngọt ngào, e ba con sẽ... có ngày quên người vợ đang sống xa...trong miền nam.

Ba con có hãng sản xuất nón cối mang nhãn hiệu hiệu “B.Đ” (Bảo Đại) vì ba con nghĩ đến mẹ là người có gốc chúa Nguyễn, Gia-Miêu ngoại trang từ Thanh-Hóa di dân vào nam. Nhãn hiệu thứ hai là “Triforcasque” và nhãn hiệu thứ ba là “ Ive Châtel” (tên toàn quyền Pháp lúc đó (?).

Nón được cung cấp cho các trường học khắp các tỉnh trong xứ Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai lao và Cao miên vì đa số học sinh thích dùng loại nón này khi đi học vừa sang vừa bền.

Khi bố mẹ có tin mừng, bà nội con bảo mẹ phải trở về miền nam để sinh. Vì thế con không được chào đời ở Hà-Nội theo ước muốn của bố mẹ mong ghi một kỷ niệm đẹp đầu đời tại nơi đây.”

***

Theo chương trình tôi đã hoạch định từ bên Mỹ, ngày thứ hai khi đến Hà Nội, tôi phải đi xem nhiều nơi như chợ Đồng Xuân, Ba Mươi Sáu phố phường của Thạch-Lam, bốn cửa Ô, phố Quan Thánh, nơi tòa soạn của nhóm Tự lực văn đoàn ngày xa xưa, thăm nơi xuất phát tờ báo của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, ngôi nhà của nhạc sĩ Văn Cao, thăm Văn Miếu, Nhà Hát Lớn Hà nội... và còn nhiều nơi nữa mà qua các tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn đã diễn tả.

Sáng hôm sau, tôi mặc bộ áo quần vải mỏng miền nhiệt đới, đeo cặp kính râm đi xuống quày tiếp tân của khách sạn ba sao để giao chìa khóa phòng trọ. Cô gái phụ trách tiếp tân tóc dài xõa ngang vai, thân hình thon gọn, mặt mũi rất xinh đang ngồi sau quày. Nàng đứng lên chào tôi. Tôi chào nàng. Nàng hỏi tôi cần gì.

Người nàng trông mát mắt nhưng giọng nói phát ra những âm cuối lên giọng hơi cao... nên nghe làm sao ấy ... làm tôi chợt nghĩ có lẻ cô nàng không phải dân sinh trưởng tại thành phố này.

Tôi trả lời: “Tôi muốn ra phố... tôi cần một bản đồ thành phố Hà Nội ...”

Nàng trả lời: “Rất tiếc, chúng tôi không có bản đồ tại khách sạn nhưng ông có thể tạt ngang qua hiệu sách gần đây thì có bán.”

Lại phải nghe lần nữa một giọng nói “ Hà Nội” không “ đúng Hà-Nội êm tai “ lại thêm lòng tò mò cố hữu của tôi nên tôi buộc miệng:

“Xin lỗi cô, cô sinh ra... ở ngay thành phố này?”

Có lẻ nàng ngạc nhiên vì câu hỏi hơi ngớ ngẩn của người khách Việt kiều nên im lặng một giây rồi chậm rãi trả lời:

“Vâng, em sinh ra tại phố Hàng Đào trong thời gian nước nhà đã thống nhất . Gia đình em đã nhiều đời cư ngụ tại thành phố này, ông....” nàng định nói thêm nữa, nhưng nàng ngừng lại ngay.

Hỏi để mà hỏi. Tôi nghĩ:

“Sao cách phát âm của người Hà Nội ngày nay đổi khác, chẳng giống giọng Hà Nội của bạn bè “di cư 54” của tôi.”

Bước ra khỏi khách sạn, ghé vào hiệu sách mua một bản đồ và mấy tấm carte postale, tôi bách bộ đi xem phố xá Hà-Nội. Hôm nay, tôi phải đến bốn nơi ở thành phố nghìn năm văn vật này để nhìn những địa danh nằm trong ký ức của tôi từ lâu, trước khi đi “tham quan” các danh lam thắng cảnh khác của đất Thăng Long sắp hưởng Thượng Thọ Nghìn Năm này.

Phố Khâm Thiên, nơi bố tôi đã sáng lập xưởng sản xuất nón cối từng nổi tiếng toàn cõi Đông Dương 1932- 1945.Và cũng là nơi bố mẹ tôi sáng tạo ra tôi. Ngôi nhà của người yêu lần đầu của tôi tọa lạc tại phố Huế.(Theo lời nàng kể cho tôi)

Ngôi nhà của người yêu cuối cùng và cũng là đương kiêm nội tướng của tôi ở phố Trần Nhân Tôn.

Khu trường học Lam Sơn tọa lạc gần Trường Mù và hồ Thuyền Quang của người bạn đời của tôi trước khi nàng di cư vào Nam năm 954. Mới ra khỏi hiệu sách chừng vài chục bước, tôi định gọi xe ôm để đi... bổng một chiếc xe đạp của một cô gái đang đạp nhanh đâm sầm vào người tôi. Tôi ngả xuống đường phố.

Tôi thức giấc.

Bên tay phải của tôi tờ báo Việt Nam cuối tuần rơi xuống sàn nhà, trang tạp ký của Tuyết-Lan viết về Hà Nội của nàng “Hà-Nội đổi tên” (Hà-Nội lụt lội biến thành Hà lội!) mà tôi đọc lúc vào giường còn mở rộng và bên tay trái của tôi một cô gái Hà-Nội cao niên đang gối đầu vào vai tôi, tay choàng qua quả tim rất yêu đời của tôi ngủ say.

Ôi thật diễm phúc khi có một Hà-Nội tuyệt vời bằng xương thịt sống mãi trong trái tim tôi và hòa tan trong thân thể tôi gần nửa thế kỷ. Cần gì phải có một Hà-Nội nào khác nữa. -/.




VVM.19.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .