vĩ thanh ÔNG GIÀ NOEL HẬU ĐẬU
- B
à nội đâu? Sao con chưa dắt bà ra ăn cơm?
Toàn ngạc nhiên hỏi con gái, khi không thấy bà lão trong bàn ăn. Lúc này vợ Toàn còn đang lúi húi ở nhà dưới, chưa lên.
Thúy trả lời:
-Bà bảo còn no. Khi nào đói bà ăn sau, ba ạ.
-Bà “dỗi” à? Cãi nhau với mẹ hay sao?
-Không có.
-Hay bà lại bệnh rồi?
Với Toàn, mỗi khi bà lão bỏ cơm chỉ có hai lý do: hoặc đau ốm hoặc “dỗi” con dâu.
-Không đâu ba. Bà khỏe mà.
-Thế sao bà không ăn cơm?
-Thì bà nói rồi, bà chưa đói. Chưa đói mà tích thêm vào chỉ đầy hơi chướng bụng chứ ích gì?
-Cũng đúng. Con chú ý chăm bà nhé, thấy bà bệnh nhớ nói ngay cho ba mẹ.
-Con biết mà.
Sau bữa ăn tối, như thông lệ, Toàn nhấc ghế ra sân ngồi hóng mát dưới giàn Sử Quân Tử rợp những chùm hoa đỏ thả đong đưa.
Thúy cũng đem ghế ra ngồi cạnh cha, gợi chuyện:
-Ba này!
-…
-Ba biết gì chưa?
Toàn quay sang nhìn Thúy. Hai mắt cô bé mở to, mặt đầy vẻ nghiêm trọng. Ông bố đã quen những biểu lộ “cường điệu quá mức cần thiết” của con, chỉ tủm tỉm cười:
-Biết gì?
-Ôi, chuyện quan trọng thế mà ba chẳng biết gì cả!
-Con mèo cưng của con lại mang bầu à?
-Không phải.
-Con rửa bát vừa làm vỡ cái chén đẹp nhất của mẹ hả?
Thúy phụng phịu:
-Không có.
-À, là con cần tiền mua quà sinh nhật bạn, phải không?
Thúy lắc nguây nguẩy:
-Không… không!… Những chuyện lặt vặt ấy có gì mà quan trọng?
-Ba chịu thua. Con nói ba nghe đi.
Cô con gái hờn dỗi:
-Chán ba quá! Chẳng bao giờ ba quan tâm đến ai trong nhà cả.
Toàn hơi bối rối, gãi đầu:
-Ba tưởng với con chỉ những chuyện ấy mới là quan trọng? Thôi hiểu rồi, con muốn dẫn bạn trai về giới thiệu với ba mẹ chứ gì?
Thúy giãy lên:
-Con làm gì có bạn trai? Mà giả sử có cũng chưa phải lúc dẫn về nhà giới thiệu, ba ạ.
Toàn nhìn con đăm đăm:
-Ờ, thế con nói đi. Mọi ngày con nhanh nhảu lắm, sao hôm nay ề à mãi thế?
Thúy ngoái đầu nhìn vào trong nhà như thăm dò, sợ điều sắp tiết lộ có thể bị mẹ nghe được. Thái độ ấy làm Toàn suýt bật cười, may anh kịp giữ lại.
-Ba biết không, bà nội… đang yêu đấy.
Toàn giật mình, gắt nhẹ:
-Nói linh tinh! Mẹ nghe được là cả nhà bên ngoại khinh thường bà nội đấy.
-Thì con chỉ nói ba nghe chứ có nói với mẹ đâu.
-Sao con biết bà đang yêu?
-Con biết lâu rồi. Giờ con nói với ba, không thôi mỗi lần thấy bà bỏ cơm ba lại tưởng mẹ vừa cãi nhau với bà.
-Ba không tin. Vớ vẩn!
-Vớ vẩn gì chứ? Thật đấy.
-Thế bà… yêu ai?
-Ba hỏi lạ! Thì yêu một người đàn ông… Chính xác là một ông lão ngoài 80 xuân vàng, chứ còn ai nữa?
-Ba mẹ có biết ông ta không?
-Chắc chắn không rồi. Chỉ mình con biết thôi.
-Tài nhỉ! Ông ta tên gì?
-Johnny!
Một lần nữa, cô con gái làm ông bố giật thót:
-Sao? Tây à? Da đen hay da trắng?
-Tây! Mà là “Tây… đui”, nên da vàng y chang cha con mình.
-Sao lại có tên Tây?
-Tên gì chả được, thích thì có thôi. Chắc ông ấy là Việt kiều từng nhiều năm sống ở nước ngoài. Con đoán.
-Giờ mạng xã hội nhiều kẻ xấu giả danh lừa tình cuỗm tiền phụ nữ lớn tuổi lắm. Mày nói làm ba hoảng quá.
-Ba yên tâm. Ông “Tây… đui” này rất đàng hoàng. Rất nghiêm túc. Rất tốt bụng.
-Sao mày rành thế, con gái?
-Thì con gặp ông ấy nhiều ngày rồi mà.
-Ý trời! Gặp ở đâu? Bao giờ? Ông ta đến nhà mình à? Mấy lần rồi? Sao ba mẹ chẳng biết gì cả?
Thúy nguýt yêu cha:
-Ba làm gì rối rít lên thế? Cứ thủng thẳng chờ nghe con kể. “Từ từ khoai cũng nhừ” thôi!
-Kể ngay đi, từ từ gì nữa? Hôm nay mày ăn trúng thứ gì mà loanh quanh lòng vòng mãi, sốt ruột!
Cô bé ranh mãnh che miệng cười hi hí, cố tình nhẩn nha trêu ông bố đang rất nôn nóng:
-Ba năm trước cũng vào dịp cuối năm như bây giờ, bà nội thình lình phát bệnh nặng, phải vào bệnh viện phẫu thuật… Ba nhớ không?
-Nhớ, nhớ! Thời điểm ấy đang còn dịch Covid, bệnh viện chỉ cho một người nhà nuôi bệnh thôi.
-Đúng rồi. Người chăm bà nội lúc ấy là con nên con tiếp xúc với ông Johnny hàng ngày…
Thúy bảo rằng, ngay khi bà nội xuất viện về nhà rồi, cô cũng không nghi ngờ gì. Cho đến buổi tối giao thừa dương lịch đột ngột có món quà của một người giấu tên nào đó gửi tặng bà. Hộp quà be bé thôi mà gây cho bà xúc động lớn lao, đến rơi nước mắt.
-Ba nhớ rồi, chiếc nhẫn mặt đá trắng! Mẹ con còn nói đùa: tương tự nhẫn ngày trước ba cầu hôn mẹ…
Thúy hạ thấp giọng, như thầm thì:
-Ba không biết đâu, bà nội hay mở ra nhìn ngắm lâu lắm, lần nào cũng rưng rưng mắt… Con bắt gặp nhiều lần đấy. Nhất định là một kỷ vật rất quan trọng.
-Bà kể với con thế à?
-Không. Con dò hỏi hoài mà bà nhất định không chịu nói. Con suy đoán thôi.
-Căn cứ vào đâu?
-Đã bảo con suy đoán mà. Con để ý thấy từ hôm ấy, thái độ bà lạ lắm, rất khác trước kia.
-Lúc ba mẹ vắng nhà, ông ta có đến tìm bà không?
-Hoàn toàn không. Cái này con biết rõ. Hai cụ không hề có bất cứ liên lạc nào.
-Lạ nhỉ? Nếu chỉ một lần tặng quà thì chắc gì đúng như con kết luận?
-Sao lại một lần? Hai mùa Noel kế tiếp đều có quà gửi bà đấy thôi? Cũng của một người giấu tên, cũng vào tối ngày 24 và cũng ba ra nhận từ tay một ông già Noel mang đến. Ba quên à?
-Hai lần ấy chỉ là thiệp chúc mừng Giáng Sinh, đâu có gì đặc biệt? Mùa Giáng Sinh nào chẳng có hàng tỉ tấm thiệp thiên hạ gửi cho nhau như thế. Bình thường thôi.
-Thiên hạ thì con không biết, chứ con biết bà nội đã rất vui và cảm động. Bà trân trọng lắm, luôn đặt dưới gối nằm. Giá trị tấm thiệp không thua chiếc nhẫn là bao. Con đoán.
Toàn ngẩn mặt ra, ngẫm nghĩ:
-Nhưng chỉ trân trọng tấm thiệp mà con quả quyết “bà nội đang yêu” thì ba chưa tin.
-Quà tặng vật chất là cầu nối, là cách chuyển giao tình cảm. Bà nội trân trọng tấm thiệp tức là trân quý tình cảm người tặng, ba ơi! Ba biết không, có lần bà nội nói tính ba hời hợt, thiếu tâm lý, giống hệt ông nội. Giờ con tin rồi, ba hời hợt thật. Thảo nào chưa một lần con thấy ba mua quà tặng mẹ.
-Vẽ chuyện! Tiền nằm hết trong túi mẹ, thích quà gì thì mẹ tự đi mua cho đúng ý. Ba mua về rồi mẹ lại chê xuống chê lên.
-Mấy ngày nay bà nội nôn nao lắm, mất ăn mất ngủ. Con thấy hết. Con hiểu hết. Bà đang chờ mau tới tối 24 để lại được nhận quà đấy mà...
Toàn ngây người ra nhìn con.
Bất chợt, anh bừng hiểu, kêu lên:
-Thôi, đúng rồi!
-Gì thế, ba?
-Ông già Noel...
-Ông già Noel làm sao?
-Ba năm nay, ông già Noel đem quà đến nhà mình đều là... ông ta!
-Ông nào?
-Ông Johnny, người con vừa kể, chứ còn ai nữa?
Đến lượt con gái ngẩn mặt, hoang mang:
-Sao ba lại nghĩ là ông ấy? Mùa Giáng Sinh nào chẳng có vô số shipper mặc trang phục ông già Noel giao quà khắp các tỉnh thành như thế?
-Ba chắc chắn là ông ta, không phải shipper bình thường.
Toàn quả quyết thế vì vừa nhận ra rằng: thật vô lý nếu nhiều năm liền đều chỉ có một shipper duy nhất giao quà đến nhà anh. Càng không thể luôn cùng có câu nói quen thuộc. Lần đầu tiên, ở thể nghi vấn: “Chào cháu. Cháu là Thanh Toàn, phải không?” còn hai lần sau đổi sang khẳng định: “Chào cháu Thanh Toàn” được.
Toàn gõ gõ tay lên trán khi nhớ ra chi tiết nhỏ mà đắt giá ấy. Đích thị ông Johnny đã khoác trang phục ông già Noel chứ không thể là ai khác. Còn mục đích thật sự của ông ta là gì thì Toàn sẽ tìm hiểu, để... vạch mặt!
-Không được, phải làm ra ngô ra khoai. Tối 24 này nếu ông ta đến nữa, sẽ biết tay ba.
-Ba định làm gì? Đuổi ông ấy đi à?
-Không đuổi, mà còn mời vào nhà…
Thúy tinh nghịch cướp lời:
-… ăn ngỗng quay với gia đình mình?
-Ăn gì tính sau. Ba cần điều tra xem ông ta và bà nội có đúng là… có đúng là… như con nói không?
-Đúng thì sao mà không đúng thì sao?
-Thì ba cảnh cáo ông ta từ nay không được… không được… tặng quà cho bà nữa.
Thúy nheo mắt:
-Nếu ông ấy không đồng ý?
-Ba có cách buộc ông ta phải đồng ý.
-Cách nào? Ba đừng nói sẽ đánh nhau đấy nhé.
-Có thể. Tùy tình hình.
Thúy kêu lên:
-Ối, ba “iu” ơi! Không được đâu! Ai lại đánh nhau với một ông già Noel mang quà đến cho mình?
Toàn chặc lưỡi:
-Ba không nói sẽ đánh nhau. Xem thái độ ông ta thế nào rồi “tùy cơ ứng biến”!
-Con mong không phải ông Johnny. Con gặp ông ấy, chỉ hỏi vài câu là nhận ra ngay.
-Chắc chắn ông ta chứ không ai khác.
-Là ông Johnny đi nữa, thì ông ấy có lỗi gì đâu ba?
-Sao không? Lỗi to lắm: âm mưu “dụ dỗ” một người đàn bà...
Thúy ranh mãnh cướp lời:
-... một bà lão U80. Nói vậy mới chính xác, ba ạ.
-Hừm!
-Mà ba có bằng chứng không? Một ông già Noel mỗi năm chỉ tạt qua chuyển một thứ gì đó... cứ gọi chung là “quà” đi, dù đơn sơ hay đắt tiền cũng vẫn là quà cả. Quà Giáng Sinh... Chỉ thế thôi đã bị kết tội “dụ dỗ đàn bà” à? Ba “iu” của con thật giỏi vu vạ.
-Con bênh ông ta ghê nhỉ?
-Con bênh lẽ phải, người ngay. Ông Johnny là người tốt. Con nghĩ ông ấy chỉ muốn tạo niềm vui cho bà nội thôi, vào một ngày tốt lành nhất trong năm, là lễ Giáng Sinh.
-...
-Ông ấy làm đúng. Ba không biết bà nội đã vui thế nào đâu. Xúc động. Hàm ân. Không chỉ một ngày mà kéo dài rất nhiều ngày, có thể nguyên năm đấy. Bà nội đã thay đổi, khỏe lên rất nhiều, có thêm động lực vui sống. Gia đình ta đang nợ ông ấy một lời cám ơn.
-Hôm nay cô cãi lý hăng nhỉ? Năm sau nhớ thi vào trường Luật, ra làm Luật Sư nhé.
-Điều này ai nhìn vào cũng biết, đâu cần phải là Luật Sư?
-Nói gì thì nói, bà nội già quá rồi. Đã già ai lại “yêu iếc” linh tinh như bọn trẻ trâu tụi con?
-Già thì sao? Già cũng vẫn có tim hồng máu đỏ, cũng biết yêu giận thương ghét. Cảm xúc tự nhiên của con người, đâu gọi là tội lỗi?
-Như thế thật lố bịch, tổ làm trò cười cho thiên hạ nhạo báng. Ba thấy chướng lắm.
-Ba cứ nói quá lên cho lớn chuyện. Có ai làm gì mà thiên hạ nhạo báng? Này nhé, bà nội quanh năm không một mình đi đâu, còn ông Johnny chưa bao giờ có ý định đặt chân vào nhà mình. Con chẳng thấy sai chỗ nào. Nên con ủng hộ.
-?
-Con đã hiểu vì sao ông nội mất sớm lúc bà nội còn rất trẻ mà bà ở vậy trọn đời rồi. Do ba. Ba muốn độc chiếm tình yêu của bà nên nằng nằng giữ bà cho riêng mình. Ba ích kỷ, không mảy may nghĩ đến hạnh phúc của bà. Giờ bà đã già lắm rồi, ba vẫn độc đoán muốn tước đi niềm vui nhỏ bé mỗi năm chỉ đến một lần của bà, viện dẫn lý do sợ thiên hạ cười chê.
-Con nhỏ cứng đầu này, hôm nay mày nói nhăng nói cuội lắm thế?
Toàn đuối lý, chỉ gượng gạo mắng vậy.
Đúng như Thúy nhận xét, sau ngày mắc bạo bệnh phải nằm bệnh viện gần tháng trời… À không, chính xác là từ lúc nhận được món quà đặc biệt của người giấu tên -qua tay một ông già Noel đem đến, bà lão vô cùng xúc động, đến run rẩy tay chân, đến bàng hoàng choáng váng…
Rất nhiều ngày sau đó, bà vẫn còn cảm giác đang mơ. Giờ thì bà đã hiểu ra: bệnh nhân cùng phòng với bà thời gian qua chính là… “anh ấy”! Không thể là ai khác!
Vậy mà bà đã không hay biết. Vì thời gian và bệnh tật biến đổi con người nhiều quá hay vì từ rất lâu rồi, mọi hy vọng của bà đã chết lịm? Chưa bao giờ bà dám nghĩ sẽ có ngày gặp lại, nhất là gặp trong hoàn cảnh vừa rồi. Giờ thì bà tin không phải chỉ là tình cờ khi bà đã rất tin tưởng kể hết tâm sự cho một người xa lạ nghe. Hẳn là tương thông giao cảm giữa hai tâm hồn đã thúc đẩy.
Cái quá khứ hơn 40 năm, bà lão phải kể làm nhiều buổi, mới xong. Có xúc động khiến câu chuyện đứt đoạn. Có thấu cảm khiến người nghe ngậm ngùi, mắt ngân ngấn nước. Điều đó an ủi bà rất nhiều, cho bà thêm tin cậy, hàm ân, pha lẫn thương cảm hoàn cảnh đơn độc một đời của “anh ấy”.
Lẽ ra bà phải nhận ra ngay “anh ấy” mới đúng. Vẫn là những quan tâm tinh tế và ấm áp xa xưa. Vẫn là tấm thiệp Giáng Sinh do chủ nhân tự thiết kế, bỏ nhiều ngày trang trí hoa lá cùng rất nhiều cỏ -một cách đầy ẩn ý.
-Giản dị mà ngọt ngào, “anh ấy” luôn là thế!
♡♡♡
Tiếng chuông nhà thờ rộn rã reo vang lôi ông già ra khỏi cơn mê mị, ánh nhìn mệt mỏi hướng lên cuốn lịch treo trên bức tường đối diện giường ông: con số 24 rất to màu đỏ thắm, báo hiệu một ngày trọng đại.
Đôi mắt khô đục không còn nổi giọt nước hiếm hoi nào ứa ra, ông ngậm ngùi nhìn bộ quần áo đỏ tươi kèm đầy đủ phụ kiện râu tóc trắng phau đang treo cạnh cuốn lịch. Trang phục đặc trưng của mùa Noel ấy mỗi năm chỉ được ông lấy ra sử dụng một lần. Có lẽ từ bây giờ nó sẽ mãi được treo đó.
“Lúc này bà ấy có đang chờ đợi không?” Câu hỏi quay cuồng, ám ảnh ông không dứt. Chắc chắn có đấy! Không chỉ đêm nay mà nhiều đêm sau nữa, bà ấy sẽ chờ đợi trong hoang mang, trong mỏi mòn, như đã từng chờ đợi gần nửa thế kỷ trước đây.
“Bà ấy nghĩ gì khi nhận chiếc nhẫn?” Câu này ông già đã thầm hỏi, hàng mấy trăm lần.
Chiếc nhẫn mặt đá trắng ông mua ngay năm đầu tiên đến nước Úc. Ông đã lùng sục nhiều cửa hàng, săm soi, cân nhắc rất lâu trước khi quyết định chọn nó. Đối với ông, nó không chỉ là vật trang sức bình thường mà là minh chứng của một lời hứa. Lúc đó, “cô ấy” đã lo lắng, đã nghi ngờ, không dám tin tưởng. Thế rồi trong khi ông trung thành với lời hứa đến cuối đời thì chỉ một năm cách xa, “cô ấy” đã quay mặt. Những lá thư liên tiếp gửi về không bao giờ có hồi âm. Bà mẹ giám đốc viết thư qua Úc kể rằng cô lấy chồng rồi, một thiếu gia phố núi.
Ông không tin, vội vã bay về nước thì quả thật, mẹ con người phụ quán cơm bình dân đã bằn bặt tăm hơi, không để lại chút dấu vết nhỏ nhoi nào.
Mỗi lần hồi tưởng quãng thời gian vật vã ấy, ông già vẫn như chìm trong mộng mị, không tin sự thật phũ phàng, cũng không nhớ mình đã có thể vượt qua khủng hoảng thế nào. Chắc chắn rất khó khăn.
Ngày tháng đi qua...
Chiếc nhẫn mặt đá trắng mua vội vàng, ông vẫn giữ, một cách cẩn trọng. Cảm tưởng nếu bỏ nó đi, đồng nghĩa ông hủy chính lời hứa của mình.
Từ đó, lấy công việc làm động lực sống và niềm vui là những liên hệ xung quanh: ông hào phóng giúp đỡ từng nhân viên thuộc cấp, quan tâm tìm hiểu sở thích con cháu họ. Mỗi năm đến Giáng Sinh, được mặc vào người bộ trang phục đỏ tươi đi tới mọi nhà phát quà cho bọn trẻ, trở thành niềm vui lớn nhất đời ông.
Đôi lần, người ta hỏi ông:
-Nhiều năm đóng vai ông già Noel thực hiện ước mơ cho trẻ con, vậy chính ông có một mơ ước nào không?
Có đấy! Không phải một mà ông già có tới hai mơ ước: quan trọng như nhau, ngọt ngào như nhau. Nhưng chưa bao giờ nói ra với bất cứ ai, ông giữ nó làm bí mật riêng mình.
Đến cuối đời, mơ ước thứ nhất đột ngột thành hiện thực, vượt ngoài mọi mong đợi: Rất tình cờ, ông được gặp lại một người mà trong đời ông hằng khao khát gặp. Đã ở gần, đã nghe từng tiếng rên, đã chứng kiến nỗi đau bệnh tật... Quan trọng hơn: đã được hiểu ra tất cả nguyên nhân uẩn khúc xa xưa. Nguyên nhân ấy ray rứt hành hạ ông rất nhiều ngày. Tiếc nuối. Xót thương. Ân hận.
Và ông quyết định gửi chiếc nhẫn mặt đá trắng đi, có muộn màng nhưng nó cần phải về đúng nơi chốn của nó. Để minh chứng lòng chân thành, trong sáng của ông. Ông không lỗi hẹn cũng không ngầm một mưu đồ đen tối nào khác.
Hai mùa Giáng Sinh tiếp theo, ông đều thiết kế tấm thiệp chúc mừng rồi đích thân đến tận cửa nhà, trao tay cho một người trùng tên với ông. Chỉ cần vài câu trao đổi khéo léo để biết “người ta” vẫn tồn tại, vẫn bình an là đủ ông thấy yên lòng.
Tháng trước, bệnh cũ của ông già tái phát.
Các xét nghiệm cho thấy bệnh di căn nhiều nơi, tiên lượng rất xấu. Ông quyết định xin về nhà, mỗi ngày bác sĩ gia đình đến thăm khám, tiêm thuốc và truyền dịch. Có thêm Sáng -người nuôi bệnh quen thuộc của ông, chăm sóc ngày đêm.
Sức khỏe ông già sa sút nhanh qua. Mới tuần trước ông còn chống gậy nhúc nhắc đi lại, tuần sau đã không thể tự ngồi lên. Tay chân rũ liệt, hơi thở yếu mòn. Các cơn sốt cao liên tục lôi ông vào giấc ngủ li bì, gần như không cần phải tỉnh thức.
Bác sĩ gọi tên: “Những cơn sốt cuối cùng”.
♡♡♡
Sáng tìm thấy trong hộc tủ đầu giường ngủ của ông già có tờ giấy chép tay một bài thơ. Trang giấy A4 khá cũ mất đi màu trắng tinh nguyên thủy. Hẳn bài thơ được chép đã lâu, khi ông già còn khỏe mạnh, bàn tay cầm bút còn vững vàng nên nét chữ rất nắn nót, hoa mỹ.
VÀO PHÚT ẤY THÌ EM NÊN ĐẾN NHÉ
Ta đã xa nhau suốt cả cuộc đời
Vào phút ấy thì em nên gần nhé
Đứng ở vòng ngoài nói cười khe khẽ
Như một người dưng… Anh vẫn nhận ra em.
Ta đã không nhau tất cả mọi ngày đêm
Vào phút ấy thì em nên có nhé
Dù bận thế nào em cũng nên lặng lẽ
Đi theo anh… Chỉ một đoạn đường thôi.
Ta đã quên nhau trong tất cả mọi buồn vui
Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé
Hình như đài đưa tin. Hình như ai nói thế
Hình như là... Chả ai nói gì đâu! (*)
Không biết làm thơ nhưng ông già là người rất yêu thơ, thích đọc thơ từ ngày còn rất trẻ. Ông sưu tầm nhiều bài hay chép đầy các cuốn sổ rồi nâng niu, cất giữ.
Bài thơ chép tay cất trong hộc tủ đầu giường của ông già được gấp làm tư, bỏ trong một phong bì hoàn toàn còn để trắng. Từ lâu rồi,
ông chỉ mượn lời nhà thơ nói lên ước mơ gan ruột của mình chứ chẳng cần phải gửi nó đi. -/.
(*) Thơ Trần Nhuận Minh
VVM.19.12.2024.
Ta đã xa nhau suốt cả cuộc đời
Vào phút ấy thì em nên gần nhé
Đứng ở vòng ngoài nói cười khe khẽ
Như một người dưng… Anh vẫn nhận ra em.
Ta đã không nhau tất cả mọi ngày đêm
Vào phút ấy thì em nên có nhé
Dù bận thế nào em cũng nên lặng lẽ
Đi theo anh… Chỉ một đoạn đường thôi.
Ta đã quên nhau trong tất cả mọi buồn vui
Vào phút ấy thì em nên nhớ nhé
Hình như đài đưa tin. Hình như ai nói thế
Hình như là... Chả ai nói gì đâu! (*)
(*) Thơ Trần Nhuận Minh