Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NÀNG TUYẾT


                     
     T ại một làng quê nọ ở xứ Musashi có hai người làm nghề đốn củi tên là Mosaku và Minokichi. Mosaku nay đã già, còn Minokichi là một chàng trai mới vừa mười tám tuổi, còn đang học nghề theo phụ giúp Mosaku. Ngày ngày họ đi vào một cánh rừng cách làng chừng 5 dậm. Trên đường đi đến cánh rừng này, họ phải băng qua một con sông rộng có một con đò ngang đưa đón qua sông. Nhiều lần người ta đã bắc cầu qua sông ngay ở chỗ bến đò, nhưng lần nào chiếc cầu sau đó cũng bị nước lụt cuốn trôi đi mất. Không có chiếc cầu nào chống chỏi được với giòng nước cuồn cuộn trôi khi nước sông dâng lên.

Một buổi chiều lạnh lẽo, Mosaku và Minokichi đang trên đường về nhà thì gặp phải một trận bão tuyết lớn. Họ tới chỗ bến đò thì thấy người lái đò đã bỏ về để lại chiếc thuyền con bên bờ sông. Đó không phải là một ngày có thể bơi qua sông, hai người tiều phu bèn vào trú trong chiếc chòi của người lái đò, mà nghĩ bụng là họ đã may mắn tìm được một nơi tạm trú lúc này. Trong chòi không có lò than hay có chỗ nhóm lửa. Đó chỉ là một căn chòi nhỏ vỏn vẹn chừng hai chiếu [1], chỉ có mỗi một cửa ra vào chứ cũng chẳng có cửa sổ. Mosaku và Minokichi đóng cửa lại, và cứ để nguyên cả áo tơi chằm bằng lá mà nằm lăn ra nghỉ. Mới đầu họ không thấy lạnh lắm, và tưởng rằng chẳng mấy chốc cơn bão sẽ đi qua.

Ông lão Mosaku hầu như đã ngủ thiếp đi ngay sau đó. Nhưng chàng trai trẻ Minokichi còn nằm thao thức một lúc, nghe tiếng gió gào thét khủng khiếp và tiếng tuyết đập liên hồi vào cánh cửa. Ngoài sông nước gầm gào sôi cuộn, căn chòi xiêu vẹo run rẩy kêu cọt kẹt như chiếc thuyền mành giữa biển khơi. Trận bão thật lớn, và khí trời mỗi lúc một lạnh hơn, làm Minokichi run bần bật trong chiếc áo tơi. Xong cuối cùng, mặc dù lạnh buốt, chàng cũng ngủ thiếp đi.

Minokichi chợt tỉnh giấc vì bị tuyết hắt vào mặt chàng. Cánh cửa chòi đã bị bật mở tung, và trong ánh tuyết hắt lên, chàng thấy trong chòi có một người đàn bà, một người đàn bà trắng toát từ đầu đến chân. Nàng đang cúi xuống nhìn ông lão Mosaku và đang phà hơi thở của nàng lên mặt ông lão. Hơi thở của nàng như một làn khói trắng và sáng loá. Minokichi còn đang nhìn nàng thì nàng bỗng quay sang phía Minokichi và cúi xuống người chàng. Minokichi muốn kêu to lên, nhưng chàng mới chợt nhận ra là chàng không tài nào kêu lên được thành tiếng. Người đàn bà trắng toát cúi xuống trên mình chàng, cúi sát và sát mãi, cho đến khi mặt nàng chạm sát vào mặt Minokichi. Chàng thấy nàng rất đẹp, tuy rằng đôi mắt của nàng khiến chàng phải khiếp sợ. Nàng cứ nhìn chàng như thế mãi một lát, rồi mỉm cười và khẽ nói:

-Ta định cũng làm nhà ngươi như người đàn ông kia, nhưng ta không khỏi thấy thương hại cho ngươi, vì ngươi còn trẻ và dễ thương quá. Ta không làm hại ngươi đâu. Nhưng ngươi không được nói với ai , ngay cả mẹ người, những gì mà ngươi đã trông thấy trong đêm nay. Nếu không, ta sẽ biết, và rồi ta sẽ giết ngươi chết. Ngươi hãy nhớ kỹ những điều ta nói !

Nói đoạn nàng quay đi, và lướt ra ngoài cửa. Bấy giờ Minokichi thấy mình mới có thể cử động trở lại được, chàng vùng dậy và nhìn ra ngoài, nhưng không còn thấy người đàn bà ấy đâu, chỉ có tuyết bay cuồng loạn hắt vào trong chòi. Minokichi đóng cửa lại, lấy mấy thanh củi chống cánh cửa cho chắc. Chàng không biết có phải là gió đã thổi làm cửa bật mở ra hay không, và nghĩ có thể đó chỉ là một giấc mơ, có lẽ chàng đã tưởng lầm ánh tuyết sáng mờ ảo in trên cánh cửa với hình dáng một người đàn bà, nhưng chàng cũng không chắc lắm. Chàng bèn đánh thức ông lão Mosaku, thì kinh hãi biết bao, ông lão không trả lời. Trong bóng tối, chàng cầm lấy tay ông lão, sờ tay lên mặt ông thì thấy khuôn mặt ông lão đã đông cứng thành băng đá. Mosaku đã chết cóng.

Sáng sớm, cơn bão đã tan, và sau khi mặt trời lên được một lát, người lái đò trở ra căn chòi của mình, thấy Minokichi nằm bất tỉnh bên cạnh xác chết đã đóng băng của Mosaku. Minokichi liền được săn sóc cho tỉnh lại, nhưng sau đó chàng vẫn còn ốm lây lất khá lâu vì cái lạnh khủng khiếp đêm hôm ấy. Chàng cũng hết sức kinh hoàng bởi cái chết của người tiều phu già, nhưng chàng không dám hở một lời về người đàn bà trắng toát. Sau khi khỏi bệnh, Minokichi đi đốn củi trở lại, sáng sáng một mình vào rừng và trở về vào lúc trời đã sập tối với những bó củi cho mẹ đem bán.

Một buổi chiều mùa đông năm sau, trên đường về nhà Minokichi trông thấy một cô gái có vẻ là người đi đường xa, tình cờ cũng đang đi cùng đường với mình. Nàng có dáng người thanh tú, khuôn mặt rất đẹp, và nàng đã cúi chào Minokichi với giọng nói líu lo như chim hót. Thế rồi chàng đi bên cạnh nàng và họ bắt đầu trò chuỵện. Cô gái cho biết cô tên là Ô-Yuki, có nghĩa là Tuyết. Sau đó nàng kể rằng cha mẹ nàng mới qua đời nên bây giờ nàng đang về kinh thành Êđô, nơi có vài người quen biết, may ra họ có thể giúp nàng tìm được một chỗ vào làm người giúp việc. Minokichi liền đem lòng cảm mến ngưòi con gái lạ mà càng nhìn chàng càng thấy đẹp. Chàng dò hỏi xem nàng đã đính hôn chưa, nàng mỉm cười bảo nàng còn không. Nàng cũng hỏi chàng đã có vợ hay đã hứa hôn với ai chưa. Chàng bảo chàng chỉ có một mình và phải nuôi mẹ già goá bụa, và vì chàng còn quá trẻ nên lâu nay cũng chưa phải đi hỏi vợ. Sau vài câu thăm hỏi, họ cứ lặng lẽ đi bên nhau một lúc thật lâu mà không ai nói một lời nào. Nhưng tục ngữ chẳng có câu “Tình trong ánh mắt nói đủ thay lời” là gì... Khi đi vào tới làng thì hai người đã phải lòng nhau lắm rồi, thế là Minokichi mời Ô-Yuki tới nghỉ lại ở nhà chàng. Nàng do dự trong giây lát rồi cũng đi với chàng về nhà. Mẹ chàng niềm nở đón tiếp và dọn cho nàng một bữa cơm nóng sốt. Ô-Yuki tỏ ra rất dễ thương khiến mẹ của Minokichi liền đem lòng yêu mến, và bà đã ngỏ ý bảo nàng hãy hoãn lại ngày đi Êđô. Kết cuộc đương nhiên của câu chuỵên này là Ô-Yuki không đi Êđô nữa. Nàng ở lại làm dâu nhà này.

Ô-Yuki tỏ ra là một nàng dâu rất ngoan. Vài năm sau, khi mẹ Minokichi qua đời, bà còn trăn trối lại những lời cảm ơn và khen ngợi con dâu. Và Ô-Yuki đã sinh cho Minokichi mười đứa con, cả trai lẫn gái, thẩy đều xinh đẹp và có làn da mịn màng.

Mọi người trong làng đều thấy Ô-Yuki là một người rất tuyệt vời và khác hẳn với họ. Hầu hết đàn bà miền quê đều mau già, nhưng Ô-Yuki thì dù đã là mẹ của mười đứa con, nhưng lúc nào nhìn nàng cũng còn trẻ trung và tươi tắn như ngày đầu tiên nàng vừa đến làng này.

Một đêm khi các con đã ngủ say, Ô-Yuki đang ngồi may dưới ánh đèn. Minokichi nhìn nàng, nói:

-Nhìn mình ngồi may tôi bỗng nhớ lại một điều kỳ lạ mà tôi đã gặp khi tôi còn là một cậu con trai mới mười tám tuổi. Tôi đã thấy một người thật đẹp và trắng như mình. Nàng trông giống mình lắm.

Ô-Yuki đáp lại mà không buồn đưa mắt nhìn Minokichi:

-Mình hãy kể cho tôi nghe về người đàn bà ấy. Mình gặp cô ta khi nào ?

Minokichi bèn kể lại về cái đêm kinh hoàng trong chiếc chòi của người lái đò, và về người đàn bà trắng toát đã cúi xuống người chàng, mỉm cười và thì thầm với chàng, cũng như về cái chết lặng lẽ của ông lão Mosaku. Rồi chàng nói tiếp:

-Dù ở ngoài đời hay trong mơ, đó là lần duy nhất trên đời tôi đã gặp một người đàn bà đẹp như mình. Dĩ nhiên đó không phải là người, nên tôi sợ người đàn bà ấy, sợ lắm. Nhưng nàng trắng quá .Tôi cũng không chắc rằng khi đó tôi đã nằm mơ, hay đó chính là Yuki Onna ( Nàng Tuyết ).

Ô-Yuki bỗng đặt đồ khâu xuống, đứng vùng lên, khom người cúi xuống Minokichi đang ngồi, mà nói như thét vào mặt chàng:

-Người đó chính là ta, là Ô-Yuki đây. Ta đã dặn ngươi rằng ta sẽ giết ngươi nếu ngươi kể cho ai nghe một câu nào về điều đó rồi mà… Nhưng vì các con, ta tạm tha chết cho ngươi. Ngươi phải hết lòng lo nuôi nấng các con. Nếu có đứa nào kêu ca điều gì về ngươi thì ngươi biết tay ta.

Tuy là nàng đang nói như thét, nhưng giọng nàng vẫn mơ hồ như tiếng gió thoảng qua. Thế rồi nàng tan vào làn sương trắng sáng loá đang cuốn lên chiếc xà ngang trên mái nhà, và theo ống khói luồn ra khỏi nhà. Từ đó không ai còn gặp lại nàng nữa. -/.

Nguyên tác Yuki Onna, trong tập truyện Kwaidan của Koizumi Yakumo.
Chú thích [1] : Một tấm chiếu bề dài gần hai mét, rộng gần một mét.




VVM.18.12.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com