NHÂN VẬT:
- BÁC GIANG: thợ đóng giày, 44 tuổi
- PHÚ HỘ: 50 tuổi
- 2 khách hàng
- Các con của bác Giang (lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi): HIẾU, HẠNH, DUNG, NHÂN, TRUNG, HIỀN, ÁI, THIỆN và NGHĨA.
THỜI GIAN & KHÔNG GIAN :
Buổi tối ngày 24.12, tại nhà bác Giang. Nhà rất nghèo, chỉ có 1 bàn và vài ghế gỗ. Trên bàn và dưới đất ngổn ngang giày dép và dụng cụ của thợ làm giày (búa nhỏ, kéo, lọ keo, miếng da, cao su, kim chỉ v.v…).
CẢNH DUY NHẤT :
Bác Giang và Hiếu ngồi dưới đất, cắm cúi may giày cho khách. Một lát làm xong, bác Giang cầm từng chiếc giày lên ngắm nghía, vẻ hài lòng.
Hạnh từ trong đi ra, tay bưng 2 ly nước lọc.
HẠNH: Cha và anh nghỉ tay uống nước đi.
Bác GIANG: Cám ơn con.
HẠNH: Trời tối rồi, cha chưa đóng cửa nghỉ sao?
Bác GIANG: Còn hai người khách nữa chưa đến. Cha phải chờ giao hàng đúng hẹn.
(Một ông khách bước vào)
KHÁCH: Bác thợ ơi, giày của tôi đã xong chưa?
Bác GIANG: Dạ, xong rồi đây! Ông xem, nhìn y như mới. Ai tinh mắt tới đâu cũng không phát hiện được các đường chỉ tôi may.
KHÁCH: Bác khéo tay quá! Nhìn đúng là giống y như mới. Hy vọng tôi còn mang thêm được 6 tháng nữa.
Bác GIANG: Ô, sao lại 6 tháng? Mà là 12 tháng, tức là Giáng sinh năm sau ông mới phải đến đây đóng giày mới. Tôi đã dùng loại keo đắt tiền dán đế lại, bền lắm đấy.
KHÁCH: Hôm nay lễ Giáng sinh, chắc tiền công cũng tăng theo ngày lễ, phải không?
Bác GIANG: Không đâu. Tôi vẫn tính giá như ngày thường thôi.
KHÁCH (trả tiền, nhận giày, nhìn sang Hiếu): Con bác hay thợ học nghề thế?
Bác GIANG: Thưa ông, là con trai lớn nhất của tôi.
KHÁCH: Chà chà, giỏi nhỉ? Đúng là tre chưa già măng đã mọc. Hai tay cậu bé mới thành thạo làm sao! À thôi, chào cha con bác nhé, tôi về đây. Chúc bác Giáng sinh vui vẻ!
Bác GIANG: Chào ông! Chúc ông Giáng sinh an lành!
(Một lát, một bà khách hấp tấp vào)
KHÁCH: May quá, bác thợ đây rồi. Tôi cứ lo bác đóng cửa nghỉ thì đêm nay tôi không có giày mới đi chơi. Suốt ngày nay tôi bận quá, giờ mới rảnh đến được, xin lỗi bác nhé.
Bác GIANG: Không sao, thưa bà. Cuối cùng bà cũng đến rồi mà. Giày mới của bà đây, bà xỏ thử xem có vừa chân không?
KHÁCH: Thôi, ở vùng này còn ai không biết bác là người thợ khéo tay nhất? Bác đã đo ni đóng giày thì chẳng bao giờ rộng hay chật cả, không cần thử mất công.
Bác GIANG (đưa túi giày cho khách, nhận tiền): Cám ơn bà, chúc bà Giáng sinh vui vẻ.
KHÁCH: Cám ơn bác, chào bác nhé! (Ra).
Bác GIANG (lấy hết tiền trong túi, bỏ xuống bàn, ngồi đếm đi đếm lại nhiều lần): Hiếu à, bây giờ cha đi mua vài món đồ. Con đóng cửa hàng lại nghe. Ngày mai mình nghỉ làm việc một ngày.
HIẾU: Lễ Giáng sinh thì nghỉ luôn 3 ngày đi cha.
Bác GIANG (thở dài): Cha cũng muốn lắm nhưng mà… Còn rất nhiều hàng của khách chưa làm kịp… Thôi, cha đi đây.
HẠNH: Con đi với, con xách đồ phụ cha.
Bác GIANG: Cũng được. Thì đi.
(Hai cha con đi. Hiếu đóng cửa. Bảy đứa trẻ từ trong ùa ra)
LŨ TRẺ (gọi to): Cha ơi, cha! Ủa, cha đâu rồi, anh Hai?
HIẾU: Cha đi phố mua đồ rồi.
LŨ TRẺ (sung sướng vỗ tay reo): Thích quá, thích quá! (Nói với nhau) Cha đi mua đồ chơi cho em đó… Mua áo mới cho chị nữa… Cha mua ổ bánh kem thật to với gà quay cho cả nhà… Phải không anh Hai?
HIẾU: Các em à, cha đâu có tiền nhiều mà mua đủ thứ vậy? Cha làm việc từ sáng tới tối cũng chỉ kiếm đủ tiền mua gạo mỗi ngày. Các em có thương cha không?
LŨ TRẺ: Thương, thương chứ!
HIẾU:Thương thì không được đòi mua thứ này thứ khác, nghe chưa? Hễ có tiền là tự khắc cha mua liền à. Cha không có tiền mà các em đòi, cha chỉ lo lắng thêm, lỡ đổ bệnh thì sao?
TRUNG: Cha bệnh rồi chết giống mẹ, phải không anh Hai?
HIẾU: Phải rồi. Em có muốn cha chết giống mẹ không?
TRUNG: Không. Em muốn cha sống hoài hoài với em.
HIỀN: Em cũng vậy. Em muốn cha sống 500 tuổi luôn.
NHÂN: Anh Hai, sau này em nhất định học làm bác sĩ, hễ cha bệnh là em chữa khỏi liền, cha không chết được, há?
TRUNG: Còn em sẽ làm kỹ sư xây dựng, xây cái nhà thật lớn, mình không phải ở cái nhà bé xíu này nữa.
DUNG: Em học may, may cho mười người trong nhà mình cả chục bộ quần áo đẹp luôn.
HIỀN: Em thích nấu ăn. Em sẽ học nhiều món thật ngon nấu cho cả nhà ăn.
HIẾU (mỉm cười): Trước mắt bây giờ các em phải học cho thật giỏi đã thì sau này mới làm nghề như mơ ước được.
HIỀN: Anh Hai, sao anh lại nghỉ học ở nhà sửa giày giống cha vậy?
HIẾU (thở dài): Biết sao giờ? Một mình cha không nuôi nổi cả nhà. Anh lớn nhất phải phụ cha nuôi các em ăn học.
TRUNG: Mẹ không chết sớm thì cha với anh em mình đâu có vất vả như vầy.
NGHĨA: Mẹ hiền lắm, phải không anh Hai? Em không thấy mặt mẹ ra sao hết.
HIẾU (ôm Nghĩa và Thiện vào lòng): Làm sao hai đứa em biết được vì vừa sinh ra hai đứa là mẹ mất. Cha phải nấu nước cháo pha đường cho bú thay sữa mẹ, vất vả cực khổ lắm mới nuôi hai đứa lớn như vầy đó.
THIỆN: Thương cha quá à!
(Bác Giang và Hạnh về. Hạnh hai tay xách hai túi lớn.
Lũ trẻ mừng rỡ reo hò, vây quanh hai người).
LŨ TRẺ: Cha về rồi! Cha có mua đồ chơi cho con không? Cha có mua gà quay không? Chị Hạnh xách gì nhiều vậy, cho em coi!
HẠNH (đẩy các em ra): Là gạo với mì gói thôi mà (xách túi vào. Lũ trẻ xịu mặt, thất vọng).
Bác GIANG (ngồi xuống ghế, vẫy tay): Các con lại đây. Cha xin lỗi vì Giáng sinh năm nay cha không mua được áo đẹp với món ăn ngon cho các con…
HIẾU: Cha à, các em còn nhỏ không hiểu gì, cha đừng buồn.
Bác GIANG: Cha cũng đã từng là một đứa trẻ như các em con bây giờ, đến dịp Giáng sinh cha cũng mong mỏi được ông bà nội mua quà, cũng thèm được ăn ngon nên cha hiểu lắm. Nhưng mà… đếm đi đếm lại số tiền trong túi… mua gạo mua mì xong chỉ có thể mua quà cho một đứa thôi chứ không thể cho cả 9 đứa được…
HIẾU (ngắt lời): Con lớn rồi, cha không cần mua quà cho con.
Bác GIANG: Không mua cho con thì cũng còn 8 đứa em con. Nếu chỉ mua cho 1 đứa, 7 đứa kia sẽ buồn, sẽ phân bì, mà mua cả 8 phần quà thì… (tất cả buồn hiu). Nhưng trên đường về, cha vừa nghĩ ra một món quà vô cùng ý nghĩa cho tất cả các con rồi…
LŨ TRẺ (đồng thanh): Quà gì vậy cha?
Bác GIANG: Là một bài hát, bài hát mừng Chúa Hài Đồng giáng sinh. Cha sẽ dạy các con. Đó là món quà cho tất cả chúng ta. Các con có thích không? (Lũ trẻ hào hứng vỗ tay reo). Được rồi, nào, gọi chị Hạnh ra đây luôn.
(Hạnh ra. Bác Giang xếp 9 đứa con theo thứ tự lớn nhỏ ngồi thành một hàng ngang dưới đất) .
Bác GIANG: Các con chú ý hát theo, nghe không (hắng giọng, hát chậm rãi từng câu trong bài ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG cho lũ trẻ lặp lại): Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời se chữ đồng. Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ, canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa…
(Lũ trẻ càng lúc càng hào hứng hát thật to, không nghe tiếng Phú Hộ gõ cửa. Phú Hộ phải đập cửa thật mạnh, cha con bác Giang mới nghe tiếng, ngưng bặt. Hiếu chạy ra mở cửa dẫn Phú Hộ vào. Phú Hộ quần áo sang trọng, dáng điệu bệ vệ, nghênh ngang).
Bác GIANG: Dạ, kính chào ngài sang chơi nhà chúng tôi…
PHÚ HỘ (ngắt lời): Ta không rảnh mà sang chơi với nhà bác! Ta sang để hỏi: bác có biết bây giờ là mấy giờ rồi không? (Lũ trẻ sợ hãi, nín thở ngồi nép vào nhau).
Bác GIANG: Dạ… dạ… Là gần 11 giờ đêm, thưa ngài.
PHÚ HỘ: Đã gần 11 giờ đêm mà cha con bác ca hát ồn ào như vậy, không cho hàng xóm nghỉ ngơi hay sao?
Bác GIANG: Xin lỗi ngài. Vì đêm nay là đêm Giáng sinh nên cha con tôi hát mừng Chúa Hài Đồng ra đời, chứ mọi ngày cả nhà chúng tôi ngủ sớm lắm.
PHÚ HỘ: Cha con bác muốn hát mừng thì cũng phải tôn trọng hàng xóm, tức là tôn trọng ta một chút chứ! Ồn ào như chợ vỡ làm sao ta ngủ được? (Nhìn lũ trẻ) Con nhà ai mà tụ họp ở đây đông thế?
Bác GIANG: Thưa ngài, tất cả là con của tôi.
PHÚ HỘ: Ố là la! Bác đẻ nhiều con đến thế kia à?
Bác GIANG: Không, thưa ngài, là vợ tôi đẻ chứ không phải tôi.
PHÚ HỘ: Ừ thì vợ bác đẻ! Chà chà, đông nhỉ? Xem nào (đếm) một, hai, ba… Ta có đếm lộn không đây? Những 9 đứa, cả trai lẫn gái?
Bác GIANG: Chính xác là vợ chồng tôi có 5 con trai và 4 con gái.
PHÚ HỘ (ôm đầu, kêu lên): Một bác thợ sửa giày nghèo rớt mà có tới 9 đứa con! Ôi trời! Bác không thấy mệt hay sao?
Bác GIANG: Dạ, có mệt chứ. Vì khi đóng giày cho chúng, tôi phải đóng một lúc 9 đôi. Khi mua quần áo, tôi phải mua 9 bộ. Đến bữa cơm tính cả tôi thì phải dọn 10 cái tô cho 10 miệng ăn…
PHÚ HỘ (tiếp lời): Và khi hát thì cả 10 cái miệng như 10 cái loa cùng rống lên, chứ gì? Làm ta điếc cả tai!
Bác GIANG: Xin ngài thông cảm. Là đêm nay Giáng sinh nên chúng tôi mới hát mừng thôi.
PHÚ HỘ (nhìn quanh nhà, lắc đầu): Nghèo quá, thiếu thốn quá! Không có thứ gì ra hồn cả! Nghèo thế này mà cha con bác vẫn vui vẻ ca hát được sao?
Bác GIANG: Thưa ngài, đâu có luật nào cấm người nghèo không được ca hát? Trái lại, nhờ ca hát mà chúng tôi không nhớ ra mình nghèo nữa.
PHÚ HỘ: Trước khi sang đây, ta vẫn hình dung bác lúc nào cũng buồn rầu khổ sở, luôn luôn cáu kỉnh gắt gỏng chứ không nghĩ bác lại vui vẻ bình an như thế.
Bác GIANG: Dạ, đó là nhờ ơn Chúa ban cho tôi!
PHÚ HỘ: Ta biết bác phải vất vả làm việc từ sáng tới tối mới đủ ăn. Đó, đêm nay lễ Giáng sinh mà bác có được nghỉ ngơi sớm đâu, ta thấy trời tối vẫn có khách hàng đến tìm bác.
Bác GIANG: Dạ, đó là nhờ ơn Chúa ban cho tôi!
PHÚ HỘ: Rồi cũng vì đẻ nhiều quá mà vợ bác phải chết sớm…
Bác GIANG: Dạ, đó là nhờ ơn Chúa ban cho tôi!
PHÚ HỘ (trợn mắt): Hả?
Bác GIANG (chợt nhớ, cuống quýt xua tay): Ấy chết, ấy chết… Không phải, không phải thế!... Xin lỗi ngài, nghe ngài nhắc đến vợ tôi, tôi xúc động quá nên nói lộn… Tôi muốn nói vợ tôi chết sớm là ơn Chúa ban cho bà ấy ạ.
PHÚ HỘ: Là sao?
Bác GIANG: Thưa ngài, vì Chúa thương vợ tôi quá vất vả với đàn con đông đúc này nên Chúa cho bà ấy được nghỉ ngơi sớm. Vâng, chính thế, bây giờ bà ấy đang rất hạnh phúc trên thiên đàng rồi…
PHÚ HỘ: Bác quả quyết đó là ơn Chúa ban à? Vậy bác nghĩ ý Chúa thế nào mà lại đem vợ bác về thiên đàng để trút gánh nặng nuôi 9 cái tàu há mõm này cho một mình bác?
Bác GIANG: Ngài hỏi tôi nghĩ ý Chúa thế nào ư? Thưa ngài, tôi không cần mất công nghĩ xem ý Chúa thế nào, tôi chỉ vui vẻ đón nhận tất cả những gì Chúa giao phó cho tôi mà thôi.
PHÚ HỘ: Thôi được rồi. Ta vừa nghĩ ra một chuyện muốn đề nghị với bác…
Bác GIANG: Chắc ngài muốn đóng một đôi giày mới ạ?
PHÚ HỘ: Không phải chuyện giày dép. Trong kho của ta còn hàng chục đôi chưa xỏ chân kia, đóng mới làm gì? Ta đem tới cho bác một cơ hội đổi đời, một vận may không đến lần thứ hai…
Bác GIANG: Xin ngài cứ nói. Ngài làm tôi hồi hộp quá.
PHÚ HỘ: Bác quá đông con còn vợ chồng ta lại chẳng có được một mống nào! Nhà cửa mênh mông, đất đai bạt ngàn, tiền vàng chất chật tủ mà thiếu vắng một đứa trẻ, ta vẫn cô đơn buồn quá, thấy đời sống thật tẻ nhạt. Ta muốn hỏi xin bác một đứa làm con nuôi…
Bác GIANG (sửng sốt kêu lên): Ô! Con nuôi?
PHÚ HỘ: Đúng thế. Bác hãy cho ta một đứa, ta làm giấy tờ nhận nó là con, đổi nó sang họ của ta. Nó sẽ là người thừa kế duy nhất gia sản kếch sù của ta sau này…
Bác GIANG (lẩm bẩm một mình): Ôi, tuyệt vời quá!
PHÚ HỘ: Nó sẽ trở thành một chủ nhân giàu sụ, lúc đó nó sẽ có điều kiện giúp đỡ bác và 8 đứa kia…
Bác GIANG (lẩm bẩm một mình): Có lý quá!
PHÚ HỘ: Cha con bác sẽ thoát nghèo nhanh chóng…
Bác GIANG (lẩm bẩm một mình): May mắn quá!
PHÚ HỘ: Bác thấy ta nói đúng không?
Bác GIANG: Dạ đúng, rất đúng ạ.
PHÚ HỘ: Vậy là bác bằng lòng rồi nhé?
Bác GIANG (bối rối): Tôi… tôi… còn đang nghĩ ạ…
PHÚ HỘ: Nghĩ gì nữa? Ta cam đoan với bác, bác sẽ không bao giờ gặp một cơ hội tốt thế này đâu.
Bác GIANG: Tôi biết chứ. Nhưng mà… nhưng mà… Việc quan trọng thế này, xin ngài để tôi cân nhắc kỹ lưỡng đã. Tôi cần suy nghĩ lâu lâu một chút…
PHÚ HỘ: Ta không có thời giờ đứng đây chờ bác suy nghĩ. Ta còn về ngủ nữa. Bác phải trả lời ta ngay lập tức, có bằng lòng hay không? Chỉ vậy thôi!
Bác GIANG: Vâng, vâng! Tôi bằng lòng!
PHÚ HỘ (cười mãn nguyện): Ừ, phải thế chứ! Bác khôn ngoan sáng suốt hơn ta tưởng! Bây giờ bác hãy chọn cho ta một đứa đi. Ta tùy bác đấy, đứa nào cũng được vì ta thấy đều dễ thương cả.
Bác GIANG: Vâng, để tôi chọn giúp ngài. Chín đứa con của tôi đứa nào cũng dễ thương hết. (Điểm mặt từng đứa con trai) Xem nào… Thằng Hiếu lớn nhất đã biết phụ tôi đóng giày, không cho được! Thằng Nhân học giỏi nhất, không cho được! Thằng Trung vợ tôi thương nhất, không cho được! Hai thằng út sinh đôi này còn bé quá, cũng không cho được!... (Chỉ sang các con gái) Con Hạnh đã biết nấu cơm chăm em, không cho được! Con Dung giống vợ tôi nhất, không cho được! Con Hiền yếu đuối hay đau ốm, không cho được! Con Ái thương tôi nhất nhà, cũng không cho được! (Phân vân, gãi đầu gãi tai, lưỡng lự rất lâu. Phú Hộ kiên nhẫn đứng chờ)… Đứa nào? Là đứa nào bây giờ?...
PHÚ HỘ: Đã chọn xong chưa mà lâu thế?
Bác GIANG: Tôi không biết phải làm sao… Tôi không thể quyết định được vì tôi không đành lòng rứt ruột bỏ bất cứ đứa con nào. Cả 9 đứa tôi đều thương như nhau.
PHÚ HỘ: Bác đừng quên bác đang nghèo rớt mồng tơi đấy.
Bác GIANG: Tôi vẫn có thể vừa nghèo rớt mồng tơi vừa thương cả 9 đứa con được mà, thưa ngài?
PHÚ HỘ: Bác đã nói bằng lòng rồi, giờ lại định nuốt lời hay sao?
Bác GIANG: Không, tôi không nuốt lời… Tôi vẫn giữ ý định cho ngài một đứa làm con nuôi… Nhưng mà… Khó nghĩ quá!... Thôi thế này vậy… (Bảo lũ trẻ) Các con vừa nghe ông đây nói rồi đấy. Giờ tùy các con, đứa nào muốn làm con ông đây để được sống giàu sang phú quý thì đứng dậy, cha cho đi theo ông ngay.
LŨ TRẺ (đồng loạt đứng lên, nhưng để chạy đến phía sau cha): Chúng con chỉ muốn ở với cha thôi. Chúng con không đi đâu hết!
Bác GIANG (nói với Phú Hộ): Thưa ngài, ngài đã nghe rồi đấy. Thế là không xong rồi. Ngài vui lòng vậy.
PHÚ HỘ: Là sao?
Bác GIANG: Là dù nghèo khổ, các con tôi không bao giờ muốn xa tôi. Tôi cũng thế, 9 đứa con này là 9 ân sủng tuyệt vời Chúa ban cho tôi, tôi không thể từ chối một ân sủng nào của Chúa, ngài ạ.
PHÚ HỘ (vẻ bực tức khó chịu, ngẫm nghĩ rất lâu rồi nói): Ta muốn làm một điều tốt giúp gia đình bác mà bác từ chối. Thôi thì ta cũng thông cảm do bác quá yêu các con. Ta cho bác cơ hội cuối cùng nữa: ta đổi một số tiền lấy tiếng hát của cha con bác, bác nghĩ sao?
Bác GIANG: Là sao, thưa ngài?
PHÚ HỘ: Là ta muốn cha con bác im miệng lại, không hát ca ầm ĩ nữa, chứ sao! (Lấy trong túi ra bọc tiền lớn) Đây, bác cầm lấy rồi bảo lũ trẻ im ngay đi! Chỗ tiền này bác đóng giày cả năm cũng chưa chắc kiếm được đâu. Ta nghĩ bác không điên mà từ chối nó.
Bác GIANG (mừng rỡ cầm bọc tiền bỏ ngay vào túi áo): Vâng, vâng! Tôi đồng ý, tôi đồng ý! (Xua lũ trẻ) Các con, vào ngủ thôi, khuya rồi!
PHÚ HỘ (cười): Bác thật khôn ngoan sáng suốt! Số tiền này sẽ giúp bác rất nhiều. Ngày mai, bác hãy đi mua quần áo đẹp, đồ chơi và thật nhiều món ăn ngon về cho lũ trẻ mà vẫn còn khối tiền lo cho chúng học hành nữa đó.
HIỀN: Cha ơi, chúng ta không được hát nữa à?
Bác GIANG: Không hát nữa. Vì ông đây muốn thế. Tất cả vào buồng ngủ thôi!
(Lũ trẻ tiu nghỉu nhưng vẫn đứng im tại chỗ, buồn bã nhìn bác Giang và Phú Hộ. Sân khấu hoàn toàn im lặng vài phút).
PHÚ HỘ (cười khoái trá): Một sự im lặng thật dễ chịu! Đầu óc ta nhẹ nhõm quá!
LŨ TRẺ (lôi tay bác Giang): Cha ơi, con thích hát!... Hát nữa đi cha!
Bác GIANG (chỉ Phú Hộ, ngập ngừng): Nhưng mà… ông đây…
PHÚ HỘ (hỏi lũ trẻ): Bọn nhóc này, chúng bay có biết số tiền của ta mua được nhiều thứ lắm không?
LŨ TRẺ (đồng thanh): Dạ biết ạ.
PHÚ HỘ: Thế mà chúng bay còn đòi hát à? Bây giờ nói đi, thích hát hay thích ăn ngon mặc đẹp, hả?
LŨ TRẺ (đồng thanh): Thích ăn ngon mặc đẹp… nhưng thích hát nhiều hơn ạ.
NHÂN (kéo áo bác Giang): Cha ơi, vậy là Chúa Hài Đồng không được nghe nhà mình hát mừng nữa à?
Bác GIANG (ngẩn mặt ngẫm nghĩ, rồi quả quyết lấy bọc tiền trả lại Phú Hộ): Thưa ngài, tôi đã nghĩ lại rồi, tôi không thể đổi tiếng hát lấy tiền được. Ngài hãy nhận lại tiền của ngài và để mặc cha con chúng tôi ca hát. Tiếng hát đêm Giáng sinh là vô giá, bao nhiêu tiền cũng không đổi được. (Bảo lũ trẻ) Xong rồi các con! Chúng ta tiếp tục hát mừng giờ phút Chúa Hài Đồng ra đời. Các con chú ý nhé, bắt đầu nào… Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng…
Hết