S
áng nay, nắng sẽ trễ, trong màn sương mờ mờ tiếng gáy của con chim cu đất cất lên nghe thật gần như phát ra từ buồng tim thời non trẻ tươi mầu xanh lá. Tiếng hát của nó đậm đà như giọt mực tím vô tình nhỏ xuống trang giấy thuở nào xa lắm rồi, nhưng vẫn thơm ngát mùi học trò. Tiếng hát nhật khoan nhắc nhở chuỗi kỷ niệm ngày thơ ấu khi còn là một đứa bé chân quê trong một thị trấn nhỏ. Đúng hơn là một quận lỵ hẻo lánh vùng cao nguyên khi luồng gió văn minh chưa hề bay lạc vào, khi ánh sáng văn minh chưa hề đặt chân tới. Nơi có mỗi buôi sáng khi mặt trời còn co ro vì lạnh và sương mù, cuộc sống vừa chỗi dậy là bàn tay đã đụng ngay vào nghèo đói. Nhưng không nghe tiếng thở than, ngoại trừ tiếng thạch thùng chạch lưỡi, về đêm, vì ham mê một cuộc cá độ không cân sức. Đó là cuồn phim được ký ức ghi lại đã cũ mầu thời gian, Nhưng sao mỗi lần gợi lại vẫn thấy mầu hạnh phúc hiện ra mới mẻ mặc dù có cả nước mắt lẫn nụ cười, như ai đó nói: Thực đơn dành cho trái tim không còn mướt xanh chính là những quá khứ buồn vui đã được lên men làm nên giọt rượu nồng.
Nơi chốn đó về đêm chỉ có cặp mắt của những ánh sao đoái hoài đến chúng tôi. Trai gái lớn lên vô tư như cây và xanh như cỏ nhờ giọt mồ hôi của người lớn thánh thót nhỏ trên luống cày, và cũng giống như những con diều không chịu hài lòng với sợi dây chưa đủ dài để với tới trăng sao. Nhưng sau một lần đứt dây tất cả sẽ trở nên khôn lớn, qua những mùa đông mây mù phủ kín tâm tư và mùa thu ru tiếng đời xơ xác. Phố nghèo xa xưa ấy, gọi là phố để chữa thẹn phần nào trước ánh mắt của ai đó lỡ gót phương xa muốn tìm một quán trọ. Đêm đêm không có ánh mắt đèn đường như những phố thị khác chỉ có ánh trăng và những bầy đom đóm nhằm che đi những nét buồn vui của đời. Những đêm hè thiếu tiếng quạt nồng để ru giấc ngủ ngoài tiếng sáo diều. Cả phố vỏn vẹn vài con đường tráng nhựa đã lỗi thời không rõ có từ thời nào chật hẹp như cánh cửa hy vọng, chỉ vừa đủ chỗ cho một vết xe đò cũ kỹ xộc xệch như con trâu già, tiếng máy nổ lạch phạch, mỗi lần người lơ xe thọc cái cây bằng thép vào đầu máy rồi lấy hết sức của đôi tay gân guốc mà làm cho bộ máy già nua ấy ho lên khù khụ trong khi ở phía đuôi nôn nao nhổ ra làn khói đen như cháy nhà làm bọn con nít chúng tôi nhìn nhau vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Ông già chủ xe mặc chiếc áo nhà binh rách vai, có lẽ không đủ xà bông để giặt cho sạch khi đi lên phố chợ, không biết trong lòng ông nghĩ gì. Ngày vài chuyến sáng chiều không ai rõ điểm dừng và điểm đến ở đâu. Những người khách hàng, buôn thúng, bán bưng hằng ngày của ông chẳng ai xa lạ. Trên mui xe xếp đầy quang gánh, thúng mủng đủ loại không thiếu một món gì thu hoạch từ những mùa màng quanh năm đôi khi cả những bầy gà vịt và vài con heo. Chúng hò hét, la mắng nhau bằng những ngôn ngữ riêng của chúng ồn ào như chợ. Mấy cô vịt cồ là lớn họng hơn cả. Không rõ chúng đang vui hay buồn trong chuyến xe lắc lư bất đắc dĩ đó. Mỗi một vòng bánh xe lăn qua mang theo những tương lai may rủi đang chờ đợi phía trước và quá khứ đang lùi dần phía sau. Ra đi mà không hẹn ngày về.
Đây là con lộ chính khang trang nhất. Ngã tư, chẳng có bảng stop sign cũng chẳng đèn vàng chớp tắt. Hai dãy phố hai bên đều là nhà trệt ngó sang nhau quanh năm mà không hề xấu hổ vì đều cũ kỹ như nhau. Thỉnh thoảng điểm vào giữa một vài căn nhà mới đỏm dáng như cô dâu ăn vận diêm dúa gây thèm thuồng những căn phố bên cạnh. Chiều về, khi mặt trời đã khuất sau đồi, sương mù rải đều trên mặt lộ biến những căn nhà thành hình ma mị. Hai cửa sổ như hai con mắt sâu hoắm đen xì thêm cái miệng đen ngòm ở chính giữa, không răng đang há hốc mồn nuốt chửng những đứa trẻ ra vào trong đó. Cuối con đường là khu chợ. Một nhà lồng nhỏ chính giữa dành cho hàng vải , áo quần và các đồ khô. Xung quanh là những chòi lá lùng bùng chứa không hết gió bán buôn đủ mọi mặt hàng và luôn góp mặt nhứng hàng quà bánh không thể thiếu. Chợ quê mỗi ngày chỉ họp một buổi tới trưa.
Vài lần một năm những gánh hát quen thuộc từ phương xa ghé lại hát nghêu ngao vài đêm, quây kín nhà lồng lại biến thành nhà hát và bán vé. Bọn con nít háo hấc chạy đuổi theo tiếng trống trên chiếc xe Lambro ba bánh để dành dựt nhau những pồ gam tuồng. Các bà hàng tôm hàng cá quanh khu họp chợ được một dịp hiếm hoi, bàn ra tán vào. Son phấn, hoàng bào tạo nên hững vai ông vua, bà chúa, nàng hầu, vợ bé bôi son, trát phấn, dẫn độ quá khứ hiện về một phen quay cuồng. Một thời lên voi xuống chó, chuyện nổ ra như pháo tết. Ngày vui mấy thuở vội qua mau, như một món thực đơn lạ miệng ăn chưa thỏa lòng đã tát cạn.
Mặt trời vùng cao nguyên không mấy khi chiều chuộng chúng tôi như ở nơi các bạn. Núi cao đồi thấp nhốt chúng tôi vào giữa. Những buổi sáng chưa kịp làm chúng tôi no lòng khi đến trường nhưng lại dư dả sương mù chẳng biết đem đổ đi đâu cho hết cho tới khi mặt trời ló ra cười với lũ trẻ con thì cũng là lúc gần đứng bóng. Mùa đông chẳng mấy khi có những ngày nắng bỏng da làm cao hứng cộng đồng nhà cu đất hát luôn miệng, cùng chung một khúc ca nhưng âm vực cao thấp và dài rộng khác nhau tùy theo loại, trống hay mái. Anh chàng chim trống khi hát dễ nhận ra vì âm vực phát xuất từ buồng tim thay cho thanh quản du dương hơn, pha chút bổng trầm dễ làm xao xuyến cõi lòng của các nàng chim mái, phòng không đơn chiếc. Có lẽ vì thế mà các nàng bị thôi miên, đêm đêm mất ăn mất ngủ chăng. Không ai nói cho chúng tôi biết mùa nào là mùa cưới của chúng cũng như cách tỏ tình ra sao. Chỉ biết rằng chúng rất chung tình ( may quá… không phải đi đánh ghen như cõi người ta! ) và quanh năm lúc nào cũng có tiếng chim non. Cũng chẳng có ai nói cho chúng tôi hay có phải thời tiết như vậy thích hợp với lũ chim cu đất hay không. Chúng mặc nhiên nhận nơi đây là quê hương của chúng đồng dạng, đồng hình như chúng tôi vậy. Chúng chẳng bao giờ ghen tuông với Hoàng anh, công chúa của núi rừng, hay chính thần núi đã bỏ bùa mê, dùng ba tấc lưỡi dụ dỗ chúng ở lại thì chúng tôi cũng không rõ. Cu đất lại càng thua sơn ca bé bỏng như một người tình nhỏ có giọng ca thánh thót đa tình hay nàng họa mi mang theo trong thanh quản giọng ca đủ liêu xiêu một ngai vàng hay làm tê tái một chiều thu. Cu đất chỉ đơn sơ, thanh thoát như một cô gái quê cả đời chưa bao giờ biết sơn phết lên môi lời phấn son làm đọa đầy lũ trai làng. Khuôn mặt hiền hậu chân chất, khoác lên mình bộ đồ nâu xám và không quên trang điểm một vòng cườm quanh cổ ( loài cu cườm ) đủ để tôn sắc đẹp của nàng lên trong ngày cưới. Chúng cũng mang bản chất mơ hồ của ai nữa nhỉ ? Phải chăng củat cô gái miền sơn cước, vai thon mượt mà vấn vương nét đẹp rừng rú, cổ cao ba ngấn, đôi chân sắc hồng mảnh khảnh thanh tao với các ngón đài các không thua gì những tiểu thư chốn thị thành . Chúng tôi thực tình còn quá bé nhỏ, trí khôn chưa biết định hình thế nào là nét đẹp của một bông hoa bên sắc đẹp của một thiếu nữ. Chúng tôi chẳng khá hơn những con suối nhỏ chưa hề giáp mặt thế nào là sự cao cả của một dòng sông. Dòng suối có lẽ đã từng nghe nói về tiểu sử của một dòng sông, mang trên mình những bến đỗ cho cuộc đời ai đó đã tìm được bạn tình. Hoặc những khúc quanh co làm quặn đau những con thuyền bơ vơ trong cảnh đời lầm than, không tìm ra quán trọ. Dòng sông biết ngậm trong lòng nó bao nhiêu phù sa để làm nên nhũng vùng đất mới no ấm cho con người. Chúng tôi chỉ biết nhiêu đó đủ để làm nên tuổi thơ như các vì sao chỉ biết lấp lánh, đêm đêm dõi mắt nhìn xuống cuộc đời và nép mình yên ổn trong thế giới thiên hà vô tận.
Mỗi miền đất ai đã từng đi qua (như những chặng đời) đều lưu lại trong tim một hay nhiều điều đáng nhớ làm thành chất keo gắn bó với nó nôm na gọi là tình quê hương. Có thể đó chỉ là một dòng sông đã ẵm bồng tuổi trẻ trong lòng nó. Những con còng gió chạy lăng quăng trên bãi làm ám ảnh cả một tuổi thơ. Có thể chỉ là những câu hò đưa tình của cô lái đò thay vì đưa người sang sông lại giũ chân người khách lạ đa tình ở lại đẹp duyên với cô…Hay những thổ sản đặc trưng biết níu gót chân du khách đến hẹn lại về, trở lại vì trót lỡ thương nhớ một bóng hình. Riêng đối với bọn con nít chúng tôi tiếng hót của loài chim cu đất mỗi lần chúng cất lên thay cho lời ca dao của quê nghèo đã làm thành dấu ấn trong hồn mà vào những đêm sương mù giá lạnh từ non cao thổi về luồn lách qua những con đường hẹp loang lổ vết ổ ga làm im bặt những tiếng hót của loài chim , khiến lòng chúng tôi cũng lạnh giá theo, như vừa lạc mất một đốm than hồng.
Chúng tôi yên tâm trong cái nôi hồng tuổi nhỏ, và tưởng rằng những con phố rách rưới như cuộc đời sẽ chỉ quanh quẩn với bình mực tím lủng lẳng trên tay và những trang vở quăn góc có những hàng kẻ đáng ghét mà những đứa trẻ bị cô giáo khống chế phải viết cho ngay hàng!
Nhưng rồi, những cây bàng trong sân trường lớn dần theo thời gian với chúng tôi. Chúng có mặt nơi đây chẳng phải là che bóng mát nhưng là để khoe mầu xanh với đời, những trái bàng xanh như tuổi thơ đang căng nhựa sống sẽ hứa hẹn một mùa hè chin đỏ. Chúng cũng thích vỗ tay mỗi khi làn gió ghé lại viếng thăm. Bầy con gái mới ngày nào còn nhẩy lò cò, tóc tai cũn cỡn, mồm miệng chanh chua, cãi nhau như mổ bò vì thua một cuộc chơi. Bây giờ đã thành những nàng con gái biết yểu điệu trên những bước đi, đôi mắt đong đầy lá thu, bước chân quyến rũ mây chiều, làn môi mọng đỏ, tóc lửng đôi vai như dòng suối êm chảy qua cuộc đời chưa từng vướng vít khổ đau.
Lũ trẻ con chúng tôi đã xa dần trường lớp, những dẫy bàn nhòe nhoẹt vết mực khô, xa tiếng đánh vần ê a để bước xuống cuộc đời. Đã biết chạm tay vào những thất bại, gian nan, để biết thế nào là giá trị của yêu thương. Yêu con phố nghèo liêu xiêu những khung cửa hẹp long cả bản lề. Yêu những bức tường đen đúa không đủ tiền quét lại nước vôi. Yêu tiếng ve sầu tha thiết gọi hè về, những giọt nắng hồng làm gò má em gái đỏ ao . Yêu tiếng sáo diều làm mơ màng một chiều hôm khi cơn gió nam lồng lộng thồi về đánh thức những dấu chân kỷ niệm trong đó có những mùa xuân rực rỡ bên ngoài hòng che dấu đi những giọt buồn ẩn nấp sau lưng đang làm xáo trộn tâm hồn những nàng con gái trước giờ bước sang sông. Có những mùa hè xào xạc âm thanh tiếng thì thầm của gió, ầm ầm của thác ghềnh, lời kể lể của cây xanh về tiếng vịt trời vừabáo hiệu đêm qua những trận mưa ngâu đầu mùa sẽ đến xồng xộc như một vị khách không mời làm đau lòng Ngưu Lang, Chức Nữ. Có những thu vàng không ngăn nổi tiếng khóc mệt lả của lá cây, nuối tiếc những ngày xanh, không muốn lìa cành mênh mông và mênh mông không biết trôi dạt về đâu u buồn trên mắt môi những nàng con gái. Rồi những mùa đông không hẹn mà cứ đến,làm bơ vơ những cánh chim một buổi chiều, làm ngơ ngác những vì sao, bối rối những tà áo len và chiếc khăn quàng hờ hững trên vai, trong khi thời gian bốn mùa như con thuyền nặng nhọc cứ hờ hững trôi trên những chặng đời lam lũ. Có hay đâu khổ đau đang rình rập từ những bàn tay và con tim được tôi luyện trong lò lửa căm hờn mỗi lúc đang xích lại gần như cơn địa chấn không hề báo trước lăm le vũ khí đợi giờ thứ hai mươi lăm để sẵn sàng ra tay. Bao ánh mắt nháo nhác trước những họng súng của lũ người chỉ xuất hiện về đêm như những bóng ma gây kinh hoàng cho người già và trê con. Tuổi trẻ chúng tôi như bầy lá thu vội vàng rụng xuống khi đời vẫn còn xanh bay đi bốn phương không kịp chờ một luồng gió định mệnh thổi qua. Có đứa nằm xuống khi chưa kịp nói lời từ biệt, chưa kịp nếm mùi ngọt ngào của tình yêu để nửa hồn trăng phải bơ vơ những đêm thu vế. Hay chỉ một nụ hôn để làm ngăn tim thao thức mất ngủ hàng đêm. Cũng chưa kịp nói lời vĩnh biệt với bầy chim cu đất, vĩnh biệt dòng sông ngậm đầy phù sa giúp chúng tôi khôn lớn và hình ảnh những người em gái tóc xanh như mạ đã vun đầy giấc mơ hàng đêm, hò hẹn một ngày nói chuyện cau trầu.
Hôm nay, nơi miền đất tạm dung, đã bao nhiêu năm lưu lạc vẫn mang trong lòng âm ỉ một vết thương vì chưa làm được gì cho quê nghèo để người em gái không phải bớt một miếng ăn, một manh áo dành cho ai đó cơ hàn. Lâu lâu được nghe lại lời chim cu đất mà thấy xót xa cho thân phận ma Hời. Nhớ về con phố xưa mà thực chất nó không nghèo khi chúng tôi học xong những bài học vỡ lòng chốn xứ người. Nơi ấy bây giờ ra sao, những nàng con gái có còn dấu mộng ước trong tóc thề hay vê tròn hạnh phúc trong lung linh trong khóe mắt. Cu đất còn đó hay cũng đã rũ áo ra đi. Những gì còn đắn đo trụ lại để làm nhân chứng cho cuộc đổi đời. Tuổi trẻ một phen bị nhấn chìm trong sóng thần biển dâu. Những gì còn, mất đã vượt khỏi tầm tay già nua, trôi theo với dòng chẩy vào quá khứ mịt mùng.
Rồi khi mái đầu đã hết màu xanh, tuổi thanh xuân bay theo những cơn gió mùa, buồng tim đã không còn đủ hơi ấm để hâm lại những nhớ nhung
một thời. Không gian có lẽ vẫn thế, trùng dương vẫn xanh một mầu đời, nhưng thời gian đang lấy đi những ký ức, quê xưa bỗng trở nên xa vời vợi.
Ai dám bảo dảm được rồi ra rong rêu sẽ không mọc lên trên những kỷ niệm xưa. Những người con gái chiều chiều vẫn ngồi bên thềm cửa ngóng trông
rồi hóa thân thành tượng đá bơ vơ mà ánh mắt xa vời đã vời xa, để hằng đêm nghe giông bão thổi về vô tình lay động con tim vẫn còn thoi thóp
chờ mong. -/.
( Cuối thu 2024 )
VVM.17.12.2024.
( Cuối thu 2024 )