Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



GỐC PHƯỢNG GIÀ VÀ MÙA HẠ CŨ




C ó vẻ như đã lâu lắm rồi tôi không trở lại nơi ấy ngôi trường những năm cấp 2, đã để lại trong thế hệ chúng tôi không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn.

Sân trường giờ đã được tráng xi măng, trông sạch đẹp hơn xưa nhiều, nhưng…sao tôi thấy trong tầm mắt mình là một khoảng vuông vuông phẳng lì, vô hồn! Mà thôi, cũng phải, bởi đá thì làm sao có hồn được, và cũng không dễ gợi cho người ta một cảm xúc nào đó. Tôi nhớ như in khoảng sân trường bằng đất, và nhờ nó mà mấy cây phượng vĩ có chỗ bám vào để ra hoa đỏ rực cho chúng tôi mỗi mùa hạ-mùa nghỉ hè-đến.

Hồi đó trường cũng có một bác bảo vệ, nhưng không hiểu sao ông ấy không có vẻ mặt lạnh đăm đăm như ông bảo vệ hiện nay. Tôi nhớ, chúng tôi hay đến trường vào buổi trưa (chúng tôi học buổi sáng, buổi trưa được nghỉ, và hồi ấy không hề có chuyện “học thêm” sái cả cổ như đám con tôi phải gồng sức ra học như bây giờ), và vào trường rất dễ, tự nhiên leo qua mấy dãy bàn trống, rồi xếp bàn lại thành hình một mặt bàn lớn, lấy hai cục gạch đặt ở hai khoảng giữa bàn, chăng ngang sợi dây…thế là đã thành một bàn bóng bàn. Với một cặp vợt cũ như chưa có thứ gì cũ hơn thế, chúng tôi đã say sưa chơi bóng bàn. Chán chê, cả đám ra ngồi tụm năm, tụm ba dưới gốc cây phượng, sát phòng bảo vệ ngồi tán dóc. Ác nhất là tụi Nguyệt Anh, Mỹ, Tường… tụi nó ngồi chơi một lát rồi lần nào cũng tiện tay, lấy gạch, rạch lên gốc cây… tên của tụi nó, và những câu, đại loại: “Tên em còn lại muôn đời, tôi đã từng học tại ngôi trường này…”.

Gần như mấy cây phượng trong sân trường đều đầy những vết ngang vết dọc khắc chữ của đám học trò chúng tôi. Tôi nhớ mãi chuyện thằng Tường nghe lời Nguyệt Anh leo lên cháng ba của cây phượng để hái một chùm rực rỡ nhất dành tặng người đẹp (hồi đó, chúng tôi “ghép đôi” Nguyệt Anh với Tường) nhưng không may vuột tay té xuống, ngất xỉu mất vài phút làm cả đám hết hồn vì lo nó chết. Sau chuyện đó, chúng tôi không mạo hiểm trèo cây nữa mà… lấy dép phang lên, để rớt từng chùm hoa phượng, mấy đứa con gái mang về ép vào lưu bút. Đó là chưa kể chúng tôi còn canh khều mấy trái phượng đen đen, tách ra lấy hạt, nấu chín, ăn sực sực, lạ miệng vô cùng. Tất nhiên phải giấu bác bảo vệ, vì nếu biết, bác ấy sẽ đuổi chúng tôi về ngay.

Tôi nhớ có những đêm nghỉ hè, chúng tôi lén nhảy bờ tường vào trường, rồi đu lên tít phần cao nhất của cây phượng để từ đó trèo lên lan can, vào lớp (do trường nghỉ hè, cầu thang lên xuống bị rào lại); xong, mấy đứa con trai chui lên la-phông của lớp tìm bắt dơi, nhiều vô số kể, rồi mang ra ngoài để mấy đứa con gái làm thịt dơi nấu cháo. Rất nhiều đêm chúng tôi xì xụp húp cháo thịt dơi ngon vô cùng.

Ngoài chuyện cho chúng tôi bóng mát và một điểm tụ họp, cây phượng gắn bó với chúng tôi qua quá nhiều “chức năng” mà nó mang đến.Vô vàn những kỷ niệm về cây phượng của trường chúng tôi, mà đến giờ, tôi tin là trong chúng tôi, ai cũng còn nhớ.

Tất cả giờ đã khác. Trường lớp mới hơn với màu sơn xanh dương nhạt, bàn ghế phẳng phiu, sạch đẹp. Nhiều thế hệ học trò đã đi qua, không biết có ai còn thời giờ ngoái đầu lại quá khứ để về thăm trường như tôi hay không? Khi tôi hỏi về thầy Sơn, cô Tiến…gần như rất ít người đang làm việc ở trường còn nhớ. Những thầy cô cũ đa phần đều đã về hưu và qua đời. Mà nói chi đến thầy cô, ngay cả bạn bè tôi thời cấp 2, lác đác cũng đã có người “lên đường” vì bệnh ung thư, vì tai nạn…Chỉ có gốc phượng là vẫn còn đó, già cỗi nhưng vẫn xanh lá như thách thức thời gian, và trên cao kia, vẫn lơ thơ những chùm hoa đỏ thắm. Các vết ngang, vết dọc khắc tên trên thân cây theo thời gian cũng nở to ra-nhưng vẫn còn đấy như một chứng tích của thời đi học.

Những người bạn ngày xưa ơi, bây giờ đang ở tận đâu ? -




VVM.22.11.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .