Cả xóm độ vài chục nóc nhà. Ngoài dãy nhà trệt dàn hàng ngang, cửa ngóng về phía dòng sông, còn bao nhiêu mái lá lụp xụp khác mọc lên tự do, không theo thứ tự nào. Nhà thì xây cửa cái về hướng đông. Nhà lại quay sang hướng tây. Nhà có mặt tiền hướng về phía bắc. Nhà lại quay “Hậu môn” ngay cửa nhà người khác. Cả vùng chỉ có ba ngôi nhà lớn, xây cất theo kiểu Tây. Ngôi biệt thự đẹp nhất thuộc quyền sở hữu của chủ hãng nước đá. Căn nhà bề thế thứ hai là… cái đề - bô rượu. Chủ nó ở tận trời Tây. Hằng ngày nó được một gã ăn mặc bảnh tỏn lui tới trông nom. Người ta gọi hắn là “Ông đại lý hãng rượu”. Ngôi nhà thứ ba mái ngói đỏ tươi. Tuy nhỏ nhưng khang trang, ấm cúng. Đây là chỗ trú của gia đình người gác cổng hãng rượu. Người ấy chính là ông ngoại tôi. Người nghèo nhất xứ nầy. Ông chấp nhận làm bảo vệ không công cho chủ hãng rượu để đổi lấy chỗ che mưa, che nắng cho gia đình. Trước đây, ngoại cũng có một ngôi nhà lá ba gian, hai chái. Nhưng ông đã bán nó để chữa bệnh cho bà ngoại tôi. Tiền hết, cả nhà lâm vào cảnh bần cùng. Biết ông tôi có chút đỉnh võ nghệ, ông đại lý tới gạ gẫm. Những lời đề nghị của ông ta thật bất công. Nhưng cái nghèo đã khiến ông tôi trở thành nhu nhược. Ngoại phải vừa giữ cổng hãng rượu, vừa đong rượu vào thùng, vác xuống đò máy cho khách. Kiêm luôn việc canh và bán củi cho ông đại lý. Phải nói hắn có tài khai thác sức lao động. Hắn không để ông tôi được rảnh rang. Ông tôi có tài đắp đầu lân, đầu sư tử, vẽ tranh Phật. Nhưng ít khi có cơ hội thi thố. Mỗi năm ông chỉ tạo hình được một cái đầu mãnh sư vào dịp tết. Số tiền kiếm được cũng chẳng nhiều. Cả nhà phải sống nhờ vào gánh hàng rong của bà và mẹ tôi.
Khi tôi lớn lên, vừa đủ để hiểu được nỗi nhọc nhằn, tủi cực trong câu chuyện ngày xưa mà ngoại kể thì Tây đã về nước. Nhưng cái hãng rượu vẫn còn chễm chệ đứng án ngữ trước ngõ nhà tôi và bao nhiêu nhà khác như một vật chứng bất công, tàn nhẫn. Nó ngăn tầm mắt tôi và mọi người. Che khuất dòng sông êm đềm trôi giữa đôi bờ rợp mát bóng dừa. Cả xóm ra vào bằng một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Mùa nắng đầy bụi, mùa mưa ngập ngụa bùn đất. Sự cách biệt sang hèn đã gợi trong lòng tôi nỗi đau từ thời thơ ấu. Không ngày nào tôi không nghe tiếng chửi bới nhau vì những chuyện bé như hạt tiêu. Chung quy tại nghèo. Hôm thì bà Sáu Huôi mắng bà Tám Tàng tham lam. Mấy cục gạch bà ném xuống chỗ đất trũng cho nước không đọng, bỗng dưng chúng biết chạy sang nhà bà Tám Tàng, nằm chương ướng ngay lối đi. Hôm thì ông Tư Liễng chửi ông Tư Tòng “Cõng rắn cắn… lối xóm”. Ỷ có sức khỏe, dắt chư vị về ăn nhậu rồi kiếm chuyện đánh lộn với trai tráng trong xóm.
Xóm tôi vui nhất là lúc tiếng còi tàu thét vang dọc đường sông. Tiếng tu tu vọng lại, rõ dần, báo hiệu tàu sắp cặp bến. Tàu còn nhấp nhô đàng xa, tiếng chửi bới ỏm tỏi rộ lên. Họ giành chỗ đứng để rước khách cần khuân vác. Tàu vừa bỏ neo, gác đòn dong, mạnh ai nấy nhảy xuống. Bất kể hiểm nguy, họ te te chạy xuống tàu, gặp ai thì chụp lấy túi xách, te te chạy lên bờ. Khách thương hồ hoảng vía, sợ mất hành lý, họ quáng quàng chạy theo bất kể hiểm nguy. Có lần, bác Ba Biền sơ ý rơi tòm xuống sông. May là cứu kịp nhưng nước sông có dịp chui qua mũi, ộc vào miệng, đội bụng, căng rốn nhìn phát khiếp. Phải mất mấy ngày bác mới hoàn hồn. Thấy vậy, ngoại tôi khuyên lối xóm: “Không phải chỉ có đói mới chết mà bị tai nạn cũng có thể chết”. Họ cãi: “Đói thì thường gặp, còn tai nạn thì hiếm thấy hơn”. Vậy là đâu lại vào đấy. Mãi đến lúc chủ đò máy hăm dọa: “Nếu còn vậy nữa, tui sẽ cho tàu cặp bến khác!”. Họ đành phải đổi thái độ, đứng trên bờ chờ khách. Ai vừa bước lên, cả chục mạng ào tới, người vỗ vai, kẻ vỗ mông, hỏi: “Có gì cho em xách không?”. Cũng tại làm vậy mà anh Hai Lâu bị một bà khách tát cho mấy cái vì tưởng lầm anh muốn sàm sỡ.
Sau bước ngoặc đó, người trong xóm đổi nghề khá nhiều. Ông Tư Liễng lập giàn nhạc… ma chay gồm năm người. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ. Nào là đàn cò, đàn kìm, đàn bầu. Nào là trống, chiêng… Tay nghề chưa điêu luyện nên âm thanh họ xướng ra ngắc ngứ, trục trặc như bị ai cản họng. Láng giềng an ủi: “Nghe cũng muốn… chết lắm chứ bộ!”. Bà Tám Tàng trổ nghề đón ghe chuối về ủ chín đem bán. Chưa thấy ai đếm nải chuối lạ như bà Tám. Lâu lâu lại nhảy lùi cả chục số. Mới đếm tới 27, 28 đến 19, 20, 21…Tôi kêu lên: “Í ẹ, Bà Tám đếm lộn rồi. 28, 29, 30 chứ…”. Từ dưới ghe, bà nhảy lên bờ, lôi tuột tôi vào nhà, đến trước mặt ngoại, hỏi tội: “Nè, có cháu mà không biết dạy, để nó ăn rồi đi đập nồi người khác”. Ông chưng hửng: “Chuyện gì nữa?”. Nghe tôi kể lại, ông bật cười: “À, thì ra nó tưởng bà đếm sai. Chớ không biết bà định ăn gian người ta. Thôi, để tôi dạy nó: Mai mốt con nghe, thấy bà Tám làm gì kì cục con cũng giả đui, giả điếc, giả câm nghe không”. Bà Tám ngoe nguẩy bỏ đi sau khi ném lại một câu: “Đồ hà bá vật!”. Tuy vậy, từ đó bà không bao giờ đếm sai, dù tôi bao phen rình xem thử.
Bà Sáu Huôi bỗng nghĩ ra một kế sinh nhai tuyệt diệu: Cho mướn chỗ ngủ. Gặp khách lỡ chuyến đò, bà rước vào nhà… cho mướn giường, chiếu. Còn vợ chồng con cái bà thì ngủ chùm nhum trên sàn nhà. Bà bảo: “Những đêm như vậy thường ngủ say, mộng đẹp, sáng ra còn được tiền mua gạo”.
Con Bé Tí trạc tuổi tôi, nhà ở cuối hẻm. Nó nghĩ ra một chước kinh thiên động địa. Mỗi lần đi bán bánh cam về ngang qua chỗ bán vật liệu xây dựng, nó lén lấy trộm một viên gạch. Nó định để xây nhà tường. Đến khi mẹ nó mất, người ta mới phát hiện được, số gạch lên đến cả thiên được dấu dưới gầm giường. được lôi hết ra để làm mả đá cho mẹ nó. Bé Tí gào khóc thảm thiết trước mộ mẹ và thề: “Từ nay con không ăn cắp nữa. Chắc tại con tham mà mẹ chết, bỏ con hu hu…”.
Từ hạt cát đến hàng cây. Từ ngôi nhà đến từng người trong xóm. Tất cả đã tô đậm trong tôi niềm thương cảm, thiết thân vô hạn. Không bao giờ tôi quên được hình ảnh ông Tư Liễng đã dùng chiếc xe ba bánh chở nhạc cụ bấy lâu để chở ngoại tôi vào bệnh viện khi ngoại tôi té từ trên chiếc thang xuống đất. Cả xóm lúp xúp chạy theo. Người khóc, kẻ… chửi trời, mắng đất. Thượng đế bị lôi tuột xuống trần về tội bất công. Còn tôi, bấy giờ tôi hiểu rõ hơn câu nói: “Bà con xa không bằng láng giềng gần”. Khi hoạn nạn mới biết lòng người nhân hậu.
Bây giờ, xóm tôi đã khấm khá hơn. Nhiều ngôi nhà lụp xụp được thay bằng nhà tường khang trang, đẹp đẽ hoặc nhà cao tầng. Lũ trẻ xóm tôi đã truởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Chỉ tiếc nhiều người lập nghiệp phương xa. Nhưng tôi biết tất cả bọn tôi đều cùng ý nghĩ: Xóm Cầu Tàu mãi là chốn để nhớ về. -./.