Sao lâu quá vậy? Rồi nó có về kịp cứu Thanh Thảo không? Mười Thất nóng ruột.
Ồ, thì từ từ, sao lại không, nó giỏi quá mà.
Điểm bỏ sách xuống bụng:
Dượng vẫn không bỏ được cái vụ lo xa. Con đã nói đừng lo cho mấy đứa vai chánh. Bị gì đi nữa rồi nó cũng thắng mà… Con Thanh Thảo sẽ có một đứa con, mãi sau Thanh Thảo mới chết vì bị giết lầm. Sau thằng con lớn, nó giỏi hơn cha nó nữa. Hay dữ lắm.
Bác Trương nói:
Con đọc tiếp đi, nhanh hơn một chút cũng được. Anh Mười thong thả, đừng ngắt lời nó, nghe.
Một chiếc xe đạp chạy ngang qua cổng, bóp chuông. Tiếng trẻ con nói chuyện bỗng từ đâu trờ tới, xôn xao, rồi nhỏ ngay, mất hút. Có lẽ chúng nó đi mau, hay chậm lúp xúp. Chúng ra đình xem truyền hình. Điểm ngưng ngang, chậc chậc:
Tối nay có kịch, à thế mà quên. Kịch hay lắm.
Kịch kệch gì mày ơi. Ồn quá trời, lại còn cái bọn lóc chóc phá hơn giặc, coi chán chết. Tiếp đi.
Mười Thất ghét bọn nhỏ. Hôm trước, nghe nhiều người khen, ông mò ra xem chơi cho biết. Đâu ngờ, chỉ một lúc, hút chưa tàn điếu thuốc, ông đã bị hai miếng vỏ bưởi bay đập vào lưng vào cổ. Ấy là chúng nó ghẹo gái, chẳng ai ghẹo ông làm gì, nhưng ông cũng bực mình, cắp dép về thẳng.
Dượng coi chưa quen đó chớ. Kịch hay không chê được, ai cũng mê mà. Tuần trước diễn khúc đầu, chưa chi nhiều đứa đã khóc…Chuyện hay, hoàn cảnh chi mà éo le quá trời! Dượng nhìn một lúc thấy chóng mặt phải hôn?
Điểm dậy, bưng đèn để lên bàn, cất sách, vào buồng thay áo. “Mày đi thiệt hả?”. Chẳng nghe trả lời. Không chừng cô nàng đã đi bằng ngõ bếp. Bác Tương xách ấm nước sôi lên đút dưới chân ghế. Tối nay bỗng dưng bác uống trà nhiều, và thấy buồn, buồn đâu đâu.
Anh này, tôi nghĩ hai đứa nó định bỏ tôi thiệt.
Hay chúng bị chuyện gì đó, như đau ốm, dời nhà.
Không lý một sớm một chiều nó bán cả nhà, cả xe. Buồn… Anh thấy, bốn tháng nay, chúng bố thí hai ngàn. Hai ngàn đồng!
Thời này… Đời, lòng dạ con người… Mười Thất lại muốn kể lể, nhưng, anh bạn già này đã nghe mình kể hàng trăm lần rồi. “Ngày con mẹ chúng nó chết, thì chúng đứa mới ba tuổi, đứa mới sáu tháng. Phải, con em vừa sáu tháng mấy ngày, đâu được sáu tháng rưỡi. Vậy mà tôi nuôi, tôi chịu khổ nhọc, nhiều khi khổ đến có thể đi ăn mày, nhưng tôi ráng. Có lần, trong nhiều tháng tôi chỉ ăn mỗi ngày một bữa cơm, cũng là bởi hai đứa nó. Sao đi nữa thì chúng cũng là cháu mình, mất cha níu chú. Nay, lấy được chồng giàu, nhà cửa cao rộng, ở giữa phố phường, chúng nhớ đến tôi đến mức độ nào?... Ông nghĩ thử xem, chúng nó nhớ tôi như thế nào? Ơn tôi phải xem nặng hơn ơn cha mẹ chớ… Trước thì còn được, lúc này khi vui gửi cho năm ba ngàn, lúc buồn chỉ một hai ngàn. Bây giờ, mấy tháng tiếp, chẳng có lấy một hàng chữ gửi thăm. Bận con cái, bận lo làm ăn? Nhưng, nếu ngày đó tôi ghét tôi bỏ cho chết đói, tôi bỏ dơ dáy ghẻ lở… Tôi quẳng cho gãy một chân hay một tay, thì nay ai thèm ngó chúng. Có ai thèm lấy con ma một tay – Tôi sắp chết… Mai chắc tôi chết, chết đói. Nhục nhã, đau đớn. Nhưng làm gì bây giờ, chân bước mấy bước đã run, còn mắt mũi… à, sao hồi đó mình không chọt đui mắt hai con bất nghĩa này, để mỗi đứa còn một con thôi, để giờ này mình đỡ đau lòng…”.
Toán người gát đêm kéo đến, họ vào sân, nói chuyện xì xào. Nhà bác Tương có cái sân tốt, rộng nằm không cần trải chiếu, nên toán gát này hay thường đến ngủ. Cũng có người bảo nhà này có một điểm khác quyến rủ, hơn hẳn cái sân làng là con dâu bác Tương. Họ đàn ông con trai, khó trách họ được. Với lại họ cũng đàng hoàng, dễ thương. Nếu trách, thì trách chính con bác, thằng con đi năm bảy năm chẳng chịu ló mặt về. “Ngủ chưa bác Hai? Cô Hai ơi, cho bọn này mượn chiếc chiếu. Cô Hai ơi, sao cái sân…”. Họ nói chuyện, huýt gió, ca nho nhỏ, cười khúc khắc: “Cô Hai của em”. Chỉ bọn trai trẻ làm ồn. Mấy ông già lúc nào cũng ít nói, hiền lành. Chốc lát, các ông sẽ ngủ ngay. Cả ngày làm việc, nắng nôi, rồi mai đếm lại cũng phải làm việc, lại chịu nắng, cực nhọc. Trăm chuyện, này họ, con cái, tiền bạc, trong lòng không còn chỗ nào trống để vui và đùa cợt. Các ông không bỏ phí mươi phút hay một giờ của trời ban đêm, mát khỏe, tự do. Ngủ, luôn luôn là cái ngon nhất.
Tôi chết đói đến nơi. Anh Hai, từ nhỏ đến giờ tôi chưa thấy ai phải chết vì đói.
Bác Tương hớp từng hớp trà nhỏ. Tình cảnh ông bạn buồn thật đó, nhưng nó cũng không gây được cho bác một sự xúc động. Vì chính bác cũng đâu vui gì. Thằng con mỗi năm gửi về chừng hai lá thư, năm bảy hàng “chúc cha vui mạnh”, rồi thôi. Chắc nó tưởng chi cần nghe chúc là người ta đã no. Sống với con dâu, phải sống nhờ vào sự chờ đợi, đau buồn của con nhỏ không phải là điều đáng vui. Ngày nào đó con nhỏ sẽ bỏ đi, có gì ràng buộc đâu, ai cấm cản được? Một buổi sáng nào đó, ngủ dậy, bác sẽ thấy căn nhà trống trải, sự u buồn ào đến chụp kín người bác. Bác sẽ khổ, đói, hay sẽ chết đói. Mười Thất nói, như kêu than: “Khi hôm,nằm chiêm bao tôi thấy tôi chết đói. Tôi nằm trên giường, đầu tôi còn nguyên nhưng phần dưới, từ cổ trở xuống, thịt da rã mất cả. Con chó cũng chết, mình nó trơ xương, mở mắt thao láo ngó tôi, nhưng tai nó chẳng vẫy được. Người ta qua lại rầm rập trước cửa, lũ con nít chạy chơi vào tới sân nữa, mà chẳng ai biết tôi đang chết. Tôi thèm nước. Tôi bảo con chó đừng nhìn tôi nữa… Có lúc tôi muốn ngồi dậy một chút, nhưng đói quá, bụng mất đâu rồi mà vẫn biết đói. Cho đến, lâu lắm, đột nhiên bốn bức tường ngã xuống, mấy cây cột mờ dần, biến mất. Cái nhà chỉ còn chổng chơ hai mái, vậy nó cũng mất bụng, tôi sợ nó bay mất! Trăm người diễu qua, xe đạp, xe ngựa, bọn học trò đi học về, không ai nhìn tôi. Lâu quá, tủi thân tôi khóc, cái mái nhà bổng rung mạnh, rồi tốc bay lên… Ui cha, tôi khóc hơn mưa”.
Anh nghĩ quá nhiều chuyện, trí óc anh bị mệt đó. Tôi cũng chưa thấy ai chết đói ngay trước mắt bao giờ.
Nhưng có thể đã có người kẻ chết sau lưng mình? Ai cấm họ chết khổ một cách yên lặng? Mười Thất ngó xuống đất, mắt ông không nháy. Ông như đang bị đắm vào một cơn say kỳ dị. Có say mới thích nói. Ông nói, mê mãi: “Đến con mụ Hậu cũng đổi khác. Bữa qua mượn mua giùm bó củi mụ cũng lắc đầu lia. Mới hôm nào sáng chạy qua xin vài chục, chiều qua mượn đôi trăm, nay quên tuốt. Với cái hạng người đó mình nên đối xử thế nào, anh Hai? Tôi vái trời cho tôi sống giàu một ngày, thật giàu, một ngày thôi. Để tôi xem chính con người tôi nó thế nào, xem hai con mắt tôi nhìn những kẻ nghèo ra sao… Tôi sẽ ăn đủ thứ, ăn thiệt nhiều trong nửa ngày, rồi đi chơi, đi khắp nơi trong nửa ngày. Tôi, chắc chắn, sẽ gọi mụ Hậu tới, cho mụmột xách bạc, cho mụ ăn no, rồi đái tưới lên mặt mụ! Nhưng, ông trời cũng khéo, nếu ông cho mọi ước mơ đều trở thành sự thiệt thì con người chẳng ai sống hơn được mười năm”.
Điểm về, đi ngay vô buồng. Bác Tương quay nhìn con dâu, thấy lạ. Điểm nói: “Kịch hay ghê ba, nhưng tự nhiên con thấy khó chịu quá, tưởng bị ói giữa đường”. Mười Thất cười, nghi ngờ. Ông muốn nói thử một câu: “Dượng biết mày bị khó chịu vì cái gì rồi”. Nhưng ông dằn được. Ích gì. Nó có quyền của nó, có quyền làm như vậy, hay hơn chút nữa cũng chẳng sao. Ông thấy cô nàng với tên Thìn máy gạo nhỏ to mấy lần đằng ngả tư, ban đêm, và một lần ngay, tại nhà này lúc bác Tương đi khỏi. Hai người có vẻ khắng khít, rỉ rả mùi mẫn lắm. Làm sao cũng xong, có điều hơi chướng là Thìn máy gạo còn vợ con hàng dọc dài đó – Ra đình coi kịch hay tới ngả tư tự mình đóng kịch lấy đố ai biết. Tội lão Tương, trường hợp này thì mắt lão vô dụng, chẳng thấy, chẳng biết gì hết.
“ Cô Hai coi hát hay không, kể anh em nghe với”. Đám thanh niên trước sân chỏ miệng vào chọc. Điểm ôm cái mền, nằm nhìn những bức hình trong trang báo trên vách. Nay chắc khó ngủ. Các điều Thìn máy gạo nói lúc nãy như cứ vang lên trong tai. Những sóng ngươi cuồn cuộn trên ấy đường phố lớn. Lính tráng trùng trùng lướt đến, lính chồng chất trên mấy đoàn xe dài chạy vút qua. Trên phố chắc có nhiều sự lạ mà mình chưa hề biết, người trên ấy chắc sang trọng, và đông đảo lắm. Mọi khi đầu mình nhẹ thênh, nằm xuống không ngủ ngay thì chỉ nghĩ về mấy việc lẩm cẩm, trồng tỉa, gặt hái, cá gạo, mấy cuốn truyện hay sẽ mượn bên nhà con bạn… Thìn máy gạo, chuyện gì anh ta nói cũng đều mang một vẻ quan trọng to lớn. Không chuyện nào dễ dãi, hay ho như các chuyện tình trong sách. Đoàn xe mờ ảo ấy lại trờ tới, chúng muốn chạy trên trang báo, có cả vùng bụi mù!... Lính, súng đạn, dãy người sắp hàng. Những cây súng dài thật đen!
Mười Thất chào về. Ông mới bước ra, chưa đến ngõ, đã bị tốp thanh niên níu lại, “ngồi xuống đây nói chuyện chơi chú Mười, sớm về chi vội”.
Cho tao về, buồn quá chuyện trò không trôi đâu cháu.
Buồn chi chú, đời mà, cứ cố vui mới sống nổi. Cháu dù thua lỗ cũng vui, đau ốm cũng vui, ráng mà vui mới làm việc được… Chỉ khi nào hết gạo mới buồn.
Mười Thất bật cười:
Tao hết gạo chín mười ngày rồi! – Ông cười một hồi dài, thật lớn như thích chí - Tao buồn là đúng, phải không mày, Út xe lam?... Mày xe lam đi đây đi đó nhiều nên ăn nói thông minh, lúc nào ý tứ cũng hay!
Một người ngồi khuất trong thềm nói:
Sống một mình như chú có nhiều điểm tuyệt lắm nhe, như cái điểm tự do. Cởi truồng suốt ngày cũng được nữa.
Tao có thể nhịn ăn tự do không…Thiên hạ thừa mứa sự sang giàu sung sướng, còn mình chỉ cần một mảnh sung sướng to bằng bàn tay lại không có. Nào cần chi nhiều, như anh Tương nhà này cũng đã gọi được là sống ngon: Có con hầu hạ, cái ăn đầy đủ, đêm nằm xuống ngủ ngay. Vậy thôi, ấy là cái hạnh phúc của đời – này, mai hay một chúng mày qua nhà coi tao chết. Mấy anh ngồi gần cùng cười: “ Chú lại đùa rồi”.
Mười Thất ra đường. Đèn lớn trong nhà tắt mất. Ông già ngồi gát bên chậu bông bỏ súng nằm xuống chân nhịp tay hát hay ngâm gì đó, chắc hẳn để khỏi buồn ngủ. Chiến tranh thật sự đã có từ lâu, nhưng mãi đến khi thấy những ông già lãnh súng, những đứa nhỏ đi học đêm đến moi súng xách ra đình làng tập hợp, người ta mới trợn mắt và lại còn ngạc nhiên. Chuyện giặc giã đã tiến đến cái mức xa thế này rồi sao – Ông già mở cái khăn quấn đầu xuống tẩn mẩn xếp lại. Điểm ra, xuống sân, đến sau lưng ông già, ho nhỏ.
Bắn thử vài tràng chơi, chú Hai. Ông già kêu: “Ấy chết, trời trời” .
Chú đã bắn mấy mươi lần?
Năm chục viên. Ớn lắm mày ơi. Gỉa dụ thế này, nếu biểu mày tới “thương” một ông già bảy mươi, mày có thích thương không… Ép uổng lắm tao mới bắn đó chớ.
Cũng giả dụ, nếu cháu có bậy bạ chi đó… thì chú có bắn cháu không.
Ông già lại: “Trời, trời nói quấy chưa kìa!”.
Bảy giờ sáng, một tốp cảnh sát vào nhà bác Tương. Còn hai ông già nằm ngủ ngoài sân, súng lót dưới chiếu ló nòng ra ngoài. Những đứa khác đã về lúc còn tối trời. Bác Tương mở cửa nhưng không ai hỏi bác câu nào họ hỏi Điểm. Điểm bị dẫn đi.
Vài giờ sau khắp xóm đều hay có chuyện lạ mới xảy đến. Thìn máy gạo cũng bị bắt. Nghe như trong nhà ông ta có cả súng. Ghê quá, ai nấy xầm xì. Cô Điểm mà lại bị “liên can chính trị”.
Bác Tương ngồi dựa cột nhà đến hết buổi sáng. Bánhớ tiếng đọc sách của con dâu, giọng cười của nó. Như vậy là nó đã biến mất, nó bỏ bác nhanh chóng không ngờ! Điều mơ ước được giàu một ngày của Mười Thất, và chuyện chiêm bao buồn thảm, bác nhớ rõ từng câu, nhất là nét mặt lạ lùng của ông ta khi nói… Có lúc nào người ta chết vì đói không.