Gánh hát nghèo
– Hồi đó ngoại còn nhỏ lắm, như tụi bây thời bây giờ. Mẹ ngoại, tức bà cố cũng làm bà đỡ như ngoại. Chuyện bà cố đi đỡ đẻ về khuya gặp ma quỉ yêu tinh coi như chuyện cơm bữa bởi hồi đó làng mình còn hoang vu lắm. Nhà cửa thưa thớt, cách nhau năm sáu tiếng hú mới có người nghe. Hồi đó có một gánh hát nghèo, cố nói gánh đó thường di chuyển trên ghe, nay làng nầy mai làng khác hát để kiếm cơm nuôi đoàn nghệ sĩ cũng nghèo như gánh. À, đó là gánh hát của ông bầu Hớn.
Hôm đó mới hơn ba giờ chiều từ xa trên con sông chảy qua làng mình đã nghe thấy tiếng trống hiệu vang lên. Người lớn, trẻ em đều náo nức reo lên: “Gánh hát về ! Có gánh hát về !”. Nửa giờ sau có hai chiếc ghe lớn cặp bến chợ. Bầu Hớn nhảy lên bờ chạy lên Nhà Việc, tức là nơi các ông hương chức hội tề làm việc, xin phép tắc. Dễ thôi, chỉ cần dành nguyên hàng ghế mời danh dự cho hương cả, hương chủ, hương thân, hương hào, hương quản… là xong thôi.
Gánh hát Bầu Hớn nhìn qua đã thấy nghèo rồi, từ bầu gánh đến đào kép đều quần áo lôi thôi. Phông màn của gánh hát thì cũ kỷ có cái rách dọc ngang phải đắp vá nhiều chổ.
Ngoại Bảy nhả miếng trầu châm một điếu thuốc. Ngưng nghỉ giây lâu ngoại tiếp:
– Được làng xã chấp thuận cho hát xong bầu Hớn vội vả cho dựng sân khấu ngay trong lòng chợ. Bảng quảng cáo tuồng “Phạm Công – Cúc Hoa” được dựng ngay trước cửa chợ. Trống và phèn la cũng được các “cậu chài” nổi lên inh ỏi.
Năm đó các làng xã bị hạn hán thất mùa nên gánh bầu Hớn đã đi hát một tháng ròng mà đào kép đói vẫn đói bởi chẳng có ai có tiền để đi coi hát. Đến làng nầy bầu Hớn hy vọng khán giả khá hơn để toàn thể nhân viên còn có cơ may chịu đựng. Trời sụp tối trống phèn la càng thúc giục nhưng chỉ ngoài đám trẻ con quần áo lôi thôi lếch thếch ra chẳng thấy có một người lớn nào đến xem.
Mặt mày bầu Hớn nhăn nhó thảm hại. Nếu như đêm nay ế khách thì ngày mai đào kép lấy gì ăn? Ông Hớn cứ đi ra đi vào cửa chợ ngóng khách, cũng chẳng thấy ai ngoài một ít người kẻ chợ lác đác trước sân chợ.
Đám trẻ chắc lưỡi :
– Tội nghiệp ông bầu quá hả ngoại ?
Ngoại buồn buồn :
– Ờ, tội nghiệp đời xướng ca ba chìm bảy nổi quá. Đêm ấy ngoài các ông hương của làng xã và năm ba khán giả khá giả ra cả rạp hát trong lòng chợ vắng hoe vắng hoắc. Bầu Hớn đành cho diễn mà trong bụng khóc ròng. May sao tuồng diễn hay quá nên các ông hội tề thương tình hùn nhau cho mấy bao gạo và chục con gà con vịt cho đào kép có gì lót dạ qua đêm.
Đêm hát vãng, bầu Hớn rầu rỉ đi ra ngoài sân chợ rồi thẫn thờ đi xuống bến sông. Chợ làng khuya càng thêm vắng vẻ, con trăng khuyết đầu tháng trôi bềnh bồng trên nền trời như con thuyền vô chủ đứt dây neo. Bỗng từ đâu đó dưới bến sông đi lên một người dàn bà mặt hoa da phấn. Vừa đến gần bầu Hớn người dàn bà đã lên tiếng :
– Có phải ông đây là bầu Hớn ?
Bầu Hớn mau mắn :
– Ừ, tôi là bầu Hớn đây.
Người dàn bà mỉm cười :
– Tôi biết gánh hát của ông đang ế nên đến giúp ông. Mai ông lui ghe đi đến hát chỗ làng tôi đi, bảo đảm có hơn trăm khách. Mà không lo, tui bao dàn.
– Làng của cô đây là làng nào, ở đâu ?
– Tui chỉ cho. Mai lúc nước lớn ông cho ghe đi ngược về phía dòng nước, đi đến lúc trời sụp tối sẽ thấy có người cầm đuốc ra bờ sông đón. Đừng lo, sân khấu đã có người dựng sẵn, đến là hát ngay lại có gà qué, heo cúi để các người ăn khuya. Đây, tui đặt trước cho lượng vàng, ngày mai nhớ làm đúng lời tui dặn. Bầu Hớn mừng rỡ :
– Dạ dạ, ngày mai đúng giờ nước lớn chúng tôi sẽ lui ghe.
Hôm sau mới sáng bầu Hớn đả cho nhân viên chuẩn bị hòm trấp đưa lần xuống ghe. Đến trưa chợ vắng người thì đưa tiếp phông màn xuống. Đào kép thì di chuyển từ người một. Họ lui ghe mà như đi ăn trộm vì sợ các ông hội tề cản trở bởi xin phép hát mười ngày cớ sao mới một đêm mà lặn mất ? Đến giờ nước lớn nhớ theo lời dặn bầu Hớn cho lịnh lui ghe. Chẳng biết có ma quỉ nào che chở không mà bầu đoàn đào kép của gánh bầu Hớn có cả ba bốn mươi người ra đi lúc mới xế chiều mà cả chợ, cả ban hội tề cũng chẳng ai thấy chẳng ai hay.
Mặt trời xế dần, xế dần… Hai chiếc ghe của gánh bầu Hớn bắt đầu đi vào một đoạn sông cây dừa nước, cây bần, cây tạp mọc um tùm. Chiều dần xuống đoạn sông càng hoang vắng. Lũ chim nghe mái chèo khua động cất cánh bay tán loạn. Cảnh vật hoang vu quá làm ai nấy trên thuyền đều lo sợ. Riêng bầu Hớn nhờ có cây vàng lận lưng nên vẫn hớn hở chỉ tay cho thuyền đi tới.
Rồi mặt trời cũng thấp dần, thấp dần. Phía trước mũi thuyền đỏ như máu màu nắng quái hoàng hôn. Hai bên bờ sông cây cối đã chìm lẫn vào bóng tối mờ ảo. Bản thân bầu Hớn cũng bắt đầu lo lắng tự hỏi : “Hay là bọn cướp dụ mình đến đây để cướp của giết người ? Nhưng bây giờ cũng chẳng làm sao quay ghe lại được. Vàng của người ta mình đã nhận, dành một liều một ăn một thua”.
Đang nghĩ vẫn vơ như vậy đột nhiên phía bên phải thuyền trên bờ sông đã thấy có người mặc toàn đồ trắng tay quơ quơ ánh đuốc. Bầu Hớn mừng rỡ ra lệnh cho thuyền cặp vào. Lại xuất hiện thêm hàng chục người cùng xuống thuyền khuân vác hộ rương trấp phông màn.
Theo chân đoàn người tiếp đón, đoàn bầu Hớn đi dưới ánh đuốc qua một đoạn rừng cây thưa thì bỗng trước mắt đoàn hiện ra một thôn xóm sầm uất, nhà ngói tường vôi san sát, đèn sáng như sao sa. Đi thêm một khắc đã thấy một rạp hát bề thế, đèn “măng sông” treo hàng chục chiếc. Chung quanh rạp lại treo đầy đèn lồng ánh sáng tỏa ra thật đẹp. Người thiếu phụ hôm qua xuất hiện chào đón nồng nhiệt bầu Hớn. Thiếu phụ tươi cười :
– Rạp, sân khấu, phông màn đã chuẩn bị đâu đó xong xuôi. Đêm nay ông cho diễn luôn hai tuồng “Phạm Công – Cúc Hoa” và “Phụng Nghi Đình” cho làng xem cho thỏa mãn.
Bầu Hớn cười khổ :
– Làm sao một đêm mà diễn được hai tuồng ?
Nữ nhân khoát tay :
– Không lo, đêm nay sẽ dài lắm. Cứ diễn, diễn hết một tuồng sẽ có cháo gà, cháo vịt chiêu đãi để lấy sức. Rồi còn heo qué muốn ăn thứ gì có người lo thứ đó.
Đoàn bầu Hớn vào rạp đã thấy choáng váng bởi cảnh trí rực rỡ ở đây. Sân khấu với phông màn cực kỳ lạ mắt. Đèn màu giăng mắc khắp nơi, lại nghe một mùi hương gì đó như hương nhang cúng. Được một lát thì đàn sáo nổi lên rôm rả như nhạc đám ma. Rồi từng đoàn, từng đoàn khán giả đủ cả già trẻ lớn bé có cả trăm người lần lượt vào rạp.
Nhìn khán giả đông đảo chất kín rạp làm bầu Hớn vô cùng hoan hỉ. Vị nữ nhân xuất hiện căn dặn :
– Bây giờ ông cho diễn đi, đừng lo gì cả. Hôm nay tui bao dàn. Ngoài tiền mua dàn, diễn hay còn có thưởng hậu.
Quá sướng bầu Hớn cho lệnh diễn. Được tin sẽ có nhiều tiền ban thưởng nên ai nấy đều ra sức ca diễn sao cho thật hay. Cứ mỗi lớp tuồng hay đều được khán giả phía dưới ném tiền lên ào ào như bươm bướm, bầu Hớn cho người ra sân khấu lượm ôm cả ôm không hết.
Xong vở Phạm Công – Cúc Hoa ra sau rạp hát đã thấy bày dãy tiệc đầy thịt thà gà cháo cho các nghệ sĩ giải lao. Ai nấy no nê lại thấy tiền thưởng quá nhiều nên mọi người lại nức lòng diễn tiếp tuồng hai, rồi đền tuồng thứ ba. Mà lạ quá, sao đoàn hát cứ diễn hoài mà đêm vẫn chưa hết, hình như đêm vẫn còn dài lắm. Song cứ diễn, cứ ăn uống, cứ có tiền thưởng nên ai nấy đều hưng phấn phô diễn hết tài năng.
Hết Phạm Công – Cúc Hoa đến Lưu Kinh Đính Giải Giá Thọ Châu lại đến Lữ Bố Hí Điêu Thuyền rồi Tôn Tẩn Giả Điên mà trời vẫn chưa sáng. Dù được cho ăn uống thỏa thuê nhưng các diễn viên tài tử, nghệ sĩ của gánh hát bầu Hớn đều quá mệt mỏi. May sao khi họ sắp hết hơi thì tiếng gà ran trong thôn xóm mé Đông đã chợt gáy.
Đám khán giả nháo nhác đứng dậy. Nữ nhân bao dàn nhét vội vào tay bầu Hớn mấy thỏi vàng lớn rồi biến mất. Cả đoàn hát sau đó tự nhiên rơi vào giấc ngủ say sưa chưa từng có. Từ bầu gánh cho đến đào kép, nhân viên đều lăn ra sân khấu ngủ say như chết, tiếng mớ, tiếng ngáy vang lên khắp nơi.
Mãi cho đến tận trưa mới có người đến lay bầu Hớn :
– Chú Hớn, chú Hớn dậy đi, sao cái gì lạ quá !
Bầu Hớn dụi mắt nạt :
– Lạ lạ cái gì, tao đang ngủ mà.
– Dậy, lạ lắm chú ơi !
Bầu Hớn mở mắt ra nhìn quanh rồi kêu “Trời” một tiếng đoạn ngất xỉu. Bởi lạ thật ! Chung quanh xóm làng nhà ngói tường sơn, rạp hát lộng lẫy đâu biến mất hết rồi. Cả đoàn hát, từ đào kép đến mấy cậu chài đều đang nằm ngủ say như chết giữa một bãi tha ma mồ cao mả thấp, bia mộ cái đứng cái xiêu. Chung quanh những người nằm ngủ thì la liệt những tờ giấy tiền âm phủ. Khi bầu Hớn tỉnh dậy ông sờ túi thấy còn mấy thỏi vàng liền mở ra, ai ngờ chỉ là vàng mả. Sợ hết cả hồn ông gào lên :
– Lui ghe mau lên, đêm rồi chúng ta hát cho những con ma ở nghĩa địa nầy. Lui ghe lẹ lên.
Cả đoàn chạy ra hai chiếc ghe thì thấy cả hai chiếc ghe đang nằm chơ vơ trên một bãi sông cùn chung quanh đầy lau sậy không một bóng người… Ngoại kể một hơi rồi kết :
- Nhưng nghe nói sau đêm diễn tuồng cho ma coi thì gánh hát của bầu Hớn bắt đầu phất lên, diễn ở đâu là có đông khán giả đến đó. Có khán giả không muốn đi xem hát rồi cũng như bị ai ám vẫn phải kiếm tiền mua vé đi xem cho bằng được. Có người trong đoàn hát nói là những con ma mê tuồng hát đã trả ơn cho gánh hát của bầu Hớn. Có người còn luận : Ma coi vậy chớ cũng có tình nghĩa, làm ơn cho nó, nó chẳng quên ơn…./.