Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



ÔNG NGOẠI ĐỪNG BUỒN!



D ò dẫm vào phòng, tôi thấy Quân nằm dài trên sofa, tai gắn headphone. Tivi nơi góc nhà đang mở với âm lượng khá lớn.

Nhìn thằng cháu đầu lắc lư, hai chân nhịp nhịp tưng bừng, tôi không hỏi cũng biết nó đang say sưa nghe một bản nhạc tiết tấu sôi động.

Nhắm tịt cả hai mắt thưởng thức, Quân không biết ông ngoại đã đứng kế bên. Đến khi bị tôi dùng đầu gậy thúc vào đùi, nó mới giật mình choàng dậy. Và nhoẻn cười:

-Ông ơi, bản nhạc này ông vẫn thích đấy. Để cháu mở loa ông nghe nhé.

Miệng nói tay làm.

Giai điệu rộn rã của bài hát đã rất cũ Love potion number 9 vẫn luôn khiến tôi bồi hồi. Đúng như Quân nói, đó là bài tôi yêu thích từ lâu, ngày còn rất trẻ.

Nhiều người lưu nhớ lâu dài một bài thơ hay một bản nhạc có khi chỉ bởi chi tiết nho nhỏ nào đó mà họ tâm đắc. Tôi cũng thế. Với tôi, đó là con số được đưa vào nguyên tác của Love potion number 9: năm 1956!

1956 là năm mẹ tôi “nhặt” Ốc Sên từ chợ về, nhận làm con nuôi.

Lúc đó, Ốc Sên đã bảy tuổi mà thấp bé gầy còm như trẻ lên sáu lên năm. Và nhỏ hơn tôi một tuổi.

Thoạt đầu tôi không quan tâm chi tiết mẹ “nhặt được” Ốc Sên thế nào. Sau, tôi mới nghe mẹ kể thật: Ốc Sên là con gái dì Nhung -một khách hàng lâu năm ngoài chợ của mẹ. Từ khi sinh ra, Ốc Sên đau ốm quặt quẹo luôn, hành dì Nhung đến khổ.

Nghe ai đó mách một “mẹo vặt dân gian”, dì Nhung nhờ mẹ tôi hợp tác cùng dì… diễn kịch: Sáng đó, dì dắt Ốc Sên ra chợ, loanh quanh vài vòng rồi lừa bỏ con gái lại dưới một gốc cây, gần bên gánh cháo có mẹ tôi đang ngồi ăn.

Chờ lâu không thấy dì Nhung quay lại, dĩ nhiên Ốc Sên hoảng sợ khóc như mưa.

Chỉ đợi thế, mẹ tôi vội đến hỏi han. Mẹ nói với mọi người:

-Các ông bà ạ, con bé này lạc mẹ, tội nghiệp quá. Để tôi nhặt nó về nuôi…

Sau “tuyên ngôn” dõng dạc ấy của mẹ, dì Nhung từ đâu bất ngờ xuất hiện, mặt tươi roi rói. Dì đồng ý ngay lập tức, còn cám ơn mẹ rối rít.

Ốc Sên cũng chẳng phản đối gì, vì “làm con nuôi” chỉ trên danh nghĩa, còn mọi thứ “u như kỹ”: Ốc Sên vẫn ở với dì Nhung. Hai nhà thường xuyên chạy qua chạy lại quà cáp thăm nhau, đủ thân thiết rồi.

Vậy là bỗng dưng tôi có một em gái… từ trên trời rơi xuống. Để che chở, để yêu thương và để… chọc ghẹo nữa. Tính Ốc Sên dễ khóc, lại khóc dai. Mỗi khi nhìn cô bé lăn ra đất giãy đành đạch, nước mắt nước mũi lem nhem, tôi vừa khoái chá vừa… thương. Bị tôi lừa vào tròng hoài mà “cô em nuôi” không ghét cũng không xa cách, vẫn quấn quýt tôi một cách đặc biệt.

Cha tôi còn dặn đừng ai gọi Ốc Sên là… Ốc Sên nữa, cái tên nghe yếu ớt nên đau ốm hoài. Hãy gọi đúng khai sinh: Kim Chi. (Mà chẳng hiểu sao, từ đấy Kim Chi ít bệnh thật: lớn dần, phổng phao, xinh đẹp).

Năm 1956 mang “dấu ấn” khởi đầu vô cùng “sâu sắc” với tôi là vậy.

Dù nửa thế kỷ đã qua đi, mỗi lần Tình Dược Số 9 trỗi lên, vẫn đọng trong trái tim tôi nỗi da diết khôn nguôi, thôi thúc tôi hồi tưởng thời niên thiếu cùng Kim Chi lớn lên dưới danh nghĩa “chung một gia đình” như thế nào…

Lúc này đây, bản nhạc Quân đang mở cho tôi nghe kia chỉ còn giai điệu quen, chứ ca từ đã hoàn toàn viết mới. Không còn nhắc tới “năm 1956”, chỉ kể tâm trạng cô đơn trống vắng của một chàng trai đánh mất “chân ái” từ lâu. Mỗi lời ca vang lên chẳng phải mũi gai vẫn nhoi nhói lòng tôi, khiến tôi chua xót, ngậm ngùi.

Tôi buồn bã bảo Quân:

-Thôi, tắt đi cháu.

-Sao thế ông? Đang nghe hay mà!

Biết giải thích sao cho Quân hiểu? Tôi giấu tiếng thở dài, nói lảng:

-Đã nghe điện thoại thì đừng mở tivi. Cháu phung phí quá! Vừa nói, tôi vừa bước lần lại góc nhà, định tìm remote tivi bấm tắt.

Đúng lúc ấy trên màn hình hiện lên chân dung một bà cụ, lồng trong giọng nữ truyền cảm:

-Kính thưa quý vị, quý vị vừa theo dõi câu chuyện khá cảm xúc của cụ bà 75 tuổi nhiều năm nay ngày đêm mong đợi một người thân. Chúng tôi, những người thực hiện chuyên mục Gia Đình Yêu Dấu kỳ này, hy vọng sau khi chương trình phát sóng, người thân của cụ xem được và sẽ nhanh chóng quay về. Là người từ thơ ấu vẫn được gọi với tên Bô Bẻo…

Giọng cô gái rất nhẹ nhàng sao làm tôi giật bắn lên?

Mắt tôi như bị thôi miên vào chân dung bà cụ trên màn hình tivi. Chân dung ấy đang từ từ được thu nhỏ và mờ dần theo nhạc hiệu kết thúc.

Bà cụ vừa lạ vừa quen. Quen do trùng hợp số tuổi, nhất là nhờ dấu sẹo còn hằn nơi góc trán. Không có vết tích ấy chắc gì tôi đã nhận ra Kim Chi, tức Ốc Sên ngày xưa?

Tôi vẫn nhớ kỹ: vết sẹo là hậu quả một lần Kim Chi nhờ tôi giữ tay lái cho cô tập xe đạp. Xe người lớn lại sườn ngang kiểu đàn ông, khá nặng. Khi qua một khúc quanh, tay tôi yếu không kìm nổi, loạng choạng thế nào cả xe cả người tập lẫn người phụ giữ cùng lăn đùng ra đường. Cú ngã đau để lại trên trán Kim Chi vết rách khá sâu. Còn tôi, mặt và hai cánh tay đầy trầy sướt. Gần tháng trời mẹ tôi bôi thuốc đỏ lên, nhìn tôi vằn vện như… hề.

Nhưng lúc này, chấn động nhất chính là hai tiếng “Bô Bẻo” vừa được xướng lên.

Bô Bẻo! Bô Bẻo là ai? Là người mà “một bà cụ 75 tuổi đang ngày đêm mong đợi” và cũng là… tôi đây, chứ còn ai nữa?

Một cái tên khó “đụng hàng” nên không thể nhầm lẫn.

Ngay cha mẹ tôi cũng chẳng nhớ ông nội hay ông ngoại là người đầu tiên gọi tôi là Bô Bẻo. Lúc bé, dĩ nhiên tôi không hiểu gì để thắc mắc, còn khi biết thắc mắc thì cả hai người ông của tôi đều đã qua đời.

Họ hàng cũng không ai biết rõ “Bô Bẻo” có ý nghĩa gì. Sao không là Tý là Tèo, là Cò là Cún hoặc là Cô Ca, Bí Bo… mà lại là Bô Bẻo?

Nghe cha tôi giải thích: Tiếng Pháp “Bô” (beau) nghĩa là “Đẹp”, mẹ tôi hí hửng đoán ngay:

-A, thì ra ông thấy thằng bé xinh đẹp quá nên đặt thế.

Nhưng cha tôi đã cãi phăng:

-Không, lúc mới sinh nhìn nó xấu xí lắm.

Rồi cha kể thêm:

-Thời ấy, bọn trẻ hay dùng từ “ông bà Bô” ám chỉ cha mẹ. Ví dụ: “Cậu đang chờ ai thế?” - “Chờ bà Bô!” (Chờ mẹ tớ).

Còn mẹ dạy tôi bài đồng dao:

Ông Bô mà lấy bà Bô
Đẻ ra con Diếc, con Rô, thằng Chày
Con Diếc đi hái rau đay
Con Rô kiếm củi, thằng Chày thổi cơm…

Tôi nghe, chẳng sáng tỏ thêm tí nào. Phân tích nội dung, cũng kiểu như “Con Gà cục tác lá chanh / Con Lợn ủn ỉn: mua hành cho tôi…” thôi.

Nhiều năm tôi buồn ngấm buồn ngầm chỉ vì chính mình cũng mù tịt nguồn gốc tên mình.

Thấy tôi băn khoăn quá, có một lần Kim Chi nói:

-Tên do ông bà đã chọn đều ý nghĩa cả. Có thể là từ dấu ấn kỷ niệm sâu xa nào đó.

Rồi để bảo chứng cho nhận xét ấy, Kim Chi kể tôi nghe chuyện có thật của em chồng dì Nhung. Bà cô ấy lần đầu mang thai, suốt mấy tháng ròng chỉ khoái khẩu độc một món: xoài xanh chấm muối ớt.

Sở thích đó làm bà băn khoăn mãi: khi sinh con ra nên gọi nó là Xoài hay Muối? Bởi có dấu ấn này mà thiếu dấu ấn kia, bà cảm thấy như đánh mất... nửa trời kỷ niệm!

May phúc cho bà cô, lần ấy bà sinh đôi. Thế là một đứa được mẹ gọi là Xoài còn đứa kia là Muối: vẹn nguyên dấu ấn!

Nghe Kim Chi kể, tôi thầm tiếc rẻ: giá hai ông tôi còn sống để kể “dấu ấn kỷ niệm sâu xa” cho tôi nghe, hẳn cũng ly kỳ lắm!

Tuy thế, tôi vẫn chưa yên tâm nên gãi đầu, ngập ngừng hỏi:

-Mà em thấy… tên Bô Bẻo của anh... có… buồn cười không?

Kim Chi lắc đầu như máy:

-Không! Nghe hay hay.

Tôi không thấy “hay hay”, chỉ thấy “kỳ kỳ”.

May là ngoài Kim Chi và vài hàng xóm gần nhà ra, không bạn học nào ở trường biết “nick-name” này của tôi cả.

Từ hôm mẹ tôi nhận Kim Chi làm con nuôi, mỗi trưa tôi nhận thêm nhiệm vụ: tới trường đón Kim Chi hộ dì Nhung. Giờ ấy còn bận ngoài chợ nên trước kia dì Nhung phải thuê người đón con cho dì. Tôi và Kim Chi học cùng trường, chỉ khác buổi. Tôi hơn Kim Chi một tuổi mà cao lớn khỏe mạnh, ra dáng “Anh Cả” lắm, dì Nhung rất tin tưởng tôi.

Hết bậc tiểu học, tôi đậu vào trường công lập, còn Kim Chi thi rớt phải học tư thục. Điều này làm tôi ấm ức suốt mấy năm dài. Bởi trường công của tôi toàn nam sinh lộc ngộc, còn trường tư của Kim Chi nam nữ học chung.

Bấy giờ tôi đã biết một “quy luật tự nhiên”: hàng năm số trẻ nữ sinh ra trong nước luôn ngang bằng hoặc nhỉnh hơn số trẻ nam chút đỉnh. Vậy mà không hiểu sao trường công lập nam lại nhiều gấp mấy lần trường nữ? Mẹ tôi giải thích: vì con gái ít được cha mẹ cho đi học như con trai nên nhu cầu mở trường nữ không cao. Thì cứ nhìn vào thế hệ của bà nội, bà ngoại và mẹ tôi là biết: ai cũng chữ nghĩa lem nhem, biết ký được cái tên mình đã là may mắn lắm rồi.

Thấy tôi bất mãn, mẹ chặc lưỡi bảo:

-Thời xưa quan niệm thế. Các cụ bảo: con gái học nhiều chỉ để… viết thư cho con trai!

Tôi định gân cổ cãi: “Sai bét! Con trai mới hay viết thư cho con gái, mẹ ơi! Con gái chỉ đọc thư rồi xé thư hoặc tai quái hơn, đem thư đi khoe cùng làng cuối xóm...” May mà tôi sực nhớ để ngậm miệng kịp, không thôi lại “vạch áo cho mẹ xem lưng”.

Một lần, tôi đánh liều thăm dò Kim Chi:

-Em có chơi thân với… với… bạn trai nào cùng lớp không?

-Cùng lớp thì không.

-Vậy khác lớp thì có à?

-Đúng rồi. Có hai “thằng”…

Cái thật thà của Kim Chi làm tôi muốn… tụt huyết áp:

-Hai thằng? À, là quen sơ sơ chứ gì? Anh hỏi bạn... rất thân kia.

-Đâu có sơ sơ? Rất thân đấy.

Tôi nhăn mặt, cố gượng gạo hòng… vớt vát:

-Ý anh “thân” tức là… tức là… “thương” ấy.

Kim Chi gật đầu xác nhận:

-Cả hai “thằng” em đều thương. Bằng nhau.

Tôi hậm hực, giọng nhuốm đầy ghen tị:

-Là hai thằng nào? Chỉ anh xem mặt mũi ra sao.

-Anh biết mặt rồi mà?

-…

-Anh em thằng Xoài thằng Muối đó.

Tôi ngớ mặt một lúc mới gãi đầu, nhăn nhó:

-Em khờ quá. Chúng nó là em họ của em, ai mà tính!

Thấy Kim Chi đứng ngây ra, tôi chờ sốt ruột quá, đành huỵch tẹt:

-Anh và em quen nhau từ lâu, em có... “thương” tí nào không?

-Có chứ. Anh là Anh Cả của em mà.

-Anh Cả hồi nào? Ai bảo em thế?

-Mẹ em. Cả mẹ anh nữa.

Giọng tôi hờn dỗi:

-Anh không thích em gọi anh là Anh Cả đâu.

Kim Chi nhoẻn miệng cười tươi:

-Em biết mà. Em có gọi Anh Cả đâu, chỉ gọi Bô Bẻo thôi.

Tôi muốn sôi ruột vì cái “hồn nhiên” của cô em… nhặt!

Bô Bẻo!… Rất nhiều năm đã qua, tôi dần quên mất cái tên thuở bé đó rồi. Hôm nay đột nhiên được khơi lại, hỏi sao tôi không xúc động? Chen lẫn mừng vui còn có nỗi xót thương.

Mắt cay cay, tôi đưa tay run rẩy chỉ vào tivi, lắp bắp bảo Quân:

-Cháu... mở lại... chương trình vừa rồi... cho ông xem...

-Ba ngày nữa đài mới phát lại, ông ạ. Mà để làm gì thế, ông?

♡♡♡

Trong đàn cháu, ông ngoại thương yêu gắn bó với tôi nhất. Hẳn do sự hòa hợp tâm linh nào đó chứ không chỉ vì tôi là đứa cháu đầu tiên sinh ra.

Từ khi đủ trí khôn, tôi đã được ông ngoại xem như “bạn vong niên”, là “tri kỷ tâm giao” của ông. Tôi được phép mở toang bức màn che khuất tâm hồn ông, để cảm nhận mọi buồn vui, để chiêm ngắm từng chân dung đã đến rồi đi trong đời ông. Dĩ nhiên chuyện “bà” Kim Chi, tôi cũng đã nghe, chỉ chưa biết mặt.

Qua lời ông, ngày đó bà là một cô gái hiền lành, xinh đẹp. Lưng ong thắt đáy, tóc đen dày dài chấm gối, mắt lá răm biết nói, giọng cười giòn giã reo vui... là những nét chấm phá bất tử trong trái tim đa cảm của ông.

Nghe ông gọi bà là “tình yêu duy nhất”, tôi nheo mắt hóm hỉnh:

-“Tình yêu duy nhất” ư? Thế còn… bà ngoại?

-À, bà ngoại là... nghĩa.

Tôi cắc cớ vặn vẹo:

-Hay nhỉ! Tình và nghĩa khác nhau chỗ nào hả ông?

-Tình là cái người ta nhớ suốt đời, còn nghĩa là thứ cần người ta đền đáp. Cháu hiểu không?

Tôi chỉ hiểu... lơ mơ.

Tôi cũng biết sở dĩ mối tình ấy trở thành nỗi ray rứt khôn nguôi cho ông chính vì nó éo le và ngắn ngủi. Nếu không éo le: chẳng có gì thi vị. Nếu không ngắn ngủi: biết đâu ông đã thất vọng, nhàm chán và quên mất nó từ lâu.

Buồn thay, mối tình “thanh mai trúc mã” ấy bị ông bà cố của tôi ngăn cản quyết liệt. Với lý lẽ: “con nhặt” của ông bà cố thì đương nhiên thành “em nhặt” của ông ngoại rồi, đổi ra “vợ nhặt” là... loạn luân! Chỉ vài câu nói, chẳng cần giấy tờ chứng thực, đủ để người lớn coi nặng như núi Thái, thệ hải minh sơn! Cả dì Nhung cũng đồng tình như thế, ông ngoại không tài nào lay chuyển.

Để chặt đứt “mối tình tội lỗi”, hai bên phụ mẫu rủ nhau… vào cuộc: nhờ người mai mối cấp tốc tìm chồng cho con gái.

Đám rước dâu hôm trước thì hôm sau, ông ngoại phẫn chí bỏ nhà lang bạt kỳ hồ, rong ruổi tha hương. Tôi nghi ngờ mục đích thật sự của rong ruổi ấy: ông xuôi Nam ngược Bắc phải chăng chỉ cốt tìm bà Kim Chi? “Tìm em như thể tìm chim / Chim ăn bể Bắc, anh tìm bể Đông…”

Nhưng ông khăng khăng cãi: không phải thế. Phẫn uất mà đi. Đi để quên quá khứ, để chữa lành thương tích tâm hồn, chứ “ván đã đóng thuyền” có tìm được cũng... hoài công!

Nghe ông ngoại kể, tôi cứ “trố mắt ốc, há hốc miệng ngao” ngưỡng mộ. Ông dũng cảm thật, khác xa tôi. Tính tôi nhát hít nên đến lớn vẫn sợ đủ thứ: sợ chuột - sợ ma - sợ bóng tối - sợ lạnh - sợ đói... Cả ai cho vàng tôi cũng không dám nghĩ đến chuyện bỏ nhà “tiếu ngạo giang hồ”. “Giang hồ, ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”!

Tôi xuýt xoa:

-Ông can đảm quá! Là vì ông giận ông bà cố, hả ông?

-Giận! Đau! Phẫn khích! Tuyệt vọng!... Đủ cả cháu ạ. Tâm trạng rối bời, nát bét như tương lúc nào cũng dày vò ông, khổ sở lắm.

Tôi lại nhận xét:

-Cháu nghĩ bà Kim Chi không yêu ông đâu, nên mới dễ dàng bỏ ông đi lấy chồng.

-Có chứ! Nhưng thời đó thế, “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”.

-Lấy chồng rồi, bà ấy còn gặp ông lần nào không?

-Một tin tức cũng hoàn toàn không, cháu ạ.

Tôi chớp chớp mắt, sụt sịt mũi muốn khóc. Thương ông quá! “Đôi khi lỗi hẹn một giờ / Lần sau gặp lại phải chờ trăm năm…”

♡♡♡

Nhưng đường đời vẫn có nhiều biến động chẳng ai lường trước. Tưởng hai người vĩnh viễn lạc dấu chân nhau và hai chữ “trăm năm” đã là “mãi mãi”. Không ngờ còn có hôm nay...

Ba ngày sau, khi đài truyền hình phát lại tiết mục Gia Đình Yêu Dấu, tôi cẩn thận lấy điện thoại thu lại đầy đủ để bảo đảm nắm rõ chi tiết các thông tin.

Tóm tắt đúng như hôm trước ông ngoại đã loáng thoáng nghe: biên tập phụ trách chuyên mục Gia Đình Yêu Dấu ghi hình trường hợp bà cụ 75 tuổi ngày đêm mong nhớ một người thân từ lâu “bỗng dưng” biền biệt tăm hơi. Mấy năm nay, dù căn bệnh Alzheimer quái ác đã gặm nhấm dần mòn trí nhớ thì phần ký ức nhỏ nhoi sót lại của bà cụ vẫn lưu giữ một cái tên thân quen: Bô Bẻo! Cái tên mà hôm nay lần đầu tôi mới nghe đến.

Ống kính phóng viên còn tỉ mỉ lướt qua từng ngóc ngách, giới thiệu ngôi nhà nhỏ xinh xắn lọt giữa mảnh vườn trồng nhiều loài hoa đẹp và các giống cây ăn quả cho sản lượng cao. Ai đi qua đều quen thuộc hình ảnh một bà cụ tóc trắng như cước ngồi trong xe lăn ngay trước thềm nhà, dõi mắt ra xa, chờ đợi.

Ngôi nhà cách ông cháu tôi hơn hai trăm cây số, cũng không gọi là quá xa.

Phóng sự không nhắc tới chồng bà Kim Chi, nhưng hai ông cháu tôi đều đinh ninh ông ấy mất đã lâu rồi. Có thế, bà Kim Chi mới cô đơn, mới nặng lòng hoài tưởng… “chân ái ngày xưa”!

Đối thoại giữa phóng viên với cháu của bà cụ, có thêm xác nhận từ hai người hàng xóm được ông ngoại đòi xem đi nghe lại nhiều lần, đến thuộc lòng.

Bắt gặp giọt lệ hiếm hoi ngập ngừng trên mí mắt ông, tôi vô cùng xúc động. Chẳng chờ ông lên tiếng, tôi biết mình cần thu xếp sớm cho một chuyến đi.

Thuê một xe hợp đồng khứ hồi cho hai ông cháu, tôi không quên đem theo khá nhiều quà tặng.

Sợ ông ngoại mệt, chốc chốc tôi yêu cầu tài xế dừng lại một quán dọc đường, để ông nghỉ ngơi đôi chút.

Nhìn mặt ông đầy ưu tư, tôi băn khoăn quá. Tôi hồi hộp không hiểu chuyến đi liệu có kết quả mỹ mãn như ý nguyện của ông, hay chỉ uổng công? Người già sức khỏe cheo leo thất thường lắm, lỡ ra bà Kim Chi đang… nằm bệnh viện thì sao?

Còn nếu may mắn tái ngộ, thái độ hai ông bà thế nào? Nói câu gì đầu tiên? Ai nói trước? Bà cụ còn nhận ra “Bô Bẻo” ngày xưa không? Dù bà nhận ra hay không, tôi đoán cũng sẽ làm ông ngoại rưng rưng nước mắt.

Đúng câu “hết khôn dồn dại”, tôi lan man tưởng tượng đủ điều: lành thì ít, dữ thì nhiều. Tôi lo lắng không hiểu rồi con cháu bà Kim Chi đón tiếp ông ngoại thế nào? Thân thiện, nghi kỵ hay thù hằn? Xui xẻo lại có một “ông” con trai (chỉ cần một thôi, đủ… rách chuyện!) biết đây là “tình địch xa xưa” của cha mình sẽ nổi máu “hiệp sĩ” ra tay “trả hận” thay cha, thì ông ngoại làm sao đối phó?

May mắn, tất cả không như tôi nghĩ. Bà cụ không nằm bệnh viện. Cũng chẳng thấy “hiệp sĩ” nào xuất hiện hành hung ông ngoại, vì chỉ có một cô gái đang ở cùng nhà chăm sóc bà. Tôi phỏng chừng cô kém tôi vài tuổi.

Ngồi im lìm trên xe lăn, bà cụ lướt đôi mắt mờ đục nhìn ông khách không mời đang chậm chạp từng bước đến gần. Rất thờ ơ.

Nhẹ đặt tay lên vai bà, ông ngoại khe khẽ lên tiếng trước, giọng nghèn nghẹn:

-Kim Chi ơi!... Bô Bẻo đây!... Bô Bẻo đã về rồi...

Mắt ráo hoảnh, bà cụ vẫn không biểu lộ chút cảm xúc nào.

Cô gái nhanh miệng trả lời thay:

-Bà cháu thính lực yếu lắm, không nghe rõ gì đâu, ông ạ.

Thấy cô lạ lẫm nhìn mình, tôi vội giới thiệu:

-Chào em. Anh tên Quân... Ông ngoại anh và bà đây hồi nhỏ là chỗ thân quen. Xem tivi mới biết nhà bà, anh đưa ông đến thăm…

Cô cũng nhỏ nhẹ đáp:

-Em tên Trúc, cháu nội của bà. Phải rồi, tháng trước có ai giới thiệu nhà đài đến quay phim bà, bảo đưa vào chuyên mục… gì gì đó…

Tôi đỡ lời:

-Chuyên mục Gia Đình Yêu Dấu.

-Vâng.

-Người mà bà mong đợi chính là ông ngoại anh. Hồi nhỏ, ông tên Bô Bẻo…

Mặt đầy sửng sốt, Trúc hết nhìn bà nội cô lại nhìn sang ông ngoại tôi, thần sắc rất khó hiểu.

Tôi cười, lặp lại:

-Ngày ấy, cả nhà gọi ông là Bô Bẻo…

Trúc nhè nhẹ lắc đầu, giọng bùi ngùi:

-Anh ơi, hình như có nhầm lẫn rồi...

-?

-Người bà em đang chờ không phải là ông đâu.

Bị bất ngờ, tôi ngây mặt ra, hoang mang quá:

-Tên bà là Kim Chi, phải không em? Vậy đúng rồi. Ngày xưa, bà là con nuôi nhà ông ngoại anh... Đã lần nào bà kể em nghe chưa?

-Em chưa nghe. Chắc bà kể với anh Hai em.

-?

-Cũng phải thôi anh. Ba em mất khi em bốn tháng tuổi. Rồi mẹ em lấy chồng khác, gửi em cho bên ngoại, còn bà nội nuôi anh Hai em. Khi bà nội còn minh mẫn, em ít được ở gần bà. Mấy năm nay em về đây chăm sóc bà thì bà mất trí nhớ rồi.

-...

Nói đến đây, nước mắt Trúc rưng rưng:

-“Bô Bẻo” là tên bà nội gọi anh Hai em từ bé. Hơn bốn năm nay, anh Bô Bẻo của em đi đâu, làm gì không biết mà bặt tăm, chẳng một tin tức đưa về. Bà nội nhớ anh ấy lắm, khóc đến mờ mắt...

Hai ông cháu tôi ngây mặt nhìn nhau, không nói được câu nào -đúng hơn là “không còn gì để nói”! Ngỡ ngàng. Hụt hẫng. Thất vọng.

Suốt mấy ngày, hai ông cháu nghĩ ra nhiều tình huống, riêng tình huống này lại chưa lường được bao giờ.

♡♡♡

Suốt dọc đường về, ông ngoại ngồi im lìm, buồn hiu hắt. Các nếp nhăn như càng dày đặc trên khuôn mặt, tôi cảm tưởng ông vừa già thêm chục tuổi. Không hỏi, tôi cũng hiểu trong lòng ông là cả một đổ vỡ lớn lao, trái tim già nua thêm một lần tan nát.

Chẳng biết ông có thầm tiếc chuyến đi uổng phí hay không, chứ tôi vô cùng tiếc nuối. Tôi ngộ ra một điều: ở đời có những sự thật lẽ ra đừng bao giờ cần tìm hiểu đến kỳ cùng. Cứ giữ cho nó mãi lơ lửng, mù mờ... thế lại hơn.

Không nỡ chạm vào nỗi đau mới mẻ và rất thật của ông nhưng tôi vẫn thấy cần phải “nhắc” ông một câu:

-Ông ngoại đừng buồn! Căn bệnh Alzheimer quái ác có thể xóa sạch mọi thứ, nhưng cái tên Bô Bẻo thì mãi mãi vẹn nguyên trong ký ức của bà. Thế đủ vui lắm rồi… Có phải không ông?. -./.




VVM.18.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .