Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NHỮNG NGƯỜI BẠN CHÂN TÌNH VÀ TÔI



H ôm qua, tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh một người bạn (đã ra đi từ năm 2012), do cô con gái đưa con và cha mẹ chồng về quê thăm mộ bố, trên fb, khiến tôi bàng hoàng, bao cảm xúc chợt dâng tràn. Nhìn tấm ảnh trên bia mộ, tôi như thấy một Lê Hoàng Vũ đầy tự tin, nhiệt huyết tuổi đôi mươi, thuở em là một thanh niên chưa lập gia đình như trước mắt. Nói là bạn, nhưng thật ra Vũ là một người em tình nghĩa gắn kết với vợ chồng tôi, khi em trôi dạt từ vùng biển Thuận An (Huế) đến đất Phú Yên này. Vũ có giọng nói nhẹ nhàng, dễ thương của người xứ Huế, có giọng hát hay, truyền cảm, thích thơ văn, đàn hát, ngâm vịnh; thêm cái khiếu kể chuyện, nhất là chuyện vui, hài hước, khiến ai nghe cũng cười đến chảy nước mắt. Nhiều lúc nghe em tâm sự vì sao em rời làng ra đi và vì sao em dừng lại ở mảnh đất này? Giọng em trầm buồn, rưng rức, làm chúng tôi cũng rưng rức buồn theo em. Và giọng em chợt chênh chao trong tôi như từ cõi nào xa xôi vọng về: “Anh chị biết không, người dân quê em quanh năm sống cùng sông nước, họ đi trên biển như đi trên đất vậy. Họ coi tàu thuyền, biển khơi là nhà, cả một đời họ gắn liền với đánh bắt, chài lưới. Vậy mà, trong thoáng chốc tất cả phải vào hợp tác xã, tàu bè lưới chài sung vào của công, ngày ngày ra khơi theo sự chỉ đạo của ban quản trị gì gì đó mà em không hiểu; bà con chi tiêu như thế nào, phải sống làm sao, khi mỗi ngày chia được mớ cá nhỏ? Cái đói khổ vây bủa lấy họ, và dần dà bà con rời làng đi tìm đất sống khác, dù không biết mảnh đất ấy có chào đón, bao dung họ hay không?”.

Chúng tôi quen nhau, thương nhau, những mảnh đời trôi nổi như chiếc lá lênh đênh đầu ghềnh cuối bãi, khó khăn lắm mới kiếm được miếng ăn nói gì đến ấm no, hạnh phúc. Không biết chúng tôi có duyên như thế nào từ tiền kiếp, mà mới gặp nhau là quý mến, mà thương yêu; không chỉ mình Vũ, mà nhiều người ở làng Thuận An vào đây cũng vậy. Chồng tôi thường nói rằng, chắc kiếp trước mình là người Thuận An, là anh em với những người bạn này, nên gặp nhau là như gặp lại người thân vậy. Họ chân tình, cởi mở, có lẽ họ sống trên sông nước nên lòng họ cũng tràn đầy, mênh mông theo con nước chăng? Nhiều người trong xóm thường nói với vợ chồng tôi rằng: “Ông bà quen toàn người Huế, họ nói ríu rít như chim tưởng hiền lắm, nhưng lòng họ không hiền lành như người quê mình đâu, coi chừng đó”; nhưng dù ai nói gì, chúng tôi vẫn gắn kết với nhau như người một nhà vậy.

Khi tôi về sống ở ngã ba đèo Cả, Vũ và Cường rời Nhiễu Giang, anh Nhuận, anh Hàn và một số anh em nữa rời Đông Tác vào Vũng Rô lập nghiệp theo chúng tôi, thật nghĩa tình. Những năm sống giữa đèo heo hút, tôi mới thấy hết sự chân tình, quý mến của họ. Đi câu có con cá gì ngon, vui buồn đều chia sẻ. Thương nhất là buổi sáng sau cây bão số mười hai năm 1993, Cường, Vũ và Nguyên từ Vũng Rô vượt dốc lên đèo nhìn thấy căn nhà chúng tôi đổ nát, chỉ nói hai tiếng “chị ơi!”, làm tôi tủi thân khóc sướt mướt, cả ba cũng rưng rưng theo tôi. Chỉ hai tiếng như vậy, mà tôi như thấy hết tâm can, sự chia sẻ, yêu mến, lo lắng của các chú ấy - chúng tôi kết nghĩa anh em, vợ chồng tôi lớn tuổi hơn nên làm anh chị; dù vậy vợ chồng tôi vẫn xem họ là những người bạn đồng cam cộng khổ chân tình. Nguyên an ủi tôi “của đi thay người chị ơi, đêm qua nếu em và Cường không bỏ bè chạy vào bờ, thì giờ chắc gì còn gặp anh chị được”. Sau đó, cả ba mỗi ngày hễ rảnh là chạy lên ngã ba đèo phụ tôi gỡ từng viên gạch từ đống vữa đổ nát, xếp lại ngay ngắn để chuẩn bị xây lại căn nhà mà tôi luôn khát khao, mơ ước.

Dòng đời đưa đẩy tôi về lập nghiệp ở Nha Trang (bên dòng sông Tắc) để tiện việc nuôi dạy các con bước vào đại học, Cường và Vũ có ý muốn đi theo chúng tôi. Ngày tôi về nhà mới, Vũ vác một chiếc xuồng câu, dẫn theo một số anh chị em vào mừng nhà mới (em tính đem ghe vào đi câu, nếu thấy được sẽ đưa vợ con vào luôn); tìm không ra nhà, cho đến xế chiều mới gặp người quen đưa về. Chiều hôm ấy, với sự hài hước của Vũ làm cả nhà cười chảy nước mắt. Vũ vừa cười vừa học bộ anh Cẩn (anh rể của Vũ) - có ai như ổng không, gặp thẳng nhỏ đâu mười lăm, mười sáu tuổi, ổng hỏi thăm, cháu có biết ở đây có cái nhà nào ngang năm mét, dài mười lăm mét, trên lợp tole không cháu? Cả nhà biết thằng nhỏ đó nói gì không, nó cười ngất rồi hỏi lại, tole mấy zem hở chú? Mọi người cùng cười rộ lên, như chưa từng được cười vậy. Nhìn thấy anh Cẩn lúng túng, ngượng ngùng vì lời Vũ nói, tôi cười vui với anh, ở đây nhà nào cũng ngang năm, dài mười lăm, trên lợp tole hết, trừ những nhà lầu anh à. Anh cười ngượng ngập, ai biết đâu, tui nghe anh Hai nói vậy nên tui hỏi thăm vậy thôi; làm Vũ càng cười, càng chọc anh - Cả nhà biết không, lúc anh Hàn vào sống ở Nhiễu Giang, tui với ổng vào sau. Trên đường vào nhà anh Hàn bắp đang vào mùa, bạt ngàn bắp là bắp. Ổng nói, cậu chờ chút tui vô hái trái bắp ăn, đói bụng quá. Ổng vô đám bắp, một lát ra, đưa tui một trái, còn một trái ổng lột ra gặm ngon lành, còn nói, bắp chưa có chín, cứng ngắt hà, bữa chị mày mua bắp chín anh ăn mềm, ngon lắm. Tôi ôm bụng cười lăn ra sàn nhà, cứ nghĩ Vũ nói cho vui, làm gì có chuyện như vậy, nên quay sang hỏi chị (vợ anh Cẩn), có thiệt vậy không chị? - Có chớ sao không, ổng giống như thằng khờ trong truyện cổ tích vậy. Tôi không biết nói gì, thấy thương anh chị ghê. Vui thật. Và cũng xót xa lắm. Quanh năm cứ lưới chài, biển khơi, không biết xe cộ là gì, đi đâu cũng cuốc bộ, trở nên khờ khạo là vậy.

Nguyên từ Huế vào Nha Trang thăm chúng tôi, thấy trước mặt nhà tôi là dòng sông, vội quay về mang vào một cái rớ, nói rằng đây là “cần câu cơm” cho anh chị nuôi các cháu. Trải cái rớ ra giữa sân, Nguyên, Cường, anh Cụng cặm cụi vá hai ngày, vợ chồng tôi chạy tới chạy lui lo cơm nước, kể chuyện vui góp phần (mà đây là công việc cho chúng tôi chứ không phải của họ). Mọi người cùng vào xã Phước Đồng tìm mua tre, hì hục vác về, cùng nhau đóng cái rớ trước nhà cho vợ chồng tôi. Tiền mua tre, dây điện, bóng đèn đều của Nguyên bỏ ra, còn ở lại nửa tháng trời tập cho chồng tôi kéo rớ, giũ cá, chèo xuồng, cho đến khi thành thạo mới ra về. Lâu lâu, Nguyên nhớ chúng tôi, gọi điện thăm hỏi; những lời hỏi thăm nghĩa tình, dễ thương không bao giờ tôi quên. “Em muốn vào thăm anh chị và mấy cháu - Chú vào đi, nay sắp giàu rồi, sẽ có tiền cho chú về xe đó - Vậy à chị? Mừng cho anh chị quá! Chị cho tiền xe nhe”! Vậy mà lần nào vào, chú ấy cũng cho tiền tôi đi chợ, còn đưa thêm để đóng học phí cho các cháu nữa, làm gì có chuyện chú lấy tiền về xe. Tình nghĩa này làm sao chị quên được Nguyên ơi! Giờ đây em đã là người thiên cổ, chị không biết nói gì hơn, xin gởi theo hương linh em lời biết ơn, thương quý một người em nghĩa tình chị đã gặp trong cuộc đời này. Làm sao chị quên được gương mặt xanh xao, hốc hác khi em vừa mổ xong ở Sài Gòn về ghé lại Nha Trang thăm anh chị. Bệnh như vậy mà còn ghé thăm, em sợ sẽ không còn cơ hội ngồi ở cái chòi rớ ngắm dòng sông đêm êm đềm, thơ mộng này à?. Làm sao chị quên được giọng hát của em đầy cảm xúc lần cuối cùng ấy? Em hát. Em nói. Em cười. Như sợ không còn được ngồi ở đây, không còn được nói chuyện với anh chị nữa vậy Nguyên ơi!

Về Huế được hơn một tháng, Nguyên trở bệnh phải nhập viện. Nghe Cải (vợ Nguyên) báo tin, lòng tôi như lửa đốt, giục chồng tôi ra thăm chú ấy ngay thử có thể giúp được gì không? Chồng tôi và Cường ra thăm, chơi cùng Nguyên một tuần, thấy Nguyên khỏe lại nên về. Về được vài ngày, Cải lại gọi điện báo tin Nguyên vừa ra đi. Tôi đau đớn biết chừng nào, cứ trách thầm, tại sao ông trời lại bắt những người thiện tâm, hiền lành dễ thương như Nguyên phải ra đi sớm như vậy? Chồng tôi và Cường vội vã lên xe ngay trong đêm để kịp tiễn đưa em ấy về chốn vĩnh hằng. Tôi không biết phải làm gì, nói gì, chỉ biết khóc và nguyện cầu cho em được về chốn An vui, Tịnh độ của Phật A Di Đà. Tôi đâu ngờ lần em từ Sài Gòn ghé lại thăm là lần gặp cuối cùng? Và hình ảnh Nguyên trong lần cuối cùng gặp nhau ấy, cứ chờn vờn, chênh chao trong tôi và tôi càng thương nhớ em nhiều hơn.

Mấy năm sau, Vũ lại theo Nguyên sau một cơn bạo bệnh. Ngày em ra đi, vợ chồng tôi lên Hòa Quang tiễn đưa - một cuộc sinh ly tử biệt, vĩnh viễn cách xa nhau, nhưng chúng tôi không mất nhau (tôi nghĩ như vậy), bởi hình ảnh chúng tôi đã trộn lẫn vào nhau, khó mà mất nhau được. Phải vậy không Nguyên? Phải không Vũ thương mến?

Lại một lần nữa phải chứng kiến cuộc sinh ly tử biệt. Anh Cụng thương mến! Sao ông Trời cứ bắt những người hiền lành ra đi sớm như vậy, hở anh? Làm sao tôi quên được những tháng ngày chúng ta cùng gian khổ chạy ra chạy vào từ Nha Trang ra Tam Đảo làm nò, nuôi vẹm? Sóng gió, bão bùng, nước lên, nước xuống, vợ chồng tôi có biết gì cuộc sống sông nước, lưới chài? Vợ chồng tôi biết gì vá lưới, thay cống, gỡ rớ, giặt rớ, thay rớ? Nếu không có anh chị, không có Nguyên, không có Cường làm sao chúng tôi làm nghề sông nước, thuyền chài? Sao anh không đợi chờ một ngày nào đó các con cháu của chúng ta thành đạt, không đợi để được an nhàn đôi chút rồi mới ra đi? Sao anh vội vã vậy, hở anh? Tôi luôn thấy hình ảnh anh đau đớn phải chống chọi với bệnh tật những ngày cuối cùng ấy, nhưng không biết phải làm gì? Cũng như lần tiễn đưa Vũ, tiễn đưa Nguyên, vợ chồng tôi tiễn đưa anh bằng thương đau và những lời cầu nguyện, mong anh về cõi Phật. Và tôi chắc chắn cả anh, Vũ và Nguyên đều về cõi Phật, bởi cả ba là những người con Phật, sống chân tình, hiền lành, luôn giúp đỡ người khác dù quen hay không quen.

Cả Vũ, Nguyên, anh Cụng đều đã đi xa rồi, còn lại Cường (cũng may Cường đã đưa vợ con vào Nha Trang) sống gần; mỗi lần ngồi cùng nhau, nhắc nhớ lại chuyện cũ, người xưa, ngậm ngùi, thương cảm. Mới đấy mà như xưa, xưa lắm, thời gian cứ trôi đều đặn từng ngày, từng giờ, từng phút giây; đôi khi chị em chúng tôi muốn níu kéo những ngày tháng nghĩa tình qua lời nhắc nhở ngậm ngùi, tiếc thương. Không biết rồi mai đây, Cường và vợ chồng tôi, ai là người ra đi trước; nhưng dù ai trước, ai sau, chúng tôi luôn dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất. Làm sao tôi quên được những ngày gian khổ, lận đận mà đầy ắp nghĩa tình này? Làm sao tôi quên được mình hạnh phúc thế nào khi Cường chạy tiền cho tôi mượn đóng học phí cho con, lúc hết đường mượn mõ. Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp được những tấm chân tình nặng nghĩa. Xin cảm ơn Nguyên, Vũ, Cường, anh Cụng đã làm anh em với chúng tôi, đã cho tôi thấy được cuộc sống này tươi đẹp, ý nghĩa dường nào!

Thường năm, cứ chiều ba mươi Tết, tôi và con gái luôn có mặt ở xóm “Núi” sau lưng ủy ban xã Phước Đồng, thăm chị Chắn (vợ anh Cụng), thắp cho anh Cụng nén hương và thăm vợ chồng Cường. Chúng tôi ngồi bên nhau, thăm hỏi nhau, nhắc chuyện xưa, người xưa; thăm hỏi chuyện làm ăn của các cháu và mừng cho các cháu (con của những người bạn nghĩa tình) có cuộc sống hạnh phúc, tốt lành. Tôi thấy mình thật ấm áp, hạnh phúc một chiều cuối năm đầy ý nghĩa.

Tôi bước ra ngồi trên bờ kè sông Tắc, (nơi trước kia là chiếc cầu tre gập ghềnh từ bờ sông ra chòi rớ) thả lòng theo con nước lững lờ trôi xuôi xuống cầu Bình Tân. Một vùng ánh sáng lung linh, bập bềnh rồi sáng rỡ mỗi lúc một rõ ràng hơn. Trước mắt tôi là chòi rớ ngập ánh trăng trong của ngày tháng nào xa lơ, huyền ảo, cùng tiếng cười nói, hát ca, tiếng đàn guitar trầm bỗng hòa quyện nhau. Và Nguyên, Vũ, Cường, anh Cụng cùng chiếc chòi rớ chênh chao, bềnh bồng trong tôi.-./.

Bên dòng sông Tắc - Những ngày đầu tháng 5.2023



VVM.18.10.2024.