Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



“MẸ MUỐN NHÌN BẦU TRỜI XANH”




              mời qúy vị nghe nhạc phẩm "MẸ" của nhạc sĩ Lê Tín Hương qua tiếng hát của nữ ca sĩ Thái Hiền .

P hượng nói đúng đấy, những người già trong hoàn cảnh như tôi, họ đang đếm bóng thời gian của cuộc đời mình và chờ đợi cái giây phút tiếng cười xa hơn tiếng khóc. Thời gian là một dòng chảy miên viễn, không bao giờ ngừng. Có những người tiếc nuối thời gian, nhưng không biết làm sao mà níu kéo thời gian lại được. Nên có người đành buông xuôi, có người thì tự mình an ủi mình bằng những lời chúc tụng nhau trong dịp sinh nhật bằng câu “sinh nhật là khởi điểm của cuộc đời, kỷ niệm sinh nhật là ta đang đếm bóng thời gian, xin chúc cho thời gian ngừng lại, để môi em mãi mãi tươi hồng.” Ôi chu choa, lời cầu chúc sao mà thắm thiết thế. Nhưng thời gian nó đâu có nghe thấy tiếng van lơn, nó cứ lặng lẽ trôi, và môi em thì cũng cứ khô héo dần theo thời gian. Cái muốn của con người thì vô tận, nhưng cuộc đời của mỗi người cũng đã được đóng khung sẵn trong một con số nào đó.

Do đó, chúc thì cứ chúc vậy thôi, chứ làm sao mà níu kéo thời gian ngược lại được; người ước mong thì cứ ước mong, và thời gian không thể chiều lòng người đươc nên vẫn cứ âm thầm trôi. Một ngày qua đi, là một ngày đưa ta gần đến cõi chết, định luật của tạo hóa, không ai cưỡng lại được.

Sống trên một đất nước văn minh và thực tế như nước Mỹ. Không có nghề nào là nghề xấu, mà chỉ có con người xấu mà thôi. Ngoại trừ, nghề ăn cắp, ăn cướp là những nghề vô đạo đức, và vi phạm luật pháp quôc gia, là những nghề bị gạt ra rìa xã hội. Còn tất cả những nghề khác, dù chân tay hay trí óc, đều được bình đẳng, và được tôn trọng như nhau.

Chúng ta không nên tự ti về cụm từ “lao động chân tay” hoặc tự tôn về “lao động trí óc”. Dù là chân tay, vẫn cần phải có trí óc, thì công việc mới hoàn thành tốt đẹp, và trí óc cũng phải cần có chân tay, thì công việc mới thông suốt hoàn hảo. Do đó, dù là công việc chân tay hay công việc trí óc, chúng ta chỉ nên quan tâm vào công việc đó, là chúng ta có hoàn tất được nó một cách tốt đẹp hay không? Đó mới là điều quan trọng, chứ không phải là nghề nào được trọng hơn nghề nào.

Trong cuộc sống, mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau. Có người có trình độ, và kiến thức cao. Nhưng vì hoàn cảnh mưu sinh, mà phải chấp nhận làm một công việc thấp hơn khả năng của mình, mà họ vẫn vui vẻ với công việc họ làm để sinh tồn.

Đối với hoàn cảnh người Việt tỵ nạn như chúng ta, vào những năm đầu đến Mỹ cũng rất khó khăn lắm. Tôi có một người bạn là một Bác sĩ quân y ở Việt Nam, tị nạn sang Mỹ vào tháng 4 năm 1975, ở tiểu bang Alabama. Trong khi chờ đợi vào Đại học để học lại lấy bằng hành nghề y khoa, người bảo trợ xin cho ông ta được một việc làm trong một clinic thú Y về chó mèo (Veterinary clinic for dogs and cats). Công việc hàng ngày của ông ta là phụ giúp cho các bác sĩ thú y, và chăm sóc cho các chú chó và mèo trong khi chúng được chữa trị. Vì vấn đề sinh tồn, ông ta làm cho Clinic thú Y đó cho đến ngày trường Đại học gọi ông nhập học. Chương trình khóa học y khoa đặc biệt, dành cho các bác sĩ Y Khoa tị nạn Việt nam.

Ngay cả người Mỹ cũng vậy, cách nay khoảng hơn 10 năm, tôi được biết một người luật sư Mỹ, làm Judge ở tòa án Gaveston. Khi mất cái job Judge, ông ta phải đi làm cho nhà hàng và rửa chén. Tuy nhiên, công việc này đối với ông ta, cũng chỉ là công việc tạm thời, và ngắn hạn mà thôi. Tại sao tôi lại biết chuyện này? Vì tôi quen thân với bố vợ của ông ta, bố vợ của ông ta nói chuyện với tôi.

Chính bản thân tôi cũng vậy, những ngày đầu mới đến Mỹ, rất vất vả. Cũng làm đủ thứ việc, nào là cắt vải cho một hãng may, nào là thợ dệt cho một xưởng dệt, nào là làm cho nhà hàng restaurant rửa chén, quét dọn nhà hàng từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng mới ra về (shift 3 ban đêm), và 7 giờ rưỡi sáng lại tiếp tục rời nhà đi làm một việc làm khác (shift 1 buổi sáng). Nghĩa là thượng vàng hạ cám, đều phải làm nếu mình muốn sinh tồn. Điều quan trọng nhất, là ta phải biết “quyết tâm”, lợi dụng thì giờ còn lại mà đi học một nghề nào đó để tiến thân. Lời của ông cha ta thường chỉ dạy cho con cháu: “CÓ CHÍ THÌ NÊN” và tiếng Anh cũng có câu “NO PAIN NO GAIN”, và những vĩ nhân trên thế giới, đa số họ đều xuất thân từ những gia đình nghèo hoặc trong hoàn cảnh khó khăn.

Cảm ơn Phượng đã kể cho tôi nghe câu chuyện về mẹ. Có lẽ Phượng đã đọc được hết tâm tư của tôi. Nên Phượng mới thật tình, kể cho tôi nghe câu chuyện đầy xúc động. Câu chuyện vô cùng cảm động, đã làm cho lòng tôi trùng xuống, mắt tôi cảm thấy cay cay, và hình như dòng lệ trên mắt tôi đang chảy. Câu chuyện về mẹ, cứ chiều chiều mẹ ngồi bên song cửa sổ, nhìn ra con đường phía trước nhà, chờ cô con gái đi làm về. Trong nỗi vui mừng, đôi mắt mẹ sáng hẳn lên khi mẹ nhìn thấy hình bóng cô con gái tất bật quẹo xe vào con đường quen, lối cũ hướng thẳng vào nhà.

Ngày đó còn trẻ, tính tình còn bồng bột, nên Phượng chưa thấu hiểu được hết tình thương yêu bao la của mẹ như thế nào. Ôi, lòng mẹ thương con bao la hơn cả trời biển, mà con đâu có hiểu thấu được nỗi lòng của mẹ. Phải chờ cho đến khi khôn lớn, mới hiểu được thế nào là tình mẫu tử, cốt nhục yêu thương bao la của mẹ dành cho con, và khi con nhỏ giọt lệ khóc, lúc đó con mới biết thương mẹ, thì mẹ đã không còn nữa. Nên ca dao Việt Nam có câu “chưa nhìn thấy quan tài, thì chưa đổ lệ”.

Câu chuyện có một người, hàng ngày ngồi bên song cửa sổ, để đợi chờ một hình bóng thân quen nào đó. Bối cảnh cũng khá trùng hợp với câu chuyên của mẹ Phượng, nhưng đối tượng của hai câu chuyện thì có khác nhau.

Một người ngồi bên khung cửa sổ, ngắm nhìn thời gian đi hay để tìm một hình bóng của một ai đó. Đúng vậy, người ngồi bên song cửa sổ mỗi ngày, để nhìn theo bóng dáng người chàng mến thương, khi nàng rời khỏi nơi làm việc. Chàng ngồi đó, dõi theo bước chân nàng như một cử chỉ tiễn đưa, mà nàng không hề hay biết. Chính hình bóng đó, đã làm cho chàng lưu luyến mỗi khi nàng rời khỏi nơi làm việc.

Đúng như Phượng mô tả, mỗi khi ra về Phượng bất chợt nhìn thấy bóng dáng một người ngồi lặng lẽ bên khung cửa sổ. Cái dáng vẻ như một sự cam chịu, như một sự chẳng đặng đừng, như bóng núi hoàng hôn, như một ngày đi qua không trở lại.

Phượng là người rất tinh tế, nhìn thấu nội tâm và tư tưởng người đó. Người đó cũng hiều rõ được rằng thời gian qua đi có bao giờ trở lại, và một hình bóng xa rồi, biết bao giờ gặp lại nhau; một tình yêu không bao giờ đến hay đến với nhau trong nuối tiếc...

Thế rồi, vào một ngày đẹp trời nào đó, Phượng ghé lại nơi này, nơi căn nhà có cái cửa sổ đối diện với sân đậu xe mà thường ngày Phượng đậu xe ở đó. Để tìm lại cái bóng dáng của một người, hàng ngày thường lặng lẽ ngồi bên song cửa sổ. Bỗng dưng Phượng cảm thấy hụt hững và choáng váng. Vì cảnh cũ thì vẫn còn đó, mà người xưa ngồi bên song cửa sổ ngày nào, nay hình bóng đó không thấy đâu nữa. Rồi Phượng tự hỏi, giờ này người đó đang ở đâu, người đó còn hay đã mất?

Cuộc đời muôn vạn nẻo, cái bóng núi hoàng hôn đã khuất rồi. Phượng xúc động ôm mặt khóc. Dù hình bóng đó có ở nơi nào hay vẫn còn luẩn khuất đâu đây. Chắc chắn trái tim của người ngồi bên song cửa sổ ngày đó “sẽ không sao ngủ yên”.

Thế rồi, vào mùa thu năm ấy, sức khỏe của mẹ Phượng thấy yếu dần, đi đứng không vững. Bác sĩ khuyến cáo cụ nên dùng xe lăn, để thuận tiện cho việc di chuyển và nhất là tránh té ngã. Vì tuổi già, mà té ngã, thì rất nguy hiểm. Nếu bị nặng, có thể là phải nằm luôn trên giường. Lúc đó, việc săn sóc hàng ngày rất bất tiện, và khó khăn. Nên từ đó, mẹ Phượng thường xuyên dùng xe lăn để di chuyển. Nhân viên y tế đã chỉ dẫn cho cụ cách xử dụng, nên cụ tự xử dụng xe lăn, để di chuyển trong nhà rất thoải mái.

Thường ngày, sau khi đi làm về, Phượng thường đưa mẹ ra sân chơi, đẩy xe cho mẹ đi loanh quanh trong sân nhà vài ba vòng, để mẹ hóng gió, và ngắm nhìn bầu trời trong xanh cho khuây khỏa. Sau đó, đưa mẹ vào nhà, rồi Phượng sửa soạn bữa cơm chiều cho gia đình.

Bình thường, cuộc sống gia đình mỗi ngày như mọi ngày. Khi đi làm về, Phượng thăm hỏi sức khỏe của mẹ và vỗ về hai con của Phượng. Sau đó, Phượng vừa dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng và sửa soạn bữa cơm chiều cho gia đình.

Sau một ngày dài làm việc, không được gặp mẹ và hai con. Bữa cơm chiều là cơ hội tốt nhất cho Phượng được xum họp với mẹ và hai con; bữa cơm gia đình quây quần, chuyện trò vui vẻ trong không khí ấm cúng gia đình cùng mẹ với hai con thơ, là một niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với Phượng.

Hôm nay cuối tuần, trong lúc ăn sáng xong, mẹ Phượng nói: mẹ muốn nói với Phượng một chuyện. Phượng hỏi: có chuyện gì thế hả mẹ? Mẹ Phượng nói: Mấy năm sống ở Mỹ, mẹ thấy con vất vả quá, hàng ngày con phải đi làm, về nhà nào là phải lo dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, săn sóc cho mẹ và hai con nhỏ của con. Tất cả mọi chuyện con đều phải lo hết, mẹ thấy thương con quá mà mẹ không biết làm sao giúp cho con được. Mẹ muốn Tết này, mẹ trở về Việt nam và sống ở bên đó luôn. Khi nào có dịp, con về chơi thăm mẹ là được rồi.

Bây giờ mẹ cũng đã già rồi, ở bên này chỉ làm khổ thêm cho con mà thôi. Khi mẹ trăm tuổi, mẹ muốn gửi thân xác này, nơi quê hương, cùng với ông bà tổ tiên nội ngoại.

Kể từ hôm mẹ Phượng có ý định trở về Việt Nam sống, Phượng rất buồn, Phượng họp gia đình cùng chị em hai ba lần, nói về ý định của mẹ, để xem anh chị em có ý kiến ra sao? Tất cả mọi người, đều không đồng ý để mẹ trở về Việt Nam sống, và nói rằng: cuộc đời của chúng ta, mẹ như một cái phao tinh thần để chúng ta nương tựa, bám víu vào đó để mà sống. Nay mẹ trở về Việt nam, làm sao hàng ngày, chúng ta gặp được mẹ để quạt nồng ấp lạnh cho Người. Nhưng mẹ đã quyết định rồi, và mẹ nói đừng cản mẹ nữa. Phượng đã giải thích và năn nỉ mẹ nhiều lần, nhưng không làm siêu lòng mẹ được, và mẹ vẫn giữ nguyên quyết định trở về Việt nam sống.

Không làm sao được, cuối cùng tất cả mọi người trong gia đình, đều phải chấp nhận chiều ý của mẹ, để mẹ trở về Việt nam vào Tết năm nay, và Phượng sẽ là người đưa mẹ về, sắp xếp cho mẹ xong suôi rồi mới trở lại Mỹ. Vé máy bay cũng đã mua rồi, và mọi chuyện cũng đã sắp xếp xong, chỉ còn chờ ngày lên đường đưa mẹ về mà thôi.

Trong thời gian chờ đợi đưa mẹ về Việt Nam, hàng ngày mỗi buổi chiều, mẹ vẫn ngồi bên cửa sổ chờ Phượng đi làm về. Qua ánh mắt, mẹ vui hẳn lên, khi trông thấy Phượng tất bật rẽ xe vào con đường vào nhà.

Chỉ còn ba ngày nữa, là ngày Phượng đưa mẹ trở về Việt Nam. Sáng nay thứ Bảy ngày cuồi tuần, sau khi ăn sáng xong, mẹ Phượng nói: không biết mẹ có còn dịp nào để trở lại đây thăm con và các cháu của mẹ nữa không? Hôm nay con đưa mẹ ra sân chơi một lúc, mẹ muốn “Nhìn Bầu Trời Xanh” trên đất Mỹ một lần cuối, trước khi mẹ rời khỏi nơi này trở về quê hương Việt Nam. Phượng trả lời mẹ: Dạ, con xin chiều ý mẹ.

Từ mùa thu năm ấy, khi mẹ Phượng trở về Việt nam, đến nay cũng đã hơn hai năm rồi. Nhìn những mùa thu đi, Phượng nhớ thương mẹ khôn tả, bất thình lình vào lúc 2 giờ sáng hôm nay, tiếng chuông điện thoại làm Phượng bật dạy. Ngày hôm nay cũng là ngày mà hai năm trước đây, Phượng đưa mẹ trở về Việt nam. Phượng nhận được điện thoại từ Việt nam của người chị gọi qua, báo tin cho Phượng biết, mẹ lâm trọng bệnh và đã qua đời. Cuộc điện đàm với người chị vừa dứt, Phượng bàng hoàng cảm thấy như cả bầu trời xụp đổ, Phượng ngất lịm một hồi lâu vì quá thương nhớ mẹ. Thôi thế, từ nay Phượng không bao giờ còn có cơ hội nào gặp lại được mẹ nữa, mất mẹ là mất tất cả rồi.

Những mùa thu vẫn đến rồi đi. Nhưng mẹ ơi, con đã mất mẹ, như con mất cả cuộc đời. Ước mong sao, con có một ngày, để con được đẩy mẹ trên chiếc xe lăn, để mẹ “NHÌN BẦU TRỜI XANH.” Nhưng điều mong ước đó, từ nay con sẽ không bao giờ thực hiện được nữa; và cũng điều mong ước đó, nay chỉ còn là một hoài niệm, một sự luyến tiếc quá khứ mà thôi.

Năm may thu lại trở về, thời tiết hơi xe lạnh; trên những nẻo đường con đi, hàng ngày một mình con vẫn đơn côi. Mẹ ơi, con thương nhớ mẹ nhiều, và hình bóng mẹ mãi mãi trong tim con.

Ngoài trời mưa bỗng rơi, mắt con nhòa lệ.-./.




VVM.11.10.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .