Nụ đứng như pho tượng trước dòng tên nhoè nhoè của Bảy Lạc, đồng đội với mẹ chị, mà chẳng nói được lời nào. Mắt ứa lệ nhìn về xa xôi. Nụ khóc mẹ hay khóc đồng đội của mẹ chị cũng không biết nữa, chỉ biết rằng chị rất thương họ bởi chị mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng.
Ngày ấy…
Mượn cớ giải giáp quân Nhật và được quân Anh tiếp sức, quân Pháp mở cuộc tiến công Sài Gòn. Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, xung phong công đoàn, thanh niên tiền phong cùng nhân dân Sài Gòn anh dũng chiến đấu đánh trả quân Pháp xâm lược. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ thành lập Ủy ban kháng chiến. Nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men cho bộ đội đánh giặc. Bảy Lạc là tay anh chị ở chợ trấn không chịu nổi cảnh hung tàn ngang ngược của giặc nên xung phong vào đội tự vệ trấn. Mai mẹ Nụ khi ấy cũng vừa mười tám, đôi mươi xinh người, đẹp nết là cái đích cho bọn tề nguỵ âm mưu cưỡng đoạt. Phần thì buôn bán ế ẩm nên Mai cũng ra bưng gùi lương, tải đạn cho chiến trường.
Ngày ấy rừng núi, bưng biền còn hoang vu lắm; đất rộng người thưa, dưới sông cá quẫy ùn ụt, trên rừng vượn khỉ khua rần rần…Sông nước mênh mông con người bỗng thấy mình nhỏ nhoi trước thiên nhiên bao la hùng vĩ. Không hiếm cảnh dưới kinh sấu lội, trên rừng cọp um nên chiến khu tuy không xa dân cư là mấy nhưng chẳng có tề, nguỵ nào dám béng mảng xoi mói, dò tìm.
Con đò là đôi chân của cư dân miền sông nước, Mai rất giỏi chèo chống đưa quân nhu, lương thực đến cứ an toàn. Thời ấy vũ khí thô sơ, đồn bốt không nhiều nên không có nhiều trận đánh lớn hay dồn dập như sau này. Đó cũng là lý do Mai và đồng đội thường neo đò lại cứ đôi ba bữa để chờ quân về bốc dỡ. Để rồi những đêm trăng thanh gió mát những đôi trai tài gái sắc ấy lại bên nhau ca hát hò vè. Họ là tác giả của những câu hò lơ, hò lờ đậm chất Nam Bộ rất bộc trực nhưng không hề kém chất văn chương. Có lẽ mến mộ tài năng nhau chăng nên Bảy Lạc và Mai thường quyến luyến nhau khi có dịp, hát cho nhau nghe những câu yêu thích, trông họ rất tâm đầu ý hợp.
Khác với những căn cứ khác, miệt rừng sông nước…nước thì nước lé đé quanh năm nên chỉ có một số ít gò đồi là có thể đào công sự hay hầm hào để chiến đấu và ẩn nấp. Đó là nơi tề nguỵ luôn để tai mắt và tập trung hoả lực vào đó nên những nơi đó không phải là lựa chọn khôn ngoan của bất cứ một chỉ huy tài giỏi nào. Bảy Lạc còn nghĩ ra những trò dài hơi hơn thế. Những công sự hầm hào được Bảy Lạc cho đào chằng chịt ở một số gò đồi nhưng chẳng có quân đồn trú. Còn quân của Lạc ở đâu thì chỉ có trời mới biết. Ngay cả Mai còn không biết những cái hầm ngầm ấy ở đâu, chỉ biết là khi đò chị cập bến phát tín hiệu đi là có tiếng đáp lại, rồi Bảy Lạc và đồng đội của anh như từ trong thân cây rừng bước ra nói cười tíu tít.
- Hôm nay có món gì mới dzậy cô hai ?
- Thịt kho tàu chấm bông điên điển…
- Ăn hoài…riết ghiền món kho tàu của cô hai mất.
- Chảnh cheo gì nữa đây…Ở rốn cá mà hổng lẽ phải tiếp cá ?
- Có nồi cá bự chảng ở trổng chứ bộ nhưng không có mỡ để chiên. Luộc, kho hoài…ngán thấy tổ.
- Sao hổng nướng ?
- Anh Bảy nói cái mũi thằng địch thính lắm…
- Mèn đét ơi…dốt gì mà dốt dữ dậy. Xếp vào giữa đống rơm rồi đốt ào là xong…
- Còn mấy con cá ngạnh to đùng rọng ở mép nước, cô hai làm giúp đi.
- Ừ, để đó.
Mai lấy xôi đậu ủ trong lá chuối ra đưa cho các anh cùng với cái nheo mắt hóm hỉnh nhưng rất dễ thương :
- Ba bữa sáng à nha…Lười thổi cơm mần tuốt thì chịu nhé.
- Cô hai khỏi lo, ở đây chuột, sóc nhiều như muỗi…hở cơ là cả tấn thóc chúng xử trong vài giờ.
- Dậy sao. Thôi tùy mấy anh.
Một vài tia nắng đã len lỏi tới chỗ họ ngồi, thả lên tóc lên vai họ những đốm vàng lung linh huyền ảo, thắp sáng muôn triệu bông điên điển thành thảm lửa rực vàng trải dài theo con nước hắt vào lòng họ những niềm vui nho nhỏ ngọt ngào. Chim rừng thức giấc thi nhau hót líu lo, bản thanh bình ca ấy chỉ có nơi cùng cốc thâm sơn này, nơi đạn lửa chiến tranh chưa vói tới.
“ Hò ..hơ…Thấy em gò má hồng hồng, phải chi em đừng mắc cỡ…Đừng mắc cỡ, thì anh xin bồng em…hôn. ” Không biết ai cất câu hò ấy nhưng Mai biết là đang nói với mình bởi ngoài chị ra thì còn ai là nữ đâu. Chị nhanh nhẹn đáp lời : Chuyện vợ chồng đâu có quá bồn chồn, anh thương em thì nên dè dặt…chớ để thiên hạ đồn…hổng hay.” Tuyệt quá chứ còn gì, Bảy Lạc vỗ đùi cái đét khen nức nở, quay qua Mai :
- Chà, có miếng rượu thì hay quá.
- Có dưới xuồng, em tính để tối anh uống chút cho dễ ngủ.
- Chờ sao được tới tối hả em…giờ đang thích mà…
Mai nguýt yêu :
- Bộ hổng sợ bị kỷ luật sao ?
- Sợ gì chứ. Bọn này mần ra mần, ăn ra ăn, nhậu ra nhậu, đánh giặc ra đánh giặc…Không lẫn lộn à nha. Chẳng ai khổ như bọn này, thở ống, sống chìm…làm gì có chuyện khoét núi ngủ hầm, sướng dậy…Còn xả láng thì chẳng đâu bằng dân Nam Bộ, ăn thủng nồi trôi rế nhưng đánh giặc thì khỏi chê…còn cái lai quần cũng đánh kia mà.
Rồi Bảy Lạc kể cho Mai nghe là hôm nọ có đoàn công tác từ miền núi xuống tham quan học hỏi kiểu sống và lối đánh giặc của đại đội anh. Sau bữa tiệc liên hoan để chia tay anh nghe họ thủ thỉ nói với nhau mà anh mắc cười hoài.
- Say…lòi mắt ra rồi đồng chí nó à
- Đã bảo mà…mình uống rượu không lại bọn Nam Bộ đâu.
- Tại nó uống một ly thì nhổ toẹt ra nửa ly rồi. Mình tiếc ruột lắm, không làm thế.
- Ừ, bọn nó phẹt phẹt như gà.
Mai bật cười ha hả…cánh rừng như cũng rung lên. Qua mắt Mai, Bảy Lạc như một sơn thần có quá nhiều uy lực và chị ngã vào vai anh lúc nào không hay.
***
- Xin lỗi cô…có phải cô là người nhà của liệt sĩ Bảy ?
Nụ giật mình quay ngoắt lại nhìn chăm chú người đối diện. Đó là một cụ bà tuổi ngoài tám mươi nhưng còn quắc thước theo sau cụ là một phụ nữ trẻ tay cầm hương và hoa quả. Như linh tính điều gì, Nụ lắc đầu, bà cụ nhìn thoáng qua chị rồi mỉm cười.
- Vậy thì rõ rồi, cô là con gái của Mai.
- Dạ.
Nụ hơi thoáng sắc nhưng kịp trấn tĩnh lại, chị giúp người phụ nữ bày biện hoa quả rồi bước lui ra. Thi lễ xong bên ban thờ Bảy Lạc, bà cụ níu tay người phụ nữ qua mộ Mai thắp nhang rồi nói như để cho Nụ nghe :
- Con khấn vái dì đi.
Nụ khóc thành tiếng nức nở và đau buồn, chị vừa hiểu tất cả. Chị nhìn người phụ nữ suy xét tuy không giống chị như hai giọt nước nhưng có nét hao hao như một bản sao vụng về. Nụ không đứng vững nổi nữa, chị quỵ xuống thảm cỏ và thiếp đi.