Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

KHI BẠN…KẾT BÈ…




H ắn cúp điện thoại rồi nhét trở lại vô túi, miệng cười hí hửng, mắt sáng ngời, hắn quay vào trong nhà rối rít gọi vợ:

- Em ơi, anh có tin vui lắm đây…vui quá trời luôn nè…

Vợ hắn từ sau bếp chạy ra, hai tay chùi vào cái tạp dề; đó là một người phụ nử khá dễ thương. Vừa thấy vợ; hắn đã liếng thoắng khoe ngay không chờ vợ hỏi:

- Em à, anh mừng quá…không ngờ thằng bạn nối khố thời trung học của anh…nó đã tìm được anh…trời ơi…vui quá…nó từ bên Mỹ về…úi cha, anh vừa nói chuyện điện thoại với nó xong, ngày mai nó sẽ ra đây thăm tụi mình đó em…

Vợ hắn nhìn chồng ngạc nhiên không hiểu ất giáp gì cả, nồi cá kho đang cạn quéo mà còn phải nghe hắn tía lia về thằng bạn thân vợ chưa hề biết, hắn kéo tay vợ ra ngoài sân nhưng vợ hắn giật tay lại:

- Khoan đã; để em tắt bếp không thôi cá khét.

Hắn đang hào hứng nên nóng nảy thúc hối:

- Lẹ cái coi, anh đang vui quá trời luôn đây nè.

Vợ hắn theo hắn ra ngoài sân, gió biển thổi lên mát rười rượi như tâm hồn đang hớn hỡ của hắn:

- Em ơi…anh đâu nghỉ là có ngày còn được gặp nó kia chứ…


…Ngày đó lúc hắn vừa học xong lớp đệ Ngủ (bây giờ là lớp tám), lên đệ Tứ thì cha mẹ hắn chuyển nhà đi ở nơi khác nên hắn cũng phải chuyển đến một ngôi trường gần nhà. trường mới, lớp mới nên bạn cũng mới luôn, trong lớp đệ Tứ này hắn đã kết bạn với ba thằng cùng trang lứa nhưng khác tính tình lẫn sở thích, đó là thằng Nam, Kim và Xuyên, thằng Xuyên nghèo nhất bọn, thằng Nam nhà có tiệm Phở, thằng Kim tiệm may, còn hắn giàu nhất vì cha mẹ hắn là chủ một xưởng cưa, tuy vậy bốn đứa tụi hắn lại rất thân nhau, trong lớp thì luôn ngồi vào bàn cuối cùng và trở thành nhóm “tứ quái” nổi nhất trường. “Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”…chính là bốn đứa hắn, học hành thì dở ẹt, tán gái thì số dzách mặt dù cả bốn đứa đang ở vào cái tuổi choai choai. Lên đệ Tam, rồi đệ Nhị, đi thi Tú Tài Nhất cả bốn đứa đều đậu hạng trung bình; đậu được là may lắm rồi.

Để ăn mừng cái bằng Tú Tài bán, bốn đứa hắn hùn tiền mở party nhảy đầm chui, hồi đó còn có lệnh cấm học trò nhảy đầm nhưng bốn thằng mê quá nên mượn nhà của một đứa trong lớp mà cha mẹ thằng đó đi làm ăn xa…nguyên cả lớp đệ Nhị của tụi hắn đều đến dự. Nhảy nhót mới được nữa chừng thì Quân Cảnh ập vào hốt một mớ đưa về Ty Cảnh Sát nhốt, một mớ chạy thoát. Cái mớ bị hốt lại có đủ mặt bốn thằng. Một đêm nằm đuổi muổi trong nhà tạm giam cả bốn đứa không sợ, không buồn gì hết vì tụi hắn vẫn được ở bên nhau và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất vui thật vui Sáng ra bốn ông bố đến đồn làm giấy lãnh bốn thằng quí tử về nhà.

Đang học lớp Đệ Nhất thì bốn đứa tụi hắn phải đi lính vì lệnh Tổng động viên, hắn lọt vào Không Quân, thằng Nam vào Quân Vận, thằng Kim đi lính Hải Quân, thằng Xuyên đi Bộ Binh. Thế là bốn thằng đi bốn hướng, thỉnh thoảng viết thư thăm nhau kể chuyện quân trường, gợi nhớ đến thủa còn là học trò, trong thư bốn thằng đều ngậm ngùi than buồn.

Hắn bị đưa lên tuốt Sư Đoàn 6 Không Quân ở tận Pleiku, chức vụ thì chỉ mới là hạ sĩ quan mà thôi và được phân công về bên bộ phận kỷ thuật, ngày ngày ở trong phi trường làm công việc bơm xăng và gắn…bom, chiều chiều đi xe lam ra phố nhìn các em sơn nữ ở trần quấn xà rông mà lòng hắn thấy lạnh lẽo cô đơn quá, tai thì lúc nào cũng nghe tiếng các loại phi cơ bay lên hạ xuống, rồi tiếng đại bác của pháo binh từ Hàm Rồng vọng về, hắn nhớ gia đình, nhớ Sài Gòn và ba thằng bạn thân quá chừng quá đổi, thời gian này bốn thằng hầu như không viết thư cho nhau vì thằng nào cũng bị thuyện chuyển lung tung; nay đóng quân chổ này mai đổi đi chổ nọ. Điểm duy nhất mà bốn thằng phải viết thư gởi về đó là gia đình cha mẹ, hễ thằng nào được về phép liền đến nhà bạn mình…lúc đó mới biết được đôi chút tin tức của nhau.

Nói chung thì chỉ có hắn là bị đổi đến một nơi buồn nhất, xa nhất, thành phố Pleiku nhỏ xíu chỉ “đi dăm phút đã về chốn củ” rồi, trời lúc nào cũng lạnh, có những sáng rét run, hắn ngồi co ro trong chiếc áo lạnh của lính, buồn nhớ gia đình bạn bè, đêm về viết thư than với mẹ: “ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, em gái hắn viết thư lên an ủi và khuyên hắn ráng kiếm cho mình một “em Pleiku má đỏ môi hồng” để…“may mà có em đời còn dễ thương”, nhưng hắn là dân Sài Gòn nên hơi kén chọn cái giọng nói…vậy nên hắn vẫn cô đơn.

Thư nào em gái hắn viết gởi lên cũng đều bắt hắn kể chuyện ở Pleiku. Nếu kể chuyện Phố Núi Pleiku thì kể hoài không hết, có rất nhiều chuyện để kể, nhất là chuyện chiến tranh đang ở sát bên hông, có nhiều đêm phi trường bị pháo kích; hỏa châu bắn lên cao làm sáng một góc trời…sợ vô cùng vì cái chết lúc nào cũng cận kề bên hông, nhưng nếu không muốn kể thì…cũng chẳng có gì để kể, còn muốn tả về thành phố rất dễ thương này thì khó mà tả cho đủ ý, đủ tình…thôi thì cứ nghe bản nhạc “còn chút gì để nhớ…” của ông Phạm Duy phổ theo thơ của Thi sĩ Vũ Hữu Định là biết ngay về một thành phố có hai tên ghép là Phố Núi Pleiku, nhưng hắn vẫn rất buồn bởi vì hắn chưa có một em nào ở trên đó để mà có thể khoe với bạn về “ Em Pleiku má đỏ môi hồng…” hơn nữa ở thành phố này toàn là lính tráng không hà…vậy đó.

Tháng 3 năm 1975 hắn lên máy bay dông về Phan Rang, lỉnh cà lỉnh kỉnh với hành trang trên lưng là dàn máy Magnétophon hiệu AK và mấy cuộn băng nhạc Pháp. Từ Phan Rang hắn lên chiếc máy bay trực thăng cuối cùng trong phi trường với một anh chàng phi công cũng cuối cùng luôn để về Sài Gòn.

Sau chừng vài tiếng mừng vui với gia đình, hắn chạy ngay đến nhà của ba thằng bạn thân nhưng không gặp được Kim và Xuyên, chỉ có thằng Nam đang thuê phòng ở chung với con bồ gần Lăng Cha Cả. Đang giữa tháng tư, nghe tin tức trên đài phát thanh và đọc trong báo thì thấy…hình như là mấy tên vc sắp vô tới Sài Gòn rồi. hắn chở thằng Nam bằng chiếc Suzuki ra cà phê Thanh Thế nhìn phố phường chộn rộn chuyện ra đi. Hắn kể cho Nam nghe chuyện người dân thành phố Pleiku di tản, hầu như người ta đi hết trơn chỉ còn lại một thành phố trống rổng, lạnh lẽo với những cây thông già và những bụi Dã Qùy vàng…Hắn hối thúc thằng Nam dẫn con bồ đi cho nhanh, riêng hắn thì không thể nào bỏ ra đi cho đành vì mẹ hắn hiền lành lắm, không biết sẽ sống như thế nào nếu như…Rồi hắn chở thằng Nam ra bến tàu trước, sau đó quay về chở bồ của Nam ra sau, đến nơi có Nam đang chờ. Nhìn hai đứa nó lên tàu rồi hắn mới trở về nhà, đêm đó hắn nằm khóc một mình, lòng tan nát vì bốn đứa tụi hắn từ nay coi như vỉnh biệt…

Sau ngày đó thì hắn không còn gặp đứa bạn nào nữa cả. Nghe nói nhà của Xuyên bị đi kinh tế mới, không biết có sống nổi không đây? còn thằng Kim thì biệt vô âm tín, thằng Nam qua được nước Mỹ, nhưng không hề liên lạc gì với hắn.

Còn hắn thì bị học tập cải tạo ba ngày…

Hắn nhớ Pleiku vô cùng. Vì buồn chán quá vã lại cũng không có tiền xài nên hắn đi “chạy mánh” lung tung. Bây giờ hắn không còn là lính không quân nữa; mọi chuyện trở nên thật xa vời, lắm khi hắn ngồi uống cà phê vĩa hè trên phố Sài Gòn mà lòng quặn thắt vì nhớ Pleiku quá chừng quá đổi, nhớ phi trường Cù Hanh, nhớ những chiếc máy bay cứ bay lên đáp xuống liên tục…nhớ phố phường dễ thương bé nhỏ, nhớ các em sơn nử ở trần, nhớ cà phê Vị Thủy, con đường Hoàng Diệu, Trịnh Minh Thế…bao nhiêu năm qua hắn sống trong nỗi nhớ, không nhớ làm sao được khi đó là một “phố xá không sang nên phố tình thân”, chính cái “tình thân” ấy đã làm cho tâm hồn hắn ray rức nhung nhớ mãi không nguôi dù hắn chưa có mối tình với một “em Pleiku má đỏ môi hồng” nào hết…


Thế mà hôm nay hắn lại nhận được cuộc điện thoại của thằng Nam, Nam nói rằng đã về nước vì mẹ Nam chết, sau khi lo đám ma cho mẹ xong thì Nam đi kiếm hắn, phải đi đến ba lần trong ba ngày mới tìm lại được nhà hắn vì con đường hồi đó nhỏ xíu, nay mở rộng thênh thang, nhà lầu mọc lên san sát, đến ngày thứ ba thằng Nam sực nhớ mài mại tên ngôi chùa nằm sau lưng nhà hắn nên ông xe ôm mới tìm ra được.

Hắn đang ở ngoài biển để xây nhà nghỉ mát cho gia đình nên khi thằng Nam tìm được nhà thì chỉ gặp cha hắn, cha hắn cho Nam số điện thoại của hắn, thế nên mới có chuyện hắn vui quá là vui như thế này…

- Em à, mai thằng Nam sẽ ra đây thăm anh.

Vợ hắn ngây thơ hỏi:

- Làm sao anh ta biết được nơi này?

Hắn kí nhẹ vào đầu vợ:

- Trời ơi, vợ tui ngu quá à, anh với hắn sẽ liên lạc thường xuyên trên đường hắn đi, anh chỉ đường cho hắn qua điện thoại.

Vợ hắn cười:

- Ờ ha, dễ quá mà em không nghỉ ra.

Hắn dặn vợ:

-Ngày mai em đi chợ Long Hải mua thứ gì ngon nhất, tươi nhất của biển để đãi bạn anh nghe…ôi cha, anh vui quá...


Mới sáng sớm mà hắn đã thức dậy hối thúc vợ đi chợ rồi, còn hắn thì tung tăng chạy ra biển hít thở bầu không khí trong lành thơm mùi muối mặn, lòng nôn nóng chờ bạn đến, thời gian trôi qua sao mà chậm quá đi, hắn lững thững đi dọc bãi biển nhìn những người dân chài đang lưới cá “trên bộ”, gọi là lưới trên bộ vị họ không cần phải ra tuốt ngoài khơi mà chỉ cần giăng một tấm lưới dài chừng vài trăm mét, có chừng chục người chia khoảng đều nhau để căng cho thẳng tấm lưới rồi kéo xuống biển, cách xa bờ chừng vài mét, sau đó lại cùng nhau kéo vào, bây giờ đang là mùa cá cơm nên mỗi một mẻ lưới như thế kéo lên được rất nhiều cá, những con cá nhảy lách tách trong tấm lưới, trong veo nõn nà, thấy hắn đứng nhìn rồi xuýt xoa xông vào kéo phụ, mấy ông dân chài cười nói:

- Ối, bác là dân Sài Gòn “chân yếu tay mềm” làm sao kéo nỗi như bạn chài chúng em kia chứ.

Đang vui trong lòng nên hắn gồng tay mình lên:

- Đừng chê tui à nghen, cũng có “con chuột” to lắm chứ bộ.

Mẻ lưới hắn kéo phụ lại được rất nhiều cá, một ông bạn chài kiếm cái bọc nylon hốt cho hắn một mớ chừng hơn ký lô, miệng xởi lởi:

- Biếu bác ăn lấy thảo.

Hắn cười vui, cám ơn rồi cầm bịch cá cơm đi vào nhà, vợ hắn đi chợ vừa về tới, thấy nhúm cá cơm tươi rói thì thích lắm, vợ nói:

-Em sẽ làm món cá cơm lăn bột chiên ăn ngon hết ý.

Có điện thoại của bạn, hắn mừng quá, chạy ra sân chỉ đường; chỉ lui chỉ tới chừng nữa tiếng sau thì có một chiếc xe hơi đổ xịt trước sân nhà, hắn nhào tới…ôi…thằng Nam trên xe bước xuống, sau đó là vợ của Nam đang cố tỏ ra đài các kiêu sa vì mình là Việt Kiều, Nam vừa dìu vợ vừa xách chiếc vali nhỏ – loại đựng đồ trang điễm – của vợ…mấy bà xóm ở biển và một bầy con nít bu quanh miệng trấm trồ bàn tán:

- Việt Kiều…Việt Kiều đến thăm nhà bác Tú chúng mày ơi…Việt Kiều khác chị em làng chài chúng mình quá nhỉ.

Một bà trong đám bỉu môi:

- Trắng trẻo thôi chứ không đẹp.

Sau câu nói thì tan hàng, mấy người đàn bà bỏ ra về, còn mấy đứa con nít thì tần ngần trố mắt một hồi rồi cũng tãn mát đi luôn.

Vợ thằng Nam “chảnh” thật, làm như mình là Việt Kiều có nghĩa là ngon lắm ấy, vợ hắn cười chào làm quen nhưng…bà ta kênh kênh cái mặt thấy ghét. Vậy là buổi “ra mắt” này vợ hắn không mấy cảm tình với vợ Nam rồi.

Không nỗi vui mừng nào hơn, hai đứa hắn quên hết mọi thứ chung quanh, ngồi với nhau trên ghế đá “công viên” nhà hắn mà hàn huyên đủ thứ chuyện…quên luôn hai bà vợ; một bà đang ở dưới bếp lui cui nấu nướng, một bà ngồi bên chồng ngó mông ra biển không có cảm giác gì ngoài sự e ngại vì “biển không xanh, cát không sạch…”

Vợ hắn nhìn đồng hồ rồi gọi với ra ngoài:

- Anh ơi, trưa rồi đó…em dọn cơm nghe.

Lúc này hắn mới cảm thấy cái bụng đói cồn cào, lật đật vô bếp phụ vợ dọn cơm. Nhìn mâm cơm mà thằng Nam cười tít mắt:

- Trời đất…ngon quá mầy, hấp dẫn quá xá quà xa.

Không hấp dẫn sao được kia chứ; này nhé: cá cơm lăn bột chiên dòn, mực ống xào chua ngọt với dưa leo; thơm; cà chua; củ hành tây. Rồi tôm lột vỏ kho rim, canh cá bạt má nấu ngót, cá thu chiên sốt cà, một dĩa rau xà lách tươi xanh cọng thêm hai chén nước mắm; một chén mặn để ăn với canh, một chén nước mắm chua ngọt ăn với cá chiên. Nồi cơm gạo thơm bốc hơi nghi ngút…

Vợ của Nam ăn rón rén và nói với chống:

- Em sợ đau bụng vì thức ăn lạ…em không dám ăn đâu.

Thằng Nam hơi ngượng khi vợ Tú nói móc lò:

- Tôi ấy à, nấu cơm cho chồng con tôi ăn nên kỷ gấp trăm lần ở nhà hàng ấy chứ…

Con vợ thằng Nam đã vô tình gắp một “hạt sạn” bỏ vào cái chén “tình bạn”của hắn, chỉ có vợ hắn mới cảm nhận được như thế, còn hắn thì đang rất sung sướng nên vô tư nói:

- Không đau bụng đâu mà sợ, vợ tôi kỷ lắm…không ăn đói bụng thì ráng mà chịu à.

Vợ Nam nói nhỏ vô tai chồng:

- Anh đưa em hộp bánh đem về từ bên Mỹ, em ăn bánh được rồi.

Kể từ lúc đó vợ hắn không thèm đá động hay ngó ngàng gì đến vợ thằng Nam, hắn nghỉ bụng “ôi thôi…đàn bà ấy mà”.

Thằng Nam bỗng reo lên:

- Ê, mày còn nhớ thằng Kim không? Nó cũng qua Mỹ, tao gặp hoài, nó về VN từ tháng trước, nghe nó nói là đang làm ăn gì lớn lắm ở bên đây, để tao gọi nó thử coi.

Và thế là “alô”…Nam hí hững nói chuyện với thằng Ka một hồi sau đó đưa điện thoại cho hằn:

- Tú này, thằng Kim đang ở Vũng Tàu, mày nói chuyện với nó đi, nghe tao đang ở đây với mầy nó mừng quá, mầy chỉ đường cho nó, nó đi xe ôm qua đây liền.

Không gì sung sướng và vui mừng hơn khi thằng Kim lù lù xuất hiện, hai đứa nhìn nhau một hồi rồi ôm nhau hò hét để bày tỏ tình cảm. Vợ hắn phì cười vì cái cách hai đứa nó mừng nhau. Bữa cơm đâm ra ngon gấp bội phần, thằng Kim coi bộ nhiệt tình hết biết, vừa ăn vừa khen ngon lia lịa. Vợ hắn kín đáo liếc nhìn vợ thằng Nam, hình như bà ta cũng đang thèm mấy món ăn đó lắm thì phải nhưng trót “chê” mất vệ sinh, sợ đau bụng nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nuốt cái thèm xuống bụng.

Về tới Sài Gòn rồi mà niềm vui sướng của hắn vẫn không vơi đi chút nào, mỗi ngày hắn ra nhà thằng Nam để chở Nam đi chơi phố phường, nhưng đến cuối ngày thì nó than với vợ:

- Con vợ thằng Nam kỳ quá em à, anh chở thằng Nam đi chơi uống cà Phê, lòng vòng các phố chớ có đi đâu bậy bạ mà vợ nó cứ cằn nhằn tra xét làm anh bực mình hết sức.

Vợ hắn cười:

- Chắc vợ hắn sợ anh chở hắn đi uống bia ôm hay cà phê ôm chứ gì? Bà vợ nào cũng sợ chồng mình về đây rồi đi uống bia ôm, cà phê ôm hết trơn…

Rồi trề môi nói tiếp:

- Vợ hắn xấu hoắc nên sợ chồng đi uống bia ôm…mất luôn chồng thì sao? sợ là đúng rồi.

Hắn phì cười:

- Em thắng vợ nó “một không” rồi đó ha.

- Xí…nghĩa là sao?.

Hắn đơn giản lắm, không nghỉ được rằng tình bạn ngày xưa của tụi hắn nhờ không có nàng Eva nào xen vào giữa nên rất là tươi đẹp và tròn trịa, nay thì thằng nào cũng có một nàng Eva bên cạnh, làm sao mà tình bạn ấy lại không bị “méo mó” ít nhiều kia chứ.?

Ngày mai vợ chồng thằng Nam lên máy bay về lại Mỹ, thằng Nam mời hai vợ chồng hắn cùng đi ăn chè Hiển Khánh. Vợ hắn thích chè hạt sen, chén chè ngọt lịm, thằng Nam móc bóp đưa cho hắn hai trăm đô, dặn dò:

- Nhiệm vụ của mày là phải kiếm cho ra thằng Xuyên, nếu tìm được nó thì một trăm mày đưa cho ba nó, một trăm đưa cho nó, nếu không kiếm được thì mày dùng số tiền này mà đăng báo hoặc đăng tin trên đài truyền hình. Tâm huyết của tao là phải tìm cho ra nó để “bốn đứa tụi mình” cùng được ở bên nhau như ngày xưa…dù chỉ được một tháng.

Hắn cẩn thận bỏ hai trăm đô vô bóp, và trong lúc sự xúc đồng dâng trào không kìm nén được, hắn hùng hồn tuyên bố một câu “xanh dờn như lá chuối” mà quên uốn lưỡi đến bảy mươi bảy lần bảy:

- Nhất định tao sẽ tìm cho ra thằng Xuyên. Này…mày à, tao phải công nhận một điều là tụi mình bỏ vợ thì được nhưng bỏ bạn thì không.

Hắn không để ý nét mặt của vợ hắn tối sầm một cái rầm, muỗng chè đưa lên chưa kịp bỏ vô miệng bỗng rớt xuống chén, còn thằng Nam thì khựng lại; liếc vợ một cái mà không dám gật đầu đồng ý, đã thế hắn còn hứng chí nói thêm:

- Tao nói thật đó, thà tao bỏ vợ chứ không bỏ bạn.

Vợ hắn đẩy ly chè qua cho hắn:

- Chè đắng quá trời, anh ăn dùm tui đi.

Hắn ngây thơ:

- Miệng em làm sao vậy? Chè ngọt quá chừng luôn mà.

Vợ hắn thở ra:

- Câu nói của anh đắng nghét như mật cá làm chén chè đắng theo tui ăn không nỗi…từ nay có đụng bất cứ chuyện gì thì kêu bạn anh gánh cho nghe chớ đừng có mà kêu tui.

Hắn ngớ người ra…thôi rồi; đúng là mình hơi quá lời làm vợ tự ái, tủi thân, nhưng đã lở tuyên bố trước mặt bạn rồi không lẽ rút lui…hắn ăn chén chè của vợ, khen bâng quơ:

- Chè ngon thế này…

Nam chuyển câu chuyện sang hướng khác:

- Mai mày ra phi trường tiễn vợ chồng tao đi nhé, sang năm tao sẽ về làm đám giỗ cho má tao, hẹn nhau “bốn đứa tụi mình”.

Hắn vui vẻ nhắc lại:

- Ừ, hẹn nhau sang năm “bốn đứa tụi mình”.

Vừa thúc dậy hắn đã hỏi vợ:

- Em có ra phi trường với anh không? Để tiễn vợ chồng thằng Nam về Mỹ ấy mà.

Vợ hắn trả lời mà không nhìn hắn:

- Bạn của anh chớ có phải bạn tui đâu mà tui phải đưa tiễn.


Hắn tha thiết đi tìm thằng Xuyên, trở lại nhà cũ thì người ta nói nhà thằng Xuyên sau khi đi kinh tế mới, cực quá chịu không nỗi nên quay trở về, nhưng một thời gian sau thì dọn đi nơi khác, họ cho địa chỉ, từ địa chỉ này hắn tìm sang địa chỉ khác, loanh quanh mấy ngày trời mới tìm được nhà ba thằng Xuyên, má nó chết rồi. Ba thằng Xuyên nay già lắm, lưng thì còm còn chân lại yếu, ông không nhớ được hắn là ai, nhưng hắn thì còn nhớ nét mặt ông , hắn đưa cho ông một trăm đô nói là của thằng Nam gởi biếu, sau đó ba thằng Xuyên cho hắn địa chỉ của thằng Xuyên ở tận Hố Nai lận, thằng Xuyên đang làm chân bảo vệ cho trường học, cọn vợ thì bán căn tin trong trường, ông run run đi lục trong hộc tủ tìm số điện thoại của Xuyên, hắn mừng quá chừng và khóc khi tìm được bạn, tối đó hắn gọi điện thoại cho Xuyên, hai đứa líu lo chừng hơn nữa tiếng đồng hồ, sau đó hắn gọi cho Nam để báo tin mừng, đọc cho Nam số điện thoại của Xuyên. Hôm sau hắn chở vợ đi Hố Nai, lòng hồi hộp lắm, hắn kể cho vợ nghe nhiều chuyện về thằng Xuyên, những chuyện này vợ hắn nghe hoài mấy hôm nay rồi.


Thằng Xuyên đang đứng lóng ngóng trước cổng trường đợi hắn. Ba mươi năm rồi mới hội ngộ với nhau niềm vui không sao tã xiết, đầu của Xuyên trụi lủi lưa thưa mấy cọng tóc đưa ra cái trán hói. Vợ hắn với vợ Xuyên nhìn nhau hơi ngại ngùng vì xa lạ nhưng thấy hai ông chồng vui quá nên hai bà cũng từ từ xích lại gần nhau hơn.

Vợ của Xuyên là một người đàn bà nhỏ con nhưng khá sắc sảo, chị đã có một đời chồng đi lính bị chết trước ngày giải phóng và một đứa con. Xuyên gặp chị ta đang lúc chị buôn bán đủ thứ ở chợ trời, còn thằng Xuyên thì sau khi giải phóng vì là hạ sĩ quan nên chỉ bị đi học tập ba ngày tại địa phương, sau đó nhà thằng Xuyên phải bị đi kinh tế mới, cực quá chịu không nổi nên chỉ sau một thời gian ngắn cả nhà Xuyên trở về lại nhà củ, cũng may mà cô em gái của Xuyên không chịu đi với ba má và anh trai, cô nhất định ở lại nên mới còn căn nhà cho ba má và Xuyên quay về ở, chừng năm sau thì má Xuyên bị bịnh mà chết. Thằng Xuyên cùng đường nên nghe theo bạn ra chợ trời mua bán lung tung đủ thứ, nhờ vậy mới gặp “bà xã tao” bây giờ. Rồi hai người cưới nhau mặc dù vợ Xuyên lớn hơn Xuyên bốn tuổi lại có một đời chồng, một đứa con riêng, nhưng có sao đâu vì vợ Xuyên giỏi chịu cực, hơn nữa chị có người bà con bên bộ đội nên cũng được “ưu tiên này nọ” chút ít, cứ coi như Xuyên giá nghĩa với chị để nương nhờ tấm thân, hai người có chung với nhau ba đứa con: hai trai một gái. Vợ chồng Xuyên đã có một cháu nội trai ba tuổi…Nhà thì chưa có, phải ở nhờ trong trường học vì Xuyên đang làm gác dan, còn vợ thì bán hàng bánh kẹo, nước ngọt các thứ linh tinh cho thầy cô và học sinh.

Xuyên lắc đầu than:

- Vợ chồng tao vất vả lắm mày ơi.

Hắn nắm chặt tay bạn mà ứa nước mắt vì thương cảm.


Vợ chồng Nam rất mê biển nên khi gọi điện thoại về đã nhờ hắn mua dùm một miếng đất ở biển như hắn, và mua một sườn nhà gổ cũng giống như nhà của hắn rồi dựng lên trong miếng đất đó. Hắn ghé đón Xuyên đi với hắn, nói chung hắn rất thành ý với “bạn xưa” của mình.

Mọi chuyện thật suông sẽ và vui vẻ, đất mua như ý, nhà gổ thật đẹp, đương nhiên là tốn khá nhiều tiền.

Suốt một năm trời xa cách đó, hắn và Nam, Xuyên gọi điện thoại cho nhau thường xuyên, chỉ có Kim thì đang ở Hà Nội, nghe nói bận rộn dữ lắm nên cũng ít liên lạc. Mặc dù thằng Xuyên ở Hố Nai nên hắn có muốn gặp thì phải “chạy” xuống đó thăm, thế thôi. Thằng Nam hẹn đúng tháng 12 sẽ về Vn làm giỗ má nó đồng thời ăn mừng Noel và tết Tây tại Việt Nam…nghe vậy nên hắn và Xuyên mừng ghê lắm, lật đật gọi cho Kim, hẹn nhất định phải gặp nhau tại Sài Gòn để “bốn đứa tụi mình” lại có nhau như ngày xưa.


Đúng hẹn vợ chồng Nam về nước,hắn và thằng Xuyên ra sân bay đón, mừng vui quá xá không bút mực nào tả xiết…

Rồi Kim từ Hà Nội bay vào. Để mừng ngày đoàn viên của bốn đứa, nhất định đứa nào cũng phải mang theo vợ của mình; như thế mới có ý nghĩa trọn vẹn và vui vẽ.

Vợ Nam diện sang như một bà hoàng với chiếc áo đầm hở cổ, vợ của Kim mặc chiếc soireé hồng phấn, vợ Xuyên chân quê mộc mạc với quần Tây áo sơ mi, vợ hắn thì bình thường; muôn thuở: quần Jean xanh và áo thun trắng. Sau khi ăn uống ở một nhà hàng tương đối sang trọng thì tụi hắn kéo nhau đi uống cà phê nơi một cái quán có chương trình Hát Với Nhau.

“Bốn đứa tụi mình” sãng khoái, hào hứng nhảy lên đứng trên bục, ôm vai nhau cùng hát bài gì đó có câu “áo anh rách vai, quần tôi có hai miếng vá…” dưới hàng ghế bốn bà vợ nhìn lên bốn ông chồng của mình, chắc chắn là mỗi bà có một ý nghỉ riêng, không ai giống ai, nhưng cũng phải cười cho chồng mình thấy để tăng thêm phần hứng khởi. Nhóm nhạc công cũng thích thú với tình bạn của “bốn đứa tụi hắn” vì vợ Nam và vợ Kim rất sành điệu, đưa hoa lên tặng chồng mình lia lịa…

Đêm đó họ về rất trễ vì còn phải cùng nhau đi ăn cháo ở góc đường chợ cũ nữa chứ, đây là quán cháo vỉa hè dành cho những người Sài Gòn sành điệu về khuya. Sáng mai họ còn phải cùng nhau ra biển để xem căn nhà gổ mới của vợ chồng Nam, rồi ở lại ngoài đó vui chơi một ngày.

Suốt đêm hắn không ngủ vì vui mặc dù ngày mai phải lái xe ra đón vợ chồng Nam đi ra biển sớm, theo sự sắp xếp thì vợ chồng Xuyên sẽ đi bằng Honda, vợ chồng Kim và Nam đi chung với vợ chồng hắn, ngôi chật một tí nhưng mà vui.

Còn gì thích hơn khi biển đẹp và tình bạn cũng rất đẹp, nhưng riêng vợ chồng Xuyên thì lại chạnh lòng và thoáng có chút hờn ghen. Trong khi vợ hắn hờ hững với vợ Nam thì vợ Xuyên theo sát vợ Nam mà khen rối rít, xem chừng vợ của Nam ưng ý lắm, mỗi lần ngồi gần vợ Xuyên là vợ Nam cười tít mắt.

Sau đám giỗ của mẹ Nam là đến Noel, ý của Nam là muốn cùng nhau lên Hố Nai, nơi thằng Xuyên đang ở để đi lễ Giáng Sinh. Gọi điện thoại cho nhau hẹn hò thông báo tùm lum, thằng Xuyên nói:

- Tụi mày nhớ lên sớm một tí, vợ chồng tao đãi cơm…nhớ đừng ăn gì hết…để bụng đói mà lên ăn với tụi tao.

Chiếc xe hơi bốn chỗ ngồi của hắn chật cứng; băng sau nhét bốn người là vợ chồng Nam và vợ chồng Kim, còn vợ hắn ngồi đằng trước với hắn. Hắn không cảm nhận được nỗi buồn trong lòng vợ hắn khi phải để bầy con lớn nhỏ ở nhà trong đêm Chúa Gíang Trần; mà đi theo hắn lên tận Hố Nai…Hắn thì vui ghê lắm, suốt chặng đường bốn chục cây số mà cứ tí ta tí tững nói cười huyên thuyên, cả ba thằng dành nhau kể chuyện thời còn đi học cho ba bà vợ nghe…vợ hắn mệt mỏi và nghỉ đến các con đang ở nhà ăn Reveillon mà không có cha mẹ, đứa con gái lớn nhất của hắn mới lấy chồng, còn lại mấy đứa sau thì phải tự “chăn” nhau trong đêm Noel.

Vợ chồng Xuyên dọn sẵn một mâm thịt chó để đón bạn, món thịt chó là món ăn mà dân ở Hố Nai thích nhất, rẽ nhất, bỗ nhất nhưng lại…đểu nhất (vợ hắn nghỉ như vậy khi vừa thấy mâm thịt chó). Bản thân hắn không bao giờ ăn thịt chó, vợ hắn thì sợ thịt chó còn hơn cả hắn…Hắn bèn phải đi ra đường kiếm một tiệm bánh nào đó còn mở cửa để mua cho vợ chồng hắn ăn đở đói, nhưng dân Hố Nai thì hết chín mươi lăm phần trăm là người Bắc di cư năm 1954 theo đạo Công Giaó, nên họ đã đóng tất cả các cửa tiệm, ngưng mua bán từ chiều lận để mừng lễ Noel. Cuối cùng thì vợ của Xuyên nấu mấy gói mì Aone…cho tụi nó ăn đỡ đói. Thằng Xuyên cười chữa thẹn:

-Tao nhớ hồi xưa thằng Nam, thằng Kim thích ăn thịt chó lắm mà, cứ nghỉ hai thằng bây ở bên Mỷ làm gì có món này…nên vợ chồng tao mới đãi tụi bây ăn thịt chó…xin lỗi mấy bà nghen.

Chuông nhà thờ Hố Nai vang lên rộn rã lần thứ ba, thế là tám người cùng nhau thả bộ đi tới nhà thờ. Trong nhóm thì chỉ có vợ chồng hắn và vợ chồng Nam có Đạo, còn hai cặp kia thì không nhưng cũng đi theo cho vui. Trong nhà thờ đã chật cứng nên “tám đứa tụi hắn” phải đứng ở ngoài sân, đi lễ mà đứng ngoài sân thì chẳng khác nào đi…chơi. Vị Linh Mục làm lễ, đọc Phúc Âm, giảng lời Chúa nhưng những người đứng ngoài sân thì đang râm ran nói chuyện cũng như “tám đứa tụi hắn” vậy. Không ai biết Linh Mục giảng những điều gì?

Đêm Noel năm nay vợ hắn thở dài suốt vì cảm thấy mình đã không tập trung được lòng trí để dự lễ; tội lỗi quá đi. Sau khi buổi lễ chấm dứt, tụi hắn tản bộ về trường học nơi vợ chồng Xuyên đang ở “ké”. Vợ Xuyên nấu nước pha cà phê. Lại “bốn đứa tụi mình”…nói chuyện không dứt, kỷ niệm đâu mà lắm thế? Nhắc hoài không hết.

Cuối cùng thì cũng phải chia tay, hẹn mai mốt gặp lại nhau tại Sài Gòn… Hắn vẫn luôn là người vui sướng nhất.


Nếu hắn biết…

Ngay sau khi vợ chồng hắn và vợ chồng thằng Nam, Kim về tới Sài Gòn là đã ba giờ sáng, thành phố đang ngũ say. Nhưng ở Hố Nai thì vợ chồng thằng Xuyên không ngủ, hắn không nghe được câu chuyện của hai vợ chồng thằng Xuyên đang nói với nhau trong đêm khuya thanh vắng…

Vợ thằng Xuyên nói:

- Ông à, theo như ông kể thì hồi xưa Nam thương ông lắm phải không?

- Ừ, trong bốn đứa tụi tui thì thằng Nam thân với tui nhất.

- Vậy sao bây giờ tui thấy Nam thân với Tú quá chừng?

- Ờ…chắc tụi nó ở gần nhau.

- Hình như vợ Tú với vợ Nam không có vẻ gì la thân thiện với nhau.

- Ờ, tui cũng thấy vậy, mà tui thấy vợ Nam có vẻ thích bà lắm đó nghen.

- Hi…hi…tui biết nịnh mà, vợ Nam thích nịnh lắm. Ông nè, vợ Nam khoe là ở bên Mỹ họ giàu lắm, triệu phú lận a.

- Ờ, giàu như vậy mà vợ chồng thằng Nam lại gần gủi với vợ chồng thằng Tú hơn tụi mình…tha hồ mà vợ chồng thằng Tú…moi tiền.

- Này ông, tại sao mình không tìm cách nhờ vợ chồng Nam giúp? tụi mình nghèo quá mà.

- Tui biết làm cách nào bây giờ? Cái gì Nam cũng hỏi ý kiến thằng Tú hết trơn, thằng Tú giống như là quân sư của thằng Nam ở VN vậy đó. Trời ơi, cái lúc mà thằng Nam gởi tiền về cho thằng Tú mua đất, làm nhà…tui thấy mà ham rồi tủi cho thân phận của tui quá chừng.

- Ông nè…vậy thì ông phải làm sao cho Nam không còn tin vợ chồng Tú nữa mà quay qua tin vợ chồng mình, tui nghĩ cũng dễ thôi vì vợ Nam thì không thích vợ Tú, vợ Nam nói với tui là vợ Tú “chảnh thấy ghét”.

- Ừ, bà nói có lý, phải làm sao cho thằng Nam không còn tin thằng Tú nữa thì nó mới nghe mình…lúc đó nó sẽ dành tâm huyết để giúp đỡ vợ chồng mình. Tuần tới tui đưa bà đi Sài Gòn thăm vợ chồng Nam, bà phải nịnh vợ Nam cho nhiều để lấy lòng tụi nó.

Vợ Xuyên lim dim mắt:

- Tui biết phải làm gì rồi, tui cứ theo nịnh vợ Nam riết, Nam có vẻ sợ và nghe lời vợ lắm đó nghen…không khó đâu, vợ Nam mà nghe tui thì Nam sẽ nghe vợ.

Muốn Hòa Bình Thân Thiện thì khó chứ muốn Chiến Tranh Chia Rẽ thì dễ ợt. Chỉ cần có một cái đầu óc biết trườn bò như con rắn và khéo léo phun tí nọc độc thì…xong ngay.

Thế là trong đầu thằng Xuyên nung nấu cái ý nghỉ làm thế nào và bằng cách nào mà vợ chồng nó phải đóng cho được một “chiếc bè” rồi cho thằng Tú ngồi lên, xong rồi…thì vợ chồng thằng Xuyên sẽ đẩy “chiếc bè” cho nó trôi đi xa thật là xa, xa đến nỗi không bao giờ thằng Tú và thằng Nam có thể gặp nhau, thấy nhau nữa. Sau đó thì…tha hồ mà…


Hắn đâu ngờ rằng sau ba mươi năm, những thằng bạn mà hắn đã tuyên bố trước mặt vợ mình rằng “bỏ vợ thì được, bỏ bạn thì không”; thì mỗi thằng “chơi” hắn một vố đau quá chừng. Thằng Kim mượn hăn một số tiền khá lớn, vợ hằn dùng dằng không muốn đưa thì hắn quắt mắt nạt nộ; đến khi Kim cầm tiền rồi thì…một đi không trở lại. Thằng Xuyên phao tin đồn rằng hắn “đứng sau lưng” làm đạo diễn cho mấy đứa nhỏ làng chài ngoài biển gỡ đồ trong nhà thằng Nam đem bán…nhục hết biết. Còn thằng Nam thì tin và nghe theo những lời nhỏ to xúc xiểm nịnh nọt của vợ chồng thằng Xuyên; có thêm những lời tỉ tê của vợ bên lổ tai nên Nam không nhìn đến mặt vợ chồng hắn nữa…

Ôi; “bốn đứa tụi mình” giờ thì tan tành như xác pháo, hắn đau lòng uất ức quá muốn sinh bệnh, may nhờ có vợ hắn luôn ở bên cạnh hắn mà nhỏ to an ủi nên hắn tạm nguôi ngoai.

Vợ hắn thủng thỉnh nói:

- Anh đừng bao giờ vì sự hứng chí mà tuyên bố điều gì cả một khi anh chưa chịu uốn lưởi “bảy mươi bảy lần bảy” trước khi nói.

Hắn phì cười:

- Mới uốn lưởi có bảy lần bảy thôi là…cụt hứng, hết “tuyên bố tuyên con” gì được nữa…cứ lo cong cái lưởi lên rồi đếm thôi là đã quên mất tiêu điều mình định nói…

Vợ hắn nhắc lại:

- Anh hứng chí tuyên bố trước mặt em một câu rất phủ phàng “bỏ vợ thì được chớ không bỏ được bạn”, rồi còn “thà bỏ vợ chớ không bỏ bạn”, em đau lòng suốt hơn hai năm nay…bây giờ thì anh có câu trả lời của bạn anh rồi đó nhé.

- Thôi, cho anh xin lỗi đi mà….

Một bài học; đương nhiên là từ sau lần đó hắn tâm niệm rằng sẽ không còn dám hùng hồn tuyên bố bất cứ điều gì một khi hắn chưa uốn lưởi đủ bảy mươi bảy lần bảy, bỡi vì như hắn nói…mới chỉ uốn lưởi bảy lần bảy thôi cũng đủ thời gian suy nghỉ rồi, nói chi đến việc uốn lưởi những bảy mươi bảy lần bảy thì…sẽ không còn ai muốn nói, hay nói được điều chợt nghỉ ra trong đầu lúc vừa mới bộc phát cơn nóng giận, hay khi tâm hồn đang quá hào hứng phấn chấn vì một thứ tình cảm nào đó…

Vợ hằn còn phân tích như sau:

- Ngày xưa mấy anh ăn chưa no lo chưa tới, mọi việc có cha mẹ lo hết, chỉ biết ăn học vui chơi nên tình bạn lúc nào cũng đẹp đẽ trong sáng, thơ ngây không vụ lơi. Lớn lên phải bôn ba vì cuộc sống, cơm áo gạo tiền…quan trọng nhất là bên cạnh mỗi người đều có vợ của mình, mọi chuyện đâm ra khác hẵn. Nếu vợ bạn mà tốt thì tình bạn còn tốt, ngược lại thì… chỉ có anh là có tánh bộp chộp, khi hào sãng cứ ưa tuyên bố nọ kia…

Hắn lại cười mơn với vợ:

- Anh biết lỗi rồi, em đừng nhắc lại nữa…

Miệng cười nói thế thôi chứ ở trong lòng thì hắn rất buồn, buồn vì hắn đã bị mất đi tình bạn của thời trai trẻ mà hắn vốn rất quí, hằn xót xa đau đớn lắm. Ôi một khi có nàng Eva xen vào…

Riêng vợ hắn có vẻ rất là đắc ý, xem từ nay hắn còn dám lớn tiếng tuyên bố rằng: “bỏ vợ thì được, bỏ bạn thì không”… với ai nữa đây cho biết ???




VVM.19.9.2024.