Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



NHỮNG MÙA TRĂNG




N hững mùa thu trước, vào đêm rằm tháng tám, mẹ Duy bày chiếc bàn con trong sân. Trên đó, la liệt bánh trái. Bao giờ, cũng có ít nhất một đĩa bánh Trung Thu. Hai chiếc bánh in mặt trăng nằm đối xứng nhau. Một đĩa to đựng trái cây gồm bưởi, cam, nhãn, chôm chôm, bòn bon ... Một mâm nhỏ chất đầy các loại củ như khoai lang, khoai môn, củ chuối. Bộ chưng đèn sành được dịp đứng ngang hàng với chiếc lư đồng bóng loáng. Bình hoa được đem lên sau rốt. Những đóa vạn thọ to tròn, vàng ươm như ánh trăng làm cho cái bàn vĩ vèo bánh trái thêm đẹp đẽ, quyến rũ.

Bấy giờ, cả nhà bắc ghế ngồi dưới gốc cây nguyệt quế để chờ trăng lên. Ông Duy có lệ chỉ thắp nhang, đốt đèn cúng rằm khi vầng trăng gác chênh chếch trên mái lá của dãy nhà đối diện. Có lẽ ông nghĩ rằng ở nơi cao như thế, chị Hằng mới nhìn rõ chiếc bàn con của nhà Duy và sẽ chứng giám cho lòng thành của ông. Nhưng lúc đó, trăng yểu điệu, chậm rải nhích từng chút một. Ban đầu là một quầng sáng nhàn nhạt từ từ nổi lên, nở ra, lan rộng rồi chị Hằng xuất hiện. Chị khoan thai đi lên bầu trời trong vắt. Duy thích thú reo to khi nhìn bóng trăng tròn vành vạnh. Trăng tưới lên mái lá ánh vàng huyền ảo. Căn nhà bỗng chốc mạ vàng, trở nên giàu sang, trịnh trọng. Lúc ấy, mái tóc bạc của ông trông cứ như những sợi bạch kim trùm lên đỉnh đầu. Ông chắp hai tay, mắt ngước nhìn trăng, lâm râm khấn vái. Ông mời chị Hằng xuống ăn bánh rồi phò hộ cho gia đình an vui, hạnh phúc. Và để chờ nhang tàn, ông kêu Duy ngồi cạnh, bắt đầu kể chuyện.

“Cách đây lâu lắm, có một vì vua nhân từ, đất nước thanh bình, thịnh trị. Nhà vua cảm thấy an lòng, mãn nguyện nên cứ vào những đêm trăng sáng, ngài cho bày yến tiệc để cùng các quan thưởng trăng. Như lệ thường, ngày rằm tháng tám vua lại tổ chức cuộc vui. Đêm ấy, trăng tròn và đẹp mê hồn. Vua ngây ngất trước vẻ huyền bí của thiên nhiên kỳ diệu nên dùng rượu hơi nhiều. Ngài đưa tay vẫy gọi trăng và ra lệnh cho chị Hằng phải rước ngài lên thăm cung Quảng Hàn. Lạ lùng làm sao! Vầng trăng bỗng dưng chuyển động. Hai cánh cửa hình bán nguyệt vụt mở ra. Một chiếc cầu vồng lấp lánh sáng thả dài từ cổng trời xuống tận ngự uyển. Chị Hằng cùng các tiên nữ tha thướt qua cầu. Họ đưa nhà vua lên cung trăng thưởng ngoạn. Ở đó, nhà vua được dự buổi dạ hội linh đình chưa từng có trong cuộc đời vương giả của ông. Nhà vua được xem vũ khúc Nghê Thường, được nếm bánh Trung Thu, một loại bánh vừa ngon vừa lạ. Tiệc tàn, các tiên nữ đưa nhà vua xuống trần. Giật mình tỉnh giấc, nhà vua vui mừng được trải qua giấc mơ tuyệt đẹp. Ngài cho gọi đầu bếp và kể ra từng vị trong chiếc bánh, tả lại hình dáng của nó. Chỉ ít hôm sau, người đầu bếp tài ba đã tạo ra những chiếc bánh giống hệt những chiếc bánh trên cung Quảng, đúng như mong muốn của nhà vua. Để dân cũng được hưởng món ngon, vật lạ, vua truyền lệnh làm bánh Trung Thu và cứ rằm tháng tám phải cúng trăng bằng những lễ vật như trong mơ của nhà vua.”

Câu chuyện cổ tích về bánh Trung Thu Duy nghe ông kể không biết bao nhiêu lần, nhưng cậu bé vẫn thích thú khi được ôn lại và Duy thường hỏi ông những câu hỏi cũ:

- Ông ơi! Tại sao cúng trăng phải có các thứ trái cây? Nhiều quá, chị Hằng đâu ăn hết.

Ông bật cười:

- Chị Hằng có bao giờ ăn đâu mà hết với không! Đúng ra, đây chỉ là tục lệ để gợi nhớ chuyện xa xưa, một hình thức tỏ lòng biết ơn tổ tiên, ông bà mà thôi.

Lúc gia đình quây quần quanh mâm bánh, Duy vừa ăn vừa hỏi:

- Những câu chuyện ấy có thật không ông?

Nheo mắt nhìn Duy, ông chế giễu:

- Ông không biết câu chuyện ấy do người xưa tưởng tượng hay là sự thật, nhưng ông nghĩ, cúng trăng chẳng hại gì. Trước cúng, sau ăn. Mỗi năm, chỉ có một mùa trăng đẹp. Mình bày cổ bàn vừa nhấm nháp vị ngọt của bánh vừa ngắm cảnh đẹp thiên nhiên thì còn gì thú vị hơn.

Nhớ lúc phải chờ đợi cúng kiến xong mới được ăn, Duy càu nhàu:

- Cháu thấy cúng kiến mất thời giờ ... chờ đợi lắm.

Ông phì cười:

- Điều gì cháu phải chờ đợi thì khi được nó, cháu mới thấy hết giá trị của mơ ước. Vả lại, ông cháu mình ăn uống vui vẻ, chẳng lẽ để chị Hằng ngó miệng. Mình phải mời chứ, mà đã mời thì phải để người ta dùng trước “ Tiên khách, hậu chủ” mà cháu!

Cỏ May nhìn Duy chăm chú. Cô bé ngạc nhiên lắm. Hai đứa học chung mấy năm liền nên cái tính “ tự ái to bằng cột đình” của Duy, Cỏ May còn lạ gì nữa. Không bao giờ Duy có mặt trong các buổi liên hoan, nếu không đóng tiền. Mặc dù cô chủ nhiệm và các bạn đều yêu quí Duy, biết Duy vừa mất mẹ, hoàn cảnh khó khăn Duy phải sống nhờ vào tiền bán vé số của người ông già yếu. Nhưng các bạn càng ân cần Duy càng né tránh. Duy co rút trong chiếc vỏ ốc tự ái của mình. Lâu dần, Cỏ May tưởng Duy chỉ còn là cái bóng cô đơn trong lớp học.

Đêm nay, ngày rằm tháng Tám, mẹ Cỏ May đã chuẩn bị mọi thứ để cúng trăng. Trong lúc chờ đợi, cô bé ngồi trên chiếc băng đá gần cổng. Giật mình khi thấy bóng ai thấp thoáng bên ngoài. Chạy ra, Cỏ May gặp Duy. Cô bé mừng rỡ kéo bạn vào trong sân.

Cỏ May tíu tít nói:

- Vào nhà Cỏ May chơi nha bạn! Hôm nay, bạn phải ở đây ăn Tết Nhi Đồng với mình nghe. Mẹ Cỏ May mua bánh nhiều lắm.

Duy ngượng ngùng liếc nhìn cái bàn ê hề bánh trái. Ánh mắt buồn bã bỗng dưng sáng lên khi trông thấy dĩa bánh Trung Thu. Cỏ May vội bảo:

- Còn nhiều lắm. Mẹ cất trong hộp. Mình ăn hết, mẹ sẽ lấy ra thêm. Nhưng ... phải chờ cúng xong đã.

Duy nhìn xuống, dí mấy đầu ngón chân trên nền đất. Cậu bé khẽ khàng:

- Không sao, cái gì mình chờ đợi thì lúc có mới quý!

Cỏ May tròn xoe mắt nhìn bạn:

- Bạn nói chuyện y như người lớn !

Hai đứa ngồi trên băng đá. Cỏ May cảm thấy hôm nay Duy lạ lắm. Không mời mà tới, nói chuyện không giống mọi ngày. Trả lời chẳng ăn nhập gì vào câu hỏi của cô bé nhưng Cỏ May chẳng dám thắc mắc với người bạn hiền hậu của mình. Mắt Duy cứ nhìn vào mấy nén hương mẹ thắp. Dường như Duy có điều gì khó nghĩ. Cô bé mong sao cho nhang chóng tàn để mời bạn ăn bánh. Cô bé sợ Duy lại tự ái rồi bỏ về. Nhưng, Duy vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Cuối cùng, việc cúng kiến cũng xong. Mẹ mời ba ngồi vào bàn, ba âu yếm bảo Cỏ May:

- Cỏ May, con mời bạn ngồi vào đây đi con!

Duy rón rén, khép nép ngồi bên Cỏ May. Ba Cỏ May vui vẻ bảo:

- Cháu cứ tự nhiên, thích gì cứ lấy!

Duy sượng sùng, ngồi im. Thấy vậy, mẹ Cỏ May đưa nửa cái bánh Trung Thu cho Duy. Cậu bé run run, đưa hai tay nhận. Bỗng dưng Duy đứng bật dậy, lễ phép nói:

- Con cảm ơn hai bác và Cỏ May. Con xin phép về ạ!

Không để cho ai kịp ngăn cản, duy chạy vụt ra sân, trước những cặp mắt mở to, kinh ngạc.

Chưa bao giờ Duy chạy nhanh đến thế. Cậu bé băng qua dãy phố dài, không buồn nhìn những chiếc đèn lồng đủ màu của đám trẻ đang đi dọc lề đường. Đến trước cổng, Duy dừng lại, kéo áo lau nước mắt. Cậu bé dọn sẵn nụ cười trên môi. Duy sợ nét mặt ủ rũ của mình làm ông lo lắng. Cậu bé nghiêng đầu nhìn nửa cái bánh trong lòng bàn tay rồi chép miệng:

- Chắc ông sẽ mừng lắm!

Duy chạy ào vào nhà. Cậu va phải chiếc ghế, đau điếng. Ông Duy kêu lên:

- Cháu chạy đi đâu dữ vậy? Lại đây, ông có cái này cho cháu.

Ông chỉ nửa cái bánh Trung Thu đặt trên cái đĩa nhỏ để trên bàn. Duy tròn mắt ngạc nhiên:

- Ồ, ông mua bánh hả ông?

- Không, ông Tư ở đầu xóm mời ông. Ông không ăn nhưng ... lấy về cho cháu.

Duy đặt nửa cái bánh của mình vào dĩa rồi ấp a, ấp úng:

- Cháu cũng có quà cho ông.

Hai ông cháu nhìn nhau rồi nhìn hai nửa cái bánh. Bỗng dưng Duy òa khóc. Ông vội quay mặt đi.

Ngoài sân, trăng đã lên cao, trải ánh vàng mỏng manh trên mái lá. Trăng ngậm ngùi nhìn mảnh sân nhỏ thiếu chiếc bàn con. Cây nguyệt quế lặng lẽ đưa hương, đỗ chiếc bóng sậm màu, hiu hắt./-




VVM.15.9.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .