Giờ văn miệng phút chốc vui nhộn như giờ sinh hoạt lớp.
Đắn đo giây lâu, tôi hỏi:
- Sao em không mơ ước thành bác sĩ, kỹ sư?
Hoàng Phúc thản nhiên đáp:
- Thưa cô, làm bố tài hơn!
“Tài hơn!” Chẳng hiểu thằng bé sẽ giải thích thế nào về hai tiếng nầy. Với đề bài: "Lớn lên em sẽ làm gì? Em hãy hình dung khi trưởng thành được làm công việc em đã chọn. Hãy kể những hoạt động của em khi đó”. Lúc soạn đề bài Tập làm văn, tôi không ngờ xảy ra tình huống này.
Đa số học sinh đều nói lưu loát mơ ước của mình. Chúng tưởng tượng sẽ trở thành nhưng công dân tốt, có địa vị, làm việc nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao. Tôi chuyển sang hỏi Trường Hải. Trường Hải đứng lên:
- Thưa cô, lớn lên em sẽ làm bác sĩ.
Có tiếng xì xầm:
- Học dở gần chết mà làm bác sĩ.
- Bạn làm bác sĩ nhớ lộn tên thuốc thì… khổ cho người ta lắm đó.
Tôi vội nhắc:
- Đề nghị các em trật tự! Phải tôn trọng ý kiến của bạn! Mơ ước của Trường Hải tuyệt lắm!
Trường Hải đỏ bừng hai má, em vung tay như tuyên thệ:
- Em sẽ là một bác sĩ giỏi, yêu thương bệnh nhân. Em thức dậy thật sớm, ăn sáng qua loa rồi tới bệnh viện. Phòng khám đông nghẹt bệnh nhân. Em cúi chào chứ không câm như… đau họng.
Có tiếng trêu chọc:
- Lễ phép gớm!
Tôi mỉm cười động viên:
- Tốt! Em bắt đầu công việc ra sao?
- Em ngồi ngay chỗ của mình, mời bệnh nhân theo số thứ tự. Nhưng nếu có người bệnh nặng hay già yếu, em sẽ khám trước. Em tìm ra chứng bệnh nào đã hành hạ họ rồi ghi toa. Em căn dặn bệnh nhân nhớ uống thuốc đúng quy định, dù có đắng cũng ráng chịu.
Thu Trang giơ tay phát biểu:
- Thưa cô, như thế thì chưa phải là bác sĩ giỏi. Khi em khám, em còn xoa dầu, an ủi: "Ngoan thế! Tội nghiệp! Nhưng không sao, vài hôm sẽ khỏi. Ngoài việc uống thuốc, nhớ ăn uống điều độ”.
Tiếng cười rộ lên vui vẻ. Liền đó, một bạn thắc mắc:
- Khám bệnh còn xoa đầu người ta làm chi? Coi chừng bị mắng là vô lễ đó.
- À quên, hihi… ý mình là khi bệnh nhân nhỏ tuổi như mình kìa.
Nhiều cánh tay giơ lên, tôi chọn Vinh, em đứng lên, mắt sáng rỡ:
- Em thường mơ ước sẽ trở thành giáo viên. Em sẽ lên lớp đúng giờ, giảng dạy nhiệt tình. Em nào chưa hiểu, em giảng cho tới khi hiểu. Nếu có em nào không thuộc bài, em chỉ rầy chút xíu thôi.
Thu Hằng xen vào:
- Nếu gặp học sinh lì, rầy cũng không chịu học, bạn làm sao?
- Lúc đó mình đến nhà tìm hiểu nguyên nhân, hihihi… sẵn tiện méc mẹ bạn.
Cả lớp cười rộ. Kế tiếp là em Thắm trình bày:
- Thưa cô, em chọn nghề bán hàng. Sáng sớm, em đã dậy để dọn hàng. Em bày biện ngăn nắp, đẹp mắt. Em sẽ lễ độ với khách hàng. Không cau có khi họ trả giá hoặc khen chê đồ của em. Em sẽ giúp họ chọn lựa loại tốt, bán đúng giá. Em sẽ xem khach hàng là thượng đế ạ!
Tôi phấn khởi bảo:
- Em sẽ là một người bán hàng tốt!
Tới phiên Phúc, em đứng ưỡn ngực, vẻ tự hào :
- Lớn lên em sẽ làm… bố ạ!
Cả lớp cười rộ. Em vẫn thản nhiên tiếp:
- Em sẽ là một người bố thiên tài như… bố em. Mỗi ngày, lúc mặt trời còn ngủ em đã dậy. Em nấu cơm sáng rồi đánh thức các con. Sau khi chúng ăn sáng xong, em đưa chúng đến trường. Sau đó em sẽ quay về chở vợ đi chợ.
Hoàng Phúc chớp mắt, em nhìn về khoảng trời xanh ngoài cửa lớp. Bố Hoàng Phúc làm nghề chạy xe ôm. Ngày nào ông cũng đứng chờ con ngoài cổng trường. Nắng nhuộm đen làn da. Chỉ có nụ cười và ánh mắt lấp lánh tình yêu thương. Ông là tấm gương mà Hoàng Phúc ước mơ noi theo.
Chờ cho học sinh ổn định , tôi kết thúc tiết học bằng lời dặn dò một số nét để hoàn chỉnh một bài văn miệng. Tiếng vỗ tay vang lên cùng lúc tiếng trống tan trường. Các em ùa ra sân như đàn chim non rời tổ.