Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CON CUA TRONG NGÔI NHÀ ỐC



     T ôi là cậu học trò nhà quê đi học xa. Phòng trọ của tôi có chiếc cửa sổ quay ra mặt biển. Suốt thời gian ôn thi, tôi đã tuân theo một thời gian biểu do mình tự soạn, mong lấy công việc học tập lấp đi nỗi nhớ nhà lúc nào cũng chực bùng lên. Tuy cửa phòng trọ chỉ cách biển không đầy ba mươi bước chân, nhưng hầu như, tôi đến với biển hết sức thờ ơ nhạt nhẽo. Bởi trong tấm lòng của tôi, chỉ có con sông đục lờ với hàng dừa soi bóng nơi quê nhà mới là đẹp nhất…

Với tôi, biển chỉ là thứ nước mặn dùng để tắm cho sạch ghẻ. Chiều chiều, tôi cứ để nguyên quần soọc mặc trong nhà mà lừng lững đi xuống biển tắm. Vùng vẫy, kỳ cọ trong sóng biển độ nửa tiếng, tôi lê đôi chân ướt, dính đầy cát về phòng để dội lại nước ngọt, rồi sau đó đi ăn cơm. Lúc đường phố lên đèn, tôi trở về phòng trọ tiếp tục nhồi nhét kiến thức vào bộ não vốn không được thông minh cho lắm…

Trong phòng, bàn học của tôi kê ngay cửa sổ, đón gió biển mỗi ngày. Tháng tư, trời bắt đầu trở nóng. Cái nóng ngột ngạt của vùng đất trời thiếu hẳn những hàng cây phượng ươm bông đỏ thắm. Ban đêm, tôi chẳng màng tới việc đóng cửa sổ lại. Vì vậy mà tình cờ tôi mới nhìn thấy nó.

Nó thận trọng, nhưng tinh nghịch khi xuất hiện trên bậu cửa sổ với một cái vỏ ốc lắc lư trên lưng. Tôi ngạc nhiên nhìn nó. Nó là con ốc ư? Sao ốc lại thò tám cái cẳng bé xíu và chạy nhanh ghê gớm? À không, nó là con cua đấy chứ. Nhưng là con cua sống trong ngôi nhà ốc.

Nó men theo bậu cửa sổ, tìm đường bò xuống bàn học. Rồi nó thăm dò quanh mấy cây viết mực, viết chì nằm lăn lóc bên cạnh cục gôm tròn trịa. Thoạt đầu, nó có vẻ nhút nhát, nhấp nhấp chân nhiều lần mới dám đi. Loanh quanh trên bàn một lúc, nó chợt biến mất ngay khi tôi nhắm mắt nhắm mũi ách-xì thật to… Nhanh thật! Tôi dùng cây thước đẩy nhẹ mớ tập qua một bên. Kìa, nó đang nằm im trong khe hở giữa hai chồng tập. Tôi cầm nó lên lật ngửa ra. Chân cẳng nó rút hết vào trong, chỉ còn trơ cái vỏ ốc tưởng chừng như trống rỗng…

Ngày hôm sau, tôi phá lệ, không thèm sinh hoạt theo thời gian biểu thử một buổi sáng xem sao. Tôi bỏ dép đi chân không ra biển. Trước mặt tôi, sóng triều đang nô giỡn. Từng lượn sóng sủi bọt trắng xóa trườn vào bờ cát, rồi giật lùi ra xa, kèm theo những tràng cười nối tiếp nhau, không hề mỏi mệt… Ngoài khơi, dăm ba chiếc ghe nhỏ của ngư dân địa phương đang giăng lưới. Cảnh trời và nước như hòa quyện vào nhau… Tôi lom khom trên dải cát ướt để tìm nó. Gặp vỏ ốc nào tôi cũng lượm lên coi, gặp vỏ sò nào tôi cũng lật ngửa ra xem xét. Mãi bây giờ tôi mới biết có một loại cua chuyên sống nhờ trong vỏ ốc. Những con cua bé xíu, không có mai, tám cái chân ngo ngoe, mà có cả một ngôi nhà nhỏ có thể mang được trên lưng…

Nó không hề bỏ đi như tôi nghĩ. Chằng hiểu sao nó lại thích ở trong khe hở giữa những chồng tập ghê gớm. Lâu lâu nó biến mất biệt. Lâu lâu nó trở về chui vào đó ngủ. Chẳng quấy rầy ai. Cũng có lúc nó đi lạng quạng quanh mấy cây viết, và dám dọ dẫm bò ra tận cạnh bàn. Tôi cầm cây thước chận lại. Nó bèn quay lui, chui tọt vào cái chỗ ngủ đã bắt đầu quen thuộc. Tôi làu bàu lấy lệ:

-Đồ ngu! Rớt xuống một cái là bể tiêu nhà!

Mỗi buổi sáng, tôi lót lòng bằng xôi cho chắc bụng. Hết xôi đậu đen, lại xôi đậu phọng, có khi là xôi gấc. Xôi vùng biển không dẻo, vì nếp ở đây làm sao ngon bằng nếp ở quê tôi? Ngẫu nhiên, tôi làm rơi vài hột xôi trên bàn và quên không lau. Lát sau, nó bò ra, quanh quẩn bên hột xôi ra vẻ quan sát và tò mò ghê lắm. Rồi nó ghé miệng gặm gặm, suốt buổi sáng không hề bỏ đi đâu cả…

Điều đó khiến tôi bắt đầu quan tâm tới nó, nghĩ tới việc nuôi nó hẳn luôn trong phòng mình. Một tô nước biển đầy tới miệng. Một nắm cơm trắng chìm dưới đáy tô. Đó là lòng tốt của tôi dành cho nó. Thoạt đầu, nó bò loanh quanh dưới đáy tô, tìm cách leo lên, nhưng không được, vì vành tô dốc và trơn trợt. Loay hoay mãi, nó nằm im thin thít trên mớ cơm. Tôi nghĩ chắc nó đang ăn… Nhưng rồi nó cứ nằm im hoài, chẳng thèm nhúc nhích gì cả. Tôi lại cho rằng nó thích được ngủ ở một nơi yên tĩnh như thế… Hôm sau, tôi mới biết là nó đã chết, vì ngộp thở, như lời bà chủ nhà trọ giải thích.

Tôi lại vùi đầu vào sách vở, cốt để quên đi câu chuyện đau buồn mà tôi là kẻ gây ra bởi cái đầu ngu dốt của mình. Nhiều lúc ân hận quá, tôi đứng trước cửa sổ càu nhàu thành tiếng:

-Cua với còng! Chỉ tổ làm cho người ta mệt thôi!

Nhưng cái số của tôi là cái số khổ. Bẵng đi vài ngày, tôi quên đóng cửa sổ và thế là một anh cua khác bò vào rất nhởn nhơ. Trời. Bọn nó giống nhau y hệt. Chân cẳng cũng giống mà cái vỏ cũng chẳng khác chút xíu nào. Nó cũng đi ngang đi dọc, thám thính mặt bàn một lúc rồi chui ngay vào cái khe hở giữa hai chồng tập mà ngủ. Tôi ngồi im, nhè nhẹ thở dài, nói với nó:

-Thôi, xin mời cứ tự nhiên.

Mà nó “tự nhiên” thật, dám rủ cả bạn bè tới chia xẻ “căn hộ” ấm áp đầy tiện nghi. Nó kéo theo hai con cua khác. Một con có vỏ ốc màu trắng với nhiều vòng xoắn đồng tâm. Con kia có vỏ ốc màu trứng cút, vành loe ra như cái loa. Cả ba nằm lăn lóc trong cái chốn quen thuộc, đi chẳng thưa, về chẳng trình lấy một tiếng. Tôi nới rộng khe hở, phòng khi nó dẫn thêm về đây dăm ba con nữa thì vẫn còn chỗ…

Bỗng dưng tôi có phần xao nhãng việc học. Tôi tự nguyện quan sát ba sinh vật nhỏ bé trên bàn vào những lúc nào học bài hoài không vô. Con cua của tôi có vóc dáng lớn hơn, thường “vắng nhà” nhiều hơn (chắc là đi kiếm ăn). Con ốc trắng có vóc dáng nhỏ nhất, thường ở “nhà” ngủ nhiều hơn. Con ốc màu trứng cút lại thích bò lung tung trên bàn, có khi bò cả lên trang vở nháp mà tôi đang chứng minh bài Hình học. Tôi hơi động đậy đầu viết, thì nó thụt hết chân cẳng vào, một lát sau mới dám thò mặt ra, bò đi tiếp…

Cuộc sống của anh chàng nhà quê đi học nơi xa, phải ở nhà trọ, thì chẳng có gì là vui. Tiền thuê phòng, tháng nào tôi cũng gởi đúng ngày. Nhưng tiền ăn, phải thành thật mà nói, họ buộc tôi ăn cơm theo tiêu chuẩn “khách vãng lai” với những con số 0 ở phiếu thanh toán, thấy là chóng mặt. Bởi vậy tôi thường đi ăn cơm bình dân ở ngoài…

Điều đó làm cho chị giúp việc của bà chủ nhà trọ không ưa. Chị ta trạc ngoài ba mươi, có bộ mặt nhăn như trái xoài héo. Sống ở biển mà cả đời chẳng hề thấy chị ta tắm biển hoặc ngắm biển. Rảnh việc nhà thì chị ta leo lên ghế bố, móc dây Walkman gắn vào tai nghe cải lương. Thỉnh thoảng chị ta mở hi hí mắt ra, quan sát mọi người qua lại. Đặc biệt, chị ta ghét những sinh vật của biển một cách ghê gớm. Thấy con còng biển nào đi lạc vào hành lang, là nhanh như cắt, chị ta chụp lấy cây chổi, đập chan chát. Có lúc, chị ta vừa đập vừa liếc vào phòng tôi, khiến tôi “quợn” hết sức…

Bởi lý do trên, tôi thường đóng chặt cửa phòng mỗi khi ra vào, để “ba đứa nó” không thể bò ra hành lang được. Nhát chổi của chị giúp việc vô tình mà nặng nề lắm!

Nhưng… nói tới hai chữ “vô tình” thì tôi còn vô tình hơn. Sau khi thi xong, tôi lo thu dọn đồ đạc, trả phòng trọ để chuẩn bị về quê. Trong lòng vui vẻ náo nức, tôi quên bẵng cánh cửa phòng sáng giờ cứ mở toang, quên bẵng luôn “ba đứa nó”… Tất cả sách vở đã cho hết vào rương, nên cái bàn trống trơn, và “ba đứa nó” bắt đầu bò xuống đất… Đến khi nghe tiếng thét to, tiếng chổi đập chan chát, tôi mới giật mình chạy ra ngoài coi. Trái tim tôi như thắt lại. Chị giúp việc đang quét ba vỏ ốc nát ra đường, miệng làu bàu, mặt quạu quọ…

Tôi lặng lẽ đẩy xe đạp ra khỏi cửa. Sóng biển vẫn rì rào sau lưng. Và men theo bọt sóng, những con cua trong ngôi nhà ốc đang chạy lăng quăng trên cát, sống du mục suốt cuộc đời vô cùng ngắn ngủi của nó…




VVM.08.9.2024.