- Tao lạy mầy, ra đi, rụng xuống! Tao đã vét đến đồng cuối cùng rồi!
Sam đã tốn hơn ba xấp và hy vọng cái giải độc đắc ba số bảy sẽ đến với nó, không biết vì sao Sam cứ đinh ninh là độc đắc sắp ra rồi? Nó kéo máy từ sáng hôm qua cho đến tận sáng nay, suốt đêm nó vật vạ với máy này, hơn hai mươi bốn giờ rồi mà những con số bảy vàng xanh đỏ vẫn cứ lởn vởn so le chứ chẳng chịu thẳng hàng. Nó ôm cái máy này vì nó sợ buông ra thì thằng khác vớt mất. Thực tế đã vậy, nhiều người đổ cả đống tiền vào cái máy nào đó nhưng chẳng lấy được gì, sau đó có kẻ khác sà vào chỉ tốn một ít tiền thì lại trúng độc đắc một cách khơi khơi.
Sáng thứ bảy, quán Mộng Mơ đông đảo khách hẳn lên, tiếng nói, tiếng bàn luận cả tiếng cãi vã vô cùng ồn ào. Tiếng nhạc bolero nỉ non sướt mướt nhưng chẳng ai nghe và bị loãng vì những ti vi khác đang chiếu những trận bóng cà na. Khói thuốc lá mù mịt bí bức nhốt trong bốn bức tường kiếng. Steven cứ ngỡ mình được xông khói hay ướp hương, nếu cứ xông như thế này thì chẳng con vi trùng Vũ Hán nào có thể sống nổi, hổng biết có phải vậy không mà hai năm nay chưa thấy một vị khách nào của quán bị dính dịch mặc dù trong quán chẳng ai đeo khẩu trang cả. Chú Hai bước vào, thấy Steven:
- Ăn gì chưa con? Tới hồi nào vậy?
- Dạ, con cũng vừa tới thôi, chú uống gì? Đen hay sữa?
- Cho chú ly cà phê sữa đá, nay chú trả, đừng có giành nữa đấy!
-Chuyện nhỏ thôi, chú cháu mình mà!
Steven đưa mắt về hướng mấy cái máy đánh bạc và nói:
- Thằng Sam nó chơi suốt đêm qua, hơn ba xấp rồi mà chưa lấy được độc đắc.
Chú Hai cười mỉm:
- Chết chắc! Dẫu có lấy được độc đắc rồi cũng nạp lại mấy máy khác thôi!
Chú Hai nhỏ người nhưng săn chắc, vốn là dân xây dựng mà. Chú rất khỏe, nhà cửa, đường nước, chỗ đậu xe… chuyện gì chú cũng làm cả, nay nghỉ hưu rồi nhưng ai kêu cũng làm để kiếm thêm thu nhập. Chú là khách lớn tuổi nhất ở quán, tư cách đàng hoàng tuy hiền lành nhưng giang hồ cũng nể mặt. Chú cũng là khách quen của quán nhưng chưa bao giờ chạm vào mấy cái máy đánh bạc ấy, thỉnh thoảng thì chơi xập xám hay tiến lên chút chút thôi. Thấy chú lâu nay không ghé chùa Ân Tường nên Steven hỏi:
- Lâu nay hổng thấy chú ghé chùa!
Chú Hai nhìn Steven, ánh mắt tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Con hổng biết chuyện gì à?
- Chuyện gì chú?
- Trời! Cái thằng tâm lơ tâm lất, lúc nào cũng ngơ ngơ chẳng biết gì hết ráo. Chú giúp chùa làm cái sàn bếp, trong lúc làm chú lỡ đụng cô Hải Dược, một Phật tử ruột của chùa. Chú bảo để chú bồi thường mọi thiệt hại nhưng cô ấy không chịu và kêu cảnh sát đến. Chú chỉ làm công quả, không có hợp đồng hay giấy phép chi cả, thế là cảnh sát tịch thu toàn bộ dụng cụ đồ nghề của chú, phạt chú, đã thế vị trụ trì còn chê chú hổng biết làm. Tuy cùng đi chùa nhưng ở đây dường như không có tình thương, không có sự cảm thông. Từ đó chú không đi chùa Ân Tường nữa, giờ chú đi chùa Kim Cang, chùa nào cũng là chùa, tùy duyên vậy!
Steven ngạc nhiên hết sức, cũng đi chùa thường xuyên vậy mà chẳng hay biết chi cả, còn đang suy tư những gì chú Hai nói thì chợt có tiếng la to từ bàn bên cạnh
- Một trăm hai mươi chi, quá đã – tiếng thằng Tài, nó đứng dậy nhảy cẩng lên trong sự đờ mặt ra của ba người còn lại: Tân, Kenny và Tom. Thằng Tài nhảy xổ lại chỗ chú Hai, ôm lấy và lắc lắc:
- Chú Hai, quá đã luôn, con thắng ván này một trăm hai mươi chi, mậu binh với bốn con ách, quá độc luôn đó chú, xưa giờ chưa từng thấy!
Chú Hai cũng cười chứ chẳng nói chi, Tài là thằng giang hồ có máu côn đồ và rất hàm hồ. Nó từng mang súng vào quán đe dọa làm khách sợ một phen xanh mặt, chui xuống gầm bàn. Chủ quán vốn quen biết giang hồ nhưng cũng ngán nó, có lẽ chẳng phải sợ nhưng vì muốn yên ổn làm ăn nên phải đấu dịu cho qua, nếu làm lớn chuyện thì cảnh sát tới càng rắc rối hơn. Thằng Tài lái xe tải hạng nặng đi xuyên bang, dạo này cũng ít ghé quán, nó cặp với con Tammy, sống già nhân ngãi non vợ chồng chứ chẳng có hôn thú cưới hỏi gì. Có lần nó cãi cọ với vợ rồi nổi máu côn đồ đá vợ đến sẩy thai. Cảnh sát còng đầu nó cho đi tù mấy tháng, gia đình tốn mấy chục xấp đóng tiền bảo lãnh. Con Tammy sống bằng nghề cho vay nặng lãi, Tammy đóng đô ở quán Mộng Mơ nhưng vòi bạch tuột vươn tới nhiều quán cà phê khác quanh vùng. Ngày ngày Tammy ngồi đấy đợi những con bạc khát nước đến vay hoặc trả nợ. Thằng Thọ vay của Tammy một xấp rưỡi, trả hoài mà không hết, tổng số tiền nó trả đã lên tới hai mươi xấp rồi. Nó mới về Việt Nam trước khi dịch để bán mấy lô đất bà già chia cho để đem qua trả nợ, tiền để dành 401-K cũng rút sạch ráo luôn. Thằng Thọ gầy nhom và đen như con mắm, ngày thường đi cày, cuối tuần trụ ở quán Mộng Mơ mà mơ mộng kiếm tiền từ nhữg máy đánh bạc này. Nhiều hôm nó chở theo hai đứa con, hai đứa ngồi trong góc ôm điện thoại chơi trò chơi điện tử đến khi mệt thì ngủ gục ở đó. Steven nhiều lần thấy hai đứa nhỏ khóc đòi về nhưng thằng Thọ vẫn ngồi lì ở máy đánh bạc mặc cho hai đứa nhỏ năn nỉ ỉ ôi. Thằng Thọ còn gắt:
- Chơi trò chơi điện tử đi! Ba bận, chưa về được!
Hai đứa nhỏ ôm nhau ngồi thu lu trong góc quán, mặc cho khói thuốc mù mịt, âm thanh ồn ào như cái chợ. Hai đứa nhỏ thật bất hạnh khi có người cha mê cờ bạc như thằng Thọ
Quán Mộng Mơ mở nhạc Bolero nhưng tiếng hát lời ca bị chìm trong những âm thanh hỗn độn của chương trình bóng cà na. Khách uống cà phê cũng bận tâm vào đánh bạc chứ chẳng có ai nghe nhạc cả, dường như chỉ có chú Hai và Steven còn nghe chút chút. Steven hỏi chú Hai:
- Chú có đi Casino không?
- Cũng có một vài lần nhưng lâu lắm rồi, chú không thích cờ bạc nên không muốn đi, đi là vì cả nhà mà đi, để cho mọi người cùng vui.
- Vậy chú có thử thời vận không?
- Không, chú chẳng bao giờ đút một xu vào mấy máy đánh bạc. Con thì sao?
- Dạ, con có chơi nhưng chơi nho nhỏ chứ hổng có ghiền, vả lại cũng chẳng có tiền để chơi lớn. Thật tình mà nói những cái máy đánh bạc có sức dụ hoặc rất dễ sợ, dính vào khó gỡ ra, nó như có ma thuật rù quến vậy đó chú! Mỗi khi thắng được môt tí tiền thì người nó lâng lâng muốn thắng thêm, thắng lớn hơn. Khi thua thì cay cú và người nó nóng lên muốn gỡ gạc, càng gỡ càng sôi sục quyết lấy lại những gì đã mất, cứ thế mà chơi đến xu cuối cùng, nhiều người còn vay của xã hội đen để chơi tiếp. Chaú cũng biết vậy nhưng đôi khi cũng dốc hết những đồng tiền ít ỏi của mình vào trong máy đánh bạc.
Chú Hai vỗ vai Steven:
- Chú tin chắc con không lậm vào những cái máy này!
Chú Hai với Steven vốn chẳng có bà con họ hàng gì, chẳng quen biết nhau ở chùa và ở quán Mộng Mơ này rồi thân nhau thế thôi! Ở giữa quán cà phê với đám giang hồ và những kẻ mê cờ bạc như thế này thì chú Hai và Steven hợp nhau cũng là lẽ đương nhiên. Người ta nói “Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu” hoặc “Ngưu tầm ngưu mã tầm mã” là vậy!
- Chú Hai biết không? Những máy đánh bạc ở Casino dễ thở hơn nhiều, tỉ lệ ăn và nhả ra của nhà cái dễ chịu hơn ở quán cà phê này.
- Chú cũng nghe nhiều người nói thế, mà con biết đấy! Những máy đánh bạc ở quán cà phê và mấy cây xăng chỉ được phép chơi trúng thưởng đổi quà, nội quy dán trên tường như thế nhưng thực tế thì những máy đánh bạc này chi trả tiền, ăn thua rất lớn. Cảnh sát biết nhưng để đấy, cứ như nuôi heo vậy, lâu lâu bố ráp một lần hốt trọn ổ. Riêng máy ở quán Mộng Mơ thì nghe nói có giấy phép hợp pháp, nghe thì nghe vậy chứ chú không có quan tâm mấy chuyện này! Lâu nay quán Mộng Mơ chưa thấy cảnh sát hốt lần nào, những quán bị cảnh sát hốt thì mướn hay nhờ người khác đứng tên để mở lại.
Hai chú cháu nhâm nhi cà phê và chuyện vãn. Má Tư từ chỗ máy đánh bạc bước ra để đi tiểu. Má Tư chào:
- Anh Hai khỏe không? Lâu nay hổng thấy anh.
Chú Hai cũng cười và chào hỏi xã giao vài câu. Má Tư là người đàn bà cao to, trông khỏe và trẻ hơn cái tuổi của bà. Bà nhỏ hơn chú Hai có vài tuổi nhưng trông trẻ hơn rất nhiều, qua Mỹ nhờ mấy đứa con lai. Bà có bốn đứa con mà hai đứa lai, thằng đầu lai trắng, con kề lai đen. Hai đứa nhỏ thì làm móng, hai đứa lớn với bà lái xe bán tải đi bán cá tôm dạo cho mấy tiệm nails. Bà và hai đứa đi Louisiana lấy cá tôm từ mấy tàu đánh cá về rồi đi bán dạo, cái nghề mua tận gốc bán tận ngọn và toàn tiền mặt nên túi cũng khá rủng roẻng, vì làm toàn tiền mặt nên khai nghèo khổ và xin được tiền bệnh, tiền già, tiền thực phẩm, tiền thuốc men… Hổng biết vì bà có bốn đứa con hay bà là thứ tư trong gia đình mà mọi người ở quán đều kêu bà là má Tư. Má Tư cũng là một tay cờ bạc có máu mặt, bao nhiều tiền cũng nướng sạch, không chỉ kéo máy mà còn binh xập xám, đổ cá ngựa, tài xỉu xí ngầu…. Món nào cũng chơi tới bến. Má Tư cũng có lần thắng lớn hơn mười mấy xấp nhưng cũng không biết bao nhiêu lần cháy túi. Những cuộc sát phạt đỏ đen thâu đêm suốt sáng ở sòng Sáu Xệ, Sơn Nổ, Bảy Búa… không bao giờ thiếu mặt má Tư. Má Tư coi thường mấy tay cò con tép riu hoặc bọn choi choi mới tập tành, hễ thấy ai kéo máy mà chơi năm mươi xu là má Tư gây chuyện:
- Bọn tép riu, cò ke lục chốt chơi năm mươi xu phá hư cái thế của người ta. Người ta thua biết bao nhiêu tiền, tụi nó chơi bèo vậy lỡ rớt độc đắc xuống có phải oan mạng không?
Chú Hai nghe chướng tai nhưng cũng không muốn rắc rối cãi cọ, chỉ cười cười bỏ nhỏ:
- Chủ máy cài đặt như thế, họ cho chơi ở mức tối thiểu năm mươi xu chứ đâu phải người chơi tự ý sửa máy!
Má Tư cãi:
- Đành rằng là vậy, nhưng chúng chơi năm mươi xu làm hư, làm lỡ cái vận của người ta. Bọn tép riu bày đặt đua đòi chơi, yếu thì đừng ra gió! Anh biết không? Mới tuần rồi chứ đâu xa xôi gì, ông Tư Sang kéo máy và trúng giải độc đắc trị giá mười sáu xấp nhưng vì ổng chơi năm mươi xu nên chỉ nhận được có hơn hai ngàn chứ mấy! Bởi vậy tui mới nói chơi năm chục xu là phá máy, phá thế!
Thằng Tân đang đứng chầu rìa coi binh xập xám, nghe má Tư và chú Hai nói chuyện thấy ngứa nên xía vô:
- Má Tư nói đúng đó chú Hai, má Tư là dân chơi thứ thiệt, bả chơi một đồng, hai đồng thậm chí chơi tới mức tối đa mà máy cho chơi luôn.
Má Tư cầm ly cà phê trở lại máy của mình để tiếp tục kéo. Chú Hai nói nhỏ vào tai Steven:
- Bà ấy nhiều chuyện, máy của quán chứ có phải của bả đâu! Ai mạnh chơi lớn, ai yếu chơi nhỏ, chơi lớn chết lớn, chơi nhỏ chết nhỏ… cuối cùng nhà cái ăn hết! Đã mê muội mà còn già họng lớn lối.
Steven tâm sự với chú Hai:
- Vào hãng cày cả ngày chừng trăm đồng chứ mấy, chiều ghé quán kéo máy chừng một giờ là mất cả tuần lương như chơi. Tiền làm ra đổ mồi hôi sôi nước mắt, tiền cờ bạc thì dễ như ném sỏi vào lòng biển cả! Cháu cũng mấy lần đi Casino rồi, đồng tiền mình làm ra đem đến những chốn ấy cứ như giọt sương dưới ánh mặt trời, nó bốc hơi chỉ trong chốc lát!
- Bởi vậy người ta mới nói:” Cờ bạc là bác thằng bần”. Con thấy đấy, ở quán Mộng Mơ này có mấy người lấy được độc đắc? Toàn là lên bờ xuống ruộng, những người lấy được độc đắc hôm trước vài hôm sau cũng đút vào máy trở lại hoặc đốt ở mấy sòng bài đêm.
Steven để chú Hai ngồi đấy, xìa vào chỗ mấy cái máy và đút vào hai chục thử thời vận, chỉ kéo được vài chục cây là hết vèo. Bà Sơn Phương Thảo, một người Việt gốc Miên cười với Steven:
- Bòn ơi bòn, xui quá!
Nói với Steven xong bà quay qua hai người bạn Miên xổ một tràng dài, dù không hiểu tiếng Miên nhưng nhìn cái cách lắc đầu quầy quậy và gương mặt quạu đeo thì cảm nhận họ đã thua rất nhiều rồi. Steven rời máy trở lại bàn với chú Hai, lúc ấy em Hạnh mở cửa bước vô. Chú Hai hỏi:
- Hôm nay thứ bảy mà con không làm sao?
- Dạ, anh Thanh coi tiệm, thứ bảy mà sao ế quá chú ơi, con về ghé quán chơi.
Hạnh là cô gái xinh đẹp, làm chủ tiệm nails nhưng cũng có máu đỏ đen, ghiền kéo máy, thua một vài xấp cũng là chuyện thường đối với Hạnh. Thanh, chồng Hạnh thì lại không ham cờ bạc hay kéo máy, có những ngày hai vợ chồng cùng ghé quán thì Hạnh kéo máy còn Thanh lướt mạng xã hội hoặc xem bóng cà na. Hạnh kéo ghế ngồi và nói vu vơ vài câu với chú Hai và Steven. Hạnh than mùa này tiệm nail ế khách quá, giá phụ tùng và supply thì lại quá mắc trong khi giá nails không thể lấy cao hơn, đã thế đồng hương còn phá giá. Hạnh còn than vì dịch bệnh nên việc làm nails còn khó khăn thêm, chợt có tiếng hét to, tiếng xô ghế ầm ầm. Ai đó la to:
- Mầy hả bưởi! Chết với tao nghe mầy! Chạy đâu cho khỏi tay tao!
Nhiều người xôn xao nhào đến chỗ máy đánh bạc. Thằng Tân đang hớn hở chụp hình ba con số bảy vàng xanh đỏ thẳng hàng. Nó trúng độc đắc mười bảy xấp, nhiều tiếng xuýt xoa:
- Trời, quá đã nhe mậy! Tuần này huy hoàng rồi!
Tiếng trầm trồ, lời bàn tán lao xao cả quán khiến nhóm binh xập xám cũng phải ngưng lại một lát. Có ai đó nói:
- Cái máy này con Hạnh thua nhiều lắm rồi, con Hạnh xui. Thằng Tân mới bỏ ra có mấy trăm bạc mà vớt được cú độc đắc!
Hạnh cười:
- Máy móc mà ai biết được! Hên xui thôi!
Khoảng một giờ trưa, một chiếc Lexus màu trắng mới toanh đỗ xịch trước cửa tiệm. Anh Sean, chủ quán Mộng Mơ vừa đến. Sean lúc nào cũng bóng bẩy và đỏm dáng như con công, ăn vận toàn hàng hiệu: Giày prada, áo Giogio Armani, nịt LV, quần ông địa...ngoài ra còn đeo đồng hồ Rolex, sợi dây chuyền vàng to như xích sắt và lắc vàng như cái còng, bộ cánh phục sức của Sean vài ngàn đô là giá chót. Không biết ở mấy tiểu bang khác thế nào chứ ở thành Ất Lăng này thì mấy anh chị mít nhà ta mê quần ông địa như điếu đổ. Người nào ra đường cũng diện quần ông địa để ra vẻ dân chơi, dân sành điệu. Già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ, mập, ốm, cao, thấp gì cũng mặc quần ông địa cả. Khổ nỗi quần ông địa lại bự và dài. Thế là mua về lại phải đem ra tiệm sửa quần áo để cắt ngắn ống, bóp bớt lưng… Mặc quần ông địa phải mặc xệ xuống để cái nhãn hiệu ông địa lòi ra cho nó sang. Nhiều người mặc quần ông địa nhưng người ra người, của ra của chẳng thấy sang chút nào, thậm chí rất buồn cười nữa là khác!
Sean sống rất sung túc, ăn nhậu suốt ngày, tối gầy sòng ở nhà có khi ở những sòng khác, thua vài mươi xấp đối với Sean là chuyện rất bình thường. Sean khoe mẽ như vậy nhưng lại khá tôn trọng Steven, luôn nói những lời tốt về Steven, mặc dù Steven không có khả năng để chơi như Sean hay những tay cờ bạc ở Mộng Mơ. Sean cũng đôi ba lần mời Steven nhậu nhưng Steven từ chối, sở dĩ phải từ chối là vì nhậu chung với những người bạn của Sean thì Steven đâu biết gì chuyện cờ bạc mà nói, còn bọn họ thì chẳng biết chuyện văn chương, một chữ bẻ đôi không biết, ngồi chung chịu trận chi cho mệt. Sean cũng hiểu ra vấn đề nên từ đó không rủ Steven nhậu nữa, nếu mà Steven có đến quán gặp lúc đang nhậu thì Sean cầm một chai bia đến cụng với Steven thế thôi.
Cũng như những quán cà phê khác, ngoài hệ thống máy đánh bạc Sean còn là đại lý cá độ bóng đá, bóng chày, bóng cà na. Quanh năm lúc nào cũng có giải, khi thì khu vực, lúc thì giải quốc gia hoặc quốc tế… Vì thế mà công việc làm ăn của Sean bận rộn và thu nhập rất lớn. Quán Mộng Mơ khi còn của chủ cũ thì rất èo uột, ấy vậy mà khi Sean sang lại thì nó trở nên tấp nập và ăn nên làm ra. Người ta thường nói: hay hổng bằng hên, có lẽ trường hợp Sean cũng đúng với câu nói này. Quán Mộng Mơ cách thành Ất Lăng chừng mười lăm phút lái xe, khu vực quán là ổ dân gốc mít, quán là nơi giải trí sau ngày làm hay cuối tuần. Tuy nhiên người không hút thuốc thì lại chịu không nổi với không khí trong quán, thật tình mà nói thì đến quán toàn thanh niên hoặc dân cờ bạc chứ chẳng thấy con nhà lành đến chơi. Dân cờ bạc đến quán Mộng Mơ để mơ mộng ảo tưởng kiếm tiền, kiếm vận may từ những cái máy đánh bạc kia. Hầu như tất cả mọi người khi đến thì túi đầy tiền, khi về thì lép kẹp, thậm chí còn nợ mấy con số trong sổ của bọn cho vay. Khi đến thì túi đầy đầu nhẹ khi về thì túi rỗng mà đầu nặng nề đầy phiền não tựa như đá đeo. Nhiều người thua bạc cứ đổ thừa này nọ, thậm chí còn cho là có bùa ngải làm cho mê hoặc, thật sự thì họ quá mê đỏ đen, quá mê muội nghĩ rằng mình có thể thắng được những cái máy đã được lập trình sẵn kia. Cứ hết lần này lại đến lần khác, những đồng tiền cứ nạp vào máy như đem cá lòng tong mà đút vào miệng cá voi.
Một sáng chủ nhật trong tháng này, Steven ghé quán Mộng Mơ làm ly cà phê, nhìn thấy trên tường gần quầy tính tiền có dán tờ giấy và Steven đọc:
“ Chùa Ân Tường chúng tôi xin cảm niệm công đức cúng dường của chủ quán cà phê Mộng Mơ và các mạnh thường quân sau: Sơn Nổ, Sáu Xệ, Má Tư, Tư Sang, Tài xe tải, Hạnh nails, Tân thợ điện…
Nhà chùa rất cảm kích khi nhận được tịnh tài của quý thí chủ, cầu chư Phật gia hộ cho quý vị làm ăn phát tài, gia đạo bình an, thân tâm thường lạc…
Thay mặt chùa, ni sư TLHN ấn ký”
Steven nhếch mép cười thầm trong bụng mà không biết nói cùng ai cái nỗi niềm này.