Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CON ĐƯỜNG 70 NĂM CHÔNG GAI
(1954-2024)


                  

     M ới vào tháng 7-2024 mà con gái tôi đã chuẩn bị cho tôi về quê ở đất Bắc, ngày khởi hành là 10-8-2024, lại đi chuyến bay sớm để tôi có thể đi Ninh Bình, thăm Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn. Nhân dịp này, tôi mang theo mấy quyển sách để biếu Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, trong đó có quyển tôi viết ít trang về ngài khi ngài còn ở tòa Giám mục Hà Nội. Về quê lần này, có đứa cháu ngoại, con gái lớn của con gái tôi đi theo, vì nó không yên tâm nếu để tôi đi một mình. Đây cũng là một dịp tốt, vì khi chúng tôi gặp được Đức Tổng, tôi sẽ xin ngài ban phép lành cho cháu tôi, vì ngày 16-08-2024, sau khi ở quê về lại Sài Gòn, cháu tôi sẽ lên đường đi du học ở Hà Lan.

Chắc con gái tôi cũng không nghĩ đến, cái tháng 8 năm 2024 là cái mốc thời gian ghi dấu ngày tôi rời xa nhà, xa quê cha đất tổ, đúng 70 năm diệu vợi, để vào một miền đất xa lạ đối với tuổi nhỏ của tôi ngày ấy.

Tôi về quê vào dịp này là để dự một buổi lễ có tính sự kiện lịch sử của làng đạo. Đó là khánh thành ngôi nhà Mục Vụ. Đây là nơi để mọi giáo hữu trong làng, đặc biệt thiếu nhi và giới trẻ học tập Giáo lý của Hội thánh Công giáo, nơi hội họp của các đoàn thể Công giáo Tiến hành, các Ca đoàn và là nơi gặp gỡ, trao đổi, thảo luận giữa cha sở và giáo dân, trong đó có Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Chủ sự buổi lễ này là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Hà Nội, Giuse Vũ Văn Thiên. Buổi lễ diễn ra vào sáng ngày 14-8-2024. Ngày hôm sau, 15-8-2024, là lễ Kính Trọng thể Đức Maria, Linh hồn và Xác lên trời, Bổn mạng của quê tôi. Lẽ ra, hai lễ này sẽ mừng vào ngày 15/8, nhưng Đức TGM Giuse bận công việc, nên ngài không về vào ngày 15/8 mà về ngày 14/8 để chủ sự luôn cả hai lễ trong cùng ngày 14-8-2024.

Có một việc mà con gái tôi sắp xếp để tôi về, là việc cuốn Gia phả (tập 2) của dòng họ tôi đã in xong, chỉ còn việc chuyển về quê và phân phối cho những người trong họ hàng. Đây là quyển thứ hai, tôi thấy cần viết, để hiệu đính, bổ sung, cập nhật cho quyển Gia phả đầu phân phối năm 2014. Vì dòng họ tôi lớn lại chưa có bản nào từ mấy trăm năm nay, mà tôi lại xa nhà đã quá lâu, họ hàng đã phân tán nhiều nơi, bởi sau năm 1954, ở quê có tình trạng đi vùng kinh tế mới, nên nhiều nhà đi lên vùng cao, vào Hòa Bình, đi Hải Phòng sinh sống và chọn nơi đất mới là quê hương thứ hai. Nhiều người, nhiều nhà không còn mấy liên lạc với quê cũ nữa. Ngay người sống tại Hà Nội cũng vậy. Cũng do cuộc sống khó khan, vất vả mà nên. Biến cố ngày 30-04-1975 cũng là dịp để một số người bỏ làng, bỏ nước ra đi. Cho nên, quyển Gia phả đầu viết năm 2014, hình ảnh thì vẫn thế, song về nhân sự thì không đầy đủ. Nơi tin cậy nhất là Sổ Rửa tội ở làng thì lại cũ quá, và hư hỏng, do việc bảo trì không tốt, lại còn chiến tranh và sự thù nghịch của con người trong giai đoạn từ năm 1945, nhiều tài liệu cũ bị hủy hoại. Tuy nhiên, tôi đã hoàn thành quyển một ấy, được người trong họ ngoài làng khen, coi nó là một sự kiện trăm năm, chẳng những cho riềng một dòng họ tôi mà cho cả làng, vì mấy trăm năm rồi, làng cũng không có bản Gia phả nào. Tuy là Gia phả của một dòng họ, song trong quyển này, tôi cũng có được bản Hương ước cổ của làng tôi do các kỳ mục soạn từ năm 1910 (bản cũ hơn đã thất lạc) được viết bằng chữ Nôm và lưu lại tại Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội, ký hiệu H.ư 548. Bây giờ tôi lại soạn xong quyển hai, tất nhiên là đầy đủ hơn quyển trước. Nhưng vẫn còn thiếu những yếu tố của các thành phần sinh từ sau năm 1945 trở lại đây, như việc học hành, công việc trong đời công hay tư, tức là lịch sử của từng thành viên trong dòng họ, tạo nên lịch sử của dòng họ, từ đời này sang đời khác.

Soạn xong bộ Gia phả 2 tập và một quyển sơ thảo về lịch sử làng tôi, từ địa lý, văn hóa và tôn giáo từ hơn 200 năm nay, tôi coi đây là một đóng góp nhỏ của tôi vào kho tàng văn hóa thuộc lưu vực sông Hồng, chính xác hơn thì dòng lịch sử văn hóa, tôn giáo thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội. Có một nhà báo, nhà thơ Công giáo nói với tôi rằng, theo như ông biết thì Hội thánh Công giáo Việt Nam từ sơ khai đến nay, tức khoảng hơn 400 năm, chưa có một giáo xứ nào có quyển lịch sử Công giáo của giáo xứ mình như quyển của tôi. Tuy nhiên, theo tôi thì không hẳn thế, cũng có một vài tập kỷ yếu của giáo xứ này hay giáo xứ kia, dịp kỷ niệm xây dựng nhà thờ 50 năm hay 100 năm. Nhưng chỉ là một kỷ yếu ghi chép vài sự kiện tôn giáo, tôi chưa xem được một tập kỷ yếu nào có bản hương ước thuộc những thế kỷ trước, đến ông “mõ làng” cũng không thấy nơi nào đề cập tới. Lại nữa, những tập kỷ yếu viết sau năm 1975 thì hoàn toàn không có những sự kiện đau thương về đời sống xã hội và tôn giáo khi xã hội cấm cách, ngăn cản, bắt bớ, giam cầm những ai hoạt động tôn giáo trong những giai đoạn từ năm 1945-1975, và sau đó khoảng hơn 10 năm. Quyển sách của tôi không tránh né những giai đoạn này, kể cả chiến dịch Cải cách ruộng đất, đấu tố địa chủ.

Đây là một phần của “con đường 70 năm chông gai” của tôi, hoàn thành sau năm 1975, từ năm 2010 đến năm 2024. Còn sau đây là thời gian đầu sau ngày 30 tháng 4-1975, từ năm 1975 đến năm 1987. Thời gian này có phong trào đi Vùng kinh tế mới. Có 11 thành phần phải đi, tôi cũng nằm trong số này.

Sau đây là 11 thành phần phải đi vùng kinh tế mới:

Ông Huỳnh Văn Tâm, Thành ủy viên, Trưởng Ban vận động hồi hương và xây dựng Vùng Kinh tế mới Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), giải thích về các chủ trương vận động đồng bào thành phố đi hồi hương và xây dựng các vùng Kinh tế mới, qua cuộc phỏng vấn của đài phát thanh thành phố, được phổ biến vào cuối tháng 4-1977, theo đó thì 11 thành phần phải đi tới vùng Kinh tế mới là:

1.Những người không có việc làm

2. Những người mua đi bán lại. Lý do: điều này không phù hợp với yêu cầu cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

3. Những người có vốn liếng và phương tiện, tư liệu sản xuất như các tiểu chủ và nhà tư sản: điều này không phù hợp với xã hội chủ nghĩa.

4. Thanh niên, học sinh, sinh viên mà đã thôi đi học: sẽ được huy động đông đảo vào mặt trận lao động sản xuất nông nghiệp (tức gia nhập đội ngũ Thanh niên xung phong) để xây nhà cửa, đào giếng, làm đường, làm thủy lợi ở các xã vùng Kinh tế mới.

5. Các sĩ quan, công chức và nhân viên chế độ cũ còn trong thời gian quản chế và quản huấn.

6. Đối với thương phế binh của chế độ cũ và những nạn nhân của tệ nạn xã hội cũ: không thể trông chờ vào cứu tế mà phải lao động sản xuất để sống và phải quyết tâm đổi đời mình bằng cách tham gia xây dựng các vùng Kinh tế mới.

7. Đối với những người hoàn toàn mất sức lao động và cô đơn, thì dựa vào đoàn thể địa phương, bà con láng giềng giúp đỡ, chánh quyền chăm sóc một phần.

Việc xây cất nhà thờ, chùa, thánh thất, Đảng và Nhà nước không hề ngăn cản, nhưng trong vài năm đầu, ta còn gặp nhiều khó khăn về ăn ở và sản xuất, phải khắc phục nhiều mặt dần dần mới ổn định được. Do đó chỉ có thể xây cất nhà thờ, chùa và thánh thất sau khi cuộc sống được ổn định, có căn cơ vững chắc.

8. Những người nào có quê cũ thì hồi hương lập nghiệp, không có thân nhân hoặc không có đất sản xuất “sẽ được hưởng mọi tiêu chuẩn như đồng bào đi vùng Kinh tế mới”.

9. Những người thợ lành nghề, giỏi về kỹ thuật cơ khí trong diện ở lại nhưng do yêu cầu bức thiết trước mắt, cần xây dựng mỗi xã kinh tế có một lò rèn thủ công hay nửa cơ giới nhằm sửa chữa và chế tạo dụng cụ sản xuất (mặc dù những người này đang là công nhân của nhà nước làm việc tại thành phố), nhưng “Đảng và chánh quyền ở phường, quận sẽ đề nghị, có tham khảo ý kiến và nhất trí với các cơ sở làm việc của anh em, sẽ mời anh em tham gia xây dựng vùng Kinh tế mới”.

10. Trong những gia đình có người trong diện ở lại thành phố mà còn nhiều người không có công ăn việc làm nhưng còn sức lao động, đời sống trong gia đình gặp khó khăn, mà thấy cần đi xây dựng vùng Kinh tế mới có lợi cho trước mắt và lâu dài, tự nguyện đăng ký thì cũng được cách mạng tạo điều kiện thuận lợi để đi xây dựng vùng Kinh tế mới.

11. Trong quá trình xây dựng vùng Kinh tế mới, ngành văn hóa giáo dục cũng ngày càng phát triển cần có nhiều chuyên viên, nhiều lao động trí óc và chân tay giỏi về khoa học kỹ thuật, về văn hóa giáo dục. Khi địa phương có yêu cầu thì thành phố có trách nhiệm đáp ứng theo điều kiện và khả năng của thành phố. Anh em trí thức sẽ có dịp phục vụ xây dựng vùng Kinh tế mới.”

Việc cưỡng bức 11 thành phần trên đây đang cư ngụ tại thành phố Sài Gòn phải đi vùng kinh tế mới, được tiến hành ngay sau ngày 30-4-1975 và việc đài phát thanh phổ biến cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Văn Tâm vào cuối tháng 4-1977, chỉ vì đó là lúc đang có những nỗ lực để hoàn tất đưa dân hồi hương hoặc đi vùng kinh tế mới, dự trù vào cuối năm 1977, mặc dù trước đó, năm 1976 cũng đã là thời hạn chót cho chương trình này. Thế nhưng, hết thời hạn này đến thời hạn khác, việc đưa người dân về quê hay tới các vùng rừng núi đã thất bại. Một trong những nguyên nhân chính được phần đông chấp nhận, là chiến tranh biên giới, nhất là phía Tây, chống lại bọn Khmer đỏ. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác, như vì không muốn bỏ thành phố, phần đông đã tìm mọi cách để “ẩn mình” trong các cơ quan hay xí nghiệp nhà nước, bằng cách hối lộ cho cán bộ có chức có quyền.

Người Tàu ở Chợ lớn nói với nhau rằng, cán bộ “chịu ăn” thì họ không sợ. Quả nhiên, cán bộ rất “chịu ăn” mà còn “ăn” rất bạo và trắng trợn nữa. Vì lẽ đó, việc đưa dân đi vùng kinh tế mới đã mất hẳn cái đe dọa đối với nhiều người. Nhưng vẫn còn có những người phải ra đi vì họ biết mình thất thế thật sự, không có những điều kiện để ở lại thành phố. Lại cũng có người muốn bỏ thành phố thật sự. Nhưng họ đã sống và làm việc ra sao tại vùng kinh tế mới.

Ngày 19-8-1979, chúng tôi có gặp và nói chuyện với một người đàn ông trạc 40 tuổi đã di vùng kinh tế mới ở Dương Minh Châu từ cuối năm 1975. Ông đã nói cho chúng tôi nghe cuộc sống và việc làm ở đó. Dưới đây là nội dung cuộc nói chuyện mà chúng tôi đã ghi lại trong nhật ký.

“-Năm đầu nhà nước phát cho được gần một năm gạo, làm thì theo tập thể. Năm đầu thu hoạch cũng khá. Như một mẫu lúa thu về được khoảng từ 50-60 giạ. Nhưng từ năm thứ hai trở đi, số thu hoạch cứ mỗi năm một ít dần.. Và cho tới nay, sau 5 năm thì không còn gì. Cho nên, theo ông, xã của ông có khoảng 8000 dân, đã bỏ đi khoảng 60 hay 70%. Họ rải rác đi các nơi khác hoặc về nằm vỉa hè của thành phố. Có khu kinh tế mới nay đã vắng tanh người. Còn khu của ông, dân chưa đi hết vì còn chờ lấy được giấy chứng minh nhân dân đã. Tuy nhiên, mỗi gia đình chỉ để lại 1,2 người đàn ông, còn vợ con cũng đã bỏ đi rồi…”

Về phần tôi, vợ tôi có người anh rể là nhân viên cũ của hỏa xa Sài Gòn, thời VNCH có lúc đã làm Trưởng ga Mường Mán, được lưu lại sau ngày 30-04-1975 được đưa lên làm Trưởng ban giáo vụ đoạn đường sắt Sài Gòn-Mường Mán. Gặp lúc đường sắt tuyển mộ người để sửa chữa hay xây dựng cơ sở mới cho phù hợp với giai đoạn mới, nhât là cho công trình Bắc Nam, từ Sài Gòn tới ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Cũng còn một lý do nữa là dùng những chuyến tàu này để chở máy móc, gạo, thóc, thuốc men, vải vóc và các loại hàng hóa khác của Sài Gòn, mà Hà Nội không có. Các kho lẫm của Sài Gòn chỉ trong vài tháng hoàn toàn trống rỗng. Nhờ người anh em cột chèo này bảo lãnh, tôi được vào làm công nhân trực tiếp tại đoạn đường sắt nói trên, tổ xây dựng.

Thế nhưng, tôi cũng thấy cần kể lại lúc nộp hồ sơ xin việc. Phần lý lịch, tôi ghi: di cư. Ông cán bộ phụ trách về nhân sự khoanh tròn chữ di cư bằng mực đỏ và viết dấu hỏi (?). Điều này cũng có nghĩa tôi bị loại, bị bác đơn xin việc. Ông anh rể của vợ tôi phải can thiệp, tôi mới qua cửa ải này. Tuy nhiên, ông cán bộ này chưa chịu buông tha tôi. Vì trong lý lịch, tôi thẳng thắn ghi công tác của tôi trong thời làm lính trong QLVNCH, là Biên tập viên. Ông ta bảo, những người như tôi bị nhà nước theo dõi. Ông nói không sai. Người ta không cho chúng tôi “ngóc đầu dậy”.

Ngày 01-07-2024, tại Sài Gòn có một buổi lễ đáng chú ý. Đó là Ra mắt Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh, Trật tự ở cơ sở. Đáng chú ý nữa là buổi lễ được tổ chức trước chợ Bến Thành, nơi đã có lúc, (rạng sáng ngày 14-03-1966), trở thành Pháp trường cát, thời Nguyễn Cao Kỳ làm Thủ tướng, để xử bắn một tay đầu cơ gạo, đó là ông Tạ Vinh. Được biết, Tướng Công an Tô Lâm từ Hà Nội bay vào Sài Gòn để hiện diện tại buổi lễ này. Nhân viên Dân phòng, Dân phố hợp nhất vào lực lượng này, một lực lượng vốn đã có gần 300.000 người. Mỗi 900 người dân thì có một nhân viên “bảo vệ”. Quá hoàn hảo!

Trong suốt mười năm làm công nhân đường sắt, tôi như mười năm trong cơn mê.

Mười năm trong cơn mê

Là công nhân trực tiếp, dãi dầu mưa nắng trong suốt mười năm dài, đối với tôi, quả thật là khắc nghiệt, ngoài sức chịu đựng của tôi. Đã có lúc tôi tưởng đã ra đi, vợ tôi đã mời linh mục vào bệnh viện ban phép Sức dầu cho tôi và cho tôi chịu Mình Thánh Chúa như là lần cuối cùng. Thế mà tôi lại tồn tại. Tồn tại để kể về việc tôi được cứu như thế nào! Có 3 lần tôi “được cứu”.

Được cứu lần thứ nhất:

Buổi sáng ngày 30 tháng 4-1975, không khí Sài Gòn rất hỗn loạn như thể sắp xảy ra chiến tranh, lúc đó tôi đang ẵm đứa con gái mới hơn hai tuổi, đứng ở gần cửa ra vào trong nhà mẹ vợ tôi, trên đường Ngô Quyền quận 10 Sài Gòn. Những tiếng súng nổ chát chúa từ mọi phía. Người ta bảo Nhân dân tự vệ bắn. Bỗng, một viên đạn xuyên qua lỗ thông gió trên tường, bay ngang đầu tôi, đụng vách tường đối diện khoét một lỗ tròn nhỏ. Nghe tiếng đạn bay xẹt vào nhà, vợ tôi đang ở trong, chạy vội ra xem, vẻ hốt hoảng vì quá sợ hãi. Con gái chúng tôi cũng có vẻ sợ, tay ôm chặt cổ tôi.

Trong những giờ khắc tận cùng của thể chế dân chủ của miền Nam Việt Nam, trước lúc bước sang chế độ mới, tôi nhận được một dấu chỉ của tình thương Thiên Chúa qua tình huống vừa rồi. Những ngày sau đó, Sài Gòn nổi lên những vấn đề của quyền lực độc hữu, khiến tôi thay đổi thái độ, mà trước kia tôi không nghĩ tới.

Chẳng hạn, mấy tháng cuối của năm 1974 và đầu năm 1975, tôi vẫn đến Đại học Văn khoa Sài Gòn học, vì trường vẫn mở cửa, các Giáo sư vẫn dạy. Tôi vẫn không bị bối cảnh của đất nước, của Sài Gòn trong những tháng ngày đó chi phối bao nhiêu.

Tại phi trường TSN cũng như ngay tại BTL/KQ, nơi tôi làm việc, lính và quan rất hoang mang về việc Cộng quân đang tiến dần vào, một số đơn vị của QLVNCH đã chiến đấu kiên cường, ông sĩ quan cấp tá trưởng phòng tôi đã bỏ việc, dẫn vợ con ra Vũng Tàu. Nhiều gia đình cũng biến mất, cửa nhà đóng chặt.

Ông anh ruột tôi, nhà ờ quận 4, đã dắt vợ con ra bến cảng để vượt biển, song đã nghĩ đến tôi, bèn đưa gia đình trở lại nhà. Ông đến nhà rủ tôi cùng đi, lúc đó chỉ có vợ tôi ở nhà, tôi đi học. Ông và tất cả vợ con ông ở lại. Sau ngày Cộng quân chiếm Sài Gòn, ông vào tù theo chính sách tập trung cải tạo đối với các sĩ quan trong QLVNCH và một số nhân viên chính phủ. Vậy mà tôi không có mấy xao động, vẫn trong trạng thái bình thản như trước đó. Tâm tôi bất động trong lúc bối cảnh quanh tôi biến loạn, rối ren, xáo trộn cùng cực.

Bảo tôi là ai trong tình trạng như thế?!

Tôi không phải là người tu thiền đạt đạo.

Nhưng trong tôi còn một lẽ khác: tôi nhìn xem và suy nghĩ.

Từ sau lúc viên đạn bay xẹt qua đầu hai bố con tôi và sau mấy lần người bạn văn nghệ cũ tay quấn băng đỏ, túi quần mang súng ngắn, đến nhà, bảo tôi đi trình diện văn nghệ sĩ trụ sở trên đường Nguyễn Du, quận 1 Sài Gòn. Tôi đã không đi trình diện văn nghệ sĩ. Anh ta đến nhà tôi 3 lần và lần sau cùng tôi nói với anh ta: “Tôi là lính. Tôi chờ đợi chính sách của nhà nước đối với các thành phần là lính”. Rồi có nơi những bộ đội vào nhà người có đạo, bảo chỉ có Đảng và Bác cho nhân dân gạo mà thôi, ông Giêsu là người nước ngoài không cho ta gạo. Một số nơi khác, người ta sử dụng học sinh mang sách báo cũ ra đường đốt, tôi đã biết mình phải làm gì và sống như thế nào. Nghĩa là tôi thay đổi thái độ. Tâm tôi không bất động nữa. Tờ Tuần báo Công giáo và Dân tộc, do một vài Linh mục và giáo dân thân Cộng, cũng là yếu tố để tôi có một lập trường khác với trước kia. Tôi thấy mình đau đớn nhiều hơn, yêu mến Giáo hội nhiều hơn, nhất là ý thức được rõ ràng, thực tế tôi phải làm gì cho Giáo hội của tôi. Có lúc đọc tờ tuần báo Công giáo và Dân tộc, tôi bật khóc. Những cây bút như Hải Kim Sa, Người Tín Hữu viết về giáo hội cay đắng quá, xót xa quá. Những Linh mục như Huỳnh Công Minh, Vương Đình Bích, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ v.v…đều có những bài viết rất khó chịu. Những vị này đếu là những trí thức Tây học, có học vị cao. Ngôn ngữ họ dùng trong các bài báo, là ngôn ngữ của những tay cực hữu, nhằm làm giảm ảnh hưởng của Giáo hội. Họ lý luận theo biện chứng duy vật, loại bỏ yếu tố siêu việt, yếu tố tinh thần. Điều này có lúc làm tôi sợ. Sợ, vì nó đi ra ngoài truyền thống của Giáo hội. Họ muốn gạt ra ngoài yếu tố của huấn quyền, mà bất cứ người tín hữu Kitô giáo nào cũng phải theo. Nếu không, họ trở thành những “phản Kitô”, những kẻ kiêu ngạo. Tôi không thể chấp nhận tình trạng này. Cho nên, dù đang lao động rất cực nhọc, năm 1983, tôi đã viết xong quyển sách đầu tiên sau 8 năm sống và lao động trong tư cách công nhân trực tiếp dưới chế dộ Cộng sản. Sách mang tên: “Công giáo miền Nam Việt Nam sau 30-4-75”. Ngày đó, Việt Nam chưa có Internet, nên việc chuyển ra ngoài là một mạo hiểm, nếu bị lộ, thì hậu quả khó lường. Năm 1988 được Cơ sở xuất bản Dân Chúa ấn hành tại Hoa Kỳ và Đức thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II ban phép lành. Từ đó đến nay, tôi vẫn đi theo con đường này.

Được cứu lần thứ hai

Lần thứ hai này xảy ra khi tôi đã là công nhân Đường sắt (Hỏa xa), công tác trên đoạn đường từ Sài Gòn ra đến ga Mường Mán, tỉnh Phan Thiết, bắt đầu từ cuối năm 1976 đến 1987. Công việc chính của tôi là thợ sơn. Chúng tôi có một đội, chia ra mấy tổ, phân công sửa chữa hay xây dựng mới một nhà ga và nhà ở cho nhân viên làm việc tại các ga này, chuẩn bị cho tàu thống nhất Bắc Nam hoạt động. Lúc chưa có việc cho toán thợ sơn và quét vôi, chúng tôi chuyển thành phụ hồ, làm các việc khuân vác xi măng, gạch, các thanh sắt, tà vẹt thay cho gỗ, trộn hồ (vữa) v.v…Đối với tôi, những việc này là quá nặng, ăn uống lại kham khổ, như “nhà tu” trong thời cũ. Những lúc phải đi các ga xa, như Trảng Bom, Dầu Giây, Long Khánh, Bảo Chánh, Gia Lai, Gia Huỳnh, Suối Kiết, Sông Dinh, Sông Phan, Suối Vận và Mường Mán, chúng tôi đều phải ở lại. Càng xa Sài Gòn thì càng phải ở lâu, từ một tuần đến 2,3 tuần. Nghĩa là phải làm cho dứt một ga. Lương thực mang theo kể như không có gì, nhiều nhất là muối mè đậu phụng, thêm mấy trái dưa leo. Có khi phải vào trong rừng, kiếm một mớ rau càng cua, mọc hoang ở gốc cây cao su, trộn với dấm chua, cải thiện bữa ăn. Đi xa như thế, ai cũng mong làm xong việc để về, nhất là những người có con cái còn đi học. Họ về để còn đạp xích lô hay những việc khác, kiếm thêm tiền giúp gia đình. Cho nên, ngày Chúa nhật chúng tôi cũng phải làm. Người tổ trưởng cũng là người trong anh em, không là lính trước kia, thì cũng là người thợ xây dựng chuyên nghiệp, nên tình cảm giữa chúng tôi rất gắn bó, hòa thuận với nhau, thương yêu nhau. Tuy vất vả, cực như vậy mà vui. Ai có cái gì ăn cũng mang ra cùng ăn chung, hết thì cử người đi chợ. Ga nào gần Phan Thiết thì nhảy xe lửa ra ngoài đó mua. Sáng nào cũng vậy, trước khi bắt tay làm việc, anh em thường ra quán uống cà phê. Vui nhất là những buổi chiều sau khi xong việc, ai thích nhậu thì ra hàng quán uống vài ly, nhiều là 1,2 xị. Uống say rồi mới chịu về. Ngất ngưởng về đến nhà, thường là phòng hành khách ngồi đợi tàu tại nhà ga. Lúc này là lúc thuận tiện nhất cho ai sính mấy câu cải lương Nam Bộ. Chàng cất tiếng, tay chân vốn đã có chất men, nên càng lảo đảo hơn, đầu và thân mình có lúc chúi xuống bên này, ngả sang bên kia, cả thân mình múa may theo nhịp đệm là tiếng gõ của chiếc thùng gỗ hay hai chiếc dĩa nhôm đập vào nhau. Những người khác thì nằm hay ngồi, dựa lưng vào tường, hát phụ họa với vai diễn chính. Trước mặt chàng là những cành lan rừng mà buổi chiều chàng đi lấy mang về. Nhờ có những cành lan rừng này mà diễn viên múa hát rất hay, nội dung sâu sắc. Chàng cất cao giọng : Người ta sống ở đời phải nên như những cành lan này, ngày đêm giãi dầu mưa nắng, gió sương rừng rậm hoang vu, mà sắc không tàn phai, trái lại còn phô sắc rực rỡ như thế này đây (một tràng vỗ tay nổi lên khen ngợi lúc chàng giơ cao nhánh lan đang cầm trong tay). Bông lan này xứng đáng để chúng ta noi theo và chiêm ngắm. Nó tượng trưng cho người quân tử. Nhưng người quân tử ngày hôm nay ở đâu? Thế rồi, chàng rũ người xuống như một cử chỉ đau đớn… Người quân tử đâu? Chính nhân đâu? Đời loạn…Ta làm gì? Ta ở đây sao? Ta không say. Ta tỉnh. Đời có ai tỉnh bằng ta. Vọng cố nhân, hề!….Chàng khuỵu hai đầu gối xuống nền nhà, hai tay ôm mặt, khóc hu hu… Hơn mười con người chúng tôi ngồi chung quanh diễn viên này cũng đột nhiên bất động, thinh lặng đến nghẹn ngào. Mấy phút sau, một người trong chúng tôi mới phá vỡ bầu khí này:

- Buồn quá đi mậy. Còn rượu không mang ra đây uống tiếp

-Tổ trưởng, sáng mai nghỉ làm phải không?

-Nghỉ cái con khỉ. Ngủ đi.

Một lần sau mấy ngày đi công tác ở ga Dầu Giây về, và bữa ăn tối của tôi chỉ có mấy củ khoai mì, có thể nói những củ khoai mì này là những thứ đã bị loại bỏ rồi, hay ít ra là hàng thứ phẩm, để cung cấp cho những công nhân đi ngoài công trường chúng tôi, trong cái thời khủng khoảng lương thực. Cứ sự thường thì sau một ngày mưa hay nắng ngoài công trường, tối về nhà lên giường nằm ngủ, bao giờ tôi cũng có một giấc ngủ rất ngon và bình yên, nhất là buổi chiều tối hôm đó, từ ga Dầu Giây trở về và sau khi vụ con chuột phá rổ khoai mì mấy lần được dàn xếp tốt đẹp, (như đã nói đến trong bài Chuột và tôi) tôi đi ngủ. Trong giấc ngủ, tôi chiêm bao thấy mình đang đi vào rừng kiếm củi, thì gặp một bà trạc tuổi các chị tôi ở nhà, quần đen, áo cánh nâu, bên trong là cái yếm trắng, quấn trên đầu chiếc khăn nhung đen. Bà ngồi dưới một gốc cây, thấy tôi đi tới, bà liền chỉ tay về phía một khúc cây đang cháy. Nhìn thấy lửa, tôi như chiếc lò xo bật dậy ngay, nhìn thẳng xuống bếp thì một góc bếp đang cháy. Tôi nhảy khỏi giường, mở toang hai cánh cửa xuống bếp và hành động theo bản năng, là chạy ngay ra sàn nước lấy nước đổ vào một khúc gỗ đang bốc cháy. Phải mất gần hết phi nước mới dập tắt được ngọn lửa và khoảng đất dưới chân khúc gỗ. Ở phòng bên cạnh, có tiếng người phụ nữ giọng Huế hỏi vọng sang:

- Cái gì thế chú Thảo? (Thảo là tên con gái của tôi).

- Một khúc gỗ cháy

- Hèn chi bên này thấy khói xông vào nhà nhiều quá, tưởng là ngoài kia người ta đốt rác.

Sau khi ngọn lửa được dập tắt, tôi quay vào nhà với mồ hôi nhễ nhại, quần áo nhếch nhác, đến trước bàn thờ, tôi quỳ gối xuống, thầm thĩ tạ ơn Chúa đã cứu tôi thoát khỏi một tình huống phức tạp, hiểm nguy. Tôi không biết mình sẽ ra sao, một hoàn cảnh khốn đốn nào sẽ xảy đến cho tôi, nếu một đám cháy trong đêm xảy ra.

Nhìn đồng hồ trên bàn, lúc đó là 1giờ sáng ngày hôm sau.

Hôm đó suốt một ngày lao động trên công trường, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ cháy khúc gỗ. Đây là một loại gỗ rất tốt, chắc, dầy 10 phân vuông, dài khoảng 2m. Khi sư huynh Mai Tâm về đây, ông đã sửa sang lại toàn bộ ngôi nhà, thay gỗ bằng gạch, bê tông. Cái bếp của tôi đều được làm từ mấy cánh cửa, dựng lên làm vách, mấy khúc cây làm cột. Khúc gỗ cháy là cái không sử dụng tới, dựng ở góc bếp bên ngoài. Một đầu dựa vào bức tường, cao 2m ngăn đôi khu vực bên này là trường, bên kia là khu dành cho nhà bếp của trường cũ (Chủng viện Piô XII Hà Nội mượn tạm sau di cư), còn đầu kia dựng xuống đất, bên cạnh vách bếp. Chỗ đất này rộng chưa đầy 1m2, coi như một cái bãi rác trong nhà, tôi thường liệng ra đó những dăm củi nấu bếp, lâu ngày nó cũng hóa bùn đất. Cái buổi chiều tối tôi đun nước luộc mấy củ khoai mì và nắm bột, khi xong việc, mấy que củi chưa cháy hết, tôi mang ra vùi sâu xuống chỗ đất trống này, không thấy khói bốc lên, tôi mới đi nằm nghỉ. Rồi sự việc xảy ra, tôi được mách bảo trong giấc ngủ, lập tức tôi choàng tỉnh dậy, lao ngay xuống bếp, lấy nước đổ vào khúc gỗ đang cháy. Khúc gỗ không dài, nhưng vì là loại tốt nên cháy rất lâu, nếu tính từ lúc tắt bếp (19, 20 giờ) cho đến lúc lửa đã đốt cháy hơn nửa khúc gỗ (1giờ sáng ngày hôm sau), thì thời gian này là từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, phải mất nhiều nước mới xong, ngay đến chỗ đất trống, vụ cháy phát ra từ chỗ này, do mấy que củi cũng là gỗ tốt, nên dù tôi vùi đã sâu, song bên dưới là ổ dăm củi, chưa hóa ra bùn đất hết, nên gặp hơi nóng đã tụ lại rồi bốc thành lửa.

Khi tôi được biết có lửa cháy, khúc gỗ mới chỉ cháy hơn một nửa (khoảng hơn 1m), chưa bắt sang vách bếp, nhưng chỗ đất dựng khúc gỗ này cũng đang cháy, hơi nóng và khói bốc lên. Từ vách bếp phòng tôi tới vách ngăn phòng nhà bên cạnh, cũng chỉ che chắn sơ sài bằng mấy vật dụng dễ cháy. Vách này cũng nằm trên chỗ đất trống như bên phòng tôi. May mắn là lửa chưa bắt tới thôi. Nhiều khói bốc vào nhà bên cạnh có nhiều người, chứng tỏ sự nguy hiểm của vụ cháy. Nhưng tôi vẫn được cứu ở những giây phút tận cùng của số phận.

Được cứu lần thứ ba :

Năm 1981, tôi chuyển về quận 8, đường Tùng Thiện Vương, khu vực cầu Xóm Chỉ. Căn nhà tôi đến là của một người Hoa, đã ra nước ngoài nên nó thuộc tài sản của nhà nước. Trước khi trao nhà này cho tôi, Sở quản lý nhà đất và công trình công cộng phải bàn giao cho Sở Giáo dục của thành phố, để Sở này cấp cho tôi, vì tôi đang ở tại một trường học nhưng lại không thuộc nhân viên của Sở Giáo dục, do đó tôi phải chuyển đi một nơi khác. Tính từ năm 1969 là năm tôi bắt đầu ở trong ngôi trường Đại học Thành Nhân, tiền thân của nó là Viện Khoa học Giáo dục Sài Gòn do Sư huynh Mai Tâm làm Viện trưởng, cho đến năm 1981 là năm tôi rời đây để về quận 8, là 12 năm.

Theo quy định lúc bấy giờ, một công nhân lao động trực tiếp như tôi, chỉ được cấp 7m2 cư trú. Căn nhà của tôi, có chiều ngang 3m6, sâu 3m9, diện tích xây dựng là 14,04m2, diện tích sử dụng 26m2, bao gồm một gác gỗ. Phần dư diện tích, tôi phải trả tiền vì được ghi trong tờ Hợp đồng giao nhà. Quy định là vậy, nhưng không thấy ai đòi khoản tiền này bao giờ. Các giấy tờ liên quan đến căn nhà này cũng như chứng từ cấp phát cho tôi, hiện tôi còn cất giữ.

Từ khi rời về nhà này, tôi không dùng củi nấu nướng nữa mà dùng bếp điện.

Một buổi chiều, sau lúc đi làm về, tôi bỏ lên bếp một ấm nước, khoảng hơn 1lít, đun sôi, để nguội, dùng cho sáng ngày hôm sau trước khi đi làm. Như thế là tạm đủ cho cơ thể tôi suốt một ngày ngoài công trường mưa nắng. Bỏ lên bếp ấm nước và cắm một đầu dây vào ổ điện, sau đó tôi đạp xe đi dự lễ tại nhà thờ Ngã Sáu (Jean d’Arc). Lễ xong thì trời đã tối. Mở cửa vào nhà, tôi thấy cái ấm nước để dưới sàn nước, trong ấm không có một giọt nước nào. Tôi chợt hiểu ra sự việc : cái ấm đầy nước tôi đặt lên bếp, cắm một đầu dây vào ổ điện, khóa cửa đi lễ. Bếp điện vẫn cháy cho đến lúc cạn hết nước, mà tôi lại vắng nhà cả tiếng đồng hồ. Trong trường hợp này có một người mở khóa vào nhà, thấy bếp điện cháy cạn hết nước nên đem ấm nước để dưới vòi nước. Tôi nghĩ đến vợ tôi vì nàng có chìa khóa vào nhà. Nhưng việc nàng tới tôi vào chiều tối như vậy thì chưa có bao giờ. Lý do, sau một ngày làm việc ở cơ quan, nàng còn phải lo cơm nước cho mẹ và con gái chúng tôi, nhà ở đường Ngô Quyền, quận 10 Sài Gòn, gần sân Thống Nhất.

Ngày hôm sau tôi về gặp vợ. Nàng nói rằng không hiểu sao chiều hôm trước, đi làm về một lúc và nấu xong nồi cơm thì thấy trong người bất an, con gái đã đi học về, nên nàng nghĩ đến tôi vì đã mấy ngày tôi không về nhà, mặc dù đây là việc bình thường.

Kể từ sau ngày 30 tháng 4-1975, tôi cho vợ và con gái về ở với bà ngoại, vì vợ chồng người em gái của nàng trước vẫn ở đấy, nhưng đã ra nước ngoài. Còn tôi thì vẫn ở bên trường của Sư huynh Mai Tâm, cho đến khi chuyển về quận 8, tôi vẫn chỉ về bên ngoại một hai lần trong tuần, để dẫn vợ và con đi lễ. Việc cơm nước tôi tự lo cho mình. Có khi tôi đi công tác xa, vắng nhà 1,2 tuần lễ là chuyện thường. Vì thế, nàng thấy trong lòng bất an vì đã mấy ngày tôi không về. Theo tôi, nàng đã được mách bảo từ trong thâm tâm, rằng tôi đang gặp chuyện gì chẳng lành, giống như tôi trong giấc ngủ, được mách bảo vụ cháy khúc gỗ ở góc bếp, khi tôi còn ở trong trường Đại học Thành Nhân. Chỉ khác, tôi chiêm bao thấy một người chỉ cho tôi vụ cháy, còn vợ tôi thì cảm thấy một nỗi bất an, nó dẫn nàng nghĩ đến tôi và điều này xác thực khi nàng vào nhà và tận mắt thấy sự việc đang xảy ra : khu vực bếp sáng rực, bếp điện vẫn đang cháy. Nàng vội kéo cầu dao điện xuống, ấm nước không còn một giọt nước, nàng đem đặt dưới sàn nước, tưới nước lên cho nguội cái ấm.

Giấc chiêm bao cũng như vợ tôi, đều là trung gian Chúa dùng để cứu tôi !

Như vậy là vợ tôi đã được mách bảo hay được soi sáng trong thâm tâm, và sự soi sáng này hướng về tôi rất mạnh khiến nàng quên mệt mỏi sau một ngày làm việc, rồi còn cơm nước cho mẹ và con gái. Sang đến nhà tôi ở khu vực cầu Xóm Chỉ, phải qua một đoạn đường dài. Qua sự việc này, Thiên Chúa đã cứu tôi qua trung gian là vợ tôi, thoát khỏi một vụ cháy nhà có thể do chập điện. Nếu không, tôi sẽ gặp tai họa nào đấy. Khu xóm tôi ở, phần nhiều là người Hoa nghèo, họ ở rất chật chội lại đông người. Trường hợp xảy ra cháy nhà lại vào chập tối, thì có lẽ cả khu vực cầu Xóm Chỉ, toàn nhà cấp 4, có nhà chỉ là cất lên tạm có chỗ ở, sẽ cháy hết, tôi biết chắc một điều là không ai để yên cho tôi, đồng thời cuốn sách tôi đang viết về Công giáo miền Nam Việt Nam sau 30-4-75 cũng sẽ ra tro bụi. Không, quyển sách này phải được phổ biến. Và sự việc đã diễn ra như vậy.

Qua sự việc này, tôi nhớ đến một người anh em tôi, cùng chung một tổ công tác ở đường sắt, đó là Đinh Văn Tôn, ở giáo xứ N.H, quãn Tân Bình. Anh có mấy người con trai, đều nhờ tôi làm bõ « đỡ đầu ». Cậu thì qua Phép Thêm Sức, cậu thì trong phép Rửa Tội và cả Thêm Sức. Cậu này là út của anh, sau đi tu dòng Don Bosco Salêdiêng, khấn sống đời Sư huynh, đi truyền giáo ở nước ngoài, bên Brazil. Người anh kế cũng tu cùng dòng và đi truyền giáo ở Italia, rồi Argentina. Sau mấy năm đi truyền giáo trong tư cách một Sư huynh, cậu này quyết định xin chuyển sang bậc Linh mục, vì thấy bậc sống linh mục phù hợp với cậu hơn. Đây cũng là ý kiến của một vài vị cùng dòng với cậu. Sáng ngày 20 tháng 11 năm 2023, anh Đinh Văn Tôn sang nhà tôi chơi. Anh cho biết, cậu con này đang ở Argentina đã gọi điện về nhà, báo tin là cậu đã được Bề trên chấp thuận cho cậu chuyển sang bậc sống linh mục trong dòng, sau khi học xong thần học, tức 4 năm sau.

Trở lại vụ ấm nước, trước đó mấy tháng, anh Tôn đã đưa cho tôi một sợi dây điện, dài hơn 1m nói là để thay cái dây của bếp điện tôi đang sử dụng ở nhà, chính tay anh làm việc này giúp tôi. Sợi dây này, không phải là loại thông thường dùng cho bếp điện, mà nó được dùng trong một bộ phận máy công nghiệp, chịu được độ nóng cao, được bao bọc một lớp mủ cao su dày, màu đen ; hai sợi dây đồng bên trong cũng được bao bọc một lớp mủ, độ dẻo của nó rất bền, đồng thời ngoài lớp mủ này, nó còn được quấn những sợi vải.

Sợi dây điện người anh em tôi đã cho để thay dây điện thông thường, mà khi mua bếp nó đã được gắn sẵn vào. Cái dây điện này không thể chịu được sức nóng khi nó được gắn vào ổ điện trong nhà để đun sôi ấm nước khoảng 2 lít nước cho đến khi ấm nước cạn không còn một giọt mà các dây điện trong nhà không bị cháy và cả vợ tôi tới nhà vào lúc nguy kịch nhất giữa lúc tôi không có mặt ở nhà, là hai sự việc nằm ngoài suy nghĩ thông thường của con người. Nó không phải là vấn đề của lý tính, nhưng nó thuộc về cái bên ngoài của duy lý. Thiên Chúa làm chủ đời tôi. Ngay một sợi tóc trên đầu tôi, Thiên Chúa cũng không bỏ mặc nó trong hư vô, trong quên lãng. Ngài biết rõ tôi là ai, một kẻ dại khờ nhất, vụng về nhất nên cũng là kẻ bị ngộ nhận nhiều nhất. Nhưng, chính vì thế mà Thiên Chúa thương yêu tôi thật nhiều. Ngài thương yêu tôi bằng nhiều cách. Mầu nhiệm quá là vậy !

Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận viết rằng, Thiên Chúa thích vẽ đường thẳng bằng đường cong. Trong trường hợp cái bếp điện của tôi, để cứu tôi, Ngài đã kêu gọi trong thâm tâm vợ tôi nghĩ đến tôi bằng nỗi áy náy, lòng không yên khi nghĩ đến tôi, nên nàng đã vượt qua một đoạn đường dài dầy đặc xe cộ bằng chiếc xe đạp lúc công sở vừa đóng cửa. Tuy nhiên, Thiên Chúa còn tính chuyện xa hơn : Ngài nhờ người anh em đồng nghiệp là Đinh Văn Tôn, tự thay cái dây diện của bếp điện tốt hơn cái hiện có, để nó chịu được độ nóng, chờ vợ tôi đến cúp cái cầu dao xuống, để tôi được an toàn. Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng đường cong là vậy.

Trên đây là một đoạn đời khác dài đến mười năm của cuộc hành trình gian khổ mà tôi đã vượt qua. Trên đoạn đời này, có một lần tôi bị một nhân viên Sở Giáo dục Tp. HCM mang súng ra dọa giết tôi nếu tôi không chịu rời khỏi ngôi trường thuộc Sở Giáo dục mà trước kia nó là Đại học Thành Nhân, do Sư huynh Mai Tâm làm Viện trưởng thời VNCH. Lúc đó, tôi cũng vừa qua khỏi cơn đau, phải vào phòng cấp cứu tại nhà thương lao Hồng Bàng, nên việc dọn nhà đi sang quận 8 rất mệt mỏi với tôi, phải gắng gượng mà đi.

Còn một đoạn đời nữa, tôi gọi nó là Những ngày của Chúa. Và tôi đã viết một bài thơ về đoạn đời này. Xin dẫn :

NHỮNG NGÀY CỦA CHÚA

Những ngày của Chúa
Thời gian qua đi
Tôi không biết gì
Tôi không biết gì

Những nơi tôi đến
Những việc tôi làm
Những nhà tôi ở
Tôi không biết chi
Tôi không biết chi

Thời gian qua đi
Tôi không là tôi
Âu lo không biết
Nỗi buồn không hay
Tôi không là tôi
Hay tôi thế
Trong cõi người ta
Trong bàn tay Chúa

Rồi tôi xa phố
Lên miền cao nguyên
Mấy năm tỉnh lỵ
Sống đời giáo viên
Miệt mài công việc
Bên trăng gió núi
Quên tình bạn bè
Quên cả thành phố
Quên nghĩa anh em
Quên cả tuổi trẻ
Quên cả tình yêu

Tôi không là tôi
Hay tôi thế
Trong thời gian khổ
Giữa chốn lưu đày
Cô quạnh niềm riêng
Hồn đau viễn xứ
Mơ đời Đan viện

Hồn thơ chợt đến
Quên đời Đan tu
Đời bao đau thương
Tôi bao ưu phiền
Khóc đời trong thơ
Khóc mình lữ khách
Ôm mặt trăm năm.

Khải Triều

Thời gian nói đến trong bài thơ này thật sự tôi không nhớ ngày, tháng, năm. Tôi chỉ nhớ những năm đầu sau di cư, tôi học ở Trường Trần Lục, gần chợ Tân Định. Lm Trần Phúc Long làm hiệu trưởng. Có niên khóa tôi được học bổng suốt năm. Tôi không nhớ là bao nhiêu tiền. Nhưng, người bạn học cùng trường và ở cùng nhà trọ với tôi đã lừa gạt tôi. Anh ta bảo mẹ anh ở ngoài Trung ốm nặng mà không có tiền mua thuốc, nên biết tôi vừa lãnh học bổng bèn mượn tôi một ít. Tôi tin lời, đưa cho anh ta một nửa số tiền tôi vừa lãnh. Ngày hôm sau tôi đi học về thì không thấy quần áo và đồ đạc lặt vặt của anh ta nữa. Người này đã bỏ đi. Những ngày sau tôi cũng không thấy anh đi học.

Tôi không nhớ sự việc này có làm tôi đau lòng hay không. Chỉ biết, sau đó tôi đã trải qua nhiều đoạn đời. Và vì không có tiền để sống, tôi phải nương tựa vào người anh trong họ. Người này giới thiệu tôi cho ông chủ có chiếc tàu tên là Như Long, chạy đường sông, từ Tân An đến Mộc Hóa. Làm trên con tàu này chỉ được một thời ngắn. Sau đó, một người anh họ khác có mảnh đất trồng cây ăn trái ở Hải Xuân, Xuân Lộc, tôi theo anh đến đó để trông coi, ngủ trên nhà sàn. Cũng chỉ được ít thời gian vì người anh họ tôi bán mảnh đất này. Có lúc, tôi phải giúp việc nhà cho ông bà Hoàng Kim Quy, một nhà tư sản giàu có nhất nhì Sài Gòn thời cũ. Cũng chẳng được bao lâu thì tôi nhận dạy kèm ở tư gia rồi trở nên như người thân trong gia đình này. Ông bà chủ nhà trở nên là ân nhân của tôi. Một chiều thứ bảy nọ, tôi đi lễ ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, quận Ba Sài Gòn thì gặp thầy Trần Ngọc Hiệp, dạy trường Minh Tân tại Hà Đông, nơi tôi học. Sau lễ, ông mời tôi về nhà ông, cũng gần nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế. Ông cho biết ông đang có một trường dạy học ở Ban Mê Thuột, lúc nào thích lên đó thì biên thư cho ông. Một thời gian sau tôi lên sống với gia đình ông. Và ông cũng trở thành ân nhân của tôi. Một buổi trưa tôi đang ngủ thì ở cổ họng có cái gì làm tôi khó chịu, tôi ngồi lên thì bật tiếng ho ra một cục máu nhỏ. Tôi mệt. Do vậy, tôi xin nghỉ trở về Sài Gòn, vì không muốn ảnh hưởng đến học trò.

Từ chỗ này trở lên trên mà bài thơ đã nói đến, tôi gọi là thời gian hay những ngày của Chúa. Còn những việc dưới đây thì tôi nhớ rõ, kể từ năm 1960, năm tôi vào làm cho tờ Nhật báo Dân Việt, chủ nhiệm là ông Phương Linh, trụ sở ở 55A Hồ Xuân Hương, quận ba Sài Gòn, tới tháng Giêng 1964 thì đổi tên là Dân Báo, đổi lần nữa là Việt Báo, rồi đóng cửa luôn, bởi chủ nhiệm là người ủng hộ chế độ Đệ I Cộng Hòa.

Sau khi tờ báo này đóng cửa, nhà văn, nhà báo Thanh Tùng đã kéo tôi đi làm tờ nhật báo của Roch Cường, giáo sư Pháp văn. Rồi tờ Sao Trắng của VNQDĐ.

Riêng tôi làm Thư ký tòa soạn tờ Việt Nam Nhật báo của Đại Việt Hà Thúc Ký, do ông Nguyễn Văn Ngãi, giáo sư Anh văn sắp xếp. Bên cạnh tôi là ông Trần Việt Sơn, một cây bút của tờ Nhật báo Chính Luận, do Đặng Văn Sung chủ nhiệm. Cả ba tờ báo này đều ra đời năm 1965 và cả ba không thọ, một phần vì thiếu tài chánh, nên họ không mời được ê-kíp làm báo chuyên nghiệp, hoặc họ không muốn mời các ký giả ngoài tổ chức.

Thất nghiệp, tôi đi dạy học tại trường Văn Hiến ở Đa Kao, ông Phan Ngô làm hiệu trưởng. Ông xếp tôi dạy lớp Đệ Ngũ, môn Anh văn. Cuối năm học, tôi gặp ông xin nghỉ để đi lính, ông nói là đã sắp xếp để năm học mới tôi nhận giúp ông thêm lớp Đệ Tam.

Trước khi dạy học tại trường Văn Hiến, tôi còn làm một việc nữa mà cái chức danh được công bố công khai khi tuyển mộ, đó là Giảng viên Chính trị, Bộ Thanh Niên, ông Nguyễn Tất Ứng làm Bộ trưởng, tổ chức, mở lớp học tập chính trị cho thành phần cán bộ xây dựng nông thôn. Sau khi Bộ trưởng Ứng qua đời do tai nạn máy bay rớt, tôi gặp một thanh niên tại nhà thờ DCCT, Sài Gòn. Anh ta bảo tôi đã nằm trong toan tính bị giết do có ngộ nhận giữa tôi và một người khác, liên quan đến chuyện một số giảng viên ra hàng quán trêu ghẹo gái bán hàng. Việc này đến văn phòng Bộ. Những người liên quan sợ mất việc, hậu quả sẽ là đi quân dịch, vì năm 1965 có lệnh tổng động viên.

Rồi sau đó, tôi đi lính thuộc Quân chủng Không Quân, chức vụ Biên tập viên.

Ngày 22-08-2024




VVM.24.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .