Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



BUÔNG




N ếu mà bà không thương ổng thì buông tha cho người ta để người ta còn đi lấy vợ nữa chứ?

 Câu nói như từng bước đánh vào lòng Huyền những phát thật đau, đến độ cô tưởng chừng sắp khuỵu ngã xuống nếu không phải có chiếc bàn làm việc phía sau làm bệ đỡ. Đã nghĩ đến việc phải sống thật thu mình lại đủ để không ai có thể bước chân vào cũng như sẽ không bị ai làm cho tổn thương, cả soi mói nhưng đúng là để tồn tại trong cái xã hội này, sự cố gắng của một mình bản thân là không đủ. Xã hội này có những người nghe rất bận rộn trong cuộc sống đời thường của họ nhưng họ đủ “rảnh” để có thể bàn tán về cuộc sống riêng của một ai đó. Một ai đó dẫu đi ngoài cuộc chơi. Một ai đó dẫu đã thu mình lại nhỏ bé đến độ không ai biết một chút gì nhưng kì lạ thay, mỗi người trong cuộc chơi của họ, họ đều có thể vẽ nên những câu chuyện dựa trên những gì ít ỏi mà họ biết. Cô chỉ phẩy tay cười cố đưa đẩy câu chuyện sao cho nó giảm nhẹ bớt, đủ để không xích mích. Xét cho cùng cuộc sống chốn văn phòng vốn vậy, tỏ ra nghiêm trọng thì lời nói sẽ là “lời nói đùa”, còn giả bộ cho qua thì họa may mọi việc sẽ chìm xuống thành việc sau lưng. Cô đủ bận rộn với cuộc sống của riêng mình, hoặc giả cô vốn đã quen thuộc, không còn nghĩ mình có thể thay đổi mọi thứ như ngày còn trẻ nữa.

 Cô pha một cốc café đắng, ngẩng đầu lên nhìn kim đồng hồ vừa bước qua con số mười hai, hơi chần chừ nhưng rồi nhìn đống công việc vẫn còn đương dang dở trên laptop cô lại nhấp một ngụm. Công việc trên công ty đã đủ bận rộn nhưng cô vẫn còn nhận thêm việc tay trái về để làm đến quá nửa đêm. Cánh cửa phòng cô bật mở, mẹ cô bước vào trên tay là một bát mì nóng, cô vội đứng dậy đỡ:

 - Con đói thì tự làm được mà. Sao giờ này má còn chưa ngủ nữa?

 - Bây có bao giờ chịu ăn uống gì đâu, cứ làm mệt xong lăn ra ngủ. Không chừng mai má dô phòng lại thấy ngủ gục trên bàn như bữa.

 Cô khẽ tự trách mình, lại đặt thêm một điều tự dặn bản thân là tuyệt đối không ngủ gật và cũng không để mẹ phát hiện mình làm xuyên đêm nữa. “Có lẽ là nên giả vờ đi ngủ, đợi má ngủ rồi mới dậy làm tiếp”. Cô đỡ mẹ về tận phòng rồi nói nhỏ:

 - Đang dự án, nốt tối nay là con xong rồi đó má.

 Về lại phòng, nửa đêm rồi nhưng chiếc điện thoại vẫn reo vang tin nhắn: “ Mai anh qua chở em đi làm.” Và ngay sau đó là một tin nhắn khác : “ Em không nên từ chối.” Cô mệt mỏi đặt điện thoại xuống, mối quan hệ này là gì nhỉ? Là ban đầu nó đã như vậy hay cô để nó thành như vậy?

 Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhanh chóng được nhận vào một công ty chuyên ngành. Suốt cả cuộc đời của cô khi ấy tất cả chỉ xoay quanh hai chữ “phấn đấu”. Cô là con một trong nhà, gia đình phía nội vốn phong kiến, là một đại gia tộc ở ngoài bắc. Cô chỉ biết kể từ khi cô chào đời, khi người mẹ vốn ốm yếu không thể sinh thêm được nữa trong khi ba cô là người con trai duy nhất của gia tộc, thì cô đã không thể gặp lại ba mình và cả gia đình nội. Họ bắt ba cô phải lựa chọn giữa gia tộc và mẹ con cô, và ba đã rời xa mẹ con cô. Một mình mẹ cô ôm cô đi về miền trung quê hương và ở vậy nuôi cô đến tận giờ.

 Kể từ khi có ý thức cô chưa bao giờ hận ba, cũng chưa bao giờ gặp lại ông. Nhưng cô luôn cảm thấy mình là căn nguyên của mọi vấn đề, cô không lạc quan, luôn nhìn đời bằng con mắt tiêu cực và có xu hướng nhận lỗi về bản thân. Cuộc sống của hai mẹ con cũng đầy khó khăn vì vốn dĩ mẹ cô sức khỏe yếu nên nhận làm công việc gì cũng một thời gian không kham nổi, lâu dần cũng chỉ có thể nhận việc làm thêm về nhà, không đi làm các công ty được. Khi cô lớn thêm một chút, cô đã phụ mẹ vừa học vừa làm. Lớn lên thêm chút nữa khi nhìn mẹ ngày càng yếu đi cô càng tự đặt mọi gánh nặng lên vai: cố gắng học được học bổng, ngay khi tốt nghiệp cũng xin đủ công ty, quyết tâm đổi đời mà mục tiêu lớn nhất chính là không để mẹ phải khổ.

 Cô cũng từng yêu, khi cô hai tư, cô yêu một đồng nghiệp cùng công ty. Quốc là một người chịu thương chịu khó luôn ở bên và hiểu được những hi sinh và ràng buộc của cô nhưng ngược lại, gia đình anh lại không chấp nhận được một gia đình mẹ đơn thân. Dẫu thế, chưa bao giờ Quốc buông bỏ cô, anh không phải kiểu thuận theo cha mẹ để từ bỏ tình yêu của mình. Ở bên anh cô luôn tự cho phép mình ích kỉ, thậm chí anh đã gạt bỏ tất cả để cầu hôn cô sau hai năm yêu. Nhưng…cô từ chối. Cô yêu anh, đó là thật. Nhưng mẹ cô chỉ có mỗi cô vì thế cô muốn ít ra mình có thể kiếm thật nhiều tiền để nếu về nhà chồng, mẹ có một mình khi rảnh mới qua thăm được thì ít ra vẫn có thể trang trải cuộc sống. Đáp lại, Quốc đã ôm cô rất chặt:

 - Anh sẽ đợi em.

 Anh yêu cô đủ để biết gánh nặng trên vai cô và suốt thời gian khi cả hai người quen nhau dường như anh luôn đối xử với cô tốt như chính gia đình mình. Hai chín tuổi, cô thậm chí lần lượt chứng kiến nhiều nữ đồng nghiệp lên xe hoa, có con, thậm chí có người đã đứa thứ hai, thứ ba trong khi cả hội từng hứa hẹn vui sẽ cùng bên nhau làm hội độc thân suốt kiếp. Cô đôi lúc cũng thấy cô đơn, cũng muốn có ràng buộc nhưng cô thương mẹ mình rất nhiều. Anh cầu hôn cô lần nữa, lúc này cô phải đứng giữa hai sự lựa chọn: vì anh chuẩn bị thuyên chuyển công tác nên nếu đồng ý cưới anh cô phải đi theo đến nơi khác, và mẹ. Mẹ cô luôn nghĩ cho hạnh phúc con gái mình, nhưng cô cũng đã có đủ sự lựa chọn cho bản thân.

 - Em xin lỗi, có lẽ em chưa đủ yêu anh…

 Sau đó, anh đi. Đôi lần các hội chị em tám lại với nhau có người nhiệt tình:

 - Chị cũng lớn rồi, cũng nên tìm một chỗ dựa.

 Có người ác miệng:

 - Phụ nữ ba mươi coi không ai cần nữa đâu, cứ kén chọn quá sau quá tuổi vớ đại ai thì lại khổ.

 Cô không kể với họ chuyện gia đình mình, đôi khi chuyện trong nhà không nhất thiết phải đòi hỏi sự cảm thông. Nhưng nhiều lần khi giờ nghỉ cô bắt gặp được họ nói với nhau: “ Không thương anh Quốc mà bắt ổng đợi năm năm, cũng ích kỉ…”. Không ai hiểu được bằng người trong cuộc, kể cả Quốc dẫu chia tay thậm chí hiểu cô đến độ không trách cô một lời, chỉ là anh không đợi được nữa. Cũng kể từ đó cô bắt đầu thu mình lại, ít giao tiếp với mọi người vì cô có cảm giác mọi lời nói thuận theo mình trước mặt thì sau lưng đều ngược lại. Có những lần cô cũng chia sẻ, xét cho cùng phụ nữ cũng có những lúc yếu lòng, cần một chỗ dựa. Nhưng khi cô thử nói suy nghĩ của mình, có những câu chuyện vốn là bí mật lại bị đồn ra cả công ty, cô hiểu chuyện mà chỉ cần có một người thứ hai biết thì không thể nào là bí mật nữa. Cô vò võ cố gắng một mình với công việc và tuyệt nhiên không hề cất lời với một ai. Công ty cứ dần thay người, duy chỉ có cô được giữ lại, xét cho cùng cô không có sự ràng buộc chồng con, nên vẫn cống hiến rất tận tụy.

 Tiến đến với cô năm cô vừa tròn ba mươi. Cô không yêu anh và ngay từ đầu cô đã xác định rõ với anh như thế. Tòa nhà nơi cô làm việc vốn là chỗ thuê văn phòng của nhiều công ty, và công ty của cô và Tiến ở chung một tầng lầu. Anh lớn hơn cô ba tuổi, trong một lần trùng hợp hai người đi chung thang máy, thang máy bị hư phải chờ người sửa, nhìn người phụ nữ mạnh mẽ không chút e sợ dù bóng tối bao trùm không hiểu sao Tiến nảy sinh thiện cảm. Anh theo đuổi cô bằng cả sự nhiệt huyết của một người đàn ông trưởng thành nhưng chín chắn. Anh thường quan tâm cô bằng cách mời cô đi ăn sáng, mua cafe hoặc nước ép cho cô vào những ngày trời nắng nóng. Dĩ nhiên, cô từ chối. Cô không thích sự hiểu lầm và cả sự ràng buộc, nhưng anh vẫn nhất quyết theo đuổi. Nếu cô từ chối không nhận nước anh sẽ treo ngoài cửa văn phòng hoặc nhờ đồng nghiệp mang vào. Lúc đó nhiều người trong văn phòng bắt đầu buông lời chòng ghẹo cô, một số : “ Chồng tui mà mua cho tui được ly nước vậy giữa trời nắng chưa?”, số khác lại ganh tị: “ Ôi chao, thời chưa cưới thì vậy, ra sao phải đợi lấy về...”.

  Tiến cũng rất kiên nhẫn theo đuổi cô nhưng quen biết càng lâu cô càng hiểu được anh là một người đàn ông khá kiếm soát và gia trưởng. Không từ chối được và cũng vì cả nể cô bắt đầu đón nhận sự quan tâm của anh nhưng anh bắt đầu nghĩ mình là người yêu cô, bắt đầu có những ghen tuông và cả to tiếng mỗi khi cô thân thiết với người khác giới. Chỉ vì có một lần cô đi nhờ xe vì xe hư một nam đồng nghiệp mà sau đó Tiến đã chở cô đi làm, đồng nghiệp mỗi khi nhìn thấy sự săn sóc cuả Tiến đều tặc lưỡi: “ Huyền thiệt là hạnh phúc quá đi, được đưa đi đón về.” Nhưng không ai biết được sự thật đằng sau đó, và cả cô với những lần bị niềm tin phản bội cũng không muốn kể đến góc tối trong mối quan hệ của mình.

 Năm cô ba mươi ba, Tiến đưa cô về ra mắt gia đình và cũng là lúc mẹ anh không chấp nhận một người phụ nữ lớn tuổi làm con dâu. Cô không trông chờ vì cô đã từng được nghe anh giống mẹ như thế nào, và cô cũng được nghe mẹ anh rất khó tính. Nhưng khi cô muốn buông tay thì chính anh lại là người ngoan cố kéo cô lại. Đôi khi anh không kìm được mình để lộ ra những cuộc cãi vã ở ngay hành lang giáp ranh hai công ty và để một vài người nghe được. Nhưng khi nhác thấy bóng người thì anh lại đổi ngay thái độ : “ Sao em lại đòi chia tay? Sao em không chịu cưới?”. Những gì mà cô nhìn thấu được cô cũng không buồn nói. Ở lứa tuổi này cô quá quen với những gièm pha nhưng mọi nguời lại nhìn cô bằng ánh mắt của kẻ nhìn một người kén chọn. Anh càng níu kéo, cô càng dứt khoát, càng có nhiều lời đàm tiếu và thứ cô nhận được chính là câu hỏi của người ngoài: “ Sao cô không buông tha anh ta?”

 Sau đó, cô xin thuyên chuyển công việc và đưa mẹ đến một thành phố khác, nơi cô bắt đầu một cuộc sống mới. Cô không trách giận bất kì ai và cũng không trách sự đời bạc bẽo, vì cô hiểu trong cuộc sống sẽ luôn có những nốt thăng trầm và cả thị phi. Hạnh phúc vốn không có đáp án tiêu chuẩn, với cô, được ở bên gia đình mình, đó đã là điều hạnh phúc nhất. Cần gì phải quan tâm suy nghĩ, quan điểm của bất kì ai. Xét cho cùng mỗi người là những cuộc sống khác nhau, sao phải lấy lời nói của họ làm chuẩn mực cho cuộc sống của mình?


 


VVM.18.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .