Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


tranh Vincent Van Gogh

SÔNG CÓ KHÚC ...NGƯỜI CÓ LÚC


                      Thân kính gởi các anh Khải Triều, Nguyễn Khôi.

     L   úc này thì chồng tôi đi làm về thường có vẻ uể oải hơn khi trước. Tuy ông không nói ra nhưng tôi linh cảm được rằng có một điều gì bất thường đang xảy ra trong công ty qua những câu trò chuyện của ông với người tổng giám đốc, Doray, một người Pháp trẻ hơn chồng tôi đúng 1 con giáp, một người Breton -dân vùng Bretagne nằm ở mé biển hướng tây nước Pháp- độc thân nhưng có cô bạn gái là người Việt Nam ở trên thành phố Meaux gần Paris, lâu lâu hai người mới gặp nhau một vài ngày.

Buổi trưa hôm đó, chồng tôi về nhà sớm hơn những buổi trưa khác, ông quẳng chiếc cập táp giấy tờ vào góc nhà, mặt mũi hầm hầm, tôi hỏi chồng:

- Có chuyện gì vậy hả anh?.

- Doray nó từ chức mà không cho anh biết, sáng nay nó không vào sở . Bây giờ anh phải tới tìm nó ở nhà hỏi ra chuyện mới được !.

Dứt lời, tôi chưa kịp hỏi thêm câu thứ hai, chồng tôi đã ra xe đề máy chạy.

Tôi dọn cơm trưa đợi chồng. Cơm , canh đã nguội nhưng vẫn chưa thấy chồng trở về, tôi lại dọn đẹp, ngồi chờ. Hai tiếng đồng hồ sau, chồng tôi mới về, ông không còn giận dữ nữa mà tiu ngỉu tỏ vẻ suy tư.

- Em dọn cơm để anh ăn nghe ?. Tôi hỏi.

- Thôi em khỏi cần dọn. Anh với Doray vừa uống vài chai bia cũng đã đủ no rồi.

- Em dọn để anh ăn một chút chứ bia không thì cồn cào bụng đó. Vừa nói tôi vừa xuống bếp dọn thức ăn lên cho ông.

- Anh ăn một chút rồi thong thả kể đầu đuôi câu chuyện cho em nghe.

Trên bàn ăn, vừa uể oải ăn chồng tôi vừa kể :

- Hồi nãy anh tức nó, vì anh tưởng rằng nó từ chức mà không cho anh biết trước té ra là nửa đêm hôm qua ở Grenoble người ta gọi điện thoại ... cách chức nó.

- À, em hiểu rồi. Doray bị cách chức tổng giám đốc.

- Đúng thế.

- Ai sẽ lên thay ?.

- Gibier. Chồng tôi trả lời với một vẻ bực bội.

- Gibier ? Tôi hỏi lại.

- Ừ!.

Tôi yên lặng suy nghĩ.

Gibier là giám đốc quản trị hành chánh và tài chánh của công ty. Gibier và chồng tôi không hợp nhau vì có nhiều đụng chạm về mặt điều hành và chỉ huy nhân sự. Gibier có thể quyết định sa thải một nhân viên chỉ vì ... người này đi ... chậm vì theo Gibier thì người nhân viên này đi lại thờ ơ (nonchalant) phần chồng tôi thì đi chậm không hẳn là thờ ơ với việc làm và cũng không phải là một lý do chính đáng để đuổi việc một nhân viên.

Gibier lên làm tổng giám đốc thì sự hiện diện của chồng tôi trong công ty sẽ rất gay go vì chồng tôi sẽ phải trực tiếp chịu dưới quyền của anh ta.

Qủa như vậy, chỉ ba ngày sau khi được lên làm tổng giám đốc, Gibier mời chồng tôi lên văn phòng anh ta:

- Ông nghĩ sao về việc tôi làm tổng giám đốc ?.

- Trước hết, tôi chúc mừng ông. Sau đó tôi cũng thẳng thắn nói với ông: Tôi và ông khó có thể làm việc chung được với nhau. Chồng tôi đã suy nghĩ nên trả lời thẳng.

- Nếu vậy ông bằng lòng ... ra đi !. Gibier hỏi.

- Đúng, tôi sẽ ra đi với điều kiện ... Chồng tôi đáp lại.

- Chúng ta có thể thương thảo điều kiện. Gibier lên tiếng, rồi tiếp:

- Tôi đề nghị 300.000 quan ... tất nhiên sous-table (*) ... ông vẫn có quyền hưởng tiền thất nghiệp mà...

- 400.000 quan !. Giá chót, qúa rẻ !. Chồng tôi đáp lại.

Gibier suy nghĩ một chút hơn nữa cái giá 400 ngàn không phải là một cái giá cao, hơn nữa anh ta cũng muốn tống khứ chồng tôi ra khỏi công ty sớm lúc nào hay lúc đó nên trả lời:

- OK .

Ba ngày sau khi nhận tấm ngân phiếu do chính Gibier ký chồng tôi từ giã công ty sản xuất hàng nhựa đúc bồn tắm, bồn rửa mặt. Số tiền 400.000 quan đưa lậu cho chồng tôi là số tiền không đắt để mua sự không cạnh tranh (non concurrence) cùng những bí mật nghề nghiệp mà chồng tôi đã bảo vệ trong suốt 6 năm làm việc vì chính thức chồng tôi chịu trách nhiệm phẩm chất cho toàn bộ công ty và là một thành phần đại diên cho các công ty Pháp để tham gia việc soạn thảo quy luật về bảo đảm phẩm chất quốc tế (ISO) cho cộng đồng Âu châu.

Nghỉ việc, chồng tôi đi đăng ký ăn tiền thất nghiệp. Cứ mỗi sáng , chồng tôi vẫn ăn diện áo quần bảnh bao như những ngày còn đi làm ngồi chờ Doray người tổng giám đốc cũ . Doray đậu xe trước sân nhà rồi hai vị cán bộ thất nghiệp cùng dẫn nhau đi bộ ra một quán cà phê ngoài phố nhìn ông đi qua bà đi lại tán chuyện gẫu cho tới trưa. Có lúc Doray ở lại ăn cơm chung với chúng tôi, có lúc không.

Ba tuần lễ sau chồng tôi và Doray, chia tay. Doray đã tìm ra việc làm. Anh chàng dọn nhà về Lyon để nhận trách nhiệm chỉ huy một đơn vị sản xuất lưỡi dao cạo của cơ sở Gilette. Còn chồng tôi đợi được hưởng tháng đầu tiên lãnh tiền thất nghiệp.

Tôi chẳng lấy gì làm lo lắng vì tôi cũng đã lường tính trước. Điều quan trọng nhất của tôi là giữ vững tinh thần cho cậu con trai út của tôi vì cũng chỉ còn hơn 1 năm nữa là nó sẽ thi Bac (tú tài) để lên đại học. Bây giờ thì chồng tôi thay tôi đưa con đi học rồi về nhà loay hoay sửa chữa nhà cửa , trồng bông trồng hoa linh tinh.

Tiền thất nghiệp mới chỉ về chương mục tôi được 4 tháng, người ta bắt buộc chồng tôi phải theo học một khóa học 3 tháng dành cho những cán bộ đang thất nghiệp. Lẽ tất nhiên chồng tôi phải đi học.

Hai tháng sau gần hết khóa học, cũng như hơn 15 cán bộ khóa sinh thất nghiệp khác chồng tôi phải tìm một cơ sở kỹ nghệ để thực tập và viết một luận văn thực tập sau đó lại quay trở về trình bầy luận văn, tan khóa học rồi lại quay trở lại cơ quan tìm việc làm trong công nghiệp và thương mại (Assedic) để hoặc tìm được việc để làm hoặc được quyết định tiếp tục cho hưởng tiền thất nghiệp.

Loay hoay tìm các công ty sản xuất kỹ nghệ nhưng khó khăn vì trong vùng chung quanh thành phố rất ít các cơ sở sản xuất kỹ nghệ, may mắn qua sự giới thiệu của một người bạn cán bộ Tây đồng khóa học chồng tôi tìm được tại một công ty sản xuất chuyên về các loại cửa bằng gỗ, nhựa trang bị cho nhà cửa. Công ty này cũng lại nằm ở Vendoeuvre, nơi chúng tôi đã biết .

Sau một cuộc điện đàm với người phụ tá tổng giám đốc của công ty Simpa, chồng tôi được chấp nhận thực tập tại đây trong tư cách một chuyên viên cài đặt hệ thống bảo đảm phẩm chất theo đúng những tiêu chuẩn cần phải có cho các đơn vị sản xuất của công ty.

Khi nghe chồng tôi thuật lại chuyện, tôi nghĩ rằng chồng tôi sẽ lại đi làm, chồng tôi sẽ lại xuống Vendoeuvre vì từ nơi đây chúng tôi đã xuống Troyes, từ nơi đây chúng tôi đã có những gì hiện chúng tôi đang có.

Tôi cũng không hiểu chồng tôi ăn nói như thế nào mà ông Rollet, người chỉ huy đơn vị sản xuất các cửa cái của công ty Simpa, lại mến mộ chồng tôi để ngay cả buổi thuyết trình cuối cùng khi mãn khóa với một cử tọa đông đảo đại diện cho số đông các cơ sở công kỹ nghệ ở thành phố đã tham dự, ông có mặt để yểm trợ tinh thần cho chồng tôi và ngay sau cuộc thuyết trình của chồng tôi ông Rollet đã thẳng thắn tuyên bố với cử tọa rằng công ty Simpa đã tuyển mộ chồng tôi.

Thế là mỗi sáng tôi lại chuẩn bị cơm nước trong những chiếc gà mèn để chồng tôi đem theo ăn trưa hệt như thời gian chồng tôi còn làm việc tại nhà máy của công ty Allia sản xuất hàng vệ sinh tráng men hơn 10 năm trước khi gia đình từ Vendoeuvre dọn về Troyes.

Cuộc sống của gia đình lại nhịp nhàng, đều đặn như giòng trôi của thời gian cho đến gần buổi trưa hôm đó ...

Tôi vừa định đề máy xe của tôi chạy xuống siêu thị Leclerc thì xe chồng tôi đậu sịch trước hàng rào nhà.

- Sao anh về sớm vậy?. tôi lên tiếng.

- Nhà máy cháy mất tiêu rồi em ơi !. Chồng tôi từ trên xe bước xuống, trả lời.

Ngạc nhiên tôi lập lại:

- Cháy mất tiêu ?. Thiệt sao anh, bộ anh nói dỡn ?.

- Anh đâu có nói dỡn. Đêm qua bị chạm mạch điện bốc cháy cả nhà máy. Lính chữa lửa Vendoeuvre đến chữa cũng không kịp vì nào là gỗ khô, nào là dầu ngâm chống gỗ mục... làm sao chữa cho nổi. Cũng may là không có thợ thuyền nào làm đêm... Sáng nay, lúc anh lái xe đến trước cổng nhà máy thì thấy tất cả thợ thuyền đến sở làm như mọi ngày tụ tập trước cổng chính của công ty trong khi bên trong khói đen bốc mù mịt củng những chiếc xe chữa lửa. Khi thấy anh đến, họ xúm lại phân trần với anh: Ông ơi, nhà máy mình cháy mất tiêu rồi. Chồng tôi kể.

Sau vụ cháy, Rollet , giám đốc đơn vị bỏ công ty xuống miền Nam, trở về quê hương, thành lập một cơ cở cũng chuyên về gỗ. Ramel người chịu trách nhiệm về phương pháp và phát triển cũng ra đi. Cả ban giám đốc điều hành nhà máy chỉ còn lại chồng tôi với một bà thư ký tập trung gọn ở một văn phòng tạm ké trong dãy văn phòng của toàn công ty.

Vị tổng giám đốc và cũng là chủ nhân của công ty cũng thường xuyên tạt vào thăm hỏi. Ông nói với chồng tôi rằng chúng ta đang trong những thủ tục giấy tờ bảo hiểm và sẽ xây cất lại một cơ sở mới để lại tiếp tục sản xuất như trước.

Một tháng, hai tháng rồi ba tháng trôi qua. Mỗi chiều về tới nhà, chỉ cần nhìn mặt chồng tôi đã biết rằng ông buồn. Hết buồn sang tới chán. Một buổi tối ông hỏi tôi:

- Nếu anh từ chức em thấy đời sống vật chất của mình có gì thay đổi hay không?.

- Không, anh đừng lo. Em nghĩ là đủ, dù phải sống đạm bạc chăng nữa cũng không sao.

Nghe tôi trả lời nhưng ông vẫn cứ hỏi lại:

- Có thực không ?.

- Thực !. Tôi nói một cách chắc nịch. Mà sao anh lại hỏi em vậy . Bộ anh muốn từ chức thật hay sao?.

- Anh muốn từ chức thật . Anh chán ngấy mỗi buổi sáng phải vào cái văn phòng của anh, vẫn điện thoại vẫn giấy tờ ... nhưng chẳng một con ma nào đến văn phòng anh để hỏi điều này bàn việc nọ... Thợ thầy của nhà máy đã phân tán sang các đơn vị khác, bà thư ký anh cũng cho sang bên đơn vị cửa sổ nhựa làm vì còn việc nào đâu để bà ấy làm. Điện thoại cũng không reng inh ỏi như khi trước dù chỉ reng lấy một lần trong suốt 8 tiếng đồng hồ... cứ như thế cuối tháng khi nhận phong bì phiếu lương anh cảm thấy thẹn mặt em ạ.

Tôi thấy chồng tôi nói đúng .

- Anh muốn nghỉ thì cứ nghỉ, không sao anh ạ !.

- Sáng mai anh vào gặp ông tổng giám đốc, xin ông vui lòng sa thải anh. Như thế anh sẽ được ghi tên trong danh sách những người thất nghiệp. Dù ít dù nhiều anh cũng sẽ hưởng được ít ra là 60% tiền lương hiện nay của anh út nhất cũng vài tháng nữa là se vào đại học...

Chiều hôm sau, đi làm về, chồng tôi tiu ngỉu nói với tôi:

- Ông I.B.P. (tên vị chủ nhận, tổng giám đốc) không chịu cho anh nghỉ.

- Thì anh cứ tiếp tục làm.

- Ông ấy nói rằng đang chuẩn bị xây nhà máy mới nhưng anh chẳng thấy có gì thay đổi...

- Cố ráng anh ạ.! Tôi nhỏ nhẹ khuyên chồng.

Chồng tôi cố gắng được gần một tháng, ông lại đến gõ cửa văn phòng vị tổng giám đốc để xin được đuổi việc.

Ông này nói:

- Ông nên biết, ở vào tuổi của ông, nếu nghỉ việc ở đây, ông sẽ khó có thể kiếm được việc làm.

Suy nghĩ một lát, chồng tôi nói:

- Thú thực với ông tôi không còn chịu đựng nổi tình trạng này nữa. Xin ông vui lòng sa thải tôi. Tôi năn nỉ ông.

- Nếu thế tôi sẽ làm giấy sa thải ông vì lý do nhà máy bị cháy để ông có thể ghi tên được trong danh sách những người thất nghiệp.

- Tôi vô cùng cảm ơn ông.

Đúng như lời vị tổng giám đốc này đã nói. Chồng tôi không thể nào tìm vì hai lý do: sắp 60 tuổi tức là già và lương bổng hơi cao.

Troyes-Pháp, Sérénité ngày 30.11.2023-18.00'.
(*): Tiền "sous-table : tiền chui dưới gầm bàn, một sự "trao đổi" bất hợp pháp nhưng thường xuyên thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực trong các hoạt động kỹ nghệ ... tại Pháp điều khoản không cạnh tranh. Điều khoản không cạnh tranh là điều khoản được ký kết trong hợp đồng lao động của một nhân viên và người đại diện chủ nhân cơ sở. Nhằm mục đích hạn chế quyền tự do của một nhân viên trong việc thực hiện, sau khi chấm dứt hợp đồng, các chức năng tương đương với cạnh tranh với chủ nhân cũ.



VVM.10.8.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .