Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CÁI SƯỚNG CỦA KẺ MANG NGHIỆP CHỮ




Y rị mọ hí hoáy cả buổi mà trang giấy chỉ có mấy hàng chữ nguệch ngoạc. Lòng y sanh hoang mang: ”Ý tứ đâu mất hết ráo rồi, hay là đã cạn khô cảm xúc?”, nhủ thầm như thế nhưng y cũng vội tự trấn an: ”Có lẽ chỉ nhất thời, không thể nào cạn sớm như vậy”. Y lại cố gắng động não xáo tâm đào sâu bới kỹ để tìm tứ mà viết. Thường thì y đâu có như thế, trong đầu óc y lúc nào cũng như suối nguồn mùa xuân, đề tài ý tứ cứ tuôn trào như băng tan nước chảy, nhìn đâu cũng thấy chuyện để viết, lớn lao thì sơn hà quốc sự, thế giới, con người, vạn vật muôn loài… nhỏ nhiệm thì nội tâm thầm kín, hơi hơi thở mùa xuân, lời thì thầm chiếc lá, tiếng nỉ non côn trùng… Nói chung nhìn đâu cũng có đề tài để viết, thậm chí lúc ngủ cũng có chuyện, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều ngủ yên nhưng cái ý thì không! Ý nó vẫn thức và hoạt động suốt cả đêm. Cái ý hay cái tâm thức của y nó xuất hiện bao nhiêu là chuyện và những tình tiết sự kiện nối tiếp nhau như một cuốn phim chiếu chậm, rồi những ký ức xa xưa hiện về, những viễn cảnh tương lai lại đến. Có lẽ cũng nhờ cái nguồn chuyện từ giấc ngủ này mà y viết được bao nhiêu chuyện để kể chơi. Y chỉ tiếc là thiếu thời gian và sức khỏe chứ cảm hứng và đề tài thì vô tận. Ấy vậy mà sáng nay y bí rị như người táo bón.

**

Con người y kể cũng lạ, đã toan xé giấy bẻ bút mấy lần nhưng rồi lại nhặt lên viết lại. Y cứ đinh ninh đây là nghiệp, mà đã là nghiệp thì phải ráng chịu chứ chạy trời sao khỏi nắng. Y hoàn toàn tỉnh táo để nhận biết trong thời đại công nghệ cao, khoa học kỹ thuật cũng như điện toán phát triển cao độ này mà rị mọ viết lách là quá lạc hậu, quá khờ khạo, làm cái việc chẳng giống ai. Cái thời chữ nghĩa văn thơ đã qua rồi, đã lùi vào dĩ vãng. Những người viết lách trong thời đại này là những kẻ khật khù, những kẻ sanh lầm thời đại, những kẻ lạc loài. Với bọn tây thì viết lách còn có chút vớt vát vì tỉ lệ người đọc còn nhiều, sách báo bán chạy mặc dù văn minh kỹ thuật của bọn tây phát triển cao ngất trời. Dân mít mình thì giờ có ai đọc nữa đâu mà viết lách? Có đôi khi y tự vấn: ”Không lẽ dân gốc Mít nhà mình phát triển cao độ hơn bọn Tây chăng? Hay bọn Tây vẫn còn kéo dài cái thời đại cũ qua thời đại mới?” tự đặt câu hỏi nhưng không thể trả lời, không dám trả lời và cũng không làm sao trả lời được, dù rằng câu trả lời có sẵn trong đầu.

Y chẳng biết nghiệp chữ là nghiệp gì nhưng thấy nhiều người lỡ vướng vào thì không sao gỡ ra được, nghiệp nó vận vào thân thì đành chịu thôi. Y cảm thấy mình cũng thế, mê chữ nghĩa như điếu đổ, hổng biết hút điếu cày say như thế nào chứ mê viết đến say như y cũng đến thế mà thôi! Y có thể viết liền một mạch dăm bài thơ, vài truyện ngăn ngắn...lắm lúc y cũng hoảng: ”Viết gì nhàm, nhảm mà viết hoài, viết quá nó loãng thì nhạt như nước ốc”, bởi vậy y mấy lần xé giấy bẻ bút ngừng làm thơ hay viết lách.

Y sống ở đời mà lúc nào cũng mơ mộng xa rời thực tế, ai ai cũng bảo thế! Thật tình thì y rất chậm, rất hậu đậu, ngoài viết lách ra y chẳng làm được việc gì cho ra hồn, việc kiếm tiền sinh nhai thì không cần phải nói, nếu có miêu tả thì chỉ có thể dùng một câu này: “tệ như con vợ thằng Đậu”. Với những vấn đề kỹ thuật, công nghệ, điện toán… thì y càng mù tịt, cứ quờ quạng như gã nhà quê lần đầu lên tỉnh. Việc gì y cũng ngơ ngác, trố mắt tròn miệng mà ngạc nhiên. Bài y viết gởi đi các nơi nhưng chả thấy hồi âm, cứ như thể Nasa phóng tín hiệu vào vũ trụ đề tìm sự sống khác ngoài trái đất. Ngày kia cũng có một tờ báo cho đăng bài của y, đăng chơi cho vui chứ chẳng có nhuận bút chi. Y thố lộ với vài vị tiền bối thì bọn họ cười sằng sặc: “Tỉnh lại đi chú em, ở xứ này người ta đăng cho là làm phước rồi đấy, bày đặt nhuận bút, hổng có đâu diễm!”

Y lại hoang mang, quả là đời y cứ hết hoang mang chuyện này lại hoang mang chuyện khác, có lẽ y lạc loài sanh lầm thế kỷ nên ra nông nổi này. Có lúc y thầm ao ước: ”Phải chi ta sanh vào cái thời hoàng kim của Cộng Hòa Nam Quốc, lúc ấy trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng, sách báo giàn trời luôn. Người viết hưng phấn, người đọc hăng say, viết đến đâu in đến đó, thậm chí nhà in còn đặt hàng trước, nhuận bút thì tươm tất dư sức qua cầu ăn phở Tàu Bay, uống cà phê Continental, hút Salem...Mơ tức là không thực tế, thực tế rất trần trụi khốc liệt chứ không đẹp và êm ái mê 1i như mơ. Ở cái vùng đất tạm dung, nói mỹ miều là quê hương thứ hai này, người viết không nhiều, những bậc tiền bối chỉ nhìn nhau và nhìn lên chứ chẳng chịu nhìn xuống. Bọn họ cứ khư khư chỉ có thế hệ vàng của bọn họ thôi, chẳng chịu những kẻ sau nối tiếp. Với bọn họ thì nhất định phải là quân dân cán chánh và hậu duệ của quân dân cán chánh mà thôi. Khổ nỗi lớp tiền bối đã già trong khi bọn hậu duệ thì có mấy ai viết tiếng Việt và càng về sau thì bọn sinh sau lại không biết tiếng Việt. Điều này dấy lên trong lòng y một nỗi mơ hồ rất mực bao đồng: ”Nếu cứ thế này thì một hoặc vài thế hệ nữa thì cái gọi là văn học người Việt ở vùng đất tạm dung này lụi tàn mất, lúc bấy giờ còn ai viết hay còn ai đọc tiếng Việt nữa chăng?’

Một hôm có người khuyên y: ”Chú em thích viết, mê viết cớ sao không viết bài cho cố quận? người gốc Mít tuy không còn nhiều người đọc, nhưng tỉ lệ dân số đông thì cũng có thể vớt vát được chút ít, vả lại báo chí cố quận trả nhuận bút cũng đàng hoàng lắm”. Nghe thế y thêm lần nữa hoang mang, y lẩm bẩm: “Cũng có lý!” tuy nhiên cái hoang mang này vừa thoáng là tan biến ngay. Y hiểu rất rõ, rất cặn kẽ. Y không hợp với những loại báo chí đó, vả lại có gởi thì bọn họ cũng vứt vào sọt rác mà thôi, ấy là chưa nói còn có thể gặp rắc rối. Y biết bài viết của y không thích hợp với bọn họ. Y còn mãi suy tư thì người kia lại nói: “Hãy xem một vài tờ báo nào mà thấy thích, cứ viết nương theo quan điểm của họ thì họ sẽ đăng thôi. Còn chắc ăn hơn thì chú ý cái nhìn nhận của ban biên tập mà viết thì bài sẽ đăng, bọn họ chịu đăng thì ắt có nhuận bút”. Y thoáng nghĩ: “Nghĩa là mình phải khom lưng qụy gối để viết theo ý người ta, thế là mình biến mình thành người máy hay kẻ viết thuê!” thế này thì không được! Y bèn trả lời người kia: “Cảm ơn sự chỉ dẫn nhưng em không làm được. Em chỉ viết theo sở thích và cảm hứng, không thể dùng bút của mình viết theo cái nhìn của người khác, không thể dùng miệng mình nói cái lời của người khác” Vị tiền bối ấy mới cười cười: “Thế chú em tưởng ở xứ này có thể viết tất cả sự thật được à? Không đâu, hoàn toàn không có thể, có những vấn đề nếu mà xâm mình viết ra thì bị dập te tua, bị chụp cho vài cái nón cối ngay lập tức. Dân gốc Mít mình cực đoan lắm, hễ viết phe ta thì phải là tuyệt đối tốt, toàn mỹ, cực hảo còn phe địch thì phải tuyệt đối xấu, cực kỳ xấu, toàn diện xấu. Bằng như chú em dám viết cái xấu phe ta hay mặt tốt phe địch thì chú em sẽ bị ăn đòn ngay lập tức, sẽ bị bề hội đồng đến má nhìn cũng hổng ra. Chú em trẻ người non dạ nên không biết chuyện những người trung dung dám vạch cái sai của ta cái tốt của địch nên những kẻ ấy vô tình trở thành những cái bia cho hai bên nhắm bắn! Ở đời làm gì có cái chuyện tuyêt đối, trời đất còn có chỗ lệch, vũ trụ còn có hố đen kia mà, nhưng người gốc Mít ta thì khăng khăng chỉ có ta tốt và địch xấu! Còn ta hay địch là tùy trong hay ngoài.”

Nghe vị tiền bối giảng cho bài học thấm thía, y cũng mở chút ít cái tầm mắt ti hí của mình, thật lòng thì y cũng thấy thế chứ không phải không. Y vẫn tràn vẩn vơ mông lung suy nghĩ thì cũng vị tiền bối ấy bồi thêm: “có một lối này, chú em cũng có thể theo nếu chú em thích viết lách mà vô sự, cứ viết những chuyện vô thưởng vô phạt, nhân danh nghệ thuật vị nghệ thuật một cáchn thuần túy, đừng động đến chính trị, nhân quyền, quốc sự, tôn giáo… chi cả. Cứ thất tình, tương tư, tình tay ba, tay tư, chuyện ăn chơi gái gú, khoe thân khoe của, khoe danh, du hí chỗ này chỗ kia… mặc sức mà viết, bài vừa dễ đăng vừa nhiều người đọc”

Y ngẫm nghĩ trong đầu chứ không thốt ra lời: “hóa ra là đĩ chữ à? nếu thấy bất bình mà làm lơ, chỉ múa chữ cho những chuyện bá vơ thì còn tệ hơn gái bán thân. Nếu thấy tốt không dám ca ngợi, thấy xấu không dám lên tiếng thì còn gì cái gọi là cao quý của văn chương? Nếu cứ như thế thì đúng là nghệ thuật vị nghệ thuật, trốn trong tháp ngà chuốt chữ mơ màng ngày tháng”. Y rối trí, lần đầu thấy mình không biết làm sao, đã thế bạn bè của y còn xúi: “Mày dẹp quách cái chuyện viết lách ấy đi! nhức đầu, mệt tâm, đau mình mà có được con mẹ gì đâu, cứ như bọn tao nè, hưởng thụ ăn chơi tới bến luôn, đời như vậy có phải sướng hơn không? Đừng có tốn thời gian vô ích vào chuyện viết lách nữa, dành thời gian đó để mà hưởng thụ đi, đời có nhiêu đâu!”

Y cũng muốn sung sướng hưởng thụ lắm chứ, y là con người chứ có phải người máy hay ông thánh đâu! Ngặt một nỗi chữ nghĩa nó cứ ngọ nguậy trong đầu, trong tâm cứ như dòi bò trong xương, trùng đục trong thân, phải viết ra thì mới thấy dễ chịu, đôi khi viết được bài hay hay thì sướng dễ sợ luôn, cứ như người phê thuốc phiện, thuốc phiện ai hút nấy phê, người không hút thì có miêu tả thế nào họ cũng không làm sao biết được cái cảm giác sướng khi phê thuốc phiện. Người viết cũng giống kẻ khổ dâm, nếu kẻ bệnh khổ dâm càng được hành hạ, càng thống khổ thì càng cực sướng. Người viết cũng thế, phải dằn vặt, vật vã lắm mới viết ra được những điều hay, càng viết càng thấy sướng mê tơi. Y lại nhớ chuyện năm xưa Trang Tử với Huệ Tử đi chơi trên cầu hào. Trang Tử bảo con cá đang sung sướng bơi lội trong nước. Huệ Tử làm khó: “ông không phải là cá sao biết được niềm vui của cá?”. Trang Tử đáp: “ông không phải là tôi thì làm sao ông biết được tôi biết hay không biết niềm vui của cá?” thế đấy! Bọn bạn của y đâu phải là y thì làm sao chúng biết được cái sướng của y, thôi thì đường ai nấy đi, bọn họ cứ sướng với cái sướng của họ. Y cứ việc vật vã viết làm cái sướng của y. Y chấp nhận làm kẻ lạc loài sanh lầm thế kỷ, cứ xem việc viết lách là thú tiêu khiển lấp thời gian trống, viết cũng chỉ là chơi thôi mà!

***

Y mất toi cả buổi sáng mà trang giấy chẳng đầy, lòng hoang mang lắm: “có lẽ nào suối nguồn đã cạn? Chẳng nhẽ chẳng còn đề tài gì để viết sao? hay là cảm xúc đã khô khan?” vừa hoang mang nhưng lại vừa thoáng chút mừng thầm: “hay là nghiệp đã tận? nếu thế thì từ đây không còn ân oán gì với chữ nghĩa nữa, thế là có thể gối cao ngủ kỹ chẳng phải lo bò trắng răng, chẳng phải bận tâm vì những việc bá vơ của thiên hạ.” nghĩ tới đó chợt nhiên một làn sóng sung sướng xuất hiện lan từ đỉnh đầu đến tận bàn chân, tỏa đến từng tế bào khắp thân thể giống hệt như người phê thuốc phiện. Bất thần y tung cả giấy lẫn bút và nhảy cẫng lên: “hooray, hooray!”

Ất Lăng thành, 03/22



VVM.10.7.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .