Ngồi uống trà nơi bộ trường kỷ ở nhà xưa của bà O, nghe ngoài ngõ tiếng huýt gió ca khúc ’Ngày Về’ của Hoàng Giác; mà chạnh lòng. Thì ra ông bạn trung học của tôi gặp nhau ở đêm hội thơ và nghe nhạc cổ. Cửa khép, gió xuyên qua lá sách nghe tợ nhạc điệu êm dịu. Không khí buổi sáng ở nông thôn trong như thủy tinh, tỏa hương thơm mùi phấn son của cung phi đài cát, tiếng lá xào xạc xen với tiếng guốc gỗ vông làm gợi lên câu văn cỗ điển năm nào’con nai vàng ngơ ngát đạp trên lá vàng khô’ Cái âm vang nửa vời khó chịu của nỗi nhớ. Thuận xô cửa bước vào mắt liến thoắng, nhìn cảnh nhà mà tỏ ra kinh ngạc, y cười như muốn cù rủ tôi điều gì. Cái khí thế của Thuận làm tôi trẻ ra, trẻ hẳn; để nhận lời thỉnh cầu của người bạn cũ: ”anh uống cụm rượu này”. - bữa ni còn chay anh! Tôi không ngờ một tay ăn uống cẩu thả mà nay ăn chay trường, Thuận nhỏ hơn tôi một vài ba tuổi đời nhưng sớm ’giác ngộ’ nhà Phật. Bên ngoài hình như trời đã ran nóng. Tôi thèm ngọn gió mát.Thiệt quả gió đưa về mang theo mùi hương của cúc đại đóa, của huệ trắng nghe như phong cách khiêm tốn của kẻ nhàn du, của tôi; của những cảm giác phiêu du xưa một mình với bóng đêm. Hôm ấy tôi ép Thuận nhắp với tôi một vài chung. Thuận đau khổ hiện lên gương mặt; tôi trấn an bằng những câu kinh của Vệ Đà, của Bà-La-Môn, của Cô-Răn coi rượu là phạm tội, hành trình rao giảng của Thích Ca không nói rượu là phạm tội. Chén thù chén tạc, chén chú chén tôi làm cho Thuận gần như giải thoát. Cái ’buổi ban sơ hạnh ngân dài’ của thi sĩ Bùi Giáng là chứng thực. Lúc ấy bọn chúng tôi thèm nghe một khúc nhạc xưa như thầm nghĩ lấy tiếng nhạc mà đãi ngộ riêng mình. Với tôi cái ẩu-đả đã thành chuyện, nhưng thấy Thuận khuất lụy giữa đời và đạo; mặc dù Thuận ưa sống lối cư sĩ tại gia làm tôi cũng ái ngại vô cùng, cái lối cư sĩ thời đại là phạm tội ở cái chỗ nửa vời chưa đi hết đường trần thì làm sao gọi là cư sĩ; mà trốn Phật. Phải hành qua khất sĩ mới vựt được đạo. Hôm nay Thuận đã sống thực con người hiện sinh nhà Phật. Trong thâm tâm tôi vẫn mong Thuận đạt tới chân tu giữa cái thời mạt-pháp này. Bọn chúng tôi ra chợ tìm một thứ gì chay mà có chất mặn để nhấm nháp với rượu làng Chuồn là hợp lệ giữa hành và đạo. Có thứ gì mặn miệng ở giữa đời này mà nói là chay? Ngọn gió sông tát vào mặt chúng tôi như thức tỉnh, trời thương cái tình hào khí của chúng tôi mà không phụ, đưa ra cái đề tài nầy có khác chi là công án của Thiền. Nhưng cứ ăn mà không nghĩ là ăn, cứ chay mà nghĩ là mặn thì không mấy phụ tấm lòng qúy hóa của rượu Chuồn ’danh bất hư truyền’. Trong tâm can bạn Thuận có một chất vấn về chuyện chay mặn khi thật sự tuyên bố trường trai hay đây là ý tứ của một người muốn đổi đời. Thuận muốn đổi mới tư duy; không biết qua mấy lần quyết định. Nhìn Thuận sống tuồng như thách thức tôi ý nghĩa của đổi mới này. Không biết mai đây cái đổi đời của anh có thêm được gì không, có thay đổi gì không và có đem lại cho tôi một ngạc nhiên nào hơn trong cái cảnh cư sĩ Phật giáo, một sự kính phục thanh cao nào hơn? Thôi! Thình lình gió xuân đến thổi thốc đám tóc bạc màu khói lam trên đầu Thuận và tôi. Tôi thầm mong Thuận thành đạo trên chặn đường trường trai cư sĩ. Vào quán chay chúng tôi gọi món giả-cầy và món cá-tràu-kho-tộ, khai vị chúng tôi gọi thêm một diã chả-giò để đối đãi rượu Chuồn. Ẩm thực thỏa thê; chúng tôi đợi cơn mưa ’dội bùn’ dứt mới thủng thẳng ra về. Thuận cúi đầu, bước đi như sám hối. Dọc đường hàng cây bàng chao cành ào ạt, lá me bay như dạt dào sóng nước. Gió mùa xuân lước qua trên đầu mái ngói, mái tranh nghe rạn vỡ, đút vào tai chúng tôi lời cám ơn thì thầm của rượu Chuồn. Riêng tôi; giác ngộ đến không ngờ! tôi đưa mắt nhìn Thuận miệng còn lẩm nhẩm lời kinh Kim Cang. Người muốn tu như Phật. Khó lắm Thuận ơi!
Ngồi ôm lưng Thuận trên chiếc xe máy hai bánh, đời cũ. Khởi từ ngọn núi trọc, con đường đến chùa nằm thâm sâu ở rừng vắng. Vút qua những cánh đồng hoang cỏ héo, vài con bò ốm gặm cỏ, trên nền trời vướng một ít mây xám, xen lẩn với đồi núi, làm tối sầm một góc trời đang xanh; quằng quèo trên những con lộ đất khô, vẫy bụi mù khi xe chạy qua, mồ mả chen nhau nằm an nghỉ, bia mộ cao ngất, xa xa một vài ngôi chùa mới lập. Được dịp ngao du sâu thẳm như thế cho chúng ta phơi ra những ý nghĩ riêng tư trong mỗi chúng ta, phóng ra từ một tâm hồn chơn chất thoát tục của con người. Khi được đổi không khí thì hồn được giải thoát nhẹ nhàng, bạn tôi cho là phương pháp vật lý trị liệu, vì; thư giản đánh bẹp căn bệnh trầm cảm hoặc tống khứ cái sự bức xúc, dồn nén ra khỏi linh hồn. Xe chạy như đuổi với thời gian. Thuận cắm đầu chạy. Chùa mà Thuận đưa tôi đi thăm nằm khép nép bên ngọn núi vô danh, bốn bề không có cư dân. Sâu khuất. Nắng trưa trút xuống đầu chúng tôi, những hàng cây bên đường mỏng, cao vút đong đưa với gió như thách đố thiên nhiên; nước cho cây uống khác gì lạc đà sa mạc, đất cứng như nắm xương khô; thế nhưng vẫn điềm nhiên với tự tại. Cây và người đều một bẩm sinh. Chùa xây dựng nghe đâu những nhà khảo cổ cho biết trên dưới bốn trăm năm, trước cả đời thịnh Trần, thịnh Lê(?). Thời gian đã làm khuất lấp di tích lịch sử nầy, quên hay cố tình quên cho nên mỗi người mỗi định nghĩa khác nhau. Nói là chùa cho trang nghiêm để thờ phượng. Chùa cấu trúc theo dạng miếu thờ. Thời đó không ai nhìn nhận là chùa; mà là cái am lớn không to hơn chùa mà cũng không nhỏ hơn miếu, theo truyền thuyết mơ hồ thì đây là miếu thờ của một vương phi khi không còn hưởng ơn mưa móc của Thánh Thượng, lập ra đến khi quy tiên có nơi thừa tự. Đến nơi; bốn bề trống không, cây cối um, nghe cú kêu tiếng đục mờ giữa ban ngày, Thuận và tôi cảm thấy xa lạ, tợ như lạc giữa rừng. Nền đá xanh không còn ngăn nắp, tấm bể, tấm nức, cột am xiêu vẹo như người say đứng tựa với bình rượu, cửa tiền diện cái còn, cái mất, nhìn xuyên vô bệ thờ cho ta thấy tượng Phật đá, tạc gương mặt buồn hơn trầm tư tĩnh toạ, cũng chẳng thấy đèn hoa,hương án. Chùa lạnh tanh như cõi chết. Gió từ xa quất tới, cổ am run, hứng chịu như mỗi khi mưa to gió lớn. – Có phải đây là chùa bỏ hoang. Ai mà đến đây tu? – Có anh ạ! Thuận và tôi lần mò ra sau cổ am thì nhận ra một vị sư già, gầy khô, tay cầm con dao nhỏ, đứng nhìn luống rau khoai. Không ngạc nhiên và chẳng động tĩnh. Lặng đứng như đang đối thoại một mình với hư vô. –’Ông nở lòng nào cắt sự sống của tôi’. –’Khoai là thực vật đâu có cảm giác đau đớn mà van xin’.- ’Ông thử xem đi; tôi sẽ chảy ra máu cho ông xem’. –’Vậy lấy gì ta sống?’. –’Tôi lấy gì nơi ông để tôi sống’. –’Tôi thở hít như ông, ăn uống như ông nhưng ông thấy tôi có đòi hỏi gì hơn ông không?’. –’Phận của khoai sinh ra để dinh dưỡng’. –’Nhưng ông không thể ngức xé, bỏ tôi trên lửa, luộc, nhai, nuốt thân tôi. Ông có đau đớn không?’...
Vị sư già ngoảnh nhìn chúng tôi với đôi mắt trầm và lặng lẽ đi vào cổ am, tay cầm mấy cọng rau khoai vàng úa. Thuận và tôi theo chân vị tỳ kheo già; ăn vận đơn sơ, áo bạc màu nâu, hai cùi tay áo vá lên hai miếng vải sậm màu, chân đi đôi dép nhựa mòn, tóc bạc dưới cái mũ rơm. Sư chỉ chúng tôi ngồi ở cái đôn sành đục màu với chiếc bàn tròn long mộng. Sư vói tay vào bao bố lấy ra nắm lá khô, đốt lửa chế nước mời chúng tôi. Chung quanh bếp lửa chỉ thấy vỏn vẹn một hủ muối hột trắng. Tỳ kheo ngồi xuống bàn rót nước, đầu cúi xuống, không nói chỉ lắng nghe, gật đầu đi theo với nụ cười nhân hòa. – Anh Lễ uống chén nước nầy để thấy cái đậm đà của chất ’trà lá’. Tôi thấy Thuận uống không do dự. Sư nhắm đôi mắt để nhận ra rằng giữa cõi đời này còn có người nghĩ tới chốn thâm sâu của Phật-Am.
Tôi lâu nay như kẻ đứng bên lề cuộc đời, mặc cho đời nói ngang, nói ngược; tôi đánh mất bản ngã, nhưng; nhờ chuyến đi chơi xa vùng núi mới nhận biết thái độ, tư duy và tinh thần của mỗi con người trong chúng ta, hiểu ra rằng tại sao con người có những chọn lựa khác nhau, tại sao phải chọn một đời sống ở chốn đìu hiu hút gió, sơn lâm cùng cốc. Và; tại sao có kẻ lại ưa rồng bay, phượng múa, trau chuốt, vẽ mặt vẽ mày đứng lên sân khấu và tại sao lắm kẻ lại ưa nói cái tốt cho mình một cách tự hào; để rồi sau buổi diễn họ về với trống không. Một sự thật phủ phàng, ê chề mà họ không tìm thấy hay người đời còn ráo riết đuổi theo ảo và thực? Có lẽ đó là lẽ sống. Thuận chọn trường trai để chay cho tâm hồn và thể xác; có thể đó là lý do vượt thoát để hướng tới ...
Tôi hình dung vị sư già đang ngồi tịnh trong bóng tối ở cổ am, ngoài hiên am bầy khỉ đang rình cướp lọ muối, nắm rau úa và nải chuối mật chín rệu mà sư dành để độ nhật. Sư già vẫn an nhiên tự tại với nụ cười nhân hậu, không một dấu hiệu xót xa, đau khổ. Tôi nhận ra mình chẳng mong đợi gì hơn và để cho đời chìm theo thời gian. Bóng hoàng hôn đã ngã về phiá tôi. Gió không tới chiều nay, những lũ chim hình như trốn màn đêm để tìm nơi an trú. So ra; quảng đời dài trong tôi chưa có nơi an trú thật sự như loài chim ./.