Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



CUỘC CHIA TAY BẤT ÐẮC DĨ


         Chàng đi Thiếp cũng đi cùng
         Ðói no Thiếp chịu, lạnh lùng Thiếp cam
        
Ca dao

         (Tặng T.X).

T ụ từ từ mỏ mắt.
Xung quanh im lặng, mùi thuốc sát trùng xộc vào mũi làm anh tỉnh hẳn. Theo thói quen Tụ trở mình... người đau ê ẩm... chân phải tê dại, anh đưa mắt nhìn xuống, thấy chân mình bó bột. Tụ hốt hoảng, quờ tay lên vách tường bấm chuông. Người thiếu nữ Ðức trẻ, đẹp vận Blu trắng xuất hiện ở khung cửa, tiến tới , hỏi:
- Ông cần gì ?
- Ðây là đâu, sao tôi lại nằm ở đây ?
- Bệnh viện thành phố. Ông bị xe cán, chấn động não... rạn xương chân phải bó bột, nằm viện đã 2 hôm. Yêu cầu ông nằm nguyên bất động để chỗ nứt mau lành. Ngừng một chút, cô y tá tiếp : Ông có cần gì không, nhắn cho thân nhân chẳng hạn ?
- Không, cám ơn. Cho tôi xin ly nước.
Cô y tá quay sang chiếc bàn bên cạnh rót, đưa, đoạn sắp xếp bàn thuốc, dém chăn cho người bệnh rồi đi ra.
Trong đầu Tụ dần phục hiện các sự kiện sẩy ra vào chiều hai hôm trước... Anh chỉ nhớ, có việc đạp xe ra Bưu điện... một chiếc ô tô chạy ẩu đến sát... rồi không nhớ gì nữa... Tụ bỗng suy diễn rộng ra : ''Nếu lúc đó mình bị tử nạn thì sự thể bây giờ sẽ ra sao'' ? Một luồng khí lạnh chạy từ dưới lòng bàn chân lên đỉnh đầu khiến Tụ toát mồ hôi. Tự dung anh nhớ đến Xuân và chuỗi ngày đã qua...
Ðồng hồ đeo tay đã chỉ 4 giờ chiều. Anh đưa mắt lướt nhìn trên mặt bàn thấy chiếc TéléFunk Nokia nằm ở sát tường, nhẩm tính lúc này ở Việt Nam 10 giờ đêm, Tụ với tay cầm máy, bấm số gọi. Lát sau đầu kia gịong Xuân vẻ ngái ngủ :
- A lô, ai đó ?
- Mình, Tụ đây, Xuân hả ?
- A !... Anh... khoẻ không ? Có chuyện gì vậy ?
- Không có chuyện gì cả - Tụ định nói thật, nhưng chợt nghĩ... lại nói chệch đi - Mình được nghỉ phép mấy ngày, gọi điện thăm Xuân thôi.
- Con đâu, anh ?
- Nó làm ca chiều... 12 giờ đêm mới về - Tụ ngượng ngập vì nói dối, nhưng sợ Xuân biết, anh nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tiếp - Còn em tình hình ra sao ?
- Công việc cũng... bình thường... nhưng không được khoẻ... bệnh đau dạ dầy của em lại tái phát.
- Hay - Tụ ngần ngừ - Hay là... em nên xin nghỉ phép sang chơi với con đi! Nó nhớ em lắm đấy - Tụ tiếp tục đưa đẩy.
- Thế à ?
- Dạo này khá rồi... nó bảo sẽ ''tu chí'' đi làm kiếm tiền, về phép, đón mẹ sang...
- Cám ơn hai cha con anh. Ðể em suy nghĩ thêm.
Tụ thấy đầu kia có tiếng hổn hển thở mạnh (...) - tiếp sau đó giọng Xuân đục khàn - Hôm nay em mệt, vừa uống thuốc... vẫn chưa dứt cơn đau. Mai đỡ, em sẽ gọi cho anh nhé ?
- Ừ, em nghỉ đi. Mai anh sẽ gọi lại. Tụ gác máy, thấy lòng xao xuyến, nỗi buồn mênh mang dồn dập tới...
Thực ra, mục đích gọi điện về để đỡ cô đơn sau cơn sốc bị tai nạn. Nhưng khi nói chuyện với Xuân, anh thấy thương cô, thương mình. Trong đầu anh bật ra ý nghĩ đưa Xuân sang sống với con trai. Tụ biết tính Xuân : Cố chấp, kiêu căng... khó mà thay đổi ý, kể từ khi Tụ ngỏ lời mời, hồi 4 năm trước cô đã từ chối phắt. Vài lần khác kết qủa vẫn như vậy.... Hai người tuy chẳng còn gì vương vấn sau 20 năm chia tay nhau, nhưng dường như trong lòng cả hai vẫn vướng đọng suy tư trăn trở... Anh vẫn sống độc thân trong khi đó - chẳng hiểu vì sao - Xuân cũng giống như Tụ, không lấy chồng, để tuổi xuân 20 năm lững lờ trôi. Nàng vẫn sống một mình ở căn nhà của bố mẹ, nơi nàng sinh ra, lớn lên. Sự gían đoạn chỉ là thơi gian Xuân đi Liên Xô du học... về nước lấy chồng. Cuộc tình kéo dài được dăm năm rồi chao đảo, sóng gió... cả hai quyết định chia tay nhau. Ly dị xong, Xuân lại trở về đây sống , tới khi cha gìa qua đời. Nhà rộng thênh thang, nhiều khi thấy trống trải, Xuân vẫn không muốn xa rời nơi đã để lại trong lòng nàng nhiều kỷ niệm...
Dường như thời gian đã giúp cả hai tĩnh trí, nhìn về quá khứ rồi chiêm nghiệm những sự kiện đã diễn ra... Bạn bè, thân nhân của hai gia đình hết sức ngạc nhiên, xúm vào khuyên giải nhưng không thể nào lay chuyển nổi quyết định của họ. mong cho họ ''gương vỡ lại lành''. Nói chán không thấy tiến triển, mọi người đành thất vọng bảo nhau : Chịu ! Duyên số do trời định... làm sao cưỡng được số mệnh !
- Số mệnh ?!
Họ đến với nhau do có duyên.
Họ chia tay nhau vì không có phận, vì số mệnh...
...
Năm 1972 Tụ tốt nghiệp trường Ðại học Xây Dựng Hà Nội, được phân về công tác ở Viện thiết kế Tổng hợp. Năm 1976, chiến tranh vừa đi qua. Kỹ sư xây dựng đang rất cần cho công cuộc phục hồi đất nước. Tụ học giỏi, khoẻ mạnh, tháo vát, tràn đầy sức sống, đúng là mẫu mực cho một thế hệ trí thức mới. Học Kĩ thuật nhưng lại yêu thích Văn học - Nghệ thuật : Vẽ tranh, viết truyện, làm thơ, ca hát... đặc biệt trong cuộc sống, anh chan hòa với mọi người, đến nỗi hễ Tụ xuất hiện ở chỗ nào là nơi ấy sôi động, không ngớt tiếng cười, nhất là khi nghe Tụ kể chuyện Tiếu lâm.
Sự tán thưởng Tụ của ban lãnh đạo Viện chính là nằm ở chỗ anh rất gỉoi chuyên môn, kiến thức uyên thâm. Sau 5 năm làm việc, anh đã được Viện trưởng giao trọng trách chủ trì phòng Kiểm tra - Thẩm định thiết kế công trình. Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ, Tụ đã chứng tỏ khả năng mình trong công việc bằng một loạt những phát kiến, đề xuất có hiệu quả. Uy tín cá nhân tăng lên.
Một hôm đang cùng đồng nghiệp họp với Viện trưởng nghe phổ biến nhiệm vụ mới. Cô nhân viên đưa cho Viện trưởng ống nghe điện thoại. Ông nghe... lát sau buông máy hướng vào Tụ nói : Bây giờ mình có việc cần nhờ cậu.
- Xin anh cứ nói, nếu không quá khả năng tôi sẵn sàng.
- Ðơn giản thôi : Cậu xuống phòng thường trực đưa hộ tôi cô gái đang chờ, lên đây.
- Viện trưởng thiên vị ! Sao việc đó không nhờ bọn này mà lại phải cậu ta ? Trưởng phòng Tài vụ lên tiếng.
- Lần sau, cô khác, sẽ đến lượt cậu, nhưng phải về xin phép vợ đã. Mọi người cười vang. Tụ dửng dưng đứng dậy đi xuống, đã thấy một cô gái ngồi chờ. Cô ăn vận rất Mode: Quần Bò Jean, áo Phông, ngoài khoác áo Bò bẩy mảnh. Khổ người cân đối, hơi mập nhưng vì cao nên nhìn vẫn thanh thoát. Bộ quần áo Bò vừa vặn làm thân hình nổi rõ những đường cong... Cộng với khuôn mặt trái xoan, nước da trắng, môi hồng tự nhiên, trông cô đẹp như diễn viên bước lên sân khấu.
Thấy Tụ tiến đến, cô gái đứng dậy, hai người nhìn nhau ít giây, Tụ chưa kịp lên tiếng, cô gái đã nói: Anh có phải là người xuống đón tôi không ?
- Vâng, theo lệnh Viện trưởng, mời chị .
- Viện trưởng phái anh xuống dẫn độ - (cô dằn mạnh, kéo dài từ này) - tôi ư ? Cô gái nghiêm mặt hỏi lại. Tụ xửng sốt nhìn , chợt nhớ ra câu nói của mình... vội tươi cười chữa lại: Xin lỗi, tôi dùng từ không chính xác : Chúng tôi đang họp, ông Viện trưởng bắt dừng lại bảo tôi xuống ''rước'' chị lên - Tiếng rước, Tụ cố ý kéo dài - Cô gái thoáng vẻ ngạc nhiên, nhưng vẫn chăm chắm nhìn vào mắt Tụ, nghiêm nghị tiếp :r Tôi là Xuân. Còn anh tên gì ?
- Dạ thưa, tôi là Tụ !
- H... ư... ừ... m ! Anh được nền giáo dục nào dậy dỗ... lễ phép... đáng khen. Nào ta đị ! Dứt lời Xuân cúi xuống xách va ly.
Tụ tiến đến, nhanh nhẹn cầm quai, nhưng chậm hơn Xuân, khiến tay anh nắm trọn tay cô trong lòng bàn tay mình. Như có luồng điện giật... Xuân rút nhanh tay... tuy vậy vẫn chậm mấy chục giây. Khoảnh khắc ấy - dường như trong đầu hai người có tiếng sét nổ - cả hai vội cúi xuống, lầm lũi cất bước. Họ quen nhau, trong trạng thái đặc biệt, có ấn tượng về nhau cả 2 ra chiều vui tuz không thoải mái ngay từ giây phút đầu tiên ấy.
Xuân được phân về làm việc trong phòng của Tụ. Cô học ngành kết cấu công trình xây dựng . Tốt nghiệp bằng đỏ. Không hiểu sao Xuân thấy khó chịu khi biết mình sẽ làm việc dưới quyền ''anh chàng hợm mình''. Cô lên gặp Viện Trưởng đề nghị thay đổi quyết định - ''... Phòng nào cũng được, miễn là không ở phòng Kiểm trta - Thẩm định Thiết kế'' - cô khăng khăng ra điều kiện với Viện trưởng.
- Tại sao vậy, cháu không thích công việc này hay không thích cậu trưởng phòng ? Ông Viện trưởng gìa nheo mắt nhìn cô con gái cưng của người bạn thân. Ông nhớ đến lời của bạn nói về con gái mình : ''Nó thông minh, có bản lĩnh, nhưng cực kỳ hiếu thắng''.
- Thằng cha đó... chắu không chịu nổi. Cháu linh cảm thấy làm việc dưới quyền hắn... có thể... rồi thế nào chắu cũng sẽ ''đánh nhau'' với hắn thôi.
- Thế a ? Làm gì mà đến nỗi. Chắu mới gặp cậu ta một lần, hôm đi đón chắu. Hắn hơi cao ngạo, nghệ sỹ tí chút nhưng chuyên môn khá lắm. Nếu chắu cần ''viên đá mài dao'' cho sắc để đấu với đời, theo chú không có viên nào tốt bằng viên này. Trừ phi - ông ngần ngừ nhìn xoáy vào mặt Xuân - lát sau mới thong thả quay đi, tiếp - Trừ phi... cháu sợ hắn !
Ðiên ruột nhất là lúc Viện trưởng phóng tia nhìn chăm chắm vào mắt Xuân, cặp mắt ấy như đang cười cười toát ra vẻ diễu cợt, khinh thường, cứ như khiêu khích... rồi lát sau sau ông mới chậm rãi tiếp : Mà cũng đúng thôi ! Chắu là phái yếu... hắn là đàn ông, con trai, đã có ba người đều học ở nước ngoài về - kể cả một cô gái - làm việc dưới quyền hắn được dăm tuần, không chịu được thử thách... sợ... đã bán xới... hừ... ừ... ừm...
- Chú đừng đưa con ngoáo ộp đó ra dọa chắu. Có thật như thế không ?
- Thật ! Nếu chắu chưa tin cứ thử tìm hiểu... rồi ít lâu... nếu không chịu được - đánh nhau đến nơi - chú sẽ chuyển chắu đi cũng không muôn.
Viện trưởng dứt lời, ngần ngừ nhìn Xuân - lại vẫn cái nhìn có vẻ thương hại...
Lời nói của Viện Trưởng quả thật có tác động mạnh. Xuân tròn xoe đôi mắt nhìn ông ta. Cách diễn đạt vấn đề bằng lới nói kèm thần sắc của Viện trưởng thật độc đáo khiến Xuân ngạc nhiên. Trong đầu cô bật ra ý nghĩ kỳ lạ... giọng Viện trưởng lại đột ngột vang lên, lần này nghe ong ong, chói màng nhĩ :
- Tuy vậy chắu phải bình tĩnh, cân nhắc... kẻo sau này lại trách chú. Làm sao chú giải thích để người bạn già - cha chắu - thông cảm và tha cho chú khi cô con gái rượu của ông ta bị ''xây sứt'' !...
Ðến đây Viện trưởng hoàn toàn suy xụp. Ông gục đầu xuống trông thật thiểu não.
- Ðã vậy, cháu không xin đi đâu nữa để xem thằng cha ghê ghớm thế nào. Mặt Xuân đỏ bừng, sát khí đằng đằng, tưởng như con ''ngoáo ộp'' đang đứng trước mặt. Dứt lời, cô vơ vội tờ quyết định, đứng dậy hầm hầm bỏ đi. Ông Văn - tên của Viện trưởng - nhìn theo mỉm cười. Với tay cầm máy điện thoại bấm số gọi cho bạn gìa...
Sau hôm gặp Tụ rồi nghe những câu nói ''móc''... cộng với cái cười diễu cợt của anh, hình ảnh, giọng nói kia cứ luôn lởn vởn trong đầu... càng gây cho Xuân sự khó chịu. Nhưng từ lúc gặp Viện Trưởng về, hình ảnh đó mất hẳn, Xuân chỉ còn nhớ đến những chi tiết về Tụ mà chú Văn cung cấp. Cô bắt đầu quan sát, chú ý đối phương. Có thể nói, khi làm việc, lúc thư rỗi, cô không rời suy nghĩ về Tụ. Thấm nhuần câu nói của tiền nhân ''Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng'' Xuân tự nhủ : Phải tìm ra sơ hở của con ngoáo ộp ''chơi lại''... cảm gíac dậy cho anh ta bài học cứ tăng dần... và giới hạn của sự chịu đựng ấy đã đến tột cùng, khi có một sự kiện ập đến :
Phòng thiết kế Công Nghiệp hoàn thành 2 phương án Thiết Kế mở rộng tổ hợp khu công nghiệp phía Bắc. Lãnh đạo Viện yêu cầu phòng Kiểm tra thẩm định thiết kế /KTTÐTK/ xem sét trước khi trình Viện trưởng phê duyệt. Xuân học giỏi, tốt nghiệp ở một trường Ðại học danh tiếng của Liên xô, lại đang rình thời cơ ''có dịp sẽ cho kẻ hợm mình bài học''... cơ hội đến, Xuân tự trấn an mình: ''hắn ta học ở trong nước... lại có thể qua mặt mình được sao''. Cô khấp khởi chờ đợi cuộc họp, sau khi đã nghiên cứu bản đồ án, phát hiện ra khá nhiều vấn đề... tin chắc Tụ không thể nào ngờ. Cô cất công tìm hiểu, điều tra, nhận thấy, ở Việt Nam từ trước đến nay, các nhà thiết kế thường coi nhẹ lĩnh vực bảo vệ môi sinh, khi hình thành ý tưởng xây dựng các công trình công nghiệp, trong khi ở các nước phát triển, người ta rất chú ý. Ngay ở nước mà cô vừa học tập, tốt nghiệp - cũng gần đây mới được họ triệt để quan tâm. Rất có thể - Xuân nghĩ - đây sẽ là điểm yếu của ''chàng''... ta cần bắt đầu từ chỗ này ! Xuân hăm hở, hối hả, tập trung làm việc. Chỉ còn mấy ngày nữa là cuộc họp bắt đầu... đành phải làm thêm giờ cho kịp thời gian. Ngoài vấn đề môi sinh ra, cô còn phát hiện được nhiều khiếm khuyết trong bản đồ án kia...
Theo thông lệ, cuộc họp thẩm định đồ án có 5 người : Trưởng phòng, tổ trưởng chủ trì các lĩnh vực : Kết cấu, Xây dựng - Kiến Trúc, Công nghệ và Xuân - với tư cách trợ lý của Viện trưởng.
Cuộc họp diển ra sôi động...
Tụ tóm tắt quy trình công nghệ của đồ án, mục đích của sản phẩm, hướng tiêu thụ... sau đó anh phác vài nét cơ bản của khu vực dân cư nơi công trình sẽ mở rộng... cuối cùng kết luận : Từng bộ phận đã nghiên cứu đồ án rồi, hãy nêu ý kiến, cuối cùng thống nhất để trình lãnh đạo quyết.
Do đã có chủ ý, Xuân ngồi nghe như nuốt từng lời của người phát biểu. Cô chuẩn bị ra quân khi thời cơ đến. Mọi người đã nghiên cứu trước, vả lại họ thật sự có khả năng nên các vấn đề tham góp đều rất trúng, rất đúng... Xuân không tìm được ở họ sơ hở. Những gì Xuân tìm ra, họ cũng nhận thấy và còn nêu các phương án giải quyết... Lần đầu tiên Xuân thực sự biết năng lực của các đồng nghiệp. ''Nhưng còn ý kiến anh ta, có thực tài không hay chỉ là chiếc thùng rỗng chờ xem sao'' - cô tự ghìm mình...
Tụ tóm tắt các ý kiến của mọi người, bổ xung những ý chủ quan của mình rồi kết luận. Xuân thật sự kinh ngạc. Quả thật Tụ nắm vấn đề thật chắc, đến nỗi, những gì cô xem là kẽ hở để len vào hòng đánh gục đối phương đều thừa, nếu cô đưa ra sẽ trở nên lố bịch.
Không thấy ai có ý kiến, như đoán được dụng ý của Xuân, Tụ quay sang, tiếp :
- Ý kiến chị thế nào ? Có đồng ý với các tác giả của đồ án không. Xuân đâm ra bị động, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh, làm vẻ quan tâm, cô nhắc : Tất cả đều đã rõ ràng. Tuy nhiên còn một vấn đề mà tôi thấy tác giả chỉ nói phớt qua, các vị cũng chưa thật chú ý xem sét nhưng lại là vấn đề đang được loài người quan tâm : Rác, nước thải công nghiệp sẽ xử lý ra sao, ở đâu ? Những thứ này sẽ gây ra ô nhiểm môi trường rất nguy hiểm. Bây giờ, vài năm tới, phương án của họ có thể chấp nhận được. Tương lai gần - 10 năm... xa hơn nữa, việc xử lý sẽ ra sao ? Nhà thiết kế quy hoạch chúng ta cần phải tính đến ?
Xuân nói với vẻ chân tình, đúng cương vị của nhà thẩm định thiết kế - đặc phái viên của Sếp. Ngay từ trước lúc lên tiếng, cô đã thay đổi cách nhìn cái tập thể và người lãnh đạo nó nên thái độ, ngôn từ chọn lọc đến nhã nhặn...
- Nhưng đề án đã có phương án xử lý cục bộ của từng nhà máy, phân xưởng rồi... xin chị xem lại - Chủ trì Kết cấu nhìn Xuân nhắc nhở.
- Tôi đã nghiên cứu và suy nghĩ : Nơi điều hòa toàn bộ của khu vực thì chưa có... Ðây mới là cái chính !
Tụ chợt giật mình, như bừng tỉnh trước ý kiến của Xuân.
Quả thật anh chưa chú ý, thậm chí quên hẳn lĩnh vực này. Chẳng phải là bỏ qua, thực ra anh coi vấn đề này không thuộc thẩm quyền của chủ nhiệm đồ án. Khi Xuân nêu lên, như nhắc anh nhìn vấn đề dưới góc độ khác. Tụ chợt thấy thầm phục tư duy của cô. Bề ngoài như đang chú ý lắng nghe cô nói về công việc, nhưng thực ra anh đang quan sát trực diện Xuân. Tụ phát hiện Xuân có nét đẹp nền nã, dịu dàng. Thái độ đúng mực của người hiểu biết, chín chắn trong khoa học... Từ sau hôm đi đón Xuân, nói mấy câu bông phèng trêu trọc rồi quên ngay, lần đầu tiên anh bỗng cảm thấy nể phục Xuân. Tránh để mấy ''quái nhân'' trêu trọc, Tụ từ tốn thừa nhận : Ðúng là ta chưa thật quan tâm đến vấn đề môi sinh. Tôi đồng ý với chị Xuân. Chúng ta cần đề xuất vấn đề này để Tổng công trình sư của tổ hợp công nghiệp giải quyết. Bây giờ ở khu vực này môi sinh chưa có vấn đề gì lớn lắm. Tương lai thì khác... Cám ơn chị đã cho ý kiến xác thực. Yêu cầu các anh tập trung suy nghĩ rồi bổ xung bằng văn bản, tôi phải nhận được bản thảo gấp, trình Viện Trưởng vào 4 giờ chiều mai - được chứ ?
- Ðược - ba tổ trưởng đồng thanh.
Cuộc họp kết thúc nhanh gọn, hiệu quả.
Ðã hết giờ làm việc . Xuân ra về với trạng thái tinh thần không được thoải mái . Hình ảnh của Tụ tự dưng cứ lởn vởn trong đầu. Khi ra ngoài chỗ để xe, cô gặp anh cũng đang loay hoay mở khóa chiếc xe đạp cuốc Liên Xô. Tụ ngẩng lên, hai người nhìn vào mắt nhau, anh chủ động hỏi : Chị về phố nào ? Xuân thoáng vẻ lúng túng - vì đây là lần thứ ba, hai người giáp mặt.
- Tôi về Thụy Khê. Còn anh đi đâu ?
- Tôi đi Bưởi. Thế là chúng ta đi chung một đường. Chị có đồng ý đi cùng không ?
- Anh thật khách sáo... lễ phép quá - Xuân đai lại câu nói hôm mới gặp mặt. Tụ mỉm cười, không đáp, đạp xe bon bon trên đường... Qua xửơng Phim Truyện, đến cửa nhà, Xuân xuống xe, tươi cười chào từ biệt. Không khí chan hoà bắt đầu được thiết lập. Hai người chia tay nhau trong cảm gíac bâng khuâng, khác hẳn buổi gặp gỡ ban đầu.
Ngày tháng tiếp theo, cứ sau những buổi tan tầm họ laị sóng đôi bên nhau trên đường phố Hà Nội, cùng với câu chuyện tiếng cười và những ý kiến tranh cãi... tình yêu của họ đến chầm chậm từ lúc nào khiến cả hai không cưỡng lại được...
Một năm sau, họ đi đến hôn nhân. 1 năm sau nữx bé Thắng ra đời. Ðể so lệch thời gian giúp hai người có điều kiện chăm nom con trai, Xuân được chuyển sang phòng khác.
Cả hai những tưởng đã chọn được người trong mộng để cùng nhau sóng bước trên đường đời, đi tới tương lai. Nhưng càng sống bên nhau hai người càng thấy gò ép, bức bối. Mâu thuẫn phát sinh ngày một tăng, xoay quanh việc chăm lo cuộc sống gia đình. Tụ thường được cơ quan cử đi công tác ở miền Nam. Vào cuối những năm bẩy mươi, kinh tế của miền Nam khá hơn so với miền Bắc, bởi vậy cán bộ được cử đi phía nam thường kết hợp chuyến đi mang vài thứ lặt vặt ở phía Bắc như thuốc lá sợi, sữa hộp... vào bán kiếm vài ba chục tiền bán chênh lệch rồi mua gạo cùng những thứ hàng điện tử tầm tầm, bãi rác ra trang bị cho sự thiếu thốn của dân Bắc.
Trong khi mọi cán bộ được cử vào Nam công tác, khi trở ra thường mang theo những món qùa, món hàng phục vụ cho sinh hoạt đói nghèo, thiếu thốn của dân Bắc, thì Tụ lại cho đó là việc làm mất sĩ diện, nhếch nhác. Ý nghĩ và hành động của chồng khiến Xuân khó chịu rồi đi đén phản ứng, trong khi Xuân vẫn phải tằn tiện từng đồng, chắt chiu lo từng bữa gạo, lạng thịt, cân đường cho con. Tuy rất muốn nhắc chồng giúp cô chuyện này, song cô lại ngại ''cần gì phải nhắc, anh ấy thừa biết hoàn cảnh của mình... chắc lần này có gì khó nên không tiện mua mang ra... thôi để lần sau...''. Cứ sau những lần không nhận được sự quan tâm cụ thể bằng vật chất của Tụ, Xuân lại tự nhủ mình như vậy. Nhưng lần nào Xuân cũng thất vọng, mâu thuẫn từ đó cứ tích lại, âm ỉ... rồi bùng nổ nhân một sự kiện xẩy ra...
Thành phố của nước Bạn Lào mời một đoàn chuyên gia tổng hợp sang giúp họ quy hoạch, thiết kế mở rộng. Tụ được chọn làm trưởng đoàn . Trong khi các thành viên tấtt bật vay bạn bè mua hàng thì Tụ chẳng bận tâm. Một người bạn thông cảm gợi ý cho vay và chuẩn bị hộ, Tụ gạt phắt... Sau hai tháng từ nước Bạn trở về anh em trong đoàn ''trúng qủa đậm'', Tụ chỉ mang theo ít quà sơ sài như những lần đi công tác Sài Gòn ra. Lần này Xuân thực sự tức giận khi tới thăm cô bạn, tròn mắt nhìn những đồ vật mới mua sắm sau chuyến đi cùng chồng mình. Cô bạn chỉ đống đồ mới sắm, giải thích : Có hai nghìn đồng vốn thôi - Hai nghìn nhé, nhưng biết thông tin cung cầu của hai nơi... kết quả sẽ như thế đấy ! Mình làm gì có đến hai nghìn, phải đi vay mượn, nhà mình xoay sở kết qủa : lãi gấp đôi !
Nhìn thấy Xuân xịu mặt, cô ta tỏ vẻ thông cảm, an ủi : Mình thật không hiểu anh Tụ nhà cậu nghĩ gì. Trước khi đi Vũ nhà mình đã bảo, chỉ cần đưa 1000, hay nhiều hơn thì càng tốt, để mọi chuyện ông xã mình lo. Nếu không có, anh ấy vay hộ. Ai ngờ anh Tụ gạt đi, lại còn mắng cho một trận... cậu bảo thế có ''hâm'' không ?
Xuân tái người khi nghe cô bạn bình phẩm. Quả thực Tụ không hề quan tâm đến Xuân và con. Anh ấy như vẫn đang sống trên mây với những hoài bão, viển ảnh... trong khi cô phải chật vật từng ngày từng giờ, lo từng bữa ăn cho con và cái gia đình nhỏ bé này.
Ðành rằng hoàn cảnh chung của đất nước vừa đi ra khỏi cuộc chiến tranh, mọi việc còn đang bề bộn. Nhưng, nếu là người có trách nhiệm với gia đình, thương vợ con thì cần gì ai bảo mới động đậy chân tay. ''Anh ấy hành động như chàng đại lãn. Suy nghĩ như các vị thánh. Chỉ giỏi nói, tranh luận... thao thao bất tuyệt'' - Xuân đã nhiều lần không thể kìm được mình, thốt ra những lời bình phẩm chồng. Cuối cùng thì mọi thứ vẫn chỉ đổ đổ lên vai Xuân. ''Trong đầu anh ấy đang chứa đựng gì, suy nghĩ gì'' ? Câu hỏi đã nhiều lần Xuân tự nêu ra, cô không giải đáp nổi... giờ đây lại ong ong vang lên...
Xuân từ biệt bạn trong trạng thái xúc động.
Về đến nhà đổ vật ra giường, gục mặt xuống gối khóc tấm tức...
Ðúng lúc Tụ về. Thấy Xuân nằm xấp trên giường, Tụ buông chiếc túi vải lên mặt bàn, chiếc hộp đựng cơm hai tầng bằng nhôm ở bên trong đụng mặt bàn phát ra tiếng kêu đánh cạch... Xuân chẳng thèm ngẩng lên, hỏi han. Tụ đứng giữa nhà trố mắt nhìn vợ, im lặng... hồi lâu mới bực bội bật ra : Con đâu, sao nhà cửa bề bộn thế ?
Ðang sẵn cơn bực, Xuân vẫn nằm nguyên, phóng cặp mắt nhìn Tụ như thôi miên, giọng rin rít : Anh còn nhớ đến con ư ? Còn nhìn thấy cái nhà bừa bộn ư ?
Hôm nay ở cơ quan đang có chuyện... trên đường về đã bực sẵn... giờ lại nghe thấy Xuân nói khích, cơn tức nổi bừng, Tụ quắc mắt nhìn, hỏi gịong thảng thốt : Cô nói gì thế ? Nhắc lại xem nào ?
- Tôi bảo, anh còn biết đây là nhà của anh, anh có vợ con ư ?
- Trước khi lấy nhau, cô đã biết tính tôi rồi kia mà ? Tôi không biết đi buôn, làm chuyện phi pháp để mang tiền về... Tôi giữ cho lương tâm mình trong sạch... điều đó không làm cô vừa lòng à ? Thật đáng tiếc - Tụ hạ giọng, nghe xa xôi, u hoài - ngay cả đến người mà tôi yêu, tôi sống chung... cũng không hiểu tôi, làm tôi thất vọng...
Như đổ thêm dầu vào đống lửa, Xuân bật dậy - Anh đừng lên giọng của một thầy tu ở ẩn nữa. Cuộc đời đầy rẫy bất công... Anh đang sống trên mảnh đất này hay ở bồng lai tiên cảnh đây ? Anh hết thuốc chữa rồi - Câu hết thuốc chữa - Xuân gào lên. Tất cả bực bội bấy lâu bị dồn nén, bị ghìm giữ... giờ khi nghe Tụ bộc lộ - được dịp thoát ra.
Không biết phản ứng của Xuân dữ dội hay, cô nói đúng tim mà Tụ bỗng thấy lòng mình dịu lại. Anh ngơ ngác tự hỏi : Phải, ta đang sống ở đâu ? Ta làm thế là sai ư ? Chả lẽ...
- ...
- Cứ cuộc sống này... suy nghĩ này... sẽ còn bất đồng... cho đến khi tanh bành cơ ! Bề bộn còn khá đấy ! Gạo tiêu chuẩn ăn cả tháng, hôm nay mới 20 đã hết... Con suy dinh dưỡng nhẹ, mà thịt, sữa, đường không có... lại còn củi, điện, trăm thứ bà giằn nữa... anh có nghĩ cách nào để thoát khỏi hoàn cảnh này không ? H... a... ả ? - Xuân, như chiếc nồi áp xuất đang sôi bị tháo chốt bảo hiểm...
Tụ còn đang bực vì một sư kiện ở cơ quan : Do quá bận họp hành không kiểm tra cẩn thận, bản thiết kế sai sót khiến bên thi công phát hiện phải làm lại tốn kém, mất mặt... cộng với cá tính hiếu thắng, cao ngạo... giờ lại bị Xuân ''té tát'', như bị điện giật, trợn mắt nhìn Xuân rồi lừ lừ tiến đến ngồi xuống chiếc ghế - (do chính tự tay anh đóng bằng gỗ thông, ván hòm thiết bị) - cố nén lòng, ra vẻ dịu dàng : Em thấy hối hận khi chung sống với anh phải không ?
- Ðúng, cho đến nay tôi ân hận nhất là lấy anh - Xuân thừa nhân, giọng khô khốc - Có lẽ cách giải thoát hữu hiệu cho nhau khỏi bế tắc này là chia tay, tìm một cuộc sống khác sẽ tốt hơn !
- Cô đã suy nghĩ kỹ chưa - Tụ phóng cặp mắt nẩy nửa nhìn Xuân.
Ðã đến nước này thì ''Lành làm gáo - Mẻ làm muôi '' Xuân sôi người, mặt nóng bừng khi Tụ ''lộ nguyên hình'', như chiếc lò so bị áp lức đè xuống... giờ thả lỏng... Xuân nẩy tung lên, lao đến chiếc ghế đối diện, gieo mình xuống, giọng nghiêm nghị : Tôi đã suy nghĩ quá lâu về chuyện này. 3 năm quá đủ rồi. Thực sự hai chúng ta đang đi theo hai con đường trái ngược nhau, không thể hội tụ... cứ tiếp tục đồng sàng dị mộng chỉ lãng phí thời giờ, làm khổ nhau, làm khổ con thôi. Xuân nói nhỏ nhẹ nhưng âm lượng của câu nói nghe đanh đanh. Tụ dướn mắt nhìn Xuân... như người đang ngủ mê chợt bừng tỉnh, Xuân không chú ý đến phản ứng của Tụ, cô ngập ngừng một chút, giọng chùng hẳn xuống :
- Thực ra nhu cầu vật chất cần cho cuộc sống của chúng ta không lớn. Hoàn cảnh chung của cả xã hội như vậy, làm sao đòi hỏi hơn. Tôi không thuộc hạng người ăn chơi, đua đòi. Chỉ mong cho con khoẻ mạnh... gia đình mình vui là thoả mãn. Nhưng anh chỉ nghĩ đến mình, với những mơ tưởng... dự kiến... Mỗi khi tôi lên tiếng, chẳng những anh không hề đếm xỉa mà gạt phắt nguyện vọng tối thiểu của tôi, của con... Hôm nay anh đã nói thẳng, nói thật... Tôi không còn phân vân, ân hận. Chúng ta hãy giải thoát cho nhau đi !...
...
Cuộc chia tay của họ diễn ra trong bâng khuâng, ngơ ngác.
Ðã có lúc hai người bình tĩnh duyệt lại hành động của mình nhưng lòng tự ái quá mức, sự cố chấp... cộng với cá tính cứng cổ cố hữu của mỗi người... cơ hội xích lại gần nhau, điều chỉnh lại quyết định đã không thành, lỡ trớn trôi đi, mặc dù lòng họ vẫn gợn lên sự khắc khoải, nuối tiếc.
Vì không muốn quá khứ dầy vò, dằn vặt, để trốn tránh thực tại đau buồn, Tụ từ chức, xin đi làm đội trưởng đội lao động ở D.D.R. Bạn bè, thân nhân đều ngạc nhiên nhưng đã biết cá tính, cách sống của hai người nên nhận ra, ý nghĩa của cuộc chia tay, nhìn Xuân lặng lẽ lui về căn nhà cũ, Tụ xách va ly lên máy bay, bay đến phương trời xa lơ xa lắc...
Dạo đó, hai miền đông, tây Ðức vẫn còn ranh giới. Khi những biến động chính trị ở Ðông Âu đang dữ dội đã ảnh hưởng tới cuộc sống của giới Hợp Tác Lao Ðộng (HTLÐ). Nước Ðức thống nhất, hiệp định HTLÐ giữa Việt Nam và D.D.R kết thúc, mọi người xoay trần tự kiếm sống bằng các nghề, kể cả việc buôn bán vặt. Tụ cũng không ngoại lệ. Vốn là kĩ sư, từ trước đến nay chỉ quen tiếp xúc với bàn giấy... giờ cần phải sống, vùng phía đông Ðức kinh tế bị giải thể, người đông, không có việc, Tụ bỏ sang Moenchen (Tây Ðức) làm bồi bàn cho một quán ăn châu Á. Bà chủ quán cũng trạc tuổi Tụ, thấy người làm của mình có trí thức, phong độ... đã đem lòng yêu ngay từ phút gặp mặt ban đầu.
Sống ở phía Ðông đã quen, giờ đến phía tây nước Ðức, Tụ nhận ra mọi thứ đêu mới mẻ đến bỡ ngỡ. Lòng nhiệt tình đến dữ dội của bà chủ quán làm Tụ rung động, choáng váng. Trước nay chỉ sống với Xuân trong tâm trạng gượng ép, căng thẳng rồi đổ vỡ phải trốn chạy. Giờ được người đàn bà khác trao cho cuộc tình cháy bỏng... Tụ tiếp nhận, đáp lại bằng lòng nhiệt tình cũng không kém. Hai người đến với nhau trong tâm trạng của hai kẻ khao khát được yêu : Tụ cần một người đàn bà đứng sau lưng giúp anh thăng bằng trong những khi biến động của cuộc đời. Còn Trinh cần người đàn ông thực thụ, làm chỗ dựa cho những lúc sóng gió, có một bờ vai để nàng dựa mỗi khi cần... Từ suy nghĩ đó, cộng với hoàn cảnh thoải mái, vật chất đầy đủ, hai người sống với nhau trong niềm vui đam mê, hạnh phúc...
Thế nhưng cuộc sống của họ ít lâu sau nẩy sinh vấn đề.
Tụ sinh ra, lớn lên ở miền đồng quê nghèo xứ Kinh Bắc, có truyền thống văn hóa, tập tục cổ truyền, còn mang nặng trong nếp suy nghĩ cổ xưa. Anh coi nền tảng yên ấm gia đình, cuộc sống chồng vợ - trước hết là sự thuỷ chung của hai người, khi không còn cần phải lo miếng ăn, tấm áo và sức khoẻ của con cái. Nếu một trong hai người ''xé rào'', nền tảng bị phá vơ, gia đình - chồng vợ - không tồn tại.
Trinh lại khác. Cô sinh ra ở ''Sài thành hoa lệ'', lớn lên, trưởng thành ở Ðức. Cô tiếp thu nền văn minh Ðức quá nhiệt tình, để mặc nó nhập vào cuộc đời mình tự nhiên, ồn ào. Trong cuộc sống cô phân biệt rạch ròi giữa hai trạng thái tâm lý : Tình cảm và Nhục dục. Tình cảm là tinh thần, nằm ở bề sâu trong tận đáy tâm hồn, rất khó khăn tình cảm mới nây sinh, tồn tại, thẩm thấu vào nơi sâu thẳm kia. Nhưng đã vào rồi thì rất khó bứt ra.
Nhục dục là nhu cầu cấp thiết của con người, chỉ là sự thiết trí cho con người những lúc có nhu cầu. Thỏa mãn rồi thì dễ dang quên ngay. Chính vì suy nghĩ như vậy, sau ít lâu chung sống với Tụ, cô lại thấy thèm khát một cảm gíac mới... và đó chính là nguyên nhân khiến Tụ xụp đổ lòng tin với người đàn bà lần thứ hai. Bản chất thật thà, có tri thức nên quan niệm sống về đạo lý, khắt khe. Anh không chấp nhận cách sống buông thả... nhất là đói với người đàn bà có chồng. Tư tưởng tứ đức tam tòng của người đàn bà được lễ giáo phong kiến coi trọng, vẫn ăn sâu trong tiềm thức của anh.
Trinh không hề biết đến Tam tòng Tứ đức, không coi trinh tiết là yêu cầu hàng đầu, sống còn của người đàn bà. Theo Trinh, con người trước hết phải sống cho mình. Mình vui, tồn tại thì mới có các cái tiếp theo... Nhục dục là một nhu cầu hưởng thụ quan trọng, hàng đầu đối với người đàn bà...
Vào lúc hai người đang trăn trở suy tư, Resstaurant Thiên Nga của Trinh đông khách, cần tuyển thêm người phục vụ. Một chàng trai trẻ khoẻ, đẹp trai đến xin làm bồi bàn, bà chủ ưng ý tuyển dụng và trả lương khá hậu. Ðang cần ''cảm giác mới'', chàng trai bồi bàn lọt ngay vào mắt xanh của bà chủ. Nhưng tình cảm thực vơí người đàn ông, Trinh chỉ dành cho Tụ. Bởi vậy nàng không đối xử với Tụ như với người chồng đầu tiên. Ngược lại sử sự thật tốt - phải nói là quá tốt - bằng cách : Mỗi tuần sống với anh 3 ngày, cón lại dành cho chàng bồi bàn kia.
Tụ không còn gì để luyến tiếc... song anh hành xử có cân nhắc. Hôm cuối kỳ hạn của tuần lễ thứ hai, Tụ ăn vận tề chỉnh, ra dáng người đàn ông phong độ sắp đi vũ hội. Chờ cho Trinh từ trong nhà tắm đi ra, Tụ bảo : Em ngồi xuống đây, anh có câu chuyện muốn nói - Trinh ngạc nhiên nhướng mắt nhìn Tụ, hỏi với vẻ dửng dưng : Hôm nay anh đi đâu mà chải chuốt thế, chuyện gì vậy ?
- Anh đã đến lúc phải ra đi. Lẽ ra kỳ hạn 3 ngày đầu tiên em dành cho anh, để sau đó công khai đến với chàng trai bồi bàn - 4 ngày trong tuần... anh phải đi ngay lúc đó mới đúng. Nhưng anh cố tình lùi lại một kỳ để chuẩn bị... để hôm nay thẳng thắn nói với em rằng, sự ra đi của anh là tất nhiên, phù hợp với lô gich cuộc đời chúng ta. Dù sao thì cũng phải cám ơn em đã cho anh những giây phút vui, thậm chí cả hạnh phúc. Và, bây giờ chính em giúp anh hiển thấu đáo về em - người đàn bà Việt Nam sinh ra nơi đồng quê, nghèo đói, lớn lên từ xứ sở giầu có, văn minh...
- Ðủ rồi ! không cần nói móc em nữa. Trong thâm tâm em, lúc nào anh cũng là người đàn ông duy nhất trong đời làm em kính trọng, nhưng không làm em thỏa mãn. Nhất là cái tính cố chấp, khuôn mẫu đến cực đoan trong nhận thức và tình cảm. Em cũng đã chuẩn bị tinh thần... Anh cứ đi. Khi nào thấy cần em, anh hãy trở lại. Cửa nhà này luôn rộng mở đón anh để chúng ta lại tạo ra cảm gíac mới...
Tụ không nói gì, chỉ gật đầu. Ðứng dậy xiết chặt tay Trinh
Trinh nhào tới ôm ghì Tụ. Cho đến lúc này nàng mới thật sự xúc động, nhận ra bản chất Tụ mà bấy nay nàng chỉ thấy bề ngoài, thứ bề ngoài dễ làm người hời hợt phải trăn trở suy nghĩ nhưng ở bên trong lớp che đậy thờ ơ là thứ tình cảm đằm thắm khiến nàng lầm tưởng.
Tụ ghì xiết Trinh trong vòng tay gân guốc cứng rắn... Có dễ chừng vài phút trôi đi... Tụ mới rời tay ghì, gỡ tay Trinh khỏi cổ mình... tách đôi môi đang cháy bỏng, lùi lại, quay người xách chiếc túi du lịch đi thẳng.
Chiếc túi xắc nhẹ tênh, đó là tất cả tài sản khi rời phía Ðông Ðức đến đây. Cái túi xắc - Tụ mua trong cửa hàng Bách hoá tổng hợp trên quảng trường Alexander, ngay sau khi lĩnh tháng lương đầu tiên cách đây đã gần 20 năm - bây giờ vẫn bên mình, bên trong chỉ có cuốn sổ tiết kiệm, mấy bộ quần áo, dăm cuốn sách... khi rời đông Berlin thế nào thì sau 10 năm lại ròi Tây Ðức vẫn như thế. Chủ và Túi xắc lại vẫn theo sát bên mình để trở lại ''Cố hương''...
Anh thuê một căn phòng rẻ tiền, lạnh lẽo, ở khu phố cổ nằm bên rìa thành phố Berlin, tiếp tục sống trong sự ngỡ ngàng, lạc lõng trước biến động của thời cuộc.
Thoáng cái đã 20 năm.
Dỹ vãng như làn sương mù bao phủ cuộc đời, khiến Tụ cứ lần mò, chập choạng. Ðã nhiều lần Tụ nêu cho mình những câu hỏi mà không tìm được câu trả lời : Vì đâu anh và Xuân lại chia tay nhau ? Nếu cuộc chia tay đó không xẩy ra... nếu anh suy nghĩ cặn kẽ như bây giờ... thì gia đình, thằng con - bé Thắng - sẽ ra sao ?
Vết thương lòng vẫn cứ nhức nhối, mỗi khi động đến. Tụ không thể nào chịu được và tha thứ cho câu nói vỗ mặt của Xuân lúc chia tay nhau... rồi 16 năm sau, qua điện thoại, cô ấy vẫn dõng dạc nhắc lại : Anh chỉ nghĩ đến bản thân. Anh chỉ yêu mình anh.... Chỉ mình anh đúng... mọi người không thể hiểu anh được.
Lúc này đây, câu nói của Xuân lại vang lên, nhưng không hiểu sao Tụ không bị sốc như những lần trước. Ngược lại, anh bình tĩnh suy nghĩ... suy nghĩ về câu chỉ trích kia và tự nhiên liên tưởng tới quá khứ... rồi lan ra... tiếp tục bơi bồng bềnh trong giòng đời...
...
Bốn tuần nằm viện, tuy thương tích thể xác đã khỏi, nhưng Tụ lại thấy tinh thần mệt mỏi bởi cảm gíac trơ trọi nơi đất khách quê người. Cuộc sống buồn tẻ đơn điệu lặp đi lặp lại...
Khi anh chia tay Xuân, hai người thoả thuận cho con trai đi theo bố với mục đích đỡ gánh khó khăn kinh tế cho Xuân và tạo cho bé Thắng một tương lai tươi đẹp. Anh đã đưa con sang... thực chất chỉ mới thực hiện được phần nhỏ ý định. Hy vọng cùng sống với con nhanh chóng tiêu tán. Hơn 10 năm sống ở Ðức, bé Thắng đã hoàn toàn đổi khác so với lứa tuổi tương đương bên quê nhà. Bắt đầu bằng việc khi đủ 18 tuổi, Thắng tìm nhà ở riêng. Tìm việc làm và điều quan trọng nhất làm Tụ buồn là dường như Thắng không có tình cảm gì với Bố. Năm thì mười họa, Thắng về ''thăm'' bố, chủ yếu là xin tiền, hoặc cần điều gì tương tự. Những lúc như thế, Tụ muốn ngồi bên con lâu, truyện trò tâm tình... nhưng chưa nóng chỗ Thắng đã vùng vằng đứng dậy ra đi, chỉ vì Tụ mỗi lần gặp con lại tranh thủ ''huấn thị''... muốn cho con tốt ''giữ được bản sắc người Việt thuần khiết nơi xứ lạ quê người...''.
Lúc đầu Thắng khó nghe, phản ứng. Sau nhiều lần như vậy thấy mục đích xin tiền của mình ngày một khó khăn, Thắng thay đổi chiến thuật. Khi cậu đang rất cần món tiền lớn. Quan sát tìm hiẻu bố... rút được kết luận : Làm đẹp lòng bố trước mặt là tốt nhất. Còn sau lưng cứ việc theo ý mình. Không làm bố thất vọng, yên ấm tình cảm cha con... cả hai cha con cùng vui ? Thế là những lần sau đó cậu về, kiên nhẫn ngồi nghe như nuốt từng lời của bố...
Khi cụ ''Khốt'' mỏi mệt vì bài thuyết gíao gần nửa tiếng dồng hồ... Ông bố nhìn thần sắc thái độ con trai... xem ra cu cậu đã thấm... Thắng thấy đã đến lúc vào việc, ra tay - cậu ta mới mở máy thuyết phục... và ông ''Khốt'' đành phải móc hầu bao đưa tiền cho con. Tay cầm tiền, miệng làu làu nhắc lại những gì bố dặn dò... rồi không quên nắm lấy cánh tay vạm vỡ của bố xiết chặt... thậm chí ôm, vỗ vỗ vào lưng bố một cách thân thiết, đoạn ''giông'' nhanh đến nỗi những lời ''khuyên giải nhắc nhở'' chỉ kịp lởn vởn trong căn phòng bụi bặm vì lò sưởi đốt bằng than ép bánh. Còn Thắng thì đã như cơn lốc bay khỏi nhà...
Tụ biết thủ đoạn của con nhưng lơ đi. Hơn chục năm đi làm, có món tiền lớn gửi tiết kiệm... chỉ có hai bố con ''không cho nó thì cho ai''? Ðó là cơ hội duy nhất để anh được ngồi, nói thoải mái với con...
Ðã mấy lần Trinh gọi điện, muốn đến thăm nhưng Tụ từ chối. Cú xốc kia khiến Anh không còn cảm gíac gì với nàng nên không muốn ''giây dưa, lòng thòng''. Trinh sau những ngày sống với ''cậu em'' bồi bàn... cuộc sống chỉ làm cho nàng thoả mản lúc gần gũi, chăn gối rồi ngay sau đó là cảm gíac tẻ nhạt chán chường. Nàng nhận ra ''cảm giác mới'' chỉ là thứ phù phiếm, bèo bọt, không khỏa lấp được khoảng trống tình cảm của người đàn bà đa tình, mãnh liệt, giầu tưởng tượng... Cuối cùng thì ''cậu em'' cũng chán, bỏ đi, dù ''bà chị'' không tiếc gì, kể cả cơ ngơi, tiền bạc. Trinh lại trở về cảnh sống cô đơn, bế tắc, để khi nhớ về quá khứ, lại réo gọi Tụ trong điện thoại, mong nhận được chút tình trên chót lưỡi đầu môi...
...
Hơn một tháng chửa trị, vết thương đã lành. Biết tin bố xuất viện, Thắng phải kiên quyết với gã chủ quán, dứt ra về thăm. Gặp mặt bố, câu nói đầu tiên của con trai với Tụ là : Ôi ! sao bố lại bất cẩn thế. Ở xứ này, người ta tôn trọng luật lệ giao thông lắm, đâu có đi ẩu... Thế mà bố lại để xẩy ra... Bố định mấy giờ về ?
Miệng Tụ đắng như ngậm bồ hòn. Những ngày nằm viên anh suy nghĩ nhiều... Giờ gặp con, nghe con nói, cảm gíac cô đơn, chán chường lại ập đến khiến anh không cất lên lời. Tụ nhìn con trai chăm chú... Còn Thắng thì vội vã thu dọn đồ đạc, đút vào chiếc túi xắc du lịch, xong suôi, cậu ta đi như chạy ra ngoài. Lát sau, trở lại cùng người y tá - nói tiếng Ðức với cô gái Ðức như người Ðức - đoạn dìu bố, xách túi đi ra hướng chiếc xe hơi sang trọng đậu bên lề đường.
Tụ chợt thấy ngạc nhiên khi đứng trước cửa chiếc xe Audi đới 98, mới kính coong. Thắng nhìn bố mỉm cười, mở máy cho xe chạy. Trên đường từ bệnh viện vê, hai bố con không nói gì. Dường như mỗi người đang đặt ra câu hỏi về nhau...
Mở cửa, mùi ẩm mốc trong phòng xộc vào mũi đến khó chịu. Vì vết thương ở chân chưa thật lành, Tụ chỉ ngồi một chỗ, quan sát con trai. Ðây là lần đầu tiển - kể từ lúc con dọn ra ở riêng - anh thấy Thắng có dáng dấp của anh thời trai trẻ : Nhanh, sôi nổi, xốc vác. Chỉ một thoáng, bề bộn trong nhà đã được khắc phục. Thắng xuống bếp nấu ăn. Vốn là đầu bếp ở một nhà hàng ăn uống châu Á, lại biết khẩu vị của bô, cậu làm nhanh món mì xào với thịt gà, tôm nõn... dọn bàn rồi vào dìu bố ra ăn. Gần một tháng nằm viện ăn cơm Tây, giờ được an món châu Á do đầu bếp ''xin'' làm, Tụ ăn ngon. Sinh khí, niềm vui tự nhiên phục hồi. Hết đĩa cơm chiên, Tụ nhìn con hỏi thăm dò : Con mới mua xe à ? bao nhiêu ?
- Con mua trả dần. Trả trong 10 năm, mỗi tháng nó ''thiến'' của con 1/4 lương.
- Liệu còn tiền để đón mẹ con sang không ? Có cần bố giúp không ?
- Cám ơn bố, không cần. Nhất định con sẽ dành dụm đế bằng đồng tiền chính con làm ra, đón mẹ sang.
Trong đầu xuất hiện ý nghĩ... câu hỏi cứ lởn vởn... cuối cùng anh bật ra :
- Từ trước đến nay con tiêu tiền dữ lắm mà, sao bây giờ lại tỏ ra chí thú thế ?
Thắng đang ăn, ngừng xúc, nhướng mắt nhìn bố, cặp mắt câu sáng long lanh. Dường như cậu đã hiểu ra... hỏi lại : Thế bố nghĩ thời gian qua con bòn tiền của bố để làm gì ? Bố có giận con không ?
Nhìn cung cách làm việc, nghe con nói, anh thấy yên tâm, sợ phật lòng chàng trai mà từ trước tới nay anh không hề quan tâm, cảm nhận... Tụ lảng tránh : Không, bố chẳng nghĩ gì cả. Bố tin ở con nên mỗi lần con cần tiền, bố đều đưa. Con có thấy như vậy không ?
- Ðúng, con thấy. Quả thực thời gian qua con đua đòi, hư đốn... Một buổi chiều con về nhà mục đích tiếp tục ''moi'' bố để trả nợ, đi Disco cuối tuần. Hôm đó bố đi vắng. Ðang thất vọng chưa biết tính sao. Bỗng... chuông điện thoại reo, con nhấc máy thì ra mẹ gọi sang. Mẹ hỏi nhiều chuyện về bố... mẹ khóc... mẹ bảo con hãy vì mẹ, nếu thương mẹ thì hãy làm cho bố vui. Con thương mẹ lắm. Con hứa ! Lần đầu tiên con ý thức được trách nhiệm của con trước bố, mẹ mà bấy lâu nay con không hề nghĩ đến. Nhất định con sẽ thực hiện lời hứa để Mẹ vui. Chắc chắn rằng Bố cũng vui...
- Khá lắm ! Bố vui lắm ! Cám ơn con. Bố hoàn toàn ủng hộ suy nghĩ, hành động của con. Dứt lời anh ôm lấy con trai. Hai giòng nước mắt tự dưng trào ra. Ðây là lần hành xử - có lẽ là lần đầu tiên - chưa hề xẩy ra đối với Tụ.
Lại vẫn động tác như mọi khi : Thắng ôm ghì bố, tay vỗ vỗ vào lưng. Có lẽ chân hãy còn chưa lành, con trai ghì mạnh, Tụ thấy chân nhói đau... khẽ nẩy người lên...




VVM.10.7.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .