Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

CHUỘT VÀ TÔI


                  

     C huyện về chuột trong dân gian thì nhiều lắm, thực và hư, tùy theo người kể có óc trào phúng hay chế giễu sự mê muội của người đời. Chuột là con vật thường ám ảnh người ta về sự gậm nhấm hay đục khoét kho lẫm chứa thóc gạo mà cũng hàm ý công quỹ.

Chuột được nói đến nhiều trong tục ngữ, ca dao Việt Nam mà còn trong cả tranh ảnh nữa, phổ biến nhất là bức tranh “đám cưới chuột”. Trong tục ngữ, ca dao thường là để ám chỉ về một hạng người nào đó. Như:

Chuột sa chĩnh gạo

Cháy nhà ra mặt chuột

Ái tình vụng trộm cũng có câu:

"Chuột kêu chút chít trong rương, Anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay" v.v…

Có một câu thành ngữ là “Hô ngưu hô mã”, nghĩa là dù người khác có chửi bới, hay khen ngợi, cũng không buồn so đo. Thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện mà Trang Tử kể.

Có một người tự nhận mình là thông thái, tên là Sĩ Thành Khởi. Ông ta thường nghe mọi người khen ngợi Lão Tử có trí tuệ siêu nhiên vượt bậc, vậy là vượt chặng đường dài đến bái kiến Lão Tử.

Thấy nhà của Lão Tử bừa bộn như ổ chuột, thì tức giận nói: “Nghe mọi người nói ngài là thánh nhân trí tuệ cao siêu, ta băng qua mấy trăm dặm đường đến gặp ngài, không ngờ ngài chẳng khác gì con chuột!”.

Lão Tử nghe xong không hề có phản ứng. Sĩ Thành Khởi chửi xong liền bỏ đi. Hôm sau, ông ta cảm thấy mình có lỗi, bèn đến xin lỗi Lão Tử.

Lão Tử điềm nhiên nói: “Thánh nhân với không thánh nhân gì chứ, thứ danh hiệu ấy ta sớm đã vứt bỏ nó như chiếc giày rách rồi. Ta nếu đã đắc được đại đạo, thì dù ngươi có chửi ta là trâu, là ngựa, là chuột, thì cũng có quan hệ gì chứ? Ta vẫn là ta” (Internet).

Còn những con chuột của tôi thì khác, nó đói mà tôi cũng đói. Chính xác hơn là cả xã hội cũng đang trong cơn đói! Đây là sự thật hoàn toàn, một con ở trong nhà tôi và một con ở ngoài đường, tôi gặp hai con ở hai thời điểm khác nhau. Con chuột thứ nhất, nó ở trong nhà tôi. Tôi nói với nó bằng tiếng nói của cái tâm, của tấm lòng chí thành, ở thời buổi toàn thể người dân trên cả ba miền đang đói về lương thực, thường được nói đến là thời bo bo, gạo, lương, tiền. Thành phần công nhân trực tiếp ngoài công trường như tôi buổi đó, cũng chỉ được cấp phát mấy củ khoai mì hư đầu hư cuối, nhưng vẫn phải ăn!

Một buổi chiều tối sau khi đi làm về, tôi mang mấy củ khoai mì ra làm sạch sẽ trước khi đưa lên bếp luộc.

Tôi đang rửa mấy củ khoai này, chợt nhớ nồi nước đang ở trên bếp, tôi chạy vào cho thêm củi. Ngay sau đấy, tôi nghe có tiếng lịch kịch ở ngoài sàn nước bên cạnh bếp, ngăn cách bằng một tấm ván, tôi bước ra thì thấy một con chuột cống đang ở trong rổ khoai, thấy tôi, nó phóng nhanh ra, chui ngay xuống dưới sàn nước. Tôi vào trong bếp, con chuột lại ra cắn khoai. Có lẽ nó cũng đang đói bụng nên mới mạnh dạn như thế. Tôi lại ra đuổi nó đi. Tôi trở vào bếp, nhưng vừa quay lưng, con chuột lập tức lại mò lên phá rổ khoai. Lần thứ ba trở ra, tôi thay đổi thái độ, bằng cách ngồi xuống cạnh rổ khoai, tôi nhận ra cái lỗ hang chuột. Tôi nhỏ nhẹ nói với nó: “Này chuột ơi! Mày cầm tinh tao, nên chắc mày biết tao nghèo lắm mà. Chỉ có mấy củ khoai này thôi, lại còn sùng và già khằn nữa, tao đành phải ăn vậy. Mày sang cái nhà lầu phía trước kia kìa, nhà của một ông đại tá cơ đấy, chắc là họ có cái cho mày ăn.”

Nói xong, tôi quay vào bếp với nồi nước đang luộc mấy nắm bột mì, dùng cho bữa ăn trưa ngày hôm sau tại công trường, ga Sài Gòn. Lần này tôi không nghe tiếng lịch kịch nữa. Một lát sau trở ra, tôi cắt bỏ hai đầu khoai và những chỗ hư, bỏ ngay ở miệng hang chuột. Tôi nói: “Này chuột ơi! Đây là phần của mày, lên mà ăn nhé.”

Ăn xong bữa tối với mấy củ khoai mì chấm muối, tôi ra sàn nước, nhìn xuống cái hang chuột, những mảnh vụn khoai mì vẫn còn ở miệng hang. Tôi thân mật nói: “Ăn đi chuột ơi, tao cho mày mà”. Nói xong tôi vào nhà nằm nghỉ. Trước lúc đi ngủ, tôi ra sàn nước nhìn xuống miệng hang thì những mảnh vụn khoai mì không còn nữa. Như vậy là con chuột ấy đã nghe được tiếng nói của tôi phát ra từ con tim, từ một tấm lòng chí thành.

Sự việc thứ hai là vào năm 1996, Bính Tý, tôi tròn 60 tuổi, một chu kỳ 60 năm, còn gọi là Nguyên theo Âm lịch. Chiều tối ngày Mồng 2 Tết, tôi đi bộ từ nhà ở giáo xứ NH, qua Vườn rau Lộc Hưng, qua cổng trước Công viên Lê Thị Riêng, để đến chúc tết một người bạn, nhà ở trước chợ Hòa Hưng.Tôi đi hết sân phía ngoài thì từ một cái cống của công viên, chợt một con chuột lớn trong cống chạy vọt ra, mõm nó chạm nhẹ vào chân phải tôi như thể hôn chân tôi vậy. Chỉ một giây đồng hồ, rồi nó quay đầu chạy về cái cống lúc trước.

Chuột cầm tinh tôi. Trong thâm tâm, tôi nghĩ rằng con chuột cống trên đây, từ một cái hang tới chỗ tôi đang đi, cách xa khoảng từ 4 đến 5 mét, xuất hiện đúng lúc tôi đi ngang qua đấy, để mà hôn chân tôi rồi trở lại hang ổ của nó, chắc chắn không là chuyện ngẫu nhiên. Bình thường, một con chuột thấy người thì nó phản ứng ngay, là bỏ đi, không dám chạy lại chỗ người mà nó thấy để mà làm cái việc hôn chân người ta, như trường hợp con chuột hôn chân tôi trên đây, hoặc nó có thể chạy đi chỗ khác khi thấy người, như thường gặp.




VVM.30.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .