Nghe tin bọn Tây sẽ càn ra vào xế chiều, cả làng bỏ chạy, tốp lên núi, tốp ra đồng, số ít xuống biển. Các gia đình có ghe thì mang thốc vài đùm đồ đạc nhẹ, lên ghe, chèo ra xa. Ra ngoài ấy, neo lại, ngủ hai đêm, chừng trở về thì cầm chắc sự an toàn. Gần tối, Tây kéo ra thật. Lại súng nổ, nhà cháy. Nhưng chỉ một lúc, làng xóm được trả lại yên tĩnh. Đây là một sự lạ. Có lẽ trời sắp tối chúng làm nhanh để còn về.
Một người ra ngoài, đứng dựa chòi ngó về xóm. Một hai đám cháy còn nhả lên không mấy cuộn khói trắng, yếu ớt. Chắc chúng đã kéo lộn về huyện rồi. Chúng ít khi rời khỏi cái ổ ấy vào ban đêm. Chỉ các chòi canh ốm yếu, cao nghện, các lô cốt tráng xi măng mới giam nhốt được những cuộc chém giết hãm hiếp tàn phá.
Đám đàn ông bày cơm gói ra ăn. Trăng lên trên biển. Tháng Chạp mà trăng trong kỳ lạ. Ánh trăng sáng dịu mát phủ xuống gò cát. Những hàng bắp trắng đi một chút. Những cành lá dài như yếu mềm hơm một chút. Nếu có một chiếc ghe rộng cả bọn cùng xuống bãi, phóng ra khơi để mộng mơ một lần thì tuyệt thú. Một người cất giọng hò một đọan ngắn bài hò giã gạo. Hai người khác liền phụ họa. Nhưng, Tây đến. Cả đoàn đông, súng ống lóe sáng trên tay, ập vào. Năm kẻ khốn khổ chết lịm trong lều. Họ bị dẫn ra đường lớn, đến bên chân cây cầu, chỗ khúc đường cua. Rồi từng người một, họ bị cắt cổ bằng lưỡi hái gặt lúa… Hai ngày sau người ta mới tìm đủ năm chiếc đầu để ráp hờ vào năm cái thây.
Nay, hai bên chân cầu cây cối mọc lan. Hàng cây bên hàng mả cao lên mau dị thường! Hàng mả nằm khít nhau, không đổ nền, trơ năm đống đất lớn, chóp nhọn, to như những đống lúa hai trăm giạ. Bong giếng mọc từng khóm nhỏ trên các đống lúa đó! Trẻ nhỏ chẳng đứa nào dám đi ngang qua khúc đường quanh này khi mặt trời đã lặn… Những đêm trăng sáng người ta nghe tiếng một đám đông hô bài chòi, hò giã gạo, và đôi khi nói cười lớn, vang ra từ mé chiếc cầu cây. Có kẻ còn bảo, ngay giữa trưa họ đã gặp một hình người ngồi trên chóp mả, hai tay đưa ra trước đỡ lấy một cái đầu đỏ hoét máu me. Cái xác ấy ngồi im giữa nắng như mọt tảng đá…
Đó là một chuyện phó Nhất kể cho nhiều người nghe. Ông bảo chuyện xảy ra ở quê ông, ngoài ấy, lâu rồi. Lâu, là mười, mười hai năm trước, lúc súng đạn chưa réo sầu trở lại. Ngoài ấy, tức một nơi nào đó, xa lắm. Nơi cũng chỉ có làng mạc, nhà cửa ruộng đồng như nơi đây. Khác một điều, nơi đó, khi nhắc tới, ông thấy lòng mình run lên và ông luôn nói bằng một gọng đầm ấm, dịu nhẹ.
- Anh uống thử hộp thuốc tây nào chưa?
- Chưa bao giờ.
Người bệnh vòng một tay gối đầu. Cái gối mỏng quá, tay kia để xuôi, nằm nhìn hàng cột kèo, lớp rạ trên mái. Khuôn cửa sổ quá nhỏ, lại được che kín, gian nhà thành tối mù. Trang thờ đóng trên vách cao cũng mờ đi, nhưng vẫn còn thấy được tượng người cỡi ngựa. Chị Tước bảo:
- Thắp giùm cây đèn lên cho sáng, anh Dư.
- Tôi thắp đèn nghe anh phó? Ông Chúc hỏi.
- Hết dầu rồi. Mới hết hồi khuya. Bởi vì… cũng bởi hết dầu tôi mới được thấy tám Thương.
Ông nói lầm nhầm “tám Thương, tám Thương”. Tượng con ngựa trên kia gần giống con chó, và cũng giống con bò nhỏ ốm. Người trên lưng ngựa giống hình chữ thập, vì hai cánh tay giăng thẳng, đẽo vụng lớn gần bằng thân mình. Chưa ai thấy, nhưng nhiều người nói là vào những ngày giỗ chạp, rằm lớn, phó Nhất đốt đèn suốt ngày trước tượng, như cúng kiến, tuy không có nhang thơm chè xôi hoa quả và vái lạy. Không ai biết một điểm nào khác về cái tượng gỗ. Phó Nhất không thường giỗ cúng Chỉ hai cuốn sách nằm trên trang, bên cái tượng, mới thường được ông săn sóc. Hai cuốn sách này dày, bìa cứng, đã quá cũ, trong làng ai cũng biết.
- Chú Tám vô đứng chỗ này, bên giường đây. Chú không nói gì, cũng không cười. Hơn mười năm qua đi… chú già thấy rõ. Tội nghiệp, chú ấy biết có còn sống không.
Ông Chúc ngó miệng người nói. Người nói vẫn ngó mái nhà.
-…khoảng mười giờ tôi có lần mò ra tiểu. Tôi nhớ lúc vào, tôi đã khép cửa. Nhưng chú tám vào chú ấy xô bách. Sáng ra cửa mở rộng hai cánh.
Chị Tước liếc nhìn ông Chúc.
-…không ai vào thì cửa đã không mở. Cái đáng hỏi, tám Thương giờ ra sao! Tôi không tin…
Câu nói ngắn nhưng phó Nhất thở mệt nhọc. Ông yếu lắm. Lúc này mới thấy, ngoài sự bệnh hoạn ông hiện rõ hình một người già, già tiều tụy. Người chưa vợ con nét già nua như cố lẩn sâu vô bên trong da mặt, hay người ta nhìn và nghĩ lầm như thế. Tóc phó Nhất bạc lấm tấm từ lâu mà ít người thấy vẻ già của ông… Phút này, còn hơi đâu để kể các chuyện không tường – chuyện ma.
Một chuyện xuất xứ từ nơi này. Một chuyện từ nơi khác. Có chuyện khó tin. Nhiều chuyện người nghe thấy như đã được nghe nhiều lần do nhiều người thuật. Phó Nhất thường kể chuyện ngày trước. Chỉ ngày trước mới có chuyện ma. Thời này ma không sống được… Có chuyện nói đến một ngọn núi, một núi đá nằm giữa đồng. Núi không cao tới năm mươi thước, trải dài trên ba đám ruộng. Quân bảo vệ vùng đó thường lên chiếm đóng núi, vì đó là điểm cao. Đã có nhiều trận đánh. Ngôi chợ dưới chân núi và mấy mảnh ruộng kế cận từng chứng kiến nhiều cảnh rợn người. Lắm đêm bom đạn giáng xuống những cơn sấm sét, lắm lần phải nhìn xác người nằm ngang dọc, nằm chật nền chợ, nằm dày trên lúa. Người chết sắp lớp, không toàn thây, như tôm cá ươn. Đoạn tay, khúc giò như thân cây mảnh củi…
Đêm ấy, sau một buổi ăn uống tiệc tùng nhân ngày lễ lớn, đoàn lính Tây giữ núi không còn hùm hổ khôn ngoan như thường ngày. Trời vừa tối Việt Minh tiến đánh. Ước có đến hàng ngàn tiếng súng nổ lớn, rung đất. Không nghe một tiếng súng nhỏ. Núi đá như nẩy mình lên từng chập. Thoáng một lúc, rồi yên lặng. Quân thắng trận đốt đuốc sáng rực trời, hò reo vang dội. Lính Tây đã chìm luôn vào một cơn say vô tận.
Dân chúng phải ra tay thu dọn. Tây chết trọn. Ngổn ngang trên đất, vập gãy dưới hầm hố, chất chồng trong hốc đá. Nhiều người chết banh vì chất nổ, nhưng hầu hết là bị chém. Chém phăng mất dầu, chém phứt làm hai, chém tiện chân tay, sả ngọt từ vai xuống háng, rọc dọc sau lưng…
Ngày súng đạn kêu gào là ngày làm ra ma.
Có đêm trăng, sau này, dân xóm nghe thấy tiếng reo hò trên núi đá, tiếng binh khí chạm nhau, và đôi lúc, tiếng kêu rên bỗng nổi lên cùng lượt, rõ to, như phát ra từ miệng cả trăm người! Một cái miễu lớn được xây giữa núi. Dân làng mướn một ông từ chăm lo việc nhang khói. Nhưng ông từ lên ở chưa đầy tháng đã trúng gió độc, ngã chết… Đêm khác, người ta thấy những hàng bóng đen, bóng nhiều người lên xuống rộn ràng trên sườn dốc, ấy là ma tập trận! Tiếng ùng ùng như trời gió lớn, tựa như có một khối tiếng hô: “u u… u u… tiến lên, tiến lên…”.
Nhà tám Thương nay còn được cái nền. Hai cây xoài lớn de cành ra phủ, nền nhà mát suốt ngày. Có người giỏi thêu dệt chuyện, bảo hai cây xoài ấy không hiền. Và họ thấy ma ngồi khóc trên nền nhà. Phó Nhất không tin. Ông thích kể chuyện ma cho người khác nghe, nhưng chẳng tin vụ quỷ ma bao giờ. Không ưa cúng bái, ông không thờ phụng ai cả. Biết ơn, tôn thờ ông bà thì để trong lòng. Không làm việc quấy tổ tiên đã vui lắm rồi. Cái tượng cây trên trang cao đẽo hình người cỡi vật, chỉ để tỏ rằng con người hơn con vật. Người ngoài tưởng ông cúng bái một thứ thánh thần quái dị. Mấy đêm nóng nực ông mang chiếu ra ngủ dưới bóng xoài nền nhà tám Thương, đâu thấy có điềm lạ gì. Tám Thương buồn tình vì vợ con rủ nhau chết bệnh, bỏ nhà đi. Nhưng họ đã chết, tức họ cũng đã đi rồi, ít ra, phải đi đến gò mả. Tất cả đều do nơi miệng con người. Từ miệng ông nhiều người bị hình bóng những đêm tối, những đêm trăng mờ, những dáng ma dán chặt vào đầu. Mãi rồi họ nghĩ, các đêm trời tối lúc nào cũng chứa đựng một điều gì đó…
Phó Nhất lè lưỡi liếm hai thẻo môi khô nứt. Chị Tước thấy thương ông già cô độc.
- Tí nữa cháu nó sẽ mang cháo qua cho anh.
- Khỏi, tôi không thấy đói… May một điều, đời tôi, dù chỉ một thân một mình nhưng chưa bao giờ tôi bị đói. Khổ thì có – Ông co duỗi chân mấy lần, cho máu chạy đều, cười rất tươi – Mấy hôm nay nếu cô bác không thương thì dám dã bị đói rồi. Cái thằng bé của chị nó tên gì, quên há?... Nó sợ tôi, tại tôi khác, ốm quá. Mỗi lần đem đồ vào, để cộp xuống ghế rồi là nó quay lưng chạy biến. Coi bộ sợ lắm. Nó mở cửa cũng dễ cười, đẩy nhè nhẹ, hé một chút để kê mắt dòm vô, xong thò đầu trước, cẩn thận lắm nha. Thấy tôi quay lại cười cậu mới dám vào… À, mà chỉ vào khi đã mở rộng hai cánh cửa.
- Dạ, nó còn dại lắm anh.
- Không, nó trẻ con, vui chớ… Nếu mà, đẩy cửa ra thấy tôi nằm thẳng đơ, hay nằm ngửa trên giường nửa thòng xuống đất, tôi chắc cu cậu sẽ hét ỏm lên, quẳng cả bình cả chén mà chạy.
Ông Chúc cười. Chị Tước giở nắp chiếc ấm đất, thấy còn lối hai chén thuốc, nước âu sậm.
- Nói, xin lỗi chị, tôi không ưa đàn bà. Nhưng tôi rất thương trẻ con… Hiềm vì, con nít phải sống một mình với tôi chúng không chịu được. Anh Dư đây biết, xưa tôi có nuôi một đứa…
…Xóm này mấy năm nay buồn lắm. Nhà cửa rụng mất dần. Khởi đầu chẳng ai để ý, chừng trực thấy thì tròn xóm không còn đến hai chục nóc nhà. Cái chòi của phó Nhất nằm chon von giữa năm bảy vườn cây rậm rịt, phía sau nhà ông xã. Bên hông là nhà anh an ninh. Ông xã có ba người con trai. Năm ngoái, khi anh trai út tình nguyện vào lính thì ông xã vội vàng cuốn gói lên phố. Mới có hai thằng đi lính ông đã bị bọc khô bọc cơm vô rừng học tập mấy bận, trúng nước, sợ trõm mắt, nay, bồi thêm một thằng, sống sao nổi. Khu nhà ông rộng, giờ không người, cái vườn lớn trở nên âm u, ban ngày vào đó cũng thấy lạnh sau lưng. Còn anh an ninh, nghề chính của anh là dạy dỗ đám con nít. Dạy học ít tiền nhưng khỏe bỗng dưng anh nhảy đi nhận một chức vụ mới trên xã, rồi, lúc nào anh cũng có súng nhỏ, dắt trong lưng, về làng, phải được mấy người theo bên hộ vệ. Một sớm một chiều nhà anh phải dỡ đi, chỉ còn cái nề đất thấp muốn đến nhà phó Nhất phải đi ngang mấy miếng vườn hoang đó. Nhưng lũ trẻ nít sợ nhất đám cây rậm nằm cặp đôi nhà tám Thương. Nơi ấy một thời không phải chỉ là đám cỏ úa, cái giếng lạng, cây me lớn tàng, mà còn có tòa nhà rộng, và một gia đình đông người. Loạn lạc tràn về, hai người con trai nhà này bị Tây bắt, bịt mắt đóng cọc ngay trước sân dưới gốc me, bắn chết. Vợ chồng ông già điên loạn. Bảy đứa con gái còn lại làm sao lấp chỗ trống hai thằng con quý. Ông già vác dao leo lên mái nhà chém phá. Sau này, khi rêu đã bám đen trên đống ngói bể vụn và cỏ đã vươn cao quanh gốc me, đám nhỏ bắt đầu thì thào những mẫu chuyện lạnh: Có hai bóng người quỳ hàng giờ trước sân. Có những tiếng rì rầm như chim ục rúc khi trời mưa gió. Hai đốm lửa xanh đậu giữa tàng me. Chuyện các oan hồn hiền lành. Phó Nhất và tám Thương không tin. Tám Thương dựng nhà ngay bên khu đất đó… Nhưng chỉ được một năm, vợ tám Thương chết. Trong những ngày nằm dán trên giường, chị tám thường la hét hãi hùng, vì các hình ảnh chị thấy trên cây me ngay trước cổng. Chị nói, ban đêm mở cửa ra là chị thấy hai bóng người đứng dựa lu nước góc sân. Nghe động, hai bóng này lướt thoáng qua sân, khuất biến đi mất. Tám Thương tức giận sang cuốc sạch đám cỏ dại, phát gãy các cành me to, đào hố cầu tiêu ngay bên thềm giếng cũ! Chị tám vẫn chết. Mấy năm sau lũ con đau bệnh rầm rề, lần lượt theo mẹ.
Tám Thương bỏ làng đi thì giặc giã bộc nổ mạnh trở lại. Phó Nhất nghĩ thương bạn. Âu cũng là số trời. Nếu ngày tám Thương dọn về đây chiến tranh đã có thì vợ con anh ta không chết. Có thể như thế. Dù yếu vía lắm người ta cũng không tin có ma quỷ khi súng đạn đã nổ rền ngày đêm… Một vợ, một dãy con! Niềm vui dắt díu nhau một hàng dài cùng bay nhanh mất. Cái xui lớn biết đẻ ra mấy cái xui nhỏ.
- Uống mấy thang này anh thấy có khá chút nào không?
- Không khá mấy, nhưng cũng không sao. Tôi chỉ bệnh một ngày, ngày đầu. Hôm đó người tôi suy yếu rõ rệt.
Giống như, hôm trước tôi ở trên lầu cao, còn hôm sau là tôi bị đẩy xuống nằm trong một căn nhà xây ngầm dưới đất… Mười mấy ngày nay thì thường thường, uống thuốc hay không cũng vậy.
Ông Chúc nghe chăm chú. Ông rất mến người láng giềng này. Ngoài cảm mến ông còn phục tài phó Nhất. Phó Nhất lại cười, miệng cười trông như thường bữa.
- Tôi chẳng sợ, cũng chẳng lo lắng.
Năm kia người con lớn ông Chúc mắc một chuyện rắc rối, bị bắt giam trên tỉnh. Cả nhà lo sợ, cầu cúng mấy ngày. Ông chạy đến nhờ phó Nhất. Bộ sách cũ mốc trên trang ít được mang ra, nhưng khi dùng thì nó giải được nhiều việc. Phó Nhất coi bói không nhận tiền công, và ông chỉ coi cho người nào có tướng mạo hiền, theo sách ông, và vào những ngày lòng ông thanh thản. Vì vậy có năm ông chỉ coi cho vài ba người. Ông bói chưa sai bao giờ… Ông Chúc mang tới một nải chuối, ba thẻ nhang, một xị rượu trắng và mấy trăm tiền lẻ. Phó Nhất cười ngặt nghẽo cầm tiền dúi trả vô túi ông già. Bóc chuối ra, thầy một trái khách một trái, ăn cho đến hết. Rót rượu, nướng khô cá, người một ly, uống đến cạn. Xong ông mới mở sách, ngồi xếp chân trên giường, nhìn cái tượng gỗ trên vách một chặp, bắt đầu nói. Chỉ nói một câu, nhưng người coi nghe xong đi về hớn hở. Vui là phải. “Thằng Tư sẽ được tha trong vòng bốn tháng”. Khách về, phó Nhất ngẫm nghĩ, cười một mình. Có lẽ họ tưởng ông cầu khẩn các điều mầu nhiệm ơi cái tượng gỗ vụng lệch kia và họ tin tưởng… Ông không nói theo một dòng nào trong sách ấy, vì đó là sách thuốc. Ông chỉ suy đoán và lý luận… Vừa quá ba tháng người con của ông Chúc được tha về… Một chị đàn bà mang con tới hỏi xem đứa bé bị đấng khuất mặt nào quấy chọc. Ông bấm tay, nhìn tượng, và nói ra tên một vị thần. Đồng thời ông dạy chị ta nhớ tên một thứ thuốc. Về, chị đàn bà mua thuốc và lập bàn cúng vái cầu xin. Cuộc cúng rất ồn ào, chu đáo. Nhưng chính cái ve thuốc mấy chục đồng kia làm giảm cơn bệnh. Đứa bé mạnh. Người mẹ vẫn tin mình đã van vái đúng chỗ, thần thánh cảm động buông tha.
Nhưng bây giờ, khi bị bịnh, ông không bốc được cho mình một thang thuốc hay, không thể bấm ra cái ngày mình lành. Sức khỏe bay biến từ từ. những ngày nằm buồn một mình, những cơn lạnh nóng kéo dài như mưa dầm lại khiến đầu óc ông đổi khác, lệch lạc. Thức trắng nhiều đêm, nằm nghe gió rú bên ngoài, ông thành mê sảng, mắt mở trừng trừng mà thấy những hình ảnh như chiêm bao, lượn lờ trên các nóc nhà, kỳ dị, ghê sợ. Các hình người mờ nhạt. Các gương mặt to lớn. Rừng người nhảy múa. Và những tiếng gầm gừ! Hay các chuyện ma ta vẫn kể cho các người khác nghe trong lúc vui miệng đã quay lại dọa nạt ta. Hay cơn bệnh đã trầm trọng? Mình vừa nhìn thấy cửa ngõ một cõi sống khác? Có thật là có một cõi khác? Có những vùng mà màn tối giăng kín quanh năm? Có cái gì nổi bập bềnh trên kia… Tỉnh lại, ông mệt và lo sợ. Giun dế, cây cỏ cùng gió tiếp tục kêu reo sau nhà, lao xao trước cổng… Thời này làm gì có ma, bom đạn vẫn nổ không ngớt kia mà. Tại người mình suy nhược, trí óc mình đã ngu muội đó thôi. Va, còn có lẽ, tại mình đang cô đơn. Phó Nhất vùng cười… Sao chẳng cho mình thấy một con ma đàn bà, một khuôn mặt đẹp! Có con ma nào đẹp chăng. Những con ma nào đi đứng yểu điệu, không kêu hú rên rỉ thảm thương, không móc chân trên cây, thòng đầu, lè lưỡi đỏ chấm đất. Ma nào chỉ cười? Hay cho ta một con ma trẻ con, mặt trong dễ thương, răng sữa, về đây, và chịu được cuộc sống thầm lặng…
Chị Tước hoảng sợ, ông Chúc lay vai phó Nhất.
- Anh Dư, tôi nhớ lại nhiều chuyện.
Ông tỉnh táo như vừa trực dậy sau một giấc ngủ no đẫy.
- Cũng lạ đến nay tôi mới thấy đáng lẽ tôi nên sống với hai người khác, như một đứa bé, một người đàn bà… Trước đến giờ tôi bè bạn quá thân với mấy cây xoài, với cái quá khứ thanh bình có nhiều sự không thật… lại chuyện ma… và mấy miếng vườn hoang.
Chị Tước nói nhỏ với ông Chúc, ông này gật đầu. Tối nay tôi ở đây ngủ với anh, anh phó?
Ông Chúc đội khăn đi ra. Ông tính về ăn cơm sớm để còn trở lên ngủ. Còn một mình chị Tước ra ngồi gần cửa. Gian nhà tối, hơi ẩm thoáng mùi rạ, mùi đất như chợt vờn lên, hôi là lạ. Ông già gầy tóp nhưng hai mắt ông thật sáng. Chi Tước ngồi co rút, vòng tay ôm gối, trông nhỏ nhắn tội nghiệp. Thấy dáng nhấp nhỏm của chị đàn bà, phó Nhất bật cười. Chị Tước nhìn lên, bắt gặp một vuông mặt xám xịt, và cái miệng cười trắng nhếch, chị đứng tốc dậy. Một tràng cười lớn tuôn ra, nghe dòn sắc, và người bệnh nhổm ngồi lên. Chị Tước tung cửa chạy ra ngoài, la không thành tiếng. Ông Chúc đã qua khỏi khu ruộng mạ dưới xa, cắm cúi bước mau, một chéo khăn vàng ông vấn cổ quật ngược về sau bay bay.