Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Đinh Trường Chinh

EM TRONG TIỀN KIẾP




N gười ta vẫn thường nói đùa rằng: “Con gái là người tình trong tiền kiếp”, nghe thì có vẻ vô lý và xúc phạm đến tình cha con thiêng liêng cao quý, tuy nhiên xem xét kỹ ở một góc độ nào đó thì không phải không có lý.

Nhà Phật thường bảo: “Con người ta đến với nhau ở đời này không ngoài bốn giềng mối: báo ân – báo oán – đòi nợ – trả nợ”, hoặc là: “Con người ta đã trải qua vô số kiếp, đã từng là trời, người, quỷ, thần, súc sanh… đã từng là cha mẹ, vợ chồng, anh em, con cháu, bạn bè… với nhau; thân thì trong một gia đình, sơ thì các mối quan hệ ngoài xã hội”. Đó là về mặt đức tin tôn giáo, còn xét về phương diện sinh học thì con cái thừa hưởng cái gene của cả cha lẫn mẹ, tất nhiên trong quá trình sinh trưởng sẽ có những cái gene lặn hoặc trội và cả những cái gene biến thể… từ đó đứa con có thể vừa giống cha, giống mẹ và vừa có nét riêng. Điều này dễ thấy trong thực tế, thông thường cha mẹ đẹp sinh con đẹp, hoặc là đứa con giống cha nhiều hay giống mẹ nhiều và có những trường hợp cha mẹ bình thường nhưng sinh con đẹp và ngược lại cha mẹ đẹp nhưng sinh con bình thường…

Con cái thì đứa nào cũng thương cha mẹ nhưng con gái thì thường quấn quýt với cha còn con trai thì gần gũi với mẹ. Ấy là cái khuynh hướng tâm lý giới tính (hai người đàn ông gặp nhau dễ sừng sộ, hai người đàn bà gặp nhau sanh ỏm tỏi...) nó thế nhưng trong đó cũng có cái nguyên nhân sâu xa của tình cảm trong quá khứ.

Thế gian này có người đàn bà nào mà không ao ước một người đàn ông cao to, khỏe mạnh, bảnh trai và cũng có người đàn ông nào mà không mơ một người phụ nữ xinh đẹp, trắng da dài tóc, má đỏ gót son, mắt biếc má đào? Những ước mơ, những ý tưởng trong tâm cộng với cái phước báo và nhân duyên của đứa con với cha mẹ mà chiêu cảm ra như thế. Nhân duyên thì trùng trùng vô tận, phước báo thiên sai vạn biệt bởi vậy mà những đúa con sinh ra có đẹp – xấu, trí – ngu, hiền – dữ. Những đứa con ấy có đứa sanh vào gia đình tôn quý và đa phần sinh vào gia đình bình dân hoặc là thấp hơn. Người con gái duyên dáng, xinh đẹp, mắt biếc má đào, trắng da dài tóc, gót đỏ môi son… là cái đẹp mang tính ước lệ của văn hóa truyền thống Á Đông nói chung, của người Việt nói riêng. Cái đẹp, cái thẩm mỹ có thể thay đổi theo thời gian và môi trường sống, văn hóa… Cái nhìn nhận và thụ hưởng thẩm mỹ mỗi người cũng khác, điều này phụ thuộc vào văn hóa, giáo dục, truyền thống và giai tầng xuất thân. Tuy nhiên cái điểm chungvề nhìn nhận vẻ đẹp nữ giới của người Việt, Hoa, Hàn, Nhật… cũng không thể nào thay đổi những điểm: Duyên dáng, trắng da dài tóc, mắt biếc má đào, gót đỏ môi son…

Với những người yêu thơ văn hoặc biết làm thơ viết văn thường sống với hoài niệm thì trong tâm tưởng tràn đầy những nét đẹp như thế. Tâm tưởng vô hình, vô tướng không thể nắm bắt nhưng tâm tưởng lại quyết định cái hình tướng bên ngoài. Có nhiều người khi mang bầu thường được gia đình cho treo những hình ảnh người đẹp để người mẹ thường nhìn thấy, để bónh hình đẹp ấy in vào tâm trí, để hy vọng đứa con sanh ra sẽ đẹp như vậy. Bởi thế mà nhà Phật mới bảo: “tướng tòng tâm sanh”, “tâm sanh tướng”. Khi sanh ra cái nhan sắc đã định hình vì đó là cái quả, tuy nhiên trong quá trình sinh trưởng thì cái “tướng” còn thay đổi theo cái tâm.

Có những gã ở đời sống thường mơ mộng nên mơ hồ không phân biệt rõ đời và mộng. Nhiều khi đem hình ảnh mộng vào đời, bởi vậy mà mắt biếc má đào, môi đỏ gót son… luôn luôn lung linh trong tâm tưởng. Tâm tưởng đã thế thì văn hay thơ cũng tràn đầy hình ảnh mắt biếc má đào. Những gã du tử mang hình ảnh thật của đời vào tâm tưởng và từ tâm tưởng lại tạo ra sản phẩm thật ở đời với những đặc điểm vẫn thường “sống”, thường hiển hiển trong tâm tưởng.

Tình cảm cha con là tình cao quý thiêng liêng nhất ở đời nhưng khi người đời nói: “Con gái là tình nhân trong tiền kiếp” là ý muốn nói đến cái tình thương cao quý sâu sắc và trong đó cũng có ý con gái mang hình ảnh của người con gái mà cha thường mơ mộng. Nói cách khác thì con gái chính là hình bóng về người nữ vẫn thường ở trong tâm tưởng người cha.

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng viết nhạc: “Ta thấy em trong tiền kiếp...”! Ôi những nghệ sỹ, những gã du tử sống giữa đời hiện đại mà tâm tưởng còn từ trong quá khứ, mang cả dư ảnh từ kiếp nào đến tận kiếp này, để rồi, con gái sanh ra mang những đặc điểm mà tâm tưởng cha mơ mộng. Những gã du tử đã mang hình ảnh trong tâm tưởng vào đời.

Ất Lăng thành, 0624



VVM.22.6.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .