Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HÀO HOA LÀ LÍNH KHÔNG QUÂN..
ANH CÓ CÁI QUẦN ANH CŨNG BÁN ĐI ..


kỳ 5


M ột số bạn bè ở ngoài Không quân khi nghe tin tôi bị thuyên chuyển về Liên đoàn Kiểm báo, thay vì đi Pleiku, Phạm Hậu bây giờ lên chức Tổng Giám đốc Việtnam Thông tấn xã- anh ta đề bạt một trong hai em nuôi lên thay, nhậm chức Giám đốc Nha Vô tuyến Truyền thanh. Biết hoàn cảnh gia đình tôi vẫn còn khó khăn, mấy đứa con lớn vừa đi học, vừa có thể trông mấy em nhỏ, anh khuyên tôi nên để vợ đi làm Đài Phát thanh. Thiếu tá Cát, tân giám đốc Nha Vô tuyến Truyền thanh, nhận vợ tôi vô làm hướng dẫn viên âm nhạc. Cát là em nuôi kết nghĩa với Phạm Hậu. sẵn sàng hướng dẫn làm thủ tục cho vợ tôi, nên dễ dàng hơn nhiều công chức khác. Như vậy cũng ổn định một phần nào đời sống hàng ngày. Phạm Hậu nói thêm:" cho là mày có phải đổi đi Pleiku, vợ mày còn có tiền mua gạo, sữa cho con. Nhưng tao thấy hoàn cảnh không đến nỗi bi quan đến thế đâu? .Trí thức vào quân đội luôn luôn bị "sốc" , không mấy dễ làm quen với đời sống quân ngũ". Còn đại úy Chiêu , Pháo binh Dù- tên thật, nghề nghiệp nhà văn Nguyên Vũ- nghe tin thiếu tá Dưỡng KQ đeo súng hăm dọa tôi và trung sĩ Bảng; nó bảo trung sĩ Bảng:".. tao mang súng lục vào bắn bỏ mẹ chúng nó bây giờ". Tuy chỉ là lời nói suông, nghe xong rồi bỏ, nhưng trong thâm tâm, quả nó có nghĩa khí bênh vực bạn bè hoạn nạn. Trung sĩ Bảng- nhà văn Hồ Phong- được chuyển về Đơn vị Quản trị KQ, trung tá Duệ rất ưu ái; cho phép vợ anh mở một "căng tin" bán cà phê trong khuôn viên đơn vị. Anh lại gặp được một binh sĩ KQ, tên Nghị, cũng yêu văn chương ,sẵn sàng bỏ tiền để cùng anh Phạm Quang Nhàn, giám dốc Nhà xuất bản Vàng Son, in một tuyển tập thơ, văn của những nhà văn, thơ quân chủng, cũng như ngoài quân chủng KQ- miễn tác phẩm đóng góp có nội dung bay bổng, sinh hoạt liên quan đến Không quân. (*)

-----

(*) Ba mươi ba nhà văn, thơ; trong đó một số ngoài KQ, như: Nguyễn Mạnh Côn, Mai Thảo, Hoàng Hương Trang..., và trong KQ : Toàn Phong, Cung Trầm Tưởng, Zôta (Phạm Bình An) ,Dương Hùng Cường, Lê Văn Trước, MYK (Nguyễn Đức Khánh),Nhân Hậu, Hồ Phong, Phạm Hồ, Huy Quang (Vũ Đức Vinh) , Phan-Lạc-Giang -Đông, Trần Văn Minh, Tinh Cầu, Trần Tam Tiệp, Võ Ý, Đào-Vũ-Anh-Hùng, vv...Bài Vào đề của Hồ Phong, nói về lịch sử quân chúng KQ, từ ngày thành lập đến 1974; lúc này Không Lực Việt Nam đước quốc tế liệt vào thứ ba trên thế giới , chỉ sau Mỹ, Nga. Lời Bạt của Thế Phong , nói về văn chương lửa của KQ, sống hùng, viết hay, và đề cập một số nhà văn, thơ KQ chưa có mặt trong tác phẩm này, như: Khải Triều (Nguyễn Văn Tuy), Thanh Chương( Trần Quang Tinh), Hoàng Thụy Kha (họa sĩ Trần Bất Bạt) , Huy Sơn (Dương Quang Thuận), Hoàng Song Liêm vv...

------

Tôi và Hồ Phong (bút danh trung sĩ Kiều Văn Bảng) lo việc biên tập, trả nhuận bút cho mỗi tác giả, giá chung năm ngàn đồng. Bìa sách lúc đầu nhờ họa sĩ Vị Ý trình bày, trình báy quá đẹp, in ấn tốn nhiều tiền; theo nhà xuất bản rất khó làm quen thị hiếu đọc giả- cần phổ thông hơn, vậy là giao cho họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, quen trình bày bìa sách thương mại , chiều đúng thị hiếu để Sống Mới dễ chấp nhận phát hành. Thôi như thế cũng được rồi, bìa sách được cho tiến hành gấp rút, rất nhanh chóng.
Một buổi chiều, như mọi lần, tôi ăn cơm chiều xong ,lấy xe gắn máy ra nhà Phát, để cùng rủ Đàm Xuân Cận ra quán cà phê quen thuộc- lần này Cận báo tin, một nữ ngoại kiều, có lẽ là Mỹ, đến tận Trường Nữ Trung học Gia Long tìm dịch giả sách Thế Phong, anh Đàm Xuân Cận dạy Anh văn các lớp chuyên khoa. Người khách nữ muốn gặp tác giả Thế Phong để phỏng vấn về văn chương đen ( littérature noire) , như bà ấy nói với anh Cận. Hình như bà ta đang sửa soạn luận án tiến sĩ văn chương đối chiếu. Trả lời anh, tôi cũng nhận được một lá thư viết bằng anh ngữ xin đươc phỏng vấn ở địa chỉ 134 Trương Minh Ký, Saigon 3. Tôi hỏi anh Cận, bà ấy nói chuyện với anh, bằng tiếng pháp hay là tiếng Anh. Anh Cận cười, tất nhiên bằng tiếng Anh rồi; nhưng bà luôn luôn chêm tiếng pháp xen kẽ; có lẽ gốc Pháp . Cận khuyên tôi nên gặp, và bà ta cũng biết địa chỉ nhà tôi trong Cư xá Không quân , rất khó vào nhà , nên bà mạo muội xin tôi đến địa chỉ riêng ở ngoài phố, nơi đang sống với chồng, một giáo sư sử, quốc tịch Mỹ, ông này đang dạy Sử cho các trường đại học Saigon. Sẵn giờ, ngày hẹn, địa chỉ trong thư ( thuê bao Hộp thư 1123 Saigon), bà cho biết sắp trở về Mỹ, nên rất mong thực hiện được cuộc phỏng vấn này. Tôi nghĩ, có lẽ bà đã đọc một số tác phẩm của Dai Nam Van hien Books có địa chỉ PO Box 1123 Saigon, South Vietnam. Trong cuộc hội ngộ này, đây là một cơ hội tốt để nói chuyện văn chương bằng Anh ngữ, vừa như thực tập, vừa đ o lường cách diễn tả của tôi như thế nào sau vài năm học tiếng anh ở Staff Development Center của Mỹ.ở Saigon. Tôi đến rất đúng giờ, ngày hẹn. Ngay khi tôi bấm chuông nhà bà ngoài cổng; một người Mỹ râu quai nón, điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, ông ta nói tiếng Việt rất sành sỏi:

-Thưa ông là Thế Phong- vợ tôi đang chờ ông trên lầu một- đây là cuộc phỏng vấn văn chương như vợ tôi hằng ao ước.

Ông ta dẫn tôi lên lầu một- vào một buồng nhỏ- đầy sách trên các ngăn-kê một cái bàn nhỏ, hai chiếc ghế. bà mời tôi ngồi, việc đầu tiên , mang chiếc radio-cassette để thâu cuộc trò chuyện văn chương. Nói tiếng Pháp rất lưu loát- thôi đúng rồi, bà này gốc Pháp, có dáng người mảnh mai của cô đầm quốc tịch Mỹ nhỏ thó. Tôi gật đầu chấp thuận trả lời phỏng vấn, nhưng lòng phân vân, mình nói tiếng pháp hay tiếng anh; sau cùng trả lời bằng tiếng anh; nếu cần phải dẫn chứng chi tiết hơn hoặc trở ngại , và có thể được sẽ xen kẽ tiếng Pháp. Tôi quên mất tên bà, chỉ nhớ, đó là người mảnh khảnh, nez aquilain ( đầu sóng mũi khoăm ) , tuổi chừng ba mươi, ăn nói lịch thiệp, am hiểu văn chương. Bà nói ngay khi gặp, đã biết tôi ,qua một số tác phẩm dịch sang Anh ngữ, và cái tiểu sử ngắn trong cuốn Introduction à la littérature viêtnamienne của Durand in ở Pháp cuối thập niên 60. ( *)

----

Introduction à la littéraure vietnamienne par Maurice M. Durand et Nguyen-Tran Huan. Ed. CP. Maisonneuve et Larose, Colection UNESCO ( Introduction aux litteratures orientales), Paris 1969.

----

Bà phỏng vấn tôi, sách ngoại ngữ về văn chương thì tôi đọc tác giả nào ,thích tác phẩm nào của nhà văn ngoại quốc, và nguồn cảm hứng nào giúp tôi khởi sự nghiệp văn chương. Đại để, tôi trả lới thích loại tiểu thuyết viết đới sống basfond ( giai cấp thấp hèn) , và thích văn chương tân tả chân xã hội Maxime Gorki, thích đọc văn chương André Gide , tả nội tâm con người tiến bộ, sâu sắc , cảm động ; hoặc sự biến cải tư tưởng con người tiến bộ tham gia làm mới André Malraux. Còn sách viết về triết lý, tôi thích Friederich Nietzsche- nên tôi đã viết,và cho in một cuốn viết về triết gia này (Friederich Nietzsche và Chủ nghĩa đi lên con người) . Thời hậu chiến, tôi cũng rất thích tác phẩm của Constant Virgil Gheorghiu- tả cuộc sống con người giữa hai lằn đạn chủ nghĩa quốc gia và phát xít của dân nhược tiểu Roumanie- nên tôi đã viết cuốn sách nhỏ giới thiệu V.C Gheorghiu, dịch cuốn truyện dài sang tiếng Việt (La Cravache/ Chiếc roi ngựa) . Về phê bình văn học, tôi đồng quan điểm lối phân tích tổng hợp rất khoa học của Bielinsky; còn nữa, một cuốn sách phê bình văn chướng và đời sống của Dostoievski , qua nhận xét tài tình André Gide. Bà lại phỏng vấn văn chương hiện đại Việtnam, và với tôi, bà còn muốn biết nhà thơ ngoại quốc nào mà tôi hay đọc và có ấn tượng lâu nhất? Nhất là thơ tôi, qua tập Nếu anh có em là vợ, như một tờ báo Pháp ở Saigon đã cho rằng tác giả rất thích nói đến tình yêu, sự khờ dại, sự không công bình , vv... nói chung là thơ có luận đề đa dạng, thơ mang nhiều hính ảnh làm rung động người đọc vv... có phải đúng vậy không? Tại sao phương danh của Nietzsche, Stendhal, Gorki, Mérimée.. lại là nhân chứng cho nhân bản tính, cùng sự rung động nhạy cảm của tôi? ( *)

----

(*) "Si vous m'aviez pour femme " tel est le titre évocateur d'un florilège poétique, en toute une soixantaine de poèmes dans lesquels le jeune auteur se plait à traiter de thèmes fort variés: l'amour, la sottise, et l'injustice humaine et... avec beaucoup de sensibilité, d'imagination et aussi avec cette finesse spirituelle d'observation qui dénote chez Thê Phong de loaubles efforts et une vaste culture. L'inspiration est plus variée quie dans des précédents ouvrages ptenant tour à tour d'un causerie set d'une confidence...Les noms de Nietzsche, Stendhal, Maxime Gorki, Mérimée, ceux des écrivains orientaux inspirent l'auteur qui témoigne de son humanisme et de sa sensibilite." (Journal d' Extreme Orient, 3 Décembre 1959, Saigon).

----

Thì ra bà đã đọc về tôi rất kỹ, tứ 1959 tập thơ đầu tiên xuất bản ở Saigon, in theo lối mimeographed , và không xin phép. Chỉ cần có đủ từ ngữ để trả lời phỏng vấn, thi tôi như đã toát mồ hôi, vận động tâm não diễn đạt, và đã không chắc đã nói tạm đủ ý nghỉ bộc bạch. Bà xin lỗi, ra vặn quật máy số mạnh, vì không khí oi ả càng hơn. Một nụ cười rất tươi của người phỏng vấn, bà nói đây là câu hỏi chót:".. xin ông cho biết, ông nghĩ thế nào về tình hình chính trị nước ông hiện nay. tất nhiên ý kiến riêng ông.Tôi mong rằng ông trả lời trung thực, đúng nhất. Cảm ơn ông."
Thế là bà đã đưa tôi vào một labyrinthe- trả lời thực cũng nguy hiểm, không trung thực với ý mình nghĩ; tất nhiên là tồi rồi; nhất là hiện tai tôi đang là một quân nhân. Hẳn bà đã hiểu được ý nghĩ tôi đang hình thành trongđầu; bà liền nói thêm: "... ông là quân nhân, đúng, tôi biết vậy; nhưng ông vẫn còn là một công dân, ông trả lời càng trung thực càng giá trị trên hai phương diện: văn chương và chính trị.
Tôi trả lời bà:
-Dưới đây là một câu chuyện kể- có thể phản ảnh phần nào câu hỏi .

Một ngày đep trời, trên một chuyến bay đặc biệt dành riêng cho Tổng thống. Tháp tùng ông, có một số quan chức đặc biệt, ông Phạm Kim Ngọc, đương kim tổng trưởng Kinh tế ngồi bên cạnh Tổng thống. Bầu trời trong xanh, cảnh thiên nhiên nhìn từ máy bay xuống tuyệt đẹp.Mây lơ llửng từng cụm trôi theo gió, phủ ánh nắng chói chang mặt trời. Qua không phận Saigon được một lúc, Tổng thống nhìn thấy , dưới mắt ông, ngoài cảnh, cây cỏ, màu xanh huyền diệu, lại có nhiều hố bom ghi lại như những ao, chuôm, lóng lánh ánh nước. Và gần đó, những nông dân, công dân thuộc nước ông cai trị, vẫn đang cặm cụi trong công việc đồng áng ở gần đó, hình như không hề nghĩ tới chiến sự đang vang giội lại, âm thanh bom, đạn, tiếng súng, tiếng ầm ấm khói bốc ngụt lên từ hàng loạt bích kích pháo. Ông thấy thương dân ông, và muốn bày tỏ một cử chỉ là tổng thống cũng quan tâm tới họ đấy chứ. Ông quay sang ông tổng trưởng Kinh tế:

-Này ông Ngọc, tôi muốn giúp đỡ dân mình qua một thái độ này, tôi nói, để ông suy ngẫm và trả lời; đây có phải là một cử chỉ của Tổng thống một nước rất thương dân mình, ban phát cho họ một chút ân huệ; tôi sẽ cho thả những tờ giấy bạc, tờ giấy năm trăm đồng cho họ. Ông có chắc rằng, một khi nhận được, họ có biết là Tổng thống cho không, và liệu họ có cảm ơn trong sự vui vẻ, phấn chấn không? Liệu từ đấy họ có tin tưởng vào chế độ cộng hòa mà tôi là nhân vật cao cấp nhất đang lãnh đạo đất nước này không?Là tổng trưởng Kinh tế, tất ông phải có chuyên môn việc kinh bang tế thế, ông đã chẳng nổi tiếng trong việc đánh thuế ATV vào hàng hóa đó sao; dân chúng bị mua hàng trả cao hơn, ta thán, báo chí lên tiếng phản đối; nhưng ông vẫn cho đây là một sáng kiến của một vị đứng đầu về kinh tế của một quốc gia lớn, làm chjo dân giàu, nước mạnh.

Ông Ngọc chậm rãi, thưa:

- Thưa Tổng thống, ý kiến của Ngài thật tuyệt vời. hẳn rằng dân chúng, dầu đầu tắt mặt tối đi nữa, làm lụng ở dưới kia, một khi nhặt được tờ giấy bạc mệnh giá lớn nhất, năm trăm đồng tiền vàng Ngân hàng Quốc gia Việtnam; họ biết ngay rằng người đang đi trên máy bay đặc biệt kia chính là Ngài Tổng thống. Họ sẽ phấn chấn hơn, nức lòng hơn, hướng về quốc gia, do Ngài tài tình lãnh đạo. Nhưng, với con mắt của kinh tế gia, tôi chỉ xin đưa ra một ý kiến nhỏ; thay vì Tổng thống lấy những bó bạc giấy năm trăm đồng, xin Tổng thống lấy nhiều bó bạc giấy một trăm đồng- số bạc mà Tổng thống dự định phân phát sẽ nhiều gấp năm lần, và khi được phát ra, dân chúng sẽ lượm được nhiểu tờ hơn. Và cứ như thế sự cảm tạ đối với Ngài càng nhiều nhiều gấp bội.

-Ý kiến của ông rất hay, và rất xứng đáng làm tổng trưởng kinh tế , hơn nữa ông trẻ tuổi tài ba, thông minh, có óc sáng tạo hơn người.

Thế rồi, qua lỗ cửa kính máy bay, chính tay ông Tổng thống thả những bó giấy bạc một trăm đồng ấy. Giấy bạc tung bay theo gió mờ mịt khung trời. Lòng Tổng thống bỗng dưng cảm thấy khoan khoái lạ kỳ, lại thấy mình đúng là một lãnh tụ chính trị tài ba hơn người lãnh đạo đất nước này; tiêu diệt kẻ thù- khiến cố vấn Hoa Kỳ bênh cạnh ông đã nhiều lần bày tỏ sự khâm phục. Bỗng nhiên Ngài nhớ lại một phe chống đối, rải truyền đơn, trong đó có bốn câu tục ngữ dân gian đã được cải biến ,để châm chọc, biếm nhả đối với ông. Như:

Ba đồng một chục đàn ông
Tổng thống bỏ vào lồng
Tổng thống xách đi chơi ..
Ba trăm một vị đàn bà
Mua về đem giải chiếu hoa cho ngồi..

(người đàn bà hát hay, nhan sắc tuyệt vời được Tổng thống
yêu dấu, giấu đệ nhất phu nhân cất một nới, xa thật xa, tận bên Tây Đức, mua thảm trải sa lông, mua nệm đắt tiền cho nàng ngủ; biệt thự lâu đài cho nàng sống; người dân nào mà chả biết; đó là ca sĩ K.L. Còn bọn đàn ông mà Tổng thống xách bỏ vào lồng; đó là thanh niên tới tuổi nhập ngũ, được đưa vào quân trường, đưa ra chiến trận, đem nướng vào lò sát sinh nội chiến).

Nghĩ đến đây, Tổng thống chau mày, Tổng trưởng Ngọc tưởng ngài Công dân số I La Mã khiển trách điều gì; ông Ngọc khúm núm thưa:

-Ý kiến nhỏ của tôi đưa ra, một tờ giấy bạc năm trăm đổi được năm tờ giấy bạc một trăm, không làm Tổng thống vui sao?

Một vị quan chức quan trọng khác lên tiếng phụ họa:

- Dưới quyền lãnh đạo anh minh của Tổng thống , đất nước này ngày càng thịnh vượng, người dân ấm no, nhưng vừa rồi báo chí Mỹ vẫn công kích ta độc tài, đàn áp đối lập, bóp miệng tự do báo chí; mua chuộc nghị sĩ, dân biểu. Rồi ông đại sứ Mỹ ở đây gí mũi can thiệp quá sâu vào đới sống chính trị nội bộ chúng ta. Đất nước này của chúng ta, vậy ai mới là người chính thức cai trị ? Hỏi, tức là trả lời, người đem lại no ấm cho dân chúng, chính là một trong những hành động yêu nước, thương dân, qua những tờ giấy bạc mới được thả từ máy bay xuống.
Mọi người đều hân hoan tán thành ý kiến quan chức nọ. Khi máy bay đáp xuống phi trường Đà Nẵng, cờ xí ngập phi trường. Hai hàng quân danh dự dàn chào Tổng thống và phái đoàn được máy chụp hình, quay phim ,các hãng thông tấn lớn vây quanh Tổng thống phỏng vấn. Một ký giả ngoại quốc, hãng ABC, giơ micrô hường về phía ông:

- Thưa Tổng thống, xin cho biết quan điểm của Ngài; đất nước Việtnam phồn vinh, dân chúng no ấm, lòng người hân hoan; vậy ai là người đích thực có công lãnh đạo?

.......
-Thưa bà, chắc bà không cần phải nghe câu trả lời của Tổng thống nước tôi, cả tôi và bà, người phỏng vấn về văn chương và hiện tình chính trị ,và người trả lời, nhà văn mặc áo lính Không quân, đều có câu trả lời đúng nhất:

" Hãy hỏi Washington, thay vì Saigon".

Cuộc phỏng vấn kết thúc.

Hơn bốn tiếng đồng hồ trôi qua thật nhanh, bà xiết chặt tay tôi; đưa ra cửa, và chồng bà tiễn tôi khỏi cổng.

Chưa bao giờ trí óc tôi lại cần phải nghỉ ngơi hơn là lúc này.

Trích Hỡi Linh Hồn Tôi



VVM.08.6.2024-NVATP.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .