“Chị Thắm đã mua quà cho bé Na chưa?”
Chị Tú bán trái cây lắc bên cạnh nhân lúc vắng khách hỏi chị Thắm.
Bán hàng rong ở công viên cũng gần một năm ngồi cạnh nhau nên hai chị cũng thường hay tâm sự về chuyện gia đình, chuyện buồn vui với nhau. Chị Tú nhỏ hơn chị Thắm 10 tuổi, chưa có con chỉ vừa có chồng được ít tháng. Hai vợ chồng ít học nên chồng chị Tú làm bảo vệ quán cà phê, còn chị bán hàng rong kiếm tiền sống qua ngày. Cuộc sống cũng không quá khó khăn với người từ quê lên phố như chị Tú.
Ngược lại hoàn cảnh của Chị Thắm thì đặc biệt hơn. Chồng chị mất vì tai nạn lao động ở công trường. Số tiền hỗ trợ từ nhà thầu một phần chị lo mai táng cho anh, số còn lại chị để dành lo cho hai con ăn học và chi tiêu trong cuộc sống. Một mình phải lầm lũi giữa đất Sài Gòn phồn hoa nuôi hai con nhỏ là một điều vô cùng khó khăn với người phụ nữ đã hơn bốn mươi. Chị làm nghề bán hàng rong đã hơn chục năm, từ lúc chị lấy anh rồi cùng anh lên Sài Gòn lập nghiệp. Từ ngày chồng mất, một ngày của chị luôn tất bật. Chị rời xóm trọ từ sáng sớm, đưa các con đến trường học rồi chị quay về nhà chuẩn bị nguyên liệu để ra công viên ngồi bán.
Chị Thắm ngước nhìn chị Tú cười hiền giọng buồn bã.
“Chưa có mua cái gì hết em à.”
Chị Tú kinh ngạc. Chị Tú biết chị Thắm rất tiết kiệm vì chị ấy luôn lo xa. Chị ấy cũng thường khuyên chị Tú phải tiết kiệm, ở nơi đất khách quê người không họ hàng thân thích. Lỡ mai bệnh hoạn đến bất chợt trong nhà không có chút tiền thì biết vay mượn ai, không có tiền uống thuốc nằm vật vã ra đó thì khổ lắm. Lúc tụi nhỏ đi học chị ấy sống tiết kiệm phần vì còn phải lo cho tụi nhỏ tiền ăn học mỗi ngày. Hè rồi thì cũng dư dả phần tiền học mỗi ngày chứ. Mua món quà nhỏ chắc cũng không kể là nhiều tiền đâu mà. Chị Tú suy nghĩ đơn giản vậy nên cũng tò mò hỏi chị Thắm.
“Ủa sao vậy chị? Nghỉ hè tụi nhỏ đâu có đi học?”
“Thằng Nghĩa sắp vào lớp 6 tiền học phí, sách vở cũng nhiều. Con Hạnh năm nay cũng vào lớp 1. Năm học mới nhiều cái phải lo chi tiêu lắm.”
Chị Thắm thở dài kể một mạch những việc cần chi tiền cho năm học mới, từ quần áo, giày dép, sách vở, tiền học, tiền trường đủ thứ phải lo. Chị không phải không muốn làm con vui vẻ nhưng thật sự chị không muốn phung phí tiền vào những món đồ chơi kia. Đồ chơi trẻ con rẻ gì cũng phải vài chục ngàn, mà vài chục ngàn đó là được một bữa cơm với cá cho ba mẹ con rồi.
Chị Tú cũng thở dài theo, chị chưa có con đi học nên không biết phải có nhiều thứ phải lo như thế. Chị và chồng vẫn đang cố gắng sống tiết kiệm để hy vọng đến lúc có con thì đủ tiền chăm lo cho con. Nội ngoại hai đứa ở quê điều nghèo cho nên sợ cũng chẳng thể giúp gì nhiều nếu hai vợ chồng thiếu thốn.
Hai chị đang trò chuyện thì có hai mẹ con bé trai đi đến. Bé trai có gương mặt bầu bĩnh và có vẻ rất hoạt bát. Vì từ lúc đến chỗ hai chị mua bánh tráng trộn và xoài lắc, cu cậu nói liên tục.
“Chút nữa mẹ mua cho con chiếc máy bay điều khiển nhen, con thích máy bay điều khiển bay được lên cao ơi là cao.”
“Nhưng ở nhà con có mấy chiếc rồi mà, có chiếc con còn để trong hộp chưa mở ra chơi lần nào nữa kìa.”
“Con không biết, mẹ phải mua cho con, không là con nằm ở đây luôn.”
Đứa bé trai vừa nói vừa ngồi bẹp xuống đất. Hai chân duỗi thẳng, gót chân liên tục chà dưới nền gạch vỉa hè của công viên. Nước mắt ngắn dài lăn trên đôi gò má. Người mẹ lúng túng liếc nhìn chị Tú và chị Thắm vẫn đang dõi mắt nhìn hai mẹ con. Có lẽ người mẹ cũng ngại ngùng với phản ứng của con trai.
Chị Tú liếc nhìn chị Thắm rồi nghĩ rằng bé trai kia chắc chắn sẽ bị mẹ tét mông đến sưng đỏ vì tội ăn vạ. Vậy mà không có một tiếng quát hay cái đánh nào xảy ra. Người mẹ ngồi chồm hổm bên con trai rồi thủ thỉ dỗ dành.
“Ngoan đứng lên, mẹ đưa con đi mua nè.”
Cậu bé lập tức nín khóc, đưa tay lau nhanh vệt nước mắt trên mắt rồi cười vui vẻ đứng dậy.
Sau khi hai mẹ con kia đi rồi chị Tú than vãn với chị Thắm. Chị bảo nghe thằng nhóc kia nói mà cảm thấy cuộc sống quá bất công, một đứa thì đồ chơi chơi chưa hết, chưa giáp thì đã mua thêm nữa. Cha mẹ giàu nên không cần tính toán với con. Còn một đứa ước có một món đồ chơi nhỏ thôi cũng khó. Mẹ phải tính đến thiệt hơn và lợi ích. Chị Thắm biết chị Tú đang ám chỉ điều gì nhưng chị chỉ mỉm cười mà không bình luận gì.
Càng về chiều tối công viên mỗi lúc đông người lên dần. Lúc trưa chị Thắm có chạy về nhà để nấu cơm chiều sẵn cho hai đứa nhỏ rồi chị mới vòng ra công viên bán tiếp. Hôm nay là ngày lễ, người ta đi chơi nhiều hơn bình thường nên chắc chắn sẽ bán rất được. Chị lấy thêm nhiều nguyên liệu rồi quay lại công viên bán liên tục không ngừng nghỉ cho đến chiều tối. Chị Tú đã bán hết trước và đã được chồng đón về nhà. Còn mỗi mình chị Thắm ngồi trơ trọi một góc và được quay quanh bởi khách hàng. Chị đang bán thì có giọng nói non nớt quen thuộc vang lên bên tai chị.
“Mẹ ơi! Để anh em con bán phụ cho mẹ nha.”
Chị Thắm ngạc nhiên khi nhìn thấy Nghĩa và Hạnh xuất hiện nhưng vì đang bị khách dí liên tục nên chị cũng không có thời gian hỏi chuyện hai đứa nhỏ. Nghĩa và Hạnh rất hiểu chuyện. Nghĩa chạy đến cạnh túi tiền của mẹ rồi phụ mẹ tính tiền, lấy tiền cũng như trả tiền thừa lại cho khách. Nhỏ Hạnh chạy phía bên kia của mẹ, phụ mẹ mở túi ni lông ra sẵn để mẹ sau khi trộn bánh tráng thì bỏ vào. Mỗi đứa một việc vô cùng nhịp nhàng. Ai đến mua bánh tráng của chị Thắm điều khen ngợi hai đứa nhỏ nhà chị. Có khách ruột, từng gặp hai đứa nhỏ trước đây còn cho kẹo hai đứa. Những lúc vậy, hai đứa nhỏ của chị đều dõi mắt nhìn chị xin phép. Chị Thắm không gật đầu là không đứa nào dám nhận dù chỉ là một que kẹo mút nhỏ.
Lúc khách giãn ra một chút, Nghĩa và Hạnh ngồi cạnh nhau, ngắm nhìn các bạn nhỏ khác đang chơi đồ chơi. Nào là ô tô điều khiển, máy bay điều khiển bay cao cao, Nghĩa nhìn mà thích mê. Còn Hạnh lại sáng mắt với mấy quả bóng bay đủ hình dạng, nhỏ nhìn mà không rời mắt đi được. Chị Thắm dõi mắt nhìn theo hai con mà chỉ biết buồn vời vợi. Chị tự hứa với lòng sẽ cố gắng làm kiếm được nhiều tiền lo cho con đầy đủ không thua kém bạn bè nhưng giờ nhìn hai đứa nhỏ tủi thân, chị đau xót trong lòng.
“Nghĩa, con chạy xe về nhà trước đi con. Chờ đã lúc qua bên kia đường thì phải làm sao?”
“Dạ, là xuống dắt xe đi bộ qua, nhờ người lớn ở đó giúp đỡ.”
“Ừ, nhớ đó. Chạy xe cẩn thận nhen con.”
Nghĩa lên xe một mình chạy về trước, còn Hạnh ở lại về cùng với chị Thắm. Sau khi hai mẹ con dọn dẹp thì cũng ra về. Lúc đang chờ đèn đỏ, Hạnh chớp mắt nhìn trân trân cô bé đang cầm bóng bay hình con mèo màu hồng đáng yêu. Bất chợt cô bé tụt xuống xe rồi chạy đến chỗ đứa bé gái.
Chị Thắm ngơ ngác rồi bàng hoàng khi thấy Hạnh như một cơn gió lao đến chỗ đứa bé gái chừng bốn tuổi đang đi ra giữa đường, có vẻ đứa bé gái làm rơi bong bóng bay nên nó đang đuổi theo.
Chị Thắm hét lên khi thấy đèn tín hiệu chuyển sang xanh.
“Hạnh ơi! Trở vào đi con ơi.”
***
Chị Thắm ôm lấy Hạnh nước mắt tuôn rơi. Chị thầm cảm tạ ông trời đã không cướp đi đứa con gái ngoan của chị. Rồi liên tục cảm ơn chàng thanh niên trước mặt, nếu không nhờ cậu kịp thời chạy đến vừa bế đứa bé gái nhỏ, vừa nắm tay kéo Hạnh vào thì chỉ sợ rằng cả hai đứa trẻ đã bị xe tông.
“Mẹ ơi! Con xin lỗi.”
“Con không sao là tốt rồi, chúng ta về thôi. Về nhà mẹ nấu chè đậu xanh thưởng cho lòng dũng cảm của con hôm nay được không?”
“Mẹ mua bóng bay thưởng cho con được không mẹ?”
“Lần sau nha được không? Hôm nay mình ăn chè trước nhé.”
Hạnh ngoan ngoãn gật đầu rồi vòng tay ôm lấy mẹ, trên chiếc xe đạp hai mẹ con chị Thắm hoà vào dòng xe trên đường về nhà.
***
Khi ba mẹ con chị Thắm đang quay quần cùng ăn chè đậu xanh thì lúc này có người đến nhà. Có đôi vợ chồng ăn mặc vô cùng sang trọng tìm ba mẹ con chị. Sau một lúc trò chuyện, chị mới biết họ là cha mẹ của bé gái mà hạnh đã lau ra đường cứu. Họ tìm đến để cảm ơn Hạnh và chị. Và họ không đến bằng tay không.
“Tôi rất ngưỡng mộ cách dạy con của chị. Đứa nào cũng ngoan. Chị cho hai bé nhận số đồ chơi này nhé.”
Người phụ nài nỉ chị Thắm nhận quà cho tụi nhỏ. Chị Thắm ban đầu không nhận nhưng hai vợ chồng kia kiên trì quá nên chị cũng đành đó ý. Lúc hai vợ chồng họ đã ra về. Hạnh và Nghĩa khui chiếc thùng to họ mang đến. Bên trong có mấy lốc sữa, bánh ngọt, rất nhiều đồ chơi, gồm cả một chiếc xe ô tô điều khiển và quan trọng có cả bóng bay. Hạnh cầm bóng bay trong tay cười vui vẻ, nụ cười tràn ngập sự hạnh phúc.
Nhìn hai con vui vẻ chị Thắm cũng cảm thấy hạnh phúc vô bờ.