Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Nguyễn Văn Hiếu

RỪNG HOA MƠ



                                 
N ăm 68, tôi lên sống ở Thạch Bình, một xã thuộc vùng bán sơn địa huyện Thạch Thành. Đây là một xã mà người ta trồng rất nhiều mơ, mận, mít, dổi, nhót và luồng. Cách nhà tôi trọ vài trăm mét là đình Nghè thâm u cổ kính, có cái giếng tròn lớn, xây bằng đá xanh. Đi ngược về phía trên là đình Trung, nơi hợp tác xã vẫn dùng để họp dân và phơi lúa; có khi người ta còn chứa cả phân đạm. Kế đình Trung cũng có một cái giếng tròn, cũng xây bằng đá xanh. Làng xóm cất nhà vòng vòng theo chân đồi. Con đường lớn của làng là đường đất đỏ, lăn tăn những viên đá tròn, nhỏ như hột kê, hột lựu; chạy xe đạp nghe ro ro, rất vui tai. Từ con đường chính này, có nhiều con đường nhỏ dẫn cao lên đỉnh đồi; dọc các con đường này cũng là nhà cửa, vườn tược. Lên tới đỉnh là bạt ngàn cỏ ráng, cỏ tranh, sim mua, cỏ xể và lau cù.

     Vào những ngày rảnh rổi, tôi thường đi xa hơn mười cây số, đến chơi ở nhà chị Nụ. Chị Nụ người Mường, sống với người cha già ở trong một cánh rừng luồng, mọc bao quanh phân nửa ngọn đồi bát úp. Đi vòng qua bên kia đồi là một rừng mơ ngút ngát, nằm cặp theo một con suối. Đi ngược theo con suối lên phía rừng Quèn, sẽ gặp một dòng thác tuôn chảy từ trên dãy núi đá xuống. Cha chị Nụ nguyên là một tay thợ săn cự phách, nay đã ngoài tám mươi tuổi. Vào mùa đông, suốt ngày ông chỉ quấn tấm chăn dạ, ngồi bó gối sưởi ấm bên bếp lửa. Kế bên ông là con chó lài nằm xoãi hai chân trước, mắt lúc nào cũng nhắm nghiền lại như đang ngủ. Vậy mà hễ hơi động có tiếng chân người leo lên cầu thang, là lập tức nó ngóc đầu lên, vểnh một tai để nghe ngóng. Dường như tôi chưa nghe nó sủa bao giờ.

     Những khi có tôi đến chơi, ông lão thường lùi những củ sắn vào bếp than, mời tôi ăn với muối vừng. Chen lẫn với mùi thơm của sắn nướng, những cuộc săn hoãng, săn lợn rừng, săn gấu, chập chờn hiện lên cùng với lửa bếp.
     Phường săn vài chục người kết thành một toán, ai cũng lăm lăm dao, mác và đeo nỏ trên lưng. Đàn chó săn đông dúc. Chỉ cần xùy một tiếng là chúng lồng lên, sủa dắng dõi vang vang cả cánh rừng. Trong đàn thường chỉ có một vài con chó lài. Chó lài lông vàng, to như con bê, và không hề biết sợ cọp như các giống chó khác. Khi chó mẹ đẻ con, người chủ thường cầm một bó lửa quơ quơ ở phía trên, nếu con mẹ đến tha con nào đi đầu tiên, chắc chắn đó sẽ là con chó săn rất giỏi về sau. Khi nuôi chó, người chủ thường cho nó tiếp xúc với miếng da cọp, để nó quen mùi, để nó không sợ cọp.
     Người Mường lấy râu cọp luyện thuốc, tẩm vào đầu mũi tên, dùng để bắn hạ cọp và thú dữ. Không ai nói chính xác về bài thuốc. Nhưng nghe đâu người ta lấy râu cọp cắm vào mụt măng, làm cho mụt măng bị thối mà sinh ra sâu giòi. Khi măng có sâu, họ lựa ra vài con sâu trắng lớn nhất, bắt đem bỏ vào chum, và nuôi nó bằng thịt gà trống. Cứ đập chết gà rồi thả vào chum, con sâu sẽ đục khoét con gà để ăn mà sống. Phân của nó thải ra, sẽ được đem luyện với một vài thứ lá rừng, thành thứ nước màu nâu, dẻo sền sệt.
     Tôi thường ngồi im lặng hàng giờ bên cạnh ông lão, lắng nghe và suy nghĩ. Ông lão ốm yếu và hom hem thế này, làm sao đủ sức quần nhau với gấu được nhỉ. Nhưng vết sẹo cắt ngang gương mặt, cùng với câu chuyện của ông, buộc tôi phải tin điều đó. Ta nghe tiếng kêu trầm đục, thống thiết, biết ngay là đã có con gấu bị sập bẫy. Cắt rừng vào tới nơi mới biết đó là con gấu ngựa(ông lão kể). Ra hiệu cho mấy tay thợ săn dừng lại, nhưng đã trễ. Con gấu nhận ra hơi người, nó lồng lên, gầm rống. Ba chân còn lại với tua tủa vuốt sắc, cào tát vào lùm bụi, làm cây cối đổ ràm rạp. Thế rồi nó thoát ra được, xông thẳng vào ta. Con chó lài nhảy lên ngoạm vào cổ nó. Nó tát con chó văng ra. Ta nhảy sang bên, phóng ngọn giáo vào bụng nó. Hộc một tiếng, nó quờ tay tát ngang; mặt ta rát như lửa bỏng. Các tráng đinh kịp ập tới phóng lao. Con gấu hơn trăm ký đổ sập xuống. Hai con chó lài lực lưỡng xông tới, cắn đứt cuống họng nó. Tới giờ ta vẫn còn nhớ. Đó là con gấu ngựa làm chủ cả cánh rừng Quèn. Còn ta, ta phải bỏ dở cả mùa săn.
     Tôi nhìn kỹ gương mặt ông lão. Gương mặt méo mó như chảy dài xuống vì tuổi tác. Chẳng có nét nào giống chị Nụ. Chị Nụ mặt trái xoan, hai mắt lóng lánh và sâu thăm thẳm; môi đỏ và mọng. Có lẽ chị giống mẹ. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe ông lão kể một lời nào về vợ, về mẹ của người con độc nhất của mình. Bà chết khi chị Nụ mới lên ba, lên bốn.
     Những ngày nắng ấm, ta vẫn ra ngồi trước ngọn thác. Ngọn thác hát lời của núi, của rừng. Ta nghe tiếng tù và âm vang, tiếng phường săn hú gọi nhau và hú gọi bầy chó săn. Ta cứ ngồi như thế hàng giờ. Lúc còn trẻ ta vẫn hay ra ngồi trước ngọn thác ấy. Ngọn thác đem lại cho ta tình yêu. Đem lại cho ta ngôi nhà sàn, cánh rừng luồng và cánh rừng mơ này. Nó cũng đem lại cho ta đứa con gái. Chỉ một đứa thôi. Ta biết làm sao được. Nếu ta có con trai. Ừ, ta sẽ không cho con trai ta thành phường săn. Những mũi tên tẩm thuốc độc, có thể bắn hạ cả trâu rừng. Mà bắn trâu rừng để làm gì, khi nhà ta lúc nào cũng nuôi đàn gà hàng trăm con, nuôi đàn lợn hàng chục con. Ta đã bắn giết qúa nhiều thú rừng. Tất cả chỉ là thú vui. Thú vui tàn sát những con vật hiền lành của rừng, của núi. Ta nghe tiếng những con hoãng non tác lên nao niết. Ta nghe tiếng những con khỉ mẹ gào lên khóc con. Ta nghe tiếng dòng thác thổn thức. Nhiều năm trước đây, ta vẫn thường trốn trong rừng mơ cả ngày. Nhưng nay thì chân ta đã run lắm. Chân con chó lài của ta cũng đã run lắm. Ta với nó ngồi với nhau ở đây. Nó không nói được, nhưng nó hiểu từng lời nói của ta; còn ta hiểu tiếng trái tim của nó đang đập một cách mệt mỏi. Sự mệt mỏi của rừng núi đại ngàn. Chỉ có rừng luồng của ta, rừng mơ của ta là còn trẻ. Chỉ có con gái của ta là còn trẻ.

     Một buổi trưa tôi đến chơi nhưng không gặp ai ở nhà chị Nụ. Tha thẩn một mình, tôi lần qua rừng mơ. Mơ đang mùa hoa. Cả cánh rừng hoa mơ nở trắng đến nao lòng một niềm cảm xúc vô cớ. Cảm thấy mình không thể trốn được trong rừng mơ này như ông lão, tôi lần lần đi xuống dòng suối. Hoa thằng đăng nở đỏ đến chói chang, đến ngờm ngợp sự chờ đợi một điều gì đó chưa thể biết trước được. Lần theo bờ cuội, tôi đi ngược lên cánh rừng trẩu đang mùa đỏ lá.
     Tiếng ào ào của thác nước như sôi lên niềm khát vọng khám phá. Nhưng kìa! Chị Nụ đang khỏa thân dưới dòng thác ấy. Nắng ấm soi sáng bừng tấm thân thon thả. Hơi nước soi lóng lánh da thịt. Mắt tôi như choáng đi. Một chiếc cầu vồng ngũ sắc đang mọc giữa ban ngày, đang trùm lên đóa thiên nhiên trác tuyệt nhất của núi rừng kỳ vỹ.
     Tôi lùi lại. Một phiến đá phẳng lỳ, đen bóng, như mọc sẵn từ hàng ngàn năm, dưới gốc một cây trẩu đại thụ, vòm lá đỏ lựng lên màu đỏ xẫm của tin yêu. Vâng, tôi đã bắt gặp sự kì diệu của tình yêu từ mấy mươi năm trước. Rất có thể ông lão thợ săn thời trai trẻ đã từng ngồi ở đây, đã từng nhiều lần nhìn vọng về ngọn thác ấy. Và cũng rất có thể từ ở đây, ý tưởng về một rừng mơ đã mọc lên. Rừng mơ ấy bây giờ đang mùa đơm hoa trắng xóa. Tôi chợt hiểu ra rằng, ngay bây giờ tôi phải trốn vào rừng mơ ấy. Rừng hoa mơ dìu dịu, sẽ giúp xua được chăng, niềm đam mê đang cháy bỏng?

     Cuối năm ấy tôi nhập ngũ, rồi đi thẳng vào miền Đông. Từ miền Đông, tôi sang Công Pông Chàm. Từ Công Pông Chàm tôi trở về B2. Tuổi thanh xuân của tôi cứ theo tiếng súng mà đi mãi. Đi mãi cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

     Năm 2000 ra dự Trại viết ở Hà Nội, cô bạn nhà văn trẻ mời tôi mấy trái mơ. Cầm mấy trái mơ trên tay, tôi thốt nhớ cánh rừng hoa mơ ở Thạch Thành đến cháy lòng cháy dạ. Chắc chắn là dòng thác vẫn còn ở đấy, rừng mơ vẫn còn ở đấy, nhưng mùa hoa mơ thì đã qua rồi. ./.




VVM.31.5.2024

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .