C
ô lên chương trình ngày mai đi khám bệnh. Tất cả hồ sơ, sổ khám bệnh chuẩn bị sẵn. Kiểm tra lại xem còn sót gì không? Tuyệt đối không, cho tất cảvào cái ba lô nhỏ, cô yên tâm đi ngủ.
Tháng tư trời oi bức, cả đêm mở máy lạnh đến khô khốc cổ họng, không chịu được, cô dậy mở cửa sổ, tắt máy lạnh và mở quạt. Bên ngoài thật lặng yên, ánh sáng của đèn đường cố vươn xa hết mức, tầm nhìn đã đến giới hạn, phía chân trời đó vẫn còn là bóng đêm. Cô nhìn đồng hồ mới ba giờ sáng, cơn buồn ngủbay đâu mất. Có thể gọi đây là thức giấc nửa đêm không? Là mất ngủ. Thật ra cô cảm thấy chỉ cần ngủ sâu mấy tiếng là tỉnh táo rồi. Khoảng thời gian này, hình như trôi chậm, cô loay hoay một số công việc quên mất thời gian, Pha một ly sữa có chút cà phê, mở một bản nhạc yêu thích, ngồi yên một chỗ thưởng thức, cô thích thú cảm giác này. Thời gian, không gian như đang cùng cô cho một chút yên ả trước sự vội vã, tiếng ồn của ngày sắp sửa bắt đầu.
Nhìn qua ô cửa, trời đã sáng hẳn. Bà Ba nhà đối diện đã quét sạch khoảng đường phía trước nhà. Quán tạp hóa đã bày chiếc bàn nhỏ phía trước bán cà phê cho mấy ông già trong xóm. Tiếng động của ngày đã thật sự thức giấc, đánh động những hạt bụi nép mình sau một đêm dài.
Cô khoác cái balo nhỏ, khóa trái cửa bước ra nhà ông Tư.
- Anh Tư ơi! Chở dùm tui đi khám bệnh.
- Cô chờ tui chút.
Ông Tư cách nhà cô mấy căn, trong xóm nhỏ này có ông cũng đỡ lắm, bình thường ông may hàng gia công, ai muốn đi đâu gọi là có liền, lâu dần ông có thêm cái nghề chạy xe ôm. Cô ngồi sau chiếc xe máy, tay vịn hờ trên vai ông Tư theo thói quen, đường Sài Gòn xe cộ đông nghẹt, đủ các loại xe to nhỏ không ai nhường ai, gần như người ta quên mất khoảng cách an toàn, không biết cô có nghĩ sai không, nhưng tất cả chuyển động trước mắt tạo cảm giác như thế, cô cứ thót tim nhắc chừng:
- Chạy chậm thôi anh Tư.
Ông cười
- Cô nhát quá!
- Chậm chút mà an toàn anh.
Khi tai nạn xảy ra dù lỗi bên nào thì hậu quả cũng thật đáng tiếc và đau lòng. Đường từ nhà cô lên bệnh viện không xa lắm, nên cô mới kêu ông Tư, đi xa hơn thì taxi là lựa chọn tốt nhất. Đã hai lần bị xe tông khi điều khiển xe máy khiến cô ám ảnh khi đi ra đường.
Xe dừng trước cổng bệnh viện, cô vội vàng trả tiền, cảm ơn ông Tư rồi đi vào khu khám bệnh. Từ ngoài cổng đã đông người, vô đến sảnh đầu tiên thì hầu như không có một khoảng trống, cô lách người đi đến trước quầy nhận bệnh. Sắp một hàng dài chờ đợi, từng người một khai bệnh rồi nhận số thứ tự. Tới lượt mình, cô nhân viên ngồi phía sau quầy. hỏi :
- Chị khám gì?
- Tôi khám tim mạch.
Trên tay cô cầm sẵn sổ khám bệnh, cô chợt nhớ hình như quên thẻ bảo hiểm, sao lại như thế được! Cô kiếm lại hết các ngăn balo vẫn không thấy, tiếng cô nhân viên hỏi với giọng bực bội
- Chị có bảo hiểm không?
- Tôi có, mà quên ở nhà rồi. Cô có thể giúp tôi nhập số căn cước công dân đểtra thông tin trong máy, vì mỗi tháng tôi đều tái khám, có thẻ bảo hiểm.
Cô nhân viên với khuôn mặt lạnh lùng, không thèm nhìn bệnh nhân lấy một cái, trả lời như một cái máy được lập trình vô hồn.
- Vậy chị khám tư đi.
- Được rồi, cảm ơn cô, để tôi về lấy bảo hiểm.
Cô vã mồ hôi, bước ra phía trước tìm chút không khí, tự trách mình sao mà lơ đễnh vậy, hồn vía thỉnh thoảng lại đi đâu không biết. Sau một phút trấn tĩnh, cô nhìn quanh xem có chiếc xe nào kiếm khách không? Ô, kia rồi, một ông xe ôm trong trang phục áo xanh, da đen sạm, nhìn cũng có tuổi, đang chạy từ từ chừng như kiếm khách. Cô mừng thầm, hôm nay phải khám bệnh cho xong, ngoắc xe lại, trong tích tắc chiếc xe máy đã đỗ xịch trước mặt cô, tiếng bác tài hối thúc:
- Chị đi đâu lên xe lẹ đi, ra ngoài hẳn nói.
Cô bối rối về sự vội vàng của bác tài, như một phản xạ, cô ngồi lên yên sau chiếc xe máy,
- Anh cho tui mượn nón bảo hiểm.
- Từ từ đội, ai hỏi đâu mà gấp.
Miệng nói chiếc xe đã vọt ra cổng băng qua bên kia đường thắng gấp.
- Anh làm gì mà vội vàng vậy?
Cô bực mình hỏi, không thèm trả lời, ông ta lấy nón bảo hiểm đưa cho cô, rồi lấy điện thoại ra gọi
- Chờ tui chút, tui chở khách rồi quay lại đón bà, chừng mười phút hà.
Ông ta đưa tay vẫy người đàn bà bên kia đường, nhìn theo hướng tay của ông ta, dưới cái nắng gay gắt, một người đàn bà dáng người nặng nhọc bước chậm đứng nép vào cổng bệnh viện. Cô buột miệng:
- Thôi, tui đi xe khác, anh chở chị ấy về đi.
- Không sao, cô lên đi, để bà ấy chờ một lát.
Trước thái độ như nài nỉ, cô không đành lòng, đội chiếc nón bảo hiểm lên đầu, không cài được quai nón, cô lên tiếng:
- Cái nón của anh sao vậy? Quai nón cứ bung ra.
- Cô cài vào để yên nó không rớt, cô đừng kéo ra.
Nói xong ông ta đội nón bảo hiểm lên đầu, không cài quai nón đã nổ máy chạy. Cô buột miệng:
- Sao anh không cài quai nón, anh chạy nó úp xuống mặt thì sao?
- Thì tôi cài đây nè.
Cô nghĩ bụng thật hết biết, chạy xe mà cẩu thả hết sức. Chắc là ông ta sốt ruột bà vợ nên mới vậy.
Bây giờ thì ông ta mới hỏi cô về đâu? Cô nói địa chỉ, hỏi ông biết đường không?
Ông trả lời:
- Biết chứ, nhưng đường Sài Gòn nhiều như vậy sao nhớ hết. Bây giờ tôi chạy thẳng, tới khúc nào quẹo trái hay phải thì cô nói.
Cô bực mình không tranh cải, chỉ trả lời:
- Ông chạy đi, tui chỉ đường.
Cô nghĩ mà mắc cười trong bụng, mình có khác gì ông ta, cũng quên trước, quên sau đó thôi, tuổi này chưa gọi là già, nhưng cũng không còn trẻ nữa, có lần nấu canh mà nhập hồn vào một cuốn sách đến nỗi nồi canh cạn khét đó sao! Đôi khi sống và làm việc như một quán tính, có những con đường mình đi qua mỗi ngày, nhưng nếu có ai hỏi “Hôm nay con đường đó có gì lạ không chưa chắc mình đã để ý.” Thôi thông cảm vậy.
Ngồi phía sau xe máy, cô cảm giác cái yên xe không cố định một chỗ, nó cứnhún nhảy như sắp rơi ra, nếu mà đi xe Ngựa lắc lư chắc cũng chỉ thế này… Cô níu chặt vai áo của bác tài mà run trong bụng, chừng như thấy sự im lặng ngột ngạt, ông ta biết cô không bằng lòng, nên lên tiếng:
- Cô thông cảm, hồi nãy ở bệnh viện tôi phải vội ra ngoài vì trong đó cũng có xe ôm, tôi mà vô đó đón khách là không được.
- Không sao đâu, anh đừng nghĩ ngợi. Anh chạy xe gần đó sao?
- Không, tôi chở bà xã đi khám bệnh, tranh thủ kiếm khách trong lúc chờ bà ấy.
Cô nén tiếng thở dài, đoạn đường từ đó không ai nói với ai câu nào. Cô miên man với những suy nghĩ riêng mình, lên xe coi như giao sự an toàn của mình cho người cầm lái, mong không xảy ra chuyện gì… Cô nói với bác tài:
- Anh rẽ phải, đi một đoạn nữa là tới.
Đến nhà, tiền xe mắc gấp đôi giá tiền cô thường đi, không nói gì, cô trả đủ, cảm ơn, tháo nón bảo hiểm trả lại, nghĩ bụng cái nón này bỏ đi là được rồi, không biết chuyện gì xảy ra với một bác tài thiếu trang bị hành nghề, và ý thức an toàn như vậy. Dù khó khăn đến đâu, nhưng khi làm việc gì phải có trách nhiệm và phải làm tốt nhất có thể.
Cuộc sống quả thật không dễ…
Lần này chắc mẩn không thiếu gì nữa, cô trở lại bệnh viện vội vàng sợ không kịp khám buổi sáng. Cô nhân viên hồi nãy liếc qua thấy trên tay cô cầm bảo hiểm, phát cho cô số thứ tự, nói trống không:
- Đến quầy số hai.
Lại sắp hàng ở quầy số hai. Đảo mắt một vòng, số lượng người vẫn đông nghẹt. Quầy số hai nhập thông tin bấm vào sổ khám bệnh của cô số phòng khám102. Cô đến nộp sổ mà ngao ngán, hai chồng sổ cao bên cạnh nhau, sổ mới bỏ vào rổ. Nộp sổ xong cô kiếm một chỗ ngồi không có, hành lang phía trước hai dãy phòng khám không còn lối để đi. Cô đứng nép vào một bên chờ gọi tên. Cô y tá ngồi quầy nói với cô bên cạnh:
- Sáng giờ hơn một ngàn bệnh rồi.
Mới khoa nội tuyến bảo hiểm, còn khám bảo hiểm dịch vụ và các khoa khác chưa tính. Cô nhẩm tính thầm trong bụng mà ngao ngán, ai cũng bệnh, có những bệnh phải uống thuốc cả đời. Nhìn nét mặt mệt mỏi của những bệnh nhân chung quanh mà tội nghiệp, cuộc sống có khó khăn đến đâu, nhưng khi bệnh đến dù phải vay mượn, họ vẫn phải chạy chữa. Thực phẩm bẩn là một vấn nạn trong cuộc sống hiện tại. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nhưng phòng cách nào đây…!?
Trước đây cô mua bảo hiểm bao nhiêu năm nhưng không hề đi khám, đau gì đi khám dịch vụ cho mau mà về. Từ ngày tim cô phát bệnh, phải tái khám hàng tháng và uống thuốc như ăn cơm, bác sĩ nói, mỗi người có ba cọng máu về tim, nhưng cô chỉ có hai cọng thôi! Bác sĩ nói đại khái vậy cho cô dễ hiểu, mới nghe cô lo sợ, rồi tự trấn tỉnh mình, hai cọng thì sống theo cách hai cọng, một cọng đưa máu về tim, còn một cọng xin dành để yêu thương cuộc đời này, tất cả nhẹ như gió lang thang trên bầu trời cao rộng kia. Sinh, lão, bệnh, tử, đó là quy luật rồi. Đi qua cuộc đời vất vả với trái tim thiếu máu thật không dễ dàng gì. Một chút xót xa… tôi ơi!
Cửa phòng khám xịch mở, một bệnh nhân chừng bảy mươi đổ lên cầm sổ đến bàn nhân viên đóng dấu, đi làm các bước theo bác sĩ chỉ định. Bệnh nhân hỏi:
- Tôi đi chụp phim ở đâu đây cô?
Cô nhân viên trả lời:
- Bà đi thẳng rồi quẹo phải, quẹo trái là tới.
Bà cụ đi thẳng ra giữa sảnh thì ngơ ngác, không biết phải đi đường nào, thật tội nghiệp. Cô đi vội đến bên cạnh, hỏi thăm:
- Bà không có người nhà đi cùng sao?
- Tôi đi một mình, bệnh già, làm phiền con cái hoài sao được, chúng nó còn phải đi làm.
Cô nghe ngực trái mình như ai đó vừa đặt vào một tảng đá! Đó cũng là quy luật sao?
Cô đơn, buồn tủi như nghẹn trong giọng nói của bà cụ…
Cô đưa bà cụ đến trước phòng chụp phim rồi quay lại phòng khám chờ gọi tên, giữa cái nóng hầm hập, cảm giác không khí đặc quánh hơi người, thật khó thở.
Cô nhân viên cầm chồng sổ gọi tên, hàng ghế ngồi chờ có người đứng lên, cô liền ngồi xuống, đôi chân được thư giãn đôi chút, nhẹ nhõm. Chuông điện thoại reo, con trai gọi:
- Mẹ khám bệnh xong chưa?
- Chưa con, còn đông lắm. Vậy nghe con.
Cô đứng dậy, bước lên một bước chụp bức ảnh gửi cho con, vừa bấm máy xong, quay lại, đã có người đàn ông ngồi vào chỗ của cô, nếu cô không quay lại mà ngồi xuống chắc đã ngồi lên chân ông ta, trong một phút sửng người cô liếc nhìn người đàn ông, chừng năm mươi tuổi, dáng người khỏe mạnh, cao to, tự nhiên trong đầu cô xuất hiện câu truyện Kiều của Nguyễn Du “Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao/ Đường đường một đấng anh hào…”Cô lẩm bẩm trong miệng “Đàn ông gì mà chẳng ga lăng chút nào, còn dành chỗ với phụ nữ”. Ông ta ngó lơ cô làm như không có chuyện gì xảy ra, thật tức chết. Thôi, nghĩ tích cực đi, chắc ông ta đang đau lưng, cần phải ngồi.
Cuối cùng cô cũng chờ được gọi tên, liếc nhìn đồng hồ đã mười một giờ, khám bệnh xong, qua quầy thu ngân sắp hàng đóng tiền (Toa thuốc của cô phải đóng thêm tiền, có người không phải đóng.) Nhận lại sồ và đơn thuốc, qua quầy phát thuốc sắp hàng chờ lấy thuốc. Hy vọng kịp giờ nghỉ trưa.
Ra khỏi bệnh viện gần mười hai giờ trưa. Đi khám bệnh kiểu này thật mệt mỏi, dưới cái nắng tháng tư gay gắt, người như tan chảy, chẳng còn cảm giác nào rõ ràng. Hoa mắt, chóng mặt, ngoắc vội chiếc xe ôm trước cổng bệnh viện, lúc này cô chỉ mong mau được về nhà, tất cả gần như nhạt nhòa… Cô không còn sức để ý chung quanh, không nhớ được ông xe ôm mặc áo màu gì… Trái tim thiếu máu đã cố hết sức rồi, cô cũng là một bệnh nhân không muốn làm phiền con.
Dẫu sao cũng cảm ơn bệnh viện thật nhiều.-./.