1- HẠNH PHÚC ĐI TÌM Chuyện kể, có ông vua lắm vàng bạc, cả ngày ngắm nghía kho tàng của mình mong sao càng thêm của cải
nên than thở chẳng tìm thấy hạnh phúc đâu cả. Nghe “gợi ý” của cận thần, ông đem vàng bạc cho một anh nông dân thảnh thơi trông có vẻ thoải mái
để đổi lấy cái thong dong nhàn hạ. Nhưng, anh nông dân lắc đầu và thưa: Nếu mang vàng về thì đêm ngày ngủ chẳng yên vì sợ cướp lẻn vào nhà cắt
cổ mình! Thế ra, hạnh phúc chẳng đâu xa mà ở ngay trong mình. Cứ tưởng, khi bắt được cái mình muốn là sẽ hạnh phúc.
Hạnh phúc chỉ tìm thấy khi mình chấp nhận hiện tại, không tham lam và không cầu cạnh. Có người bảo, anh nông dân cứ nhận vàng bạc đi rồi
đem gởi ngân hàng lấy lãi mà sống, dại gì cuốc bẩm cày sâu dãi nắng dầm mưa chi cho khổ, chưa kể gặp thiên tai thì cái hạnh phúc
“ từ trên trời kia” rơi xuống mà không bắt lấy sẽ chẳng đến lần hai. Lúc đó, đêm nằm thấy tiếc rẻ và rồi sẽ chẳng bao giờ thảnh thơi nữa!
Ấy! Cái thời quân tử Tàu sao vẫn còn vương vấn cho đến thế hệ ngày nay ? Hay là sống theo nguyên tắc “ ta làm ta hưởng”, “
cái gì không phải của ta thì ta không nhận” và cũng có thể “ nhận đi rồi cũng phải trả”. Cuộc đời là sự đối đãi sòng phẳng.
Vay trả -trả vay.
Chuyện dân gian ấy mà. Biết đâu được, anh chàng nông dân chưa kịp nhận vàng thì đã bị chém đầu rồi! Huống chi có cảnh đời, kẻ đi lấy hạnh phúc
của người khác làm của riêng mình, nghênh ngang “hy sinh đời bố củng cố đời con!”. Kể cũng lạ! Nên thiên hạ hay bóng gió mỉa mai
“ thằng hiền chết sớm, thằng ác sống dai”! Cả như chuyện cầu chúc “ Anh chị sống đầu bạc răng long, trăm năm hạnh phúc” hay
“ một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Biết mong manh nhưng vẫn cố bám víu đi tìm. Cứ tìm đi! Tìm không thấy mới mãi cầu chúc.
Cầu chúc, tìm cái bên ngoài mà chẳng chịu hiểu rằng hạnh phúc có được hay chăng cũng từ sự cho nhau, từ tự cảm nhận trong tâm hồn,
từ cái tâm ý vô ngại vô úy. 2- HƠN VÀ THUA Người ta thường nói “ Đàn bà thật nhiều chuyện”.
Thấy người khác đẹp hơn mình một chút, được người xung quanh khen ngợi, là nẩy lòng ganh tỵ… Cái tôi như bị xúc phạm một cách trầm trọng,
nên phỉ báng nhau bằng những lời tọc mạch. Những người đàn bà cùng phe phái ngồi túm hụm với nhau chỉ chỏ tìm cho ra hết cái tật xấu
của “kẻ địch” mà bê ra cùng bàn dân thiên hạ. Cuối cùng, hệ quả chiến tranh nổ ra. Thế giới bị dắt dây đày đọa trong một cái lạnh ngục
tù không định nghĩa được. Chỉ có ông thần Im lặng mới xử lý được bằng cách “ đường ai nấy đi”! Nhưng nói thì nói. Mấy sinh vật người giới đực cũng chẳng ra gì! Ngu đến nỗi không chịu ăn trái tốt- xấu mà còn cho ra người đàn bà
từ cái ba sườn của mình rồi lại bị cái ba sườn ấy xuôi khiến đủ điều, thiện có ác có và lơ lơ lửng lửng cũng có. Khi giận vì không
may đổ ụp xuống, kẻ mang danh giống đực ( gọi đúng danh phận là đàn ông) đổ lỗi cho người đàn bà đã làm mình ngu ngốc, mê muội làm càn,
“ điếc không sợ súng”. Người đàn bà lại đổ lỗi cho con rắn ( nên con rắn bị nguyền rủa suốt đời đi bằng bụng sống trong lùm cây bụi rậm)
và số phận con rắn bị bắt làm thịt nhậu hay đem ngâm rượu! Và, khi đàn ông ganh ghét nhau thì phải biết. Vũ lực bằng tay chân, đao kiếm
và cả mồm to. Họ chữi nhau bạo tàn hơn cả đàn bà. Họ chữi mắng qua ngòi bút, qua truyền giảng, qua khẩu quyết ăn nói bóng gió móc họng nhau
và lập cả một luật lệ, một qui tắc, ngăn cấm đàn bà “ không được xía” vào. Sự mâu thuẩn đã ngấm ngầm từ thiên sơ cổ địa giờ vẫn
tác dụng. Xét đi xét lại, người đàn bà có phần “ nhỉnh” hơn. Họ vốn được tôn trọng là giới yếu mềm như kén như hoa, luôn được
ga-lăng đi sau ( để được bảo vệ), ngồi trước ( ưu tiên lựa chọn) và được quyền luôn tùy tiện chế biến thức ăn trong buổi cơm
gia đình tuy rằng họ nốc rượu chấp đàn ông đi trước hai bận! Người đàn bà biết kìm chế tư tưởng của mình nên họ chỉ hay ngồi khóc
thin thít một mình, không so đo hơn thua với chồng con mà ngược lại là khác. Trong khi, người đàn ông thấy người đàn bà “ của mình”
ăn mặc đẹp, dịu dàng “ bất thường” là trong lòng nghĩ quẩn: Cái gì đây? Cái sân si nghi mạng nổi lên trong anh hay sự so đo đẹp xấu
từ em? Nói thì nói vậy. Anh thừa sức biết sự “thâm thúy” của đàn bà. Vậy mà không phải vậy. Lòng dạ đàn bà sâu như đáy biển,
mà đáy biển có biết bao nhiêu kho tàng quý giá như châu báu ngọc trai kể cả bóng dáng tử thần như cá mập bạch tuộc! Đàn ông như anh sợ
lắm nhưng vẫn lặn sâu tìm kiếm mày mò. Sự hơn thua vốn sẵn tính trời. Nói đến hơn thua thì tất có kẻ thắng người bại, không
tránh khỏi mưu mô thủ đoạn miễn sao phần tốt thuộc về phía mình. Đàn ông thắng hay đàn bà thắng cũng đem so nửa cân tám lạng như hai
đấu sĩ hạng ruồi quơ quào không đâu trúng đâu đều thấm mệt, ngã lăn ra, dọn ra một chiến trường cho đàn em con cháu đời sau dẹp vào
mệt lử xác thân. Cứ thế, đời này sang đời khác. Sự hơn thua như rễ cây đa cây đề bám riết vào thân phận con người kể cả ba ngôi
thứ của đại danh tự ( pronoun). Có phải chăng sự hơn thua tùy theo quan niệm của mỗi người. Nếu anh có quyết chí làm ăn lương thiện,
không lừa bịp, tâm không hại ai, hành động cũng chẳng hại ai thì cái thắng của anh có ý nghĩa tốt, và những cái thua đi kia chẳng qua
là không thực hiện được điều này. Có phân biệt so đo hơn thua cao thấp mới phát sinh sự tiến bộ của nhân loại, mới có sự tranh
chấp, mới có giai cấp và mới có cái ta cái người, cái được cái mất, cái thống trị và cái nô lệ, có bỉ có kỷ. Tất nhiên, tri kỷ tri bỉ
xưa nay hiếm! Biết đến bao giờ chẳng còn hiện diện cái tâm tưởng hơn thua trong tâm ý của con người?
3- THIÊN ĐÀNG CÁCH ĐỊA NGỤC MẤY GANG TAY? Samurai rút kiếm khỏi
vỏ định chém, Thiền sư cười bảo đó là địa ngục. Samurai tra kiếm vào vỏ, Thiền sư cười bảo đó là thiên đàng. Thật ra thiên đàng hay địa
ngục cũng chỉ là một. Một của một nơi không ai thấy chân tướng hữu vi cụ thể. Nó ngụ trong tâm mỗi con người. Nó khác nhau nhưng lại là cặp
song sinh không thể tách rời. Yêu đó ghét đó như đêm với ngày. Nó hiện hữu trong cái anh cái tôi. Tôi bảo nó là thiên đàng thì nó là thiên đàng.
Tôi bảo nó là địa ngục thì nó sẽ ngay là địa ngục. Anh đem cái từ bi hỷ xả của mình phô trương ra mọi người đều thấy biết và mong được
hồi đáp công nhận đó là thiên đàng thì ngay sau đó có người tung hô thiên đàng mất tiêu từ đó. Anh quan tâm , đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ mọi
người mà anh không mưu cầu báo đáp, chỉ rộn ràng thoải mái tấm lòng như nhìn môi cười tươi của em bé ngây thơ nhìn mình, anh quên hết chuyện
tốt vừa làm, đó là thiên đàng. Anh đâu biết rằng anh đã nhận được bao nhiêu sự tràn đầy của tình yêu của thế giới chung quanh mà vùng trời
chân thiện mỹ ban tặng. Thôi, đừng giận. Giận làm anh mất khôn, ăn ngủ mất ngon để rồi cái hạnh phúc tan tành như nói ở trên kia.
Sao anh không soi mặt mình vào gương hồ phẳng lặng? Anh cười- hồ nước cười, anh nổi sung nhăn nhó – hồ nước cũng nổi sung nhăn nhó.
Anh phá tan hoang tung tóe sự bình yên kia thì làm sao anh có sự an ổn bình thản? Cảnh địa ngục mở ra trong anh với tham lam cuồng nộ.
Hãy đợi, hãy chờ thật lắng đọng như gió vu vơ cho đến khi sóng lặng bờ yên thì thiên đàng sẽ đến lại với anh thôi!
4- BÔ ĐỀ GAI Câu hát từ thơ rêu rao “ Ai tìm được lá diêu bông, em xin lấy làm chồng”.
Bới tung cả đất, xới cả rừng sâu, tìm mãi chẳng thấy lá diêu bông vì chẳng biết lá diêu bông nó hình thù như thế nào. Mẹo. Cuộc đời bị
khích đố khiến thân phận người cứ lao đao thống khổ. Tìm chi cái thứ mơ hồ không thật. Tham chi cái chữ được “làm chồng” để có kẻ bảo
anh khờ dại quá mức. Cái tâm hiền lương bay đi mất nhường chỗ cho cái nộ xung thiêng. Anh thù ghét người phá phách giấc mơ của anh. Anh
căm giận người ngăn anh mua tấm vé số để anh được tìm dịp đổi đời. Thế rồi, anh đi tìm cái hư vô nhãn hiệu “diêu bông”. Giấc ngủ nặng nề,
tâm bồ đề nổi gai cuồn cuộn, anh muốn trời mau sáng để xăn tay áo lên đường, vạch rừng người chen vào chợ đời với cơn giận thổi phừng
đỏ mặt. Anh không chịu hoa hồng chỉ là hoa hồng mà anh lại thích hoa hồng thơm hoa hồng đẹp. Anh đâu biết sắc màu kia rồi phải phai tàn,
điểm trang nọ chỉ là hình tướng bên ngoài cũng như đêm ngủ anh nào biết mình có ngáy có há mồm hay không? Anh đừng giận, hãy bỏ quách cái tâm bới tìm cái lá diêu bông kia đi. Anh hãy trở về cái bản chất hiền lương thánh thiện có sẵn trong anh.
Cũng may, cô nàng nọ không bắt anh phải đi tìm cả cây “diêu bông” hay một nhánh “bồ đề gai” anh nhỉ? Cái giận chỉ làm anh bốc lửa giận,
ruột lộn lên đầu, rồi anh không nhận ra anh nữa. Từ bi trở thành sân ác lúc nào chẳng hay. Thôi nhé! Yêu em vô cùng. Yêu thánh thiện.
Yêu vô tư. Yêu ngọt ngào. Yêu chân tình. Và, em cũng đừng giận anh. Không khéo chúng ta chỉ là mang lớp vỏ người mà trong lòng chỉ trồng toàn
thứ “ bồ đề gai”. 5- THUYẾT TƯƠNG ĐỐI TRONG CUỘC SỐNG Albert Einstein, người Do Thái theo chủ nghĩa hòa bình, đẻ ra thuyết vạn vật tương đối trong cả phạm trù rộng và hẹp.
Đó là xét về hiện tượng vật lý. Anh cứ bảo trên đời có cái tuyệt đối là sự thật. Sao dễ quay lại vấn đề hạnh phúc quá chừng! Nói về ông Tây
thì trả lời lại bằng ông Tây- Pascal nói “Bên này Pyrénée là chân lý, bên kia thì ngược lại”. Anh đâu phải là tôi. Mọi sự trên đời không có
cái nào giống cái nào. Thậm chí, chữ ký của anh nhận séc còn chưa giống nhau chính xác một trăm phần trăm nữa là. Anh quá đáng đòi hỏi sự chung
thủy vợ chồng. Buồn cười! Phải có một thuyết tương đối trong cuộc sống con người thuộc lĩnh vực tâm linh – tinh thần trung đạo lỉnh kỉnh bát
phong. Xin anh đừng nhìn và phán đoán đời bằng cặp kính cực đoan. Cái gì cũng vừa phải thôi, “no mất ngon”. Buổi sáng theo thói quen, anh và
các bạn gặp nhau, ly cà phê “ đàm đạo chuyện trên trời dưới đất” hay ngồi nhìn “ ông đi qua, bà đi lại”. Một chút xíu cà phê đã thấy đủ lắm rồi.
Anh không thể nào làm một vại cà phê được, thế thì làm gì gọi là uống cà phê! Ở đời có ba cái phải lo là “ăn, mặc, ở”. Có người phải
hy sinh cái mặc để lo cái ở, hy sinh cái ăn để lo cái ở... Làm sao đạt được trọn vẹn tất cả những ham muốn. Có nên thiêu thiếu một chút để
cái gì cũng có và để hiểu rằng “ không phải muốn gì cũng được”!. Cửa Thiền có câu “ Tam thường bất túc”. Như chuyện ngụ ngôn
“thả mồi bắt bóng”: con chó thả khúc xương đang gặm để nhảy xuống suối chộp lấy khúc xương thấy từ bóng mình đổ xuống mà cứ ngỡ
là một khúc xương khác. Khi anh đang có niềm vui, niềm hạnh phúc trong tay, anh lại từ bỏ, lo đi tìm những thứ khác, những thứ mà
anh chưa hiểu biết giá trị thật sự về nó. Nó chỉ là ảo ảnh, là không có thật, nên những thứ đó đã không đem lại cho mình hạnh phúc
như mình mơ tưởng... “Tri túc, đãi túc, tiện túc hà thời túc” (NCT- TK19) có nghĩa “biết đủ là đủ”.
Có lẽ người xưa đã thấm nhuần triết lý nhân sinh theo định luật tương đối vậy? -./.