K hi lên Gia Định học đệ ngũ đệ tứ, tôi ở nhờ nhà chị họ trong xóm Núi Đức Mẹ, bên cạnh nhà thờ Bà Chiểu. Theo thói quen, tôi sống khép kín, không thân quen với ai trừ người nhà, cũng không đi đâu trừ việc đưa cháu Tí đi nhà trẻ. Tôi thường đi qua một hẻm hẹp giữa hai biệt thự yên tĩnh, tránh những phố xá đông người.
Một hôm, trước mặt tôi và cháu Tí xuất hiện một thiếu nữ dẫn một đứa bé, đi rất chậm như chờ chúng tôi đến gần. Đưa Tí vào nhà trẻ, trên đường về, thiếu nữ ấy cùng tôi nín thinh đi bên nhau. Đến cổng sau một biệt thự, người ấy nói em là Nga, tôi cúi đầu với lời đáp lễ tôi là Thuận. Từ đó, chúng tôi bên nhau đưa các cháu đến nhà trẻ. Tôi lặng thầm, không dám nhìn Nga, vì biết rằng Nga có khuôn mặt thánh thiện hiền dịu rất đẹp.
Ngày tháng hồn nhiên trôi qua nhưng tôi chưa nói với Nga điều gì, trừ phi Nga hỏi. Qua đôi mắt thân thiện đầy trìu mến, dường như Nga chờ đợi ở tôi nhiều điều, nhưng nghĩ đến thân phận mình, tôi vẫn lặng thinh. Hơn nữa Nga rất đẹp, dáng người thon thả, phong thái giản dị thánh thiện, thuộc tầng lớp giàu sang quí phái. Người như Nga biết bao chàng trai mơ ước. Đôi lúc tôi tự hỏi vì đâu Nga thân với tôi, phải chăng Nga cần tôi bên cạnh để đưa cháu Lan, như tôi đưa cháu Tí, đi nhà trẻ, nghĩa là chỉ cần bên nhau một quảng ngắn ?
Chưa tìm ra câu trả lời, thình lình, anh chàng ở biệt thự kế bên cấm tôi đi ngang nhà Nga. Tôi hiểu vì sao nhưng vẫn đi, và khi trở về, bị một trận đòn chí tử, tôi chỉ chống đỡ không đánh trả. Hôm sau, gượng dậy, vòng qua chợ Bà Chiểu, tôi đưa cháu Tí đến nhà trẻ, gặp Nga ở đây. Nga nhìn nơi băng bó trên hai cánh tay tôi, rồi che mặt khóc thầm. Tôi lặng lẽ trở về nằm bệnh nhiều ngày. Thấy vậy, chị tôi thuê người giúp việc vì tôi có ý định rời khỏi xóm Núi Đức Mẹ để an tâm đi học, dù biết rằng ra ngoài sẽ tốn kém rất nhiều. Đầu năm đệ tứ, chị tôi giới thiệu chỗ kèm Pháp văn cho một gia đình chuẩn bị đi Pháp. Nhờ đó tôi ở lại Gia Định đi học và đậu bằng Trung học Đệ Nhất cấp.
Tiếp theo, tôi quyết định chuyển về Bà Rịa vì tôi trúng tuyển vào trường Trung học công lập Châu văn Tiếp, dù đang học lớp đệ tam tại trường Trung học Lê Quí Đôn. Trước ngày ra đi, chị Nguyệt, chị của Nga, đến thăm và rủ tôi dự lễ Misa để từ giã xóm Núi Đức Mẹ. Gần cuối lễ, Bác Từ đưa tôi lên lầu chuông gặp Nga. Chúng tôi lặng yên sát bên nhau, nhưng tôi không dám nhìn Nga, dù thầm biết có hai dòng lệ trên khuôn mặt thánh thiện của Nga.
Ngày lên đại học, tôi ghé thăm chị tôi, tình cờ gặp lại chị Nguyệt, tôi mới biết Nga đã vào tu dòng kín, từ lúc tôi rời khỏi Gia Định.
Chị Nguyệt đưa tôi đến Tu Viện. Nga bên trong, tôi bên ngoài, cách nhau một cửa kính, lặng thầm nhìn nhau. Hai dòng lệ ngày nào vẫn rơi trên khuôn
mặt thánh thiện, vẫn rơi lặng thầm trong tôi.
VỀ VƯỜN.
Năm 2003, tôi từ biệt trường Bán công Nguyễn Huệ, về lại mái xưa nơi Thôn Dâu, trên Đồi Gió. Những bờ dâu, những xóm học đâu còn nữa. Nhà cửa thấp cao che khuất những vườn rau, luống cải, ô hoa. Hàng dương liễu xanh, trước sân trường Bình Tuy ngày nào, như chìm sâu vào quá khứ. Nhưng Gió ngàn phương vẫn lộng thổi qua Đồi, vẩn vi vu trong tâm tưởng lời học bài của bao lớp thư sinh, nơi quê hương tôi. Ngày về vườn, tôi để lại sau lưng biết bao nỗi buồn đau. C3 Hàm Tân ở gần, nhưng tôi ngỡ như xa xăm, đã hơn mười năm chưa một lần trở lại. Vài người nhìn tôi như một tên tội đồ của chế độ, dù tôi đã từng lao động ở đây gần hai mươi năm, kể từ mùa hè năm 1975.Tôi chỉ ước mong gió đồi Tân An thổi bạt điều vu vơ về chân trời xa . Tóc nay đã bạc, mắt đã mờ, nhìn thấy đâu trang bài soạn mực nhòe từ thập kỷ 60, nhìn thấy đâu bóng áo trắng thư sinh một thời, trên đường đầy cát bụi. Đầu óc mụ mẫm ngu ngơ, tôi như cụ đồ già, mơ ước điều không tưởng
Đôi khi tôi muốn tìm một đệ tử
theo kiểu cụ đồ xưa,
để truyền dăm ba chữ,
dạy một thế võ,
dặn đôi điều nắng mưa.
Bạn hiền lưu lạc tha phương, ít người gặp lại. Lê Tráng, bạn chăn trâu thời niên thiếu, đã rời động Tiên Sa, từ giã Xóm Lưới, yên nghỉ nơi Đất Thánh Tân Lý, bên Rừng Dầu, cạnh Bưng Ngang. Ước hẹn cùng bạn hữu về thôn La Dạ, lên Núi Dinh, thả bè mây xuôi La Ngà, như mờ dần dưới bóng trăng huyền thoại Hòn Bà Núi Ông. Bài hát Đò Chiều, cung điệu Boléro, cùng gió bay xa theo Trúc Phương, vì Bến Cá Tân Long và những con đò ngang, đâu còn nữa. Giờ đây, bên tách cà phê đêm, tôi một mình nhâm nhi nỗi nhớ.
Huỳnh Thanh Trúc, từng học Anh văn với tôi một năm, giờ cũng đã về trời, bỏ tôi lại cõi bụi. Ngày tôi nhận quyết định xây ngôi Trường chuẩn Quốc gia trên khu Sư phạm Mầm Non cũ, kiến trúc sư Huỳnh Thanh Trúc đã giúp tôi thiết kế ngôi trường mới này, và phác thảo nhanh để tu sửa hai dãy nhà cũ, kịp thành lập trường Bán công Nguyễn Huệ, vào mùa hè năm 1994. Những ngày tôi gặp lận đận, nhóm thư sinh Huỳnh Thanh Trúc đã giúp chúng tôi nhiều việc, trong đó có vẽ một ngôi biệt thự vườn, trên nền nhà cũ của Bác Năm Lá, khi tôi mới về đây. Nay về hưu, tôi muốn dựa vào thiết kế của Trúc, lập một vườn tượng hoa để lưu lại một chút gì của quê tôi.
Trong thiết kế biệt thự vườn, Trúc phác thảo một thư phòng, nơi lưu giữ những kỷ vật của gia đình tôi, và treo những bức thư pháp, ký họa, đặt vài bức tượng chân dung do tôi chạm từ loại đá đặc biệt trên đất Mẹ La Gi.
Năm 1972, khi tôi về lại quê Mẹ, Lê Tráng và tôi thường đi thăm đôi nơi mà Cha Ông của chúng tôi từng trú ngụ. Đến đâu, chúng tôi thường ghi lại vài đặc điểm của phong cảnh và tình người, nhặt vài rễ cây cổ thụ, vài tảng đá nhỏ đậm màu bản địa, nhẵn bóng thời gian. Tôi dùng lưỡi đục, đã từng đục chữ trên bia mộ, để chạm khắc hình ảnh Cha Mẹ, Ba Má và người thân của tôi. Tôi không là nhà điêu khắc, chỉ là người cầm phấn, cầm bay, cầm đục, ghi lại vài nét còn lưu lại trong ký ức buồn vui của tôi.
Nơi mái xưa, nhìn lại không còn gì. Tượng chân dung đã cùng thân hữu lưu lạc đâu đó, kể cả những bức ký họa. Còn chăng, một cội mai già trên trăm tuổi, mà Hựu ở Phong Điền tặng tôi, vào ngày chia tay đi Paris. Do đó, ý định lập vườn tượng hoa, chỉ là một ý định mơ hồ.
Năm 2005, Thoa rời trường Tiểu học Tân An, lui về hưu trí. Chúng tôi tạm biệt La Gi vào Thảo Điền, sống những ngày cuối đời.
Thảo Điền,