Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHỮNG CÁNH CHIM TẬT NGUYỀN



      
C hỉ cách nhau mỗi cây cầu. Những hối hả, nhũng huyên động xô bồ của một phố thị bên kia. Bên này là khu xóm. Khu xóm như tự khép mình trong định phận. Mỗi con người là một cõi đời riêng, lầm lụi theo chiếc bóng đi về.

Hàng keo già bên sông. Những mái lá rêu bạc in bóng nhập nhờ xuống dòng nước trôi im.

Những ngày đầu thu tịnh gió. Dưới bóng trăng sương, ta nghe rõ cả tiếng thì thầm của lau lách xoa tựa vào nhau, cùng với âm vỗ dạt dào của sóng triều dâng niú giữ ánh trăng gần. Giữa những đêm khuya khoắc, tưởng chừng như có tiếng thở dài của dòng sông. Tiếng thở dài của dòng sông hay của trái tim mình.

Căn nhà màu tím. Trầm khuất dưới giàn bìm Nhật. Những cánh hoa tim tím buông lơi theo gió nhã từng dòng hương trôi lãng lất dưới sương im.

Đêm rơi chậm ngoài khung cửa. Ba ngồi đó vô cã, tưởng chừng ông đang lạc vào thế giới nào xa lạ. Điếu thuốc cắm hờ hững trên môi. Vẫn chiếc bàn cũ, nhữngtờ báo cũ, bộ bình trà sờn cũ, đủ chăng một thế giới thu nhỏ. Thu nhỏ trên mỗi lòng bàn tay tù tội. Giữa lòng bàn tay ấy, chỉ hai đường kẻ mong manh- Đâu là Tâm đạo và đâu là Tình đạo… Suốt mấy mươi năm rồi mà ba vẫn chưa tìm cho mình một phân định rạch ròi nào. phải chăng ba chỉ là con kiến nhỏ, bò mãi bò hoài trên miệng ly kiếp phận. Mỗi lần nhìn ba như thế. Tôi thường nghĩ về một bức tranh, ba là chủ thể trên bức tranh ấy, bởi lát cắt nhạt nhoà. Bài mê ca thần thoại nào đã dìu ba vào cõi mộng thực.

Điếu thuốc ngún tàn thấp hờ hững tên môi, làn khói mềm trôi tan khoắc khoải trên nền tóc rêu lương. Ba có đó và không có đó.

Nơi góc nhà. Bảo Nga em tôi, con bé vẫn ngồi chăm chúi vào tập thơ. Tập thơ của một người bạn bên Mỹ gởi về tặng ba. Con bé nũng nịu vòi vĩnh ba giải thích cho nó về một nhữ ngiù nào đó. Chầm chậm, ngắt ngủn như lệ thường ba bảo:

- Thơ… ba không giải thích được đâu. Bóng ma ngôn ngữ nào đó mà.Tin hay không là tự con.

Tính ba vẫn vậy. Trong bất cứ sự việc, dù đáng quan tâm hay không quan tâm. những giải thích những trao đổi với vợ con, cả với sự giao tiếp bên ngoài, ba vẫn luôn trong trạng thái kiệm lời như thế. Tuổi trẻ chúng tôi thích tìm kiếm. Tìm kiếm những cái có thật và không có thật. Chỉ cần một chiếc lá rơi, một hạt sương mai cựa mình trên bờ cỏ mực, cũng đủ cho lớp trẻ chúng tôi ưu lự - Sự ưu lự của sáng tạo. Trong khi người lớn lại thích đem cái gọi là “kinh nghiệm” là từng trải ra doạ chúng tôi, để làm chúng tôi hải sợ, co rúm, quờ quạng, mất hết khả năng tri giác. Vâng tất cả điều bình đẳng thôi mà. Một tên buôn trâu lái chó, một tay hoạt náo chính trường, bọn đầu cơ quyền lực… vẫn luôn gào thét mà rao giãng giáo điều, rao giảng đức tin khiến lũ trẻ chúng tôi tăm tối hơn. Ba rì rào nói với Bảo Nga em tôi gì đó. Con bé chu mõ:

- Ba xạo.

Ba cười:

- Không. Ba không xạo đâu. Thực đấy. Cái xạo đã có từ lâu rồi, từ khi động vật người chưa xuất hiện trên trái đất này. Và muốn cái xạo được hoàn chỉnh, ta phải biết trở lui về bản năng gốc, bản năng của một giống loài. Giống loài thú vật.

Bảo Nga nhăn mặt, em không hiểu ba muốn nói gì. Thực ra có gì mà không hiểu đâu em. Thực trạng xã hội nơi chúng ta đang sống vốn vậy. Từ trường học đến chợ búa, chúng ta luôn phải tự tìm cho mình, ngụy trang cho mình một chiếc mặt nạ riêng.

Con bé muốn hỏi thêm ba gì đó nhưng rồi lại thôi. Môi em chím lại, thoáng dập dừng mấy động như một nõn lài ướm sương. Trăng gát hỏng hờ ngoài khung cửa. Nhìn Bảo Nga em tôi, tôi chợt nghĩ đến sự trong veo, niềm tín thiện từ một câu kinh mật nhã, vừa thao thiết vừa vô ưu. T.V vẫn đang phát đi hình ảnh của một somali đầy khổ nhục. Vâng mắt em tôi có khác gì mắt trên kia đâu, trông bình thản như một con cừu con thỏ. Rõ ràng chúng không biểu hiện chút gì gọi là sợ hãi hay oán hờn, một khi lưỡi dao nghiệt dữ của tên đồ để chực cứa qua. Vậy đó. Bây giờ, ngày mai và cũng có thể là mãi mãi, các em sẽ phải hối hả, phải tranh nhau trét ngấu nghiến từng nắm bột hồ vào mồm vào mũi. Và xa kia, tiếng gầm rú của bầy sư tử vẫn còn đó. Tiếng kêu đầy mê mụ thoả mãn của lũ kên kên vẫn còn đó, vẫn đang vỗ cánh mịt mù bên góc rừng bầm lử quanh em.

Thối! Tất cả chỉ là cuộc chơi thôi mà. Cuộc chơi còn đó và hằng diễn. Vẫn thứ nghệ luôn bị đánh tráo nhằm vinh danh cho một hành động hôn ám mập mờ. Trên T.V lại phát đi sô diễn đầy tính khôi hài, đó là cuộc thi hoa hậu của quý bà. Tôi lại phải bắt gặp những khuôn mặt đầy nhớn nhỡ và thịnh trọng, những chiếc tán bóng nhãy, những bàn tay thô ráp như những con cuốn chiếu không xương chúng bò trườn rọ rị, tỉ mẫn đo đạt chi li lên từng đụn đồi cát dựng, từ những nõng động no đầy nhựa ứa. Và chung cục. Vẫn là những hồi vỗ tay, những cặp mắt híp lại cho một thành công. Thành công vĩ đại, cực kỳ vĩ đại. Vĩ đại hơn cả cuộc trường chinh mịt mú vó ngựa. Đó là tuyên ngôn, thứ tuyên ngôn độc lập của bày quạ đen đang vỗ cánh ngập ngời bên góc rừng quỹ ám. Nhưng thôi!. Biết sao bây giờ - Quyền chước sẽ nhân danh hết thảy cho mọi điều nghĩa lý, kể cả xằng bậy.

Ngoài kia. Trăng thấp thoảng rãi vàng một màu mật ong lên những tàu chuối lụa non. Lòng dưng, tôi nhớ Lưu đến vô cùng, thằng bạn chung trường chung lớp giờ vẫn bằn bặt tăm hơi. Làm sao tôi quên được. Với tôi mắt sâu buồn tráng liệt rất Champa của nó như cứ đau đáu như đang chôn giữ một nỗi niềm. Giữa năm 12, Lưu vẫn là thằng học trò giỏi nhất lớp, nhưng cũng ương ngạnh nhất lớp. Sự ương ngạnh của Lưu, kẻ đứng xa nhìn vào dễ ngộ nhận. Ương ngạnh nhưng yếu đuối dễ mũi lòng. Trạng thái mâu thuẩn lạ lùng ấy dễ tạo sóng bất thường trong mọi ứng sử của Lưu, và ngôn ngữ đôi mắt lại trở thành điều chính nghĩa với nó. Đôi mắt nó như ẩn chứa cả một trời phẩn lụy.

Hôm nhà cắt lúa. Tôi kéo Lưu về nhà làm rơm và cùng ngủ lại sân phơi để coi sóc lúa hạt. Nắng hè như phả lữa xuống sân hợp tác. Lão Bốn có nhả lúa phơi gần kế bên. Nôn ngóng cho sự neo chiếc của mình, cũng như sức khoẻ của ông cũng đến kỳ ọp ẹp lắm rồi. Lão lẫn ngẩn theo sau tên chủ nhiệm, khẩn nài van vỉ cố xin được nạp lúa sơm sớm. Vã lại, lúa hạt của ông cũng được 3 nắng rồi còn gì. Tay chủ nhiệm lắc đầu quay quẫy. Vô tình chăng!?. Ông ta đưa tay phát mạnh ra sau, lão Bốn loạng choạng ngã chúi mặt xuống nền gạch. Vô cảm, tay chủ nhiệm bước đi thư thả trong tiếng cười lạo sạo, như thể miệng ông ta đang ngặm đầy sỏi vụn. Hai mép tai gã cứ đỏ lên lừng lựng, giật giật như một tảng thịt bò vừa rọc xương. Chiếc nón lá tưa tơi trên đầu ông lão buông ra, kéo lê một quãng, theo gió cuốn tung lên treo lất ngất trên ngọn tre già trông như một lá cờ đại thắng. Lưu, nó thả vội chén cơm thét lên. Bức tốc lao thẳng về tên chủ nhiệm. Ba hoảng hốt ôm nó lại. Tay nó dứ dứ vào mặt ông ta, giọng nghiến vụn:

- Đồ tồi… đồ tồi. Lũ kên kên nghiện…nghiện cứt ương, xác thúi.

Ba vừa ôm Lưu vừa dỗ giành:

- Thôi con. Cuối tuần ông ta say. Đừng con.

Đứng trước một nỗi đau nào đó. Ta phải can đảm phải nghiến răng mà đập mạnh vào nỗi đau ấy. Tôi vừa xúc động vừa vui mừng khi thấy Lưu biết vận dụng điếu tốt đẹp ấy, hay ho ấy. Xã hội giờ đây vốn vẫn thế. Lưu, nó chả cần biết nó là ai, là tên hành khất rêu mục là tay côn đồ bợm bã, là kẻ ăn mày phép lạ, đêm đêm ngồi bòn mót chút cặn cọt tình người đang rơi vãi trên mặt đời bám bụi. Lưu, nó vẫn cứ một mình âm thầm mài dũa từng hạt bụi ấy mà mong ngày ngọc hiện.

Nhưng khốn nạn! Tất cả chỉ là cám vụn - Chỉ có bọn lái chó mới sợ ăn nhằm cứt chó thôi… Phải vậy không Lưu.

Làm sao tôi quên được những trưa hè lửa bỏng. Với bao cỏ ghì nặng trên vai, Lưu nó phải dặm lội từ đồng này đến đống kia. Những ngày nghỉ học thú bảy chủ nhật, còng lưng thồ than từ núi xa về phố chợ. Chút tiền còn cõi làm thuê kiếm được, chỉ mong đủ nuôi mẹ nuôi thân. Những trưa cắt cỏ ngoài đồng, Lưu vẫn thường ghé lại tôi nơi chòi rẫy hai đứa cùng nấu cơm ăn. Qua chén cơm đồng đạm bạc, Lưu thỏ thẻ kể tôi nghe chuyện gia đình mình, trông nó buồn như một người lớn:- “Mẹ tao tộc Chàm, cha người kinh. Ông ấy chết lâu rồi… mẹ nói vậy. Mẹ có cho tao tấm ảnh. Tấm ảnh suốt ba mươi năm mẹ vẫn giữ bên mình.”

Lưu ơi! Hãy quên hết đi. Hãy ném phăng tất cả mọi rác rưởi trên đời này đi.Giữa hồ tù hổn tạp, mày vẫn có một nơi chốn yên bình thanh sạch kia mà. Rẽo đất Phan rang này vẫn còn đủ cho mỗi bước chân nhỏ nhoi của mày đặt lên kia mà. Tại sao, tại sao hở Lưu! Nước mắt tôi ứa ra.

Tôi có nên dựng lại bức tranh đời quá khốn nạn trên tấm lưng trần vốn mỏng mảnh của Lưu. Tôi có nên khắc hoạ một cách tỉ mẩn qua mỗi nhát cọ cứ run lên trên tay ngưới hoạ sĩ mù.

Vẫn bóng trăng nhờ nhợ, lúc trong lúc đục giữa tháng 10 như đêm nay… Nho vườn nhà đang mùa chín rộ, tôi và ba phải nằm lại giữ đêm. Tệ thật!. không hiểu sao lúc ày trộm cướp nhiều quá. Trộm ngấp nghé trên từng góc phố góc ruộng, trên từng ngã ba đén xanh đén đỏ. Qua tiếng mưa đêm vỗ rầu rầu len mái lá. Chợt ba lay khẽ chân tôi:

- Nào, dậy… dậy đi con. Có người trộm nho.

Thấy mình như bị xúc phạm. Tôi chợp vội chiếc đòn tre. Được kích thích sự vắng lặng của đêm, cùng tiếng gáy ren rét của loài dế đá đang thúc thách nhau. Khoảng cách giữ tôi và tên trộm ngắn dần. Nhưng kìa! Trộm sao lại ngồi im đến thế, lưng tựa váo trụ nho, đầu cúi gục giữa hai lòng gối mình. Ba ấn vào vai tôi ngồi hụp xuống. Đèn pin trên tay ba bật sáng lia thẳng vào tên trộm. Hắn đứng phắt lên toan dợm chạy. Cùng lúc, ba khựng lại thều thào:

- Trời! Lưu… Lưu con.

Dưới nền đất lầy ướt . Đôi chân run rãy, Lưu ngước mắt nhìn tôi nhìn ba trong dáng đứng nhỏ nhoi đến khôn cùng. Qua giọng nói rưng rưng, nó thú nhận với tất cả lòng chân hậu:

- Cậu… Mẹ con bệnh nặng. Con tính liều trộm cậu ít quày nho đem bán. Nhưng không… con không làm được thế. Mẹ con như có quen biết gì với cậu.

Lưu nó khóc tức tưỡi. Chợt dưng lí nhí nói với ba bằng tiếng dân tộc mình:

- Hu Jauk on pak amư ra lac lay?...amek… dom Jau nan.

Điều tôi vô cùng ngạc nhiên. Không hiểu từ đâu, ba lại nghe rành tiếng dân tộc Lưu đến thế. Ba nói như khóc:

- Jau nan amư hu suk thong nư… Amek ti lo.

Ba nhoài đến ôm Lưu vào lòng, dụi đầu Lưu vào ngực mình. cả hai cùng khụy xuống nền đất lầy mưa. Vai ông cứ rung lên từng chập. Suốt đêm hôm ấy. Ba giữ Lưu ở lại với tôi với ba nơi chòi rãy. Suốt đêm ba không ngủ. Thời gian được ba đo bằng những đóm thuốc đỏ lập loè trên môi.

Giữa khuya tiếng gà eo óc gáy. Đồng nương lầy lội từ những đêm mưa trước để lại. Tôi và ba cũng tải được gần trăm ký nho đến nơi hẹn bán. Như để tự an ủi mình. Ba nói với tôi:

- Thôi mẹ con dở miệng. Cha con mình cứ làm vậy

Sáng đến trường với lòng vui rất lạ, tay cứ thăm mãi túi quần tiền cha con tôi lén mẹ bán nho vẫn còn đó. Suốt đoạn đường từ nhà đến lớp, tôi cứ tưởng tượng Lưu sẽ mừng lắm khi nhận được số tiền ít ỏi của ba gởi cho. Nhưng không! Tôi tìm nó khắp cả sân trường, tôi chạy dọc theo hành lang của lớp. Vẫn không thấy Lưu đâu. Nhỏ Quỳnh Thư trao cho tôi mảnh giấy với bức ảnh đen trắng bọc cẩn thận vào mảnh vải thổ cẩm. Trên mảnh giấy học trò tóm tắt dòng chữ: - “Mẹ không còn. Tao đi về An Giang làm ruộng”. Ngắn ngủn chỉ có vậy, nhưng thấp thoảng, tôi thấy có cả những giọt nước mắt của Lưu đong đầy trên từng nét nghệch ngoặc kia, khiến lòng tôi đau đắng.

Nhìn trăng bên ngoài, tôi biết giờ đã quá nữa khuya. Ánh vàng rơi nhẹ xuống thềm sương. Ba vẫn ngồi đó. Chiếc gạt tàn trước mặt ông đã dập đầy mẩu vụn. Nhìn từng vết hằn trên trán ba, tôi thấy mịt mù quá, ái ngại quá:

- Khuya rồi. Ba không ngủ đi.

Như chợt tỉnh. Ba vội dúi dụi điếu thuốc xuống gạt tàn, ngước nhìn tôi:

- Này Luân! Con thích nghe một câu chuyện không?

Giọng ông mềm ướt trôi đi trầm trầm như kẻ mộng du đang hỏng hờ bước đi trên bờ vực thẳm:

- Ừ…! Chóng thực. 60 năm một đời người, chiến tranh là vậy. Vẫn những tan hoang những ly biệt, máu và nước mắt. Để trốn chạy những cuộc càn quét liên tục thời Pháp thuộc. bụng mang dạ chữa. Nội con phải lưu tán hết nơi này đến nơi khác trong khi ông nội vẫn biền biệt tăm mù ở một góc núi nào xa khuất. Cuối cùng chỉ làng Chăm ấy cái checley có tên là Nhatranh ấy, lưng tựa và dòng sông Lu hiền hoà… Ba được sinh ra và lớn lên. Họ hết lòng đùm bọc, che chở ba và nội. Mớm đúc cho ba từng cũ khoai hạt bắp. Họ yêu thương ba như người cùng chung chủng tộc. Từ đó ba được học hành đến nơi đến chốn. Thế đấy con ạ! Để rồi ba yêu một người. Không!. Đúng hơn là một chiêm nữ.Trước vẽ đẹp đầy cương nghị. Niềm hoài khứ cứ như tiềm ẩn trong đôi mắt người chiêm nữ kia, làm ba điếng ngộp. Ba điếng ngộp vì đôi mắt ấy. Lúc đằm ấm chân hậu, lúc tàn khóc đến phong rêu. Một hôm nội buồn buồn bảo ba:

- Thôi con! Dù sao Hà cũng là người Chăm, mỗi mình con là con trai…

Như một trốn chạy. Ba vào Sài gòn xin vào lính. Người chiêm nữ lén quê làng đến tận sân bay T.C tiễn ba đi. Phút cuối tiễn biệt, người khóc mềm trên vai ba để cố nói rằng - Người đã có mang. Luân con! Con biết đấy. Sau giải phóng, cuộc đọ sinh cơm áo khóc liệt quá, nghiệt ngã quá khiến ba vắt kiệt đi bao điều…

Hai tay bưng lấy đầu. Ba bảo tôi chăm cho ba điếu thuốc. Khói vờn bay trên mái đầu điểm bạc. Hốt nhiên ba nhìn vào mắt tôi:

-Luân con! Con biết người nữ chăm ấy là ai không?. Tấm ảnh Lưu gởi lại con. người tội tình trong ảnh là ba đấy. Đứa bé trên tay ba là Lưu đấy. Và người nữ chăm kia chính là mẹ của Lưu con ạ! Hà ơi! Tôi van em vạn lần. Em chết thực rồi sao. Và Lưu ơi! Hãy tha thứ cho ba.


Tôi không còn biết gì nữa. Những cánh chim từng cánh chim, mình mang đầy thương tích, cứ chấp chới bay đi bay đi giữa mây mù bão ướt.

Mây của mắt trời hay của mắt tôi mắt ba mờ thẳm.-./.

T.Tâm Manương- Ngày cạn gió




VVM.24.4.2024

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .