Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh Nguyễn Thanh Nhàn

CÔ MÈO ĐÁNG YÊU


                         

C hiếc loa gắn chìm trong vách tường thánh thót tiếng đàn ghi ta. Bài Diễm xưa gọi ký ức về một buổi chiều thu xa lắc lơ, trong quán cà phê Chín Cô đầu chợ Bến Ngự. Cô gái có biệt danh Mèo Hoang khép nép nhấm nháp từng giọt cà phê.

Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi, dù đã sáu mươi hai tuổi, nhưng còn tràn đầy vẻ duyên dáng, quý phái. Chiếc áo dài nàng mặc màu vàng chanh, làm tôi nhớ tới bộ bà ba cùng màu của cô gái có cái tên dài ngoằng Công Tằng Tôn nữ Huyền Sương.

- Em chẳng già đi chút nào! Mặc dù hơn bốn mươi năm rồi!

Nàng cười e lệ, nụ cười của cô gái sáu mươi hai tuổi.

- Đừng chọc quê Sương chớ! Chừ lên chức mệ nội, mệ ngoại rồi đó anh!

Nàng nhìn tôi chăm chú, ánh nhìn rất dịu dàng:

- Anh thay đổi nhiều hỉ! Tóc bạc hết rồi,chỉ đôi mắt màu đồng thau là vẫn dể thương...

Tôi gãi đầu, cười trừ. Sao nàng không hỏi đời sống hôn nhân tôi ra sao? Nàng thông minh, nàng nhạy cảm, nên muốn giữ nguyên hiện trạng và quá khứ.

- Em vẫn giữ tiệm thuốc trị bệnh trĩ cho ba hả?

- Dạ! Nhà có hai chị em, mà anh biết đó, chị Hồng không muốn làm nghề thuốc!

Hồi ở Huế, tôi hay sang tiệm thuốc trĩ ngay bên kia đường, trước mặt ngôi biệt thự cổ mà đơn vị đóng quân.Ông thầy thuốc già và cô gái nhỏ thường chữa bệnh cho khách. Có lần mới bước vô nhà, tôi đụng ngay cảnh Sương đang lúi húi đắp thuốc cho một người đàn ông ở truồng, nằm nghiêng trên giường.

- Anh chớ Sương chút hỉ!

Cô mỉm cười qua lớp khẩu trang, quay lại nói với tôi. Tôi từ ngạc nhiên chuyển sang khó chịu, khi thấy bàn tay nhỏ bé, trắng trẻo cứ phải mò mẫm nơi dơ dáy nhất trên cơ thể con người ta. Tôi đã một lần dại dột khuyên cô bé bỏ nghề chữa bệnh trĩ và nhận được ánh mắt ngạc nhiên.

- Răng lại bỏ! Nghề làm thuốc,ngoài việc kiếm tiền nuôi gia đình còn là làm phước nữa anh.

Tôi và cô bé thân nhau từ sau ngày Huế giải phóng, khi đơnvị tạm ở trong ngôi biệt thự bỏ hoang, nghe đâu trước kia thuộc sở hữu của ông Ngô Đình Cẩn. Mỗi buổi chiều, cô bé chừng mười ba,mười bốn cõng dứa em trai nhỏ xíu trên lưng qua đường coi mấy anh giải phóng. Hai chị em kết tôi hơn, vì tôi hay đàn ghi ta và hát cho chúng nghe. Có lần, trước khi cõng em qua đường về nhà, con chị đưa cho tôi một mảnh giấy nhỏ. Dòng chữ khá nắn nót viết bằng bút bi tím. " Cô gái có biệt danh Mèo hoang. Yêu ca nhạc và màu xanh cây rừng. Tìm bạn cùng sở thích". Năm đó tôi là chàng trai mới hai mươi tuổi, nên cũng tò mò thích thú với trò chơi con nít ấy. Chúng tôi hay gửi qua lại những mảnh giấy nhỏ bày tỏ sở thích với từng việc cụ thể. "Anh lính yêu đời. Yêu ca nhạc. Thích nuôi chó mèo". "Mèo hoang nhưng không thích ăn cá, mà muốn ăn me chín". Trò con nít của tôi bị mấy cậu lính phát hiện, rồi đến tai chính trị viên đại đội. Tôi được gọi lên ban chỉ huy, bị xạc cho một trận về quan điểm lập trường. " Không muốn bị kỷ luật thì bỏ ngay trò lãng mạn tiểu tư sản ấy đi". Tất nhiên là trò đó bị dẹp tức khắc.Mèo hoang nghe tôi có thể bị kỷ luật, đuổi về Bắc thì sợ lắm, chấm dứt việc thư từ ngay lập tức. Bỗng một buổi chiều, Sương cõng thằng em út ssang tìm tôi, bộ bà ba vàng chanh lem luốc bụi than.

- Anh cứu ba em với! Chắc ba sẽ bị đưa đi học tập cải tạo.Mà ba đang bệnh nặng, sợ ông chết mất. Trước kia ba làm trong Nha cảnh sát tỉnh,nhưng chỉ là y tá thôi anh nờ.

Tôi an ủi cô bé cứ yên tâm,tôi sẽ đem chuyện này nói lại với Ban quân quản thành phố. Lúc đó trẻ tuổi, xốc nổi, muốn làm le với cô bé, chứ anh binh nhất như tôi, quen biết ai mà nhờ vả.Vậy mà Mèo hoang tin tuyệt đối, ngày nào cũng hỏi tôi có tin gì không, dôi mắt thơ ngây mở to, long lanh niềm hi vọng

- Anh có nói lại rồi, họ bảo sẽ xem xét.

Sau dợt tập trung cuối các đối tượng ngụy quyền đi học tập cải tạo, không có tên ba Sương. Ông già hơn bốn mươi tuổi, đã giải ngũ mười năm trước, giờ dau ốm nằm rụng hết tóc, có lẽ chẳng sống được bao ngày nữa, nên chính quyền cách mạng cũng bỏ qua. Tối thứ bảy, tôi xin phép qua nhà Mèo hoang xem ti vi. Vừa bước vô cửa, cô bé đã chạy ào ra ôm choàng lấy tôi, luôn miệng cám ơn. Ông y tá già nằm bẹp trên giường, ánh nhìn yếu ớt nhưng đầy vẻ thân thiết. Nghe xong câu chuyện, tôi cũng không biết là do đâu mà ba của Sương được miễn đi học tập, cũng không lên tiếng dính chính rằng đó không phải là công lao của tôi. Ông già sau thời gian khỏe mạnh, lại tiếp tục nghề thuốc nam. Gia đình ông coi tôi như ân nhân, còn gợi ý muốn gả cô con gái lớn cho tôi nữa.Sương giãy nảy.

-Không được! Chị Hồng mập và già rồi!

Thấm thoắt, rồi Sương cũng bật lớn lên thành một thiếu nữ duyên dáng. Sau này đơn vị tôi chuyển sang đường Lê Lợi, không có cơ hội gặp Mèo hoang hàng ngày, nhưng mỗi lần tan học, cô nữ sinh trường Đồng Khánh hay dừng xe đạp mấy phút phía trước đơn vị, nhìn quanh tìm tôi, tà áo dài trắng bay phất phơ trong nắng. Cũng có lúc tôi bất chợt nhìn ra thấy cô bé và vẫy tay chào.Có lần may mắn rảnh rỗi, tôi chạy ra đường hỏi thăm vài câu hoặc giúi cho cô chùm me mới hái. Chủ nhật, lính chúng tôi thường được hai giờ ra ngoài đơn vị. Tôi lợi dụng thời gian đó đi thăm thú quanh Huế với Sương. Ba Sương có chiếc Honda 67 còn mới, ông cho phép tôi dùng xe đó chở con gái đi chơi. Vì thời gian hạn chế, chúng tôi chỉ có thể đi gần, thăm chùa Từ Hiếu, lên đồi Thiên An hay Vọng Cảnh. Đồi Thiên An là điểm hẹn của các cặp nam nữ. Tôi biết đồi thông tuyệt đẹp này nhờ gợi ý của Mèo hoang. Chiều chủ nhật nên ở đây khá đông người, từng cặp ngồi trên thảm lá thông, dưới bóng mát của tán cây. Mèo hoang chỉ cho tôi một cặp nam nữ đang chụm đầu sau chiếc nón trắng:

- Đố anh chớ họ dang làm chi?

Tôi ngơ ngác.Họ làm gì? Hay đang thầm thì những lời tâm sự. Sương cười rúc rích:

- Họ hôn nhau dó!

Tôi chợt hiểu. Đó cũng là một nét văn hóa Huế, không xô bồ, táo tợn như nơi khác. Một nụ hôn tình yêu cũng được giấu kín, riêng tư, dù giữa ban ngày.

- Anh có dám làm như rứa không?

Sương ghé mái dầu lất phất mấy sợi tóc mai vào sát má tôi, hơi thở nóng hổi. Tôi ngượng ngùng chưa kịp nói gì, thì cô bé đã cầm chiếc nón che sát hai khuôn mặt, đặt lên môi tôi một nụ hôn nóng bỏng, nụ hôn đầu đời của chàng lính.

Hình như Sương không muốn ừng lại ở nụ hôn đó. Một chiều chủ nhật tôi qua chơi, thấy một mình cô bé ngồi trước bàn may.

- Ba má đâu em?

- Cả nhà về ngoại làm đám giỗ rồi! Anh ngồi chơi chờ em chút!

Cô đang hoàn tất một chiếc quần ống rộng, mà hồi đó cánh lính chúng tôi gọi là quần ống tóe. Cô kéo tôi lại gần, ướm chiếc quần màu rêu lên thắt lưng.

- Vừa in luôn! Em may cho anh bộ đồ, đi chơi đâu mặc vô.Mặc đồ bộ đội thấy anh ngại sao á!

Tôi nắm tay cô bé, định nói lời cám ơn thì bị cô ôm chặt lấy.

- Anh muốn yêu em không? Em muốn đền ơn anh đã cứu ba.

- Không phải mình đang yêu nhau đây sao?

- Không! Yêu khác đi. Em muốn hiến dâng...

Cô bé kéo tôi vào phòng riêng. Tôi cố gỡ tay cô ra.

- Không được! Em còn nhỏ lắm!

Thú thực người tôi nóng bừng, máu chảy giần giật, nhưng nghĩ tới kỷ luật quân đội và cô bé mới mười sáu tuổi, tôi chùn lại.

- Nhỏ chi mô! Hồi dì Lành bằng tuổi em đã cưới chồng rồi!

- Thôi để dành đó! Lớn nhanh lên anh chờ!

- Thiệt nghe! Rồi mai mốt anh cưới em nghe?

Tôi gật đầu đại, mong sao sớm thoát khỏi tình huống khó xử.

Cái gật đầu vội vàng ấy đã dem lại nhiều phiền toái cho tôi sau này. Cô bé đương nhiên coi đó là lời hứa nghiêm túc và coi tôi là vật sở hữu. Mỗi ngày đi học về Sương ghé lại chỗ đơn vị hỏi thăm,trò chuyện một lát.Có lúc tôi bận công việc không ra với cô bé được, chỉ vẫy tay chào hoặc ào ra giúi cho Sương chùm me chín. Thủ trưởng đơn vị đã nhắc nhở tôi lần thứ hai về mối quan hệ với dân trong vùng mới giải phóng.

- Tôi không có ý định gì, chỉ là cô bé ấy thích đến chơi thôi ạ!

Tôi gãi đầu, thanh minh,

- Đồng chí phải có tình có ý, họ mới tới chứ! Cẩn thận không là kỷ luật om xương.

Tôi lo lắng, tự vạch kế hoạch né tránh cô bé. Ngoài việc hạn chế ra ngoài đơn vị,tôi thường có không xuất hiện tr\ức nhà vào giờ cô tan học.Nhiều lúc núp trong nhà ngó ra, thấy boáng áo dài trắng mảnh mai, mái tóc thấp thoáng chờ đợi sau làn nón che nghiêng, tôi cảm thấy có lỗi với cô bé, nhưng cũng cảm thấy một tai nạn rình rập khi chưa dứt ra khỏi mối quan hệ này. May có đợt đơn vị tổ chức đi tăng gia sản xuất trên vùi núi A Lưới. Tôi xung phong đi. Ba tháng không gặp mặt Sương tôi cảm thấy nhớ. Có lẽ khi nào về đơn vị, tôi sẽ chạy đi tìm cô ngay.

Em gái tôi viết thư hỏi trong vùng mới giải phóng có bán len cuộn không, nó muốn xin năm lạng len để đan chiếc áo cộc tay. Len ở chợ Đông Ba nhiều vô kể, đủ làu sắc. Phụ cấp lính sáu đồng một tháng chờ bao giờ mới đủ. Tôi hỏi mấy cô, mấy chị ở chợ, họ đồng ý đổi len lấy đường trắng miền Bắc, loại đường tiêu chuẩn lính mỗi tháng được nửa cân. Không hiểu dân trong này tại sao thích đường trắng, chứ giá đổi ngang cũng rẻ. Một cân đường đổi được một lạng len. Tôi đem thuốc lá đổi lấy đường, vay trước anh em trong tiểu đội mấy tháng tiêu chuẩn nữa. Thế là có đường đổi lấy năm lạng len. Cầm năm búp len màu hồng sen ra khỏi chợ, lòng tôi lâng lâng niềm vui khi nghĩ tới cảnh cô em gái òa lên mừng rỡ khi nhân được.

- Trời ơi! Anh!

Tiếng con gái la lanh lảnh, rồi một bóng áo dài ào tới, ôm choàng lấy tôi. Tôi bất ngờ nhận ra Sương, mấy tháng không gặp hình như cô phổng phao lên. Hai nắm tay nhỏ nhắn đấm lia trên vai tôi.

- Răng anh bỏ trốn em? Tại răng?

Thấy nhiều người hiếu kỳ nhìn trò hờn ghen con nít, tôi ngại quá, liền kéo cô bé vào quán cà phê Lạc Sơn gần đó. Tôi lúng túng dùng tay áo lau nước mắt cho Sương, cười giả lả:

- Trốn mô!Mấy tháng nay đơn vị đi tăng gia trên Bình Điền, làm sao gặp được em!

- Thiệt hí?

- Anh mà nói dối à!

Sương tò mò nhìn mấy búp len hồng.

- Anh mua len chi rứa!

- À...mua cho cô em gái ngoài quê. Nó muốn có chiếc áo len!

- Chị ấy lớn hay nhỏ?

- Chắc bằng em á! Mười tám tuổi, học lớp 10.

- Hay để em đan cho chị ấy chiếc áo làm kỷ niệm? Em mới học được kiểu đan kết tóc ba, đẹp lắm.

Tôi chưa kịp đồng ý, Sương đã ôm lấy bọc len, vội đứng dậy/

- Em về không ba la!Tới giờ đắp thuốc cho bệnh nhân rồi.

Một hôm anh Đáng bê trưởng vẫy tôi vào phòng. Nhìn vẻ mặt anh vui vẻ, phấn chấn, tôi yên tâm mình không bị "cạo đầu".

- Chúc mừng hạ sỹ A trưởng nhé! Nhất cậu!Vừa lên cấp vừa lên chức.

Tai tôi ù ù chẳng nghe rõ chuyện gì. Mãi mới hiểu ta mình được phong cấp từ binh nhất lên hạ sỹ, lên chức A trưởng làm cán bộ khung cho dợt huấn luyện tân binh. Việc nhà binh không biết dâu mà lần. Chúng tôi thành lập một khung đại đội huấn luyện. Xong đợt huấn luyện, chúng tôi đưa đơn vị vào nhận nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam. Thời gian đầu, còn mải vui nhiệm vụ mới, tôi quên bẵng cô bạn Mèo hoang ở Huế, có lúc chợt nhớ lại, tôi xót lòng vì nghĩ mình đã thật sự xa cô bé. Hồi còn ở biên giới tôi có viết cho Sương một lá thư, cô ấy rất mừng vì tìm ra tôi. "Chiếc áo len em đan xong rồi! Chừ gởi đi mô đây?". Tôi nói cô cứ giữ giùm, có dịp qua Huế tôi sẽ lấy. Nhưng không bao giờ có cơ hội đó. Chiến sự cứ đẩy chúng tôi vào sâu trong đất bạn, cho đến bảy năm mới được về nước.

....

Con gái thấy tôi ít đi chơi, thì bảo:

- Sao ông ngoại không lập cái phây búc, kết bạn cho vui?

- Bố già rồi, phây pheo gì...

Nhưng rồi nó cũng cứ lập phây búc cho tôi.

- Ông ngoại lấy tên nick là gì? Là đặt tên cho nhà mình ấy!

- Ừ! Đặt là "Anh lính yêu đời"!

Tôi nhớ tới cái biệt danh hồi hay viết thư con nít cho cô bé Mèo hoang ở Huế năm nào. Thời gian sau này, khi đã lướt mạng thành thạo, tôi mới thấy sự tiện dụng và kỳ diệu của Faceboock. Chính nhờ nó mà tôi tìm ra cái nick Mèo hoang của Sương. Chắc Sương cũng mừng chẳng kém gì tôi khi tìm ra nhau sau mấy chục năm biền biệt. Sương mời tôi vô Huế du lịch mấy ngày.

- Anh lo vé bay vô thôi, còn đâu em xin phép lo hết!

Chúng tôi tới ngồi ở quán cà phê cũ gần chợ Bến Ngự. Tôi nói một câu sách vở đến nhạt nhẽo.

- Cám ơn cuộc đời còn cho anh gặp lại em!

- Vậy thì ở lại chơi với gia đình em mấy bữa. Tiệm thuốc Trĩ giờ em quản lý. Chồng em nó vượt biên lâu lắm rồi,nhưng em không theo. Hai đứa con gái gả chồng. Nhiều lúc cũng buồn.

Nhạc vừa chuyển bài mới, một điệu tangor "tình như thoáng mây,tình đến cùng ta âm thầm không lời.. Tình như cánh hoa, tình chiếm hồn ta đâu ngờ là tình"

Tôi hỏi sao Sương lại chọn cái tên Mèo hoang từ hồi mới quen nhau tới giờ. Nàng cười bí ẩn.

- Em thích rứa! -./.

18/10/2022



VVM.18.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .