Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HÀO HOA LÀ LÍNH KHÔNG QUÂN..
ANH CÓ CÁI QUẦN ANH CŨNG BÁN ĐI ..


kỳ 2


T ôi không thù hằn hay là để tâm đến nữa. Anh Côn xin lỗi tôi, đó là phía anh ấy cần; phía tôi thì không. Tôi kể lại cho anh nghe chuyện tương tự giữa tôi và Nguyên Sa trong một buổi sáng ở tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo ở đường Ký Con. Tôi và một sinh viên khác ( đó là anh Phạm Ngọc Dao,( tự khai tên cho đẹp), đúng ra tên khai sinh Phạm Văn Rao) , sau này là thi sĩ Diễm Châu) bước vào tòa soạn, gặp ngay Nguyên Sa ở đấy. Câu đầu tiên Nguyện Sa pháo kích tôi:

-Này cậu làm thơ có cần phải tra tự điển Pháp nhiều không?

Vậy là anh cũng đã biết trong thơ tôi, tập thơ Nếu anh có em là vợ có nhiều câu Pháp ngữ xen vào. Không phải tôi cho đó là sự khoe chữ, biết tiếng Pháp đâu? Thơ tôi là bản chất suy tưởng của tôi, từ đời sống, tiềm thức phản ảnh qua tiếng nói thơ. Tôi thường chêm những câu tiếng Pháp trong ngôn ngữ nói, nên ngôn ngữ thơ có điều đó. Tôi trả lời Nguyên Sa không suy nghĩ:

-Đúng. Nhưng còn cậu, chúng nó thường bảo thơ cậu thế này thế nọ; như thiệp- cưới- thơ của cậu đích thực là thơ Hoàng Anh Tuấn đã đăng báo ở bên Pháp; cậu lấy làm thiếp-cưới-thơ, có phải vậy không?Nên tôi bảo chúng nó.”.. thơ của con Trần Văn Chi bán thầu vé chợ Hà Đông được như vậy lá khá lắm rồi. Đừng đòi hỏi thêm gì nữa?” Không nếp tẻ gì, Nguyên Sa bèn xắn tay áo lên đòi múa võ với tôi.. Anh khoe anh giỏi võ có thể đấm đá với tôi được. Tôi bình thản đáp:

-Được, nếu cậu muốn; dầu thua tôi vẫn sẵn lòng.

Nhưng không hiểu sao, nói xong anh lại đi vào phòng trong, có kê một chiếc giường, chắc là của Mai Thảo, anh đặt lưng xuống đó, và không còn nói gì đến chuyện mú võ Sơn đông nữa.

Sau này, anh dạy triết đệ nhất Chu Văn An- Khuất Duy Trác(ca sĩ từ hồi còn đi học, thường hát bài” Bẽ bàng “rất hay) học trò của anh, hình như có lần kể với tôi câu chuyện như thế này. Thầy Trần Bích Lan ( Nguyên Sa) giảng triết cho học trò đệ nhất hay đem tôi ra chửi bới, bêu xấu, hạ nhục. Chẳng biết điều này có hay không; dầu anh ta chê tôi hết lòng thì chẳng sao, còn được rao tiếng tôi cho đám chuẩn sinh viên biết, mà tôi lại chẳng mất đồng bạc nào cho anh ta – sự bầy tỏ này dầu qua khía cạnh nào, khen ít, chê nhiều vẫn là rất thực lòng!

Rồi ít lâu sau, Nguyên Sa gặp tôi ở quán Thiên Thai, đường Lê Lợi, phía dưới Givral vài căn, gần hẻm Eden- anh đi sang bàn tôi xin lỗi về việc xưa kia. Anh Tam Ích ạ, tôi đã trả lời anh việc anh Côn, thì có khác gì với Nguyên Sa trước và sau đâu nhỉ?( Sau này, Nguyên Sa và tôi, Thế Nguyên, cùng một số anh em khác hay gặp gỡ nhau ở nhà xuất bản Trình bầy. Lúc này ( trước 1975) , Nguyên Sa lên án nhóm Sáng tạo – nơi mà xưa kia anh từng đăng thơ buổi đầu khi mới từ Paris về nước, anh viết một cuốn sách lên án bọn sa đích văn nghệ, gọi đích danh Trần Phong Giao, Nguyễn Nhật Duật, Sơ Dạ Hương vv…rong cuốn sách có nhan đề Một mình một ngựa do Nxb Nhân chủ in năm 1967, do Phan Kim Thịnh chủ trương. Với tôi lúc này, chúng tôi là bạn văn thơ; và anh có bầy tỏ vài suy nghĩ khi đọc thơ tôi cho đăng trên tạp chí Trình bầy, số xuân Tân Hợi 1971, qua bài viết: Bài Tựa cho tập thơ bị kiểm duyệt ( trang 122 , và trong tập thơ của anh Những Năm Sáu Mươi ( Trình bầy xb, in rô nê ô không kiểm duyệt ) cũng in bài ấy trong sách. Anh nhận xét về tên làm thơ ( là tôi mà xưa kia có lần anh đả kích tại tòa soạn Sáng tạo và định múa võ ăn thua đủ ) làm thơ hay đệm tiếng tây, như sau: “…Buổi tối đã năm năm rồi , trong Trung tâm Ba, Cao Thế Dung và tôi ăn phở dưới mưa, với một chiếc nồi nhôm thuổng được của nhà bếp; chúng tôi bàn về Thế Phong- tôi nói với Dung nó là thi sĩ. Dung chới với, tay bắt lấy những chữ : như phao vật vờ, tiểu thuyết gia, nhà phê bình, tôi dằng lấy tất cả những thứ đó ném ra xa, nó là thi sĩ. Thơ của người làm thơ mới là nó, những thứ khác chẳng thể là nó. Sự ghen tuông, ngọn lửa ghê gớm của thi ca nó như thế; nó không chấp nhận sự phụ rẫy, lãnh đạm, và ngay cả những săn sóc chưa tới, những đam mê không chin, những cơn say chưa chìm xuống tận cùng…” ( những dòng chữ trân, và tập thơ in rô nê ô của Nguyên Sa- tôi chỉ mới được đọc đây, vào giữa năm 1993 ở Saigon- Nguyễn Quốc Thái cho mượn)

Tôi thường là khách quen của quán cà phê Thiên Thai rất nhiều năm. Buổi tối gặp Nguyên Sa, là sau khi tôi đi xem một phim có tài tử Mỹ Gregory Peck đóng vai với nữ tài tử Miến điện Win Win Than thì phải.

Và chính nơi đó, anh Nguyễn Mạnh Côn nhờ nhà văn Đỗ Tốn đưa lại xin lỗi tôi- tất nhiên người hẹn hò trước là Đỗ Tốn- vì họ không biết địa chỉ của tôi mà chỉ biết là tôi hay đến quán cà phê Thiên Thai mà thôi. Nhất là vào thời kỳ Ngô đình Diệm, tôi rất tránh cho một ai biết địa chỉ của mình; đó là để bảo đảm tính mạng ( sau khi báo, đài phát thanh đăng tin tôi và nghệ sĩ sân khấu Năm Châu bị đưa đi tẩy não ở Trung tâm Nhân vị Vĩnh Long).

Trước khi chia tay Tam Ích ở bến xe, tôi nói đùa:

-Này địa chỉ của tôi ở 315 / 15 Trương Minh Giảng- anh là một trong số rất ít người biết thôi đấy nhé. Mà bao giờ anh tới tôi, không hiểu sao là bấy nhiêu lần không hẹn mà tôi vẫn cứ có nhà.

Anh Tam Ích đến chơi thường có ý để mượn sách phê bình văn học tây phương- như sách phê bình văn học của R. M. Albérès chẳng hạn.

Và bây giờ trở lại với chuyện được cấp nhà – chỉ qua mảnh giấy tay của Tư lệnh KQ . Là một buổi sáng ở phòng làm việc , trung sĩ nhất Đường Khối Yểm Cứ đến tìm tôi. Tôi chưa biết anh, mà anh cũng chưa biết tôi. Khi gặp rồi, anh bảo tôi có giấy mời lên Liên đoàn Yểm cứ gặp trung tá chi huy trưởng để nhận giấy cấp nhà, và căn nhà đó ở Cư xá Phi Long, dẫy sĩ quan rất đẹp và rộng rãi. Anh ta còn nói đùa tôi, anh có giấy của Tư lệnh chỉ thị, làm gì mà không sớm. Ở Liên đoàn, đơn còn xếp hang mấy chồng mà chưa được xét đấy. Ông trung ta sếp tôi khi nhận lệnh của tướng Minh, ông giận ,đem vo viên lại vứt vào sọt rác; sau lại bắt tôi lấy ra, đem ủi cẩn thận rồi xếp lại hồ sơ cấp nhà: 3989 / 39 A Khu Cư xá Phi long cho trung sĩ Đỗ Mạnh Tường.

Tôi cảm ơn mời anh đi uống nước; đó là thủ tục cảm ơn nhẹ nhất của cách đối xử với nhau khi ấy.

Tôi đến xem nhà mới, nhận nhà từ một thượng sĩ giải ngũ, tôi trả chi phí cho mái tôn của anh lợp phía trước, phía sau nhà, bể nước và một cái garde à manger tốn năm mươi ngàn đồng.

Khi vợ chồng tôi báo tin cho anh Bảng và bà cụ biết ngày dọn nhà vào đầu năm 1969; thượng sỉ nhất Bảng cười toe toét như là biết rồi; còn bà cụ mẹ anh không nói câu gì thêm.

Buổi chiều tôi ghé lại căng tin Phi đoàn 435, phi đòan vận tải C130 nằm gần phi đạo, như đã hứa với thượng sĩ Bàn, phụ trách quầy để vật tay. Nhưng anh đã bay đi từ buổi trưa, chưa thấy trở về- lời một quân nhân ở quầy cho tôi biết- đây là chuyến bay thả lương thực, đạn dược tiếp tế một đồn biên giới có tên Tống Lê Chân đang bị địch vây hãm. Anh bạn này nó thêm với tôi, trung tá Thân trưởng phi cơ lái, một phi công phụ và thượng sĩ nhân viên phi hành. Thượng sĩ Bàn nổi tiếng là tay quán quân vật tay của phi đòan hẹn trung sĩ hôm nay tái đấu, và lần này ông ăn giải là cái chắc.

Cuộc chiến đã tới lúc thật gay go, bây giờ tôi đang ngồi uống cà phê vẫn cảm thấy dưới chân đất đang rung chuyển, những oanh tạc cơ A 37 thả bom; hết chiếc này bay lên thì chiếc kia chúc xuống- những cụm khói lớn bốc lên bầu trời phía chân trời xa xa.

Nhớ lại cách đây vài ngày, tôi và Hồ Phong uống cà phê ở Câu lạc bộ Mây bốn phương trời vào một sáng sớm- khi ngẩng đầu lên bắt gặp một phi công mặc đồ trận đeo lon chuẩn tướng kéo ghế ngồi vào bàn. Thì ra chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh Sư đòan I KQ ở Đà Nẵng- ông làm thơ ký bút danh MYK. Ông có dáng người mảnh khảnh, mặt xương xương, nếu chỉ nhìn bề ngoài mà đoán thì ông này không có chút nào oai phong lẫm liệt như các phi công trẻ mặc áo bay, bên dao bên súng., áo jacket choàng ngoài, khăn tím quàng cổ , thường được mệnh danh hiệp sĩ áo đen. Ông cho biết tình hình chiến sự sôi động- chẳng cứ ở miền nam- mà ở địa đầu giới tuyến miền trung càng bị áp lực nặng nề- ông sẽ không thể về dự buổi ra mắt Tập thơ truyện Không quân thời chiến do Tư lệnh KQ gửi giấy mời, còn chua thêm hàng chữ do chính tay ông viết ”cố gắng không vắng mặt” . Nên tác giả MYK phải đích thân về Sài Gòn xin phép tư lệnh vắng mặt. Và Hồ Phong đưa cho ông một cuốn đã in xong, kèm theo một phong bì trong đó có năm ngàn đồng nhuận bút, và nói thêm bản đẹp đóng gáy da mạ chữ vàng dành cho mỗi tác giả sẽ gửi ra sau. Ông cầm phong thư mở ra rồi nói với chúng tôi: ”đây lần đầu tiên bài thơ được trả nhuận bút, đồng tiền này thật quí giá bậc nhất trong đời Còn kể thêm tiền nhuận bút bài thơ này chẳng khác gì chi phiếu 100 ngàn đồng do nhà xuất bản Vàng Son trả bản quyền tác phẩm Chết Non. Lúc hết tiền tiêu, tư lệnh chưa dám gọi chánh văn phòng Đỗ Văn Ry đi lãnh. Rồi tư lệnh còn chưng tấm chi phiếu kia dưới tấm kính ở 73 bàn làm việc.

Giữa lúc này, Đài Không lưu báo báo tin chiếc máy bay C130 thuộc P hi đoàn 435 đã lâm nạn, quân nhân từ quầy nói vọng ra :

-Thôi trung sĩ về đi, thượng sĩ Bàn chẳng bao giờ còn được vật tay với địch thủ nữa. Cả phi đoàn hành đoàn C 130 do trung tá Thân lái đã bỏ mình hy sinh trên mặt trận Lộc Ninh rồi.

Tôi bùi ngùi trả tiền cà phê, rời khỏi căng tin. Mạng sống quân lính mỏng tựa tóc tơ, chẳng ai biết tương lai gần nhất bản thân, một khi chiến cuộc sôi bỏng khốc liệt như thế này.

Trở về Khu gia binh Phi Long, tôi lại tiếp tục ra vườn phía sau chăm sóc cây . Hơn một trăm cây mía, chuối già có, chuối sứ có; mít, xoài, rau mùng tơi, cây đậu rồng xanh mướt leo theo hàng rào kẽm B 40 . Lúc nhà hết tiền mua rau, cứ ra vườn là có đủ. Có lúc rau muống nhiều quá, cho hàng xóm ăn không hết; vợ tôi gọi một bà hang rau vào bán, bán được; nhưng giá rẻ mạt, giá thua gấp bốn lần mua ở chợ Lăng Cha Cả.

Lại nhớ đến khu cư xá Phi Long thiếu nước dùng, thì phía bên kia dãy barrack của lính không quân Mỹ đã về nước từ năm 1973 bỏ trống – hệ thống nước của họ vẫn tốt. lấy là xài thỏai mái. Tôi bèn leo qua rào, rồi đem theo xà beng. , cuốc, xẻng, đào mạch nước dẫn về. Hàng xóm cạnh nhà tha hồ xài, và tin loan đồn khắp dãy cư xá Phi Long lên tới tai ban Quản lý Khu Barrack .

Cho tới một buổi khi tôi đang cởi trần, mặc sà lỏn làm vườn ,thì một đại úy, một thượng sĩ quân cảnh tới khu barrack gỡ ống nước rồi vẫy tôi lại tra hỏi:

-Có phải anh là trung sĩ Tường?

-Vâng đúng, đại úy cần gì đến tôi?

-Cần gì à? Ai cho phép anh vào Khu barrack gỡ đồ, lấy nước; ở đây chúng tôi đã mất rất nhiều thứ, nay mới bắt quả tang thủ phạm. Anh vào nhà mặc quần áo trận theo tôi lên đơn vị trình diện.

Nắp túi trên áo phía tay trái treilli, tôi biết tên ông là THÁI. Tôi trả lời ông:

-Thật ra việc mất đồ trong khu này tôi không liên can. Nhưng tôi xác nhận không có nước dung; có dẫn một ống về phía nhà tôi và cả mấy dãy nhà cùng xài chung. Đại úy cũng biết thiếu nước là rất khổ. Mong đại úy thông cảm, chứ tôi có làm gì phi pháp đâu mà phải đến nỗi theo đại úy lên đơn vị trình diện?

Nét mặt đại úy Thái đỏ bừng, ông ra oai, nhất là có một quân cảnh dữ dằn đeo súng lục đi bên cạnh,. Ông khởi sự nạt nộ:

-Có đi trình diện không thì bảo? Tôi còn đưa anh ra tòa là khác. Ở đây đã mất rất nhiều đồ đạc.

Đến lúc này không thể ăn nói mềm dẻo với ông đại úy này nữa rồi. Họ đã dọn sạch đồ đạc quý giá, như giường nệm, bàn ghế, tủ vv.. rồi bây giờ vu cáo cho tôi. Tôi vẫn lễ độ trả lời ông:

-Thưa đại úy, thật ra không phải muốn đổ tội cho ai thì nói một cách đơn giản như vậy được. Thứ nhất phải có bằng chứng, thứ hai bắt t ận tay giay tận mặt. ? Tôi xác nhận chỉ lấy nước; ngoài ra không một thứ gì khác, nên chẳng phải đi trình diện ai cả. Nếu đại úy cần thì tự đại úy trình sự việc lên thương cấp.

-À thằng này láo, tao tử tế với mày thì mày lại lý sự với tao hả? Bắt được mày tại trận, mày lại còn chối cãi, chống chế. Tao cho mày tù cùng cả đám bây giờ.

Tôi lừng lững đi vào nhà, vẫn còn nghe lời ông ta văng vẳng đe dọa, chửi bới; coi lính tráng dưới cơ như bọn tôi tớ. Ông và thượng sĩ quân cảnh đi ra phía trước nhà tôi. . Tôi bèn lấy khẩu súng Carbine M1 được phát khi mới vào lính chưa sử dụng lần nào; trừ một lần cầm súng đe dọa chuẩn úy Tiên, người hàng xóm bắt nạt lính mới. Bây giờ tên đại úy hung hăng và tên quân cảnh đã đứng trước cửa nhà tôi chõ miệng. Tôi đáp lời:

- Lúc nãy tôi đã rất lịch thiệp với ông, ông lại mày, tao chí tớ - ông là đại úy chứ tướng đến đây xâm nhập nhà ,tôi bắn bỏ mẹ. Hãy đi chỗ khác chơi!

Rồi tôi lên đạn súng, chõ nòng xuống đất, lững thững đi vào nhà. . Ông ta la lớn:

-Tao sẽ cho mày đi tù, ra Tòa án mặt trận, mày dám đe dọa tao à? Mày có dám bắn không?

- Đứa nào xâm nhập nhà tao, tao bắn què cẳng, nghe rõ chưa? Tao nói là làm.

Tuyển tập Thơ Văn Không Quân Thời Chiến ra mắt tại Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc.

Buổi ra mắt cuốn sách dự định vào lúc 19 giờ 30 ngày 4 tháng 12 năm 1974. Thiếu tá Chấn ,chánh văn phòng tư lệnh Sư đoàn 5 KQ,lo về an ninh, cả ăn, uống, khách mời lá tác giả thuộc sư đoàn; còn các đơn vị khác của KQ do tư lệnh KQ mời. Tôi và Hồ Phong được cắt cử làm MC (master of ceremony- người điều khiển chương trình) có nhiệm vụ mời các nhà văn ngoài KQ có bài trong tuyển tập, như Mai Thảo, Hoàng Hương Trang, Nguyễn Mạnh Côn vv..; và dùng xe riêng tư lệnh KQ do thượng sĩ Xứng lái. để liên lạc.

Ngày này lại rơi đúng vào ngày Phước Long ở Lộc Ninh thất thủ. Chấn cười cười nói với tôi:

-À tí nữa tao quên không kể, đại úy Phí Minh Thái, mày biết rồi, lên trình đại tá Sơn Yểm cứ, rồi báo cáo mày dùng súng đe dọa hắn và có thằng quân cảnh Hổ làm chứng. Mày lấy đồ đạc trong Khu barrack, phá ống nước dẫn về nhà xài vv… Chính đại tá Sơn làm phiếu trình với tư lệnh Tiên, ổng xem xong nói : tôi biết ông ấy không lấy gì đâu, trừ nước không có thì ai cũng phải tìm có nguồn nước mà xài; thôi cứ để cho ông ấy lấy nước xài; còn Khu barrack mất đồ đạc thì mấy cha dọn sạch rồi đổ tội cho ông ấy chứ gỉ? Việc này xếp lại, được không?

Chấn lại dặn dò kỹ lưỡng về việc khách ngoài mới vào câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc không thể để An ninh lộ liễu khám xét, nhưng tôi phải chịu trách nhiệm về an ninh cá nhân của họ đấy!

Tôi gật đầu trả lời:

-Mày yên tâm đi!

Chấn như vẫn chưa an lòng, còn dặn thêm, nhớ rằng khách toàn là đầu sỏ của KQ, hễ xảy ra một cái gì thì chết cả đám đấy nhà văn ạ. Nhớ mời các giai nhân đấy nhá, sau tiệc ra sách có khiêu vũ..

Tôi còn nhớ lời tư lênh KQ dặn tôi phải mời vợ đi dự tiệc và nhớ đừng mời một giai nhân nào khác. ( chữ giai nhân mà KQ dung ám chỉ người đẹp) . Tư lệnh còn dặn thêm nhớ nhắc cả ông Hồ Phong mời bà ấy tham dự luôn. Tướng nhấn mạnh hai lần, nên tôi trả lời cách chơi chơi, thưa đây cũng là lệnh phải vậy không?

Khách khứa buổi ấy thật vui, anh Phạm Quang Nhàn nhà xuất bản Vàng Son còn mời thêm mấy ông đại diện nhà phát hành Sống Mới, ông giám đốc là ông Khoái đấy. Phải có ông này thì sách của KQ mới tới tay bạn đọc bên ngoài nhanh chóng, hữu hiệu. Và tôi cũng dặn anh Nhàn về vấn đề an ninh cần lưu ý. Anh chàng giám đốc này trước khi làm việc ở Bộ Thông tin, (chủ sự Phòng kiểm soát Ấn lóat phẩm ,nôm na là ký nháy để sếp cấp phép). Nhàn cũng từng là thiếu úy khinh binh tử đạo của giám mục Lê Hữu Từ ở Phát Diệm, nhận mình hiểu việc nhà binh, mấy vấn đề an ninh thì khỏi phải bàn.

Có một bàn khách ngồi túm tụm với nhau, liếc măt tôi thấy một số văn nghệ sĩ KQ, tuy không có tên đóng góp vào cuốn sách có mặt, như họa sĩ nổi danh quốc tế Ngy Cao Uyên, tục danh trung tá Nguyễn Cao Nguyên, Không đoàn trưởng Tiếp vận Sư đoàn IV KQ ngồi cùng bàn Cung Trầm Tưởng,(cũng có tục danh trung tá KQ ngồi chơi sơi nước ở Bộ Tư lệnh KQ) đang trò chuyện rôm rả với Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan .K hi Cung Trầm Tưởng giới thiệu kịch tác gia kiêm giáo sư Vũ Khắc Khoan, anh ta nhấn mạnh ông này xưa kia là thầy dạy tướng Nguyễn Cao Kỳ ở Chu Văn An Hà Nội. CungTrầm Tưởng nói nhỏ cho tôi đủ nghe : thơ thằng Hậu, sếp mày chẳng ra cái gì, đầu Ngô, mình Sở kia không làm tăng giá trị cho tác giả, mà còn làm hại sự nghiệp nó, cũng như cho tuyển tập giới thiệu thơ văn KQ này đấy. Tôi nghe xong, tuy không nói ra, Vũ Khắc Khoan, thầy dạy chữ cho tướng Râu Kẽm, giả thử ông này gặp thầy Quỳnh thì phải rạp mình vái sư của sư phụ rồi! Còn gọi Nhân Hậu là sếp của tôi, thực ra sếp đây là Tham mưu phó Chiến tranh chính trị Bộ Tư lệnh KQ, mà tôi đặt cho sước danh Tham mưu phó Cục ta Cục tác, kêu suốt buổi trưa vẫn chưa soọc ti ( sortir) được một quả trứng!

Mỗi tác giả có tác phẩm trong tuyển tập KQ được giới thiệu lên bục nhận sách biếu đặc biệt đóng gáy da, mạ chữ vàng, có tên tác giả kèm và phong thư nhuận bút. Đến lượtt ác giả còn là Tư lệnh KQ, thì chàng Hồ Phong ( trung sĩ Bảng KQ ) giới thiệu một cách rất ý nhị :

Xin mời tác giả Trần Văn Minh lên nhận sách tặng!

Thì cử tọa vỗ tay không ngớt , mọi con mắt hướng về tác giả phi công có chiều cao rất cao, râu con kiến, tóc ngắn nhìn về người lừng lững lên nhận sách. Nói theo giọng tôn vinh sách Hoàng Trọng Miên trong bài Tựa của Tam Ích muốn làm nẩy lửa để không ai hay sách được sao chép của Nguyễn Đổng Chi (Lược khảo về thần thoại Việtnam) – thì gọi tác phẩm Việt Nam văn học toàn thư lừng lững đi một cách hùng dũng của một con thú lớn ( mượn văn của Gustave Flaubert) . Vậy là con thú lớn lừng lững kia có dáng đi hùng dũng mấy ,thì vẫn là dáng đi tiểu sảo không thể lấp liếm cho tên ăn cắp vặt Hoàng Trọng Miên được! )

Cung Trầm tưởng thấy Hồ Phong giới thiệu tư lệnh KQ như vậy, nên không hài lòng, quay sang hỏi tôi. Tôi giải thích cho Cung Trầm Tưởng:

- Giới thiệu mày thôi nhé- mời trung tá Cung Thúc Cần, tức thi sĩ hào huê Cung Trầm Tưởng ( Bở ) lên bục nhận sách, nó chuế lắm! Cứ như tác giả Ba Lan, truyện Con Voi, thì văn đại tướng phải hay hơn văn trung tướng, thiếu tướng hay hơn văn đại tá, vv. và vv… có phải vậy không, mày?

Trong tuyển tập thơ KQ này, có một tác giả phi công lại có tài làm thơ trào phúng, không khí thơ mai mỉa, riễu cách tài tình ngang ngửa với nữ sĩ Hồ Xuân Hương- tả thì nghĩa đen, mà nghĩa bóng lại độc địa hơn, táo bạo hơn, thấm thía hơn.

Tôi bèn giới thiệu nhà thơ to mồm, rất bạo phổi, ăn to nói lớn về cái số ta (sex) mà chẳng ngại ngùng gì, đó là nữ sĩ Hoàng Hương Trang, từng tốt nghiệp hội họa, làm thơ, viết truyện- lấy chồng rồi bế chồng như bế con., hết vật phía này lại quay phía kia, chẳng nên cơm cháo gì khiến cậu chồng tên Nguyễn Gia Phái mệt nhoài đâm đơn xin Tòa cho ly dị-. Nàng này mà ngâm thơ , miệng rống lên làm át không khí ồn ào là đắc sách nhất, lại được khán thính giả không quần chú ý.

- Xin trân trọng mời nữ sĩ Hoàng Hương Trang bước lên bục ngâm Phi Đạo của tác giả Kha Lăng Đa.

Tiếng vỗ tay ầm ấm, mọi thực-thính-khách KQ theo dõi bước chân hùng dũng, bước đi thình thịch của nữ sĩ . Cất giọng ngâm PHI ĐẠO :

PHI ĐẠO

Những phi đạo cũng ly kỳ ghê lắm
Lính Tàu bay mình đã biết nó nhiều
Gẫm trong đời phi đạo rất đáng yêu
Không có nó lấy chi mà đáp
Có nhiều cái rộng và dài phát ngáp
Đáp một lần thì đã thấm vào đâu? !
Nhiều cái thì ngắn đến phát rầu,
Lại chật hẹp ôi ! thật là khó đáp
Có lắm cái cỏ hai bờ rậm rạp
Có cái không cỏ mọc hoặc lai rai
Theo luật thì kể từ buổi sơ khai
Chính giữa nó có một đường kẻ sẵn
Nhìn cho kỹ có cái trông rất phẳng
Cũng có khi lõm ở giữa hoặc mô
Miền Cao nguyên nó thường đỏ lại gồ
Ở thành thị nó đen vì có nhựa
Rất nhiều kiểu đáp xảy ra hàng bữa
Đáp ban ngày và đáp cả ban đêm
Nhiều anh đáp bình tĩnh lại êm
Nhiều bạn đáp ôi thôi như trời giáng
Có cao thủ nghề bay đà dày dạn
Đáp sao mà trông sướng đến muốn rên
Lúc tách đao để hai cẳng hai bên
Rồi chân giữa mới từ từ hạ xuống
Có nhiều cậu học trò còn luống cuống
Mới sô lô thấy phi đạo đã run
Tháo mồ hôi trống ngực đập lung tung
Mới va chạm đã bung ào một cái!!
Lắm bạn bỏ bay lâu thì cũng vậy
Đáp bị bung khi mình chẳng muốn bung
Mới đầu thì nghe tức tối quá chừng
Đáp vài cái lấy lại ngay phong độ
Những anh mẽo lái tàu to quá cỡ
Đáp cái nào cũng tóe lửa thấy ghê!!
Tạo tiếng kêu kít kít đến phát ê
Thân phi đạo rung rinh như muốn vỡ
Các bạn ơi ! đừng bực mình nhăn nhó
Những khi sân có đèn đỏ xi nhan
Phải chờ cho cờ lia chớ vội vàng
Đừng đáp đại ắc xi đăng đấy bạn !
Nếu kẹt quá thấy mình cần rất khẩn
Rì quét vào đáp em-mẹc-giăng-xi
Và đừng nên ham sân lạ làm chi
Ở tù đấy! tội đáp hoang đáp trộm .
(trích toàn bài
PHI ĐẠO/ thơ trào lộng KHA LĂNG ĐA )

Hoàng Hoàng Trang mới ngâm đến câu thứ 5 : ” có nhiều cái rộng và dài phát ngáp..” , thực-thính-khách ở phía dưới ồ lên cùng lượt, Có anh hỏi thật vậy sao cô Trang ? vv và vv… thì Hoàng Hương Trang cũng thấy mình phát ngáp đành tự động lỉnh , bỏ xuống bục, không ngâm thơ nữa. Lại có tiếng tiếp tục yêu cầu tiếp đi nữa có rộng và dài phát ngáp thì chúng tôi vẫn muốn… tiếp tục hành trình đi nữ sĩ Trang ơi!, Có anh còn đùa Hoàng hương Trang hỡi Hoàng Hương Trang / Đúng không vừa rộng vừa dài vừa, của Trang? Cô đành lên bục xin lỗi giọng khan không thể tiếp tục. Vốn ngổ ngáo và coi thường cái trêu ghẹo của đám đàn ông thô bỉ cứ đòi ngâm thơ ở trên, ai nằm dưới há hốc miệng ngậm đây cô Trang, vẫn chưa dứt. Lại có thêm một tràng pháo tay của Không quân thực khách, làm cô vốn bạo dạn xưa nay mà nay mặt đỏ gay không chịu thấu; vì những vần thơ Kha Lăng Đa nói vậy lại không phải vậy. Quả thực bài thơ này cũng như vài truyện ngắn khác làm khổ chúng tôi khi xin kiểm duyệt tại Sở Phối Hợp Nghệ Thuật của Bộ Thông tin; -(may là chủ sự Phạm Quang Nhàn giải quyết ổn thỏa , vì anh ta vừa có quyền ký nháy vừa in và phát hành) . Thế là cô Trang giục tôi chở nữ sĩ Tuệ Mai và cô vào Khu gia binh thăm nhà chúng tôi. và tôi đã có ý định sẽ nhờ đại úy KQ Phát cứu bồ qua cơn bĩ cực.

Trước đó, tướng Râu Kẽm cũng được nhận một quyển tặng, ông ôm một cuốn rồi tách khỏi đám đông ra ngoài ban công đứng một mình ngắm dưới sân kia, nơi có một chiếc AD5 nằm phơi trên sân cỏ như một chứng tích lịch sử chiến tranh. Xưa con tàu AD5 được gọi là cerceuil volant, nôm na chiếc quan tài biết bay mà hoa tiêu Nguyễn Cao Kỳ từng bay hợp đoàn ra Vĩnh Linh thả bom.

Tôi đứng hồi lâu ngắm ông có nét buồn ủ dột trên khuôn mặt. Hẳn là thế rồi, bây giờ tuy mang chức Phó Tổng thống, nhưng chỉ là hư vị, ngồi chơi sơi nước. Khi Hồ Phong ra tìm tôi, gặp cả tướng Kỳ, anh góp lời:

-Thưa thiếu tướng (ông thích được gọi như vậy) trong sách anh Thế Phong có trích một bài thơ của tác giả Nguyễn Cao Kỳ khóc mẹ, qua bài Khóc Mẹ ở sau sách đấy ạ.

Đến giờ khiêu vũ vợ tôi nhắc lại chuyện cô Trang và chị Tuệ Mai muốn vào nhà, thì bây giờ là thời gian thích hợp. Tướng Tư lệnh KQ thấy vậy, nói đùa vợ tôi:

- Lần này mới được gặp chị, còn ngày khác tôi thấy ông ấy chở bà nào mà không phải là chị?

Tôi đứng cạnh bên, quay sang phía vợ tôi, trả lời tư lệnh: tướng tư lệnh thích thả bom vào đời sống chúng ta đấy!

Nhân lúc này, Tuệ Mai cúi đầu chào tư lệnh, trước khi vào Khu gia binh thăm nhà chúng tôi ra sao- và tôi nháy mắt cho anh Phát biết để đưa họ vào Khu Gia binh.

Ban nhạc Pénitent của Duy Quang ( Pénitent: người trẻ tự hiến thân dâng mình cho Nghệ thuật)- Duy Quang, trưởng nam nhạc sĩ Phạm Duy), cũng là lính đồng hóa Không quân chơi nhạc rất nổi; thực khách đã phải trầm trồ khen ngợi: “Đúng là con nhà nòi hơn người có khác !”.

Và lại còn những tay nhạc sĩ trong vai nhạc công mang cấp bậc lính Không quân, đàn giỏi, hát hay như Nguyễn trung Cang, Anh Khoa, kể cả ca sĩ Sĩ Phú, từng mang cấp bậc hoa tiêu thiếu tá lái trực thăng H34 rửa bánh trên sông Tiền năm nào , phụ họa một không khí tưng bừng, ấm cúng, náo nhiệt chưa từng có bao giờ ./.

Trích Hỡi Linh Hồn Tôi



VVM.18.4.2024-NVATP.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .