C uộc sống đâu lúc nào cũng là màu hồng, màu của yêu thương và hạnh phúc.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình quê nghèo khó, bát cơm có đủ hương đồng cỏ nội, có khoai có sắn, có tiếng thở dài của mẹ bên những gốc rạ trơ vơ giữa hai mùa giáp hạt, khe khẽ thôi, mỏng mảnh thôi nhưng cũng đủ làm đau rát trái tim quê vốn yếu đuối, nhẹ lòng.
Ngày đó, chiến chinh bom đạn còn nhiều. Cách nhau giữa cái sống và cái chết chỉ là gang tấc. Tôi xa nhà có lẽ vì mẹ cha tôi muốn con mình phải là người nối nghiệp tổ tông. Với tuổi mười lăm tôi chỉ là đứa trẻ già ăn chưa no lo chưa tới nhưng tôi biết với gánh hàng rong của mẹ thu nhập không nhiều nên việc ăn học của tôi chỉ làm gánh hàng của mẹ thêm nặng. Tôi cũng biết để có miếng cơm ăn khi học xa nhà cha tôi phải vất vả cuốc bẫm cày sâu nên tôi biết phải làm sao khi mà bụng vẫn no mà tiền của mẹ thì không nhiều.
Ngày đó có quán cơm từ tâm, rõ hơn đó là quán cơm của những những người giàu lòng nhân ái nặng bố thí hơn là yêu thương. Dẫu sao thì với tôi cũng là niềm hạnh phúc vô bờ bởi tôi được các cô chú, anh chị ở đây quan tâm giúp đỡ.
Khi người ta có của ăn của để người ta thường nghĩ về nhân quả, về thiện ác đáo đầu chung hữu báo, gieo lành mới hưởng quả lành. Oái ăm thay nhân từ và giàu sang không thường chung chiếu nên cuộc đời của những đứa trẻ cơ nhỡ, lang thang cũng không có nhiều dịp diện kiến với những đức lành.
Xa nhà, xa quê nhưng chất quê trong người đâu thể một sớm một chiều mà xa được. Chất quê ấy có khi không hợp với người này nhưng lại tâm đắc với người kia. Chất quê ấy chính là lòng thật thà. Lòng thật thà là chiếc chìa khoá vạn năng để mở mọi cánh cửa cuộc đời, để đến mọi chân trời hạnh phúc.
Với những đứa học trò quê có gia cảnh như tôi tuy không lang thang, cơ nhỡ - đối tượng được miễn phí hoàn toàn khi vào quán cơm xã hội này - nên chúng tôi phải mua phiếu ăn cho mình dẫu là với giá tượng trưng. Ngày đó phiếu ăn chỉ là bản quay rô-nê-ô trên giấy cũng rất “ từ thiện ” nhưng chẳng ai làm giả bao giờ. Phải chăng, miếng ăn tuy mang tiếng là tồi tàn nhưng luôn ẩn tàng trong nó danh dự và nhân cách của một con người : đói cho sạch rách cho thơm nên người ta chỉ nhận những gì mình được nhận.
Với tôi, ngoài những giờ học ở trường thì thời gian ở quán cũng là học. Học cách nhặt rau, rửa củ, bưng bê thức ăn cho khách, cho bạn bè. Làm riết thành quen, nghe hoài tự thuộc, dù không chủ định nhưng tôi cũng thực hiện được những món nấu xào đơn giản, những món nước chấm không quá cầu kỳ cho từng loại thức ăn.
Công việc của tôi là hoàn toàn tự nguyện và bỏ phiếu ăn vào thùng cũng hoàn toàn tự nguyện. Tôi còn ít bạn bè có hoàn cảnh khó khăn hơn mình nhưng chưa biết phải làm sao. Tôi cũng có vài đứa thân chí cốt tuy không phải bữa đói bữa no gì nhưng cũng theo tôi vào làm những công việc lặt vặt cho quán như tôi và ăn uống cũng đạm bạc như tôi. Đó không phải là điều ngẫu nhiên mà là một cuộc tâm tình chân thành.
- Với một phiếu ăn trong tay làm sao qua mặt được người quản lý khi mà thùng đựng phiếu là kính trong veo và đôi mắt chị Tâm thì sáng quắc ?
- Đơn giản là tụi mình cùng góp phần.
- Nghĩa là sao ?
- Là thay vì ăn cơm nhà, cơm căng-tin, hàng, quán…mình cùng ăn ở đây đi, giá rẻ như cho nhưng cũng ngon mà.
- Để mày làm ảo thuật chứ gì ? Lợi dụng chỗ thân quen và hô hoán là phiếu ăn đã đủ rồi quẳng tất vào thùng ?
- Thông minh.
- Và thản nhiên bưng khay cơm “ siêu từ thiện ” cho bạn mày ?
- Biết tỏng…rồi còn hỏi.
Cả bọn cùng cười. May sao cuộc đời cũng đồng loã nó cũng không thường phải lo nghĩ về chuyện cơm áo đói no.
Có những việc làm mà người ta cho là hoàn hảo, không tì vết nhưng chung quy phải ăn năn, hối cải suốt đời. Sinh ra vốn nhân từ, nên việc làm sai trái thường làm cho người ta ray rứt. Tôi cũng không thể là ngoại lệ nhưng vì chỉ được chọn một giữa gian dối và thật thà nên tôi đã chọn phần không thuộc về lương tâm. Không thể không ray rứt, xấu hổ nhưng với suy nghĩ hạn hẹp của mình là giúp người, là làm thêm một điều thiện cho quán cũng tốt chứ sao.
Thời gian là cái thùng rỗng vĩ đại để người ta tích luỹ thương, ghét. Thực ra thì chị quản lý đã biết rõ mọi điều bởi hàng ngày có sự tổng hợp, kiểm kê giữa quầy hàng và bếp. Một suất cơm với quán đâu có gì là to tát nhưng cũng không nhỏ để thành gió thổi mây bay. Sau này tôi mới biết chị vì chúng tôi cũng vấy phải vào chuyện không thật thà là hào phóng tặng đời thêm dăm tờ phiếu khống.
- Chị biết việc em làm từ ngày đầu tiên. Từ những người bạn không thuộc hàng co ro, khép nép. Luôn hồn nhiên nói cười và cách ăn uống đại khái, qua loa đủ để chị nhận ra là các em đang làm một điều gì “ ghê gớm” và chị đã hiểu ra.
- Gần chục năm rồi chị nhỉ. Em biết là chị đã biết chuyện các em làm lâu rồi do anh phụ bếp kể lại. Lúc đó em hoảng quá hỏi ảnh, chị có giận dữ nhiều không. Ảnh bảo chị không nói gì. Chắc chị quên, chứ có hai, ba ngày em không dám tới quán cho tới khi chị gọi. Còn bạn em giờ đã xong đại học, có công ăn việc làm và nó luôn nhắc đến chị, đến quán cơm từ tâm từng cưu mang nó một thời.
- Có thật là nhắc đến chị không ?
- Thật mà chị.
- Vì đâu.
- Vì trót thương nó mà chị phải vấy chàm.
- Quá khứ không vui mà cũng chẳng buồn. Mỗi người đều có một số phận em à. Nếu không có cơ duyên thì chị đâu làm quản lý, đâu có điều kiện giúp đỡ các em. Cũng khổ tâm, cũng ray rứt lòng khi làm thương tổn tính thật thà của mình. Cho đến bây giờ chị cũng không biết là mình và các em làm đúng hay sai nhưng chị nghĩ là đã có ý hành thiện thì người ta sẽ vui vẻ tha thứ cho chị em mình bởi chị em mình có tư lợi gì đâu.
- Chị nói chí phải.
Mặt trời đã lên cao, cội me già bỗng thành đơn chiếc mặc cho những chuyến xe từ tâm vào ra tấp nập, mặc cho quán cơm sôi động khác thường. Sôi động bởi tiếng chào mời, vỗ vai của ai đó với người vừa về từ qua ngỡ ngàng. Ai cũng trố mắt nhìn về phía cửa chính nơi có chiếc xe tải chất đầy gạo và tiếng nó gọi thật to :
- Chị Tâm ơi, em đã về…
Chỉ có thể nói thế, nó gục đầu vào nước mắt, vào vai chị Tâm mặc cho cảm xúc dâng trào.