Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

PLEIKU… HUYỀN THOẠI




B ây giờ đang là những ngay cuối Đông, lại sắp sang Xuân rồi.

Sáng nay thức dậy thấy trời đầy sương mù, lâu lâu Sài gòn mới được một lần có sương mù với không khí hơi hơi lạnh, đây là dịp để cho các cô, các bà diện áo khoác, áo len mỏng dài tay, dáng đi hơi co ro một tí làm duyên, cón mấy chàng thanh niên và các ông lớn tuổi cũng tạo dáng với điếu thuốc lá bên ly cà phê đen bốc khói kèm thêm ánh mắt đăm chiêu. Ai cũng thèm một ít hơi sương lạnh của Đà Lạt thổi về cho thành phố Sài Gòn đầy bụi bặm và lắm khói xe .

Với khí trời dễ thương bất chợt này, tôi cũng muốn đi lang thang trên những vĩa hè – như ngày xưa – nhưng ngày xưa còn có vĩa hè chứ ngày nay thì cái từ “vỉa hè” nghe xa xôi quá rồi, đố ai đi được trên những vỉa hè đang bị chiếm để làm nơi mua bán, quán nhậu và điểm giử xe.

Ngồi trong nhà nhìn ra ngoài cửa sổ để được thấy chút hơi sương bàng bạc, mỏng manh. Pha một ly cà phê G7 loại 3 trong 1 mà nhậm nhi từng ngụm, chợt nhớ quá những tháng ngày xa xưa ấy, lúc tôi còn nhỏ xíu chỉ mới học lớp năm – bây giờ gọi là lớp hai – thì cha tôi đã đưa gia đình lên Pleiku sống, nơi cha đang làm việc…Lúc đó cũng đang là những ngày trong tháng Giêng.

Nhớ quá đi lận, tại sao hôm nay Sài Gòn chỉ mới có một chút sương mù thôi mà tôi lại nhớ đến thủa ấu thơ của mình? nơi có rất nhiều sương mù, phải nói là quanh năm trời mù sương mới đúng.

Lòng ngậm ngùi khi chợt thấy thời gian trôi qua sao nhanh quá, chừng như vừa mới chớp chớp con mắt mà đã bốn mươi năm rồi, hèn chi có ai đó đã nói rằng “thời gian như bóng câu bay qua cữa sổ”, vút một cái khi ngoảnh lại thấy mình “chớm” già, tóc trên đầu đang chuyễn dần sang màu muối tiêu, da tay chừng như muốn trổ đồi mồi, mắt hằn vài dấu vết chân chim.

Ngày xưa ấy…Xa thật là xa…

Khi cha tôi bán ngôi nhà rường và đồ đạc cùng một bộ đi chung với ngôi nhà gổ gồm các thứ: bộ trường kỷ, tù thờ, sập gụ, các bức hoành phi, câu đối, liễng có cùng một phong cách, tất cả những thứ đó đều được khãm xà cừ rất đẹp. Cha đưa mẹ và anh em chúng tôi vào Huế ở tạm nơi nhà ông ngoại – cũng là một ngôi nhà rường – rồi cha lên Pleiku trước để nhận công việc đồng thời chuần bị nơi ăn chốn ở cho vợ con. Tuổi thơ hồn nhiên vô tư lắm nên tôi chưa biết buồn hay lưu luyến bịn rịn gì lúc chia tay với bạn bè chung xóm, nhưng tôi cũng đã biết nôn nao khi nghỉ đến một khung trời mới và một vùng đất mới.

Trước sân nhà ngoại có một cây Anh Đào đang nở hao chi chít đầy cành, hoa Anh Đào có màu hồng phấn rất đẹp. Vẫn đang còn là những ngày trong “Mồng” nên anh em tôi cũng được khá nhiều tiền lì xì của ngoại và mấy dì, mấy cậu. Tuy nhiên chúng tôi chỉ ở tạm nơi nhà ngoại một thời gian ngắn mà thôi, chờ cha tôi thu xếp xong sẽ về đưa cả gia đình đi.

Cha đưa gia đình lên Pleiku bằng hai chiếc xe hơi Land-Rover, vì ngoài cha mẹ và bốn anh em tôi, còn có bà vú, tất cả là bảy người, đồ đạt mang theo chỉ là áo quần và nồi niêu son chảo. Từ Huế đi Pleiku mất hai ngày và một đêm, ngày ấy con đường quốc lộ dù nhỏ nhưng khá tốt. An ninh thời cụ Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống được xem là khá tuyệt đối, như câu thơ sau này tôi học của cụ Nguyễn Công Trứ trong bài “Hàn Nho Phong Vị Phú:

“ Đêm năm canh an giấc ngáy o…o.
Đời thái bình cửa thời bỏ ngỏ…”

Xe chạy trong đêm qua đèo Hải Vân, thấy Nai tung tăng nhảy nhót giữa đường, nhờ ánh đèn pha của xe chiếu vào mặt Nai làm nổi hai đốm lửa sáng rực; đó là hai con mắt của nó, còn ban ngày thì thấy cả hổ quẩy đuôi…mẹ và chúng tôi sợ xanh mặt. Dù còn nhỏ nhưng tôi rất thích nhìn phong cảnh hai bên đường, nhìn mây trên trời và suối bên đường, nhìn gềnh đá, thác nước và cỏ cây hoa lá của thiên nhiên mà lòng nao nao một nỗi niềm bâng khuâng khó tả. Đang là mùa Xuân nên tha hồ để ngắm đủ các loài hoa dại đua nở suốt chặng đường dài.

Cha tôi đưa gia đình đến một nơi có tên gọi là Pleiku Hai, nó nằm cách xa Pleiku Một nhiều lắm; một nơi bụi đỏ mù trời, ngày đầu tiên đến đây chúng tôi vô cùng bỡ ngỡ và ngơ ngác vì khung cảnh quá hoang sơ, chỉ thấy những nương bắp chạy dài tít tắp, những rừng thông già cao vút, nhưng còn có những lùm cây hoa dại màu vàng rực rất đẹp, cha tôi nói đó là hoa Hướng Dương, sau này còn có thêm một tên gọi khác nghe rất là thơ mộng: hoa Dã Qùy. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi được thấy người Thượng, chúng tôi mắc cở đỏ mặt khi thấy mấy người đàn ông Thượng chỉ đóng một cái khố hẹp và ngắn ở phía dưới, còn đàn bà thì ở trần để lộ hết thân trên, chỉ quấn cái xà rông, lổ tai họ lòng thòng xuống tới cằm, hai hàm răng chỉ còn hai cái nướu, cha tôi giải thích: người Thượng họ có tục lệ là “Cà răng căng tai”; họ còn có một màu da đen tuyền mốc thếch.

Trời thật lạnh, nhà chúng tôi ở nằm trong khu làm việc của cha. Tôi quan sát kỷ nơi cha làm việc và nơi ở của gia đình các nhân viên. Tất cả được sắp xếp theo hình chử U, dãy văn phòng chính nằm ngay giữa, hai bên là hai dãy nhà ở, mỗi dãy tám căn, chính giửa hai dãy nhà ở là một bồn hoa lớn hình chử nhật, giữa bồn hoa là một cột cờ mà lá Cờ vàng ba sọc đỏ lúc nào cũng tung bay phất phới.

Buổi chiều cha đưa mẹ và anh em tôi đi chào hỏi mọi người, đến nhà nào cũng được mời ăn mức bánh uống nước trà, mẹ tôi mắc cở sung sướng đến ững hồng hai má khi có những lời khen thì thầm to nhỏ:“bà Trưởng Khu đẹp quá”. Nhà nào cũng tràn đầy hương vị Tết dù rằng đây chỉ là một nơi “khỉ ho cò gáy”.

Chức vụ của cha tôi là Trưởng Khu Dinh Điền, cấp dưới của cha là các ông Địa Điểm Trưởng.

Pleiku Hai này thật là buồn, rất quạnh hiu thưa vắng, có ít người kinh mà phần đông là người Thượng, họ ở sâu trong rừng, sáng sáng thấy từng đoàn người Thượng đi thành hàng dài, đàn ông đi trước rồi đến các em bé, sau đó là đàn bà, cuối cùng lá các chàng thanh niên, họ đi theo một trật tự thứ lớp để bảo bọc che chở cho phụ nữ và trẻ em, sau lưng mỗi người - dù nhỏ như các em bé hay lớn như người già - đều mang một cái gùi chất đủ thứ trong đó; nào là chuối, bắp, các thứ đậu, mướp trái, măng le để bán cho người Kinh…mẹ tôi mua rất nhiều măng le đem phơi khô rồi gởi về Huế làm quà cho bà con.

Chiều chiều hai anh em tôi ưa ngồi nhìn về những dãy núi dài nối đuôi nhau nhấp nhô chập chùng xa thật xa ở phía trước, vào những ngày nắng thì có thể thấy được màu xanh thẵm của núi rừng, nhưng những ngày mưa hay có mây mù âm u thì chỉ thấy một đường lằn cao thấp ẩn trong màn sương đục, cha tôi nói:

- Nhà người Thượng ở trong những dãy núi đó, mỗi buổi sáng họ đem sản vật ra bán cho người Kinh, buổi chiều thì quay trở về rừng.

Có những đêm chúng tôi thấy phía bên dãy núi nơi xa ấy có những ngọn lửa cháy bập bùng, sáng rực một góc trời, anh em tôi ngỡ là trong rừng có ma trơi nhưng cha tôi giải thích:

- Buôn làng Thượng đang mở hội đó con. Mỗi lần có lễ hội, họ đốt lửa ở giữa làng và cùng nhau nhảy múa, đánh cồng chiên uống rượu cần, vui chơi suốt đêm cho tới khi trời sắp hừng đông thì mới nghỉ.

- Khi mô họ mới có lễ hội ?

- À, khi họ đã gặt hái xong một mùa lúa hay khoai, sắn…chẳng hạn, hoặc khi trong làng có đám cưới, đám ma…

Tôi đưa tay chỉ vào một dãy núi khác, nó ở xa thật xa, xa hơn cả dãy núi trước mặt, mà tôi chỉ thấy mờ mờ trong sương:

- Cha ơi, ngọn núi mờ mờ phía xa đó tên chi rứa cha?

- Đó là núi Phượng Hoàng.

Anh tôi khen:

- Núi có tên đẹp quá, ai đặt tên cho núi vậy cha?

Cha tôi kể lịch sử về tên của ngọn núi như kể chuyện cổ tích:

- Ngày đó có hai con chim Phượng Hoàng – một con chim trống và một con chim mái - từ phương nào không biết đã bay về sống và làm tổ ở trong rừng này, không thể biết được tổ của chúng ở đâu bởi vì rừng rộng và sâu tận bên trong, chỉ biết rằng mỗi buổi trưa đôi chim này bay về núi tìm thức ăn. Đó là một loài chim vô cùng đẹp và quí, lông của nó có nhiều màu sắc rất rực rỡ; vừa có màu đỏ như lửa, vừa có màu vàng như màu hoa Qùy, cánh chim Phượng Hoàng dài đến 2 mét…Thường thì “đất lành chim đậu”, Ngô Tổng Thống biết được tin này thì mừng lắm, bèn ra lệnh cử người chăm sóc cặp vợ chồng Phượng Hoàng bằng cách là lấy một cái nia thật lớn rồi cột chặt trên một cái cây thật cao, ngày ngày có người leo lên bỏ thức ăn vào nia cho vợ chồng Phượng Hoàng đến ăn, đó phải là những loại trái cây rất ngon vì Phượng Hoàng chì thích ăn trái cây.Tổng Thống ra lệnh cấm không cho bất cứ ai được phép săn lùng để tìm ra tổ của Phượng Hoàng hay là đánh bẫy để bắt chúng. Đôi chim Phượng Hoàng đem điều lành đến cho người dân Cao Nguyên. Từ ngày có cái nia thức ăn đặt ở trên cao thì đôi chim Phượng Hoàng bay về núi nhiều hơn, chúng nó quanh quẩn ở trên núi cho đến khi chiều tối mới bay về tổ. Núi Phượng Hoàng lớn lắm…tên của ngọn núi có lẽ là do từ khi có đôi chim Phượng Hoàng đến sống nơi đó nên núi có tên là Phượng Hoàng.

Hai anh em tôi nghe cha kể chuyện hay quá, khi cha vừa ngưng tụi tôi liền năn nỉ:

- Cha ơi, kể tiếp cho con nghe nữa đi.

Cha tôi cười, uống một ly nước rồi kể tiếp:

- Ngô Tổng Thống đã cho dựng trên núi Phượng Hoàng hai bức tượng lớn; một bức là Tượng Đức Mẹ Ban Ơn, còn một bức khác nữa là Tượng Chúa Sinh Thì; tức là khi hạ xác Chúa xuống khỏi cây thập tự, Đức Mẹ đón bồng Chúa trên tay.

Mẹ tôi hỏi cha:

- Mình ơi, khi mô mình đưa tôi và các con lên đó coi hai bức tượng với lại đôi chim Phượng Hoàng nghe mình.

Cha tôi gật đầu:

- Tôi cũng tính để tuần sau Tổng Thống lên dự lễ khánh thành hai bức tượng đó, với lại Tổng Thống cũng muốn xem người ta có cho đôi chim Phượng Hoàng ấy được ăn đầy đủ hay không, tôi sẽ đưa mình với các con đi xem.

Anh em tôi vổ tay vui mừng, thằng út ngồi trên chân cha tôi, không biết gì cũng vổ tay cười đòi cha phải chở lên núi Phượng Hoàng ngay để cho nó được coi hai con chim quí. Nhưng cha nói núi Phượng Hoàng ở xa ghê lắm, cách nơi đây chừng hai chục cây số, phải đi hơn một tiếng đồng hồ mới tới được nơi đó, vì đường đi hơi khó khăn hiểm trở…

Mỗi tuần một lần chiếc Land-Rover đưa vú và mấy bà vợ - nhân viên của cha tôi - đi chợ tỉnh một lần mua thật nhiều thứ…tôi thắc mắc về điều này thì cha tôi giải thích:

- Đây là Pleiku Hai, cách xa thành phố Pleiku Một tới mấy chục cây số lận. Nơi đây là vùng đất mới khai phá, Cha về đây theo lệnh của Tổng Thống để khẩn đất đặng di dân từ dưới Quảng Nam Quảng Ngãi lên lập nghiệp, vì vậy nơi đây vẫn còn rất hoang sơ vắng vẽ. Con biết không, đất đai ở các vùng cao nguyên Pleiku, Ban mê Thuộc tốt vô cùng, nó chứa đầy phù sa màu mỡ vì mấy trăm năm trước nơi cao nguyên này có ngọn núi lửa phun trào, miệng của núi lữa bây giờ là Biển Hồ đó.

- Tại răng kêu là Biển Hồ?

- À, vì đó là một cái hồ nước rất lớn, rất sâu, nó rộng mênh mông, không như những cái hồ nhỏ bình thường, vì không biết gọi làm răng cho đúng với sự sâu rộng của nó nên phải kêu là Biển Hồ.

Tôi nhanh miệng:

- Con biết rồi cha ơi, đó là một cái Hồ lớn như Biển, phải không cha?

Cha tôi cười:

- Giỏi lắm, Biển Hồ nằm trên con đường từ Pleiku đi Kontum. Các con nghe kêu những tên lạ như vậy vì cao nguyên này là của người Thượng, mình đọc theo cách phát âm của họ đó.

Người dân tộc dễ thương và rất thật thà, họ không biết nói láo, ăn gian hay lừa lọc, có lẻ vì sống giữa thiên nhiên núi rừng hoang dã nên tâm hồn họ cũng mênh mông như đất trời,đồng thời cũng vô cùng đơn sơ. Tôi đã quen với hình ảnh những người đàn ông đóng khố nên không còn mắc cở khi thấy họ “hở hang”. Ngày ngày họ mang những sản vật trồng được trong rẫy hay những đọt măng le cũng như những con chim, con thú họ bẫy được đem tới bán cho người Kinh, đôi khi mấy người ở cạnh nhà tôi kỳ kèo trả giá làm họ giận, vì tánh của họ là nói bao nhiêu bán bấy nhiêu. Khi giận người Thượng tỏ thái độ thật là tức cười: họ sẽ quay người lại, cúi xuống và chổng mông vô cửa chính của nhà người nào đã chọc giận họ, chỉ cần một người trong đoàn tỏ thái độ là cả đoàn người giàn hàng ngang trước cửa nhà mà làm theo. Một lần bà vú nhà tôi đã làm cho họ giận, thế là trước cửa nhà tôi có một hàng mông chỉa vào, những cái mông của đàn ông đen thui, mốc thếch…

Bây giờ thì phải nói đến chuyện học hành của anh em tôi khi gia đình tôi mới chuyển đến Pleiku.

Chúng tôi chỉ được nghỉ ngơi có một tuần thôi thì cha bắt phải tiếp tục đi học.Trường chúng tôi chỉ có hai phòng học được chia ra như sau: buổi sáng có hai lớp, đó là lớp Năm, lớp Tư. Buổi chiều dành cho hai lớp là lớp Ba, lớp Nhì, còn ai học lớp Nhất thì phải lên tỉnh. Trường cũng chỉ có hai thầy giáo mà thôi, hai thầy này đều từ Quảng Nam di dân lên Pleiku, mỗi thầy phải dạy hai lớp, lúc đó anh tôi đang học lớp Ba, còn tôi học lớp Năm. Môn chính tả anh chỉ được ba, bốn điểm mà thôi, mỗi khi cha tôi kiểm bài của anh đều lắc đầu ngao ngán và hỏi anh:

- Chử “ăn cơm” tại răng con viết là “eng côm”?.

Anh tôi gải đầu và trả lời:

- Thầy đọc răng thì con viết rứa chớ bộ, con nghe thầy đọc là “eng côm” chớ thầy mô có đọc là “ăn cơm” như cha nói.

Cha tôi thở dài, đúng là không phải lỗi tại anh thì làm sao đánh đòn anh cho được.

Những trò chơi của tuổi thơ ở nơi vắng vẽ thưa người này thì chỉ có đánh banh đũa, nhảy lỏ cò, chơi ô quan, anh trai tôi thì chơi bắn bi, đánh căng, bạn bè chẳng có được mấy đứa, thú vui thích nhất là đi vào rừng thông hoặc đi bẻ bắp trong rẫy của người ta, bắp đang còn non sửa nên bà Vú đem nấu lấy nước uống; rất ngọt và ngon ghê lắm, cha tôi không cho hai anh em đi bẻ bắp trộm nữa nên mất đi một thú vui của con nít.

Cả nhà chúng tôi chờ đến ngày được cha đưa đi đón Tổng Thống rồi lên núi Phượng Hoàng. Ngày đó đã đến…

…Sáng tinh mơ cha tôi kêu cả nhà dậy sớm để theo cha đi đón Tổng Thống, sau đó thì cùng lên núi Phượng Hoàng dự lễ khánh thành hai bức Tượng Mẹ Ban Ơn và Chúa Sinh Thì.

Tổng Thống và đoàn tùy tùng đi bằng chiếc máy bay to lắm, tôi xúc động khi thấy Ông bắt tay cha tôi và nói cười rất là vui vẻ, nét mặt của Tổng Thống toát lên một vẽ thật là hiền lành phúc hậu. Đoàn xe đi lên núi Phượng Hoàng, đường đi hơi gập gềnh một tí, ngọn núi có nhiều cây cổ thụ cao phủ bóng mát rợp đất, cờ xí thì rợp trời, đoàn người nối đuôi nhau đi rước kiệu. Trước tượng Đức Mẹ Ban Ơn có đặt sẵn một bàn thờ để linh mục dâng lễ, phía dưới là một ghế quì dành cho Tổng Thống, hàng phía sau là một dãy ghế dành cho các quan chức, đoàn tùy tùng, dân chúng đứng ở hàng sau cùng, đông lắm…

Tôi không để ý gì đến buổi lễ mà chỉ lo nhìn quanh để tìm xem đôi chim Phượng Hoàng. Và tôi thấy ở trên một cây cao có chảng ba như một cái ná khổng lồ, nơi đó để một cái nia tròn, to, một người đàn ông nhanh nhẹn leo lên một cái thang làm bằng dây, sau lưng ông ta đeo một cái gùi, khi lên tới chãng ba có đặt cái nia, ông ta lấy từ trong gùi ra rất nhiều loại trái cây và để vào trong nia, sau đó ông ta leo xuống cũng nhanh như khi leo lên.

Buổi lễ đã xong, Tổng Thống đang nói chuyện với đồng bào, cha tôi dẫn mẹ – đang bồng đứa út – và anh em tôi đến chào Tổng Thống, ông xoa đầu tôi và nói:

- Vợ con của anh Hóa đây hí, ừ, thấy hạnh phúc như ri là tôi vui lắm, con gái dễ thương ghê rứa tề, ráng chăm học nghe con.

Bàn tay của Tổng Thống thật mềm và ấm áp đặt trên đầu tôi.

Hai con chim Phượng Hoàng bay đến đậu trên cao và ăn những thứ trái cây vừa mới được đưa lên. Tổng Thống và mọi người ngữa cổ lên nhìn, ai cũng reo lên: “Ồ, đẹp quá”. Tôi chưa bao giờ thấy một loài chim nào đẹp như vậy, lộng lẫy và sang trọng với bộ lông có những sắc màu vàng đỏ rực rở, mỏ nó to và quặp xuống, đôi chân cao khỏe có những móng vuốt nhọn…ăn xong đôi chim vỗ cánh bay đi, đôi cánh sãi dài đến hai mét đúng như lời cha tôi kể.

Tôi lớn lên từng ngày bên rừng thông sau lưng nhà, bên niềm vui với những trái bắp vú trồng, chờ đến khi nó lớn anh em tụi tôi bẻ xuống để vú nấu , ăn vừa dẻo vừa ngọt, những quầy chuối sứ chín vàng ươm mật ngọt, ăn không hết nên mẹ tôi đem phơi khô, cũng là để dành có dịp gởi về Huế làm quà, thế nhưng tôi chưa có được một người bạn Thượng nào. Em trai út của tôi bây giờ ưa theo cha đến phòng làm việc, mà cha tôi thì cưng chìu nó hết biết. Thoáng cái đã một năm rồi.

Pleiku Hai với những đồi núi chập chùng, với hàng chục ngàn heta đất đai mầu mở được cha tôi đưa máy cày đến để san lấp cho bằng phẳng, sau đó là những ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh được xây lên, cuối cùng là hàng loạt người dân phương xa từ Quảng Nam, Quảng Ngải đùm túm gia đình vào để sinh cơ lập nghiệp, khi những ruộng lúa, nương bắp, đậu, trà…phủ xanh che lấp màu đất đỏ thì cha tôi được lịnh của Tổng Thống cho về Pleiku Một, chúng tôi theo cha dời về Phố Chợ, nơi đây đông vui lắm và có thật nhiều người kinh, tôi thích theo vú đi chợ để được nhìn ngắm đủ thứ đồ, nhất là đồ chơi, thích nhất là những con búp bê biết nhắm mắt mở mắt, và những bộ áo quần đủ màu sắc treo trên cao…

Trước nhà chúng tôi ở có một rừng thông, anh em tôi thường ra đó chơi đùa, lấy trái thông xếp thành hình này hình nọ, mùi lá thông thơm nồng nàn, mỗi buổi chiều sau khi chơi đùa chán chê anh em tôi về nhà, - thật sự thì chỉ bước qua con đường nhỏ là đến nhà rồi – hai anh em gom lá thông lại đem về cho Vú nhúm lửa.

Cha tôi phải kiếm trường học cho các con. Trường của anh em tôi dĩ nhiên là lớn hơn ngôi trường chỉ có hai lớp học ở Pleiku Hai rồi, trường này có đến hai dãy phòng dạy đủ các lớp. Tôi đã lên lớp Tư còn anh tôi lên lớp Nhì. Mỗi ngày đến trường đều có tài xế của cha đưa rước, nhưng sau đó chúng tôi không thích vì bị gò bó, hai anh em xin cha cho đi bộ. Lúc đầu chúng tôi đi ngoài đường nhựa, nhưng sau đó thấy trong rừng thông có một con đường mòn, hai anh em bèn đi theo con đường mòn ấy, trên con đường mòn này phủ đầy lá thông làm êm bước chân, có những lần hai anh em tôi nằm dài trên thảm lá thông dày để nhìn màu trời xanh xuyên qua kẻ lá, cảm nhận được sự êm ái mát lạnh ở dưới lưng, vậy nên chi hai anh em lúc nào cũng về nhà muộn nhưng ráng gom về một mớ lá thông khô cho Vú, cha mẹ hỏi thì cứ tình thật mà khai nhưng cha tôi không la rầy, chỉ nhắc nhở là đừng la cà lâu trong rừng thông. Một lần thấy một đoàn người Thượng đi trên con đường mòn phía trong, anh tôi đưa tay lên miệng “hú…hù…” không ngờ khi họ nghe thấy, họ quay nhìn rồi đi về phía hai anh em làm anh tôi và tôi chạy trối chết. Sau đó hỏi cha thì mới biết đó là tiếng gọi nhau của người Thượng.

Sáng Chúa Nhật nào cũng vậy, sau khi đi lễ về, ăn sáng xong cha chở mẹ và anh em tôi đi chơi, thì cũng chỉ là vô thăm mấy rẫy cà phê, hay là bắp, đậu của người dân, cha tôi hỏi han từng người và dặn dò đủ chuyện. Chúng tôi thích vô chơi trong rẫy cà phê hơn, nhất là khi cà phê chín đỏ, cứ hái mà ăn, ngọt ngọt vui vui…

Thế rồi cha tôi lại phải đổi đi nơi khác, đó là Ban Mê Thuột.

Cha nói với mẹ:

- Tổng Thống cho tôi về Ban Mê Thuột là ban thưởng cho tôi rồi đó mình à.

Mẹ hỏi:

- Tại răng đổi về Ban Mê Thuột mà mình cho là được ban thưởng?

Cha tôi giải thích:

- Ban Mê Thuột lớn hơn Pleiku nhiều. Như khi đưa tôi về Pleiku Một thì cũng là một sự ban thưởng rồi, bây giờ Ngài lại cho tôi lên Ban Mê Thuột lận đó mình.

- Tôi hiểu rồi, Pleiku Một là thành phố, Pleiku Hai là một xã nhỏ cách xa thành phố Pleiku Một. Lúc trước gia đình mình ở Pleiku Hai, tội ngiệp mấy đứa con quá chừng…rồi sau đó mình được về Pleiku Một, bây giờ thì được đổi lên Ban Mê Thuột mình hỉ.

Cha tôi vuốt tóc mẹ, nhẹ nhàng nói:

- Tôi thương mình lắm, mình đã đi theo tôi đến những nơi “thâm sơn cùng cốc” này mà không một lời cằn nhằn than thở, mình hy sinh cho tôi nhiều quá, tôi thật cảm ơn mình.

Mẹ tôi cười rất dịu dàng:

- Thì mình lo làm chuyện lớn, lo cho biết bao nhiêu người, tôi theo mình chỉ là chuyện nhỏ thôi mà. Mình đi mô thì tôi đi theo tới đó, cho dù là chốn “khỉ ho cò gáy”. Tôi chỉ cần được ở bên cạnh mình và các con là tôi vui rồi.

Cha tôi cảm động lắm khi nghe mẹ nói.

Cha chuẩn bị đưa mẹ và chúng tôi lên Ban Mê Thuột. Và một việc mà cha tôi phải làm trước khi lên Ban Mê Thuột…

…Mùa Xuân đến, Pleiku mang một sắc màu đẹp khó tả, gió lạnh mà không rét lắm. Mây trắng, trời xanh và đất đỏ, Pleiku có một màu nắng mà không nơi nào có, một màu nắng giữa hồng và đỏ, cũng không phải là cam nhưng rực rỡ và trong veo. Hoa Qùi vàng óng ã hơn màu áo lụa mẹ tôi thường mặc…mùa Xuân của Pleiku lúc đó đẹp lắm, đẹp đến nỗi tâm hồn của một đứa con gái còn nhỏ xíu như tôi mà cũng đã biết rung động rồi.

Trước khi từ giã Pleiku để lên Ban mê Thuột, cha tôi đưa mẹ và chúng tôi đến nhà những người ở trong khu Dinh Điền để chúc tết và từ giã họ, những con đường trong các khu dinh điền như một bàn cờ đất đỏ, trước nhà nào cũng trồng một cây mai và vài cây vạn thọ, cúc, có nhà trồng mấy bụi hoa hồng…tất cả đầy màu sắc và không khí ngày tết với bánh tét, dưa hấu, mức, hạt dưa, bánh kẹo…Ngày đầu năm mọi người đi chúc Tết nhau, các cô các bà mặc áo dài đủ màu sắc, bông hoa, những tà áo dài tung bay trong gió lạnh ban mai và trong nắng Xuân ấm áp. Tất cả hợp lại tạo nên một bức tranh sống động, bình yên tươi đẹp.

Ai cũng buồn khi biết cha tôi sẽ xa họ, có vài người rươm rướm nước mắt, cha tôi dặn dò mấy ông Địa Điểm Trưởng là phải hết lòng lo cho dân. Còn nhỏ nên tôi không biết về nỗi buồn khi chia ly, đối với tôi thì chỉ cần được ở bên cạnh cha mẹ anh em tôi là đủ rồi…

…Sương mù của Sài Gòn ngắn ngủi lắm, chỉ vừa đủ cho tôi nhớ được bấy nhiêu thôi, vì khi nắng vừa nhen lên một chút là sương đã tan rồi. Nhưng những kỷ niệm về Pleiku của một thủa còn thơ không bao giờ bị xóa nhòa trong tâm trí tôi. Pleiku Hai ngày xưa của tôi sau đó được đổi tên là Đức Cơ…

Năm 1973 tôi trở lại Phố Núi Pleiku với nghề dạy học, tôi không tìm thấy khung trời của ngày xưa còn bé, mất đâu rồi con đường mòn trong rừng thông chạy dọc theo đường nhựa, hay ngôi trường tiểu học dễ thương…Tôi chỉ thấy một Pleiku với rất nhiều lính, chiều chiều có những tiếng đại bác từ Hàm Rồng dội lại và rất nhiều máy bay lượn ngang lượn dọc trên đầu. Tôi lại không có thời gian cũng như điều kiện để về thăm lại Pleiku Hai - là Đức Cơ - Pleiku ngày xưa của tôi chỉ còn là huyền thoại trong ký ức, nhưng không là điều mất mác…

…Rồi tháng 3 - 1975 tôi phải rời xa Pleiku trong sự chay trốn đầy bi thảm, một cuộc chạy trốn mà mãi cho đến bây giờ vẫn còn in dấu ấn trong tôi bằng những giấc mơ thường có trong giấc ngủ, những giấc mơ ấy luôn mang theo một sự mất mác lớn lao vô cùng.

Tôi đã có một lần trở lại, cũng mới đây thôi…

Bây giờ thì Pleiku của ngày xưa không còn nữa vì những thay đổi quá lớn và rất diêm dúa. Nhưng trong lòng tôi thì Pleiku bao giờ cũng đẹp và nên thơ, vẫn luôn bàng bạc hơi sương và hương của lá thông khô cùng với màu đất đỏ, với những bụi hoa Dã Qùi vàng. Những ký ức của tôi có về Pleiku bây giờ đã là Huyền Thoại…mãi mãi là Huyền Thoại., mà Huyền Thoại thì luôn sống mãi với thời gian.




VVM.21.3.2024.