Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
     




CHIẾC GIẾNG CŨ



S au Tết, tôi mới trở về nhà ngoại. Làng đã thay đổi nhiều từ con đường, chiếc cầu mới, nhà cửa. Đứa em con ông cậu họ đã xây nhà mái bằng bên lũy tre kề mương nước nhỏ trông ngồ ngộ nhưng cũng hay hay vì vừa đi trên con đường đất đầy bụi liền vội tháo giày bước lên bậc tam cấp lát gạch hoa bóng loáng. Mà đã nhiều gia đình đua nhau xây nhà mới, kiểu cách mới, màu sắc mới, đêm chong điện cứ cho là sáng rỡ.

Nhà ngoại vẫn như xưa trong khu vườn rộng chung quanh là bà con thân thuộc, ngôi nhà ba gian ngói đỏ, sân gạch giờ đóng kín cửa vì các cậu, dì đã về sống đất phố. Vườn đầy lá rụng và thưa bóng mát vì không người chăm sóc.

Tôi đi dọc theo vườn rồi bất chợt hỏi đứa em đang đứng cạnh:

- Cái giếng cũ xây đá ong đâu rồi? Nó nheo mắt: - Bên bụi chuối dưới lùm tre, nhưng bỏ hoang bởi chẳng ai dùng.

Ừ, bây giờ thì ai dùng nữa, nhà nào chẳng xây giếng xi măng và cả máy bơm nước, đi ra ruộng còn đi xe máy tới tận bờ vì đã có đường ngang lối dọc liên thôn liên xã, tiện nghi cho người nông dân thật hữu ích, chẳng lẽ một nắng hai sương bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mãi, họ khổ quá nhiều rồi.

Tôi len lỏi qua các lùm cây bước đến thềm giếng đã bong lớp đá, lạo xạo lớp sỏi dưới tầng lá tre mục, đưa tay vạch đám dương xỉ chen lấn để cúi nhìn vào lòng giếng. Nước vẫn trong vắt dù rêu xanh bám dày. Chiếc giếng xây đá của ngoại không rộng lắm nhưng đã một thời cả xóm đến dùng vì nước quanh năm không bao giờ cạn. Mát rượi mùa nắng, ấm trong mùa mưa, cồm cộp tiếng gầu va vào thành giếng cả đêm lẫn ngày trong tiếng nói cười vang ra từ trong góc vườn có mương nước nhỏ dưới lùm tre già. Ngoại lúc còn sống từng nói: "Giếng cho nước đầy cũng giống như lòng người, tình làng nghĩa xóm hãy như tấm lòng của giếng, nhiều người dùng nó thì nó sẽ sạch mãi. Nhưng con người sinh ra sẽ phải già đi thì giếng cũng vậy, dần bào mòn với thời gian và có ngày nó không còn nữa...", tôi chẳng hiểu rõ lắm câu nói của ngoại vì khi ấy tôi còn nhỏ và các trò chơi với lũ bạn làng cứ thôi thúc nhập cuộc.

Năm tháng qua đi, bao mùa mưa nắng, bao đêm trăng tỏ, bao ngày mây trôi rơi vào lòng giếng trong vắt kia. Đã bao cô gái từng ngồi bên thềm giếng mà soi bóng mình giờ đã lấy chồng. Bao chàng trai vui đùa bên giếng, trong ấy có tôi đã ra khỏi làng cùng những lớp người sinh ra lớn lên từng vắt kiệt giếng nước. Còn những người già, lưng còng tóc bạc dáng cong gầy với hình ảnh cúi người vục từng gầu nước đã đi vào thiên thu thì giếng cũng bị bào mòn như ngoại từng bảo. Và bây giờ không ai còn nhớ, còn nhắc đến chiếc giếng cũ gầu rơi cồm cộp và những lớp người dần trưởng thành sẽ không bao giờ biết trong khu vườn xanh lá kề con mương nhỏ này, từng có một chiếc giếng đá cho cả xóm dùng, cuộc sống luôn vận động mà thay đổi như đứa em con cậu tôi, nó cũng không thể ở mái tranh nghèo mãi cho dù cha nó đã cùng tôi từng có một thời vào mỗi buổi trưa hè í ới gọi đám bạn ra mương nước để vùng vẫy, chạy vào vườn mà đến bên giếng mà vục gầu xối nước rào rào cho trôi hết mùi sình lầy. Giờ thì con của nó, bằng tuổi bọn tôi thời ấy, đã sử dụng nước bơm chảy vào vòi hoa sen có máy nóng lạnh mà tắm trong phòng ốp gạch hoa bóng láng, sực nức mùi thơm xà phòng.

Dưới lũy tre góc vườn kề bên bụi chuối, róc rách mương nước nhỏ vẫn còn chiếc giếng cũ rong rêu đã qua một thời, nhưng rồi một thời gian ngắn nữa như mây trôi cuối trời, chiếc giếng ấy sẽ mất đi như cuộc đời con người.-./.




VVM.21.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com