Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh Tín Đức


CÓ GÌ KHÔNG TÌNH ƠI?



M ang tiếng là đồng hương Đà Nẵng nhưng nàng nói với Nguyễn rằng nàng chưa bao giờ biết mặt mũi thành phố Đà Nẵng ra răng, chưa bao giờ được ba má dẫn về quê để ngó xem cái cầu sông Hàn khác với cái cầu chữ Y như thế nào. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nàng chỉ biết những con đường lòng vòng ở các quận nội thành, còn xa xôi nhất là hồi nhỏ có những lần nàng còng lưng đạp xe đạp sang cư xá Ngân Hàng ở bên quận Tư để ăn sinh nhật của một cô bạn cùng lớp.

Dù nàng khẳng định như vậy, dù giọng nói của nàng nghe rất rặt Sài Gòn, trong thâm tâm Nguyễn vẫn nghĩ nàng là một đồng hương Đà Nẵng, là một phụ nữ đến đây từ miền quê Đại Lộc yêu dấu, và điều đó thật sự làm ấm lòng một kẻ tha hương như Nguyễn.

Chiều hôm đó, buổi chiều tháng Mười trời mau tối quá nên vừa tan sở làm là Phi Hằng rủ Nguyễn đến thăm một cô bạn đồng hương mới từ Sài Gòn sang định cư được vài ba tháng nay. Vừa lái xe, Nguyễn vừa hỏi gặn Phi Hằng:

-Đồng hương là sao? Cô ấy người Sài Gòn hay người Đà Nẵng?

Phi Hằng cầm chiếc gương lên soi mặt, trả lời mơ hồ:

-Nó là dân Sài Gòn, gốc Đà Nẵng.

-Cô ấy sinh ra ở Sài Gòn à?

-Ừ, ông già nó người Đà Nẵng.

Phi Hằng mượn điện thoại của Nguyễn để gọi cho nàng, yêu cầu nàng chỉ dẫn con đường tới nhà. Trong lúc Phi Hằng bấm số, Nguyễn thò tay mở chế độ loa để có thể nghe ké tên đường, khỏi mắc công Phi Hằng thông dịch lại. Khi tiếng chuông reng được vài tiếng thì một giọng nói nghe rất trẻ con vang lên trong hai cái loa phía trước mặt Nguyễn:

-A lô?

Nguyễn nghĩ bụng, úy trời ơi, qua tới đây rồi mà cô ta vẫn còn xài tiếng “A lô?”, nghe thiệt là quê một cục!

-Phi Hằng đây, tui sắp tới nhà bà rồi nhưng quên mất là đường nào?

-Đường Pacific. Nó nằm ngay góc Pacific với Gilbert. Số 9452.

-Ừ, chừng mười phút nữa tui sẽ có mặt.

-Tui cảm ơn bà nhiều.

-Thôi khỏi, đợi lát nữa gặp mặt tui rồi hãy nói cảm ơn.

-Ừ, mười phút nữa nha.

-Bye.

Phi Hằng trả Nguyễn cái điện thoại. Nguyễn bỏ nó vào túi và hỏi:

-Cô này bạn em thiệt không?

-Thiệt, bạn em mà.

-Anh tưởng cổ là con gái em thì có, giọng nói thì nhão nhét như mít tố nữ mà kết thúc câu chuyện lại còn “nha, nha” như mấy đứa nhỏ.

Phi Hằng nhún vai:

-Nó dzậy đó. Bằng tuổi em mà nhìn nó trẻ trung mà non nớt lắm. Nhưng anh đừng có khen nó trước mặt em chớ, em nổi cơn điên lên à.

Vừa nhìn thấy chiếc xe của Nguyễn trờ vào trong sân là nàng tung cửa chạy ra ngoài, tươi cười đón mừng Phi Hằng. Nàng lễ phép cúi đầu chào Nguyễn rồi mời cả hai đi vào phòng khách. Nguyễn chỉ ngồi im lặng nhai kẹo cao su, vừa quan sát khuôn mặt nàng vừa lắng nghe hai phụ nữ trò chuyện ríu rít sau bao nhiêu năm xa cách. Công nhận những người từ Việt Nam mới qua đây thoạt nhìn là biết liền: tóc tai lùi xùi và quần áo quê mùa. Nhưng hình như nàng có vẻ lùi xùi hơn và quê mùa hơn tất cả những người Việt Nam mới qua mà Nguyễn từng biết. Có điều đôi mắt nàng đẹp quá, trong veo và xanh biếc, nhìn nàng cứ như thiếu nữ nhà lành chưa từng nếm mùi bụi trần.

-Bà cần gì cứ gọi cho anh Nguyễn. Ảnh là ông chủ của ba cái khách sạn đó.

-Woaaa.

Không có điều gì làm Nguyễn ghét bằng nghe người khác nói “woa”. Nghe nó Tàu ghê gớm. Chắc nàng cũng thuộc loại ghiền xem phim tình cảm Hồng Kông hoặc Đài Loan đây.

Nàng quay sang nhìn Nguyễn:

-Anh cho em một công việc gì đó trong khách sạn của anh đi.

-Tiếc quá, anh vừa mới nhận một cô gái trẻ hơn em vào làm thư ký cách đây hai ngày rồi.

Nàng chỉ mỉm cười không nói gì hết, chỉ tới lúc này Nguyễn mới nhận ra nàng có nụ cười dễ thương mà ngay tại giây phút đó, Nguyễn không biết phải dùng bút mực như thế nào để diễn tả.

-Bà qua đây được bao lâu rồi?

-Ba tháng.

-Ba tháng thì còn mới mẻ lắm, bà phải ráng chịu đựng những gian khổ trên xứ lạ quê người, “vạn sự khởi đầu nan” mà, nhưng cần gì thì cứ gọi điện thoại cho anh Nguyễn, ảnh có thể giúp bà được đó.

-Ừ, tui cảm ơn bà nhiều, em cảm ơn anh Nguyễn nhiều.

Lúc này Nguyễn mới nhớm người lên nói với nàng:

-Em lưu lại số điện thoại của anh đi, có gì cần thì cứ gọi cho anh.

-Dạ.

Ba người kéo nhau ra ngoài sân, chụp vài tấm hình kỷ niệm trước khi chia tay, Phi Hằng có vẻ đằm thắm hơn, đứng nghiêm chỉnh nơi mấy bồn hoa cứ như đang chào cờ, còn nàng thì ẹo qua ẹo lại “em thích chùm bông này nè”, “chụp cho em ở chỗ cây hồng đỏ này đi”, “nhanh lên anh, có mấy con ong sắp bu quanh cái mặt em rồi”. Nguyễn bấm máy chụp hình mà phải ráng nín cười, trong đời, Nguyễn thật sự chưa thấy có bà già nào khoái được chụp hình như nàng cả!

Cứ tưởng nàng sẽ là người gọi điện thoại cho Nguyễn trước để xin giúp đỡ nhưng mọi chuyện hoàn toàn ngược lại, chờ hoài chờ mãi mà không thấy nàng gọi tới, Nguyễn phải bấm máy gọi điện thoại cho nàng trước.

-A lô?

Lại cái giọng trẻ con “A-lô” nghe phát ghét.

-Anh Nguyễn đây nè em.

-Dạ, em biết. Nhìn cái tên hiện ra là em biết anh Nguyễn gọi tới rồi.

-Em có cần anh giúp đỡ gì không?

-Dạ không. Tại bữa hổm anh nói anh vừa mới nhận vào một cô thư ký trẻ tuổi hơn em nên em nghĩ chắc anh không còn việc nào cần đến em nữa.

-Em phải biết là sống ở trên mảnh đất này người ta không được tự ái… vặt. Cần gì thì phải nói cho người khác biết, họ mới giúp em chứ, cứ im lặng như thóc, như đất, ai mà biết em muốn gì.

-Dạ.

-Dạ là sao?

-Dạ là… dạ.

Chẳng hiểu sao lối nói chuyện tưng tửng không đầu, không đuôi của nàng lại làm Nguyễn cảm thấy thú vị, nó không nhàm chán như những câu chuyện có mục đích, có hàm ý, có mưu đồ của những phụ nữ khác đang muốn tấn công Nguyễn. Nhiều bà già cũng rất bạo dạn, biết rõ vợ con Nguyễn đàng hoàng nhưng vẫn muốn chinh phục “gã trai già sáu mươi lăm” – như Nguyễn vẫn thường tự nhạo báng mình như vậy. Dẫu không có nhiều kinh nghiệm lắm về tình trường, nhìn sâu vào mắt người đối diện, Nguyễn biết họ đang nghĩ gì về mình, có “mê” mình không, có “muốn” mình không.

Nhưng đôi mắt nàng không phải là cửa sổ tâm hồn như các nhà văn, nhà thơ vẫn thường ca tụng, đôi mắt nàng là hai cánh cổng gỗ luôn đóng chặt, không hề mở dù chỉ he hé để người ta có thể đoán được những suy nghĩ, những ý tưởng ở bên trong, và đó là điều duy nhất nơi nàng khiến Nguyễn muốn tìm hiểu, muốn dò xét, biết đâu Nguyễn gặp hên, lượm được chiếc chìa khóa rỉ sét nào đó để có thể mở toang được hai cánh cổng gỗ kia.

-Em à, Phi Hằng vẫn thường kể chuyện của em cho anh nghe.

-Ô, vậy hả anh? Hồi còn ở Sài Gòn, tụi em rất thân với nhau. Qua đây gặp lại thiệt là may mắn cho em. Nhiều lúc thấy bơ vơ quá, em cứ khóc hoài.

-Khóc làm gì? Lúc mới qua đây ai cũng khổ vậy thôi. Hồi đó anh cực hơn em nhiều, cũng phải cả chục năm sau anh mới có thể ngóc đầu lên nổi.

-Anh có gia đình vợ con hậu thuẫn cho anh, đó mới là điều may mắn nhất.

Nguyễn chưa từng gặp một người phụ nữ nào không có tính tò mò như nàng. Nếu là kẻ khác, ắt hẳn họ sẽ la làng lên “Phi Hằng kể chuyện gì của em cho anh nghe vậy?” hoặc là “hồi đó anh cực như thế nào?” hoặc là “trong một chục năm đầu tiên sống ở đây anh đã làm gì?” nhưng nàng thì không bao giờ hỏi những câu nghe rất tầm thường, rất bình dân của mấy ả già mà Nguyễn từng quen biết. Nguyễn nói, nàng nghe. Đôi mắt nàng tròn vo nhìn Nguyễn, đôi tai nghiêng nghiêng chú ý lắng nghe, cái miệng tủm tỉm cười cười, tất cả chỉ có vậy, không hề có một câu hỏi vớ vẩn nào được đặt ra.

Hai, ba ngày mà không gọi điện thoại cho nàng, tự nhiên Nguyễn thấy nhơ nhớ. Nhớ cái giọng trẻ con với hai tiếng “A-lô?” nghe quê mùa thấy bà cố, nhưng quá đỗi ngọt ngào, quá đỗi dễ thương. Và thỉnh thoảng tiếng cười dòn tan vang lên, từ trong ống nghe vọng ra tận ngoài đường (!) khiến mấy con quạ đen đậu trên cành cây cũng phải giật mình, chúi đầu chúi mỏ nhìn xuống chỗ Nguyễn đang đứng. Nhiều lần Nguyễn và Phi Hằng rủ nàng đi ăn đi uống cho vui nhưng nàng đều từ chối, nói rằng bận việc lắm. Phi Hằng phải mua mấy món “food to go” mang về cho nàng. Vừa nhìn thấy bịch bánh cam nóng hổi hay dĩa bánh cuốn thơm phức, nàng mừng rỡ, đôi mắt nàng mở to khiến cho khuôn mặt sáng bừng lên, cái miệng nàng làm bộ “chẹp chẹp” thành tiếng và những lúc đó Nguyễn cảm thấy thương yêu nàng da diết. Nhưng Nguyễn ráng kềm chế xuống, đè nén xuống, tình cảm chân thành đó Nguyễn chỉ biết giữ sâu tận dưới đáy lòng, không dám nói ra vì sợ nàng “chửi”. Chứ còn sao nữa? Bất cứ người phụ nữ nào bị gã-trai-già-sáu-lăm-tuổi-một-vợ-bảy-con tỏ tình, không cong môi chửi mới là lạ…

Thấy nàng chỉ có một đôi giày ba-ta mang từ Sài Gòn qua làm vốn, đi đâu cũng xỏ chân vào đôi giày đế thấp đã ngày càng cũ dần, Nguyễn rủ nàng đi mua một đôi giày mới. Nàng hơi cắn môi suy nghĩ rồi sau khi nghe Nguyễn nói bằng giọng thảm não “đây là quà tặng nhân ngày Thanksgiving, em không được từ chối” thì nàng mới chịu gật đầu bằng lòng.

Leo lên chiếc xe mới cáo xèng của Nguyễn, nàng lướt mắt nhìn chung quanh và kêu lên khe khẽ:

-Chiếc xe của anh xịn ghê. Có cả màn hình nhìn ra phía sau nữa heng.

-Ừ, thiết bị này chỉ có ở những chiếc xe đời mới thôi, em biết không, ở đây thiên hạ lùi xe rất nhanh ra khỏi chỗ đậu, cán phải người đứng phía sau là chuyện bình thường. Gần nhà anh có hai vợ chồng trẻ, buổi sáng hôm đó thằng chồng vội vã de xe ra khỏi driveway nhà nó để đi làm vì bị trễ giờ, nó cán luôn đứa con nhỏ đang đứng phía sau xe mà nó không biết.

Nàng kinh hoàng, lấy tay bịt miệng như cố nén lại sự thương tâm lẫn nỗi sợ hãi. Nguyễn liếc nhìn nàng rồi vội vàng hướng ánh mắt sang chỗ khác. Đàn bà con gái có những cử chỉ nho nhỏ, mềm mại, ngọt ngào và rất nữ tính. Còn giả sử như Nguyễn mà cũng bày đặt bắt chước che mồm, bịt miệng, chắc thiên hạ lượm đá thẳng tay ném, ném xong co giò bỏ chạy vì tưởng Nguyễn là con vượn điên đang lên cơn!

Bước vào một nơi có tên là “Thế Giới Giày”, nàng đi chầm chậm bên cạnh Nguyễn, mắt dán vào từng chiếc kệ chất đầy giày phụ nữ. Chân nàng cứ sãi đều trên sàn dường như nàng không có ý dừng lại ở một chỗ nào nhất định. Lòng vòng qua lại hết mười lăm phút, Nguyễn bắt đầu sốt ruột, bèn chỉ đại vào một đôi mà Nguyễn cho là vừa với chân nàng:

-Em thử đôi này đi.

-Gót cao quá hà!

-Khi đi phỏng vấn xin việc em không thể mang giày ba-ta được, em phải mang giày bình thường, tức là giày đẹp. Vậy thì em thử đôi này đi.

-Thôi, gót giày nhọn quắc hà! Em đi chừng vài bước chắc lủng sàn nhà quá!

-Vậy thì đôi này, được không?

-Thôi.

-Thôi là sao?

-Là em lấy đôi này.

-Ừ. Ngồi xuống đó thử đi, coi vừa không.

Nàng ngồi xuống, cởi đôi giày ba-ta cũ mèm ra, mang đôi giày mới tinh vào. Nguyễn muốn ngỏ ý được giúp, nhưng không dám. Nàng loay hoay mãi mới có thể chọt bàn chân nhỏ xíu vào trong chiếc giày. Nguyễn quay mặt đi. Đột nhiên Nguyễn nhận ra một thời cơ cực của nàng khi còn ở tại Sài Gòn, một mình bươn chải nuôi con thơ cho đến ngày con trai nàng thành nhân lẫn thành công trong cuộc đời. Không than thở và kể lể. Nguyễn chưa bao giờ nghe nàng bán sự than thở và kể lể để mua lấy sự đồng cảm và thương hại của Nguyễn cả. Lúc nào nàng cũng tin tưởng vào ngày mai và tương lai, lúc nào nàng cũng mỉm cười và nhìn thẳng về phía trước như thách thức những khó khăn cứ chực ngáng đường cho nàng ngã xuống. Mà dù có ngã thật, nàng cũng xoa xoa hai đầu gối cho đỡ đau rồi tìm cách đứng lên, và đứng thẳng lưng hơn sau lần té ngã đó…

Nàng leo lên xe, vừa gài seat-belt vừa nói với Nguyễn:

-Em cảm ơn anh nhiều nghen!

-Ơn nghĩa gì em, quà tặng nhân ngày Thanksgiving của anh mà. Coi như anh là người qua trước giúp đỡ em là người qua sau thôi. Vài năm sau, em cũng sẽ như anh, cũng đi tìm những người mới qua để giúp đỡ.

-Dạ.

Nguyễn kín đáo thở ra, lòng cảm thấy nhẹ nhàng nhưng cũng vương vấn ít nhiều nuối tiếc. Nhìn thẳng vào con đường phía trước mặt, Nguyễn bâng khuâng tự hỏi: Có gì không tình ơi? Chắc chắn là không rồi. Nàng không thể yêu gã-trai-già-một-vợ-bảy-con như Nguyễn được. Điều đó bất công cho nàng lắm. Ừ, nàng không thể nhưng Nguyễn vẫn có thể. Kệ, yêu thầm lặng cũng được. Yêu mà không nói nên lời cũng được. Yêu mà cái mặt cứ làm bộ thản nhiên cũng được. Yêu mà nhốt nỗi nhớ trong lòng, lâu lâu gọi cho nàng vài phút cũng được. Như vậy thì tình yêu mới đẹp mãi, như vậy thì thỉnh thoảng nàng mới cho phép Nguyễn ghé vào nhà chơi hoặc chở nàng đi mua… hai thùng nước Aquafina về uống, hoặc dụ nàng tới công viên Một Dặm để chụp cho nàng vài tấm hình cất dành làm kỷ niệm…

Câu chuyện giữa Nguyễn với nàng chỉ có như vậy nhưng kéo dài được hơn một năm nay rồi. Tình cảm của nàng đối với Nguyễn cũng chỉ hời hợt như những ngày đầu tiên, hầu như chẳng tiến xa thêm một xăng-ti-mét nào. Thiệt là chán ngán. Đôi khi Nguyễn ngồi làm việc, nhớ nhung nàng, nghĩ tới nàng và bâng khuâng tự hỏi: Có gì không tình ơi? Hỏi xong, Nguyễn lắc đầu, ngả lưng ra sau ghế và tự nhạo báng mình bằng câu trả lời: Có gì đâu tình ơi!  Đúng quá đi chứ, không sai một ly ông cụ nào, bởi đối với nàng thì “có gì đâu” phải không tình ơi!.-./.

(Westminster, CA)




VVM.15.3.2024.