Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


SAO MÀ LẠ VẬY



N hà vừa xây xong. Trừ một số rất ít người tỏ ra ghen tỵ đố kỵ nhỏ nhen, ai cũng mừng cho ông bà Cống kể cả những người không quen biết. Một đời làm lụng, đầu tắt mặt tối. Ăn không dám nhiều, mặc không dám lắm, bòn gio đãi sạn, chắt bóp, giờ mới dựng được căn nhà hai tầng hai gian.

Nhà hai mặt đường, có từ ngày miền bắc hoàn toàn giải phóng. Trải qua bao nhiêu gió sóng, căn nhà đứng vững, đương đầu trước mọi thử thách. Nó cũ quá rồi mà ở ngay đầu dãy. Ông bà Cống thừa hưởng của cha mẹ để lại, chứng kiến mái ngói dầu mưa dãi nắng non một thế kỷ. Nay thằng con trai lớn, bàn với bố mẹ đập nhà đi, xây lại cho đàng hoàng to đẹp hơn. Ông bà cũng nghĩ vậy nhưng tiền của đâu ra. Thằng con nói không sợ. Bố mẹ có bao nhiêu, đóng góp vào, còn chúng con lo. Thiếu thì vay. Vay tiền bạn bè, vay tiền ngân hàng nhà nước. Cháo húp vòng quanh, công nợ giả dần.

Ông bà cũng là người chân chỉ, tử tế, ăn ở đầu cuối lắm. Làng xóm phố phường đều cho là người biết điều, không ai ta thán gì. Ăn cơm mắm ngắm trước ngắm sau, ăn cơm rau ngắm sau ngắm trước. Thằng con trai duy nhất khi còn bé đã từng hớn hở dậm chân, đạp vào bóng nắng do lỗ thủng từ mái nhà chiếu xuống. Con thì thích mà bố cười buồn. Buồn và lo. Mưa còn khổ hơn. Ông bà chậu hứng mủng đậy, cay cực đủ đường. Thôi thì nhà hỏng cần sửa chữa, có trốn cũng chẳng được. An cư mới lạc nghiệp. Không năm nay thì cũng năm sắp tới. Ông bà bàn nhau, rút hết tiền cả đời tiết kiệm ra, đưa con.

Ngôi nhà xây xong, bốn gian. Hai gian tầng một, hai gian tầng hai, rộng rãi bề thế. Vợ chồng bố tầng trên, sáng sủa, rộng rãi. Bạn bè bố nhiều, thoải mái nhảy múa hát ca, tâm sự dặt dìu. Vợ chồng con với hai đứa nhỏ, tầng dưới. Chúng nô như quỷ sứ. Mỗi gia đình một tầng, đầm ấm vui vẻ mà cả đời chả phải lo gì chỗ ở nữa.

Nhà ông bà ở tầng trên, bạn bè ra vào phải cởi bỏ giày dép bên dưới, leo lên những bậc cầu thang cao. Sức lực mỗi tuổi mỗi tệ. Già cả rồi, bà đi chợ mỗi ngày xuống xuống lên lên cũng mệt. Không ai nói ra nhưng bạn bầu ngại, dần dần vắng bóng. Họ chỉ còn gặp ông bà những dịp lễ tết quan trọng hay việc cần kíp. Vợ chồng con, bạn bè đến chơi, chuyện trò rôm rả, hát hò suốt ngày. Trên đời ở đâu khi xa khi gần cũng có những bầu bạn chân tình. Một thằng bạn đến chơi nhân tiện mách nước:

- Nhà rộng rãi thế cho thuê đi! Tháng tháng cũng có thêm vài triệu bạc. Chả ai tự dưng cho không đâu. Tìm cách mà mở đường gọi của cải vào nhà, tội gì mà không tận dụng thời cơ, lãng phí thế?

Hai đứa con bàn với nhau, thằng con bàn với mẹ, mẹ bàn với bố. Vợ chồng bố xuống ở nhà dưới. Chúng con còn cháu, ở gian tầng trên. Căn phòng mở cửa ra đường, cho mấy cô thuê làm nơi gội đầu cắt tóc. Mỗi tháng dăm triệu cũng là khoản tiền không dễ kiếm với người thật thà chân chất.

Bà ngày một ngày hai rủ rỉ như nước thấm cát chỉ chờ chồng đồng ý. Ào một cái, chúng chuyển nhà cho ông bà trong một buổi. Đồ đạc không nhiều nhặn gì. Ông bà tuy chật một tí nhưng rồi cũng quen. Vợ chồng chúng chuyển lên tầng trên. Gian mặt đường cho thuê, tháng tháng cầm dăm triệu bạc.

Căn nhà cho thuê tự dưng hóa vị trí cấm cửa trước ông bà. Khách khứa quần chùng áo dài, xăm môi bôi mặt, xun xoe, nhâng nháo, nói cuời ầm ào. Thôi thì nhà đã cho thuê, cũng chả vào ra làm gì quẩn chân chúng nó. Cái cửa nách là đủ. Bạn bè giờ đến nhà hiếm lắm. Ông nhớ lại cái thời trước, nuờm nượp người vào ra mà buồn. Cái thời ấy nào có xa xôi gì? Ngày hai phích nước sôi! Lạng chè vừa mua như có người vốc trộm, hết veo. Bận bịu nhưng vui. Tiếng nói câu cười rôm rả chứ đâu vắng lặng như bây giờ!

Những hôm bận ra chợ mua đồ ăn, bà khóa cửa lại sợ ông ở nhà một mình không an toàn. Kẻ gian thì không sợ vì còn người này người khác nhưng trẻ con lẻn vào, tắt mắt thứ gì biết đâu mà lần. Cái gì mà không tiền. Đành rằng lặt vặt nhưng lặt vặt cũng là tiền chứ! Cách tốt nhất cẩn tắc vô áy náy, bà khóa lại. Bạn bè ông đến vào cửa trước.

Nhưng đâu có dễ. Bọn trẻ cắt tóc đang ươn ả, cợt nhả, lả lướt thấy người đến không phải khách của mình vội mời các bác ra cửa sau hoặc lắc đầu không biết. Cửa sau khóa rồi, có việc gì cần, khách đành nói chuyện với ông qua khung cửa sổ. Rồi họ cũng chán, không vào nữa. Không vào nữa thì ông khác gì cái bóng, cô đơn trong chính nơi ở của mình.

Một hôm, tôi ra bưu điện nhận hàng. Cô bưu tá là chỗ quen biết phàn nàn:

- Bác có gần nhà ông Cống không? Ông ấy có bưu phẩm mà viết giấy mời đến lần thứ ba rồi, không ra nhận.

- Để tôi báo ông Cống cho!

- Vậy bác báo giúp cháu nhé! Cháu đang tính chuyện trả lại.

- Tôi sẽ báo ngay cho ông ấy!

Tìm tới nhà ông, tôi không vào được cửa trước. Ra tìm lối thì cửa sau khóa. Gọi mãi mới thấy mặt ông áp sát vào song cửa sổ.

- Ông ra bưu điện mà lấy hàng. Tôi thấy người ta nhắn vậy?

- Tôi không đi lấy được đâu! Ốm lắm ông ạ! Ông nhận hộ tôi với!

Tôi đành nhắc ông đưa bút, tôi viết mấy dòng chữ nhắn người nhà với nội dung trên. Ông nói ông không có bút.

Cô đơn thế dễ đâm buồn bã sầu não. Ngót nghét tám mươi rồi. Bệnh tật kéo đến ù ù nhưng không ai nghĩ với ông, nó nhanh chóng vậy. Cao huyết áp, tiểu đường chỉ sau ba năm, ông đã về nơi khói hương nghi ngút mà tình người lạnh ngắt.

Đến viếng ông, khi đó gian nhà cho thuê được phủ tấm ni lông che hờ đám đồ dùng cắt tóc. Hàng loạt chai lọ dầu mỡ, dụng cụ... đã được xếp gọn. Tôi bất ngờ nhìn thấy mấy tờ giấy mời người ra bưu điện nhận hàng. Căn nhà bốn gian vẫn cho thuê một gian. Vợ chồng con tháng tháng thu tiền và cách biệt tầng trên. Các cháu còn bận học. Phòng bà ở bây giờ cửa đóng suốt. Không ai biết bà làm gì trong đó nhưng cô đơn thì chắc chắn rồi. -./.




VVM.07.3.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .