R a khỏi cổng trại giam từ sáng sớm, mà khi chiều buông anh mới về đến nơi muốn về.
Chuyến tàu chợ gặp sự cố kỹ thuật sao đó, phải dừng tại một ga xép khá lâu, không dưới hai giờ chờ đợi… Mà có thể còn lâu hơn nữa, vì với tâm trạng của anh, chỉ mươi phút trôi qua cũng đủ dằng dặc lắm rồi.
Trại giam xa xôi quá nên mấy năm qua, chỉ một lần vợ anh khăn gói lặn lội ra thăm chồng. Đó là vào cái tết thứ hai anh mặc áo phạm nhân. Sau đó anh chuyển trại mấy lần thì cô “bặt vô âm tín”. Anh không nhận được một món quà, dòng chữ hay lời nhắn gửi nào của cô cả.
Tất nhiên anh vô cùng hoang mang, lo lắng và đau khổ. Ngày tháng đã dài càng thêm lê thê, mòn mỏi. Khi anh phạm tội, con gái anh còn bé quá, mới vô Mẫu giáo. Nỗi nhớ vợ thương con da diết thêm nung nấu nghi ngờ “lòng dạ đàn bà” chất chồng khổ ải lên anh.
Nhiều đêm thức trắng, anh miên man nhớ những ngày gia đình sum họp, để chua chát nhận ra còn ngắn ngủi hơn thời gian bất hạnh này. Đó là đã tính luôn các dịp tết lễ được ân huệ giảm án phần nào.
Tuần trước, một số phạm nhân được ân xá ra trại rồi. Riêng anh, tối qua mới nhận lệnh tha trước hạn. Chính anh cũng bất ngờ, sững sờ mãi mới tỉnh táo tận hưởng niềm vui đột ngột.
Vậy là anh sắp được tự do, kịp trở về đón Xuân mới cùng vợ và con gái, hai người thân yêu nhất của anh trên đời. Ngày mai đã là 29 tết.
Nhưng biết vợ con anh có còn sống ở căn nhà thuê ngày đó, chờ đợi anh?
Mỗi khi ý nghĩ ngờ vực này trỗi dậy, anh đều cố tình xua ngay đi, tự nhủ lòng phải tin tưởng cô, người con gái đã cùng anh lớn lên từng ngày trong một viện mồ côi, đã chia sẻ ngọt bùi với anh khi cùng nhau rời viện, mà những năm đầu tiên tự lập cánh sinh phải đối mặt vô vàn gian nan lẫn cạm bẫy.
Nghĩ tình cảnh cô từ khi thiếu anh, phải một thân vất vả nuôi con, anh thương đến ứa nước mắt, thắt ruột xót xa. Liệu cô có đứng vững hay -cũng như anh- vấp ngã trước giông tố cuộc đời? Trơ trọi một mình, cô biết nương dựa vào ai?
Chẳng phải chính hai con người đã tạo ra anh cũng đành đoạn vứt bỏ anh khi anh vừa lọt lòng đó sao? Cha mẹ còn nhẫn tâm thế, cớ gì anh nỡ oán trách cô, một “người dưng khác họ”? Ngay cả khi anh không phạm tội đi nữa, thì “tình đời đen bạc” cũng nằm trong quy luật nhân gian, đâu có hiếm hoi, đâu phải cá biệt? Từ xa xưa, cổ nhân từng cay đắng đúc kết: “LÚC NGHÈO THÌ CHẲNG AI NHÌN, ĐẾN KHI ĐỖ TRẠNG CHÍN NGHÌN ANH (CHỊ) EM” đấy thôi?
Không biết bao nhiêu lần anh tự kết án rồi lại tự bào chữa như vậy.
Nhưng lý do gì cô bỏ quên anh, không hề đoái hoài đến? Có phải hai mẹ con gặp biến cố lênh đênh trôi dạt rồi chăng? Hay cô tìm được một bờ vai đàn ông khác? Hoặc không chừng cô ốm đau và đã…
Tưởng tượng đến đây, anh rùng mình, hoảng sợ với viễn ảnh khủng khiếp: con gái bé bỏng của anh rồi cũng phải vào sống trong một viện mồ côi, y như đời cha mẹ nó trước kia…
Chưa đầy năm năm mà con phố nhỏ thay đổi quá, đến ngỡ ngàng. Nhiều nhà mới mọc lên. Nhiều hàng quán buôn bán đa dạng. Đến suýt nữa thì anh lạc mất lối về căn nhà thuê của mình.
May quá, nó không thay đổi: Vẫn hai cánh cửa gỗ màu xanh mà nước sơn đã bợt bạt rất nhiều. Vẫn cây mai ngày cuối năm ấy anh mua, giờ già cỗi và cao vượt đầu người. Vẫn khoảng sân hẹp giăng sợi dây phơi, trên đó đang bay phất phới cái áo màu tím than mà anh nhận ra ngay vợ anh đã mặc khi lên trại giam thăm chồng.
Cảnh vật quen thuộc khiến mi mắt anh rưng rưng. Anh có thể khẳng định: người vợ yêu quý vẫn đang sống ở căn nhà thuê cũ, chờ đợi anh! Anh bồi hồi xúc động, chặn bàn tay lên ngực, như thể để ngăn bớt nhịp đập đã bắt đầu hỗn loạn của trái tim.
Đột nhiên, hai chân anh bỗng cứng đơ, không nhúc nhích tiến thêm bước nào nữa. Anh đăm đăm nhìn mọi thứ trước mặt, như mất hồn. Qua khung cửa mở, anh vừa thấy hai đứa trẻ trong nhà: đứa lớn tất nhiên anh biết là con gái anh, vì anh nhận ra ngay. Còn đứa con trai khoảng hơn hai tuổi tất nhiên anh không thể biết, vì chưa gặp bao giờ.
Sao thằng bé lại ở trong nhà anh? Sao con gái anh ôm ấp nó một cách đầy yêu thương, thắm thiết thế kia?
Như có luồng điện chạy dọc từ gáy xuống gót chân, anh bàng hoàng nhận ra một sự thật tàn nhẫn: vợ anh đã có con với người chồng mới! Tim anh thắt lại, đau đớn, bẽ bàng khi sắp xếp lại mốc thời gian cô lãng quên anh.
Hơn bao giờ hết, anh hối hận vì đã quay về đây. Mùa Xuân lỗi hẹn với anh rồi! Nói cách khác: anh đã chậm chân, đã sai lầm nên đánh mất tất cả!
Vừa lúc ấy, một người đàn ông từ ngoài đường chạy xe máy vào thẳng trước nhà anh. Nhìn thấy ông ấy, đứa con trai từ trong cuống quýt ùa ra, mừng rỡ reo:
-Ba… Ba!
Người đàn ông xuống xe, ôm xốc thằng bé lên, vừa hôn nó vừa bước vào nhà.
Lúc đó mới thấy vợ anh -có lẽ từ chỗ nấu bếp- vội vàng đi ra, vội vàng nên hai tay chưa kịp rửa, đang quẹt nhanh vào vạt áo.
Cô đứng trước mặt người kia, nói câu gì đó khá dài, còn ông ta lắng nghe một cách chăm chú. Rồi cô lấy mũ đội cho thằng bé, sửa lại giày dưới chân nó, trước khi nó được bố bồng ra xe, chở đi.
Tất cả những hành động ân cần vừa rồi của cô không lọt qua mắt anh. Quen thuộc với anh lắm. Trước kia, cô cũng chu đáo dặn dò anh này nọ, cũng chăm sóc giày mũ cho con gái mỗi khi anh chở nó ra đường, y như vậy!
Bây giờ mọi sự thay đổi. Anh có còn là chồng cô nữa đâu, con gái anh hẳn cũng gọi người xa lạ kia tiếng “Ba” thân thương, ngọt ngào. Hình bóng anh đã nhạt nhòa trong ký ức hai người anh yêu dấu nhất đời rồi!
Anh nghĩ mình không nên chường mặt ra gặp họ nữa. Chẳng ích gì, chỉ quặn lòng thêm. Xem như anh vẫn ở trại giam, còn là một tù nhân. Cuộc sống của vợ con anh đang êm ả thì cứ để mọi sự lặng lẽ “trôi theo dòng đời”, tốt hơn là khuấy đảo cho xáo trộn tương lai, cho đục ngầu quá khứ.
Quyết định thật nhanh như thế, anh lẳng lặng quay lưng…
Đi mươi bước, anh dừng chân. Rồi lại đi… Rồi lại dừng… Cứ thế!
Như có một điều gì đang níu kéo anh, một điều mơ hồ mà thôi thúc khiến chân anh ngần ngừ, óc anh ngẫm nghĩ.
Với số tiền nhỏ nhoi nhận khi ra trại, anh biết làm gì, đi đâu, về đâu trong những ngày sắp tới? Cảm nhận lạc loài giữa mùa Xuân mới tưng bừng hương sắc đang đến rất gần khiến anh thêm bạc nhược.
Lê bước chân vô định mệt nhoài, anh cũng không biết đã rời khỏi nơi chốn yêu thương bao xa, rồi ngừng lại ở một quán cơm trên đường lúc nào. Mờ mịt như phủ dày đặc lớp sương mù, tất cả diễn ra một cách vô thức.
Trời đã tối hẳn. Quán cơm giờ này rất đông nên khá ồn ào. Các bàn ăn đều chật khách.
Nhân viên xếp anh ngồi tạm ở cái bàn dài đặt hai dãy khay đựng thức ăn, gần một bếp than nướng dở mấy xiên thịt vàng ươm, mỡ nhỏ giọt xèo xèo.
Từ chỗ này, anh có thể nhìn thấy lưng một người phụ việc đang cắm cúi chùi rửa đống chén dĩa lẫn nồi chảo dơ ngổn ngang chồng chất xung quanh. Trước mặt là bà chủ quán cáu kỉnh chống nạnh, đang mắng mỏ nhân viên hôm nay đến muộn giờ.
Đã to tiếng lại dai dẳng, bà chủ quán vô tình lôi anh về thực tại, biến anh thành thính giả bất đắc dĩ cho bà xả giận:
-Cô xin đi trễ ba mươi phút mà lề mề giờ này mới vác xác đến! Bộ thấy tôi dễ dãi rồi coi thường hả?
Tiếng người kia ngập ngừng, run rẩy như sắp khóc:
-Em… xin lỗi chị… Tại ba bé Cò đến đón con trễ quá… nên…
-Không cần kể lể Cò Quẹt gì ở đây!... Chỉ cần cô đi làm đúng giờ.
-Em biết rồi… Mẹ bé Cò nằm bệnh viện, bé nhỏ quá không ở nhà một mình được nên ba bé gửi em giữ hộ… Chị bỏ qua cho em lần này… Từ mai…
Bà chủ quán không cần nghe tiếp, chỉ “hứ” một tiếng, ngoay ngoảy bỏ đi lên. Vừa đi bà vừa lảm nhảm một mình:
-Người đâu tham công tiếc việc, không liệu sức mình… Việc gì cũng nhận hết vào người rồi làm không xuể… Chẳng đâu ra đâu!
Như chưa hạ hỏa, bà hoa mắt, suýt nữa đâm sầm vào một nhân việc bưng khay dĩa dơ ngược chiều. Người này ngạc nhiên:
-Kìa, chị càu nhàu ai thế?
-Thì con Liễu, có chồng đi tù mấy năm nay, chứ ai! Tao thương hoàn cảnh hai mẹ con nó, chứ người khác ai thông cảm? Họ đuổi cổ từ lâu...
Cái tên Liễu mềm mại mà xuyên tận óc tận tim làm anh giật mình, choáng váng.
Anh mở mắt trừng trừng không rời người phụ nữ ốm yếu lọt thỏm giữa trùng vây nồi chén kia.
Có phải chính là Liễu, vợ anh đấy không?
Bây giờ thì đầu óc anh không còn mụ mị nữa, mà sáng tỏ ra. Gom góp lại trao đổi của bà chủ quán cơm với hai người phụ việc vừa được nghe, anh dần dần hiểu cả: Thằng bé tên Cò kia không phải là con của vợ anh với “người chồng mới” nào, như anh vội vã áp đặt. Vẫn chỉ hai mẹ con cô ấm no đói lạnh bên nhau, làm gì có ai khác chen vào? Hẳn cuộc sống khó khăn buộc cô phải bon chen, phải ôm đồm nhận bất cứ công việc nào người khác cần đến.
Đưa tay gõ mạnh lên đầu mấy cái như tự “khai thông”, tự “trừng phạt” những khờ khạo tối tăm của nó, anh ân hận chưa làm sáng tỏ mọi chuyện đã đi đến quyết định sai lầm. Cũng như ngày trước đã sai lầm nên vướng thân vào lao lý.
May mà lần này chưa quá muộn màng. Còn kịp thời gian để anh sửa chữa. Vẫn nguyên vẹn mùa Xuân tươi hồng trước mặt cho gia đình anh bắt đầu trở lại, xóa đi quãng đời tăm tối.
Chỉ có con người lỗi hẹn với mùa Xuân, chứ tứ thời bát tiết đủng đỉnh xoay vần, mùa Xuân chưa bao giờ lỗi hẹn!-./.