S áng thức dậy nhìn lên tấm lịch gở trên tường, chỉ còn mấy tờ mỏng dính. Chà, sắp qua lịch mới rồi! Tuy chưa phải đến cái Tết truyền thống của mình nhưng nhìn mấy tờ lịch cuối cùng sắp rơi xuống lòng cũng nao nao. Chợt nhớ người xưa thường nói “Bạch câu quá khích” tức “bóng câu qua cửa sổ”, mà con ngựa gọi là câu ở đây chính là con ngựa non mới 2 tuổi nên sức chạy của nó nhanh vô cùng. Ngay cả khi dịch ra mọi người vẫn giữ nguyên chữ “Câu” là vì thế. Ừ, lại méo mó nghề nghiệp, sa đà vào chuyện chữ nghĩa rồi! Có điều chữ nghĩa cứ mở ra một chút bâng khuâng, một chút chạnh lòng về năm tháng vèo bay, về những niềm vui thường qua nhanh và nỗi buồn đọng lại trong ký ức càng lúc càng cằn cỗi, khô cằn.
Những ngày cuối năm, đôi lúc đất trời cũng ngây ngây lạnh. Cái lạnh hiếm hoi của thành phố lúc nào cũng ấm nắng phương Nam này khiến lòng ta như mở ra, thanh thản, nhẹ nhàng, tim ta như rộn ràng theo phập phồng hơi thở mùa xuân đang đến rất gần. Chưa hết, cơn bão vừa lướt qua để lại mấy trận mưa nhỏ, mưa lớn như làm xáo động không gian êm ả, thanh bình của những ngày giáp Tết. Lại nghĩ sao mỗi lúc xuân về, Tết đến mọi người phải tất bật, hối hả thế kia? Dù mùa xuân vẫn thế, theo vòng quay đất trời không năm nào trễ hẹn. Con gái dù còn gần tháng mới Tết đã lo chuẩn bị. Nào mua tôm khô, nào đặt khô cá lóc, đặt dưa kiệu. Nó nói giờ mua đồ ngoài chợ không yên tâm bởi “ăn gì cũng sợ” nên mượn người quen làm dùm rồi trả tiền. Mứt, bánh cứ mua một ít đãi khách thôi, lại tịnh xá của mấy sư cô mua cho chắc ăn. Mà phải sớm sớm nghe, muộn một chút là hết hàng đó… Ngẫm ra cái chuyện lo Tết cũng mất nhiều công sức chứ phải chơi. Chỉ tại mình không có nhu cầu gì nên không thấy đó thôi. Buổi sáng ngồi quán cà phê gần chợ vẫn nghe mọi người bàn tán chuyện sắm Tết, chuyện Tết giàu Tết nghèo với bao nỗi lo lắng, băn khoăn. Nhớ lại những mùa xuân đã qua mới thấy đọng lại trong lòng mình nhiều nhất, sâu nhất vẫn chỉ là những buổi cà phê tán gẫu hay tâm sự cùng bạn bè. Không biết ngôi sao nào đã băng ngang qua cung sinh mệnh cho cả đời mình đều tựa vào bạn bè mà vui buồn, mà sống còn và đứng vững qua mọi thử thách, khó khăn. Nói như một ông thầy bói từng nhìn vào hai bàn tay mình thuở mới lớn rồi phán một câu “cô bé sẽ luôn có quới nhơn phò hộ”! Quới nhơn là người thân thuộc chăng? Là bạn bè chăng? Chỉ biết xưa giờ mình cứ may mắn vậy. Vậy nên lúc tính sổ mỗi năm, bao giờ từng khuôn mặt bạn bè cũng được nhớ lại, nhớ lại. Những ai còn ai mất đều khiến ta xao xuyến bồi hồi, theo cùng những kỉ niệm lại trở về tươi rói trong lòng. Hình như khi những làn gió xuân phây phẩy, mát dịu len qua khung cửa sổ vuốt ve mặt mũi, khi những cây bằng lăng, cây hoàng hậu bên đường trút bỏ lớp lá vàng để xanh non trở lại, tâm hồn ta cũng căng ra như một sợi dây đàn, chỉ một cái búng nhẹ là vang động, là tràn đầy âm hưởng, tràn đầy cung bậc trầm bổng du dương…Nhớ những ngày đi học, một vị thầy đáng kính đã dạy “Xuân sinh, hạ trưởng, thu yễm, đông tàn”. Thầy nói mùa xuân là mùa vạn vật sinh trưởng, nở bung sức sống, tỏa ngát hương thơm nên vẫn là mùa đẹp nhất trong năm. Vì vậy khi ta ăn Tết Nguyên Đán tức là chào đón buổi sáng đầu năm, chào đón một năm mới với những hi vọng, mong ước mọi điều tốt đẹp. Bởi, dù ở hoàn cảnh nào, sung túc hay khó khăn thế mấy thì “Hi vọng” vẫn là thứ sẵn có trong lòng mọi người kia mà.
Những ngày cuối năm sát Tết, buổi trưa dưới đường thường vọng lên những tiếng rao quen: Mài dao mài kéo! Ai mài dao mài kéo hông… Nói quen nhưng tiếng rao ấy có lẽ mỗi năm chỉ vang lên những lúc năm cùng tháng tận này, giống như lâu lắm rồi, hôm qua mới có một chị đội bao gòn ngang qua. Ai mua gòn dồn gối không? Trời, tiếng rao như trong chuyện cổ tích đi ra gợi bao nỗi nhớ, niềm thương một thuở bông gòn bay bay cùng những chiếc gối gòn êm mát bên hình dáng thân thương của mẹ, của bà. Và còn nữa, mấy chiếc xe máy chạy qua chạy lại trên đường phát ra những âm thanh ra rả chỉ có những ngày này: Chùi lư đây! Chùi chân đèn đây! Không sáng bóng không lấy tiền đây. Và còn nữa, không biết sao mà những ngày giáp Tết có nhiều người thồ trên mấy chiếc xe đạp đủ các loại chổi đi khắp nơi như vậy. Nào chổi lông gà quét mạng nhện trên trần, chổi cỏ, chổi ráng quét nhà, chổi ni lông, chổi lông gà nhỏ quét bụi… Làm như phải đến Tết thì mọi người mới quét dọn bàn thờ, vệ sinh nhà cửa vậy.
Cho nên mùa xuân lấp ló bên thềm đâu chỉ đem đến những lo toan bận bịu rượu trà, bánh mứt hay thịt mỡ, dưa hành, dưa kiệu trên bàn thờ, trong mâm cổ trong nhà. Những ngày cận Tết còn xôn xao, rộn ràng bao thứ âm thanh, hình ảnh, sắc màu đúng như nhận xét của người xưa “Vạn vật nức xuân tâm”. Chưa hết, mấy đứa nhóc trong nhà cứ chạy theo hỏi hoài “Ngoại ơi, gần Tết chưa? Ngoại ơi, còn mấy ngày nữa mới Tết?..” Ừ, có phải ngày xưa mình cũng vậy không? Lại thấp thoáng trong đầu cái hình ảnh con bé đêm nào cũng đi ra đi vào chợ Tết dưới bến Ninh Kiều mà không hề thấy ngán, bởi mỗi lần xuống chợ là mắt thấy tai nghe bao nhiêu là điều mới lạ, bao nhiêu là âm vang rộn rả của mùa xuân… Thật đúng là “vui như Tết”!
Mấy hôm nay tờ lịch cũ đã được gở xuống, tờ lịch mới được treo lên trong một góc nhà. Buổi sáng ra quán cà phê gần nhà ngồi một mình, tránh mọi sự ồn ả của thành phố làm bài toán cộng trừ cảm xúc năm qua. Lòng ngẩn ngơ buồn. Những con số cộng sao càng ngày càng ít đi trong khi số trừ cứ tiếp tục, tiếp tục…
Cuối năm, chuẩn bị đón Tết, nhớ câu “ôn cố tri tân” mà lòng xao xuyến bâng khuâng … -./.