Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


MÙA XUÂN HÁI TRÁI




N gày tháng cuối năm báo hiệu bằng một thứ thời tiết làm xúc động lòng người. Không khí se lạnh, nền trời bàng bạc những tầng mây như sà xuống thấp hơn trên những mái nhà ngói nâu xưa cũ, những tán cây cố nhô màu xanh lá mới bên khoảng trống hiếm hoi không gian bị chiếm lĩnh bởi hàng hàng lớp lớp cao ốc hiện đại. Trong nên trời xám trắng ấy lại có một loài cây thay lá muộn, trút xuống mặt đường một thảm lá ngã màu nâu đỏ, đó là những cây bàng cuối mùa lẻ loi, mệt mỏi thở hắt ra những hơi thở dài để tìm lại sức sống mới.

Trên đường phố đã thấy một không khí nhộn nhịp mua bán, vỉa hè bừng lên những sắc màu từ các cửa hàng vải vóc, quần áo, đồ chơi, các mặt hàng trang trí. Một không khí rất thời trang, rất nôn nao, kích thích sự im lặng chìm khuất của lòng người suốt một năm bận rộn mưu sinh, đánh vật với những khó khăn cuộc sống đến nỗi mất cảm hứng với thời gian trôi rất nhanh trong diễn biến chậm rãi của đời thường.

Vượt lên trên những sắc màu của phố xá, hàng quán, cửa hiệu rất đặc trưng của Sài Gòn cuối năm là không khí chợ với hoa trái tươi mùa. Tôi vẫn thường ngang qua một ngôi chợ mỗi ngày để chiêm ngưỡng lặng thầm một thứ sắc màu của vườn tược, đồng nội được hoa trái các loại, các nơi chở về. Không biết ở đâu, từ bao giờ, nhưng buổi sáng sớm ngang qua chợ bên đường thì thấy rực rỡ cửa hàng hoa, điểm bán hoa và quầy sạp trái cây thoang thoảng hương thơm không chính xác của thứ nào, loài nào, mùa nào. Hương thơm sắc màu cây trái cứ trộn lẫn vào nhau như thế và làm ra một màu sắc, thời tiết, mùa màng cuối năm.

Và cuối năm cũng là mùa của vúa sữa, một loài trái cây báo hiệu Tết về. Vú sữa về thành phố hầu hết là vú sữa trắng mà ngon nhất là vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ( Tiền Giang ), trái thon, no tròn, da căng bóng và rất ngọt. Ở quê tôi, nhiều miệt vườn miền Tây đâu đâu cũng có trồng vú sữa trắng, vú sữa trong vườn, trong sân nhà, ngoài hàng rào. Nhưng khác với nhiều người, tôi không thích vú sữa trắng mà rất mê vú sữa tím. Ở Sài Gòn bây giờ ít thấy vú sữa tím ngoài chợ, vườn quê cũng ít nơi trồng, vú sữa tím gần như tuyệt giống. Chính màu sữa tím trắng bên trong và màu tím đỏ của võ ngoài, trái vú sữa tím treo lủng lẳng trên cành cao, bạt ngàn trong tán lá của loài cây to kềnh, tỏa đầy bóng mát trong sân nhà, ngoài góc vườn, đứng thênh thang nơi đầu ngõ báo hiệu mùa xuân về mới thật sự hấp dẫn, cuốn hút những đứa trẻ một thời như thôi.

Thủa ấy, những ngày cuối năm âm lịch tức khoảng chiều 29-30 tháng chạp, lũ trẻ con chúng tôi thường được người lớn giao nhiệm vụ hái vú sữa Tết vì thời điểm này vú sữa đã chín rộ, đầy trên cây. Tôi thích nhất là hái vú sữa tím, đứng dưới gốc cây nhìn lên, trái vú sữa tím to tròn, trái chín có màu tím từ dưới lên, thường là chiếm vị trí 2/3 trái hoặc nửa tím, nửa xanh trông rất xinh xắn, hấp dẫn. Hái vú sữa phải có ba người, một cần móc và tấm ra trải giường hay cái mền mỏng. Một người cầm cần móc leo lên thọc cho trái vúa sữa rớt xuống, dưới gốc cây đã có hai người nắm hai đầu tấm ra kéo căng bốn góc để hứng trái. Chỉ có hái cách này vú sữa mới nguyên vẹn, không bị dập, bể.

Nhóm hái vú sữa Tết của tôi thời đó có hai cô gái cùng xóm và tôi, hái theo kiểu “vần công, đổi công”. Hái xong nhà này tới nhà khác và hai cô bạn gái thường là người căng tấm ra để hứng vú sữa còn tôi đảm nhiệm việc leo cây hái trái. Tôi hái vú sữa “chuyện nghiệp” đến mức muốn trái vú sữa nào còn nguyên cuống lá để chưng ba ngày Tết thì “gia chủ” sẽ được như ý nên rất có uy tín. Còn muốn cho trái nào bị rớt bể thì cũng…”y như trong kinh”, chỉ cần một thủ thuật kéo cây móc về phía mình thì hai người bên dưới có kéo tấm ra chạy theo hứng cũng không kịp. Thế là chúng tôi có vú sữa “ phế thải” để ăn tại chỗ khỏi cần đợi người lớn cho, mà ăn vú sữa kiểu này mới thật sự ngon và ấn tượng. Bởi chỉ việc bẻ trái vú sữa ra làm hai, lộn nó lên rồi…cạp, nếu bị mủ dính quanh mép thì sẽ có “mẹo” để trị bằng cách lật ngược cái lá vú sữa (bề nhám) có màu nâu đỏ lên chùi là sạch bong.

Nhà tôi không có nhiều vú sữa, chỉ hái một vài giờ là xong nhưng cũng phải đến một cần xé đầy trái chín. Nhà của một cô bạn gái trong nhóm trồng vú sữa quanh nhà nên hái hai, ba buổi chiều cuối năm mới xong và đựng tới mấy cần xé. Đặc biệt, thủa ấy người ở quê không ai bán vú sữa dịp Tết mà chỉ lựa ra những trái vú sữa to, còn cuốn lá bây giờ gọi là vú sữa “đẹp” để biếu bà con, hàng xóm và dành chưng ba ngày Tết trên bàn thờ ông bà cùng với mâm ngũ quả gồm“ trái sung, mãn cầu, dừa, đu đủ, xoài” mà gọi theo âm miền Nam là “cầu, sung, vừa, đủ xài”. Nhưng mấy lần về quê trong dịp Tết tôi sang nhà hai cô bạn gái ngày xưa trong nhóm “hái vú sữa vần công” thủa 11-12 tuổi thì hai cô bạn ấy đã theo chồng ra nước ngoài. Nhà đã được xây cất mới, kín cổng, cao tường nhưng trong sân vườn không còn bóng dáng cây vú sữa nào.

Riêng trong góc sân nhà tôi còn sót lại một cây vú sữa tím, gốc nó to cả vòng tay ôm, vú sữa giờ đã thành cổ thụ, đã trải qua không biết bao nhiêu mùa trái chín tôi không kịp về và cũng không còn hai cô bạn ngày xưa để căng tấm ra lớn dưới gốc cây, bốn cặp mắt to, tròn xoe ngước nhìn lên chờ những trái vú sữa màu tím rơi xuống vào những ngày 29-30 tháng chạp. Tôi thường về không kịp mùa nên vú sữa tím chín treo trên cây đến khô héo quắt queo không có ai hái và rụng theo từng cơn gió lạnh lùng của tháng giêng. Tôi lẫn thẫn dưới bóng cây và tìm nhặt những trái vú sữa tím chín khô như thế và không khỏi chạnh lòng khi nhớ về những ngày giáp Tết năm xưa vẫn chưa phôi phai trong trí nhớ. Đó là những ngày thơ ấu đẹp đến dịu kỳ, những “ mùa xuân hái trái”.-./.




VVM.29.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .