Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





CHUYỆN NGÀY XƯA




N ăm ấy khi tôi lên 11 tuổi, chỉ vì thích đi xe thế là với vài bộ quần áo tôi leo lên chiếc xe tải về quê ăn tết, một cái tết xa gia đình đầu tiên, Một cái tết thật nhiều kỷ niệm mà giờ đây mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy nó như còn đang ở ngay trước mặt.

Chiếc xe từ từ tiến ra khỏi thành phố và hướng về Phước Thành, bây giờ là Tân Uyên, Bình Dương gần xịt. Nhưng lúc bấy giờ sao mà nó xa thế vì phương tiện chỉ là xe đò, mỗi ngày vài chuyến chỉ đi ban sáng không dám đi chiều và ban đêm lại càng không thể. Đường đi thì xóc lên xóc xuống, lắc qua lắc lại. Chẳng hiểu tại sao lúc bấy giờ má tôi lại cho tôi đi vì từ bé tới lúc ấy anh em chúng tôi đâu có đi đâu xa. Ba tôi là lính nên đã biết thế nào là chiến tranh nên không muốn cho ai đi đâu cả…

Một mình trong thùng xe rộng rãi nhưng hơi dơ do chở than lên thành phố cho các vựa và bây giờ là xe không đi về. Tôi háo hức đón gió lùa từ hai cửa sổ và nhìn qua hai bên đường, những cây cột đèn vùn vụt lao ngược về phía tôi. Những cánh đồng xanh mơn mởn, con trâu con bò mọi thứ đều là những khám phá mới lạ đối với tôi. Nhưng xem mãi cũng chán, tôi thản nhiên nằm xuống sàn đánh một giấc ngon lành. Chẳng biết là trôi qua bao lâu cuối cùng cũng đến nơi.

À thì ra miền quê là đây, nhà nhà là mái tranh vách đất, thỉnh thoảng có căn nhà gỗ mái tôn. Nhà chú tôi lại là nhà xây nền xi măng trông thật là tươm tất. Chung quanh là những bụi chuối, chuồng heo… nên có mùi phân heo thoang thoảng, nhà này cách xa nhà kia không giống như trên tôi nhà nhà san sát nhau.

Khi tôi đến thì nồi bánh chưng đã nấu xong, ở một góc bàn thờ có cả 3 bánh pháo cho những ngày tết. Ăn chiều vội vã xong tôi liền leo lên giường thiếp đi lúc nào không hay. Có lẽ do đường đi bị xóc nên theo đà mệt mỏi được một giấc ngủ thẳng cẳng. Sáng sớm nghe tiếng gà, tiếng dế gáy vang đầu hè tôi nhủ thầm mai tao sẽ bắt mày chơi cho đã. Ở Sài Gòn những thứ này đều phải nhịn ăn quà mua đấy chứ. Sau này có những đêm tôi và anh tôi trốn nhà đi suốt đêm leo cả vào các biệt thự để đi bắt dế. Khi má tôi phát hiện bà lo hết sức sợ bị người ta bắt rồi đánh đập… nhưng lúc bấy giờ thực sự là an bình chẳng sao cả.

Sáng sớm chú tôi dẫn tôi ra rừng thăm lò than của ông tôi. Lần đâu tiên tôi biết thế nào là đốt củi để lấy than. Củi phải là những cây thật chắc mới có than nhiều. Chất củi phải đúng nó mới cháy hết cho than đẹp. Sau bao nhiêu ngày tôi cũng chẳng nhớ phải đốt bao nhiêu ngày mới có than cho chú tôi mang lên thành phố tiêu thụ. Ấn tượng nhất có lẽ là khuôn mặt của ông tôi, nó đen thủi đen thui mãi tôi mới nhận ra được. Ông cháu cười hể hả và ông chỉ cho tôi xem đâu là cửa lò, đâu là ống khói xì ra như hỏa diệm sơn... phụ tá của ông tôi là cô con gái út đang vác những khúc cây dài khoảng 1 thước đưa vào lò. Gần đó là một anh chàng sau này là rể của ông tôi tức là chú Thắng bây giờ. Chú Thắng mang súng theo chỉ cho tôi và Vinh con của chú cách ngắm chim như thế nào? Tôi cũng thử đưa lên trời và ngắm cái đầu ruồi vào một cành cây xa xa thật thích thú. Đó đây cũng có những tiếng súng nổ thay pháo có khi cả tràng có khi lẹt đẹt vài viên, thỉnh thoảng ầm lớn lên một tiếng. Chẳng ai sợ cả có lẽ quen quá rồi.

Công việc kế tiếp của tôi là được vinh dự thay cho ba má tôi đi tết các ông bà lớn tuổi trong dòng họ. Trước tiên là bà ngoại tôi. Một khu vườn cỏ mọc nhiều hơn các nhà khác, cửa hàng rào thì mở toang cho thấy bên trong là một ngôi nhà mái lá. Có con chó con sủa tới tấp nhưng chẳng thấy ai ra cả. Có lẽ bà tôi lân la bên hàng xóm để vui xuân rồi. Căn nhà và khu vườn nằm im ắng chẳng thấy gì là mong chờ xuân đến huống hồ đón chào thằng cháu ngoại lần đầu tiên đến thăm cơ ngơi của bà. Vườn tược chung quanh cũng chẳng thấy có bàn tay chăm bón. Bà tôi chỉ có mỗi mình cậu tôi sống chung nhưng cũng phải đi lính gần nhà nên cũng chẳng chăm sóc được. Bên cạnh nhà là bụi chuối có quầy chuối chín chẳng ai hái thế là mấy chú chim ta được bữa thưởng xuân no nê. Dạo hết một vòng nhà bà, tôi bèn qua những nhà khác, mỗi nhà má tôi đều biếu 1 chai rượu nếp than do chính má tôi làm.

Chiều 30 rồi cũng đến, mọi cái diễn ra cũng đặc biệt hơn ngày thường một chút. Ăn uống thịnh soạn hơn. Mọi người tề tựu đông đủ bên mâm cơm gia đình thật là vui vẻ. Ở quê không có điện chỉ thắp đèn dầu, nhà nào sang có đèn măng-sông nên đa số là đi ngủ sớm và do tình hình an ninh không có lễ giao thừa, phải sáng hôm sau mới có lễ sáng từ 5g. Trời còn tối thui chúng tôi đã bị đánh thức để đi lễ Mùng Một. Lạnh quá co dúm cả người lại, tôi đâu có đem áo ấm theo vì nghĩ giống như ở Sài Gòn cần gì áo ấm. Rồi cũng xong lễ, trên đường về nhà nào đó bật radio:

Trên đường đi lễ Xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm

May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo đỏ rượu hồng…

Đến giờ cứ nghe bài Câu chuyện Đầu năm là tôi lại nhớ mùa Xuân đầu tiên xa gia đình.

Và đây mới là những âm thanh tôi ngóng chờ đã lâu: tiếng pháo thi nhau nổ tạch tạch một lúc rồi… hết, chẳng bằng một phần của Sài Gòn khiến tôi thất vọng. Nhà nào cũng đốt ít mà lại tận bên trong sân làm sao mình có thể lượm pháo xì đây?

Nhớ lại cảnh lượm những viên pháo chưa nổ nhét vào hai túi quần (má tôi và chị tôi khổ khi giặt quần áo) sau đó mới lựa ra viên nào còn ngòi để riêng chơi sau, viên nào xì chơi trước bằng cách tháo những viên pháo xì lấy thuốc sau đó cầm cục đá xanh ném vào một tiếng nổ to đã cái tai làm cho hàng xóm giật mình.

Hoặc nghịch ngợm hơn thì chế một cái hỏa tiễn gồm có 1 van xe đạp, một đinh 5 phân cắt đi một nửa làm như kim hỏa đút vào cái van cột dây thun cẩn thận. Phía đuôi thêm vài con tán để tăng thêm sức nặng và làm vài cái tua vải khoảng 2, 3 tấc để cầm mà tung lên. Cũng lấy pháo xì gỡ ra lấy thuốc đổ vào van xe, xé một miếng bao quẹt nhét vào làm mồi sau đó đậy lại bằng cây đinh cột dây thun cẩn thận kẻo nó bắn đi mất công tìm. Chế xong hỏa tiễn rồi bây giờ cầm đuôi nó tung lên cao rơi xuống nổ 1 phát đã đời cái hỏa tiễn dội lên cả thước tùy theo số thuốc đã được nhồi.

Những viên pháo còn ngòi thì kiếm cây nhang mồi lửa rồi châm cho nó nổ. Lì hơn thì cầm trên tay khi nó xịt xịt là ném liền. Cái này thì anh tôi liều lắm, còn tôi thì chỉ để một chỗ rồi đốt thôi. Nghe thấy tiếng pháo nổ ở nhà nào đó là thi nhau ùa lại như là giựt cô hồn vậy. Sao thuở ấy nó vui quá chừng chừng. Đến khi nhang tắt tôi vào nhà ông Hai bên cạnh xin tí lửa, vì biết ông hút thuốc lúc nào chả có lửa, nhưng lại bị chửi quá xá quà xa. Khi biết chuyện má tôi nói đầu năm ai mà đi xin lửa. Thế là tôi có kinh nghiệm bản thân trong vụ này.

Thuở nhỏ chúng tôi nghĩ ra nhiều cách để chơi với pháo lắm: có khi rải thuốc pháo chạy ngoằn ngoèo mà đích đến là một chùm pháo còn ngòi cho nổ. Nhiều nhà xung quanh cằn nhằn: “Đốt mẹ nó một tràng cho rồi lắt nhắt chỉ tổ giật mình”.

Vừa nghĩ đến đấy thì tràng pháo tại cổng nhà chú tôi nổ vang kéo tôi lại thực tại. Tôi vội vàng chạy lại xem còn viên nào không. À xí được vài viên và châm lửa đốt liền: có viên nổ có viên chẳng bảo sao cả. Tức quá bẻ đôi cho gãy lòi thuốc ra châm tiếp. Nó xịt ra như pháo bông. Cầm lấy dép đập nhanh nó còn nổ cái bộp thiệt là khoái.

Những ngày xuân trôi qua nhanh, tiếng súng chen lẫn tiếng pháo quê lẹt đẹt càng làm tôi nhớ nhà buồn não ruột. Nhớ ba má, nhớ anh chị em bất chợt giọt lệ tràn ra, tôi vội vàng chùi ngay kẻo mấy đứa em trông thấy nó cười cho. Và cũng đã đến chuyến hàng kế tiếp chú tôi phải giao hàng cho khách. Lần này tôi được ngồi trên cabin vì đằng sau than đã được xếp đầy không còn chỗ cho tôi nữa. Một niềm háo hức khôn tả trên đường về, háo hức gặp lại người thân. Có rất nhiều điều muốn kể:

Cảnh nhà bà ngoại ra sao?

Cách đốt hầm lò như thế nào?

Ngắm bắn chim chỗ nào cho trúng?

Và nhất là không quên bài hát “Câu chuyện đầu năm” của nhạc sĩ Hoài An:

Trên đường đi lễ Xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm…

Xuân Ất Mùi



VVM.28.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com