Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




NHỚ BẾP LỬA XƯA

         

T hấm thoắt một năm sắp kết thúc. Đã đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, ngày ông Táo lên trời, chầu Ngọc Hoàng báo cáo các việc của nhân gian! Các chợ quê chợ phố bắt đầu rộn rịp nhà nhà mua cá chép, mua “mã” Táo Quân-hình tượng ba ông Vua Bếp-đúng ra là một bà hai ông- về thờ cúng...

Ba vị thần Táo Quân được coi là ba vị thần định đoạt phước đức cho gia đình. Phước đức này sẽ do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường sẽ được ghi vắn tắt là "Định Phúc Táo quân" nghĩa là thần định mọi hạnh phúc.

Theo quan niệm của người Việt, không chỉ cai quản việc trong gia đình, các vị Táo còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình trong năm mới tiếp theo.

Những năm tháng khó khăn thời bao cấp, để tiết kiệm tiền mua mã Táo Quân, tôi thường hý húi vẽ bức tranh Ba Ông Táo. Bức tranh thần Táo Quân với chiếc mũ cánh chuồn được treo lên. Bọn trẻ con thích chí vỗ tay:

-Sao bố không vẽ giống như ông Bao Thanh Thiên to béo cho đẹp?

-Ông này gầy quá! ăn bao nhiêu thứ trong bếp nhà mình mà ông ấy lại không béo bố nhỉ?

Tôi bật cười, bảo: Hình tượng ấy mà. Có gầy thế này, sang năm bà mới mua thêm nhiều thứ ngon vật lạ về nấu. Nhờ đó, ông cháu mình mới được thêm món cải thiện. Năm sau ông ấy sẽ béo cho mà xem!

Bây giờ không phải vẽ tranh nữa. Mấy ngày trước vợ tôi đã đặt hàng mã mua Bộ ba Táo Quân và hẹn chị hàng cá đồng để cho ba con cá chép tươi khỏe. Cá đã để sống sẵn trong chiếc chậu. Chúng bơi loanh quanh trong chậu nước trong vắt với đôi mắt sáng và đôi râu phơ phới xem chừng có vẻ thích thú.

Còn một tẹo thời gian nữa thôi là đến lúc ông Táo cưỡi cá chép về Trời báo cáo lại tình hình làm ăn, nấu nướng, ẩm thực trong một năm qua của nhà tôi. Chắc thế nào ông cũng phải báo cáo đúng sự thật về việc nhà tôi “phế truất” ba vị Táo cũ khi sắm chiếc bếp ga hiệu “XiNai” cùng cái nồi cơm điện Hàn Quốc, cái siêu điện Trung Quốc kia! Nhưng kéo lại, cũng như dân gian, cuối năm nhà tôi vẫn không quên lệ cúng Vua Bếp!

Nhìn ngắm ba ông Vua Bếp, tôi lại bâng khuâng nhớ tuổi thơ mình ngày xưa gắn liền với ba ông Đầu Rau-ba ông Vua Bếp ngự trong góc căn nhà ngang lợp mái tranh. Trong gian bếp chất đầy mọi thứ, nào chạn bát, cối xay, cối giã gạo, ổ gà, thùng trấu… Cũng không thể thiếu rơm rạ, củi khô, lá mục mẹ tôi dự trữ làm nhiên liệu hàng ngày tiếp lửa cho Vua Bếp.

Mùa hè, anh em chúng tôi dậy sớm tranh thủ trước hết đun ấm nước để pha trà cho cha, sau đun nồi cơm, ruống xuống cạnh đống tro rồi vừa đun nồi cám lợn to đùng vừa cời tro đượm than cho nồi cơm được đẫy hơi. Chúng tôi phải dùng một cây tre pheo nhỏ để đun, ngồi xa vói tay đẩy rơm vào bếp cho đỡ rát mặt. Lắm lúc cuộn bùi nhùi xếp lên vung nồi cơm bùng cháy to quá, ngọn lửa bốc ngùn ngụt liếm sát mái nhà. Mẹ tôi hốt hoảng: “Đè rơm cho lửa nhỏ lại con ơi! Kẻo cháy cơm, cháy cả nhà bây giờ!...”

Mùa đông lại khác. Đứa nào cũng xí được đun bếp, đứa nào cũng muốn ngồi vào áp bếp, xoè tay hơ trên ngọn lửa cho ấm. Khói phả cay xè vẫn xán vào, vừa xụt xịt vừa phẩy khói ra phía khác. Con mèo cũng ngồi sát đám tro, đôi mắt lim dim, mũi phập phồng thở khò khè. Có lúc ngọn lửa tạt ra, loáng cái mất luôn bộ ria cong vút của nó. Mẹ tôi gắt nhỏ: “Xua mèo ra ngoài. Cháy mất râu thì còn gì để nó đánh hơi bắt chuột?”

Giáp Tết trước ngày 23 tháng Chạp âm lịch như thế này, thể nào mẹ tôi cũng sai chúng tôi ra đồng lấy đất khô về giã nhỏ rồi nặn ba ông “Đầu Rau” mới để thay vào ba ông “Đầu Rau” cũ. Mẹ tôi thường bảo: “Để là cục đất, dô lên thành ông Bụt”! Khi đun bếp, các con chớ khạc nhổ vào đấy! Sau này, lớn lên tôi mới hiểu được ý nghĩa câu nói đó!

Mẹ mua ba con cá chép thả vào chậu nước. Mẹ đặt một mâm cỗ lên chiếc mâm gỗ đã sờn cạnh cho cha tôi thắp ba nén hương cắm vào đĩa xôi còn bốc hơi thơm nức. Cha lầm rầm khấn vái trước ba ông Vua Bếp, cầu cho nhà cửa an khang, làm ăn phát tài phát lộc, tránh khỏi hoả hoạn, thiên tai, dịch bệnh!

Liệu cơ, anh em chúng tôi mang ba con cá chép ra thả xuống bến sông Cổ Luỹ đầu làng. Ba con cá quẫy nhẹ một cái rồi biến mất vào dòng nước. Trong ý thức trẻ thơ, chúng tôi nghĩ: Chắc là nó xuyên qua lòng nước sông quê ra tận ngoài sông Chanh, sông Bạch Đằng, ra biển để cùng chúng bạn hoá Rồng rồi đón Táo Quân cưỡi bay lên Trời!

Sau đó, cả nhà quây quần để thụ lộc. Tôi vừa ăn vừa ngắm nhìn ba cục đất còn tươi màu đất ruộng cày mà anh em chúng tôi nặn rất khéo. Năm nay chúng tôi lại làm bạn với Vua Bếp mới.  

Vào ngày này, vợ tôi ra chợ mua ba pho “mã Táo Quân” bày trên chiếc bàn trong nhà bếp. Nhà bếp thời nay không có bếp ba ông Đầu Rau nặn bằng đất, bắc bằng kiềng sắt đun rơm hoặc củi, hoặc bệ lò dùng than cám, than bùn, cho ngọn lửa được ủ, được bùng cháy bên trong. Chỉ có chiếc bếp ga với ngọn lửa xanh lét, khi nào bật mới phụt lên, nấu được thức ăn xong phải vội tắt đi, khoá bếp lại kẻo tốn ga!

Lễ vật cúng Táo Quân được bày ra gồm: Một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Mũ ông Công có ba chiếc, trong đó hai mũ được dành cho hai Táo ông (có hai cánh chuồn) và mũ dành cho một Táo bà (không có cánh chuồn). Ba con cá chép sống thả sẵn trong chậu để các ông bà Táo có phương tiện bay lên Thiên Đình.

Mâm cúng không thể thiếu: đĩa muối, đĩa gạo, ba chén rượu, quả bưởi, quả cau, lá trầu, năm lạng thịt vai luộc, một bát canh mọc, giấy tiền, vàng mã, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, chè kho. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình mà mâm cỗ cúng khác nhau.

Cuộc sống trên đà phát triển, chả lẽ nông dân mãi phải cam chịu cảnh đầu tắt mặt tối, rơm rạ sụt sùi, nấu được bữa cơm, mồ hôi mồ kê toát nhễ nhại, cực kỳ vất vả? Nông thôn thời đại mới, hiện nay, nhiều gia đình tiến tới thay thế bếp ga bằng bếp điện, bếp từ đã sạch sẽ, hiện đại lại tiện dụng. Nhà bếp cứ như phòng tiếp khách. Không chỉ tiện nghi, căn bếp còn có thể kiêm luôn không gian thể hiện phong cách của gia đình. Căn bếp ngày nay được bố trí ở khu vực vừa đẹp, vừa hợp phong thủy với gia chủ. Khác xa với định nghĩa "xó bếp", phòng bếp được trang trí không thua kém gì những gian phòng khác trong nhà.

Tuổi thơ anh em tôi mặc dù đời sống thời bấy giờ kham khổ, túng thiếu lắm, nhưng chúng tôi đã có những ký ức vô tư với ba ông Đầu Rau- các vị thần Táo Quân chuyên cai quản bếp núc của mọi gia đình. Cuộc sống thay đổi đến đâu, đến mức nào, qua thời bếp ga, bếp điện, bếp từ… mai kia khoa học cực kỳ phát triển, dẫu nấu bếp sẽ bằng nhiệt lượng ánh sáng, chắc chắn hình ảnh ông Táo vẫn còn trong tiềm thức mỗi người thuộc thế hệ chúng tôi! -./.  

1-2024




VVM.26.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .