T ôi lớn lên từ giọt sữa đồng của một vùng quê lam lũ. Lớn lên, đi nhiều nơi mới thấy Phủ Quốc quê tôi xưa kia nghèo khó. Ký ức về những phiên chợ chiều phố Phủ bỗng nhói đau, quặn thắt bởi tôi chưa thấy nơi nào đem bán rạ, rơm và bèo cái vừa vớt ở ao lên. Thứ bèo mà chỉ cần “chạy qua” hàng cám là những chú lợn ỉ phàm ăn, xốc bôm bốp như tiếng vỗ tay, một loáng sau đã mang hình hài của củ khoai tròn ung ủng, đã là cảm hứng vô tận cho những nghệ nhân làng tranh giấy dó Đông Hồ. Chợ Phủ quê tôi những phiên chính họp vào các ngày ba, ngày năm, ngày tám và ngày mười âm lịch và cũng chỉ trong buổi sáng. Chợ đông nhất vào tầm chín, mười giờ, quãng giáp Ngọ thì tan chợ. Xưa kia phần nhiều đều buôn đứng, bán bưng. Còn chợ họp buổi chiều thì mỗi tháng cả ba mươi phiên có dư. Chợ chiều lưa thưa hàng thịt, hàng cá nhưng lại có cả hai dãy dài hàng rạ, hàng rơm và hàng bèo cái. Những gánh rạ rơm cao ngập đầu người. Tỉ mẩn lắm và cũng nghệ thuật lắm người dân quê tôi mới bó được những gánh hàng như vậy. Không nói gì rạ, ngay những cọng rơm rối hơn cả canh hẹ, dưới đôi bàn tay chai sần, nứt nẻ cùng những móng tay nâu đen váng ruộng của các bà, các mẹ, các chị mà ngỡ hai đầu bó rơm như có ai vừa cầm liềm cắt phẳng. Còn bèo cái thì chẳng hiểu xếp thế nào mà cao đến tận nút quang, từ cạp rổ trở lên chỉ thấy một màu bèo xanh non ngăn ngắt, rễ bèo quay hết, dấu kỹ bên trong.
Lam lũ, tảo tần là tố chất của con gái Sơn Tây trong đó có những người con gái mặc yếm xồng Phủ Quốc. Yếm xồng là loại yếm ưa dùng của những cô gái, của những người đàn bà nghèo vì nó rẻ, được làm từ sợi bông và rất mau rách. Chỉ cần một vuông vải trắng, có thể đem nhuộm nâu, nhuộm chút phẩm điều, xén bớt hai cạnh mỗi bên chừng hai đốt ngón tay để làm dải, rồi khoét góc vuông vải theo một cung tròn, viền theo năm bảy đường kim làm cổ yếm và đính dải. Công đoạn chỉ có thế thôi, chất liệu chỉ có thế thôi, thế mà chỉ cần lỏng lơi, chỉ cần trễ chàng một chút mà bao nhiêu đời nay đã làm cho không ít tao nhân, mặc khách, không ít đấng mày râu, không ít bậc hiền nhân, quân tử “dùng dằng đi chẳng nổi”. Nói tới yếm xồng mà thương lắm những khuôn ngực, thương lắm những nhũ hoa quanh năm rìn rịn mồ hôi. Càng thương lắm, thương đến tái tê câu ca dao : “Con gái Sơn Tây yếm thủng tày dần”.
Tôi nhớ một chiều hè oi ả, bà nội tôi tuổi ngoại bảy mươi bữa ấy ngồi sây lưng vào nhà bên bể nước. Bà cởi yếm. Tôi, đứa cháu đích tôn hơn mười tuổi được kỳ lưng cho bà tắm. Da lưng bà chi chít những vết mồi. Đôi vú bà nhăn nheo, chảy dài đến cạp váy. Như một thói quen bản năng con trẻ, tôi luồn tay vân vê đôi vú nát nhèo. Bà để yên, vòng tay ra sau lưng, phát nhẹ vào mông rồi xẵng giọng mắng yêu:
- Thôi nào! Thằng bố mày ngày xưa lớn hơn mày bây giờ còn nhay vú tao như nhay giẻ rách vẫn chưa đủ hay sao?
Ký ức ấy giờ đây như con đường làng ngoằn nghoèo, lát gạch chỉ (loại gạch đặc dùng xây nhà nhưng được lát nghiêng để tăng độ cứng vững cho mặt đường) nhờ tiền nộp cheo của những người con gái đi lấy chồng thiên hạ dẫn tôi về liên tưởng: Thầy tôi, ông nội, cụ nội, kỵ nội tôi... đã từng bú, từng nhay những cặp vú nhăn nheo ấy, những cặp vú của những người đàn bà nghèo đang nuôi con nhưng chưa một lần căng sữa. Và, bóng dáng cha ông hiện lên như ngọn đèn lắt lay và lầm lũi của kiếp người.
Dòng họ tôi ở Phủ Quốc vốn là một dòng họ bình thường, thậm chí tầm thường. Thời nho giáo thịnh hành cũng có vài cụ theo học thầy đồ làng, chẳng biết các cụ đã học hết tam tự kinh, có được học luận ngữ của Khổng Tử hay không, nhưng rồi những chữ thánh hiền học được cứ vơi dần, vơi dần theo năm tháng, cứ vương vãi trên những xá cày lúc nào chẳng biết. Rơi hết chữ tưởng nhẹ nhõm sao cái lưng cứ ngày một còng thêm. Không khoa bảng thì làm sao có người hiển đạt và được liệt vào hàng Công thần Khai quốc từ chín đời nay(?). Rồi đến thời bút lông bị truất ngôi, nhường vị thế cho bút sắt thì cũng có một cụ học hết Sép bi ca, gọi là cũng đọc thông, viết thạo và làm được bốn phép tính cộng trừ nhân chia bằng chữ quốc ngữ. Thời đó làng tôi những người học hết Sép bi ca đếm không quá mười đầu ngón tay. Cũng có người học lên nhưng phải bán đi hàng mẫu ruộng. Họ tôi ruộng ít, chủ yếu đi cấy rẽ.
Ruộng cấy rẽ là ruộng của địa chủ phát canh thu tô. Bất biết được mùa hay thất bát, mỗi sào bao nhiêu thúng thóc phơi khô, quạt sạch cứ thế mà gánh đi. Thừa lại bao nhiều là phần người cấy rẽ. Cái sự học bấy giờ cũng là một cách kiếm cơm. Kiếm bát cơm ăn mà mát mặt chứ không phải vừa ăn vừa chan mồ hôi và nước mắt. Đấy là các cụ xưa nghĩ thế và, ngẫm ra không học thì chỉ biết theo đít trâu, quanh năm sấp mặt trên đồng sâu, ruộng trũng. Nhưng có phải ai cũng có tiền mà đi học đâu. Rồi cụ đi làm thư ký cho một Ty rượu . Mỗi lần về làng mũ trắng, dày đen. Dân làng kính nể vẫn gọi là ông “Ký”. Cái “tước hiệu” ấy bây giờ vẫn còn bởi không chỉ trong họ mà dân làng vẫn nhớ, vẫn quen gọi là cụ “Ký”. Ngày xưa người ta coi trọng học vấn và địa vị xã hội lắm. Làm cái anh “ký” quèn của một hãng rượu tận Bắc Ninh mà mỗi dịp về quê, nghe tiếng đế giày da nện xuống đường cái gạch thì từ xa, già trẻ, lớn bé đều né sang hai bên để nhường đường. Thảo nào mà có câu “nhất ký, nhì cai”. Rồi hãng rượu ấy phá sản. Cơ hội đổi đời và mang sự an nhàn cho con cháu cũng không còn nữa. Cụ lại về quê nhưng cái “tước hiệu” thì cho đến nay chưa mất.
Nếu đó là đỉnh vinh quang của dòng họ thì ... Dòng họ tôi bước chân của những thế hệ sau lại dẫm lên bước chân người đi trước và dẫm lên chính cái bóng của mình. Những bước chân đã xéo mòn năm tháng. Những bước chân xéo mòn cuộc đời sau luỹ tre xanh. Vậy trước chín đời, dòng họ tôi từ đâu thiên di về Phủ Quốc? Cánh cửa bí mật ấy có thể sẽ được hé mở. Không. Nó đã bị đóng kín hoàn toàn vì từ đường và cuốn tộc phả duy nhất đã bị thiêu rụi trong khi tiêu thổ kháng chiến thời chín năm. Và đến đời tôi (việc thoát ly ra khỏi luỹ tre làng là sự xắp đặt xã hội, không nằm ngoài sự sang trang của thời đại thì, dù không chủ ý, tôi và hàng triệu người ra đi từ các miền quê cũng làm một cuộc thiên di.
Linh hồn tổ tiên tôi như đang vật vờ đâu đó. Vật vờ vì có những hậu duệ đang làm một cuộc thiên di. Linh hồn tổ tiên tôi như đang vật vờ đâu đó. Vật vờ vì trong khi có hàng trăm chi, cành đang sống tản mát, đang sống quần cư trên khắp đất nước này mà không biết cách nào để gắn kết. Linh hồn tổ tiên tôi như đang vật vờ đâu đó. Vật vờ vì sự tồn vong của một dòng họ.
Một phần ba cõi người tôi đã sống với bà con miền núi. Ngày viết cái truyện ngắn “Tìm cội”, tôi vẫn còn đơn giản và mỏng manh lắm. Đại để nội dung truyện nói về khát vọng tìm về cội nguồn của dòng họ. Có một chi tiết là trong ngày giỗ tổ tiên tôi, có hai bố con người ăn mày đến xin ăn. Họ đến đúng lúc vì có nhiều thức ăn nhất, nhưng cũng lại cũng không đúng lúc bởi vì trong những giờ phút linh thiêng, linh hồn tổ tiên tôi lai hương, sự có mặt của một người ngoại tộc là không nên có. Họ tuy không bị xua đuổi nhưng dúi vội cho một ít thức ăn là có ý muốn nhanh nhanh tống khứ. Và, cũng đêm ấy, một đêm đại hàn gió rét nơi lều chợ, người ăn mày đã chết. Người ta tìm thấy những giấy tờ tuỳ thân của người quá cố, hoá ra người ăn mày lại cùng họ với tôi. Nghe tin, cả họ tôi vẫn mặc nhiên như nghe một tiếng lá rơi.
Tôi đâu biết cũng vì cái truyện ngắn này mà có một người dân tộc vùng cao đã đến tìm tôi. Ngoài là một độc giả yêu quý, anh đến tìm tôi với một hy vọng mong manh được tìm ra từ trường của khối nam châm dòng họ. Xác nhận cùng họ với anh nhưng vì yêu quý nhau, tôi không thể dối lừa.
Lâu nay, thỉnh thoảng tôi cũng có những bài viết in trên báo địa phương. Nhiều độc giả nghĩ tôi là người của dân tộc Dao. Thì cũng có sao đâu. Tổ tiên người Dao vốn từ Tây Tạng, từ Vân Nam Trung Quốc hàng nghìn năm trước đây đã theo sông Hồng, sông Đà thiên di vào đất Việt. Những tộc người Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao tiền Tam Đảo Vĩnh Phúc, Đà Bắc, Kim Bôi Hoà Bình sống thân thiện và hoà hợp với cộng đồng các dân tộc anh em nhưng vẫn gìn giữ cho mình một bản sắc riêng. Đó là những tập tục và chữ viết kiểu Hán tự. Tổ tiên tôi có thể là một bộ phận, một chồi nhánh được tách ra từ cuộc thiên di lịch sử đó. Cũng có thể vì sự tồn vong của một dòng họ, trong những biến cố lịch sử mà phải đổi họ, thay tên để tránh hoạ tru di.
Đi tìm cội nguồn của dòng họ là một nguyện vọng thiết tha và chính đáng cũng như việc làm sáng danh cha ông của các hậu duệ đời sau. Nhưng không có tộc phả, không được sắc phong hay chỉ dụ cùng những sự kiện liên quan tới chính sử thành ra việc đi tìm cội nguồn dòng họ như xuống bể mò kim. Có một điều tôi biết chắc rằng: Giả sử có một ai đó có những cứ liệu, để gắn kết dòng họ tôi với Nữ tướng Triệu Thị Trinh, với người cầm đầu nghĩa quân Triệu Quang Phục thì họ tôi sẽ tôn người đó làm thánh sống. Nhưng nếu những cứ liệu mà chứng minh dòng họ tôi có liên quan tới Triệu Đà từng mang quân xâm lược nước Âu Lạc thì lại dãy lên như đỉa phải vôi. Hoá ra, nói như nhà văn Lê Hoài Lương, người ta thích mượn bóng cho mình khi cái bóng mình vốn ngắn ngủn, vốn lẻ loi hoặc có khi không có bóng.
Hỡi những linh hồn tổ tiên đang vật vờ đâu đó trong vũ trụ, xin hãy bằng an, siêu thoát để phiêu du trong cõi vĩnh hằng. Bởi dòng họ nào mà chẳng thiên di huyết thống. Nếu không thiên di huyết thống thì chỉ có người trong cùng dòng họ với nhau được hôn phối, hôn nhân(?). Và lịch sử sẽ lại quay ngược 180 độ. Tôi, hậu duệ đời thứ tám cũng đã mang trong mình huyết sắc tố của bảy dòng sông khác. Huyết thống các dòng họ như những dòng sông chảy mãi, chảy mãi và không ngừng thẩm thấu vào nhau. Dòng sông về đâu nếu không phải xuôi về biển lớn? Không xuôi về được biển lớn cũng có nghĩa là dòng sông đã kiệt dòng, đã tự lấp mình trong xa mạc thời gian.
...Tôi thấy bóng dáng cha ông mình như cùng tụ về trước sự thành kính khi tản văn này là một nén tâm hương.