S au ba năm lưu lạc nơi xứ người, bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của nhà thơ Du Tử Lê sáng tác năm 1978, mang nỗi buồn xót xa của kẻ mất quê hương, nhớ lại hình ảnh xa xưa với bao kỷ niệm đã in sâu trông tâm khảm. Sau giờ tan sở ca hai ở hãng Rockwell International tại Costa Mesa, lái chiếc xe cà rịch cà tàng trên đường về nhà giữa đêm trăng thanh gió mát cùng nỗi buồn thê lương nơi đất lạ quê người, thay vì buông tiếng thở dài, nhâm nhi dòng suy tưởng trong ý thơ hiện về “theo bánh xe lăn”. Và, Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn.
“đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên, vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
đêm về theo bánh xe, qua
nhớ tôi Xa Lộ; nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng. lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
đêm về theo vết xe, lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?”
Năm 1979, nhạc sĩ Phạm Đình Chương vượt biển, năm 1981 định cư tại Hoa Kỳ. Tình cờ bắt gặp bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn trên trang báo, ông biến ngôn ngữ trong thi ca vào cung bậc và ca khúc mang tựa đề bài thơ trở thành ca khúc tuyệt vời. Khởi đầu với tiếng hát Lệ Thu, trong thời điểm đó, mịt mù xa cách, ngậm ngùi với thân phận, cho hồn quyện vào giai điệu và lời ca. Và, theo dòng thời gian, nơi nắng ấm Cali, tiếng hát Thái Thanh, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Ý Lan, Vũ Khanh, Trần Thái Hòa, Lê Hồng Quang… đưa ca khúc vào tâm hồn người thưởng ngoạn trên mọi miền đất nước.
Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ tài hoa phổ thơ, để lại cho đời nhiều tình khúc quen thuộc, bất tử.
Tuyển tập Mộng Dưới Hoa gồm 20 Bài Thơ Phổ Nhạc của Phạm Đình Chương do trưởng nam của ông, ca sĩ Phạm Thành ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1985.
Khởi đầu với ca khúc Mộng Dưới Hoa – thơ Đinh Hùng, từ năm 1957. Và, từ đó với Màu Kỷ Niệm – thơ Nguyên Sa, Nửa Hồn Thương Đau, Dạ Tâm Khúc, Bài Ngợi Ca Tình yêu – thơ Thanh Tâm Tuyền, Người Đi Qua Đời Tôi – thơ Trần Dạ Từ, Đôi Mắt Người Sơn Tây – thơ Quang Dũng, Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội – lời Hoàng Anh Tuấn… Với dòng thơ của Thanh Tâm Tuyền, ca khúc Đêm Màu Hồng còn mang tên phòng trà nổi tiếng tại Sài Gòn vào năm 1967, hằng đêm, được mở đầu và kết thúc chương trình. Bóng dáng ca sĩ Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) vừa nghệ sĩ, vừa phong trần, trong ánh đèn màu, trong men nồng, cất tiếng hát trầm ấm… thu hút người thưởng ngoạn lạc vào nơi chốn xa xăm.
Cuộc tao ngộ giữa thơ và nhạc với Du Tử Lê và Phạm Đình Chương như định mệnh. Ca khúc đầu tay khi định cư tại Cali với Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn và ca khúc cuối cùng với Quê Hương Là Người Đó cho đến ngày từ trần vào tháng Tám năm 1991. Bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn được ấn hành trong Thơ Tình Du Tử Lê là tập thơ đầu tay ở hải ngoại trong năm 1984, và cũng là thi phẩm thứ sáu. Kể từ năm 1957 đến nay, tròn nửa thế kỷ, Du Tử Lê cho ra đời khoảng mười lăm tập thơ. Nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ Anh Bằng, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Trần Duy Đức, Phan Ni Tấn, Đăng Khánh, Ngọc Trọng, Hoàng Thanh Tâm, Lê Văn Thành, Phan Nguyên Anh, Hoàng Đình Bình, Nguyên Ngọc… phổ nhạc. Và, nhiều bài viết nói về tác giả, tác phẩm của Du Tử Lê ở hải ngoại vì vậy chỉ đề cập về bài thơ qua dòng nhạc của Phạm Đình Chương.
Năm 1971, Phạm Đình Chương phổ thơ Du Tử Lê với ca khúc Khi Cuộc Tình Đã Chết và đúng 10 năm sau, nhạc sĩ bắt gặp dòng thơ mang cùng tâm trạng với nhau để dệt thành ca khúc. Du Tử Lê cho biết, là nhạc sĩ tài hoa với tài nghệ phổ thơ nhưng bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn nằm trên chiếc dương cầm những sáu tháng. Bài thơ theo thể lục bát nên muốn phá thể cái âm điệu đó để chuyển sang giai điệu khác nên “dây dưa” như vậy. Nhà văn Mai Thảo thấy vậy, nói, vất mẹ nó đi, Phạm Đình Chương đáp, biết mẹ gì về âm nhạc mà nói.
Và, sau đó, đứa con được chào đời. Tác giả giữ được hồn và câu thơ cho ca khúc. Chỉ có vài lời được biến đổi để phù hợp với cung bậc. Câu thơ “đêm về theo vết xe, lăn – tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?” chuyển thành “Đời tan, tan nát chiêm bao…”.Câu thơ “nhớ nghĩa trang: quê bạn bè – nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường” được chuyển thành “Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè…”. Với bài thơ lục bát nầy, có nhạc trong thơ, nhưng nhạc sĩ biến âm điệu thăng hoa, bay bổng theo từng cung bậc để thơ và nhạc “xe tơ kết tóc”.
Nỗi nhớ trong thơ và nhạc của Du Tử Lê và Phạm Đình Chương, có lẽ, trong giây phút nào đó nơi chốn nầy, cũng là tâm trạng của nhiều người. Nắng ấm Cali, đất lành chim đậu… nghe thật dễ thương, quyến rũ như thôi thúc con người ly hương. Hơn một nghìn năm về trước, hình ảnh mà nhà thơ Hạ Tri Chương bày tỏ khi “nắng hạ gặp mưa rào, đất khách gặp người quen” luôn luôn ám ảnh trong lòng mọi người. Với đấng mày râu, hai câu thơ của ông “Mạc mạn sầu cô tửu, nang trung tự hữu tiền” trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Hồi Hương Ngẫu Hứng quá chí lý, tội gì ngồi nhâm nhi đơn chiếc, có chút đỉnh tìm bạn cùng vui, không còn gì bằng vùng đất nầy. Thế rồi, ngày qua ngày, đất lành biến thành dữ, mất tên Sài Gòn rộng lớn ở quê hương, tạo dựng tiểu Sài Gòn nơi đất khách. Và, không biết ai đặt cho hỗn danh “chốn gió tanh mưa máu” nghe mà ớn lạnh.
Ai đã quen với một thời bom đạn, ai đã từng cam chịu cảnh nghiệt ngã tang thương, quằn quại dưới ách thống trị của chế độ độc tài, đảng trị thì dưới bầu trời tự do, sá gì với cái hỗn danh đó mà ngao ngán? Nếu cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày trước có mỉa mai cũng đành cam chịu vì đã “đi một đàng, học một sàng khôn” rồi thì làm người khôn luôn để “ở chốn xao xao” cho khỏi cảm thấy cô đơn trống vắng khi “lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây”, không làm thơ mà làm thinh thì buồn đứt ruột.
Sinh hoạt ở Sài Gòn ồn ào, xô bồ cả ngày lẫn đêm. Ở tiểu Sài Gòn nầy lại khác. Khi màn đêm buông xuống mang theo sinh khí sôi động, náo nhiệt chìm dần vào bóng đêm. Đêm rằm tháng Bảy, cùng Du Tử Lê, Hoàng Sỹ, ngồi nhâm nhi ly cà phê ở Café de Paris trên đại lộ Bolsa, tiểu Sài Gòn. Nhìn vầng trăng tròn, nghe ca khúc Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, bỗng nhớ lại ngày tiễn biệt nhạc sĩ Phạm Đình Chương về cõi xa xăm cách đây 16 năm.
Ban ngày oi bức, buổi tối trăng thanh gió mát, ngồi dưới mái hiên phì phà điếu thuốc, trò chuyện cùng bằng hữu, nghe nhạc, ngắm trăng, tìm lại hình ảnh xa xưa… Du Tử Lê trầm ngâm như ôn lại hình ảnh ba thập niên về trước. Anh tâm sự, lúc đó, không bao giờ nghĩ sẽ có ngày trong khung cảnh như vậy cùng bằng hữu. Bao nhiêu thay đổi, kẻ mất người còn, còn mang hơi thở, còn sống với kỷ niệm. Và, Sài Gòn hình ảnh của Sài Gòn năm xưa vẫn là Sài Gòn muôn thuở.
Thi phẩm cuối cùng ở trong nước Đời Mãi Ở Phương Đông, hình ảnh Sài Gòn và xa lộ:
“Sầu người kéo bước tôi lui
Ngày trên núi gởi về xuôi mắt rừng”
(Khi Ở Pleiku Nhớ Sài Gòn)
“Ở đây , người có thiên đường
Có ngôi mộ nhỏ, có hồn vấn vương
Có đau đớn khắc trên tường
Có tôi đã gởi thịt xương sang người”
(Khi ở Xa Lộ)
Chỉ vài ngày xa cách Sài Gòn, Du Tử Lê đã gởi niềm thương nhớ và ở xa lộ “có hồn vấn vương” vì vậy khi lưu lạc nên nầy bờ đại dương, mịt mù xa cách, làm sao quên được?
Sau ngày nhạc sĩ Phạm Đình Chương vĩnh viễn ra đi, tập thi phẩm “Đi Với Về, Cũng Một Nghĩa Như Nhau” của Du Tử Lê, bài “Thơ ở phạm đình chương”, như lời tâm sự:
“có dễ chưa một thời đại nào
lại mang nhiều hạt mầm
hoan lạc
và khổ đau
như thời đại chúng ta…
… sách vở chẳng bao giờ tìm được
tung tích đại bàng
cất cánh về hư vô
chói lọi…
… đã thuộc về ngoại sử
sự mất tích của Hoài Bắc.
như dấu chấm hết
nơi cuối những nhạc phẩm Phạm Đình Chương
một ngày trong tháng tám”.
Với, Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn. Với, mối lương duyên giữa thơ và nhạc, người về cõi mây trời, người còn lại nơi dương thế, và, một ngày nào đó chỉ còn lại hồn thơ nét nhạc lưu lại trần gian. Tròn nửa thế kỷ, từ những bài thơ đầu đời như Thú Tội năm 1957 đến nay Du Tử Lê đã sáng tác trên một nghìn bài thơ, và Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn được in lại trong tuyển tập Thơ Du Tử Lê toàn tập 2 (1975-1993), tác phẩm 46, đánh dấu 50 năm sáng tác thi ca của anh.
Mười hai thế kỷ về trước, bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch đã để lại hậu thế hai câu thơ trác tuyệt:
“Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương”
Trăng và cố hương trong thơ Du Tử Lê và dòng nhạc của Phạm Đình Chương cùng nỗi niềm và tâm trạng của người xưa có lẽ gắn liền với “giai đoạn
lịch sử” của đất nước.