T ranh (khắc gỗ dân gian) Đông Hồ xuất xứ từ làng Đông Hồ xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 35 km. Làng Đông Hồ nằm trên bờ nam sông Đuống.
Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường.
Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp (người ta nghiền nát vỏ con điệp, loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp), rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng
Màu sắc trong tranh là bốn màu tự nhiên : đen (than xoan hay than lá tre), xanh(gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (sỏi son, gỗ vang).
Ngày nay, khách du lịch trong ngoài nước đến thẳng làng tranh Đông Hồ thăm và mua tranh Đông Hồ làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho cách phòng khách, hoặc phòng ăn lớn nên tranh Đông Hồ ngày nay đã vượt khuôn khổ truyền thống 50 cm, kích thước nay làm theo đặt hàng của khách.
Về làng Đông Hồ có câu ca rằng:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái (Đông Hồ) với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
Qua nhiều thế kỷ, 17 dòng họ đã quy tụ về làng làm tranh. Ngày nay, dân làng Đông Hồ sống bằng làm vàng mã. Chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng con cháu là theo nghề tranh, gìn giữ di sản tranh Đông Hồ.
Hàng năm làng Hồ có hội làng vào rằm tháng 3 âm lịch. Trong hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất vui vẻ. Làng còn có các làn điệu dân ca như:
Hỡi anh đi đường cái quan
Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu
Mua tờ tranh điệp tươi màu
Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều.
Tranh Đông Hồ là một dòng tranh dân gian Việt Nam . Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà
Tranh Đông Hồ có các thể loại:
Tranh chúc tụng như Tranh tiền tài, Tranh cá đàn, Tranh đám cưới chuột, Tranh lợn đàn, Tranh phú quý.
Tranh đám cưới chuột cho ta thấy: Văn hóa làng xã của Việt Nam khiến mọi ngày lễ của gia đình đều trở thành ngày lễ của cả làng, coi xã hội như một gia đình mở rộng nên họ lấy cái dĩ hòa vi quý làm trọng.
Nét văn hóa này cũng góp phần khiến tính cộng sinh trở nên quan trọng trong xã hội Việt Nam (theo GS Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện văn hóa dân gian VN) sự dĩ hòa vi quý đó khiến người Việt Nam xử lý tình huống và mâu thuẫn có tình.
Bức tranh thể hiện rất rõ tâm lý dĩ hòa vi quý của người Việt: “Chuột và mèo ở đây là hai mắt xích của hệ thống tự nhiên hoàn chỉnh. Sự tồn tại của anh này ảnh hưởng đến sự tồn tại của anh kia. Nó mang cả trong mình quan niệm về triết học chứ không chỉ đơn thuần là xã hội học.
Bức tranh gồm có hai nội dung chính: Thứ nhất, mô tả cảnh họ hàng nhà chuột dâng lễ cho mèo, làm nền cho nội dung thứ hai, đám cưới chuột diễn ra an bình hạnh phúc. Bốn nhân vật chuột đi dâng lễ tỏ thái độ rất thân thiện và vui vẻ. Nhận lễ trong tiếng nhạc, thứ luôn khiến vạn vật vạn người thấy, hòa bình chung sống là điều hạnh phúc nhất.
Tranh tín ngưỡng như Tranh Tử vi, Tranh vinh hoa, Tranh táo quân.
Tranh Vinh Hoa (Vinh hiển, hào hoa) là tranh cầu chúc cho gia đình mình có con trai mang đầy đủ năm đức tính: văn, vũ, dũng, nhân, tín.
- Văn: thể hiện ở mào con gà: như mã quan tức là học thức của con người.
- Vũ, dũng: thể hiện ở móng và cựa của con gà, thể hiện sức mạnh của con người.
- Nhân: Khi kiếm được mồi con gà thường gọi bầy đàn bằng tiếng cục cục.
- Tín: Báo hiệu cho con người làm việc đúng giờ.
- Bông hoa cúc thể hiện cho sự cao sĩ của người đàn ông.
Tranh Lợn đàn nói về sự no đủ, hạnh phúc của một gia đình. Khoáy âm dương thể hiện cho sự sinh sôi nảy nở.
Tranh Ðông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng hừng trên giấy điệp
Tranh lịch sử như Tranh trần Hưng Đạo, Tranh vua Đinh Tiên Hoàng, Tranh hai bà Trưng, Tranh Bà triệu đánh giặc
Tranh phong tục như Tranh chim lồng, Tranh chữ dấu móc, Tranh đấu vật, Tranh Rước Trống, Tranh hội đu, Tranh lão nông, Tranh ngày mùa thu hoạch
Tranh phê phán như Tranh đánh ghen
Tranh chữ như Tranh chữ tâm, Tranh chữ phúc, Tranh chữ đức, Tranh chữ nhẫn, Tranh Phúc Lộc Thọ
Làng Đông Hồ còn có tên là Làng Mái. Cứ đến sáu phiên chợ trong tháng mười một, mười hai âm lịch, tranh làng Đông Hồ bày khắp sân đình. Người các tỉnh về mua rất đông để đem về vùng mình bán tranh Tết của làng Đông Hồ.