Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



Ca sĩ - tranh Võ Công Liêm
      

LÀM VĂN




X ưa nay không ai gọi làm văn mà nói là viết văn. Làm hay viết đều là động từ làm nên (to do). Một tác động gây từ tâm thức của con người. Tuy có phần nghịch lý giữa viết và làm; chỉ có làm thơ chớ không ai gọi viết thơ. Có gọi chăng cũng là điều hiếm. Giữa viết và làm như có một biểu thị cụ thể để phân biệt của hai tác động làm nên câu văn hay lời thơ. Bởi vì; làm văn là ‘tập làm văn’ (thời còn ở bậc tiểu học) còn viết văn là do một thúc đẩy từ nội tại mà ra, nó phát tiết trong một tiềm năng của ý thức để thành hình một mệnh đê muốn dựng nên trong tác phẩm dù là truyện ngắn hay truyện dài, kể cả tiểu luận hay biên khảo, kèm theo đó một ý thức sáng tạo để câu văn trở nên mới và thông đạt hơn là diễn tả theo lối bình thường, là vì; bình thường hóa làm cho câu văn sáo mòn hay lập lại. Viết văn được coi là một giải thoát có từ nội tại đến ngoại tại, có khi còn được coi là thực và hư. Nói chung; viết văn là một phát biểu giữa khám phá và xúc cảm, giữa người với người, giữa người viết và người đọc cùng một trạng huống (tâm lý và sinh lý) như trường hợp một số nhà văn viết tục là thấy từ ta sang người khác, tức xét bụng ta ra bụng người là thế.

Tất cả hành vi viết văn do từ thói quen ‘đầu lạ sau quen’ và dần dà trở nên đam mê hay còn gọi là thú đam mê viết văn hay làm thơ. Nhưng; đam mê có chiều hướng, có góc độ của nó chớ không đem đam mê mà ‘phạn ẩu’ mất tính chủ đề và lý thuyết hoặc có thể vì háo danh mà ‘ham’ viết văn hay làm thơ. Quát tháo cho rằng viết là nghiệp dĩ (karma) hoặc cho là ‘trả nợ văn chương’. Phét! Viết văn hay làm thơ là vốn dĩ được lưu truyền từ kiếp nào hoặc do thiên phú hoặc con nhà tông không giống lông cũng giống cánh; cho nên chi viết nó phản ảnh dưới mọi tình huống trong một nỗ lực chuyển tải thành văn với một tâm thức cô đọng từ lâu. Viết được một câu văn sâu sắc, chính đáng là hạnh phúc sao gọi là nghiệp. Viết văn là làm nên việc đâu có ân óan giang hồ mà phải trả. Còn như cho rằng viết để thỏa mãn nhu cầu với thị hiếu thì đó là loại văn viết theo dạng ‘bầu cua cá cọp’ để có tiếng văn sĩ hay nhà văn là sai lệch quan điểm viết lách.

Viết đúng chủ đề đưa ra vừa có tính cấu trúc hành văn, vừa súc tích là một chuyển tải thực thể của một hành trình đang sống. Ngay cả viết ký sự (chuyện kể) là một xây dựng thực thể hơn là tô điểm, chải chuốt cái có thành không, cái không thành có; viết như vậy là ‘láo /liar) đã không thực chính mình và không thực ở sự kiện như một số nhà văn đã viết xưa, nay. Ký sự là ghi lại những diễn biến làm nên trong đời ‘trị quốc bình thiên hạ’ là một tiếp giáp cho một lịch sử ghi lại, là nối tiếp hay chỉnh đốn sự kiện chớ không phải ký là đề cao cái thứ ‘cha chòi chú chóp’ cả đời chưa ai biết tới mà có chăng phải là thứ ‘độc chiêu’ có một không hai thời mới gọi là ký sự. Viết như thế gọi là kể công hay mượn tiếng người để nói tên mình. Dzỗm!

Từ chỗ đó thấy được văn tức là người, thấy được một trình độ ‘non’ tay viết hơn là kinh nghiệm hiểu biết. Làm thơ cũng thế; dù thi sĩ đã làm thơ hơn nửa thế kỷ qua nhưng vốn tích lũy không phát tiết và sáng tạo cho nên văn và thơ đồng dạng trong một tâm thức bức xúc, ức chế đưa văn, thơ rơi vào thế bị động không lối thoát. Nên tập trung tư tưởng để hình thành một tác phẩm sống thực và hợp lý nhân văn, tạo vào đó thế nhứt quán trong khi viết văn hay làm thơ. Hơn thế nữa viết văn vừa là tự sự, vừa là khách thể của sự việc, bởi; nó là tiếng kêu không lời nhưng tác động mãnh liệt. Một tiếng kêu tha oán giữa người và việc, giữa đời và người, nó mang âm hưởng tại thế nghĩa là có thực trong đời sống thường ngày; một lối viết đơn giản mà súc tích hơn là tạo nên những dữ kiện vô cớ không hợp lý. Đây là việc làm chắc chắn, một điều gì lạ lẫm, một sự hiểu biết ở chính tác giả, một cái gì khác lạ hơn trước, sự đó như tư tưởng gia F. Nietzsche là có một cái gì hay ho phi thường không những chỉ là triết gia hay nhà văn nhưng cũng còn là nhà phân tâm học và có tính người –This is surely an extraordinary, compliment from knowledge of himself that Nietzsche is of extraordinary interest not only as a philosopher anh writer but also as a psychologist and human being. (rút từ: ‘Cơ bản viết của Nietzsche / Basic Writings of Nietzsche’ by Walter Kaufmann). Hầu hết những người viết văn chịu ảnh hưởng ít nhiều trong những tác phẩm đã có trước bằng một lối diễn tả khác hoặc viết theo cách riêng; ngoại trừ nhóm Tự Lực Văn Đoàn là độc lập theo khuynh hướng đổi mới tư duy, cách mạng tư tưởng chống lại những gì thủ cựu hay hủ hóa. Bên trời Tây ta tìm thấy ở Edmind Husserl và sau này đã chịu ảnh hưởng ít nhiều tư tưởng của Nietzsche là Max Scheler và Martin Heidegger, họ thay đổi có định hướng một cách quả quyết –changed their orientation drastically after coming under Nietzsche’s influence. Cho nên không thể nói tôi viết cái của tôi trong đó mà là viết cái-tôi qua cái nhìn của người khác; dẫu là hư cấu, bởi; sự thật của chính mình nằm trong hư cấu. Văn chương là sản phẩm của trí năng nó phản ảnh vào đó vừa thực vừa hư. Dựng truyện hư cấu như Kim Dung là thực của chứng tích lịch sử. Chính những dữ kiện này khơi dậy từ tiềm thức của hình dung từ mà ra để trở thành sự thật. Văn chương viết là tiêu biểu của hiện thực, một hiện thực sáng tạo, một hành văn mới và lạ là chủ đề muốn nói hôm nay. Nói chung trong mọi cách viết văn đều gợi lên đó một sự đồng tình của cảm hứng; viết rộng hay hẹp tùy thuộc vào nhận thức hiểu biết chớ đừng tưởng viết ra được là ‘nhà văn’. Có ba hạng nhà-văn. Thí dụ:Tác phẩm của nhà văn Y ra đời hợp thời thế của hoàn cảnh chính trị; một thời sự lôi cuốn để trở thành ‘best seller’; bởi độc giả nhìn hoàn cảnh là một thực thể sống thực; do đó sự chọn lựa hợp thời trang hơn những tác phẩm khác kể cả những tác phẩm cổ điển. Chớ thực tình mà nói trong từng con chữ chưa phản ảnh một triết lý nhân văn và nhất là lối hành văn chưa phát tiết ở đó tính sáng tạo văn chương; thế nhưng người đọc (thời đó) cho là sát thực tế. Là vì; tác phẩm ghi lại những ‘thảm cảnh’ trong từng chương như tạp ghi, kể lại từng giai đoạn của cuộc chiến hoặc từng tình huống của cuộc đời, của cuộc tình xẫy ra trong đời tác giả. Cái quan trọng của tác phẩm là chứa đựng ở đó một lý luận nhân bản, nói lên tình người thời tất tác phẩm đi vào lịch sử của văn chương, thời tất mới gọi là tồn lưu nhân thế, tồn lại giữa thế gian để đi tới tồn lần của ngày nay là nhất quán cho một triết lý của nó: nghĩa là sáng tỏ, chân lý và chính nghĩa, phi chính nghĩa, ‘chạy làng’ là tác phẩm trở nên tồn loạt, thời tất đứt đọc mà giờ đây có nói giăng, nói cuội hay là ‘viết cái tôi của tôi’ là thùng rỗng kêu to. Văn chương viết văn không thể dung nạp thứ văn chương ta bà như thế.Trong tác phẩm ‘Một ngày trong đời của Ivan Denisovich / One day in the life of Ivan Denissovich’ của Alexander I. Solzhenitsyn viết về ngục tù và lưu đày là viết cái nhân tính: ‘trời nắng chang chang người trói người’ hay ‘nước trong veo vẻo cá đớp cá’ (Cao Bá Quát) là viết lên cái thảm trạng của con người, cái vô thức của những kẻ cầm quyền, những kẻ sâu độc vào lòng dân. Một lối viết cảnh tỉnh, cái viết đó mới gọi là tồn lưu nhân thế. Còn viết ba-láp để trở thành nhà-văn, văn-sĩ là ruồi muỗi. Cọng sản cho loại văn chương đó thuộc dạng ‘biệt kích văn hóa’ là đúng. Thứ phá hoại tư tưởng.Tư tưởng mang chứng đột qụi, một hình thành trong dạng ‘down-syndrome’ là hội chứng chức năng. Những người viết văn cũ hay mới có giác ngộ cọng sản gọi là ‘người tốt, việc tốt’gần như được đề xuất giảm khinh (propose) cho một ít tự do thừa, có khi được mời ‘dự tiệc’ một cách trân trọng. Cả hai đối tượng đó rơi vào hố thẳm của tội lỗi. Tác phẩm để đời là tác phẩm có trọng lượng lớn về hai mặt phẩm và lượng. Thành ra viết là trí tuệ chớ không phải viết để là nhà-văn như một số suy nghĩ thiển cận. Định nghĩa hai chữ nhà-văn không thể là một thứ ngữ ngôn tự nhiên (nature language) mà nó được xưng danh một cách nhứt thể và đúng đắng cho một sự đề cao. Phiá ta dùng hai chữ đó một cách dễ dàng hơn mọi thứ khác. Vì rằng; có nhiều người lạc quan cứ khăng khăng cho đó là một thứ văn chương mới lạ và tốt hơn hết, một hệ thống văn chương như cánh phượng hoàng trồi lên từ cát bụi của những gì xưa cũ. Nói thế có tính võ đoán. Thực ra; phải có chất liệu sống thực hơn giả tưởng ‘nơi chứa sự thật của hiểu biết và thừa nhận giá trị về nó / repository of known truth and received values’ (Levine). Bởi như thế này: văn chương tích cực (literary activity) là văn chương bất khả phân (unabated) tiếp tục trên một hành trình dài có định hướng, nếu không duy trì được sự lớn dần hay có tính năng động (vigor) cho dẫu là gì nó sẻ rơi vào con đường không lối thoát (no-exit).Trở thành thứ văn chương hủ hóa, đông cứng cục bộ.

Nhà văn Paul Ricoeur đã nghĩ tới một thứ văn chương ‘giải thích nghi ngờ / the hermeneutics of suspicion’ như hiện tượng học (phenomenology) cấu trúc chủ nghĩa (structuralism) phân tích từng phân đoạn (deconstruction), lấy từ lý thuyết của Freud, chủ nghĩa Mác-xít (Marxism) v..v.. đã không mấy thành công về sau này, bởi; nó không thích nghi hoàn cảnh nhất là hoàn cảnh khoa học hiện đại. Mà lấy từ sự thật để mô tả sự thật là thể hiện ở đó một hiện hữu sống thực. Sáng tạo nghĩa là không vịn vào, dựa vào hay đạp đuôi theo sau đó mà bằng một thiết kế tư tường sáng tạo trong ngữ cảnh của người viết văn hôm nay. Nhưng; cảnh đời mà trong đó có một sự giải bày không tỏ rõ, một thứ phồn vinh giả tạo quá rộng lớn hơn là có một sự sắp xếp hạn hẹp của những phân khoa đại học –But the social scene in which the hermeneutics of suspicion have flourished has been much larger than the narrow setting of universities. Chính xác cho một thứ quay về của văn chương, nhất là giá trị văn chương viết lách. Thí dụ; văn sĩ Z nỗ sảng là ngữ cảnh của suy tàn, là mang ý nghĩa trống rỗng (empty of meaning). Thi sĩ R rặn hay nặn chữ là thi sĩ chết dập (the poet is dead). Cả hai không thành văn mà cũng chẳng thành nhân; mà đó là mô thức biến hóa đổi ngôi (paradigm shift) để trở thành động từ bất qui tắc (irregular verbs). Lúc nào cũng thế người viết văn nhất là văn chương viết thường xuất hiện ở đó một trong những gì ngữ cảnh mới và lạ. Một chạm trán giữa thế giới hôm nay và cảm thức của con người là viễn cảnh trên con đường nghĩ tới và làm tới của người viết văn ngày nay.

ÂM VANG CỦA VIẾT VĂN / The spectrum of writing.

Dù là truyện dài hay truyện ngắn, ký sự, biên khảo hay dịch thuật được chú ý rất nhiều trước đây và thường đem ra phân tích hay phê bình. Trong số được phê bình đậm nét nhất ấy là thi ca. Bởi; thi ca là vần điệu cho nên chi đưa tới dẫn giải là dựa ý thơ để miêu tả, có khi trúng tâm lý độc giả nhưng có khi trật ý tác giả, vì chữ thơ đa dạng của nghĩa lý chớ không suông như văn xuôi. Vì vậy những nhà chuyên môn phê bình thơ không nên đưa thơ ra để dẫn chứng, dẫn riết nó lạc đường ngôi, nó sẽ rối bời, tóc tơ lẫn lộn hóa ra kẻ điên mà thơ thì không điên! Lối chơi đó ‘chị em’ ta cho là dân-nhà-quê không chịu chơi mà chơi chịu. Nói chung; phê bình văn chương là kiểu ‘mượn đầu heo nấu cháo’ chớ có vốn liếng chi mô để viết thành lời. Phải có một quả quyết nhứt thể ‘bình cũ rượu mới’ thời là chí khí; viết hư cấu gần giống như âm vang của màu sắc được tìm thấy trong một ánh sáng thường tình, nhưng; nhớ cho: âm vang thuộc hư cấu cuối cùng không có chi cả mà đó là âm vang mơ huyền (infra-red) và có chăng chỉ là tia ngoại tuyến tím (ultra-violet) chớp nhóa mà thôi chớ phê không còn ‘phê’ cho thứ viết văn đó nữa. Phê bình hay tự phê bình là cái chốt quan trọng trong một lựa chọn vai trò trong hư cấu, là cái nhấn mạnh vào trong cái thực tại của tác giả.

Không có vai trò trong sách là một con người thật –No character in a book is a real person, bởi; do hư cấu dựng nên, nhưng; dựng nên trong một hư cấu sống thực với đời là người thiệt, việc thiệt –characters in fiction are like real people, là một thực thể sống động trong vai trò của người cầm bút. Viết thì ai viết cũng được cả nhưng viết như thế nào cho văn chương? Viết là một thử thách và cũng là một đấu tranh trường kỳ để thành tiếng ‘nhà văn’ có thể cho đây là một chuyển động ngoại hạng trong hướng phát tiết để đi tới luồng tư duy của ý thức (the stream of consciousness) cái sự này có thể mọc lên từ tiềm thức trí tuệ (subconscious mind) vai trò đó được coi như chức năng của hai trạng huống: thúc đẩy đến từ cá thể hóa (individualize) và một thúc đẩy khác có từ tiêu biểu điển hình (typify) là điều kiện hành văn trong tư thế của hư cấu. Thành thử viết văn nó nằm trong vai trò khách thể và chủ thể là kết quả của năng lực, liên hợp của hai trạng thái bị và đuợc của sự thúc đẩy mà thành hình. Viết văn là một tổng thể nhất quán, có lập trường đúng đắng mỗi khi viết hư cấu để biến nó thành hiện thực là văn chương sống thực; ngoài ra không thể pha chế gì hơn.

Văn chương hư cấu phát sinh ra ý nghĩa của nó trong muôn hình vạn trạng cách thức (innumerable ways) nhưng luôn luôn nằm trong thời kỳ của một vài chuyển động khác nhau có từ những chi tiết khác nhau của từng đặc tính hay từng vai trò và ngay cả chuyện kể, đều là những gì tiến triển trong mô tả. Cho nên chi hư cấu là biện minh không còn là việc chuyển tải ý tưởng, nhưng; có nghĩa rằng nó có một cái nhìn tổng quan của sự việc. Người viết văn hư cấu là bày tỏ của kinh nghiệm hoặc hướng tới lý tưởng về cuộc đời.

SẮP XẾP Ý THỨC VIẾT / Writing Restructures Consciousness.

Phải nhận thức sâu sắc của những gì tinh anh trong con chữ, trong cấu trúc hành văn hoặc những gì trong đối thoại của nhân vật; ấy là điều có thể cho chúng ta tìm thấy ngữ cảnh của nó và hiểu được một sự bố trí, dàn dựng của người viết; một tân thế giới của ngữ ngôn viết lach –The new world of language writing. Vậy lấy gì để thấy được chức năng hiện hữu của văn chương một cách trung thực? -Tất cả hiện hữu của tư tưởng là một phát tiết không ngừng mỗi khi viết, nó cô đọng trong dạng tiềm thức (subconsciousness) chớ không lớn dần trong sự phát tiết năng lực tự nhên (natural powers); nhưng ngược lại nó lại nằm ngoài những gì của năng lực thiết kế trực tiếp hay gián tiếp là do bởi kỹ thuật viết lách. Không viết, trí tuệ phát tiết sẽ ‘ngưng đập’ và có thể không nghĩ tới cho một dự tính để viết hay mỗi khi có ý định muốn viết, thời tất nó cần một sự sắp xếp hay dàn dựng để hình thành hướng đi của người viết nhưng thông thường ngay cả khi soạn thảo hay sáng tác tất cả hoạt động đó đều ‘lịm’ trong mô thức của tiềm thức trước khi viết thành văn.

Viết là một chuyển thể ý thức của con người –writing has transformed human consciousness, viết văn là thiết lập những gì được gọi là ‘hoạt cảnh tự do’ của ngôn ngữ -writing establishes; what has been called ‘contex-free’ language. Phải nói rằng chuyện viết lách là cái gì của nhân tạo (artificial) sự đó không có nghĩa là lên án hay qui tội nó, nhưng; tán dương nó giống như những sáng tạo khác là do ý của con người làm nên hay để tạo vào đó cái nét đặc thù của văn chương viết; quả vậy nó đã đem lại nhiều cái khác lạ hơn trước. Viết văn hôm nay là một nỗ lực phát huy có từ tiềm năng trong tư tưởng, gợi lên đó những ý tứ ‘thâm hậu’ như muốn diễn tả cái sự ẩn mật của văn chương viết, sự đó là phơi mở một hiện thực vừa sống động vừa đầy đủ cái bên trong khả năng của con người. Kỹ thuật đó không những chỉ trợ vào cái bên ngoài nhưng cũng có thể chuyển thể trạng huống bên trong của ý thức và không có gì thêm hơn mỗi khi tác động vào con chữ. Thực vậy; chuyển thể có thể tăng thêm phấn khởi –Such transformations can be uplifting. Viết được một cách suông sảy là tạo được môi trường thích ứng giữa người viết và người đọc, bởi; viết là một ý thức cao độ trong đó vượt thoát những gì vốn đã chìm lắng. Vậy viết văn là gì? -Là thanh minh, là tự thú dưới dạng hư cấu, bởi; trong hư cấu vẫn chứa cái thực của chính mình qua nhân vật hay sự kiện, điều ấy có thể nhận ra được trong một vài chương hay trong một đoạn văn nào đó trong tác phẩm. Do đó người viết văn khéo léo cách nào cũng không thể chôn sự thật trên con chữ dù che lấp dưới dạng thức nào đi nữa; người ta vẫn thấy ở đó cái hồn của tác giả. Viết ở đây là cung cấp cho một ý thức tợ như không có cái gì khác hơn –This writing provides for consciousness as nothing else does. Nói theo phạm trù của văn chương, viết văn là tiết tháo của người cầm bút: -chân chính và sáng tỏ là thể hiện được hồn và xác nơi con người; đấy là tâm lý chung chớ không thể viết ‘cái-tôi của tôi’ trong đó. Xin thưa rằng; chẳng mấy ai thương cái-tôi đó cho dù cái-tôi chính đáng đi nữa. Nên ‘thu’ cái-tôi đó trong một dạng thức viết mới hơn. Thu ở mô? -chán chi chỗ trong người, có khi nó nằm đó mà không thấy đó chơ; thời đại này bọn ‘traffic’ nó thu hột xoài (diamond), cốc (co-caine) vào nơi rất kín, chỉ che bằng tấm vải mỏng mà thôi. Đố ai mà tìm thấy? Ngoại trừ elle et lui .

KỸ THUẬT HỌC Và TỰ TẠO / Technologics and Artificial

Kỹ thuật là do con người tạo ra từ không sang có, từ cũ sang mới để đem lại một đời sống mới cho con người; đấy là tiến trình khoa học kỹ thuật, một nền văn minh phát tiết từng giây phút, tạo cái lạ một lần nữa -paradox again- cho con người thời đại, con người phải đuổi theo là luật tiến hóa; đấy là điều tự chế, tự biên là lẽ tự nhiên nơi con người –artfiality is natural to human being. Thí dụ: vi tính của phút trước là xưa của phút sau. Khoa học kỹ thuật không đứng một chỗ. Kỹ thuật là nhà thám hiểm của vũ trụ. Văn chươngviết nói chung là người khai quật hầm mỏ. Cái sự đó gọi là ‘trực giác hình tướng’ tức người viết văn đang đối diện một thực tại qua từng con chữ để thấy cái do mình tạo ra có nghĩa lý nó không còn vướng vào, ngay cả hạt bụi mờ, nghĩa là vất bỏ những ý niệm khô khan, mưu đồ dục vọng để viết thành văn chớ đừng mong trở thành văn-thi-sĩ; ước vọng cạn cợt đó là thứ hội họa hoạt kê. Do đó không cầm giữ lấy nó hay ngồi khâu vá những tàn tích cố cựu mà nên thay vào đó những chiếc áo ngũ sắc. Khâu vá tấm vải rách là ‘dụ’ người ta ăn cơm cháy, ăn cơm thừa hơn là ăn cơm mới nấu, nên tập trung tinh thần vào đối tượng đáng nói, đáng ghi chép và coi đó là tàng thư hơn là bỏ công ra làm ấn thư cho riêng mình dẫu đó là tự tạo (artifical) cái riêng mình. Nên quên mình vào sự vật và người, những thứ đó đã làm choáng ngợp tâm hồn mà quên đi ngoại giới xung quanh. Vì chính cái đẹp cũa ngữ ngôn văn chương là cái đẹp nơi tay người viết, bởi; cuộc đời là một liên hệ tương quan, là khát vọng vũ trụ mà con người là khát vọng vũ trụ. Viết văn không còn gọi là nhu cầu mà khát vọng vượt thoát để tìm thấy cái mới, cái đẹp là kỹ thuật điêu luyện của người cầm bút. Lấy ý thức ngoại giới để dựng nên một trạng thái xuất thần mỗi khi viết chuyện thực (true story) hay chuyện hư cấu (fiction story). Là thế đấy! Thật ra; viết văn hay làm thơ là tự tánh, chớ đừng hướng nó trong một mục đích nào có cầu với mong. Bởi; cái gì cầu mong là dục giới. Rứa thì dục giới do đâu mà ra? . Dựa ý nhà Phật mà nói: -nó có từ chấp trược, chấp ngã hay từ cái-tôi /le moi/self mà ra. Trên tinh thần của thuyết Duy thức học, Phật gọi là ý thức Mạt-na là thứ tâm thức vọng động thời tất thứ đó không thể viết thành văn. Khổng Lão cho văn trong sáng là văn sống thực là tâm của con người, vì; không có hơn thua, không có đòi hỏi mà cần có tình người là lý lẽ chân truyền của người viết văn. Lấy từ cái không thực để chuyển sang cái có thực trong một chiều hướng luân thường đạo lý. Một chứng thực của ngành nghề viết văn. Đem văn/thơ ra thi đấu hơn thua, hay dở thì không ai gọi là trường thi hay làng văn; viết văn là nơi chốn ‘cao sang lộng lẫy’ mà vô hình chung đưa văn/thơ vào chợ trời ‘năm đồng ba trự’ uổng công tạo tác; viết văn quên hết để nhập hồn.

Đời nào cũng thế tự tạo là ý con người. Vậy thì văn chương là sáng tạo những gì chưa ai có, những gì chưa ai làm là con người biết khai phá trong lãnh vực viết văn. Còn viết tào lao chơi cho vui với đời thì ‘ngựa trắng không phải là ngựa’ (Công Tôn Long . Sử gia Trung Hoa) văn theo đàng văn, người theo đàng người.

Đó là những gì ta nói về tự tạo/ artificial nhưng bên cạnh tự tạo cũng phải có một thứ kỹ thuật (kỹ thuật viết lách), nói theo lối lý luận chính trị thì đó là của riêng có tính chất nội bộ hóa (property interiozized), nói như thế không một ám chỉ cho người viết và cũng không tỏ ý làm giảm giá trị của người viết, nghĩa rằng không phải vì thế mà đối kháng hay thăng hoa (the contracy enhances) một cách quá đáng. Viết văn là có một cái gì sâu lắng, một cái gì có tính chất kỹ thuật hóa bên trong hơn hẳn mọi thứ khác. Nhưng; phải hiểu những gì trong đó là những thứ có nghĩa lý là phương tiện để nhận biết về nó tương quan đến quá khứ, đến những gì trong lời nói, dữ kiện đó là kỹ thuật phải cần có để phản diện một cách chân tình –Writing is an even more deeply interiorized technology than instrumental musical performance is. But; to understand what it is, which means to understand it in relation to its past, to orality, the fact that it is a technology must be honestly faced. Viết văn tưởng là giải bày hay phơi mở một điều gì đó. Không! nó có một giọng văn nghiêm khắc như dạy đời hay lời tha oán, ngay cả ‘text’ qua một bản tin ngắn. Tiếng nói (của văn) phủ phàng gần như ghét bỏ, bởi; một oán hận nào đó (có thể bị ngục tù oan, có thể không được đãi ngộ…) thời âm vang đó hoàn toàn không sát thực tế đời nay. Văn chương phải thoát tục mới là văn chương sống thực.

Cho nên chi ở thời nào cũng thế viết văn hay làm thơ không nên uốn cong ngòi bút mà đó là trí lực đánh đổi tất cả mọi thứ ; ấy là viết văn. Đừng cho viết văn hay làm thơ là cái-nghiệp mà coi đó là việc làm thanh cao và chớ đem cái-tôi cạn cợt vào trong truyện hay chuyện, bởi; viết là tinh hoa, là những gì đáng qúi nhất ./.

(ca.ab.yyc. đầu tháng 11/2021)





VVM.11.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com